Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam

<< < (24/102) > >>

panphilov:


Trung tướng Trần Độ (Tạ Ngọc Phách; 23.09.1923-09.08.2002), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chính ủy kiêm Phó Bí thư Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính ủy Quân khu Tả Ngạn, Chính ủy Mặt trận Hà Nội (1946).

Thiếu tướng (1958), Trng tướng (1974).

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất...

Ông quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong một gia đình công chức thời Pháp. Năm 1939, ông tham gia làm báo "Người Mới" ở Hà Nội. Cùng năm này ông bị thực dân Pháp bắt nhưng không có đủ chứng cứ nên ông được thả. Năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1941, ông lại bị bắt và bị kết án 15 năm tù giam lần lượt tại Hỏa Lò (Hà Nội) rồi Sơn La. Năm 1943, ông trốn thoát thành công trên đường giải ra Côn Đảo và tiếp tục hoạt động cách mang. Trong cách mạng tháng 8, ông lãnh đạo giành chính quyền ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12.1946), ông là Chính ủy Mặt trận Hà Nội. Năm 1950, ông làm chính ủy Trung đoàn Sông Lô, rồi Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 1955, ông là Chính ủy Quân khu Tả ngạn. Năm 1958 ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Bước vào thời kì kháng chiến chống Mỹ, cuối năm 1964, với bí danh Chín Vinh ông vào Nam chiến đấu và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Sau đó chuyển ngành giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992). Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).

Do những chỉ trích đường lối của Đảng, ông bị khai trừ Đảng, mất quân hàm tướng. Gần đây, cuốn sách về ông do nhà văn Võ Bá Cường được nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành tại Việt Nam.

panphilov:


Thượng tướng Chu Văn Tấn (bí danh: Tân Hồng; 1910-1984), nguyên: Chính ủy kiêm Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc; Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng, Chỉ huy Chiến khu Hoàng Hoa Thám.

Thiếu tướng (1948), Thượng tướng (1959)

Huân chương Độc lập hạng Nhất, Quân công hạng Ba, Chiến thắng hạng Nhất, Kháng chiến hạng Nhất...

Ông người dân tộc Nùng, quê xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Lúc còn trẻ, một thời gian ông đi lính cho Pháp. Năm 1934, giác ngộ cách mạng tham gia chỉ đạo chiến tranh du kích ở Tràng Xá, Võ Nhai, Bắc Sơn. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2 năm 1941, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ, tham gia thành lập và chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn. Tháng 9 năm 1941, đội Du kích phát triển thành 2 đội, ông là Trung đội trưởng Cứu quốc quân 2. Năm 1944, ông chỉ huy Cứu quốc quân 2 cùng Chiến khu Hoàng Hoa Thám.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Ban lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ lâm thời từ cuối tháng 8 năm 1945 đến ngày 2 tháng 3 năm 1946. Sau đó ông được cử là phái viên của chính phủ đi kiểm tra Khu 4.

Năm 1948, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư khu ủy. Cùng năm này, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội. Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc.

Từ năm 1957 đến cuối năm 1975, ông làm Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng.

Năm 1976, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Chiến tranh biên giới Việt Trung nổ ra. Ủy viên Bộ chính trị Hoàng Văn Hoan chạy sang Trung Quốc còn ông bị bắt cách hết chức vụ và quân hàm và bị quản chế tại gia cho đến khi mất.

Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa II và III; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI

panphilov:


Phạm Thái Bường (1915-1974), nguyên Ủy viên thường trực Trung ương cục miền Nam phụ trách Quân sự, Trưởng ban An ninh Trung ương cục.

Huân chương Hồ Chí Minh...

Phạm Thái Bường, bí danh Lê Thành Nhân, sinh năm 1915 tại xã Mỹ Cẩm, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Thân sinh ông là Phạm Thời, làm phu lục lộ sở Trường tiền ở Trà Vinh. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình, nên năm 15 tuổi, ông đã phải đi làm nghề phụ hồ để nuôi thân. Vốn sáng dạ và siêng năng lao động, học giỏi, nên sau một thời gian ngắn, ông đã trở thành thợ hồ có tay nghề cao tương đối vững.

Năm 1937, phong trào Đông Dương đại hội từ các đô thị lớn đã dội đến quê ông. Nhiều cuộc biểu tình, diễn thuyết kêu đòi tự do, dân chủ, đòi cải thiện đời sống do những người cộng sản ở Trà Vinh chủ trương, đã lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, trong số đó có anh thanh niên thợ hồ Phạm Thái Bường. Dần dần được giác ngộ, năm 1938, ông tham gia vào đội Hội Ái hữu và hoạt động tích cực trong giới thợ thủ công ở địa phương. Tháng 6-1938, Phạm Thái Bường được kết nạp vào ĐCSĐD. Đầu năm 1939, là ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Trà Vinh.

Đầu năm 1940, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Trong khi đó, Bến Tre - tỉnh có cùng ranh giới chung với Trà Vinh là con sông Cổ Chiên – qua những đợt khủng bố của thực dân, phần lớn cơ sở đảng ở đây bị đánh phá tan rã, Bí thư Tỉnh ủy cùng nhiều cấp ủy viên tỉnh và huyện bị sa vào lưới mật thám Pháp. Trước tình hình đó, XUNK đã điều Phạm Thái Bường sang làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Cùng với những đồng chí còn lại sau đợt khủng bố, ông đã bắt tay củng cố phong trào, gây dựng lại cơ sở Đảng ở các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri…

Đến khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (1940), Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy hưởng ứng tích cực lệnh của XUNK ban ra. Cuộc khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào. Phạm Thái Bường và hầu hết các thành viên trong Tỉnh ủy Bến Tre lần lượt bị bắt. Trong nhà lao đế quốc, bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, Phạm Thái Bường vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo một điều gì làm phương hại đến phong trào. Tòa án của chính quyền thực dân kết án tù 10 năm và đày ra Côn Đảo.

Khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, chính quyền cách mạng cử ngay một phái đoàn đưa phương tiện ra Côn Đảo rước ông cùng các tù nhân bị giam giữ về đất liền. Phạm Thái Bường về trong chuyến tàu đầu tiên. Vừa về đến tỉnh nhà, người còn xanh xao gầy yếu, nhưng vì thấy tình hình khẩn trương, ông lao ngay vào công việc. Với tư cách là Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Phạm Thái Bường đã cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, bắt tay vào việc xây dựng chính quyền mới, củng cố Mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng thời tổ chức những lớp huấn luyện quân sự, chính trị cấp tốc để đối phó với âm mưu lấn chiếm của thực dân.

Ngày 23-9-1945, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sau đó mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ. Trong thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (1946 – 1948), Phạm Thái Bường có một tầm nhìn rộng, thoáng, đã có những chủ trương và đối sách đúng đắn như củng cố khối đoàn kết dân tộc (Trà Vinh có rất đông đồng bào dân tộc Khmer và nhiều tôn giáo phức tạp), thực hiện chính sách ruộng đất của cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương… do đó đã đưa phong trào kháng chiến ở Trà Vinh sớm đi vào thế ổn định, chính quyền cách mạng từng bước được củng cố. Năm 1948, được bầu vào khu ủy Khu 8, được phân công phụ trách 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Cũng tháng 6 năm này, được Khu ủy chỉ định quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Tháng 10 – 1949, Phạm Thái Bường được cử bổ sung vào Ban thường vụ khu ủy Khu 8, phụ trách công tác tổ chức cán bộ. Đầu năm 1953, được cử đi dự lớp chỉnh huấn của Trung ương mở tại Liên khu 5. Sau hiệp định Genève (7 – 1954), ông dẫn đầu phái đoàn của Trung ương đi truyền đạt hiệp định đình chiến ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Từ năm 1954 đến năm 1959, là ủy viên XUNB, kiêm Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây.

Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết BCHTƯĐCS, có chân trong TƯCMN.

Năm 1963, phụ trách công tác tiếp nhận vũ khí chi viện bằng đường biển cho chiến trường Nam Bộ. Cuối năm 1965, là ủy viên thường vụ TƯ Cục miền Nam. Năm 1969, làm Bí thư Khu ủy 9.

Tháng 3 – 1972, là ủy viên chính thức BCHTƯĐCS Việt Nam. Trong một cơn bệnh hiểm nghèo, ông đã từ trần ngày 29-1-1974 tại một vùng căn cứ kháng chiến ở khu 9.

Phạm Thái Bường đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng từ tuổi thanh xuân. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về lòng tận tụy với dân với nước, trước uy lực của kẻ thù, cũng như những khó khăn, gian khổ. Riêng đối với tỉnh Bến Tre, ông đã hai lần làm Bí thư Tỉnh ủy và có những đóng góp quan trọng trong việc phục hồi và xây dựng phong trào ở đây trong những lúc khó khăn.

Theo trang thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

panphilov:


Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-5h55’ 5/7/2008), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn-Đường mòn Hồ Chí Minh (Đoàn 559), Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu, Cục trưởng Cục Quản lí Giáo dục kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu.

Huân chương Hồ Chí Minh; hai Huân chương Quân công hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Thượng tá (1958), Đại tá (1967 ?), Thiếu tướng (1974).

Thiếu tướng Võ Bẩm quê tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm trong đội Thiếu niên xã làm nhiệm vụ rải truyền đơn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 8 năm 1934 và hoạt động tại địa phương.

Năm 1935, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án đưa đi ''an trí'' lần lượt tại nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột rồi cuối cùng đưa về Ba Tơ. Phong trào đấu tranh của những người tù cách mạng phát triển hết sức mạnh mẽ, có ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh vùng và cả dưới xuôi, trước tình hình đó, thực dân Pháp đưa ông về quản thúc tại xã nhà. Trở về quê, ông không ngừng gây dựng cơ sở tại địa phương, đến tháng 3/1945 tham gia tổ chức Việt Minh là thư ký Việt Minh xã, thư ký Việt Minh tổng rồi Ủy viên huyện Kim Tài tỉnh Quảng Ngãi.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, núp bóng quân Đồng minh, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 10 năm 1945, ông nhập ngũ là Chính trị viên khu Nam tỉnh Bình Định là Đảng ủy viên Tiểu đoàn Cao Thắng. Năm 1946, ông là Chính trị viên Trung đoàn 79, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn (Trung đoàn ủy), Quân khu Ủy viên.

Năm 1948, ông là Phân khu trưởng kiêm Chính ủy Phân khu phụ trách Ủy ban hành chính kháng chiến Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Phân khu ủy, Bí thư Ban cán sự Tỉnh Kom Tum. Năm 1949, ông được cử đi học văn hóa rồi sau đó là Trưởng đoàn nhận viện trợ của Khu 5 vượt biển sang Trung quốc (năm 1950) tham gia Ban cán sự nước ngoài của Trung ương trên cương vị Ủy viên. Từ năm 1951 đến năm 1952, ông học tại trưởng Mác Lê-nin tại Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Về nước, cuối năm 1953, ông là Trưởng ban tác huấn Bộ Tư lệnh Liên khu 5.

Tháng 4.1954, ông là Chính ủy Trung đoàn 803 trực thuộc khu 5, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc, tháng 1.1956, ông là Đoàn trưởng Đoàn kiểm tra Công tác Chính trị, Tổng cục Chính trị. Tháng 4.1957, ông là Cục phó Cục quản lý Giáo dục Bộ Tổng tham mưu. Năm 1958, ông được cử làm Cục phó Cục nông trường Quân đội.

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông, khi đó mang quân hàm Thượng tá, thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” để nhanh chóng đưa cán bộ, bộ đội và các thứ cần thiết như vũ khí, đạn dược, thuốc men vào miền Nam theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Nhiệm vụ của đoàn là chuyển người và đưa hàng đến bờ bắc sông Bến Hải. Nhân sự của đoàn hoàn toàn do ông quyết định.

Lúc đầu, biên chế của Đoàn chỉ có Ban Chỉ huy Đoàn Vận tải 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí... tất cả gồm 500 người, ông là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự. Đầu tháng 6/1959, ông trực tiếp vào Hồ Xá – Vĩnh Linh chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và Trị - Thiên. Cuộc họp quyết định đề đạt lên Bộ Chính trị cho đoàn chuyển hàng vào sâu hơn nữa-qua sông Bến Hải. Ý kiến này sau đó đã được chấp thuận. Sau đó, Đoàn 559 tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do ông trực tiếp chỉ huy. Sau khi khảo sát xong, việc vận chuyển vũ khí được tiến hành gấp rút. 20 tấn vũ khí là chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Pháp được bao gói cẩn thận, bí mật chuyển tới khu tập kết của Đoàn 559 tại khu rừng già gần Khe Hó. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 301, Đoàn 559 chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ băng rừng lội suối, đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào đến Tà Riệp - bắc A Lưới an toàn, và được bàn giao cho Khu 6.

Ngày 12/91959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, về Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy, với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; vận chuyển và đảm bảo hậu cần cho Đoàn chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn.

Tính đến hết năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn, Đoàn trưởng Võ Bẩm, đã chỉ huy bộ đội Đoàn 559 mang vác chuyển cho Khu 5 và Trị - Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, hàng ngàn quân cụ thiết yếu; đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường. Năm sau, Đoàn trưởng Võ Bẩm đề xuất một ý kiến táo bạo là cho phép Đoàn được vận chuyển các loại súng lớn vào chiến trường.

Từ khi được chi viện, quân dân Khu 5 đã đánh thắng nhiều trận giòn giã. Kẻ thù lồng lộn đánh phá con đường vận chuyển mới hình thành. Chúng mở hai đợt chiến dịch “Hoành Sơn” nhằm chia cắt, xóa sổ tuyến giao liên chiến lược. Trước tình thế nghiêm trọng này, không thể vận chuyển trên tuyến đường cũ, Chỉ huy Đoàn 559 quyết định mở tuyến đường mới. Nhiều đoàn được cử đi khảo sát soi đường ở tuyến đông Trường Sơn nhưng không có kết quả. Với cương vị là Đoàn trưởng, Võ Bẩm đã cùng CBCS trong đoàn nghiên cứu giải quyết tình thế khó khăn này.

Tháng 8/1960, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Mít trực tiếp chỉ đạo tổ chức lực lượng khảo sát đường mới dọc tuyến biên giới Việt – Lào, vừa tìm đường mới vừa gây dựng cơ sở, vừa cố gắng khôi phục lại đường cũ và áp dụng những hình thức chiến thuật vận chuyển mới. Ngay sau khi Đường Trường Sơn đi vào hoạt động ổn định, ông cùng đoàn mở một tuyến đường chi viện trên biển cho miền Nam. Kế hoạch này nhanh chóng được Bộ Chính trị thông qua và giao cho ông tuyển chọn những cán bộ chiến sĩ khu 5 tập kết thành lập đơn vị, ngụy trang là "đoàn đánh cá". Đến đầu nǎm 1960, "tập đoàn đánh cá" này bắt đầu đánh cá để thǎm dò và thực tập ở vùng biển cửa Sông Gianh. Đây là tiền thân của những đoàn tàu không số, của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Đến tháng 3/1961, tổ khảo sát mới bắt được liên lạc với đại diện Liên khu ủy 5 ở vùng Chun trên dãy Trường Sơn để cùng phối hợp làm nhiệm vụ. Đến đầu tháng 5/1961, một tuyến đường giao liên hành quân mới được hình thành-Tây Trường Sơn bên lãnh thổ Lào là vùng đất mà lâu nay ta giúp Lào xây dựng cơ sở, bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592), chạy ngang qua động Vàng Vàng, vượt biên giới sang bản Tà Ha (cao điểm 1034) thuộc đất bạn, vượt sông Sê Pôn (tại khu vực bản Keng) qua Sa Đi, Mường Noòng vào tới La Hạp. Nhờ có tuyến đường mới này, ta có những thuận lợi to lớn, việc chi viện miền Nam có điều kiện để mở rộng quy mô, đồng thời phòng tránh được sự phá hoại của địch, pháo lớn bắt đầu được đưa vào chiến trường.

Ngoài tuyến đường tây Trường Sơn đặc biệt quan trọng này, từ thế độc tuyến, Đoàn 559, dưới sự chỉ huy tài tình của Đoàn trưởng Võ Bẩm còn mở thêm một số tuyến đường mới như một số đoạn của tuyến giao liên tây Trường Sơn phát triển thành đường 16 - một tuyến trục ngang; đường 129 dài gần 200km, từ Lằng Khằng (đường số 12) băng qua nhiều cánh rừng, sông suối như sông Sê Băng Hiêng, Sê Băng Phai... vào đến Pác Pha Năng, nối thông với đường 9 ở Mường Phìn.

Những năm sau này, nhiều tuyến đường khác còn được mở hoặc sửa chữa, nâng cấp. Từ đơn thuần là đường gùi, thồ nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã được trang bị 6 xe Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ... Lực lượng vận chuyển không chỉ phòng tránh địch đánh phá, mà còn được trang bị vũ khí để “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Đồng thời, từ chỗ phải “giấu dân”, Đoàn đã tiến tới tranh thủ và gây dựng cơ sở trong nhân dân. Đặc biệt, ta còn dùng cả máy bay vận chuyển vũ khí đến sân bay Tà Khống (cách Sê Pôn khoảng 5km), hoặc thả dù gạo xuống đường 129 mới mở.

Trước sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt: hàng trăm lượt máy bay B52, hàng ngàn lượt máy bay phản lực ném bom, rải chất độc hóa học đã được huy động. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết tăng cường tổ chức và nhiệm vụ của Đoàn 559 tương đương cấp Quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được điều vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559; Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh. Bộ Chính trị quyết định mở đường 20 Quyết Thắng, xuất phát từ Phong Nha (Quảng Bình) vượt qua dốc U Bò, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích sang đến Lùm Bùm (tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào). Phó tư lệnh Võ Bẩm đã trực tiếp trình bày phương án chọn tuyến cũng như giải pháp thi công với ông Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng và được Bí thư thứ nhất nhất trí cao.

Sau sự kiện mở đường 20 Quyết Thắng, năm 1966, Võ Bẩm được lệnh rút ra Hà Nội để chữa bệnh vì những năm tháng lăn lộn trên đường Trường Sơn đã khiến sức khỏe ông suy giảm. Sau khi chữa bệnh ở Trung Quốc, trở về nước, ông được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào, sau đó làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục (11.1967), Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Tổng tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu (1969), Trưởng ban căn cứ Bộ quốc phòng. Tháng 8.1971, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng Thanh tra quân đội, năm 1974, được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1980, ông về nghỉ hưu.

Dựa theo Báo Công an Nhân dân online.

panphilov:


Thượng tá Nguyễn Quốc Trị (1921-1967), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô (E102) Đại đoàn Quân tiên phong (F308). Ông là một trong 5 anh hùng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (phong tặng 19/05/1952) và là người có vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc trong buổi lễ chào mừng ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Tên của ông được đặt cho một đường phố ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất

Thượng tá Nguyễn Quốc Trị quê tại xã Phương Ky, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống yêu nước thuộc dòng họ Nguyễn Quốc.

Ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng ở địa phương. Năm 1930-1931, thời điểm của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, vừa trăn trâu ông vừa tham gia giải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Năm 1940, ông gầy ốm mà vẫn bị thực dân Pháp bắt đi phu làm đường trên mạn Cửa Rào, Mường Xén rồi sang tận bên Lào. Vừa cực, vừa căm, ông đã thẳng thừng chống lệnh giặc Pháp nên phải chịu án tù khổ sai khi mới vừa tròn 19 tuổi.  

Ở trong tù, Nguyễn Quốc Trị vận động đấu tranh giúp đỡ anh em mọi mặt về học tập, ăn ở và vận động mọi người tìm cách phá ngục. Sau khi, Nhật lật đổ Pháp, thời cơ đến, Nguyễn Quốc Trị cùng anh em phá ngục, xung phong vào đội thanh niên xung phong của xã tiên phong chống Nhật. Trong trận tham gia đánh Nhật đầu tiên, ông đã cùng tiểu đội diệt được 10 tên, đốt cháy 5 xe.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia bộ đội chủ lực Liên khu 4. Cuối năm 1946 đầu năm 1947, ông đã tham dự nhiều trận đánh ở Vinh, Huế, Đông Hà... cùng đồng đội diệt hàng trăm tên giặc, bắt sống nhiều tên, bản thân ông đã diệt 19 tên Pháp và 2 tên Nhật. Khi Đại đoàn Quân tiên phong được thành lập, ông được điều về chiến đấu trong đội hình Đại đoàn, trưởng thành từ Đại đội trưởng đến Tiểu đoàn trưởng rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô. Cùng với Đại đoàn, ông đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng ở Bắc Bộ: Biên Giới, Hòa Bình, Trung Du... và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong Chiến dịch Biên Giới 1950, sau khi hạ đồn An Châu và diệt đồn Đông Khê, ông được giao nhiệm vụ dẫn quân vượt núi cao ngăn không cho lính Sác Tông xuống kết hợp với lính Lơ Pa ở Lạng Sơn lên. Lúc này bộ đội vừa nhịn đói mấy ngày liền khi sang khỏi núi thì gặp hai cánh quân địch tiến đánh. Ông liền động viên anh em chia trung đội thành hai mũi đánh trả quyết liệt, sau đó đánh thẳng vào đại đội bảo vệ bộ tham mưu của lính Lơ Pa, bắt sống 39 tên, diệt 13 tên, rồi dẫn giải 150 tù binh về Đông Khê. Sau một loạt trận thắng tương tự như thế, Nguyễn Quốc Trị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng biệt danh "nhanh như sóc".

Từ trận đánh đầu tiên 10/1945 cho đến Trận Tu Vũ trong Chiến dịch Hòa Bình 1952, ông đã tham gia và chỉ huy 95 trận. Trong Đại hội toàn quốc Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu ngày 19.5.1952 tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Quốc Trị được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội lần đầu tiên cùng với ba anh hùng khác: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Ngô Gia Khảm.

Trong ngày về tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 7.10.1954, người ta nhắc, viết nhiều về người anh hùng quân đội nổi tiếng này với hàng trăm trận đánh quyết tử. Khi ấy ông đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308. Hồi đó Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị được giao nhiệm vụ dẫn đơn vị tiền trạm từ Phùng về Cầu Giấy rồi tiến thẳng vào Hà Nội tiếp quản dinh Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), sau đó là cầu Long Biên; để ngày 10.10.1954, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ chỉ huy đại quân tiến thẳng vào 5 cửa ô. Đó là ngày hàng vạn người dân Hà Nội đứng chật những ngả đường quanh phố Hoàng Diệu. Trên tầng tháp cao nhất của cột cờ cổ kính, trước hàng rào danh dự gồm những anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu chiến sĩ quyết tử của Hà Nội, chính Anh hùng Nguyễn Quốc Trị là người vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc lên cao tận chót đỉnh cột cờ Thăng Long trong lễ mừng giải phóng thủ đô.

Hoà bình lập lại trên miền Bắc, trong đợt phong Quân hàm đầu tiên của Quân đội (1958), ông được phong quân hàm Thượng tá. Một thời gian sau ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 4. Ngày 16.8.1967, thượng tá Nguyễn Quốc Trị - Hiệu trưởng trường Quân chính Quân khu 4 - đã ngã xuống đất quê trong một lần trên đường về nhà, ông ra thăm, động viên bộ đội trận địa pháo cao xạ trước làng Phượng Kỷ. Biết trước đoạn đường đang đi có bom nổ chậm nhưng "biết khi nào bom nổ mà chờ". Tình yêu những người lính Cụ Hồ trong anh trỗi dậy ở những giờ phút cực kỳ cần thiết để động viên họ trong khói lửa đạn bom có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Vậy là ông quyết đi, đi cả vào trong tiếng nổ của bom thù để ngã xuống đất quê lam lũ.

Theo Báo lao động online.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page