Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:55:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân  (Đọc 65829 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2008, 06:20:43 pm »

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội NHÂN DÂN nhớ tướng Nguyễn Sơn

Minh Quang



  Gặp lại đồng chí Chu Văn Biên, một vị lão thành cách mạng, năm nay đã 83 tuổi, anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm cùng nhau ở Khu IV cũ, và nhắc tới Tướng Nguyễn Sơn; đồng chí Biên nói: Đối với ông Sơn, thì có nhiều kỷ niệm, nhưng có 2 việc mình tâm đắc nhất:

  1. Khu uỷ kiểm điểm lại sự tan vỡ của mặt trận Bình - Trị - Thiên, nhất là Huế, vì nơi đó là cố đô, lại là nơi có trụ sở của Uỷ ban kháng chiến Trung bộ, nên mỗi tỉnh đều có lực lượng tăng cường cho Huế, nay tan rã cả. Đa số trong khu uỷ, trong đó có cả tôi, rất đông tình là phải thi hành kỷ luật, cách chức một số cán bộ; nhưng ông Sơn không nghe, ông phân tích: Bộ đội ta mới thành lập, cán bộ chỉ huy còn chưa kinh qua chiến đấu, thậm chí có anh chưa hề nghe tiếng súng, trong khi đó, binh lực, hoả lực của địch mạnh là thế, sự tan rã là khó tránh; có kiểm điểm, nên xem lại sự chỉ đạo của khu uỷ, kế hoạch phòng thủ của quân khu ra sao để rút kinh nghiệm, chứ không nên thi hành kỷ luật cán bộ; đồng thời ông đề nghị mỗi tỉnh phải thành lập "trạm trung thu", không những ở các thị xã, mà cả dọc đường bộ, đường thuỷ, để thâu góp bộ đội lại, không được làm cho họ sợ, mà phải cho ăn, nghỉ, phát cho mỗi người một bộ quần áo, cho về nghỉ phép vài hôm, rồi mới tập hợp lại biên chế thành đơn vị mới, huấn luyện cẩn thận, lúc đó mới tăng cường cho bộ đội được (ở Vinh lấy Hoàng Cung trong thành làm nơi tập kết, vì nơi đó cao ráo, sạch sẽ). Rõ ràng ý kiến của ông ta trái ngược hẳn ý kiến mình, nhưng nghe được, "có tình có lý" và khu ủy dễ dàng chấp thuận.

  2. Địch chiếm Quảng Bình, đánh thẳng ra phía tây Sông Giang, chiếm làng "Troóc" lập đồn, hòng ngăn chặn đường tiếp tế, liên lạc của ta với mặt trận Bình - Trị - Thiên và phía Nam, gây khó khăn cho ta rất nhiều. Khu uỷ họp, dưới sự chủ toạ của đồng chí Hồ Tùng Mậu, ra nghị quyết: trao nhiệm vụ cho quân khu, cụ thể là ông Sơn, trong một thời gian thật ngắn phải tiêu diệt đồn "Troóc" giải phóng nhân dân, thông đường liên lạc giữa Bắc và Nam; Ông Sơn về bàn với Quân Khu uỷ, thống nhất kế hoạch, mở một đường giao thông bí mật tạm thời, để liên lạc với phía trong, mặt khác, tổ chức cho nhân dân làm vườn không nhà trống để tránh thiệt hại, đồng thời cho bộ đội, dân quân du kích bao vây, cô lập đồn, tổ chức bắn tỉa, không cho địch nống ra - Lúc đầu, địch cũng hung hăng, bắn trả ác liệt, nhưng hễ thò ra thằng nào chết thằng đó, thậm chí phải tiếp tế cho đồn bằng máy bay, cuối cùng, bí quá địch phải bỏ đồn rút chạy. Quân khu uỷ và ông Sơn hoàn thành nhiệm vụ mà khu uỷ trao cho.

  Làm sao quên được phong trào "rèn cán chỉnh quân" ở Khu IV, ông Sơn có kế hoạch tỷ mỉ cho từng vùng: Nơi địch tạm chiếm, phát triển du kích chiến tranh, thi đua giết giặc, bắt tù binh, cướp vũ khí của giặc để trang bị cho mình, hết sức hạn chế thiệt hại; đơn vị chiến đấu, làm sao nâng cao được năng lực chỉ huy của cán bộ, sức chiến đấu của đơn vị, thế lực của bộ đội, kỳ này ông Sơn chú trọng tới các đơn vị cơ quan (thường mang tiếng lính cậu) làm sao cho gọn nhẹ, cơ động sẵn sàng chiến đấu, và phải làm quen với địa hình địa vật xung quanh, do đó ta thấy, hôm qua bộ đội ở Thiệu Hoá, vài hôm sau đã thấy ở Thọ Xuân, ông không đóng quân ở đâu lâu. Người ta nhìn thấy ông ở Truồi (Tĩnh Gia) vai đeo ba lô chạy đầu hàng quân, vừa chạy vừa động viên anh em khác chạy. Ông mở đại hội tập để tổng kết phong trào rèn cán chỉnh quân ở Cổ Định, để phát huy thành tích đã đạt được. Ông quyết định tiêu diệt cứ điểm Đồng Dương phải thắng, không được thua, phải bắt được tù binh, vũ khí địch, phân công đồng chí Trần Văn Quang lúc này là chính uỷ khu, kiêm chỉ huy trưởng mặt trận Bình - Trị - Thiên đốc chiến, kết quả ta thắng ròn rã, ngoài tiêu diệt ta còn bắt được hơn 10 tù binh, thu vũ khí địch. Luyện quân, luyện cơ quan của ông Sơn là như vậy.

  Ông mở lớp thiếu sinh quân đầu tiên ở nước ta, thu thập các con em cán bộ còn nhỏ tuổi vào học văn hoá, quân sự, để giúp cho cán bộ yên tâm công tác, nhưng chủ yếu là đào tạo, một lớp cán bộ tốt cho mai sau, chúng ta thấy Trần Khải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (sau này ủy ban kế hoạch Nhà nước), Vũ Tuấn, Hiệu trưởng Trường Sư phạm I, còn phó tiến sĩ, kỹ sư, giáo sư rất nhiều, đều xuất thân từ Trường Thiếu sinh quân Khu IV...

  Đồng chí Chu Văn Biên nói: "Nom ông rất "dữ" tướng, đúng là một vị tướng quân sự, nhưng trái lại ông lại rất sành về văn nghệ". Đúng thế, ông không những có bản lĩnh, mà còn hào phóng, phóng khoáng, nên được các giới văn nghệ sỹ rất quý mến, ở Xim (Thanh Hoá) ông nói 7 ngày liền về công tác văn nghệ, ông phân tích cái hay của Truyện Kiều, từng động tác một của kịch Lôi Vũ, đối tượng người nghe, một số bộ đội, nhưng đa phần là giới văn nghệ sỹ, các ông Đặng Thai Mai, Chu Ngọc, Bửu Tiến, Nguyễn Ngọc, v.v... buổi nào cũng dự.

  Sau khi ông Sơn mất, tôi có hỏi về việc tham gia "kháng Mỹ viện Triều" của ông? Bà Lê Hằng Huân cho biết ông Sơn có danh sách, nhưng cùng lúc đó ông ở lại học lớp "quân sự cao cấp", nên không đi Triều Tiên.

  Theo học lớp cao cấp quân sự, ông là học viên người nước ngoài, nhưng ông cũng là giảng viên môn "Đảng sử Trung Quốc".

Tháng 12-1994
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2008, 06:23:23 pm »

Cảm nghĩ về tướng Nguyễn Sơn,
tướng huyền thoại của Việt Nam hiện đại

Nguyễn Báu*



Kiêu Kỵ - Kiêu hùng Tướng Nguyễn Sơn
Dẫu rằng đời những lắm người hơn
Vẫn là tướng lĩnh hai đất nước(1)
Không khác âm vang một tiếng đờn
Trận mạc - hoà đồng câu chính khí
Nhân văn - thuần khiết tấm lòng son
Thế gian hồ dễ bao người nhỉ!
Kiêu Kỵ - tự hào một Nguyễn Sơn

*
*     *

Kiêu Kỵ - tự hào có Nguyễn Sơn
Có kiêu có kỵ, có vuông tròn
Trí viên tâm tế (2) in sâu nét
Đảm đại hành phương (3) hiện rõ khuôn



Vạn lý trường chinh mòn đá núi
Trường kỳ kháng chiến vẹt đường thôn
Mày râu đất Việt - trai Kiêu Kỵ
Kiên định lòng son với nước non.
-------------------------
* Nguyên chiến sĩ thuộc quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Sơn. Ông quê ở Khu IV, hiện đã nghỉ hưu, trú tại 7A, Phan Bội Châu, Hà Nội.
1. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
2, 3. Những từ rút trong thiệp thư Bác Hồ "Gửi Sơn đệ".


Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2008, 07:53:49 pm »

Ngẫm mãi câu "hoà để tiến"

Nguyễn Việt Phương



  Chi đội Độc lập I Nam tiến đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất, được đưa lên An Khê (bắc Tây Nguyên) tổ chức bố phòng chiến dịch.
Chi đội đang luyện tập thì nghe tin "Cụ Hồ đã ký Hiệp định Sơ bộ"(!). Vậy là lại bắt tay với Pháp ư? Không có đài, mãi mới được một tờ Cứu quốc đăng tóm tắt mấy nội dung chính. Nhiều từ ngữ lạ lẫm thật khó hiểu:... "Là một nước tự do... ở trong khối liên hiệp Pháp...". Sao lại phải "trưng cầu dân ý về sự thống nhất ba kỳ"?... Quân Pháp vào Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa..."?! Mọi người xôn xao bàn cãi. Chính trị viên chi đội đã họp cán bộ giải thích nhưng vẫn cứ vướng mắc thế nào ấy. Bỗng một hôm được lệnh tập trung tại sân vận động An Khê đón "thượng cấp". Thời đó danh từ "thượng cấp" nghe tôn nghiêm quá. Chúng tôi háo hức chờ đợi.

  Đúng giờ. Một người dỏng cao, da ngăm ngăm chắc nịch bước lên bục. Anh Thịnh, chi đội trưởng hô toàn chi đội bồng súng chào. Chính trị viên Nguyễn Quyết giới thiệu:

  - Hôm nay, đồng chí Nguyễn Sơn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chánh miền Nam Việt Nam đến thăm và nói chuyện với chi đội ta.
Các đồng chí hoan nghênh.

  Tiếng hô vang động kéo dài. Chủ tịch Nguyễn Sơn giơ tay vẫy đáp lễ. Ông đưa mắt nhìn đoàn quân súng ống đầy đủ, nhiều cán bộ mang cả kiếm Nhật, ống nhòm, tạc đạn đeo lủng lẳng trước bụng.

  Ông khẽ gật đầu cười mỉm:

  - Chi đội các đồng chí trông vẻ hùng dũng lắm. Đế quốc Pháp đã nổ súng xâm lăng Nam Bộ. Các đồng chí biết cả chứ?

  Tiếng đáp lại:

  - Chúng tôi biết mới xung phong Nam tiến!

  Nghe cách trả lời không điều lệnh của cán bộ, ông cười hà hà:

  - Rất hoan nghênh tinh thần xung phong, trai thời loạn mà. Nhưng còn phải học quân phong, quân kỷ nữa đấy. Chuyện đó nói sau. Bây giờ tôi muốn nói với các đồng chí một vấn đề hệ trọng...

  Chúng tôi cảm nhận ngay ở ông phong thái nghiêm túc mà khoáng đạt. Ông cất tiếng sang sảng:

  - Trước chi đội các đồng chí đã có ba chi đội Nam tiến rồi, nhưng không được mang súng. Các đồng chí có hiểu vì sao không?

  Đa số không rõ. Vài đồng chí biết chút ít, trả lời:

  - Vì bọn Tàu Tưởng ngăn cản.

  - À hà! Đúng đó. Hoa quân nhập Việt để làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, nhưng chúng càn rỡ ngang nhiên cấm ta để hậu thuẫn cho giặc Pháp dễ bề hành động. Ta buộc phải thương lượng cho nó chút ít, chi đội các đồng chí mới có thể mang theo súng.

  Toàn chi đội thoắt ồn lên:

  - Phải đuổi chúng nó cút khỏi nước ta...

  - Nếu Cụ Hồ ra lệnh, chỉ một ngày chúng nó bị quét sạch.

  Chủ tịch Sơn giơ hai tay vẫy vẫy ra hiệu trật tự.

  - Đuổi nó ra khỏi nước ta là đúng, nhưng làm như các đồng chí nghĩ lại sai. Vì quân Tàu vào Việt Nam theo kế hoạch của phe Đồng Minh, nếu ta nổi nóng thô bạo thì ta tự hoá thành người chống lại Đồng Minh diệt phát xít, sẽ bị cô lập. Các đồng chí cần hiểu rõ điều đó.

  Có tiếng hỏi to:

  - Vậy sao lại ký tạm ước thuận cho quân Pháp vào miền Bắc? Khác nào chuyện rước cọp đuổi sói!

  Chủ tịch Sơn nhìn người vừa nói:

  - Đồng chí tỏ ra nhớ cổ tích dân gian đấy nhỉ. Nhưng các đồng chí có biết những ba con cọp với một con sói cùng lăm le vồ ta không? Đó là Mỹ, Anh, Pháp và Tưởng đấy. Lại nữa, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh trùm phản động Quốc dân đảng rất nguy hiểm đang dựa Tàu Tưởng ra sức phá ta từ bên trong để tiếp tay cho địch - Ông nhìn khắp toàn quân, rồi cao giọng - Các đồng chí thử nghĩ một người vừa ốm khỏi cùng lúc chọi với bốn, năm kẻ dữ được không? Cụ Hồ quyết tâm giành độc lập, cả nước đồng lòng, nhưng đánh kẻ địch nào? Đây là vấn đề nghệ thuật chọn đối thủ và gạt bớt kẻ đánh hôi. Tạm ước 6 tháng 3 là cái "quyết bắt tà" tuyệt luân đấy. Mười tám vạn quân Tưởng phải ra đi, thay vào đó chỉ có một vạn rưởi quân Pháp lại phải phối hợp với một vạn quân đội ta làm nhiệm vụ tiếp phòng. Thế là bọn Quốc dân đảng phản động mất chỗ dựa đành cuốn xéo. Ta ở trong khối Liên bang Đông Dương, khối Liên hiệp Pháp thì Anh, Mỹ hết cớ nhảy vào xâu xé tranh mồi. Một đòn gạt bốn tên. Các đồng chí thấy sao?

  Cả đoàn quân bùng lên, hào hứng: "Hay lắm! Giỏi vô cùng!". Chợt có tiếng hỏi to:

  - Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập dựng nền dân chủ cộng hoà, nhưng trong Hiệp định Sơ bộ chỉ ghi nhận là "một nước tự do"! Như vậy là nghĩa làm sao?

  - Một câu hỏi thời sự nóng hổi - Ông Sơn gật đầu, mục tiêu của cách mạng Việt Nam đúng như bản Tuyên ngôn ngày 2 tháng 9. Nhưng đấu tranh để tới đích là một quá trình gay go phức tạp. Kẻ địch đông, hùng mạnh hầm hè nuốt chửng Việt Nam , song chúng còn mắc dàn xếp với nhau. Ta thì đơn lẻ sức còn yếu, phải có thời gian để xây dựng phát triển lực lượng đủ mạnh. Nếu không tỉnh táo bị khiêu khích thì cách mạng sẽ bị địch xúm lại dìm trong biển máu thất bại. Cụ Hồ là bậc đại cách mạng chí thành, nhà tư tưởng chiến lược vượt lên mọi tầm cao trí tuệ đương thời. Trong phút lâm nguy ngàn cân treo sợi tóc, Người quyết định "hoà để tiến" - một truyền thống dân tộc "lấy chí nhân thay cường bạo" chứ không phải như cái hoà ước năm 1883 - 1884 của nhà Nguyễn chịu sự đô hộ hoàn toàn... Xưa kia, Pháp chỉ có mấy cỗ đại bác mà làm được thế. Nay chúng đủ cả máy bay, xe tăng, tàu chiến mà phải thừa nhận Việt Nam là một nước tự do có chính quyền, quân đội, tài chính riêng của mình. Hiệp định sơ bộ là một thoả ước pháp lý công bố toàn thế giới thì quả là thắng lợi to lớn chưa từng có trong thời thuộc Pháp...

  Chủ tịch Nguyễn Sơn mỉm cười hỏi to:

  - Các đồng chí còn gì chưa rõ?

  Lê Ninh, trung đội trưởng giơ tay:

  - Xin hỏi: Thực dân Pháp rất xảo trá lật lọng, làm sao có thể tin được lời nói hứa trưng cầu dân ý thống nhất ba kỳ?

  - Có nhiều anh em nghĩ thế không?

  Đoàn quân ồn lên:

  - Tất cả! Tất cả nghĩ vậy.

  Chủ tịch Sơn gật đầu:

  - Các đồng chí nghĩ đúng. Cụ Hồ đã dự kiến Pháp sẽ phản bội lời hứa. Chính vì vậy, chúng ta mới phải Nam tiến. Chỉ thị "Kháng chiến và kiến quốc" của Chính phủ là phản ánh chủ trương "hoà để tiến". Toàn dân đồng lòng ủng hộ hoà đàm và sẵn sàng khi cần tiến lên bằng cuộc kháng chiến trường kỳ. Chúng ta là quân nhân cũng đồng lòng chứ?

  Một rừng tay vùng cao:

  - Sẵn sàng.

  - Hoà để tiến.

  - Sẵn sàng kháng chiến trường kỳ.

  Chủ tịch Nguyễn Sơn đưa nắm tay lên ngang tai, hô to:

  - Sẵn sàng tiến theo ngọn cờ Chủ tịch Hồ Chí Minh!

  Sau buổi nghe chuyện, tôi cứ nghiền ngẫm về phương châm "hoà để tiến". Suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đến ngày nay, ý sâu của ba từ ấy thực đã ứng nghiệm qua nhiều giai đoạn.

Theo: Sự kiện và Nhân chứng 3-1996
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2008, 07:58:16 pm »

Lá rụng về cội*

Chế Lan Viên



  Tôi rất ham đọc hồi ký: Không gặp được nhà văn có tài, ta cũng gặp tài liệu. Tôi rất phục những người viết hồi ký, sao họ có trí nhớ giỏi thế, họ có phịa thêm chăng mà cứ như thực thế, rất tài! Còn mình, chuyện mình sống, mình trải qua, sao mình quên quá nhiều và lộn tùng phèo. Tôi rất sợ viết hồi ký, văng vẳng bên tai, lời của Chủ tịch Phạm Văn Đồng nói cùng anh Tế Hanh, anh Bửu Tiến, anh Phạm Hổ và tôi trong một bữa ăn đầu xuân cách đây hơn 15 năm, nhân có một anh trong bọn chúng tôi gợi Anh Tô viết hồi ký.

  Anh Tô cười... ngất "Hồi ký à! Kỳ quá, kỳ quá, kỳ quá. Đó là cái để khoe mình có điều gì hay và thanh minh mình có gì không tốt". Vì vậy, cái bài Hồi ký này, anh Nguyễn Đắc Xuân, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường gợi tôi viết năm năm trước, bây giờ mới dám viết ra.

  Dám viết ra, vì không dám chối từ! Tối qua, tại An hiên trang của chị Nguyễn Đình Chi, sau bữa rượu nhỏ mừng anh Thanh Tịnh, anh Nguyễn Hữu Ba về thăm quê Huế cũng là kết hợp mừng anh Nguyễn Đắc Xuân 50 tuổi đời, 20 tuổi cách mạng, và 10 tuổi vợ, dưới bóng trăng, sau tiếng đàn, đám bạc đầu lớn tuổi, chúng tôi ngồi hàn huyên các chuyện dính líu và gần với Huế:

Hai mươi năm trời, nhớ Huế nhớ không nguôi.
Biết bao phen lòng gọi chỉ lòng ơi
Màu day dứt là cái màu hoa phượng
Một dấu son không dấu nổi ngang trời.

  Từ chuyện anh Thanh Tịnh và anh Hải Châu (em ruột anh Hải Triều) bị máy bay giặc Pháp bắn lúc qua đò Vạn Rú, Hải Châu bị chết, chỉ Thanh Tịnh thoát, nhưng anh Lưu Trọng Lư ở xa nghe báo không kỹ đã viết thư cho anh Hải Châu "nhờ thuê người tìm xác Thanh Tịnh!".
Chuyện tôi cùng các anh Phạm Đăng Trí, Yến Lan, Nguyễn Hữu Ba, đi chuyến tàu hoả cuối cùng Huế - Quảng Trị về thăm quê tôi trước ngày mặt trận vỡ 1946! Chuyện 1949 tôi từ Khu IV vào, các anh Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Ba, Dương Kỵ ở thành phố Huế bị chiếm mò ra thăm tôi ở vùng tự do cầu ngói Thanh Toàn! Tổ chức cuộc gặp ấy nhớ là anh Vũ Văn Chiêm trung tướng hiện nay, lúc ấy ở trong thành đội Huế.

  Anh Tô Nhuận Vỹ và anh Tường kêu lên:

  "Không có máy ghi uổng quá! Vậy thì các anh phải viết kẻo..." Tôi hiểu kẻo gì rồi! Từ ngày anh Xuân Diệu mất, thì đám lớn tuổi chúng tôi đều được đánh giá là có khả năng sớm ra đi vào "cõi mô tê" (chữ anh Xuân Diệu) như thế cả. Mất người, nhưng quan trọng nữa , là mất tư liệu sống mà! Nhân tôi nói đến đoàn "Xây dựng", "Chỉ ở Huế mới có không mô có" các anh nổi máu địa phương lên bảo: "Viết đi, viết đi".
Thế là tôi không dám chối từ! Thế là có cái bài văn không ra văn này, mà tôi gọi đi là hồi ký. Mà cũng phải viết thật! vì óc tôi nhớ đã lù mù lắm. May ra các anh khác đọc và còn nhớ kỹ đính chính, bổ sung giùm.

*
*     *

  Bài này đặt tên là "Lá rụng về cội". Còn vì sao mà đặt vậy, cuối cùng anh chị em Sông Hương sẽ hiểu. Sau Cách mạng tháng Tám, ở Huế tụ tập rất đông văn nghệ sĩ. Hoạ có các anh: Phạm Đăng Trí, Nguyễn Đức Nùng, Tôn Thất Đào. Nhạc có các anh: Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Hải Châu, Trần Hoàn, chị Lệ Minh (vợ anh Lư) anh và chị đang "thời trăng mật". Văn có Thanh Tịnh, Trịnh Xuân An, Bửu Tiến, Trần Thanh Địch, Hoàng Trọng Miên. Thơ có Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Khương Hữu Dụng, Phan Văn Dật, Võ Quảng, Hoàng Yến, Nguyễn Đình Thư, Phan Thanh Phước. Đông nhất là lý luận, nghiên cứu phê bình: Hải Triều, Hải Thanh, Bội Lan, Phan Nhân, Hồng Chương, Dương Kỵ, Lưu Quý Kỳ, Đào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh... Các bạn tha cho nếu tôi đã để sót một ai, và sắp xếp lộn xộn không theo trật tự, ngôi thứ gì.

  Tất cả các nơi trên toàn quốc đều có Hội Văn hoá Cứu quốc, Huế cũng có. Nhưng một số anh em, trong đó có tôi, sợ cái khẩu hiệu "Dân tộc, khoa học, đại chúng" nên quây quần với Việt Minh. Trung bộ thì quây quần, vì ở đó có Tố Hữu, nhưng vào Văn hoá Cứu quốc thì không vào! Văn học dân tộc thì được! Nhưng "khoa học" thì còn gì là văn học nữa! Và "đại chúng" eo ơi! Không được đâu:

  Bóng đêm vẫn không ngừng
  Tấn công vào ánh sáng - mà lại!

  Anh Tố Hữu... và anh Nguyễn Chí Thanh đã nghĩ ra một đoàn thể là "Đoàn Xây Dựng" với cái phương châm Dân tộc dân chủ... Thế là tất cả hôm sau đều có mặt ngay! Vào hết! Thế rồi Ban chấp hành lâm thời được bầu ra hay đúng hơn được giới thiệu và hoan nghênh một cách dễ dàng gồm có các anh Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư, Lưu Quý Kỳ và tôi. Có các anh Hải Triều, Tố Hữu hay không tôi quên mất! Nhưng chắc hồi ấy, không cần đưa nhiều đảng viên, nhất là các đảng viên quan trọng vào đến thế. Nhưng cũng có thể có. Hồi ấy rất chi là thoải mái. Anh Nguyễn Chí Thanh còn lên sân khấu diễn kịch với chị Thanh Hương mà.

  Đoàn Xây Dựng hằng tuần họp ở trụ sở tờ báo Ánh sáng. Chủ tờ báo ấy là một người mà chúng tôi rất hâm mộ lúc còn Pháp thuộc: Anh Hải Thanh trong dòng Hải Khách (Trần Huy Liệu) Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), anh thầm lặng, ít nói, chân tình. Sau này anh bị lao, cùng tôi đi dưỡng bệnh ở Trung Quốc, tôi càng quý trọng anh hơn. Tiếc thay anh đã mất ở Nam Ninh vì bệnh tình quá nặng... Mộ anh còn chôn bên ấy.

  Trở lại Đoàn Xây Dựng. Tối nào sinh hoạt cũng có ăn chè, thường là hột sen, do chị Bội Lan nấu. Khi thì đọc thơ, khi thì bàn về sử, trình bày nhạc, đọc kịch nhưng thường là nói chuyện trên trời dưới đất. Buổi nào cũng có anh Nguyễn Chí Thanh, anh Tố Hữu, anh Hải Triều, anh Hải Thanh. Suốt một đời không ai quên Nguyễn Chí Thanh được.

  Anh Thanh ơi, viết đến đây thì tôi không dừng được nước mắt. Anh có công lớn với Bình Trị Thiên, với miền Nam, với toàn quốc, nhưng đối với bản thân tôi, không có anh và Tố Hữu tôi sẽ thế nào? Chắc Lưu Trọng Lư cũng nghĩ về mình như tôi vậy. (Phải ghi công này cho Lư. Vỡ mặt trận rồi Tây chiếm Huế, Lư lạc con, vào tận thành phố Huế tìm. Bùi Huy Tín mời mọc giữ lại, nhưng Lư không thèm, ở một đêm sáng lại lên rú).

  Anh Thanh không nói chuyện chính trị, lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác gì hết. Với đám này! tuyên truyền cái gì nữa! Hôm qua nô lệ, hôm nay độc lập, thế không đủ hiểu rồi ư. Tố Hữu, Hải Triều, Hải Thanh lại càng không. Tố Hữu có kinh nghiệm là cứ bớt tranh luận, đi vào thực tế đi, sau còn gì về sẽ bàn với nhau nốt! Hồi ấy lần họp nào mà chả cãi nhau! Có lúc đập cả bàn mà tranh luận. Và hình như cái lõi là "duy tâm và duy vật" kia. Tôi đã viết

Đi xa về hoá chậm
Biết bao là nhiêu khê.

  Từ trước khi Cách mạng đến tôi đã đi về xứ siêu hình khá xa.

  Cần phải về phía khác không thì chậm mất. Và chuyến đi thực tế của văn nghệ sĩ chuyến đầu tiên trong cả nước nữa, là chuyến đi tổ chức bởi Việt Minh Trung bộ cho Nguyễn Đức Nùng, Trần Thanh Địch và tôi vào mặt trận Tây Nguyên. Gọi đầu tiên "trong cả nước" vì chuyến đi của Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp khởi hành ở Hà Nội là sau đó mấy tháng kia. Các anh ở mặt trận miền Trung về, ghé qua Huế, còn cùng chúng tôi đi thuyền trên sông Hương, thăm các lăng lần cuối, trước khi lao vào cuộc kháng chiến lớn của dân tộc. Anh Tuân rất thú vị, có một chùm cá chép dắt theo sau thuyền. Trước cách mạng, cũng ít khi có một cuộc đi thăm lăng tẩm đàng hoàng đến vậy. Và biết đâu mọi người không vì chút hạnh phúc nho nhỏ ấy mà quyết tâm chiến đấu cho dân tộc! Để một ngày ai trở về hái lại một nhành mai trước hiên nhà, hay đi thuyền trên sông Hương, có con cá bơi theo.
---------------------------------
* Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng, Huế 1946.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2008, 08:01:47 pm »

  Đoàn chúng tôi vào đến Quảng Ngãi, thì được Tướng Nguyễn Sơn đón tiếp rất chi là đặc biệt! Trần Mai Ninh cũng làm việc với anh Sơn ở đó. Mấy chục năm rồi tôi còn nhớ các câu thơ tướng đọc cho chúng tôi hôm ấy, (và sau này khi anh hay qua chơi báo Cứu Quốc Liên khu IV). Thơ nhớ người vợ nơi hải ngoại, mà anh gọi là Mẹ Ú. Một hôm đang ăn cháo gà, anh rưng nước mắt:

  - Nhớ mẹ Ú, ăn gà chỉ thích xương.

  Thơ anh làm theo lối... nhà tướng. Trên máy chữ, như người xưa trên ngựa:

Nhớ ngày nào cùng em trên núi Thanh Lương
Hai ta cùng hái một xâu sim
Hai ta cùng hái một xâu sim
Bao giờ hái cùng em một xâu đầu quân giặc
Không có em, anh chiến đấu một nửa.

  Tôi hỏi anh: "Anh mà cũng thế à?". Anh có tật béo tai. Anh béo tai tôi: "Rồi sẽ biết thôi chú mày ạ". Và tôi đã biết. Anh chiến đấu rất kiên cường.

  Anh Sơn cho Nùng, Địch, và tôi một xấp công lệnh, đi đâu thì đi. Chúng tôi thẳng lên Tây Nguyên chiến trường nóng bỏng nhất là tôi nghe có anh Cao Văn Khánh (bạn dạy học ở Việt Anh cùng tôi) chỉ huy trên ấy. ở Tây Nguyên về, chúng tôi rất phấn khởi. Đi các nơi đều diễn thuyết. ở Đà Nẵng, anh Tế Hanh, anh Nguyễn Văn Bổng, anh Đoàn Văn Cừ, tổ chức cho đoàn tôi nói chuyện. Tôi hào hứng! "Quân Pháp không thể nào chiếm được Tây Nguyên! Các đường sá ta đều ngả cây rừng ngăn xe địch. Quân đội ta rất sẵn sàng!". Buổi sáng người đi nghe vỗ tay rầm rầm thì buổi chiều chúng tôi phải lặng lẽ chuồn ngay về Huế. Vì mặt trận Tây Nguyên vỡ! Đánh theo lối phòng tuyến thì vỡ thôi! Và sau này mặt trận Huế cũng vỡ vì thế (Bửu Tiến hay gọi là trận "muối ớt" vì ta mang rơm để đốt "đồn" khách sạn Mô Ranh của giặc, có đổ ớt vào cho khói lên cay mắt tụi quan Tây, đánh trận lần ấy lại quên diêm nên vào đêm mới xong phải liều chết rút về).

Nghìn trận thắng có trận thua góp lửa.
Phải đâu ngọn cờ nào cũng cắm ở Ngọ Môn
Khi xây rồi vỡ, vỡ rồi xây từng cơ sở
Khi ba quả lựu đạn trong tay, hai câm
còn một nổ
Khi đốt dồn mà quên diêm và ướt cả rơm
Những dại dột trứng nước ngây thơ ban đầu ta chẳng quên ơn
Tất cả đã làm máu lót đường đi cho lịch sử
Chủ nghĩa Mác không biết những ngọn cờ chiến thắng sực mùi long não và gấp nếp nằm im trong tủ
Chính qua nghìn tăm tối bão dông mà ngôi sao ta chói rọi Sài Gòn.

  Sau ngày gặp anh Trần Thanh Địch, anh Nguyễn Đức Nùng, chúng tôi hay nhắc lại cái thuở trứng nước, ngây thơ ấy. Vui nhất là chuyện vào trụ sở Việt Minh Hội An. Anh Nùng giới thiệu "Chúng tôi ở Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội vào đây". Tôi và Địch khá phục Nùng sao biết được một danh từ oai đến thế mà mình không biết.

  Nhưng các đồng chí ở Việt Minh Hội An rất hoảng hốt. Chả lẽ lại là đại biểu của Việt Cách, kẻ thù của Cách mạng đến nhà! Các đồng chí lễ phép xin xem giấy. Eo ôi! Thì té ra tên thật của Việt Minh là Việt Nam độc lập đồng minh kia! Nùng đâu biết! May mà hồi ấy chưa có cái thói truy bắt và "chụp mũ"!

  Hôm ấy, chúng tôi cũng ăn uống xong rồi chuồn sớm vì ngượng. Về đến Huế, đoàn chúng tôi được anh Nguyễn Chí Thanh, anh Tố Hữu đón như các chiến sĩ lớn từ mặt trận trở về! Đoàn văn nghệ đầu tiên đi mặt trận mà lỵ!

  Trong khi đó thì ở nhà, các anh chị em đoàn cũng hoạt động dữ dội. Trí vẽ tranh tuyên truyền, Miên giới thiệu thơ Maia trên báo Quyết Thắng, đó cũng là các bài viết về Maiakovsky, sớm nhất sau Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Hữu Ba được hoan nghênh lớn vì Lửa rừng đêm. Đoàn kịch Trọng Miên, Bửu Tiến diễn liên tiếp nhiều đêm "Lôi Vũ". Diễn ế! Cách mạng lên, giặc Pháp sắp tấn công. Giặc đói đang hoành hành! Thì hay như Lôi Vũ, chứ hay hơn nữa cũng ế là lẽ tất nhiên! Nhưng chúng tôi đã có "vốn" gì đâu mà viết được cái mới! Thanh Tịnh nhắn lời phê bình rất chi là Huế "Diễn một lần là yêu, hai lần là mê, ba lần là si đó". Chúng tôi diễn bốn lần, về cả Sịa nữa kia, và đã tan đoàn không phải vì Tây, mà vì ta ít đi xem (Đến đây lại phải ghi công Bửu Tiến, "mệ" là người có công với sân khấu với kịch Bình Trị Thiên và toàn quốc: cái thuở ban đầu). Đoàn Xây Dựng đi có tín nhiệm với nhân dân, trí thức thành phố, và với Đảng. Anh Thanh, anh Lành đẻ ra đoàn ủng hộ đoàn hết sức. Nhưng còn các anh khác: anh Trần Hữu Duệ, anh Nguyễn Duy Trinh ở phía chính quyền thì sao? ấy thế mà một buổi sáng chính quyền mời anh Lư, anh Miên và tôi đến giao cho chúng tôi bảy vạn đồng để thành lập tủ sách công dân, các sách từ chính trị khoa học cho đến văn nghệ. Tôi nộp bản thảo "Thiên chúa và Tổ quốc" không những được Việt Minh Trung bộ khen mà Tổng bộ Việt Minh còn cho ba nghìn đồng. Tố Hữu chuyển cho tôi số tiền ấy. Anh cởi cái áo sơ mi tốt đang mặc cho tôi vì áo tôi quá cũ. Nhưng lại bảo: "Hoan cho mình hai chục". Tuy anh là lãnh đạo nhưng cũng không có tiền riêng. Tôi đưa nhiều hơn anh không lấy. Tôi để một nửa tiền mua thêm sách về thơ và tôn giáo, mua mười cây cam từ Huế chở về Quảng Trị còn lại nửa số tiền đưa cho mẹ tôi. "Mẹ chăm vườn, mai sau đánh xong Tây con về nhà thì có cam ăn". Nào hay đi luôn từ đó cho đến 35 năm sau tôi mới về lại nhà và trở lại Huế. Những năm 1949, 1952, 1973 tuy tôi có trở lại Bình Trị Thiên, nhưng về đến Huế gặp lại những anh em cũ thì phải năm 1981, lúc tôi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc Hội ở Huế này! Gặp lại anh Phạm Đăng Trí, và xin xem bức tranh "Người suối bạc" mà tôi đã đặt tên trước lúc ra đi (Bức tranh khá... Liêu Trai làm tôi nghĩ đến suối vàng). Nhưng màu ở đây, lại không vàng mà bạc. Tôi cùng anh Lê Trọng Sâm tìm ngôi nhà đá ở Vỹ Dạ mà không tìm ra nổi. May quá còn nhớ rằng người bạn hàng xóm hồi ấy là anh thi sĩ Bửu Cầm. Tôi liền xông vào nhà anh Bửu. Chỉ làm quen, và cuối cùng nhờ anh mà tìm ra được! Vật đổi sao dời.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền,
Chẳng cần bụi trúc nào bên đường xưa cả.

  Dù bay đi bốn phương trời, lá rụng về cội cả. Tôi muốn nói cái cội rễ gốc nguồn là tình yêu cách mạng, yêu Tổ quốc, nhân dân. Đại bộ phận anh em trở thành đảng viên của Đảng. Anh Dương Kỵ ở lại trong thành. Nhưng không kể 1949 anh ra vùng tự do cùng Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Ba thăm tôi, mà về sau, quãng sau 1960 anh xuất hiện đột ngột ở Hà Nội rồi sau đó là một trong các cán bộ chủ chốt của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Sau 1954 vào thời "300 ngày" anh Phạm Đăng Trí đã ra Hà Nội thăm anh chị em văn nghệ cách mạng. Tôi đi vắng không gặp, nhưng Nguyễn Đức Nùng đã gặp, các anh lãnh đạo văn nghệ đã gặp. Đang giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi biết anh Thanh Nghị trong Chính phủ cách mạng lâm thời lại chính là Hoàng Trọng Quỳ, anh ruột anh Hoàng Trọng Miên, nên tôi an tâm về Miên. Giải phóng Sài Gòn, tôi vào, biết Miên là cơ sở, bài Miên được đăng báo Văn Nghệ Giải phóng số một, tháng năm 1975. Nguyễn Hữu Ba cũng ôm lấy tôi, hôm tôi thay mặt văn nghệ miền Bắc dự cuộc họp đầu tiên của Văn nghệ Giải phóng miền Nam tháng 6 năm 1975. Sau này một hôm nằm ở Chiêu đãi sở Mátxcơva chờ máy bay, anh Xá - Trung ương Uỷ viên tới phòng tôi chơi nói chuyện tào lao, giữa chuyện anh nói: "Mình mừng quá! hồi vỡ mặt trận, trước khi Ba ở lại mình có dặn dò. Vậy mà, sau mấy chục năm giải phóng, mình vào Sài Gòn, anh em trong ấy bảo Ba rất tốt. Mình mừng quá có đến thăm nhà". Anh Xá nguyên là Bí thư Quảng Trị. Tất cả về cội, không mất mát gì ư? Có chứ. Mất Phạm Duy! Chúng ta tiếc lắm, vì anh có tài lớn. Nhưng chúng ta làm sao được! Anh ấy bỏ chúng ta, chứ chúng ta đâu có bỏ anh. Hồi anh đi Bình Trị Thiên với tôi năm 1949, anh viết "Bên ni bên tê", "Bà mẹ Gio Linh" rất xúc động. Tỉnh uỷ Thừa Thiên có gợi nên kết nạp anh vào Đảng. Khu uỷ bốn còn phân vân nhưng cũng dự tính như vậy. Nhưng anh đã dinh tê về Hà Nội, vì chiến tranh những năm 1950, 1951, không còn dịu dàng như trước! Sau Điện Biên Phủ, sau năm 1954, hình như có lúc anh hối hận muốn "hướng về". Rồi lại thôi! Sau chiến thắng vĩ đại của ta hồi 1975, hình như anh lại xúc động lại. Anh Trần Văn Khê ở Pháp về, hỏi ý kiến anh Tố Hữu. Anh Tố Hữu bảo "bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi" nghĩa là quên đi thời Phạm Duy theo Pháp và theo Mỹ, chỉ nhớ cái gì ở anh là đẹp nhất trước kia và nên, sau này... Đấy cũng là thái độ của anh Hoàng Anh, Bí thư Khu uỷ hồi 1950 khi Phạm Duy bỏ kháng chiến về thành. Có một anh văn nghệ Liên khu IV bảo: "Thứ ấy càng đi, càng nhẹ nợ". Anh Hoàng Anh đã phê bình nặng đồng chí ấy:

  - Sao lại nói vậy? Anh ấy bỏ chúng ta mà đi, chúng ta phải xem lại trách nhiệm của mình. Giờ anh ấy về thành, các anh không được hết trách nhiệm, phải liên lạc, giúp đỡ anh ấy, cho anh ấy khỏi rơi vào tội lỗi.

  Chúng ta kiên trì, nhưng biết làm sao được! Nếu Phạm Duy cóc cần sự kiên trì ấy. Năm 1979 tôi đang ở thủ đô Bruxelles của Bỉ. Đêm ấy, cách chỗ tôi 800 mét, đoàn của Duy đang biểu diễn và chửi rủa chúng ta. Tôi chỉ biết nhắn:

  - Mọi người đều tuỳ thích có thể yêu thương hay nguyền rủa trong đời. Nhưng Tổ quốc mẹ chúng ta đang ốm. Hàng triệu trái bom của đế quốc, mẹ đã vượt qua. Nhưng một cái ho của chúng ta, cũng làm hại đến sức khoẻ, sinh mệnh của Mẹ. Cần gì phải chửi, chờ cho mẹ khoẻ ra, giàu lên rồi ai muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm.

  Vâng chỉ có trường hợp anh Phạm Duy là... là không cần cội vậy thôi. Chứ hình như hầu hết, lá rụng đều về cội cả và mọc lên thành cội nữa.

Huế, Nhà khách Lê Lợi
22 tháng 6 năm 1986
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2008, 08:03:57 pm »

Vài mẩu chuyện về tướng Nguyễn Sơn

Huy Sanh



  Trong đời mình tôi đã được tiếp xúc với nhiều vị tướng, nhưng không hiểu sao cái chất "tướng" của Tướng Nguyễn Sơn lại còn đọng lại nhiều ấn tượng trong ký ức tôi, dù đã cách biệt ông đến gần nửa thế kỷ.

  Thú thật mãi gần đây tôi mới được biết sơ sơ về tiểu sử của ông. Thời trẻ ông vốn là một chàng trai sinh ra ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội), năm 1925 đi hoạt động cách mạng rồi bí mật sang Trung Quốc, được đoàn thể bố trí vào học ở trường Võ bị Hoàng Phố tại Quảng Châu. Sau đó ông tham gia Hồng quân Trung Quốc, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham dự cuộc Vạn lý trường chinh lịch sử.
Tháng 10 năm 1945 ông trở về Việt Nam.

  Khoảng năm 1948, lớp thanh niên chúng tôi ở Thanh Hoá thường được nghe và rất thích nghe kể về Tướng Nguyễn Sơn, lúc này ông làm tư lệnh Liên khu IV, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Liên khu IV gồm 6 tỉnh: Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên. Quân Pháp từ Huế đánh nống ra Bình Trị Thiên, bài hát "Bình Trị Thiên khói lửa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ra đời trong hoàn cảnh đó, 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh vẫn là vùng tự do, nhân dân cán bộ từ Huế, từ Hà Nội sơ tán ra vùng tự do theo kháng chiến cư trú ở vùng Thanh Nghệ rất đông. Liên khu bộ lúc ở Nghệ An lúc dời ra Thanh Hoá, bộ đội thường đóng quanh vùng Nông Cống và Thọ Xuân. Lúc này cuộc kháng chiến chống Pháp đã chuyển sang giai đoạn tích cực cầm cự, trong bộ đội có phong trào rèn cán chỉnh quân và luyện quân lập công. Sáng sáng bộ đội đóng ở chung quanh cơ quan Liên khu bộ đeo ba lộ tập chạy, vừa chạy vừa hô khẩu hiệu, Tướng Nguyễn Sơn bao giờ cũng đeo ba lô dẫn đầu đoàn quân, chạy với bộ đội mấy cây số liền. Lần đầu tiên trong đời lính, có ông tướng tư lệnh cùng chạy, cùng tập luyện với chiến sĩ, tin này loan ra quân dân phấn chấn, gây khí thế hào hùng, cán bộ các đơn vị càng tích cực tham gia rèn luyện cùng chiến sĩ.

  Tướng Nguyễn Sơn thích thể dục thể thao và ông cũng rất quan tâm đến phong trào này, nơi nào có bộ đội đóng quân là nơi đó phong trào thể dục thể thao phát triển rộng rãi sôi nổi, nhất là các môn thể thao quốc phòng như chạy, nhảy, ném lựu đạn, đâm lê, bắn súng v.v... Khoảng năm 1949, Tướng Nguyễn Sơn ra thăm Cầu Bố. Cầu Bố chỉ cách thị xã Thanh Hoá vài km là nơi dân thị xã sơ tán ra làm ăn buôn bán, dân buôn từ vùng tề mang hàng ra bán cũng nhiều. Tuy thời chiến nhưng thanh niên thị xã tản cư ra đây vẫn mê bóng đá và lập ra đội bóng lấy tên là đội Lam Sơn, có nhiều cầu thủ giỏi vốn ở đội bóng của tỉnh từ trước. Anh em đến báo cáo với Tướng Nguyễn Sơn muốn được đá một trận ở sân vận động thị xã để khuấy động phong trào. Lúc bấy giờ theo kỷ luật phòng không là không được tụ tập đông người sợ máy bay địch đến ném bom. Trước nguyện vọng tha thiết của anh em, Tướng Nguyễn Sơn đã đồng ý cho tổ chức trận đá bóng vào lúc chiều tà, nhưng để đảm bảo an toàn ông đã cho bố trí một trung đội súng phòng không trên núi Mật sẵn sàng nhả đạn khi có máy bay địch lượn qua. Kỷ luật sân bãi là nếu có máy bay địch đến tất cả khán giả và cầu thủ đứng yên không chạy để nghi binh, trận đấu đã diễn ra an toàn, hồ hởi, phấn khởi, các cầu thủ bao năm mới có một lần đá trên sân cỏ thị xã nên đã đá hết mình. Các cầu thủ thời đó nay đã là các cụ bảy mươi còn sống ở thị xã Thanh Hoá vẫn say sưa kể về trận đá bóng lịch sử ngày đó. Tôi đã vài lần nhìn thấy Tướng Nguyễn Sơn trong những ngày ấy. Ông có tài hùng biện, có thể diễn thuyết luôn luôn mấy tiếng đồng hồ mà không có bài chuẩn bị sẵn. Ông cũng là người ham văn nghệ, hay gặp gỡ trò chuyện với nhà văn Hải Triều lúc bấy giờ là giám đốc Sở Thông tin khu 4 và nhà văn Đặng Thai Mai, chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hoá. Một hôm nhà văn Đặng Thai Mai đến bàn với Tướng Nguyễn Sơn về việc mở khoá bồi dưỡng văn nghệ khu. Theo lời kể của nhà viết kịch Bửu Tiến lúc ấy được tham dự thì Tướng Nguyễn Sơn nghe, rít thuốc lá và nói:

  - Về mặt "đấm đá", mình có thể cam đoan với các ông là thực dân Pháp không đủ sức nống ra 3 tỉnh tự do này. Vừa qua chúng nhảy dù xuống chiến khu Thừa Thiên. Anh Hà Văn Lâu đã đón tiếp chúng bằng một bãi mìn trước chiến khu, hơn 300 tên nằm lại trên đó. Hiện nay chúng không đủ quân bảo vệ những đồn đóng ở đồng bằng Bình - Trị - Thiên, du kích đã bắt đầu hoạt động mạnh. Chúng không còn ngang nhiên đi lại như vào chỗ không người được nữa. Trong đó bộ ba Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Hà Văn Lâu làm ăn rất khá, có cơ phát đạt. Bọn mình ngoài này cũng đang chuẩn bị một đợt rèn cán chỉnh quân, gửi quân vào tiếp sức trong ấy. Giặc càn đến đâu, du kích đánh đó, hăng đấy nhưng chưa có bài bản, phải bồi dưỡng. Khoá văn nghệ này theo mình hiểu cũng là một kiểu rèn cán chỉnh quân bên văn đó. Điều kiện cho phép tình thế đang cần, các ông cứ việc rèn cán chỉnh quân bên ông đi.

  Thầy Mai nói: Văn nghệ sĩ của ta khá nhiều như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Văn Tỵ, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc, Bửu Tiến, Nguyễn Văn Thương, Đào Duy Anh, Trương Tửu.

  Tướng Nguyễn Sơn tiếp: Nên tập trung cả lại, có thể có một khung giảng viên mạnh đấy. Rồi ông tâm sự: "Cái dạo mình mới về nước, phải giấu mặt mấy thằng Tàu vàng, theo lệnh ông Cụ nằm bẹp một chỗ. Xa nước lâu ngày, nhớ nước quá nên vớ được sách nào đọc sách ấy. Thôi thì các ông "Màu thời gian tím ngắt", "Lá vàng bay ngổn ngang" đang ở đâu, rủ về đây, cách mạng chứa được hết. Mỗi người một tính một nết, miễn đồng ý chung một điểm: đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho nước nhà. Chưa đồng ý rồi sẽ đồng ý. Chính sách liên hiệp của ông Cụ hay tuyệt đấy.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công

  Lớp bồi dưỡng văn nghệ kháng chiến đã được mở tại Quần Tín (Thọ Xuân). Lớp học này tập trung hầu hết những văn nghệ sĩ nổi tiếng và nhiều tài năng trẻ mới xuất hiện đã có tác động to lớn trong việc hình thành lực lượng văn nghệ cách mạng sau này.

  Tướng Nguyễn Sơn là người đào hoa. Dân hay nói ông như Từ Hải vì có nước da bánh mật và bộ mặt râu hùm, hàm én. Tuy đã ngoài bốn mươi tuổi nhưng nhiều cô gái vẫn rất mê ông. Có lẽ để ông yên tâm công tác và đề phòng tình báo địch dùng kế mỹ nhân len lỏi vào nên tổ chức khuyên ông lấy vợ. Cô Lê Hằng Huân con cụ Sở Cuồng Lê Dư lúc này gia đình cũng sơ tán về Thọ Xuân, được mai mối đã kết duyên với Tướng Nguyễn Sơn và hai người đi với nhau cho đến hết cuộc đời. Năm 1950 Nguyễn Sơn được điều ra Việt Bắc, sau một thời gian ông lại sang Trung Quốc rồi trở về Việt Nam điều trị, nhưng bệnh trọng ông mất lúc 15h30 ngày 21-10-1956, tại bệnh viện Hồng Thập Tự Liên Xô (bệnh viện Hữu Nghị bây giờ).

  Những người con của ông ở Trung Quốc và ở Việt Nam đã gặp nhau và Nguyễn Sơn là người Việt duy nhất làm tướng của Trung Quốc, được nước bạn tấn phong.

Văn hoá - Thể thao
Số 49, ngày 2 tháng 11 năm 1996
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2008, 08:05:44 pm »

Nguyễn Sơn: vị tướng của hai quốc gia,
hiệp sĩ hào hoa một thời trận mạc

Đỗ Quang Hạnh



  Ngày 31-12-1993 tại Hà Nội, Hội Sử học Việt Nam đã tổ chức buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm 85 năm ngày sinh của Tướng Nguyễn Sơn (1908- 1956). Mặc dù sinh ra và mất đi đều tại Hà Nội, nhưng cuộc đời của Nguyễn Sơn lại trải dài trên các nẻo đường Trung Hoa cùng cuộc Vạn lý trường chinh và mặt trận Liên khu IV thời kháng Pháp. Ngoài những thành tích quân sự, Nguyễn Sơn còn được coi là vị "tướng văn hoá". Yêu mến và am hiểu văn nghệ, đặc biệt ông rất ưu ái đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đóng góp của ông trên mặt trận văn hoá văn nghệ của Liên khu IV không phải nhỏ.


  Có lẽ Nguyễn Sơn là một vị tướng vào loại độc đáo nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại. Sinh thời, những câu chuyện về ông đã mang đậm nét huyền thoại. Cách mạng tháng Tám thành công, từ Trung Quốc, Nguyễn Sơn trở về trong tư thế của một sĩ quan Bát lộ quân dày dạn, từng trải trận mạc. Có lẽ ít ai có một quá khứ hào hùng đến vậy (ngay cả Tướng Nguyễn Bình vừa rời chiến khu Đông Triều đi vào mặt trận Nam bộ). Mặc dù chưa chính thức được phong cấp bậc, nhưng người ta đã xem ông là một vị tướng. Con người có vẻ ngạo nghễ ấy đã có lý khi nói đùa với bè bạn rằng: "Mình là thừa tướng". Và quả thật, chỉ vài năm sau cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều phong ông cấp tướng. Sẽ không bao giờ có một sự kiện trong lịch sử quân đội của cả hai quốc gia như vậy nữa. Và chưa có một tướng lĩnh thời đại của chúng ta được nhân dân lập đền thờ như đối với Tướng Nguyễn Sơn.

  Lòng yêu nước và chí giang hồ với máu phiêu lưu khiến chàng trai trẻ Vũ Nguyên Bác (tên thật của Nguyễn Sơn) không một lời từ biệt gia đình, bỏ ngang một "tương lai êm ấm" khi đang học trường sư phạm Bắc Kỳ. Sang Trung Quốc, được Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) truyền thụ lý tưởng cách mạng. Lý Anh Tự (tức Nguyễn Sơn) là lứa thanh niên hạt giống cùng Lý Tự Trọng, Lý Tống (Phạm Văn Đồng)... vào học trường võ bị Hoàng Phố năm 1925. Nguyễn Sơn tham gia khởi nghĩa Quảng Châu rồi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1927. Với cái tên Hồng Thuỷ, Nguyễn Sơn đã trở thành một chiến sĩ quốc tế, hiến dâng những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho sự nghiệp cách mạng Trung Hoa. Đó là người Việt Nam đi suốt cuộc Vạn lý trường chinh 10 năm gian khổ và máu lửa. Ngày ra đi có 72 vạn Bát Lộ quân, đến đích chỉ còn 7,2 vạn người (1/10 quân số), sau hàng trăm trận đánh nhau với quân Tưởng. Từ chính trị viên đại đội, ông được giao luôn nhiệm vụ Chính uỷ sư đoàn 34 quân đoàn 12. Thời kháng Nhật, Nguyễn Sơn có lúc giữ chức Trưởng ban tuyên truyền khu uỷ Đông Bắc, phụ trách Toà soạn báo Kháng địch biên khu Tân - Sát - Ký (Trung Hoa). Không chỉ là một nhà quân sự, chính trị, Nguyễn Sơn còn là một nhà hùng biện xuất sắc, một tay viết báo sắc sảo,đồng thời còn là một "nghệ sĩ" bẩm sinh: Ông đã từng là đoàn trưởng đoàn kịch Công Nông Trường Hồng quân.

  Năm 1946, sau khi về nước được một năm, ông được cử giữ chức Khu trưởng Liên khu IV (Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên... ). Năm 1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong Nguyễn Sơn cùng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Khu trưởng Chiến khu I Chu Văn Tấn, Khu trưởng Chiến khu II Hoàng Sâm, cùng một cấp bậc Thiếu tướng.

  Ngoài những thành tích quân sự ở Liên khu IV thời kháng Pháp với các trận đánh ở Huế, Bình - Trị - Thiên, Tây Nguyên... chỉ trong bốn năm ngắn ngủi, Nguyễn Sơn đã đóng góp không ít sức lực và tài năng của mình cho đất nước. Giỏi nhiều thứ tiếng nước ngoài, ông còn viết hàng trăm bài báo với bút danh Lam Phong cùng 12 cuốn sách vừa biên soạn vừa dịch thuật. Theo chính sách đoàn kết của Hồ Chủ tịch, Nguyễn Sơn đã tập hợp được một loạt các nhà trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi, kể cả những người "có vấn đề". Có thể nói, không một vùng nào trên đất nước ta thời bấy giờ có một đội ngũ nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo đến như thế: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Chu Ngọc, Bửu Tiến, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Phạm Duy, Phạm Văn Chừng, Trần Hoàn, Đình Quang... Nguyễn Sơn với cương vị và tấm lòng ưu ái chân thành, đã "thu phục" được tất cả. Hơn thế nữa, ông rất có công trong việc mở các trường, lớp xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ. Đồng thời ông nhiệt tình ủng hộ bộ môn Tuồng, Chèo cổ với các nghệ nhân Nguyễn Đình Nghi, Cả Tam...

  Tháng 8/1948, ông thôi giữ chức Khu trưởng Liên khu IV. Năm 1950, Nguyễn Sơn được lệnh trở lại Trung Quốc làm cố vấn cho Quân uỷ Trung Quốc chi viện cho Việt Nam kháng Pháp. Sau đó, ông tham gia cuộc chiến tranh "Kháng Mỹ viện Triều". Thời kỳ này ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Giám đốc Toà soạn "Huấn luyện Chiến đấu" và được Trung Quốc phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1956, Nguyễn Sơn ốm nặng, ông xin về Việt Nam và chỉ còn sống trên mảnh đất quê hương được có 20 ngày. Tên tuổi Tướng Hồng Thuỷ (Nguyễn Sơn) rất quen thuộc với nhân dân Trung Quốc. Mỗi lần sang thăm Việt Nam , các vị lãnh đạo Trung Quốc đều đến viếng mộ ông. Với cái tên Hồng Thuỷ, Nguyễn Sơn được nhắc đến trong từ điển tướng soái Trung Hoa. Đặc biệt vinh dự, trong cuốn sách Những người bạn nước ngoài của Trung Quốc (xuất bản năm 1993 tại Bắc Kinh). Nguyễn Sơn được dành những trang trân trọng như Bôrôđin..

  Đã nhiều năm qua đi, nhưng hình ảnh của một vị tướng huyền thoại có tâm, có tài ấy vẫn còn mãi trong ký ức của nhiều thế hệ.

Lao Động số 2/1994
Thứ Ba ngày 4-1-1994
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2008, 06:03:40 pm »

Tướng Nguyễn Sơn và tôi

Trần Độ



  Ông Nguyễn Sơn có vóc người vạm vỡ, rắn chắc, khuôn mặt vuông, tóc quăn và rậm, da bánh mật. Ngày tôi biết ông ấy, không rõ ông bao nhiêu tuổi nhưng mặt đã có nếp nhăn. Tôi thấy ngay rằng ông là bậc đàn anh, một đàn anh có tham dự cuộc Trường Chinh bên Trung Quốc. Còn ông thì xem xét cái này cái kia, không nói gì, song qua thái độ biểu hiện xem chừng ông có ý xem thường. Ông cũng hỏi dăm ba câu như: "Cậu năm nay bao nhiêu tuổi, ở Hà Nội thì đi bộ đội được bao nhiêu! Bộ đội ở những đâu, thành phần trong các đơn vị như thế nào?". Loanh quanh những vấn đề tương tự như thế. Phần tôi trong lần gặp ấy có ấn tượng được gặp vị mà Cụ Hồ thường bảo là "Thân kinh bách chiến", nghĩa là một vị tướng chỉ huy cực kỳ dày dạn chiến trận ở nơi nổi tiếng là ác liệt. Tôi lưu ý đến ông cũng là điểm ấy. Cho đến ngày ông làm Tư lệnh Quân khu IV, ông là người có sáng kiến tổ chức Đại hội tập, sau đấy các quân khu bắt chước tổ chức theo.
Đại hội đầu tiên tổ chức ở Thanh Hoá. Núi Nương là nơi diễn tập các môn. Tôi và Thanh dẫn đầu một đoàn cán bộ văn nghệ sĩ, có các ông Nguyễn Xuân Khoát, Mai Văn Hiến, Nguyễn Công Hoan. Nói là đi vào Khu IV công tác nhưng dụng ý của lãnh đạo là sơ tán anh em ra khỏi Việt Bắc, tránh trận càn của địch lên Việt Bắc vào gần cuối năm 1947. Khi tôi tới trình giấy tờ, ông Sơn thấy danh sách có tên mấy nhà văn, liền hẹn mời đích danh các ông, còn cán bộ chính trị thì ông không nhắc tới.

  Tôi liền dẫn mấy ông nhà văn vào phòng khách, là gian đầu của cái nhà tranh vách đất, có bộ ghế mây cũng tươm tất. Tôi kéo ghế ngồi lại. Ông Sơn chào khách:

  - Hôm nay thấy có các anh văn nghệ sĩ, tôi mời các anh lại nói chuyện văn nghệ chơi.

  Nhìn thấy tôi cũng ngồi lại, ông chỉ vào mặt và bảo:

  - Mày ngồi đây làm gì. Mày thì biết gì về văn nghệ.

  Ông bổ báng như vậy, nhưng tôi cũng hiểu là lời nói thân tình theo phong cách của ông. Hơn thế nữa ông ấy cũng nói một sự thật - tức là tôi mới là học trò đi bộ đội thì chưa biết gì nhiều thật. Còn các vị kia đều là người có tên tuổi, đều có tác phẩm, ông ấy muốn nói chuyện với họ. Tôi đáp:

  - Tôi muốn ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập!

  Ông liền bảo:

  - Ừ, thì cứ ngồi đấy.

  Rồi ông ấy bắt đầu câu chuyện. Ông bình luận trên trời dưới đất. Phải thừa nhận là nhờ ông mà tôi mới đọc được những chữ Trung Quốc và cũng mới biết được tên một số tác giả lớn của nước Nga như Mácxim Gorki, Êrenbua, Phađêép và các ông Lécmôntôp, Trécnưsepski, Gôgôn. Hôm ấy ông ta nhắc đến hết, làm tôi hoang mang thật sự. Tìm đâu được Gôgôn để đọc mà ông ca ngợi đến thế. Lần đầu tiên tôi được nghe đến tên tác giả "Những linh hồn chết". Mà ông ấy thì thông kim bác cổ. Tôi hỏi ông, đọc Gôgôn bằng tiếng gì, ông nói "bằng tiếng Trung Quốc" - không lẽ Trung Quốc đã dịch Gôgôn từ thời ấy! Vừa trò chuyện, ông đưa cả rượu và kẹo ra mời khách, thật sự là một cuộc tiếp xúc rất là văn nghệ, không có công tác, công tiếc gì cả. Thời ấy, dân văn nghệ tập trung ở Khu IV khá đông. Ông Nguyễn Tuân biết có ông Nguyễn Công Hoan vào thì nhắn mời đi uống cà phê một chầu. Tôi là trưởng đoàn nên cứ các ông ấy đi đâu thì tôi cũng có thể đi theo. Tôi biết hai ông này mà gặp nhau ắt có lắm chuyện thú vị nên tôi đi cùng. Tôi rất sung sướng được ngồi với hai nhà văn lớn mà thời đi học đã bò ra đọc các tác phẩm của các vị. Tôi ngồi hóng chuyện và quả là lý thú thật.

  Ông Nguyễn Công Hoan là người rất vui tính, thích hài hước. Ông đã khởi đầu bằng một câu chuyện hài về ăn uống làm chúng tôi cười nôn ruột, tiếc là lâu ngày nên tôi quên nội dung. Ông Nguyễn Tuân hưởng ứng đáp lễ, dí dỏm kể chuyện đi ăn mỳ, thật khó mà tái hiện đầy đủ các chất Nguyễn Tuân ngất ngưởng, ông rủ rỉ tả cái tiệm mì của một Hoa kiều. Ông vào gọi một bát mì, ngồi mãi không thấy gì mới giục:

  - Sao lâu thế?

  - Dạ xin xong ngay đây ạ!

  Tay chạy bàn đem ngay bát nước mắm để trên bàn. Mình yên trí ngồi đợi với hy vọng có ăn ngay. Nhưng đã lâu lắm vẫn không thấy bưng mỳ lên. Mình lại giục, nó lại giòn giã cao giọng bảo:

  - Dạ. Có ngay đây!

  Một đĩa rau thơm lại tiếp lời dạ theo ra bên bát nước mắm. Và không còn gì hơn nữa đến hàng chục phút. Bụng như sôi lên. Lần thứ ba này mình không thèm giục mà quát thẳng thừng. Thêm được đủ bộ cái bát con, đôi đũa và cái thìa. Và chỉ có thế! Lại đành bấm bụng ngồi đợi. Đợi đến gần phát khùng thật sự thì nó mới bưng bát mì ra. Một bát mì khói bốc nghi ngút. Nguyễn Tuân đến lúc này cũng đói mềm, tính ăn ngay. Chỉ sự chờ chực đã làm mỳ quá ngon rồi. Nhưng vẫn tính thận trọng hay quan sát trước khi ăn và thấy bát mỳ có một con ruồi chết trong đó. Đang đói meo nhưng vì bực quá quên cả đói mình mới gọi bồi lại:

  - Lại, lại lại đây!

  Nguyễn Tuân tự nghĩ mình là trí thức nên đắn đo giữ cử chỉ hành động như thế nào cho tế nhị chứ không muốn trở thành thô lỗ như kẻ phàm ăn khác.

  Tên bồi lại gần hỏi: Thưa cái gì ạ?

  Tớ không thèm nói mà chỉ tay vào bát mỳ có dụng ý trách nó là bát mỳ có ruồi chết. Nó nhìn và lời thật thản nhiên:

  - Ơ bát mỳ, thưa bát mỳ đấy mà!

  Tức lộn ruột mà vẫn phải giữ tư thế trí thức, mình chỉ vào con ruồi. Hình như nó chưa nhìn ra, nó lại bảo:

  - Ơ bát mỳ đây mà!

  Đến nước này cứ trí thức lịch sự không xong, mình mới bảo:

  - Nhưng mà có một con ruồi!

  Nó chăm chú nhìn con ruồi, ngẩng lên bảo:

  - Ờ con ruồi nó chết đấy mà.

  Tức quá mình quát to:

  - Nhưng ruồi nó chết trong bát mỳ

  Nó bình thản đáp lại:

  - Ờ, tại mỳ nóng quá đấy mà!

  Thế là Nguyễn Tuân bụng đói cồn cào phải đứng lên trả tiền bát mỳ đi ra không dám ăn nữa, cũng không dám không trả tiền vì phải giữ tư thế của vị trí thức. Câu chuyện là thế, nhưng cái chất Nguyễn Tuân làm cho nó rất mực bi hài.

  Lại một lần không biết đi đâu đấy, Quân khu đưa xe Díp đón cả đoàn 7 tên lên xe đi hơn chục cây. Thế là sau đó ông Nguyễn Công Hoan hễ đi bộ là than thở: Úi giời, mình đi xe Díp nó quen rồi, giờ đi bộ sao ngại quá! Chục cây số đi xe tai hại thế làm Nguyễn Công Hoan muốn quên thói quen đi bộ. Đi với các vị thì cứ như vậy chuyện không đâu cũng được các ông chế biến, làm cả đoàn vui cười dọc đường.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2008, 06:10:18 pm »

  Sau đó, chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Sơn ở đại hội. Vẫn thói quen mặc Pijama lụa, lụa nâu hay lụa đà, đạp xe đua đi chơi phố. Ông ấy tính rất bình dân và dân chúng ở đây đều biết Nguyễn Sơn. Có buổi văn công biểu diễn văn nghệ nhưng chuẩn bị chưa kịp để mở màn thì ông ra diễn thuyết. Một buổi diễn thuyết không chủ đề, không có dàn bài gì cả. Ông kể hết chuyện nọ đến chuyện kia, chuyện các làng đánh du kích thiên biến, vạn hoá. Ta chiến thắng ra sao! Kháng chiến nhất định thắng lợi vì sao! Cách nói của ông thật nôm na và không kém hài hước làm cho người nghe cười tức bụng. Nhiều lúc khán giả rộ lên vỗ tay nhiệt liệt. Nói một thôi, ông lại vạch màn ngó vào trong hỏi: Xong chửa, rồi ông lại đóng mạnh quay ra bảo: Văn công vẫn chưa chuẩn bị xong, tôi xin phép lại nói tiếp nhé. Cứ thế đến ba lần. Mỗi lần trở lại, ông vẫn tiếp tục câu chuyện vừa dừng lại và đám đông lại cười như sấm. Lần ấy, tôi trú ở nhà một chị độ ba mươi tuổi, đã có con và cũng rất ham xem văn công. ở nông thôn kháng chiến hễ có buổi văn công biểu diễn là không một ai bỏ qua. Thấy chị, tôi hỏi cảm tưởng: Chị thấy văn nghệ thế nào. - Hay, hay lắm, vui lắm! - Thế tiết mục nào chị thích nhất?

  - Thích nhất tiết mục ông Sơn. Với chị, ông Sơn đã thành là tiết mục hay nhất! Tôi cứ nhớ mãi lời nhận xét đánh giá đó.

  Đúng là ông Nguyễn Sơn rất được quần chúng ưa mến. Còn giới trí thức thì đánh giá ông là nhà hùng biện. Người ta đồn nhiều và tỏ rõ sự thán phục ông trong việc nói Truyện Kiều, điều này tôi không được biết. Còn thỉnh thoảng nghe ông nói về văn nghệ thì tôi bái phục sự hiểu biết của ông ấy, kể cả về văn học thế giới. Hồi ông ấy mới về nước, tôi thừa nhận ông có nhiều điều bất bình, như khi phong thiếu tướng thì ông định không nhận. Mọi người đến mừng thì ông đã vặc lại: Chúc mừng cái gì! Tao thừa tướng chứ thiếu sao! Đợt phong đầu tiên năm ấy có mấy ông: Ông Văn đại tướng, ông Nguyễn Bình trung tướng, rồi các ông Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn... Điều đó cho ta thấy rõ là ông không bằng lòng cách sử dụng ông và cấp bậc phong. Thoạt đầu tiên ông làm Tư lệnh Quân khu V hay là chỉ huy mặt trận trong đó thì tôi không nắm chắc, chỉ biết là lúc đó ông có viết một bài phân tích kinh nghiệm trận đánh, tên bài là "Trận Phú Phong" còn ông đánh đấm ra sao thì tôi không rõ. Sau đó ông ấy ra làm Tư lệnh Khu IV, ông ra ngay tờ báo mang tên "Tiền phong" hay gì đó, ông viết nhiều bài trong đó, chủ yếu là về quân sự. Ông phê bình chế độ chính uỷ tối hậu quyết định mà ông không tán thành. Chắc là ông có những ý kiến động các ông khác. Thế rồi ông xin trở lại Trung Quốc và Bác Hồ đồng ý.

  Cũng dịp này tôi được phái sang Trung Quốc chuẩn bị việc đưa quân sang huấn luyện. Ông Nguyễn Sơn được tổ chức ghép vào cùng đi với chúng tôi. Đến biên giới thì có xe GMC đón đi Nam Ninh. Cả đoàn phấn khởi sung sướng lắm. Yên vị trên xe, ông Nguyễn Sơn bảo:

  - Thế là tao cùng đi với chúng mày! Tôi đáp: - Được đi cùng anh vui lắm. Dọc đường tôi hỏi: - Tại sao anh đòi trở lại Trung Quốc như vậy? - Trung Quốc cũng là Tổ quốc của tao. - Thế về Trung Quốc anh định làm gì - Tao có ý định lập một đoàn kinh kịch! Tao sẽ làm trưởng đoàn dẫn quân đi khắp các nước trên thế giới. Tôi hỏi: Thế liệu anh có về Việt Nam diễn không? - Đi các nước thì đi chứ về Việt Nam tao không tính.

  Trên đường đi, ông còn giải thích để tôi hiểu kinh kịch. Đường đi từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh thì mấy trăm cây số phải qua một vùng không an toàn, còn nhiều thổ phỉ và tàn quân Tưởng Giới Thạch, qua cái đèo gọi là Ma Thiên Lĩnh. Ông Nguyễn Sơn giải thích Ma Thiên Lĩnh là núi chọc trời, ở Trung Quốc thì có nhiều. Ngày trước tôi đọc chuyện Tàu có tên này, nay được đi qua thấy vừa thích thú vừa phiêu lưu. Bộ phận quân sự ở Tĩnh Tây ngày đó tôi không biết là cấp gì nhưng đã lưu chúng tôi lại, nói để tổ chức chuyến đi cho chu đáo. Lúc lên xe họ đưa tôi và ông Sơn lên chiếc có chữ "đặc đẳng an toàn". Ông Sơn bảo: Xe này tốt lắm đây. Bên này có mấy cấp an toàn, đi loại xe này thuộc cấp an toàn cao nhất, lái xe là loại rất giỏi, là những người lái một thời gian dài không để xe va quệt, không để xảy ra tai nạn thì được phong là "đặc đẳng an toàn". Có quý chúng mình lắm mới bố trí như thế này. Tay lái này quả thực là giỏi, anh ta là đại đội trưởng chỉ huy đại đội, tuyên bố:

  - Dọc đường đi xin đồng chí Hồng Thuỷ làm chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ huy. Chúng tôi nhất nhất tuân lệnh đồng chí!

  Ông Nguyễn Sơn thời ở Trung Quốc lấy tên là Hồng Thuỷ, là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từ chối, nói:

  - Không được. Tao là khách. Việc chỉ huy là ở chúng mày. Quân đội chúng mày sao tao lại chỉ huy!

  Tay kia nhất định không chịu. Thế là Nguyễn Sơn buộc phải nhận chỉ huy. Đi qua Ma Thiên Lĩnh còn thấy xác xe hàng bị cướp đổ nghiêng hai bên lề đường, đồ đạc, quần áo vương vãi xung quanh mấy xác xe, tuyệt không thấy người. Tay đại đội trưởng báo cáo ông Sơn kế hoạch đi tiếp. Cả đoàn xe có đến cả chục chiếc tạm thời dừng lại. Ông phái một trung đội đi lên trước chiếm lấy một điểm cao có thể khống chế được một vùng với đường kính vừa tầm đạn. Đoàn xe tiến lên phía sau và cứ thế cuốn chiếu qua quãng đường dài mấy chục cây số. Tay lái chiếc xe tôi ngồi phóng ghê lắm. Đặc biệt là cậu ta cứ đổ dốc là tắt máy, là lối đi rất mạo hiểm, xe lao như tảng đá lăn dốc. Không thuộc đường, tay lái không nhạy, không chắc thì không thể tránh nổi tai nạn. Ông Nguyễn Sơn cũng lạnh gáy, ông nói riêng với tôi: Tao ghê thằng này quá! Tao không sợ trời không sợ đất mà sợ thằng lái này. Sau ông phải bảo tay đội trưởng nhắc tay lái kìm hãm bớt lối đi quá mạo hiểm. Từ đó, khi đổ dốc xe vẫn giữ máy nhưng máu hăng của lái xe vẫn không giảm. Đoạn đường vun vút qua, vòng cua này bẻ cua kia cứ lẹ làng như cỗ máy tự động điều khiển, xe cứ trôi đều êm ru. Phải thừa nhận tay lái này lái hay như một nghệ nhân điều khiển xe, làm người ngồi vừa sợ vừa thú vị. Chuyến đi kéo dài đến ba ngày. Thường đến đêm thì đoàn xe dừng lại ở thị trấn để xả hơi, là dịp ông Sơn rủ tôi đi uống rượu: Phải làm chén rượu! Mày đi với tao! Tôi nhận lời nhưng giao hẹn trước: Tôi đi, nhưng không biết uống rượu, tôi ngồi chơi với anh, còn anh uống nhé! Ông nhất định không nghe, buộc tôi nhất quyết phải uống. Đến là khổ sở. Đến Nam Ninh hai chúng tôi được đón vào một cái biệt thự. Người đầu tiên đến thăm là bí thư Trương. Ông tới thăm Hồng Thuỷ chứ không phải đến thăm tôi. Hai ông gặp nhau mừng ra mặt, chuyện trò rôm rả. Còn tôi thì chầu rìa mãi đến phút cuối cùng ông ấy mới bảo tôi rằng mai gặp đồng chí tư lệnh Quân khu nắm tình hình. Chỉ thế thôi! Ông Trương từng cùng ông Sơn dự cuộc Trường chinh nên nay gặp nhau tay bắt mặt mừng là phải, ông Trương còn mời ông Sơn xem buổi kinh kịch ở Nam Ninh. Ông Sơn bảo tôi: Mấy hôm nữa mày đi xem với tao, tao sẽ giải thích thêm để mày hiểu thế nào là kinh kịch. Hôm sau tôi định vào làm việc với Quân khu, tôi phàn nàn với ông Sơn: Tôi không biết tiếng Trung Quốc mà phiên dịch thì không có!

  Ông Sơn liền bảo:

  - Tao sẽ phiên dịch cho mày, nhưng mà mày định bàn những gì với Quân khu. Nói trước cho tao nghe, tao sẽ dịch cho.

  Tôi cho ông hay là phải bàn định ngày giờ đưa bộ đội sang, chỗ ăn ngủ của bộ đội, chế độ ăn uống, cung cấp như thế nào? Việc lĩnh vũ khí, chương trình huấn luyện ra sao. Nghe tôi nói xong ông ấy bảo:

  - Ờ thế thì được rồi.

  Khi tới nơi, ông gặp ông Lý Thiên Hữu, cũng lại là bạn thân cũ, các ông chào đón nhau cực kỳ niềm nở, còn với tôi thì nhạt nhẽo và trong câu chuyện tôi lại giữ vai trò ngồi chầu rìa. Ông Sơn bắt đầu câu chuyện của chúng tôi với ông Lý. Nửa giờ trôi qua, ông Sơn nói với tôi:

  - Thôi xong rồi, đi về.

  Rồi ông ấy lại nói:

  - Thôi thế này nhá! Mày lấy sổ ra ghi: Tao đã thoả thuận với ông Lý rồi. Ông ấy đồng ý những điểm này: ngày giờ sang này, quân trang quân dụng này, chế độ ăn, chế độ tiêu vặt như thế này, cán bộ, chuyên gia huấn luyện, cố vấn bao giờ tới và đón tiếp ra sao, ba tháng học bắt đầu từ ngày nào và kết thúc lúc nào. Thôi tao đã bàn đủ các vấn đề đó, mày cứ thế mà làm.

  Xong nhé! Đi về! Thật đúng là phiên dịch bố! Ông ấy bảo mình thông báo trước rồi căn cứ vào đó ông ta bàn bạc hết.

  Phần tôi đúng là chầu rìa vì suốt buổi không phải nói một câu, không được hỏi lấy một lần. Nhưng nghĩ lại thì ông ấy làm thế cũng phải vì hiểu biết của ông ta bao trùm lên những chuyện mình cần đưa ra. Hơn nữa, tiếng ông ấy thông thạo như tiếng mẹ đẻ. Chuyện để dịch từng câu nói chỉ thêm lủng củng, phiền hà, mất thì giờ vô ích. Những điều phải xử lý ông ấy làm chính xác hơn là có mình tham gia. Tôi thừa nhận cung cách của ông vừa gọn, lại đạt mọi yêu cầu nên cũng chẳng tự ái gì cả, cảm thấy nhẹ mình. Đến bữa đi xem chiếu bóng. Xảy ra chuyện cần vụ của tôi thú vị quá cứ ồ à như ở chỗ không người. Trước khi đi xem anh thư ký cẩn thận nhắc tôi: Anh phải dặn tay cần vụ đi thì giữ im lặng mà xem, cứ rống lên làm anh em xấu hổ. Trước khi lên xe tôi căn dặn: Này xem thấy gì hay không được la tướng lên người ra cười đấy. Thế mà đến cảnh con trâu đi lại nó lại hét to: Trâu bước. Đến cảnh em bé trèo cưỡi trâu thổi sáo thì cậu ta thật sự quên mình đang ở đâu, nói cười như vừa có một khám phá vĩ đại. Ngượng quá tôi cấu đùi nó khá đau mà nó cứ không hay biết...

  Hôm đi xem kinh kịch là đi cùng ông Trương và cả ông Lý. Lúc chờ mở màn tôi thấy ông Trương bảo ông Hồng Thuỷ lên nói chuyện.

  Tôi tò mò hỏi: Ông ấy bảo nói cái gì đấy.

  Ông Sơn cười rồi nói: - Ông ấy bảo tao nói chuyện ngày xưa đi trường chinh với bộ đội giải phóng. Thời ấy cứ đến buổi xem văn nghệ, khoảng thời gian đầu chờ mở màn thì lại thượng tao lên nói chuyện với khán giả. Nhưng mà bây giờ ở đây nói thế nào được.

  Ông kia cứ giục Hồng Thuỷ lên nói đi.

  Sau đó ngồi xem buổi biểu diễn kinh kịch, ông Sơn giải thích cho tôi hiểu từng động tác của diễn viên dụng ý miêu tả cái gì. Phải thừa nhận ông ấy hiểu rất sành sỏi và có cách thưởng thức thật tinh tế. Nhiệm vụ hoàn thành, tôi trở về nước, còn ông Sơn tiếp tục đi. Tỉnh Nam Ninh tổ chức bữa tiệc tiễn đưa tôi, đồng thời cũng tiễn đưa ông Sơn lên đường, mà cũng là cách để ông Sơn tiễn tôi trở về. Tiệc thì có rượu, người được tiễn phải uống rượu đáp lại thịnh tình của chủ bữa tiệc. Đó là chuyện cực hình đối với tôi. Tôi không uống được rượu, đến bia cũng làm tôi khó chịu. Từ hôm đến, bạn bày rượu ra uống, tôi cứ cầm lên đặt xuống hoài, hôm nay Tướng Sơn ngồi bên cứ doạ:

  - Này, người ta mời mà không cố gắng uống thì chẳng há là khinh người ta sao? Mình đang muốn nhờ vả thì phải ráng làm vui lòng người ta chứ!

  Nghĩ lời ông cũng có lý, tôi không dám từ chối. Tướng Sơn lại ép:

  - Mày uống mà không cạn chén là không được đâu! Có uống cạn với thái độ sởi lởi thì mới làm người ta vui lòng.

  Tan tiệc, tôi phải nắm chặt tay vịn cầu thang rồi lết lối về phòng ngủ. Sáng hôm sau ông ấy vui vẻ hỏi thăm:

  - Thế nào đêm qua về thấy thế nào?

  Nhìn thấy ông lộ vẻ thích thú như đã thực hiện được một trò đùa. Lúc chia tay, tôi rất bùi ngùi, nghĩ bụng: Một con người đất nước đang cần mà lại bỏ ra đi! Ông lưu lại nơi tôi một sự luyến tiếc day dứt. Suốt cả chặng đường ông đã đối xử với tôi rất thân tình và đầy cá tính Nguyễn Sơn.

  Sau này tôi có nghe nói lại là ở Trung Quốc ông làm Cục trưởng Cục điều lệnh mà cấp là thiếu tướng hay trung tướng gì đó. Về sau bị ốm, ông đoán mình không qua nổi, có nguyện vọng muốn chết ở Việt Nam.

  Ông Nguyễn Sơn mất năm 1956. Ông sinh năm 1908, thọ được 49 tuổi. Ra đi quyết không trở lại, mà khi chết lại tha thiết muốn về nước! Đó là cái uẩn khúc của tâm linh con người!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2008, 06:32:21 pm »

Chỉ cần một lần được yêu như thế...
(Đọc Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương của Trần Kiếm Qua, NXB Văn Học 2001)

Tô Hoàng



  Họ tên thời con gái của tác giả Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương là Trần Ngọc Anh, quê gốc huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Yêu thương, gắn bó với Tướng Nguyễn Sơn rồi, nếu ông mang tên Trung Quốc là Hồng Thuỷ (nước lũ lớn để nhận chìm kẻ thù) thì chính ông đã đặt lại tên cho bà là Trần Kiếm Qua (kiếm là gươm, qua là giáo - phải là gươm bén, giáo nhọn nơi trận mạc). Bạn đọc trẻ hôm nay khó mà thông cảm nổi cách đặt tên như vậy. Nhưng trong những thời đại bão táp cách mạng đã từng xảy ra ở nước Nga, ở Trung Quốc, ở Việt Nam thì mỗi tên người hoặc mỗi bí danh đều gắn liền với những mục tiêu và quyết tâm chiến đấu, đâu là chuyện lạ? Đôi bạn trẻ còn tự nguyện mang chung một ngày sinh. Để hơn bốn chục năm sau, vào mùa xuân năm 1998, sang thăm Việt Nam - như bà Trần Kiếm Qua tự nhận xét "khi đã là một bà già tám mươi tư tuổi, lần đầu tiên tôi bước vào cửa nhà chồng"  và đến năm 2000 khi "đã tám mươi sáu tuổi như tôi, cuối cùng lại cầm bút viết" để hoàn thành một tập hồi ký rất hay, rất xúc động, dày trên 500 trang, kể về một thời trẻ trung khó quên của bà, kể về mấy chục năm tranh đấu của hai dân tộc Trung - Việt... Và hơn cả là, để khắc ghi hình bóng không bao giờ mờ phai của người đồng chí, người tình, người chồng mang dòng máu Việt Nam - Tướng Nguyễn Sơn.

  Chúng ta đã biết nhiều về những chiến tích huyền thoại, những phẩm cách đặc biệt cùng tài trí văn võ song toàn của vị tướng lừng danh này. Chúng ta cũng từng nghe nói ông có một đời vợ và hai người con tại Trung Quốc. Đọc Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương, bạn đọc sẽ hiểu cụ thể, tỉ mỉ hơn về cuộc tình này, cũng như những chịu đựng, hy sinh mà người vợ Trung Quốc của ông đã vượt qua.

  Bà Trần Kiếm Qua kém Nguyễn Sơn sáu tuổi, sinh trưởng trong một gia đình đại địa chủ tiếng tăm nhưng đã lụn bại. Trong bối cảnh của nước Trung Hoa phong kiến đầu những năm 1920, bà đã đủ tài trí theo học hết hệ trung và cao học sư phạm. Bà cũng vượt qua mọi định kiến, cắt tóc ngắn theo chị em tham gia những hoạt động kháng Nhật khi mới mười bốn, mười lăm tuổi. Chính trong công tác, bà đã gặp Tướng Nguyễn Sơn. Những mầm đọt tình yêu nảy nở rất mau giữa hai người như sự sắp đặt của số phận - biết Nguyễn Sơn là người Việt Nam , Trần Kiếm Qua tự xác định "cách mạng không có biên giới quốc gia, lẽ nào tình yêu lại có quốc giới hay sao?" Tuy nhiên, như nhiều mối tình nẩy nở trong bối cảnh ấy, anh và chị cảm phục, thương mến rồi trao gửi trái tim cho nhau trước hết vì những mục tiêu tranh đấu mà cả hai người cùng đeo đuổi, vì cùng thấy ở nhau đức quả cảm, tâm nguyện sẵn sàng sống chết nơi hòn tên mũi đạn, cùng tính năng nổ, xốc vác của tuổi trẻ... Khi ấy Nguyễn Sơn là cán bộ của Cục Chính trị Bát Lộ Quân, chính ông đã kèm cặp, dẫn dắt bà từ một nữ sinh viên thành một cán bộ Phụ vận vững vàng, kiên định của huyện Ngũ Đài thuộc quân khu Tấn-Sát-Ký. Biết bao gian lao, vất vả đã đến như thử thách mối tình của hai người. "Tôi và Hồng Thuỷ (Nguyễn Sơn) tuy mang tiếng là lấy nhau, đã lập gia đình, nhưng hai cánh chim uyên ương cách mạng không có một chỗ để tạm an cư, càng không dám nói đến chuyện xây tổ ấm". Sinh con đầu lòng khi chồng ở một mặt trận khác, suốt mấy tháng liền nằm giữa vòng vây của giặc Nhật, cơm không có mà ăn, áo không có để mặc, người mẹ trẻ phải bồng con thơ đi xin sữa từng bữa. Đến lúc vợ chồng, cha con đoàn tụ thì "Hồng Thuỷ suốt ngày bận công tác, tôi thì nằm bẹp, đành phải gửi cháu nhờ một bà ở thôn bên nuôi dưỡng. Nhìn thấy con mỗi ngày một phổng phao, trông thật đáng yêu. Không ngờ, ở với bà được sáu tháng, thì con bà mắc bệnh sởi, cháu bị lây, không lâu sau chuyển qua viêm phổi. Đáng thương cho bé Phong Ba, vừa mở mắt chào đời đã phải lìa bỏ nhân gian". Tiếp tới là cuộc phá vòng vây giặc Nhật để hội quân ở căn cứ Diên An. Đôi vợ chồng trẻ bồng đứa con thứ hai mới sinh cùng Bát Lộ Quân vượt qua bao nhiêu sông sâu núi cao, chịu rét, chịu đói suốt mấy tháng ròng để thực hiện sự bày binh bố trận của cách mạng trong tình thế mới.

  Nhưng đấy cũng mới chỉ là khúc nhạc dạo đầu của bản tráng ca của cặp vợ chồng Hồng Thủy - Trần Kiếm Qua.

  Vợ chồng con cái xum vầy tại căn cứ Diên An chưa bao lâu, sang năm 1945 Hồ Chủ tịch yêu cầu Nguyễn Sơn trở về Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Đã diễn ra một cuộc chia tay không hẹn ước ngày trở lại. Rồi Quốc dân đảng mở cuộc tấn công lớn vào Diên An. Một nách hai con thơ, lại phụ trách một trại trẻ hơn một trăm tám mươi cháu con em liệt sĩ cán bộ, Trần Kiếm Qua đã tổ chức thành công một cuộc "di tản" vượt qua hơn 3.000 cây số trong bão đạn, đói rét cho đám trẻ này. Tiếp tới là những năm nhiều khó khăn, thiếu thốn sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời. Bà Trần Kiếm Qua vẫn bằn bặt tin chồng, vừa công tác ở ngành giáo dục Bắc Kinh vừa dạy dỗ, nuôi nấng hai người con trai, bà đã biểu lộ nghị lực và ý chí vươn lên của mình. Tướng Nguyễn Sơn được điều vào chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, ở Khu V, sau ra Khu IV. Ông nghe tin bà và hai con trai bị bom đạn giặc giết chết trên đường rút khỏi Diên An. Điều kiện thông tin liên lạc giữa nước ta và Trung Quốc lúc bấy giờ rất khó khăn. Cả bà lẫn ông đều không có cách gì bắt liên lạc với nhau. Cho đến năm 1951, khi ông trở lại Trung Quốc, bà xót xa đau đớn vì ông đã kết hôn, đã có hai con với một người phụ nữ Việt Nam (bà Lê Hằng Huân)...

  Bằng một lối văn kể chuyện giản dị, mộc mạc của người hồi nhớ lại kỷ niệm cuộc đời mình, tác giả Trần Kiếm Qua như sống lại những cảm xúc mãnh liệt của một thời con gái sôi nổi, của những năm tháng theo bộ đội Bát Lộ Quân làm mấy cuộc trường chinh, đặc biệt là mỗi khi ngòi viết nhắc đến hình bóng Nguyễn Sơn... Có thể vì thế nhiều phần trong thiên hồi ký bỗng giàu chất trữ tình, chất văn học và thật sự sinh động, cuốn hút. Những chương cuối của Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương tựa như cao trào của một vở kịch. Tác giả dành những dòng đẹp nhất, đầy lòng cao thượng và tính nhân bản khi kể lại rằng, trong những năm chiến tranh chống Mỹ gian lao bà Lê Hằng Huân đã nuôi dạy đàn con ra sao, đã luôn nhắc nhở họ rằng họ còn có một bà mẹ và hai người anh ở nước Trung Hoa bên kia và nguyện ước cuối cùng của Tướng Nguyễn Sơn là làm sao để bầy con ở cả hai phương trời Trung - Việt của ông có ngày được sum họp...

  Không ai mong phải sống lại trong ác mộng của đạn bom, đói khổ, xa cách, loạn ly. Nhưng có một thực tế này không thể phủ nhận: dường như chính những biến cố lớn mang đến những thử thách dữ dằn, khốc liệt đã làm nảy sinh những tình cảm lớn luôn biết điều chỉnh cái riêng sao cho phù hợp với cái chung; những nghị lực và ý chí vượt qua khuôn khổ thường tình, sau hết là những tính cách mạnh để mỗi con người đều như một anh hùng vô danh.

  Và trên cơ sở ấy đã nảy nở những mối tình - dù nhiều đắng cay, dù không trọn vẹn nhưng vẫn khiến chúng ta ước ao...

Phụ nữ Chủ nhật, số 6, ngày 24-2-2002.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM