Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:13:23 pm



Tiêu đề: Quân dân Phú Xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:13:23 pm
Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 1965
Người số hóa: macbupda

LỜI NHÀ XUẤN BẢN

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, tại các vùng sau lưng địch, càn quét và chống càn quét là hình thức đấu tranh chủ yếu giữa địch và ta. Mục đích của địch là nhằm đối phó với các lực lượng vũ trang của ta tại các khu du kích, phá cơ sở kháng chiến, đóng thêm đồn bốt, lập ngụy quyền và bắt thanh niên đi lính cho chúng, v.v. Vì thế, chống càn quét, đối với ta, là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Để bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ ta đã cùng với nhân dân sáng tạo ra rất nhiều hình thức chiến đấu chống càn. Một trong các hình thức đó là lối đánh phòng ngự chống càn. Để giúp bạn đọc tìm hiểu kinh nghiệm chống càn trong một khu du kích ở vùng đồng bằng sau lưng địch, trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi xin giới thiệu một trận chống càn của quân dân Phú-xuyên, trong đó phòng ngự chống càn là hình thức chủ yếu. Sau này chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu với các đồng chí và các bạn những trận chiến đấu chống càn với những hình thức phong phú khác.

NHÀ XUẤT BẢN
                                                                                                                                                                                     
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:16:02 pm
Đầu năm 1953, sau khi bị thất bại nhục nhã ở Hòa-bình, giặc Pháp vội vã quay về đối phó với phong trào chiến tranh du kích đang bùng lên mạnh mẽ ở các vùng sau lưng chúng.

Trước âm mưu thâm độc này của địch, chủ trương của ta là kiên quyết giữ vững và mở rộng hơn nữa các vùng mới giải phóng, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát động toàn dân tham gia đánh địch với mọi hình thức và ở khắp mọi nơi, đẩy địch vào thế càng bị động, lúng túng, không có cách gì thoát ra được.

Quán triệt chủ trương của trên, huyện ủy Phú-xuyên đã lãnh đạo nhân dân ra sức củng cố khu du kích, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, xây dựng làng chiến đấu, triển khai mạnh mẽ các hoạt động chiến tranh du kích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực vào hoạt động, đánh mạnh ở vùng sau lưng địch.

Cũng thời gian này, tiểu đoàn 922 trung đoàn 46 Liên khu 3 được lệnh tiến quân vào hoạt động trong các khu du kích phía hữu ngạn sông Hồng thuộc hai tỉnh Hà-đông và Hà-nam. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu đoàn là: tích cực tấn công tiêu diệt địch ở những nơi chúng sơ hở nhất, cùng với các lực lượng vũ trang của địa phương đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, giữ vững và mở rộng hơn nữa các vùng mới giải phóng, gây thế uy hiếp mạnh mẽ vào khu ngoại vi phía nam Hà-nội.

Ở vị trí tiếp giáp với khu ngoại vi Hà-nội, các khu du kích Phú-xuyên – Lý-nhân mới được mở ra trong thời gian địch tập trung lực lượng đánh lên Hòa-bình, đã làm cho các cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở Hà-nội ngày đêm lo sợ. Vì thế, chúng đã cố gắng tập trung một binh lực lớn để càn quét, hòng “bình định” vùng này, bảo đảm an toàn cho các khu ngoại vi Hà-nội, thực hiện mở rộng diện chiếm đóng, bảo vệ hai đường giao thông huyết mạch xuống phía nam là đường số 1 và đường thủy sông Hồng.

Mặc dù chống càn quét trong khu du kích tương đối nhỏ hẹp, nằm giữa vòng vây của địch bằng hệ thống đồn bót, tháp canh, tiểu đoàn 922 đã cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích anh dũng chiếm đấu và giành được thắng lợi, buộc địch phải kết thúc cuộc càn quét sau khi đã bị thất bại thảm hại với 500 tên chết và bị thương, hơn 20 xe bị bắn cháy, bắn hỏng và hàng chục vũ khí bị tước đoạt. Âm mưu của địch hòng chiếm đóng lại Phú-xuyên đã hoàn toàn thất bại.

Sau đây sẽ lần lượt nêu lại toàn bộ quá trình chuẩn bị và diễn biến của trận chiến đấu chống càn thắng lợi này.

VÀI NÉT VỀ PHÚ-XUYÊN

Phú-xuyên là một huyện của tỉnh Hà-đông, cách thị xã 20 ki-lô-mét về phía đông nam, phía bắc tiếp giáp khu ngoại vi Hà-nội, phía nam nối liền với Hà-nam, phía đông cách Hưng-yên bằng con sông Hồng. Phú-xuyên còn là cửa ngõ phía nam của Hà-nội. Vì thế, trong thời kỳ thống trị nước ta, bọn thực dân Pháp đã ra sức xây dựng các cơ sở chính trị của chúng, như tổ chức các đảng phái phản động: Đại Việt, Quốc dân đảng, v.v. Trong thời gian tạm chiếm, thực dân Pháp đã coi Hà-đông là một khu vực quan trọng về chiến lược, cần phải bình định trước tiên để tạo ra vùng ngoại vi an toàn cho Hà-nội, đồng thời làm địa bàn cơ động, tập trung quân chuẩn bị cho các cuộc hành binh lớn. Nằm trong địa bàn cơ động chiến lược đó, Phú-xuyên đã trở thành mục tiêu “bình định” của địch. Đối với ta, Phú-xuyên là một vùng căn cứ của Hà-nông, nơi cửa ngõ nối liền Liên khu 3 với khu tả ngạn, đồng thời là địa bàn cơ động để phát triển các hoạt động của ta vào sát khu ngoại vi Hà-nội. Vì thế, Phú-xuyên đã trở thành nơi giao điểm của các hoạt động của địch và ta. Cuộc đấu tranh của ta với địch ở đây ngày càng trở nên rất phức tạp và quyết liệt.

Là một vùng đồng bằng, ở gần đô thị lớn, Phú-xuyên có nhiều đường giao thông thủy bộ chạy ngang chạy dọc. Từ đông sang tây có các đường 73, đường 60, đường 23; từ bắc xuống nam có đường số 1, sông Nhuệ, sông Hồng... chia cắt Phú-xuyên thành ba miền, gọi là đông Phú-xuyên, trung Phú-xuyên và tây Phú-xuyên.

Miền đông Phú-xuyên là một dải dài và hẹp, nằm vào khoảng giữa sông Hồng và đường số 1, đoạn rộng nhất không quá 10 ki-lô-mét, có đoạn hẹp chưa đầy 6 ki-lô-mét. Từ phía ven sông Hồng là ruộng khô trồng màu, còn nói chung đều là ruộng nước. Từ đường số 1 trở vào khoảng 1 ki-lô-mét là đồng chiêm trũng, nước đọng quanh năm, rất ít đường sá lớn, việc đi lại thường gặp khó khăn. Riêng phía Cầu Giẽ có một con đường dài, rộng chừng 3-4 mét chạy theo nhánh sông thọc thẳng vào giữa miền, trơ thành con đường liên thôn, liên xã, nối liền một số làng theo tuyến dọc từ bắc xuống nam. Làng mạc ở đây tương đối nhỏ. Chung quanh làng có lũy tre mỏng hoặc cây cối bao bọc. Ngoài làng thường có ít nhiều ruộng cao trồng màu, xen kẽ những gò đống, mô đất. Nhà cửa phần nhiều là tường đất lợp rạ, nhưng cũng có ít nhiều vật kiến trúc kiên cố, như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, nhà gạch.

Miền trung và tây Phú-xuyên là vùng đồng chiêm trũng, quanh năm có nước, phía đông là đường số 1, phía tây tiếp giáp huyện Ứng-hòa, ở giữa là sông Nhuệ, chảy từ phía Đồng-quan xuống phía nam, chia cắt thành hai dải dài và hẹp. Mật độ làng mạc ở đây tương đối thưa, có nhiều cánh đồng rất rộng, đường sá ít, từ làng nọ đến làng kia thường chỉ có một đường độc đạo chạy qua những cánh đồng nước trống trải. Làng mạc ở đây cũng giống như ở miền đông, nhưng nền làng cao hơn hẳn mặt đồng, lũy tre quanh làng dày đặc, đát rắn chắc. trong làng có nhiều lớp giậu nôm rất tốt và những vật kiến trúc vững chắc, như đình, chùa lớn, nhà xây một hai tầng. Phía ngoài làng địa hình trống trải lại có nhiều hồ, đầm xen kẽ vừa rộng vừa sâu, nên việc đi lại không được dễ dàng...

Đối với Phú-xuyên, một nơi cách Hà nội có hơn 30 ki-lô-mét, địch có thể dễ dàng tập trung lực lượng, tiến hành càn quét vào bất cứ lúc nào. Lợi dụng được các đường giao thông thuận tiện, địch có thể nhanh chóng triển khai lực lượng, thực hành bao vây chia cắt, đánh nhanh đánh gọn từng miền và lật đi lật lại nhiều đợt. Trên địa hình đồng bằng trống trải này, địch có thể tận dụng được ưu thế của không quân và pháo binh, tăng cường được hỏa lực đột kích mạnh mẽ của chúng. Nhưng đồng thời địch cũng gặp một số khó khăn. Hành binh trên vùng đồng chiêm ngập nước, ít đường sá sẽ rất khó triển khai đội hình chiến đấu, việc sử dụng binh lực lớn cũng bị hạn chế. Xe tăng, cơ giới chỉ có thể hoạt động trên một vài hướng nhất định.

Về phía ta, có thể lợi dụng các làng mạc sẵn có nhiều vật chướng ngại thiên nhiên như lũy tre, hồ ao, đình chùa, nhà cửa... tạo thành những tuyến tác chiến vững chắc; có thể đánh địch từ phía ngoài làng và tiếp tục đánh chúng ở trong làng. Ở một số khu vực, nhất là ở miền đông, ta dễ cơ động lực lượng, kể cả trong và ngoài làng để đánh vào sườn địch, hoặc tổ chức thành những cụm làng chiến đấu liên hoàn, thực hiện kết hợp phòng ngự cố thủ làng mạc với cơ động đánh địch ở nhiều tuyến, nhiều mặt trên một hướng; đồng thời có thể lợi dụng các bờ sông, dùng lực lượng nhỏ ngăn chặn địch, không cho chúng vượt sông tấn công ta nhiều mặt vào có thể bố trí chống xe tăng, cơ giới ở những hướng trọng điểm. Tuy nhiên, ta cũng có nhiều khó khăn. Đó là địa bàn nhỏ hẹp, trống trải, lực lượng địch lại đông, dễ thực hành bao vây chia cắt; địch có điều kiện tập trung hỏa lực của không quân và pháo binh vào những mục tiêu chủ yếu, ta sẽ phải chiến đấu với nhiều đợt oanh tạc ác liệt của hỏa lực địch. Trong tình hình này, nếu ta không khéo kết hợp giữa phân tán linh hoạt đánh du kích với mạnh dạn tập trung lực lượng, kiên quyết bẻ gãy được các đợt tán công liên tiếp của địch tên hướng chủ yếu, thì khó lòng giữ vững được cuộc chiến đấu trong ngày.

Tất cả những điều kiện khách quan đó đã nói lên tính chất gay go, phức tạp và ác liệt của chiến đấu chống càn quét ở đây. Đồng thời cũng chứng tỏ rằng quân và dân Phú-xuyên đã có sự nỗ lực vượt bậc. Sự nỗ lực đó thể hiện đầy đủ trong cả quá trình gian khổ chiến đấu để chuẩn bị đủ các điều kiện thuận lợi và anh dũng chiến đấu phá tan các kế hoạch càn quét quy mô lớn của địch.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:17:18 pm
*

Phú-xuyên có đồng ruộng cày cấy quanh năm, nhân dân rất mực cần cù, nhưng trước Cách mạng tháng Tám, cũng như nhân dân cả nước, đời sống của người lao động ở đây vô cùng cực khổ. Vì thế, nhân dân đã sẵn có lòng căm ghét bọn đế quốc phong kiến và lòng thiết tha yêu mến đồng ruộng quê hương.

Cách mạng tháng Tám thành công, các đoàn thể cứu quốc được tổ chức ở hầu khắp các thôn xã, cơ sở Đảng cũng phát triển rất nhanh, cho đến ngoài toàn quốc Kháng chiến ở nhiều xã đã có chi bộ. trên cơ sở của phòng trào quần chúng, các đội du kích, tự vệ lần lượt được xây dựng ở các xã, các thôn. Nhân dân tích cực sản xuất và hăng hái tham gia kháng chiến. Thanh niên nô nức xung phong tòng quân giết giặc cứu nước. Vì thế, tuy ở sát nách Hà-nội, nhưng suốt ba bốn năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, quân địch vẫn không dám chiếm đóng Phú-xuyên.

Đầu năm 1959, trong âm mưu tiếp tục đánh rộng ra vùng đồng bằng, chiếm lấy kho người kho của để thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, địch đã đặc biệt chú ý việc bình định các vùng tiếp giáp khu ngoại vi Hà-nội. Từ tháng 4 năm 1950, địch áp dụng chiến thuật “vết dầu loang”, bắt đầu cho quân chiếm ven sông Hồng. Hàng chục đồn bốt như: Mỹ-lâm, Cầu Giẽ, Phú-mỹ, Đồng-quan, Tri-chỉ, Gạo-hồ, Mai-xá, Mai-trang, Hòa-mạc, Nho-tổng... Đồng thời địch đã tung nhiều đặc vụ gián điệp, cùng với bọn phản động địa phương ra sức hoạt động phá hoại, phao tin đồn nhảm, chia rẽ lương giáo, gây thêm cơ sở phản động, chuẩn bị điều kiện cho chúng lấn dần từng bước, chiếm đóng toàn bộ Phú-xuyên.

Biết rõ âm mưu thâm độc của địch, đảng ủy địa phương đã kịp thời phát động phong trào “rào làng kháng chiến, tiến hành chiến tranh du kích, chống địch càn quét, chống lập tề, chống bắt phu bắt lính”. Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền giáo dục nhân dân, chống âm mưu chia rẽ tôn giáo của địch. Ở nhiều xã, đông đảo nhân dân đã tham gia công tác rào làng, các đường ngang ngõ tắt đều được rào kín, mỗi làng chỉ để một vài lối ra vào có cổng đóng. Dân quân du kích đã tổ chức canh gác và tập dượt báo động. Nhưng thế địch lúc đó rất mạnh, lực lượng du kích còn nhỏ bé, trang bị lại quá kém, đảng ủy địa phương đã chủ trương lấy đấu tranh chính trị làm chính, nhằm bảo vệ cơ sở, bảo vệ sản xuất; đồng thời vẫn tăng cường lãnh đạo lực lượng vũ trang, củng cố các đội du kích và dân quân. Các chi bộ đã cử chi ủy viên làm chính trị viên xã đội, cử tổ trưởng đảng làm chính tri viên thôn đội, động viên đảng viên tham gia du kích, và tổ chức những tổ du kích bí mật, chuẩn bị điều kiện để hoạt động trong những tình huống khó khăn nhất.

Sau khi chiếm đóng các vị trí quan trọng chung quanh Phú-xuyên, địch bắt đầu tập trung quân càn quét các làng lân cận, cưỡng ép nhân dân lập tề. Lúc này, chi bộ đảng ở các xã đã lãnh đạo nhân dân triển khai cuộc đấu tranh gian khổ với địch. Dân quân du kích các xã Ái Quốc, Hoàng-lang, Cộng-hòa, Tân-dân, Quang Trung, Hiệp-hòa,... đã dùng giáo mác, gạch củ đậu, gậy tầm vông phối hợp với bộ đội địa phương huyện, tích cực chiến đấu với địch, có lần đã hò hét xung phong, đuổi địch chạy dài. Các chi bộ đảng đã lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh chống lập tề, chống đốt phá, giằng co với địch được hàng tháng. Nhưng vì lực lượng địch mạnh, hàng ngày càn quét uy hiếp nhân dân, nên chúng đã lần lượt lập được tề ở các thôn xã. Bọn phản động địa phương đứng ra làm tay sai cho giặc và được chúng cấp cho súng đạn để tổ chức hương dũng, xây tháp canh. Đồn bốt lớn nhỏ của địch mọc lên rải rác ở nhiều thôn cùng với hàng chục ban tề vũ trang. Thế uy hiếp của địch rất mạnh. Các cơ quan và bộ đội huyện phải tạm “bật đất” sang Ứng-hòa. Hàng ngày, bọn địch chiếm đóng sục vào các thôn, xóm để bắt phu bắt lính, lấy gạch, gỗ về xây công sự, cướp bóc thóc lúa, trâu bò. Bọn mật thám, chỉ điểm ra sức hoạt động để phá cơ sở kháng chiến của ta. Ở nhiều xã sát đồn bốt địch, cán bộ và du kích cũng phải “bật đất”, tạm lánh đi nơi khác. Nhiều gia đình phải tản cư ra vùng tự do, số bà con ở lại tuy không theo địch nhưng cũng không hoạt đồng gì được. Ở những thôn không có đòn bốt địch thì đảng viên và cán bộ vẫn kiên trì bám đất, bí mật lãnh đạo nhân dân hàng ngày đấu tranh với địch. Trước sự cướp bóc, tàn phá và giết tróc dã man của địch, cuộc đấu tranh bằng tay không của nhân dân đã gặp không ít khó khăn, gian khổ, nhưng đã giành được nhiều thắng lợi. Hình thức đấu tranh của nhân dân rất phong phú như: tổ chức cho các bà, các chị đấu tranh, giữ chồng con mình, không cho địch bắt đi phu đi lính. Có lần bà con đã kéo nhau lên đồn bốt để đòi địch phải trả lại người thân của mình. Khi địch bắt đóng thuế, đóng thóc, bà con đấu tranh không nộp hoặc khất lần. Địch đến cướp trâu bò, bất cứ là của ai, nhân dân đều hò nhau ra đấu tranh buộc địch phải trả lại... Mấy tháng sau, số cán bộ và du kích “bật đất” đã được huyện ủy tổ chức đưa về hoạt động, cơ sở quần chúng dần dần được phục hồi và củng cố. Nhiều tổ du kích bí mật đã bắt đầu hoạt động, như tổ chức vũ trang tuyên truyền, vạch mặt và cảnh cáo những tên tề dõng gian ác, những tên mật vụ chỉ điểm. Bọn địch trong các đồn bốt cũng bị cô lập, không dám hung hăng như trước.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:18:16 pm
Để phát triển mạnh mẽ ác cơ sở kháng chiến, chuẩn bị điều kiện tiến lên mở khu du kích, huyện ủy đã chỉ thị các các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời tích cực tuyên truyền các tin tức chiến thắng của ta để động viên, cổ vũ tinh thần hăng hái đấu tranh của nhân dân. Các xã còn nắm chắc việc giáo dục và khống chế các ban tề, các đội hương dũng đã chịu ảnh hưởng của kháng chiến.

Tháng 12 năm 1951, khi địch tập trung lực lượng đánh ra Hòa-bình, Trung ương Đảng đã nêu ra nhiệm vụ cho các chiến trường sau lưng địch là: “Phải đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, tiến tới mở rộng vùng du kích, xây dựng căn cứ du kích, giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, để thực hiện việc kiềm chế địch và phối hợp với chiến trường chính có kết quả hơn”(1).

Quán triệt tinh thần chỉ thị đó, tỉnh ủy Hà-đông đã chủ trương phải tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng, nhanh chóng mở các khu du kích mới, gây thế uy hiếp mạnh mẽ vào vùng ngoại vi Hà-nội, phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính.

Cuối tháng 12 năm 1951, tỉnh đội Hà-đông đã trực tiếp tổ chức và chỉ huy cuộc tiến quân vào mở khu du kích Chợ Cháy huyện Ứng-hòa. Huyện đội Phú-xuyên cũng trực tiếp chỉ huy bộ đội huyện tiến vào miền trung và tây Phú-xuyên.

Được lực lượng vũ trang làm nòng cốt, nhân dân miền trung và tây Phú-xuyên đã vùng dậy diệt tề trừ gian và lập lại chính quyền kháng chiến. Nhiều ban tề và nhiều đội hương dũng được giáo dục từ trước đã tự động nộp lại các sổ sách và vũ khí. Nhân đà thắng lợi, bộ đội huyện lại tiến sang miền đông Phú-xuyên. Với khí thế chiến thắng, lại được nhân dân hết sức giúp đỡ, ngay hôm đầu, ta đã đánh tan một đại đội địch từ bốt Mỹ-lâm ra càn quét. Hàng chục tên địch bị tiêu diệt và 10 tên khác bị bắt sống. Nhân dân hết sức phấn khởi, nhiều ban tề vũ trang cũng tự tan rã. Ở nhiều xã, nhân dân đã mang cuốc xẻng đi phá tháp canh, đào đến tận chân móng. Bọn địch trong các đồn bót chung quanh đều hoang mang, co lại, không dám tổ chức càn quét lớn và các xã đã được giải phóng. Nhân dân cũng lần lượt hồi cư về làm ăn như cũ. Khu du kích miền trung, miền tây và miền đông Phú-xuyên đã lần lượt hình thành, gồm gần 10 xã với hàng vạn nhân khẩu.

Trong các khu du kích, chính quyền kháng chiến đã nhanh chóng được lập lại ở các thôn xã. Các đoàn thể quần chúng cũng phục hồi nhanh chóng và hoạt động tích cực. Các phần tử hăng hái nhất trong các đoàn thể cứu quốc đã được kết nạp vào du kích. Trên cơ sở đó, nhiều đội du kích mới lại ra đời.

Về phía địch, sau khi khu du kích của ta được mở ra, chúng đã cố gắng tăng cường hoạt động quân sự, hòng hạn chế đà phát triển thắng lợi của ta. Trong mấy ngày, bọn địch đóng ở ga Phú-xuyên – Cầu Giẽ và Đồng-quan đã liên tiếp mở hai cuộc càn quét nhỏ vào các xã Hiệp-hòa, Hoàng-long để thăm dò lực lượng ta và uy hiếp tinh thần nhân dân. Nhưng cả hai lần chúng đều bị bộ đội huyện và du kích đánh đuổi, không vào được làng. Dân quân du kích các thôn Trị-thủy (Bìm), Nhân-sơ, Thủy-chú, Tri-lễ, Cổ-hoàng, Đào-xá... đã cùng với bộ đội huyện chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường. Cụ Vòng, một lão du kích đã dùng giáo búp đa xung phong đuổi địch ở Trị-thủy và đã anh dũng hy sinh.

Để giữ vững và mở rộng khu du kích, việc xây dựng làng chiến đấu và nhất là việc củng cố lực lượng dân quân du kích đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của mọi công tác lúc đó. Huyện ủy Phú-xuyên đã đặc biệt coi trọng việc lãnh dạo công tác quân sự, kịp thời phát động nhân dân rào làng kháng chiến, gấp rút xây dựng các trung đội du kích xã và các đội dân quân, chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để giữ vững và ngày càng mở rộng khu du kích.


(1) Nghị quyết quân sự của Đảng 1950-1960, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà-nội, tr. 140.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:19:24 pm
*

Do nhận thức được sâu sắc về nhiệm vụ quân sự nói chung và tác dụng của làng kháng chiến nói riêng, huyện ủy và huyện đội Phú-xuyên đã tập trung cán bộ, trực tiếp chỉ đạo các xã xây dựng làng kháng chiến với một tinh thần hết sức khẩn trương. Nhất là từ khi quân địch hoàn toàn thất bại và rút lui khỏi Hòa-bình, tỉnh ủy Hà-đông đã kịp thời chỉ thị cho các huyện phải tích cực chuẩn bị chống địch càn quét lớn, thì công tác xây dựng làng kháng chiến của Phú-xuyên càng được tiến hành một cách khẩn trương và liên tục hơn. Các thôn xã đều huy động được đông đảo nhân dân hăng hái tham gia. Có lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt, nắm vững yêu cầu của tác chiến làng mạc, lại rút được kinh nghiệm của các tỉnh Hà-nam, Hưng-yên, Nam-định..., làng kháng chiến của Phú-xuyên đã được xây dựng tương đối tốt. Qua nhiều đợt tu bổ và phát triển thêm các loại công sự chiến đấu của dân quân du kích, bộ đội huyện và tỉnh, nhiều làng kháng chiến đã được củng cố khá vững chắc. Chung quanh làng, hệ thống công sự chiến đấu được liên kết với nhau bằng những giao thông hào. Các lối vào làng đều được rào kín, chỉ để một đường chính, có cổng đóng chắc chắc. Ở trong làng, dựa vào các bờ giậu, bờ ao ngăn cách giữa các nhà, các xóm, lại xây dựng thành nhiều tuyến tác chiến liên tục, để ngăn chặn địch khi chúng đột phá vào trong làng. Các tuyến tác chiến này đều có đầy đủ công sự, ụ súng, hầm hố, và có giao thông hào nối với tuyến rìa làng. Lợi dụng tuyến công sự này, ta có thể cơ động lực lượng nhanh chóng và kín đáo từ rìa làng vào giữa làng, hoặc từ giữa làng tản ra chung quanh làng. Để có thể đánh địch ở bất cứ chỗ nào trong làng, trên tất cả các ngách ngõ, ngã ba đường đều có cấu trúc công sự chiến đấu. Đồng thời còn chú ý tạo ra các đường ngang lối tắt bí mật từ nhà nọ sang nhà kia, từ xóm này sang xóm khác, đề phòng khi quân địch đột nhập, ta có thể nhanh chóng cơ động lực lượng, thực hành phản xung phong nhỏ từ nhiều mặt vào cạnh sườn, sau lưng chúng để tiêu diệt hoặc hất chúng ra ngoài đồng, đảm bảo giữ vững được thế phòng ngự vững chắc của ta trong làng và tuyến rìa làng. Để tránh bị thiệt hại khi địch thả bom cháy, ở trong làng còn có rất nhiều hầm hàm ếch, hố có nắp dày bằng cây chuối. Trong nhiều nhà còn có hầm tránh đại bác, có chiếc lớn chứa được tới 10 người. Cộng với hệ thống công sự chiến đấu hoàn chỉnh, mỗi làng mỗi xóm còn có nhiều hầm bí mật hoặc những đoạn giao thông hào, đủ chứa được hàng tiểu đội, có hầm chứa được một trung đội như ở các thôn Cổ-hoàng, Đào-xá... Khi lực lượng địch quá mạnh, du kích có thể chiến đấu đến mức độ tích cực nhất rồi tùy thời cơ rút xuống hầm để bảo toàn lực lượng và bám chặt lấy làng mạc tiếp tục đánh địch trong những thời cơ có lợi.

Cùng với việc động viên, tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và củng cố làng kháng chiến, huyện ủy Phú-xuyên còn đặc biệt chú trọng lãnh đạo việc xây dựng các lực lượng vũ trang của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng và củng cố lực lượng dân quân du kích. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đội du kích thôn và xã đều đã được tổ chức xong và phát triển rất nhanh chóng. Đội viên du kích đều là những người hăng hái, tích cực nhất trong các đoàn thể quần chúng vá những đồng chí du kích đã từng hoạt động trong thời gian địch tạm chiếm đóng. Để đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và để nâng cao chất lượng cho các trung đội du kích xã, huyện ủy đã chỉ định các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư chi bộ xã trực tiếp làm chính trị viên xã đội hoặc xã đội trưởng; các chi bộ đều ra nghị quyết yêu cầu đảng viên xung phong tham gia du kích, làm hạt nhân lãnh đạo trong các tiểu đội, trung đội. Ở các thôn thì tổ chức các trung đội dân quân, bao gồm các thanh niên nam nữ là đoàn viên thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc... Ở một số xã như Hiệp-hòa, Tân-dân, Hoàng-long, Quang Trung, Chuyên-mỹ... còn có tiểu đội nữ du kích, nhiều cụ già đã năm, sáu mươi tuổi cũng hăng hái xin gia nhập đội du kích, hoặc xin được kết nạp vào dân quân. Cán bộ phụ trách các ngành các giới của thôn, xã đều tham gia dân quân và phần lớn đều trực tiếp làm cán bộ tiểu đội, trung đội của dân quân. Do tước được vũ khí của các đội hương dũng, trang bị của du kích được cải tiến hơn trước, mỗi trung đội đều có từ hai đến năm khẩu súng trường, một số lựu đạn, mìn muỗi, có trung đội đã có tiểu liên. Nhưng vũ khí chủ yếu vẫn làm giáo búp đa, mã tấu, lựu đạn, bàn chông... Các trung đội dân quân thì được biên chế thành những đội phục vụ chiến đấu, như đội tải thương, đội trinh sát, giao thông, đội phá hoại, tổ tiếp tế, tản cư... Ở một số xã miền trung và tây Phú-xuyên, dân quân cũng có trang bị giáo mác, gậy gộc, có thể tham gia chiến đấu như du kích.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:20:22 pm
Đi đôi với việc xây dựng và củng cố về tổ chức, huyện ủy và huyện đội Phú-xuyên còn chỉ đạo chặt chẽ cho các tổ chức học tập thời sự chính sách, và tiến hành công tác giáo dục tư tưởng. Các chi bộ đã tổ chức học tập những chỉ thị của tỉnh và huyện về “Củng cố làng kháng chiến và đẩy mạnh chiến tranh du kích”, làm cho đảng viên hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng và quán triệt được nhiệm vụ quân sự trước mắt. Các trung đội du kích cũng tổ chức huấn luyện quân sự và học tập các kinh nghiệm đánh du kích. Trong nhân dân thì tiến hành các đợt tố cáo tội ác của giặc, vạch trần các thủ đoạn chia rẽ lương giáo của chúng, nên đã gây cho nhân dân lòng căm thù địch và làm cho đồng bào lương giáo thông cảm, đoàn kết với nhau. Đồng thời còn ra sức tuyên truyền các tin tức chiến thắng, đặc biệt là chiến thắng Hòa-bình, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, gây cho nhân dân lòng tin tưởng vững chác vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Qua các đợt tuyên truyền và tổ chức học tập, nhân dân càng tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi và càng hăng hái tham gia các công tác xã hội. Nhận rõ việc đánh giặc giữ làng là nhiệm vụ thiêng liêng của mình, ở nhiều xã, nhân dân và dân quân du kích đã sát cánh cùng bộ đội củng cố làng kháng chiến, tích cực làm hầm chông, bẫy mìn, đóng góp tiền gạo cho du kích có lương ăn luyện tập và mua sắm vũ khí. Nhân dân Phú-xuyên đã tích cực thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “... Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc,... Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng hải ra sức chống thực dân, cứu nước...”(1).

Sau 5 tháng đẩy mạnh hoạt động quân sự, khu du kích trung và tây Phú-xuyên đã được mở rộng, gồm hơn 30 thôn xóm thuộc 7 xã: Hoàng-long, Cộng-hòa, Ái Quốc, Tân-dân, Vân-từ, Quang Trung, Chuyên-mỹ, nối liền với một số xã của khu du kích Chợ Cháy, hợp thành một vùng giải phóng tương đối rộng, chiều dài chừng hơn 10 ki-lô-mét, chiều rộng tới 7 – 8 ki-lô-mét. Khu du kích đông Phú-xuyên cũng được mở rộng gồm hơn 30 thôn xóm thuộc 7 xã: Bạch-hạ, Đô-xuyên, Dân-chủ, Hiệp-hòa, Bát-đô, Chí-minh và Minh-tân, hợp thành một dải dài 9-10 ki-lô-mét, chiều rộng trung bình từ 5-6 ki-lô-mét, nối liền với khu du kích Lý-nhân của Hà-nam bằng đường 60 chạy từ bờ đê sông Hồng tới đường số 1.

Khu du kích ngày càng được củng cố. Ban đêm, dân quân du kích tổ chức canh gác, tuần tra chặt chẽ để bảo vệ trị an, bảo vệ sản xuất. Những hoạt động của bọn chỉ điểm, gián điệp bị ngăn chặn, bọn địch chiếm đóng ở các đồn bốt chung quanh đều tỏ ra hoang mang, dao động. Đã mấy lần chúng cố gắng tập trung hàng tiểu đoàn ở các bốt Đồng-quan, Mỹ-lâm... liều lĩnh mở các cuộc càn quét nhỏ ra vùng lân cận, hòng phá hoại việc rào làng kháng chiến của ta và lấy lại tinh thần cho binh lính chúng. Nhưng mỗi lần ra khỏi đồn bốt, địch đều bị bộ đội địa phương và dân quân du kích chặn đánh kịch liệt. Trận Cổ-châu, ta bắt sống 22 tên địch, thu 15 súng các loại. Trận chống bọn địch ở Đồng-quan ra càn quét, nhân dân các xã Hoàng-long, Cộng-hòa đã vác xẻng cuốc, gậy gộc, cùng với du kích đánh đuổi địch. Hàng trăm người đã đổ ra đen nghịt cả cánh đồng, tiếng hò reo vang dậy, khiến quân địch vô cùng hoảng sợ, phải cắm đầu chạy về bốt.

Khi quân địch hoang mang dao động, co lại trong các đồn bốt, không dám hung hăng ra càn quét, ta đã tiến lên uy hiếp chúng. Dân quân du kích của các xã Hoàng-long, Tân-dân, Quang Trung, Hiệp-hòa... đã cùng với bộ đội huyện, thường xuyên đi quấy rối các đồn bốt địch như bắn súng, ném lựu đạn, gọi loa địch vận... Du kích các xã ven đường số 1, đường 73, đường 60 thì tích cực gài mìn, làm hố chông, cản trở việc giao thông vận chuyển của địch. Du kích miền đông Phú-xuyên đã cùng với bộ đội huyện bao vây bốt Mai-xà ròng rã gần một tháng, buộc chúng phải dùng máy bay thả đồ tiếp tế...

Không có lực lượng ứng chiến hỗ trợ, bọn địch chiếm đóng đã bắt đầu phải bị động đối phó với các hoạt động của du kích. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang địa phương của ta còn non, chưa đủ sức tiến lên nhổ được đồn bốt địch. Tình hình đó đòi hỏi phải có những đơn vị chủ lực tập trung lớn hơn, có trình đội tá chiến cao hơn, mới có thể liên tục tiến công tiêu diệt được sinh lực địch, mở rộng phạm vi khu du kích và dìu dắt các lực lượng vũ trang địa phương lớn lên. Cùng với yêu cầu khách quan của tình hình, điều kiện chủ quan của khu du kích đã đủ đảm bảo cho những đơn vị chủ lực vào hoạt động: cơ sở quần chúng đã bước đầu được củng cố, nhân dân phấn khởi tham gia kháng chiến, hăng hái góp thóc công lương, lập hũ gạo kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ các xã, nhân dân đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, chờ đón bộ đội về làng.


(1) Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày toàn quốc kháng chiến, Tuyển tập Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, quyển 1, tr. 196.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:21:34 pm
TIỂU ĐOÀN 922 VÀO PHÚ-XUYÊN

Quán triệt nghị quyết Trung ương về nhiệm vụ quân sự của các chiến trường sau lưng địch, đảng ủy Liên khu 3 đã quyết định đưa bộ đội chủ lực của Liên khu vào hoạt động trong các khu du kích mới được mở thuộc các tỉnh Hà-đông, Hà-nam để phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng hơn nữa các khu du kích nhỏ, tiến tới xây dựng những căn cứ du kích rộng lớn của Liên khu.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Liên khu, trung đoàn 46, đơn vị chủ lực của Liên khu, đã tiến quân vào vùng sau lưng địch. Căn cứ vào nhiệm vụ quân sự của Liên khu đề ra, hướng hoạt động chủ yếu của trung đoàn lúc này là các huyện Phú-xuyên, Ứng-hòa (Hà-đông) và các huyện Lý-nhân, Duy-tiên (Hà-nam). Nhiệm vụ chủ yếu của trung đoàn là dìu dắt các lực lượng vũ trang địa phương, tích cực đánh địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích để mở rộng các vùng du kích, bảo đảm giữ vững nơi cửa ngõ liên lạc với khu Tả ngạn; đồng thời tiếp tục uy hiếp các đường giao thông huyết mạch của địch xuống phía nam là đường số 1 và sông Hồng.

Trước khi tiến quân vào vùng sau lưng địch, toàn trung đoàn đã mở đợt chỉnh huấn, học tập chủ trương và nhiệm vụ mới của Đảng đề ra. Qua học tập, bộ đội đã nâng cao được nhận thức, liên hệ giải quyết được những tư tưởng lệch lạc, quán triệt thêm một bước tư tưởng chỉ đạo tác chiến của trên. Đồng thời, trong đơn vị đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tác chiến ở vùng sau lưng địch, nhằm đạt tới thống nhất tư tưởng chiến thuật, đặt cơ sở cho cách đánh sau này. Đồng chí Nẫm, ủy viên thường vụ Liên khu ủy kiêm chính ủy trung đoàn 46 đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải tích cực đánh địch, bảo vệ nhân dân, tuyệt đối chấp hành kỷ luật dân vận, tích cực giúp đỡ nhân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu.

Tiểu đoàn 922 và tiểu đoàn 57 được lệnh vào các khu du kích hữu ngạn sông Hồng thuộc địa phận Hà-đông và Hà-nam. Ban chỉ huy trung đoàn cũng qui định phạm vi hoạt động cho từng tiểu đoàn, theo thế liên hoàn lấy đường số 1 làm trục bản lề, bảo đảm có thể hỗ trợ lẫn nhau khi bị địch bao vây càn quét và tạo điều kiện giành chủ động trong chiến đấu với địch.

Để thống nhất việc chỉ đạo chung của trung đoàn với tinh thần tích cực chủ động của các tiểu đoàn, ban chỉ huy trung đoàn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu đoàn và phổ biến yêu cầu chung. Đồng thời liên hệ chặt chẽ với các tỉnh ủy, huyện ủy, tranh thủ trước một số ý kiến chỉ đạo cụ thể và đề ra với các đảng ủy địa phương về yêu cầu của mình. Các tỉnh ủy, huyện ủy đã trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị cơ sở, tích cực tạo ra những điều kiện cần thiết, đảm bảo cho các tiểu đoàn 922 và tiểu đoàn 57 vào hoạt động.

Nhiệm vụ cụ thể của tiểu đoàn 922 là, qua sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương, phối hợp và giúp đỡ các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và xã, đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống phá các cuộc càn quét của địch, đồng thời nghiên cứu một số mục tiêu địch sơ hở, diệt những đồn bốt cô lập, nhỏ yếu của địch, hoặc tổ chức phục kích, đánh địch trên các đường giao thông số 1 và sông Hồng, tiêu diệt những toán quân, đoàn xe, đoàn tàu địch vận chuyển hàng ngày...

Là đơn vị được xây dựng và trưởng thành trong cuộc đấu tranh gian khổ ở vùng sau lưng địch, với những kinh nghiệm đã tích lũy qua thực tế chiến đấu, cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn 922 đều chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét. Ngay từ khi mới tiến vào Phú-xuyên, đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn đã nhận định rằng, trong vùng sau lưng địch, càn quét và chống càn quét sẽ là hình thức tác chiến chủ yếu, thường xuyên diễn ra giữa ta và địch. Vì thế, đồng thời với việc nghiên cứu một số mục tiêu sơ hở của địch để chuẩn bị tập kích, tiểu đoàn còn có kế hoạch cùng với các lực lượng vũ trang địa phương chuẩn bị chống địch càn quét. Xuất phát từ nhận thức đó, đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã họp hội nghị liên tịch với huyện ủy, huyện đội Phú-xuyên và đồng chí tỉnh ủy viên Hà-đông phụ trách căn cứ du kích để thống nhất chủ trương và kế hoạch chuẩn bị chống càn quét. Cuộc họp này đã thảo luận quán triệt tư tưởng chỉ đạo chống càn quét của Liên khu và trung đoàn đề ra là: do đặc điểm địa hình đồng bằng, địch dễ phát huy ưu thế không quân và pháo binh, ta hoạt động trong khu du kích nhỏ bé, dễ bị chia cắt bao vây, cho nên trước khi địch bao vây càn quét, ta cần tranh thủ tập kích vào quân địch mới tập trung đến, đánh vào chỗ sơ hở nhắm đến tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng để phá kế hoạch càn quét. Khi địch càn quét, phải tận dụng mọi hình thức tác chiến của bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích, thực hiện đánh địch ở mọi chỗ, mọi nơi, tạo thành thế liên hoàn, lấy chủ lực làm nòng cốt, tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, buộc chúng phải bỏ dở cuộc càn quét. Đồng thời, hội nghị đã nhận định về tình hình và âm mưu mới của địch, và đề ra phương châm hoạt động cụ thể của ta. Trong đó việc chuẩn bị chống địch càn quét đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng và tiến hành phân công cụ thể giữa tiểu đoàn 922 với các lực lượng vũ trang của địa phương.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:22:16 pm
Căn cứ vào quy luật càn quét của địch và nghiên cứu cụ thể kinh nghiệm các cuộc càn quét trước đây của chúng vào Phú-xuyên, ta phán đoán rằng, lần này địch có thể càn quét lớn hơn và ác liệt hơn các lần trước. Để thực hành bao vây tấn công ta từ nhiều mặt, địch đã lợi dụng thệ thống đồn bốt chung quanh và các trục đường giao thông để tiến quân và triển khai lực lượng. Hướng tấn công chủ yếu vẫn là từ đường số 1 vào. Vì đây là trục đường lớn, rất thuận tiện cho địch triển khai lực lượng và tổ chức trận địa hỏa lực chi viện, đồng thời cũng tiện lật đi lật lại giữa hai miền đông, miền trung và tây Phú-xuyên. Lực lượng càn quét của địch có thể rất lớn, hàng mấy binh đoàn và sẽ có nhiều pháo binh, không quân. Trước một lực lượng lớn mạnh của địch, tấn công ồ ạt từ nhiều mặt, khu du kích của ta lại nhỏ bé, để đảm bảo chiến đấu, không cho địch bao vây chia cắt, hợp điểm cất vó ta trong ngày, thì bộ đội và dân quân du kích, phải phát huy cao độ tinh thần tích cực đánh địch, hết sức vận dụng hệ thống làng kháng chiến, kiên quyết tiêu diệt một phần sinh lực địch, không cho chúng thực hiện kế hoạch bao vây càn quét và đánh phá khu du kích. Dựa vào làng kháng chiến vững chắc, ta sẽ hạn chế được hỏa lực pháo binh và máy bay của địch, thực hiện đánh địch được bất ngờ và giữ vững được lực lượng của ta, đảm bảo luồn càn thắng lợi và có thể tiếp tục chống càn trên địa bàn mới. Vì thế, trong kế hoạch chuẩn bị chống càn quét, việc tiếp tục củng cố làng kháng chiến đã được đặt thành nhiệm vụ cấp thiết lúc đó.

Theo kế hoạch chung của hôi nghị liên tịch đề ra, tiểu đoàn 922 sẽ đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu trên những hướng chủ yếu. Ban chỉ huy tiểu đoàn đã giao nhiệm vụ tác chiến của từng đại đội và phân công các đơn vị cùng với dân quân du kích địa phương bắt tay ngay vào công việc củng cố làng kháng chiến, rào thêm lũy tre, làm thêm các loại công sự chiến đấu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo chiến đấu.

Trên các hướng tác chiến phụ, huyện đội trực tiếp chỉ đạo cho bộ đội huyện và dân quân du kích cùng phối hợp để củng cố làng kháng chiến. Nhân dân các xã đã hăng hái ủng hộ tre gỗ và các thứ cần thiết cho bộ đội và du kích rào làng.

Trên cơ sở những làng kháng chiến đã bước đầu được xây dựng, lần này ta đã củng cố được rất nhiều làng kháng chiến tương đối vững chắc. Ở một số nơi có địa hình thuận lợi, ta đã tổ chức thành những cụm làng kháng chiến liên hoàn như Trị-thủy (Bim), Nhân-sơn, Vĩnh-ninh, Vĩnh-xuân, Hòa-khê... của khu du kích miền đông. Khu du kích miền trung và tây cũng có các cụm làng kháng chiến liên hoàn khá vững chắc như Đại-nghiệp (Tre), Chuyên-mỹ (Chuôn), Đào-xá, Cổ-hoàng,... Trong mỗi cụm làng kháng chiến, ta lại xây dựng khu cố thủ trung tâm vững chắc. Lợi dụng các vật thể kiến trúc kiên cố như nhà gạch, đình, chùa... để cấu trúc các loại công sự chiến đấu thành từng tuyến nối tiếp nhau, đồng thời có hàng loạt hầm hố vững chắc để tránh hỏa lực pháo binh và máy bay địch oanh tạc, đảm bảo cho đơn vị phòng ngự có thểcố thủ được làng trong những trường hợp cần thiết. Để tạo điều kiện có thể đánh địch ở ngoài làng, thực hành cơ động tác chiến, tranh thủ tiêu diệt nhiều sinh lực địch trong những tình huống có lợi, ta còn lợi dụng những địa hình địa vật ngoài làng như bờ cao, gò đống... cấu trúc thành những tuyến công sự chiến đấu thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, ta có thể dùng những tuyến công sự này làm trận địa phục kích, bất ngờ đánh địch ở ngoài làng.

Trong quá trình củng cố làng kháng chiến các đại đội của tiểu đoàn 922 đã lần lượt tới đóng quân ở các thôn xã được phân công tác chiến, trực tiếp huấn luyện cho các đội du kích và dân quân, giúp đỡ nhân dân thu hoạch mùa màng, dạy các em thiếu nhi hát bài ca kháng chiến, làm công tác liên lạc, trinh sát, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ và kể chuyện chiến thắng cho nhân dân nghe... Do đó đã thắt chặt được mối quan hệ quân dân. Ở nhiều thôn nhân dân đã lấy phiên hiệu của đơn vị đặt thay cho tên thôn để tỏ tình thắm thiết cá nước. Bất cứ xã nào thôn nào, nhân dân cũng mong mỏi có bộ đội về làng. Các chi bộ đã lãnh đạo nhân dân chuẩn bị đầy đủ lương thực cho bộ đội để đánh giặc giữ làng. Được bộ đội chủ lực dìu dắt giúp đỡ, các đội dân quân, du kích cũng nhanh chóng trưởng thành, cùng với nhân dân tích cực chuẩn bị hầm chông, bẫy mìn để triển khai các hoạt động đánh du kích, sẵn sàng phối hợp với bộ đội đánh địch. Qua việc khẩn trương củng cố làng kháng chiến, các chi bộ đảng đã chú ý giáo dục cho nhân dân hiểu rõ âm mưu thâm độc của địch, vạch tội ác đẫm máu của chúng để gây cho nhân dân lòng căm thù sâu sắc đối với quân địch. Nhân dân ở nhiều xã như Hoàng-long, Cộng-hòa, Tân-dân, Chuyên-mỹ, Hiệp-hòa, Vĩnh-xuân... đã tích cực cùng dân quân du kích làm công tác phá hoại đường sá, đào hầm chông bẫy giặc. Từng xóm, từng nhà đều có kế hoạch cất giấu trâu bò gà lơn, thóc lúa, sẵn sàng làm vườn không nhà trống mỗi khi quân địch đến càn quét. Các chi bộ còn đặc biệt chú ý lãnh đạo nhân dân phòng gian giữ bí mật. Ngoài việc tổ chức giám sát chặt chẽ những phần tử xấu, ở địa phương, qui định việc canh gác, kiểm tra ban đêm, hạn chế việc liên hệ với các thôn tề sát bốt địch và phong tỏa các nguồn tin tức của địch, nhân dân các xã còn tích cực thực hiện khẩu hiệu “ba không”: không nghe, không thấy, không biết. Do đó mọi hoạt động của bộ đội và công việc chuẩn bị chống địch càn quét đều đảm bảo giữ được bí mật.

Toàn bộ kế hoạch chuẩn bị chống địch càn quét của Phú-xuyên đã được đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của huyện ủy và các chi bộ xã; huyện đội đã trực tiếp chỉ đạo các xã huy động được đông đảo nhân dân hăng hái tham gia, lại có tiểu đoàn 922 phối hợp chặt chẽ, nên đã hoàn thành công tác chuẩn bị tương đối tốt, tạo được điều kiện thuận lợi cho chiến đấu chống càn. Đó cũng chính là cơ sở đảm bảo rất quan trọng cho tiểu đoàn 922 sau này có thể chiến đấu chống càn quét thắng lợi.

Thời gian đầu, tiểu đoàn 922 hoạt động ở các miền trung, tây Phú-xuyên và khu Chợ Cháy, Ứng-hòa. Trong vòng 2 tháng, tiểu đoàn đã đánh địch ra càn ở Trầm-lộng và phục kích địch ở Thượng-khê, Tử-đà, Mai-xá, Hòa-mạc... Đầu tháng 3 năm 1952, Ban chỉ huy trung đoàn 46 điều tiểu đoàn 57 vào thay thế và chuyển tiểu đoàn 922 sang miền đông Phú-xuyên, bắc Lý-nhân, thành thế liên hoàn với tiểu đoàn 57. Qua mấy tháng hoạt động tác chiến và làm công tác dân vận, cán bộ và chiến sĩ trong tiểu đoàn chẳng những đã quen thuộc đồng bào địa phương, nắm vững được tình hình, mà còn rất thông thạo địa hình, tạo thêm thuận lợi cho hành động chiến đấu với địch.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:24:15 pm
KẾ HOẠCH CÀN QUÉT CỦA ĐỊCH VÀ QUYẾT TÂM CHIẾN ĐẤU CỦA TA

Từ khi khu du kích các miền đông, miền trung và tây Phú-xuyên cùng với nhiều khu du kích khác ở chung quanh Hà-nội xuất hiện, bọn chỉ huy của địch ở Hà-nội rất lo lắng. Chúng muốn tập trung lực lượng, lập tức càn quét, để “bình định” bằng được những vùng này sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng vì phần lớn lực lượng cơ động của chúng đã ném ra chiến trường Hòa-bình và bị giam chân ở đó, số quân chiếm đóng chung quanh Hà-nội không đủ sức mở những cuộc càn quét quy mô lớn vào các khu du kích đang ngày càng mở rộng và củng cố. Tuy nhiên, địch vẫn cố gắng thu vét lực lượng, rút bỏ những đồn bót đang bị bao vây cô lập để bổ sung và tổ chức thêm nhiều tiểu đoàn cơ động, tích cực chuẩn bị cho kế hoạch càn quét vào các làng đang có phong trào chiến tranh du kích mạnh mẽ. Giữa lúc đó, chiến dịch Hòa-bình kết thúc, bọn tàn binh địch lếch thếc quay về. Bọn chỉ huy địch ở Bắc-bộ đã “cộp” cả số vốn còn lại này với lực lượng cơ động đã được chuẩn bị, gấp rút mở các chiến dịch càn quét quy mô lớn và ác liệt vào các khu du kích vùng đồng bằng Bắc-bộ, hòng thực hiện âm mưu bình định hậu phương chiến lược của chúng.

Cũng như nhiều lần càn quét Phú-xuyên trước đây, lần này chiến thuật chủ yếu của địch vẫn là: trước hết rải quân vây kín bốn mặt, phong tỏa chặt chẽ các đường lớn, sau đó sẽ tấn công bằng nhiều mũi kẹp lại, gọi là “phân lô hợp kích”. Hướng tấn công chủ yếu vẫn là từ đường 1 vào. Lực lượng chủ yếu của địch tập trung và triển khai đội hình theo trục đường số 1 cùng với phần lớn số pháo cơ động làm nhiệm vụ chi viện, để hình thành những mũi tấn công thật mạnh mở vào trung tâm khu du kích. Trên các hướng phụ, địch chỉ rải quân làm nhiệm vụ gọi là “chăng lưới bổ vây”, để phối hợp với hướng chủ yếu. Về thủ đoạn chiến thuật, địch thực hành lối bao vây chia cắt, đánh gọn từng làng hoặc cụm làng, từng bước dồn ép lực lượng ta vào hợp điểm của chúng. Khi phát hiện có lực lượng của ta, địch sẽ trước hết sử dụng pháo binh, máy bay oanh tạc thật ác liệt, sau đó mới cho bộ binh xung phong vào làng, đảm bảo cho bộ binh chúng không bị tiêu hao nặng ngay từ phút đầu. Trường hợp gặp sức chống trả mãnh liệt hoặc bị phản xung phong mạnh mẽ, địch sẽ tạm giãn ra để giữ vững vòng vây, đồng thời dùng hỏa lực của pháo binh, máy bay oanh tạc liên tục, dữ dội xuống các mục tiêu này, nhằm phá hủy phần lớn các công sự chiến đấu trong làng và tiêu diệt một phần lực lượng của ta, tiếp đó sẽ dồn lực lượng phía sau lên để khép chặt vòng vây và tổ chức các đợt xung phong mới, cố gắng hợp điểm “cất vó” ta trong ngày, không cho ta có điều kiện tập trung lực lượng bẻ gãy một mũi tấn công của chúng để luồn ra ngoài vòng vây đánh lại chúng.

*

Ngày 30 tháng 5 năm 1952, tiểu đoàn 922 đóng quân trong khu du kích Duy-tiên – Lý-nhân (Hà-nam) để nghiên cứu chuẩn bị đánh bốt Mai-xá đang bị cô lập. Khi đảng ủy tiểu đoàn đang họp hội nghị thì nhận được báo cáo của phân đội trinh sát nói về tình hình địch trên đường số 1 có thay đổi: từ phía Hà-nội đã phát hiện có 2 đại đội bộ binh đi bằng cơ giới, theo đường số 1 xuống Cầu Đoài và dừng lại ở bên đường. Phía trung và tây Phú-xuyên vẫn có tiếng súng nổ. Theo báo cáo của trinh sát huyện đội thì địch còn tiếp tục các cuộc càn quét nhỏ ở đây. Ban chỉ huy tiểu đoàn 922 phán đoán rằng: Đây có thể là lực lượng tiếp viện của địch để tiếp tục cuộc càn quét trung và tây Phú-xuyên, nhưng cũng có thể là bọn tiền vệ chuẩn bị cho cuộc càn quét mới vào miền đông Phú-xuyên và Duy-tiên – Lý-nhân. Để kịp thời chuẩn bị đánh địch, hội nghị đảng ủy tiểu đoàn đã nhanh chóng kết thúc vào buổi chiều. Tiểu đoàn trưởng đã ra lệnh cho đội trinh sát phải phối hợp chặt chẽ với quân báo của địa phương, tổ chức bám sát địch và theo dõi những hoạt động của chúng.

Để hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với tiểu đoàn 57 đang chống càn quét ở khu du kích trung và tây Phú-xuyên, nhất là để tranh thủ chủ động đánh phủ đầu quân địch nếu chúng càn quét miền đông Phú-xuyên, ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định sẽ tập kích chớp nhoáng vào các vị trí trú quân hoặc các trận địa pháo Đồng-văn, Cầu Đoài, Cầu Guột... và tổ chức phục kích cơ giới của địch trên đường số 1, cố gắng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm cho chúng không thể tiếp tục càn quét miền trung và tây Phú-xuyên.

Đêm 30 tháng 5 năm 1952, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 ra lệnh cho các đại đội 82, 832, 834 và đại đội trợ chiến hành quân lên khu du kích đông Phú-xuyên để thực hiện kế hoạch tập kích vào Cầu Đoài, Cầu Guột. Với tác phong sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch có thể bất ngờ càn quét, các đại đội đều đóng quân theo đội hình chống càn đã được tiểu đoàn nghiên cứu và giao nhiệm vụ. Đại đội 830 được lệnh ở lại khu du kích Lý-nhân, chuẩn bị tập kích vào vị trí Đồng-văn; và sau đó, nếu địch bất ngờ bao vây càn quét đông Phú-xuyên, thì phải phối hợp tác chiến với tiểu đoàn ở tuyến ngoài, cùng với dân quân du kích đánh mạnh vào sau lưng địch từ phía dưới đường 60, hỗ trợ đắc lực cho tiểu đoàn, phá tan cuộc bao vây tiến công càn quét của địch.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:25:00 pm
Lúc này địch tương đối sơ hở, nhưng cán bộ thiếu tích cực, việc chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới chưa được chu đáo, nên đêm 31 tháng 5, ta vẫn chưa tập kích được.

Chiều ngày 1 tháng 6 năm 1952, khi toàn tiểu đoàn đang khẩn trương chuẩn bị thêm cho kế hoạch tập kích các mục tiêu trên đường số 1 thì phân đội trinh sát lại báo cáo: Đã phát hiện địch có 2 binh đoàn cơ động đi bằng hơn 200 xe cơ giới, từ phía đường số 5 qua Hà-nội, xuống thẳng Phú-xuyên theo đường số 1, và đã triển khai lực lượng đến làng Ngọc-thị, chỉ còn cách vị trí Đồng-văn và đường 60 chừng 2 ki-lô-mét. Phía sông Hồng, quân báo của huyện đội cũng phát hiện địch có nhiều ca-nô và tàu chiến từ phía Hà-nội xuống và đã cho 1 tiểu đoàn đổ bộ lên địa điểm cách vị trí Mai-xá chừng 1 ki-lô-mét về phía bắc; sau đó đoàn ca-nô và tàu chiến tiếp tục tuần tiễn trên sông.

Thế là màng lưới bao vây đông Phú-xuyên đã hoàn thành rõ rệt. ta đã nằm trong vòng vây của địch. Đảng ủy tiểu đoàn 922 hội ý cấp tốc, nhận định rằng: địch có thể càn quét đông Phú-xuyên ngay trong ngày tới. Theo tinh thần chỉ thị của ban chỉ huy trung đoàn trước đây thì tiểu đoàn phải dựa chặt vào khu du kích, bám sát lấy địch mà đánh. Khi địch càn quét phải tích cực phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững vùng căn cứ, không được tùy tiện “bật đất”. Lúc này làng kháng chiến và cơ sở quần chúng của Phú-xuyên đã được củng cố tương đối vững, tiểu đoàn có thể ở lại chiến đấu chống càn quét, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang địa phương, triển khai rộng rãi hoạt động đánh du kích, tích cực tiêu hao và tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, làm cho kế hoạch càn quét của chúng bị thất bại, do đó mà bảo vệ được khu du kích. Ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã kịp thời ra lệnh cho các đại đội lập tức ngừng kế hoạch chuẩn bị tập kích, chuyển sang gấp rút chuẩn bị chống địch càn quét.

Để tranh thủ sự chỉ đạo cấp ủy địa phương và để động viên được mọi lực lượng cùng khẩn trương chuẩn bị chống càn, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã triệu tập hội nghị khẩn cấp, gồm các cán bộ đại đội trong tiểu đoàn, huyện ủy, ban chỉ huy huyện đội và đại diện một số cơ quan dân chính như thanh niên, phụ nữ, ủy ban kháng chiến hành chính Phú-xuyên. Đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách căn cứ địa Hà-đông cũng tham dự. Cuộc hội nghị này đã thống nhất nhận định tình hình địch, xác định rõ yêu cầu tác chiến của ta; đồng thời tiến hành phân công cụ thể giữa các ngành quân, dân, chính, Đảng, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Về hành động càn quét cụ thể của địch, hội nghị nhận định rằng, căn cứ vào đặc điểm địa hình và lực lượng địch đã triển khai, ku du kích đông Phú-xuyên có thể bị tấn công từ hai mặt: phía đường số 1 và phía sông Hồng kẹp lại, đồng thời có thể có một mũi từ phía nam, dưới đường 60 đánh lên. Hướng tấn công chủ yếu của địch chắc chắn sẽ từ đường số 1 vào, mũi chính rất có thể sẽ tiến theo đường tiểu hà từ Cầu Giẽ, Cầu Đoài qua Phúc-lâm vào Trị-thủy, thọc xuống Nhân-sơn, Vĩnh-ninh, Hòa-khê. Khu hợp điểm của địch có thể là Bái-vàng, Hòa-khê, Kim-qui, Thành-lập. Hướng phụ phía sông Hồng có thể có xe tăng trợ chiến, địa hình ở đây xe tăng có thể hoạt động được tới khu vực Vĩnh-xuyên. Trên hướng chính, địch cũng có thể sử dụng cơ giới được, vì đường tiểu hà chưa bị phá hoại triệt để. Với lực lượng lớn, lại có pháo binh, không quân và xe tăng trợ chiến, địch có thể tập trung binh hỏa lực, hòng nhanh chóng thọc vào trung tâm khu du kích để hợp điểm cất vó ta trong ngày; sau đó sẽ tiếp tục càn quét nhỏ để thực hiện âm mưu bình định khu du kích. Về thình hình ta, những làng kháng chiến đã được củng cố, cơ sở quần chúng rất tốt, các cơ quan đoàn thể đều sẵn sàng chi viện cho bộ đội đánh giặc, điều kiện khách quan đảm bảo cho chiến đấu chống càn tương đối đầy đủ; về lực lượng vũ trang, ngoài tiểu đoàn 922, còn có lực lượng dân quân du kích đông đảo ở các thôn xã, ta có thể dựa vào làng kháng chiến phát huy mạnh mẽ tinh thần chiến đấu dũng cảm – nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi – tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đập tan cuộc càn quét của chúng.

Trên cơ sở phán đoán hành động của địch và đánh giá khả năng của ta, hội nghị đã nêu ra yêu cầu cho các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã là phải tích cực chủ động đánh địch ở khắp mọi chỗ mọi nơi. Trên hướng chủ yếu, yêu cầu bộ đội chủ lực phải bẻ gãy được các đợt tấn công ác liệt và liên tục của địch, cố gắng tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng. Để phối hợp chặt chẽ với hướng chủ yếu, trên các hướng thứ yếu, bộ đội địa phương và dân quân du kích phải dựa chặt vào làng kháng chiến, triển khai các hoạt động đánh địch một cách tích cực như đánh chim sẻ, đánh liên hoàn, giật mìn, bẫy chông, bẫy lựu đạn... kiên quyết ngăn chặn và tích cực tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán binh hỏa lực ra đối phó ở khắp nơi, không thể nhanh chóng hợp điểm cất vó được ta trong ngày. Đồng thời cần phải triệt để phá hoại các trục đường lớn để ngăn chặn địch.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:25:39 pm
Để thống nhất chỉ đạo trong quá trình chiến đấu chống càn, bảo đảm “tất cả cho thắng lợi”, một ban chỉ huy thống nhất đã được thành lập, gồm ban chỉ huy tiểu đoàn 922, đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách căn cứ địa Hà-đông và đại biểu của huyện ủy, huyện đội Phú-xuyên. Mọi việc chuẩn bị và tác chiến có liên quan đến các lực lượng vũ trang và nhân dân đều do cơ quan chỉ huy chung quyết định.

Sau cuộc họp khẩn cấp, huyện ủy đã lập tức thông báo cho các xã miền đông, miền trung và miền tây đều phải gấp rút chuẩn bị chống càn. Các đội du kích và các tổ tải thương, tiếp tế, quân báo, giao thông, tản cư... đã nhanh chóng tập trung và lập tức tiến hành các công tác cần thiết theo kế hoạch đã lập ra từ trước. Được sự chỉ đạo chặt chẽ và đôn đốc trực tiếp của huyện ủy, huyện đội, công với sự giúp đỡ tích cực của bộ đội chủ lực, công tác chuẩn bị chống càn quét của các thôn, xã đều được nhanh chóng hoàn thành trong đêm. Của cải, thóc lúa, trâu bò, lợn gần của nhân dân trước đã được phân tán cất giấu nay cũng kiểm tra lại và làm được tiệt để, chu đáo hơn. Các đơn vị của tiểu đoàn 922 đã tích cực giúp đỡ nhân dân, tổ chức cho nhân dân tản cư để đảm bảo tính mạng và tài sản, không cho địch bắn giết, cướp phá. Phần lớn các cụ già, trẻ con... đều được tổ chức tạm lánh sang các thôn tề có cơ sở tốt ở sát đồn bốt địch để tránh súng đạn và tiến hành đấu tranh chính trị với địch như: đòi không được khủng bố đốt phá, đòi trả chồng con bị bắt đi phu đi lính...

Để đảm bảo luôn luôn nắm vững được thình hình địch và nhanh chóng thông báo tin tức cho các nơi, huyện đội đã chỉ thị cho các xã đội phải tăng cường màng lưới giao thông quân báo. Đặc biệt đối với các thôn ở sát đường số 1, yêu cầu phải chú ý theo dõi hành động của địch, kịp thời báo cáo lên xã, lên huyện và phải bằng mọi cách giữ vững đường dây liên lạc giữa các miền đông, trung và tây Phú-xuyên trong những ngày địch càn quét. Đồng thời, huyện đội nhắc các ban chỉ huy xã đội phải nắm chắc lực lượng dân quân du kích để phối hợp với bộ đội cùng chiến đấu tiêu diệt quân địch.

Theo lệnh của ban chỉ huy thống nhất, ngay đêm đó huyện đội đã huy động nhân dân làm công tác phá hoại. Có sự hướng dẫn của các tổ phá hoại, hàng ngàn thanh niên, phụ nữ đã mang cuốc xẻng ra phá đường tiểu hà từ Cầu Giẽ, Cầu Đoài vào tới Nhân-sơn và phá nhiều đoạn trên đường 60.

Căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu đã đề ra và dựa vào sự phán đoán về ý định tấn công của địch, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã xác định hướng phòng ngự chủ yếu của tiểu đoàn là tuyến Trị-thủy – Nhân-sơn – Vĩnh-ninh. Đại đội 834 có nhiều kinh nghiệm đánh càn và là đơn vị chủ công của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đánh đánh địch trên hướng này. Về vũ khí, đại đội này được tăng cường thêm 1 đại liên và 1 pi-át. Nhiệm vụ của đại đội 834 là phải chiến đấu tích cực, ngoan cường, kiên quyết chặn địch, không cho chúng vượt qua được trận địa của mình thọc vào trung tâm khu du kích. Để đảm bảo phía sau lưng và cạnh sườn cho hướng phòng ngự chủ yếu, 2 trung đội của đại đội 832 và bộ phận trợ chiến làm nhiệm vụ phòng ngự ở các thôn Hòa-khê và Bái-xuyên, nơi trung tâm khu du kích, sẵn sàng cơ động lực lượng lên chi viện và yểm hộ cạnh sườn phía tây cho đại đội 834. Hướng phòng ngự thứ yếu phía tây nam giao cho đại đội 82. Đại đội này bố trí ở thôn Trác-bút, làm nhiệm vụ chặn đánh cánh quân địch có thể từ vị trí Hòa-mạc và vị trí Đồng-văn thọc vào phía tây nam khu du kích, trường hợp địch không đánh đến thì làm nhiệm vụ đội dự bị của tiểu đoàn. Hướng phòng ngự thứ yếu dọc theo ven sông Hồng do bộ đội địa phương huyện phụ trách. Đại đội địa phương huyện đã phân tán xuống các xã để dìu dắt dân quân du kích, dựa vào làng mạc, triển khai các hình thức đánh du kích, tiêu hao và ngăn chặn những toán quân địch từ tàu chiến đổ bộ lên càn quét. Trong trường họp cần thiết, huyện đội sẽ rút ra 1 trung đội cho tiểu đoàn 922 sử dụng làm những nhiệm vụ đột xuất.

Thực hiện phương châm tích cực chủ động, trung đội 1 của đại đội 832 có nhiệm vụ tập kích vào sở chỉ huy và bãi xe của địch trên đường số 1, cách bốt Cầu Giẽ khoảng 1 ki-lô-mét. Mục đích của cuộc tập kích này nhằm giáng một đòn phủ đầu bất ngờ vào nơi địch sơ hở, tiêu diệt bọn chỉ huy hoặc một bộ phận sinh lực quan trọng và phá hủy xe cộ, làm nhụt nhuệ khí chiến đấu của binh lính địch và làm đà động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của ta. Trung đội tập kích sở chỉ huy và bãi xe được tăng cường thêm 1 tiểu đội, trang bị 4 trung liên, 16 tiểu liên, 20 súng trường, phần lớn là súng trường AT. Ngoài ra, mỗi người còn mang thêm 4 lựu đạn và 1 thủ pháo để diệt cơ giới địch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trung đội này sẽ rút về phía sau, cùng với đại đội 82 làm nhiệm vụ đội dự bị của tiểu đoàn. Với tinh thần chuẩn bị hết sức khẩn trương, 21 giờ ngày 1 tháng 6 năm 1952, các đơn vị đều đã triển khai xong lực lượng trên khu vực được phân công phụ trách và bố trí sắp xếp từng vị trí chiến đấu cụ thể của từng đơn vị nhỏ.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:27:38 pm
Trên hướng phòng ngự chủ yếu, đại đội 834 đã phát ra 1 tiểu đội của trung đội 3, bố trí ở Trị-thủy (Bìm), làm nhiệm vụ cảnh giới cho đại đội và tiểu đoàn. Tiểu đội này cùng với trung đội du kích xã Hiệp-hòa, bố trí ở phía bắc và tây bắc Trị-thủy, chặn đánh quân địch từ Phúc-lâm xuống. yêu cầu chiến đấu đối với phân đội cảnh giới là: cố gắng đánh địch ba bốn đợt, tiêu hao bộ phận đi đầu của địch và buộc chúng phải sớm phân tán lực lượng ra đối phó, không thể nhanh chóng tiến vào trận địa phòng ngự chủ yếu của ta. Sau mấy đợt đánh quân địch một cách tích cực, nếu lực lượng địch dồn lên quá đông, đánh nữa không có lợi, thì tiểu đội cảnh giới sẽ rút theo con mương phía đông làng, lợi dụng cơ bờ cao che khuất, bí mật vòng về phía tây nam Nhân-sơn, tăng cường cho trung đội 1 phòng ngự ở đây. Khi rút về, yêu cầu phải nhanh chóng và bí mật, không để địch theo gót thọc vào trận địa phòng ngự chủ yếu của ta. Các tiểu đội du kích thì phân tán vào các hầm bí mật để làm nhiệm vụ quấy rối và đánh vào sau lưng địch.

Đại đội trưởng đại đội 834 sử dụng trung đội 1 bố trí ở thôn Nhân-sơn. Đây là một thôn tương đối nhỏ, hình dẹt, từ đông sang tây chưa đầy 400 mét, từ bắc xuống nam chỉ chừng 250 mét, phía tây làng có đường cái chạy theo một nhánh của sông Cầu Giẽ; phía ngoài còn có ít ruộng cao trồng màu, tiện cho địch triển khai lực lượng, nhưng cũng tạo thuận lợi cho ta cơ động binh hỏa lực và có thể bí mật xuất kích đánh địch trước lũy tre rìa làng.

Căn cứ vào ý định của đại đội trưởng, và dựa trên địa hình cụ thể, trung đội 1 đã bố trí lực lượng chiến đấu như sau: sử dụng tiểu đội 1 có trung liên bố trí ở mặt tây bắc, tiểu đội 2 có trung liên phụ trách mặt đông bắc. Hai tiểu đội này phải bám chặt tuyến rìa làng, đánh quân địch xung phong ở chính diện. Còn tiểu đội 3 có trung liên, bố trí ở sườn phía đông nam, cùng với tiểu đội cảnh giới từ Trị-thủy rút về bố trí ở phía tây nam, để bảo đảm hai bên sườn trận địa và sẵn sàng xuất kiến lên phía trước đánh địch. Để tăng cường hỏa lực súng máy chi viện cho tuyến chiến đấu phía trước làng, đại đội trưởng đã phát thêm 1 tổ trung liên, bố trí trong công sự bí mật mép ngoài đường cái phía tây, làm nhiệm vụ bắn lướt sườn những toán địch xung phong vào đầu làng.

Tuyến phòng ngự thứ hai của đại đội 834 là thôn Vĩnh-ninh và xóm lẻ, phía dưới Nhân-sơn chừng 1 ki-lô-mét. Thôn Vĩnh-ninh tương đối lớn như hình quả bầu nằm, ngang dọc chừng 300 – 400 mét, phía đông bắc có xóm lớn, phía tây đường cái có xóm nhỏ, rất gần với thôn chính. Chung quanh có ruộng màu, lũy tre không dày lắm, nhưng công sự chiến đấu tương đối vững chắc. Bên ngoài làng, mặt bắc và mặt tây có nhiều ruộng mía và ruộng ngô đã bẻ bắp nhưng chưa chặt cây, rất tiện cho ta giấu quân, phục kích đánh địch ở phía trước và cạnh sườn. Lực lượng bố trí ở đây gồm trung đội 2 và 2 tiểu đội của trung đội 3. Tiểu đội du kích của Vĩnh-ninh cũng bố trí xen kẽ với bộ đội ở xóm lẻ phía đông bắc. để chống xe tăng địch có thể từ phía Vĩnh-xuân xuống, tổ chống tăng của đại đội, có trang bị một số mìn và thủ pháo, cùng với 1 tiểu đội du kích Vĩnh-xuân, bố trí ở hướng đê sông Hồng vào, đảm bảo cạnh sườn phía đông nam cho Nhân-sơn và giữ mặt đông bắc cho Vĩnh-ninh.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:28:11 pm
TRANH THỦ CHỦ ĐỘNG, ANH DŨNG ĐÁNH ĐỊCH

21 giờ ngày 1 tháng 6 năm 1952, trung đội làm nhiệm vụ tập kích sở chỉ huy bà bãi xe bắt đầu xuất phát. 22 giờ, phân đội vượt qua sông Cầu Giẽ bằng thuyền nan do du kích chuẩn bị sẵn. Trời sáng tờ mờ. Để thu nhỏ mục tiêu hành quân, trung đội trưởng chi phân đội thành 4 mũi, mỗi mũi 1 tiểu đội tiến theo đội hình hàng dọc, mũi nhọ sang cách mũi kia chừng 10 mét. Các chiến sĩ nối tiếp nhau vượt qua cánh đồng nước rộng gần 1 ki-lô-mét, sau quá đầu gối. Từng người, từng tiểu đội đều giữ được đúng cự li hành tiến. Vũ khí trang bị được buộc gọn gàng, bước chân lội nước của các chiến sĩ rất nhẹ nhàng, khéo léo nên phân đội đã giữ được bí mật.

0 giờ 30 ngày 2 tháng 6 năm 1952, phân đội tập kích tiến vào sát mép đường và dàn thành đội hình chiến đấu. Khoảng cách giữa địch và ta lúc này chỉ còn chừng 10 mét.

Mới hành quân đến, quân địch tỏ ra mệt mỏi, lại ở thế mạnh và đã ở giữa đội hình chiến đấu của binh đoàn, nêu chúng rất chủ quan. Phần lớn các lực lượng đếu dồn vào đóng ở trong làng, chỉ để chừng 1 đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ bãi xe. Binh lính địch căng bạt, tăng, ngủ lăn lóc trên mặt đường và trên xe, canh gác rất sơ sài, nên quân ta vào tận nơi mà chúng vẫn không hề hay biết.

Thời cơ nổ súng thật là tuyệt! Trung đội trưởng lập tức hạ lệnh. Toàn bộ hỏa lực trung liên, tiểu liên, súng trường của ta đều cùng một lúc bắn sả vào bọn địch đang nằm ngủ ở cạnh xe và trên xe.

Bị đánh bất ngờ, địch vô cùng hoảng hốt, không có chỉ huy, hàng ngũ hoàn toàn rối loạn. Một số lớn địch đã bị chết gục ngay tại chỗ, số còn lại đều bỏ chạy giạt ra hai phía đầu đường, chống cự lại rất lẻ tẻ và yếu ớt. Bọn địch ở trong làng cũng hết sức hoang mang, mỗi tên chạy vào một xó, không dám gọi nhau và ứng cứu cho bọn đang bị đánh ở ngoài đường.

Thấy hỏa lực địch bị tê liệt, trung đội trưởng lập tức hạ lệnh cho phân đội chia làm nhiều mũi nhỏ, nhanh chóng xung phong ngay. Các chiến sĩ đã dùng lựu đạn và thủ pháo ném vào đoàn xe địch để la liệt trên đường. Bị trúng lựu đạn, nhiều xe địch bốc cháy thành một khối lửa. Để tranh thủ diệt thêm lực lượng địch, trung đội trưởng hạ lệnh cho các xạ thủ trung liên quay nóng bắn quét theo những tên địch đang chạy giạt sang hai phía đầu đường, đồng thời hạ lệnh cho chiến sĩ dùng súng trường AT phóng lựu đạn vào những xe ở xa. Dầu mỡ trong các xe đã gây mồi cho ngọn lửa bốc cháy càng lớn, làm sáng rực cả một đoạn đường. Các chiến sĩ ta đã lợi dụng ánh sáng để nhanh chóng giải quyết chiến trường. Cuộc chiến đấu kết thúc trong vòng 30 phút. Trung đội trưởng hạ lệnh cho toàn phân đội rút lui theo đường cũ về địa điểm đã định.

Trận tập kích đánh phủ đầu đã thu được thắng lợi giòn giã: đại đội lính Âu Phi của địch đóng ở trên đoạn đường này đã bị tiêu diệt gần hết. Ta phá hủy hoàn toàn 19 xe vận tải và bắn hư hỏng 5 chiếc khác. Số vũ khi thu được gồm 1 trung liên, 9 tiểu liên, 5 súng trường, nhiều đạn dược và quân trang quân dụng. Bên ta chỉ có 2 chiến sĩ bị thương nhẹ, vẫn có thể tiếp tục chiến đấu được. Rất tiếc vì ta không nắm được tình hình bọn địch đóng ở trong làng, nên chỉ sử dụng lực lượng ít tập kích. Do đó kết quả cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, việc đánh thắng trận phủ đầu đã có tác dụng cổ vũ rất mạnh mẽ đối với ta và càng làm suy sụp tinh thần binh lính địch, nhất là làm cho toàn bộ kế hoạch càn quét của địch phải chậm lại, ta tranh thủ được thời gian chuẩn bị chiến đấu chu đáo hơn.

Để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân, ban chỉ huy tiểu đoàn đã kịp thời báo tin chiến thắng cho các đơn vị biết. Đồng thời giải thích ý nghĩa của trận chiến thắng đó, cổ vũ lòng tin tưởng của bộ đội và nhân dân, cùng nhau đoàn kết, thi đua giết giặc lập công, kiên quyết phá tan cuộc càn quét này của địch.

Về phía địch, sau khi bị tập kích bất ngờ vào bãi xe, chúng phải cấm không cho người qua lại hai đầu đường để thu nhặt xác chết, chở những tên bị thương và kéo những chiếc xe bị bắn hỏng về Hà-nội. Địch cố gắng thu dọn xong trước lúc trờ sáng, hòng bưng bít tin thất bại thảm hại đầu tiên này, để không ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu vốn đã sa sút của binh đoàn chúng. Nhưng vì số thiệt hại khá lớn, nên cuộc “đưa đám” này của địch đã phải kéo dài gần đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:29:23 pm
*

Bị cú đau điếng người, địch phải vừa thu dọn xác chết và xe cộ hư hỏng, vừa phải điều chỉnh lực lượng, nên thời gian nổ súng tấn công cũng phải chậm lại. Đúng 8 giờ ngày 2 tháng 6 năm 1952, kế hoạch càn quét của địch mới bắt đầu thực hiện. Từ thế đã bao vây sâu, địch chia làm ba cánh quân, cùng một lúc tiến đánh khu du kích.

Cánh quân thứ nhất gồm 4 tiểu đoàn lính Âu Phi thuộc trung đoàn cơ động số 1, cùng với 1 tiểu đoàn dù, 1 đại đội biệt kích và 1 đại đội lính bảo an, từ phía đường số 1 đánh vào. Đây là hướng tấn công chủ yếu của địch. Trên hướng ày địch lại chia làm 3 mũi cùng tiến. Mũi chính gồm 3 tiểu đoàn Âu Phi của trung đoàn cơ động số 1, cùng với 1 đại đội biệt kích và 1 đại đội lính bảo an, từ Cầu Guột theo đường cái bờ sông qua Phúc-lâm xuống Trị-thủy, định theo đường lớn đánh thọc tới Nhân-sơn, Vĩnh-ninh... Mũi phụ bên phải gồm 1 tiểu đoàn dù và 5 xe tăng theo đường cái từ ga Phú-xuyên qua Khai-thái, rồi theo đường đê xuống Thượng-thôn, Trung-thôn và Hạ-thôn của Vĩnh-xuân, uy hiếp phía đông bắc Nhân-sơn. Mũi phụ bên trái gồm 1 tiểu đoàn da đen, theo đường nhỏ phía Cầu Đoài xuống thôn Cổ-trai, tắt qua cánh đồng rộng định thọc lên Giáp-tứ, Thủy-chú, rồi đánh vào sườn sau phía tây nam Nhân-sơn.

Cánh quân thứ hai gồm 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn cơ động số 4, từ vị trí Cầu Giẽ trên đường số 1, tiến theo bờ đê hữu ngạn sông Cầu Giẽ, định đi thẳng một mạch xuống gần phía đường 60 thì tổ chức vượt sông, sau đó sẽ đánh vào Hòa-khê và Bái-xuyên, phối hợp với mũi tấn công chính diện và cạnh sườn, hòng thực hiện ba mặt hợp điểm, cất vó lực lượng ta ở trung tâm khu du kích, sau đó sẽ tiếp tục đánh vào Thành-lập, Kim-quy, Trác-bút, hất ta ra phía bờ đê sông Hồng để tiêu diệt.

Cánh quân thứ ba gồm 2 tiểu đoàn lính ngụy. Chúng rải 1 tiểu đoàn trên đê sông Hồng, cùng với 14 ca-nô và 5 tàu chiến, làm nhiệm vụ án ngữ, chăng lưới, còn 1 tiểu đoàn tiến vào càn quét các làng xóm ven sông để cướp bóc, đốt phá và uy hiếp phía sau khu du kích.

Dọc theo tuyến đường số 1, địch rải 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn cơ động số 4 làm nhiệm vụ bao vây án ngữ, ngăn chặn lực lượng ta chuyển qua miền trung và tây Phú-xuyên. Bọn địch ở vị trí Hòa-mạc và Đồng-văn cũng ra án ngữ đường 60, cắt đứt đường liên lạc của ta xuống phía nam.

Cùng với lực lượng bộ binh rất lớn, 3 tiểu đoàn pháo cơ động trên đường số 1, hàng chục pháo trên các tàu chiến ngoài sông Hồng và hàng chục pháo đặt sẵn ở các bốt Đồng-quan, Tía, Vân-đình, Nhất-tựu, Thanh-bồ,... cũng sẵn sàng trút đạn chi viện, phối hợp. Hơn chục chiếc máy bay từ sân bay Gia-lâm đã thường trực chờ sẵn, chỉ đợi lệnh là lập tức cất cánh đến yểm hộ cho bộ binh của chúng tấn công càn quét đông Phú-xuyên.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:30:20 pm
*

Khoảng 8 giờ 30 ngày 2 tháng 6, mũi tấn công chủ yếu của địch tiến vào thôn Phúc-lâm. Du kích giật mìn và bắn tỉa làm địch bị chết và bị thương mấy tên. Chúng phải dừng lại bắn bừa bãi vào làng một hồi lâu, nhưng chưa chịu dàn đội hình chiến đấu. Sau đó, địch giữ nguyên đội hình hàng dọc, tiến theo đường tiểu hà xuống Trị-thủy. Hai chiếc máy bay trinh sát trên các thôn Trị-thủy, Nhân-sơn và Vĩnh-thượng để dòm ngó, phát hiện mục tiêu, chỉ điểm cho pháo binh oanh tạc. Những khẩu pháo lớn trên đường số 1 bắt đầu giội đạn vào thôn Trị-thủy.

9 giờ 30, địch tiến đến đầu thôn Trị-thủy. Chúng cho 1 trung đội chia làm hai mũi tiến vào trước để thăm dò. Tiểu đội cảnh giới của đại đội 934 và du kích xã Hiệp-hòa bố trí trong lũy tre phía trước làng, đợi cho địch vào gần, chỉ còn cách chừng năm, sáu mươi mét mới bất ngờ nổ súng. Hỏa lực tiểu liên và súng trường đều cùng một lúc bắn mạnh vào bọn địch đi đầu. Bị đánh đột ngột, bọn địch không kịp chạy trở ra, gần chục tên đi đầu lập tức ngã gục, những tên còn sống sót vội vã chạy giạt ra phía ngoài đường cái.

Bị đánh mạnh, địch buộc phải dàn đội hình chiến đấu; đồng thời dùng hỏa lực súng máy yểm hộ cho mấy tên bò vào gần lũy tre để lôi xác những tên chết ra ngoài. Tiếp đó, pháo của địch từ phía đường số 1 lại tới tấp giội đạn xuống Trị-thủy, nhưng nhờ có lũy tre và công sự ẩn nấp tốt nên tiểu đội cảnh giới và anh em du kích không một ai bị thương. Mọi người vẫn bám chắc công sự chiến đấu, sẵn sàng đánh địch. Sau đợt hỏa lực chuẩn bị của pháo binh, địch lại cho 2 đại đội xung phong vào hai bên sườn làng. Ý định của địch là chia cắt để bao vây tiêu diệt lực lượng của ta ở phía trước làng. Nhưng vừa vào sát lũy tre sườn làng, địch đã vấp phải mìn và hố chông của du kích, lại thêm mấy tên nữa chết và bị thương. Mặc dầu bị uy hiếp mạnh mẽ hai bên sườn làng, tiểu đội cảnh giới và anh em du kích Trị-thủy vẫn bình tĩnh, nhanh chóng cơ động xuống tuyến chiến đấu cuối làng, dùng súng trường bắn tỉa quân địch, diệt được mấy tên nữa.

Dựa vào hỏa lực đại liên kiềm chế các góc làng, hai cánh quân địch xung phong ở hai sườn làng đã bám được lũy tre và cố xung phong bằng được vào trong làng.

Sau khi đã tiêu hao lực lượng địch và buộc chúng phải dàn đội hình tấn công, tiểu đội trưởng tiểu đội cảnh giới nhận thấy tiếp tục chiến đấu ở đây sẽ không có lợi nữa, vì lực lượng địch đã dồn lên rất đông, liền hạ lệnh cho toàn tiểu đội rút lui theo bờ mương phía đông nam làng, vòng về phía sau Nhân-sơn làm nhiệm vụ mới. Các tiểu đội du kích thì xuống hầm bí mật theo kế hoạch đã định. Khoảng 10 giờ, địch chiếm được Trị-thủy.

Ở mũi phụ bên trái, địch từ ga Phú-xuyên theo đường lớn sang Khai-thái. Năm xe tăng địch đều tập trung ở mũi này. Chúng dựa vào bờ đê sông Hồng thọc xuống Thượng-thôn, từ sườn bên trái hỗ trợ cho mũi tấn công chủ yếu đánh xuống Nhân-sơn. Nhưng ngay từ lúc 9 giờ, chúng đã bị bộ đội địa phương huyện và du kích chặn đánh ở Khai-thái, Thượng thôn. Vì thế, đến 10 giờ địch mới vào được Thượng-thôn.

Để chuẩn bị tấn công vào Nhân-sơn, sau khi chiếm được Thượng-thôn, địch lập tức phát triển xuống Trung-thôn, nhằm uy hiếp cạnh sườn phía đông bắc Nhân-sơn. Được hỏa lực pháo trên tàu chiến ngoài sông Hồng bắn chi viện, 5 chiếc xe tăng từ phía đê dẫn bộ binh tiến vào Thượng-thôn rồi chia làm hai toán, một toán 3 chiếc đánh vòng phía sau Trung-thôn, còn một toán 2 chiếc tiến vào án ngữ trước Nhân-sơn, ở góc phía đông bắc. Tổ đánh xe tăng bằng mìn của ta vì đón không trúng hướng hoạt động của địch, phải rút xuống hầm. Trong cự ly còn cách trận địa ta chừng 300 mét, xe tăng địch dừng lại và bắt đầu bắn kiềm chế vào Nhân-sơn.

Không thấy ta bắn trả, xe tăng địch càn tiến vào sâu hơn và bắn rất ác liệt. Được hỏa lực xe tăng yểm hộ, bộ binh địch bắt đầu vượt qua vạt ruộng nước để xung phong, uy hiếp mạnh mẽ hướng này. Thiếu phương tiện chống tăng, đại đội trưởng đại đội 834 phải cho sử dụng súng cối 60 bắn vào lũ bộ binh và mấy chiếc xe tăng bọc sau Trung-thôn. Bộ binh địch bỏ chạy, mấy chiếc xe tăng bị cô lập và sợ “giẫm” phải mìn của ta nên cũng lùi về phía bắc Trung-thôn, sau đó, mới quay lại dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh tiến đánh Trung-thôn.

Lúc này, cánh quân địch ở mũi phụ bên phải tiến theo bờ hữu ngạn sông Cầu Giẽ đã xuống gần tới đường 60. Chúng cướp thuyền mảng của nhân dân định tổ chức vượt sông, nhưng cả hai lần đều bị dân quân du kích ở đây bắn đắm và bị tiêu hao lực lượng, buộc chúng phải dừng lại ở bên kia sông. Phía ven sông Hồng, bọn địch vào càn quét các thôn xóm cũng bị du kích chặn đánh và bị tiêu hao do vấp bẫy mìn, sa hố chông. Vì thế, chúng cũng phải dè dặt, không dám thọc sâu vào khu du kích.

Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh, bị tiêu hao, nên tốc độ tiến rất chậm, bọn địch sợ sệt, đặt từng bước một. Bọn chỉ huy địch tức tối, gọi pháo ở các vị trí lân cận và pháo cơ động trên đường số 1, trên các tàu chiến ngoài sông Hồng bắn mạnh vào các thôn xóm mà quân chúng đã bị chặn đánh. Sáu chiếc máy bay phóng pháo cũng bắt đầu xuất hiện, phối hợp với pháo binh, thay nhau bắn phá các mục tiêu nghi ngờ, có lực lượng của ta bố trí, để chuẩn bị cho đợt tấn công quyết liệt vào trung tâm khu du kích.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:32:58 pm
*

Sau khi chiếm được Trị-thủy và Trung-thôn, địch tập trung lực lượng, chuẩn bị mở đợt tấn công quyết liệt vào Nhân-sơn.

Khoảng 10 giờ 30, các cỡ pháo lớn nhỏ của địch đặt trên đường số 1, trên các tàu chiến ngoài sông Hồng và ở các vị trí Đồng-quan, Vân-đình, Nhật-lựu... đều bắt đầu bắn mạnh vào các thôn Nhân-sơn, Thủy-trị và Giáp-tứ. Mấy chiếc xe tăng ở Trung-thôn cũng phối hợp bắn vào đầu thôn Nhân-sơn. Đạn pháo nổ liên tiếp trong lũy tre. Cây cối bị tiện đứt xoàn xoạt.

Dự đoán đợt hỏa lực dọn đường của địch sẽ hết sức ác liệt và kéo dài, trung đội trưởng Chương đã ra lệnh cho 2 tiểu đội bố trí ở đầu làng hãy tạm rút xuống cuối làng theo đường giao thông hào ven làng, để tránh thương vong vô ích. Hai tiểu đội bố trí ở sườn làng cũng được lệnh phải ấn nấp kín đáo. Mặt rìa làng phía trước chỉ bố trí quan sát viên và hỏa khí thường trực. Đợt bắn chuẩn bị ác liệt của pháo binh địch kéo dài tới 15 phút. Nhiều đoạn rào tre đã bị tiện đứt, khói đạn mù mịt, mùi thuốc nổ khét lẹt, nhưng các chiến sĩ ta không ai bị thương vong. Khi pháo địch chuyển làn bắn vào giữa làng, 2 tiểu đội ẩn nấp ở cuối làng lại được lệnh phải nhanh chóng chuyển lên tuyến đầu làng, bám sát công sự rìa làng, sẵn sàng đập tan đợt xung phong của bộ binh địch.

Địch đã bắn rất nhiều, rất ác liệt mà không thấy ta bắn trả, chúng tưởng rằng lực lượng của ta đã bị tiêu diệt hết hoặc đã rút chạy từ lâu, nên rất chủ quan dàn đội hình hàng tư, nghênh ngang đi thẳng vào đầu làng không chút dè dặt nữa. Khi vào sát đầu làng, địch cho 1 tiểu đội tạt qua phía đông, làm nhiệm vụ yểm hộ cạnh sườn cho đội hình xung phong. Ta chưa bắn trả, địch vẫn giữ đội hình hàng tư, từ trên đường cái tiến xuống đầu làng phía tây bắc. quân địch hét “a la-xô” ầm ĩ. Chúng vào sát ta, chỉ còn cách rìa làng chừng 30 - 50 mét. Các chiến sĩ ta mai phục trong công sự đã trông rõ những thằng lính Tây chân tay lông lá, mặt mũi đỏ gay. Căm thù trút lên mũi súng chĩa thẳng vào từng tên địch, các chiến sĩ còn còn đợi lệnh là bóp có. Nhưng trung đội trưởng Chương vẫn nhắc nhở: “Phải để cho địch vào thật sát lũy hãy bắn!”. Địch chỉ còn cách ta chừng 15 – 20 mét. Chúng bắn vung vãi và hét hò ầm ĩ. Nhưng giữa lúc chúng đắc chí thì toàn bộ hỏa lực của ta đều nhất loạt bắn ra. Hai khẩu trung liên ở hai góc làng và khẩu trung liên ngoài đường cái cũng thi nhau nhả đạn giòn giã. Quân địch vấp ngã xuống hàng loạt trước lũy tre. Chúng kêu hét rống lên như những con dã thú phải đạn. Nhiều tên hoảng hốt chạy bật trở ra, nhưng bọn chỉ huy địch vẫn bắt phải dồn lên xung phong bằng được vào làng. Hỏa lực đại liên và súng cối của địch cũng tập trung bắn chế áp hỏa lực súng máy của ta, yểm hộ cho quân của chúng cố xung phong vào. Bọn địch đi đầu chỉ còn cách lũy tre rìa làng không đầy 10 mét. Các loại súng máy của địch đặt trên đường cái đầu làng vẫn òng ọc nhả đạn, hòng chế áp hỏa lực trung liên của ta ở hai góc làng, yểm hộ cho quân chúng cố bám lấy tuyến rìa làng. Từ trong lũy tre, các chiến sĩ ta được lệnh dùng lựu đạn quăng ra phía ngoài để diệt địch. Ở góc làng phía tây bắc, tên lính địch đi đầu đã bám được lũy tre. Hắn đang tìm chỗ trống để lách vào thì liền bị một phát đạn bắn vỡ sọ, ngã gục xuống không kịp kêu nửa tiếng, khẩu tiểu liên ở trong tay văng ra một nơi. Đồng chí Đào, chiến sĩ cắt tóc của đại đội đã dùng súng trường kết liễu mạng tên giặc hung hãn này, và nhanh như chớp, đồng chí ngoài ra khỏi lũy tre, tước lấy khẩu tiểu liên Tuyn còn sáng xanh nước thép. Mặc dù quân địch đã dồn lên rất đông, hỏa lực súng máy bắn không ngớt, nhưng các chiến sĩ ta vẫn bám chắc tuyến công sự rìa làng, đánh địch trong cự ly 5 mét. Quân địch vẫn chưa đột phá vào được trong làng. Lúc này, đại đội trưởng Cao Niệm lên trực tiếp chỉ huy trung đội. nhận thấy địch đã bị chặn lại trước lũy tre đầu làng, để tích cực tiêu diệt sinh lực địch và đánh bật chúng ra xa, đại đội trưởng một mặt hạ lệnh cho 2 tiểu đội phía trước làng phải kiên quyết ngăn chặn địch, không cho chúng bám được vào lũy tre; một mặt ra lệnh cho trung đội trưởng chỉ huy 2 tiểu đội bố trí ở sườn nhanh chóng xuất kích, lợi dụng công sự ven làng và cây hoa màu che khuất, bí mật vòng lên phía đầu làng, bất ngờ phản xung phong vào hai bên sườn quân địch. Hỏa lực trung liên của ta bắt đầu nhả đạn mạnh mẽ để yểm hộ cho hành động phản xung phong. Nhưng khi 2 tiểu đội phản xung phong đã xuất kích và đang vận động lên phía đầu làng thì khẩu trung liên bắn yểm hộ đặt ở mép ngoài đường cái phía tây bỗng im bặt. Đồng chí bắn súng máy ở đây đã bị thương nặng, không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. Tiểu đội phản xung phong từ phía tây không có hỏa lực yểm hộ cạnh sườn. Thấy tình hình có thể gay go, đồng chí Châu, liên lạc của đại đội đã đề nghị đại đội trưởng cho phép ra thay xạ thủ trung liên để bảo đảm có hỏa lực chi viện liên tục lên phía trước. Thế là khẩu trung liên bắn lướt sườn này lại tiếp tục nhả đạn gòn giã. Gần một chục tên địch nối tiếp nhau gục xuống trước lũy tre đầu làng. Vừa lúc đó, 2 tiểu đội phản xung phong cũng từ hai phía thọc vào hai bên sườn đội hình xung phong của địch. Bị đánh bất ngờ vào sườn, đội hình xung phong của địch lập tức rối loạn. Chung hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài đường cái. Với tinh thần tích cực đánh địch, đồng chí Châu đã vác trung liên chạy lên, cùng với 2 tiểu đội phản xung phong bắn đuổi địch, diệt thêm được mấy tên nữa. Quân địch phải tháo chạy ra mãi xa vứt lại cả súng ống đạn dược. Ta cướp được thêm 2 tiểu liên Tuyn và nhiều đạn dược. Trong đợt xung phong kéo dài và phải kết thúc bằng cuộc tháo chạy này, địch đã bị tiêu diệt gần 2 trung đội. Chúng phải rút ra xa gần 1 ki-lô-mét mới dám dừng lại để củng cố lực lượng. Trước một quân địch rất đông, ta rất ít, thoát ly công sự quá xa sẽ không có lợi cho việc giữ gìn lực lượng mình để đánh địch lâu dài, vì thế đại đội trưởng đã hạ lệnh cho các tiểu đội chỉ được xuất kích khỏi rìa làng chừng 40 – 50 mét, bắn đuổi chúng và cướp vũ khí đạn dược, rồi phải nhanh chóng chạy về bám công sự trong làng để tránh hỏa lực máy bay và pháo binh địch oanh tạc. Đoán biết thế nào địch cũng cho máy bay và pháo binh bắn phá trả miếng, đại đội trưởng lại ra lệnh cho các tiểu đội ở tuyến đầu làng phải nhanh chóng chuyển xuống cuối làng, chỉ để quan sát viên và hỏa khí thường trực trên công sự phía đầu làng.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:33:35 pm
Quả nhiên, không đầy 5 phút sau, đạn pháo của địch đã từ phía đường số 1 và sông Hồng tới tấp giội xuống Nhân-sơn. Cây cối, nhà cửa lại bị gãy đổ răng rắc. Tiếng nổ rung chuyển cả nền đất. Sau đó, từ phía bầu trời đông bắc, 4 chiếc máy bay ném bom bắt đầu xuất hiện. Những quả bom cháy cỡ lớn bám dưới bụng máy bay trông như những chiếc thuyền sắt. Phát hiện máy bay địch mang bom cháy, trung đội trưởng Chương kịp thời báo cho các tiểu đội giãn hết ra rìa làng và ra lệnh cho từng người phải ẩn nấp trong các công sự có nắp đậy bằng cây chuối trát bùn. Bốn chiếc máy bay ầm ầm lao tới như một lũ quạ đói và trút xuống giữa làng Nhân-sơn một loạt bom na-pan. Nhiều ngọn lửa bùng lên cao và cuốn theo cột khói xám xịt. Nhà cửa trong làng phần lớn đều bị đốt cháy. Máy bay cút khỏi thì pháo binh địch lại lại tiếp tục giội đạn về không ngớt. Một số công sự chiến đấu đã bị phá hủy. Nhưng phấn khởi với những thắng lợi đầu tiên, các chiến sĩ ta đã tự động sửa chữa gấp và đào thêm công sự mới để có thể tiếp tục chiến đấu Anh em du kích Nhân-sơn cũng tỏ ra rất gạn dạ, tích cực giúp đỡ bộ đội đào công sự và cùng phối hợp chiến đấu. Mặc dù địch bắn rất ác liệt, nhưng bên ta chỉ có một vài người bị thương vong. Chính trị viên phó Nguyễn thành Ngọ lần lượt tới từng tổ động viên anh em: “Bình tĩnh, chờ địch vào gần, đánh thật mạnh, trả thù cho các đồng chí đã hy sinh”. Tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao. Mọi người đều giữ vững quyết tâm: bám chặt lấy làng đánh địch đến cùng. Đợt oanh tạc bằng hỏa lực pháo của địch vừa ngớt, các chiến sĩ ta lại có mặt trong công sự chiến đấu, sẵn sàng đón đánh địch.

Sau đợt bắn phá dữ đội này, địch lại tổ chức xung phong lần nữa. Để tích cực yểm hộ cho bộ binh, 2 chiếc xe tăng ở phía trước Nhân-sơn cũng tiến vào gần hơn, chỉ còn cách chừng mươi thửa ruộng nước là tới đầu làng. Chúng dùng hỏa lực trên xe bắn thẳng vào góc làng, phối hợp với 3 chiếc khác từ Trung-thôn bắn sang để kiềm chế ta ở mặt này; 2 đại đội địch lại bắt đầu xung phong. Chúng vừa đi vừa bắn vung vãi. Hành động của địch tỏ ra rời rạc, mệt mỏi và dè dặt. Trời vẫn nắng như thiêu như đốt. Những tên lính Âu Phi mồ hôi nhễ nhại, há miệng thở hồng hộc, bước đi một cách nặng nề chán ngán. Địch tiến từng bước và bắn rất nhiều để thăm dò lực lượng ta. Nhưng ta vẫn không bắn trả lại. Các chiến sĩ vẫn im lặng chờ địch trong tuyến công sự rìa làng. Thấy vậy, quân địch liền hết “A la-xô”, hò nhau cùng vào. Nhưng tiếng hô rời rạc của chúng đã lập tức bị hỏa lực súng máy và lựu đạn của ta nổ át hẳn. Hàng chục tên lính khốn kiếp lại ngã gục trước trận địa ta. Những tên khác vội vã tháo chạy ra. Hỏa lực súng cối của ta từ Vĩnh-ninh lại bắn tiếp lên, bọn địch núp sau xe tăng bỏ chạy hét. Bị cô lập, xe tăng địch sợ quân ta bí mật vào sát đánh trả, nên đành phải quay đầu chạy ra cách mấy trăm mét nữa, rồi dùng hỏa lực bắn yểm hộ bộ binh. Đợt xung phong của địch đã phải nhanh chóng kết thúc và mấy chiếc máy bay Hen-cát lại đến bắn phá vô tội vạ xuống lũy tre.

Qua đợt chiến đấu thắng lợi này, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã kịp thời động viên trung đội 1, yêu cầu các cán bộ, hiến sĩ ra sức phát huy thắng lợi, hết sức cơ động linh hoạt, quyết tâm đánh thắng địch, lập thành tích lớn hơn nữa.

Mặt trời sắp đứng bóng, ánh nắng rất gay gắt. Địch phải lùi ra xa để tạm nghỉ ngơi, ăn uống. Lợi dụng thời gian này, ta cũng gấp rút tăng cường thêm công sự để có thể tiếp tục đánh địch.

Giữa trưa, trời nắng gay gắt. Bọn chỉ huy địch lại tổ chức đợt tấn công mới. Nhưng binh lính địch tỏ ra mệt mỏi, không muốn tiếp tục chiến đấu. Bọn chỉ huy phải quát tháo nạt nộ và dùng súng thúc ép quân lính dàn đội hình xung phong. Máy bay và pháo binh địch càng tăng cường hoạt động. Trong làng Nhân-sơn không lúc nào ngớt tiếng nổ. Rút kinh nghiệm các lần đánh ban sáng, lần này địch thay đổi thủ đoạn: chỉ dùng lực lượng nhỏ đánh kiềm chế ở phía trước, còn phần lớn lục lượng đều tập trung đánh vào sườn làng phía tây, bên sườn phía đông thì dùng hỏa lực xe tăng bắn uy hiếp. Sau đợt hỏa lực bắn dọn đường rất ác liệt vào sườn phía tây làng, nhiều đoạn rào tre đã bị tiện đứt. Lợi dụng kết quả của hỏa lực pháo binh và máy bay oanh tạc, quân địch dàn đội hình hàng ngang, men theo các bờ ruộng bò vào ven làng, rồi từng nhóm một nhằm những đoạn rào tre đã bị bắn gẫy để xung phong vào. Lúc này, các chiến sĩ ta được lệnh cứ trông thấy địch là bắn, tích cực tỉa diệt từng tên một, không cho chúng bò được tới ven làng.

Việc điều quân chuyển hướng tấn công của địch phải tiến hành trên địa hình trống trải ở ngoài làng, nên ta đã sớm phát hiện được. Để tăng cường lực lượng cho cánh sườn phía tây, đảm bảo đánh tan đợt tấn công mới của địch, trung đội trưởng Chương ra lệnh cho tiểu đội giữ mặt làng phía đông nhanh chóng chuyển sang phía tây, và tập trung hỏa lực trung liên vào hướng này để chặn địch; đồng thời trung đội đã đề nghị đại đội đảm bảo cho cạnh sườn phía đông, vì địch có 3 chiếc xe tăng cũng đang dẫn bộ binh tiến vào. Đại đội trưởng đã lập tức cho tập trung hỏa lực đại liên và súng cối bắn chặn quân địch đang chuẩn bị xung phong ở sườn phía đông Nhân-sơn, đảm bảo cho trung đội 1 tiêu diệt được bọn địch xung phong ở phía tây. Lúc đó, khoảng gần 2 đại đội địch đã vượt qua vạt ruộng màu, đang hò hét xung phong vào trận địa của trung đội 1. Nhưng chưa bám được làng, địch đã bị 2 khẩu trung liên bắn chéo cánh sẻ của ta chặn đứng lại. Hơn chục tên địch phải bỏ mạng tại chỗ, bọn còn sống sót cũng mất vía, không dám liều lĩnh xông vào; cuối cùng lại phải rút chạy ra dưới sự yểm hộ của hỏa lực đại liên và trọng liên. Thấy địch rút chạy, tiểu đội 1 bố trí ở sườn làng đã đuổi địch ra khoảng 50 mét, cướp đạn dược, rồi quay về bám công sự rìa làng. Sau đó, các tiểu đội bố trí ở phía trước làng đều được lệnh rút ngay về tuyến công sự mép trong đường cái, để tránh hỏa lực của pháo binh và máy bay địch oanh tạc.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:34:40 pm
Gần 1 giờ chiều, địch tăng thêm lực lượng từ đường số 1 hình thành một mũi đánh tạt qua cánh đồng Cổ-trai, Thường-xuyên, định tạt lên Giáp-từ, rồi sang Thủy-chú, với âm mưu sẽ dùng mũi này thọc lên phía sườn sau Nhân-sơn. Phát hiện ý định này của địch, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã kịp thời điều động một trung đội của đại đội 832, sẵn sàng xuất kích tới chặn cánh quân này, bảo vệ sườn tây nam cho đại đội 834. Nhưng trung đội này vừa ra khỏi thôn Hòa-khê thì bị máy bay và pháo binh địch bắn chặn rất dữ dội, không thể vượt qua được cánh đồng trống. Trung đội trưởng phải cho trung đội tạm nằm lại tuyến công sự rìa làng để tránh địch oanh tạc và tìm được tiến. Quân địch tiến vào Giáp-từ, bị du kích giật mìn làm chết mấy tên. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển lên Thủy-chú, uy hiếp trực tiếp trận địa của đại đội 834 về phía tây nam.

Ở mặt đông nam, địch đã đánh chiếm được Hạ-thôn, sau đó chúng thọc sang phía sườn sau Nhân-sơn, thực hiện chia cắt giữ Nhân-sơn và Vĩnh-ninh, và dùng hai mũi này đánh tập hậu, cùng với mũi ở phía trước kẹp lại, hòng bao vây, tiêu diệt lực lượng ta ở Nhân-sơn.

Trong tình hình đó, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã nhận định: nếu để cho địch kẹp được hai mũi phía sau thì Nhân-sơn sẽ bị bao vây bốn mặt. Trận địa có thể bị mất, lực lượng ta ở đây sẽ không có đường rút. Chiếm được Nhân-sơn lúc này, địch sẽ còn nhiều thời gian để tổ chức tấn công chiếm cả Vĩnh-ninh và có thể đánh thẳng vào trung tâm khu du kích. Vì thế quyết tâm của tiểu đoàn là chưa được rút khỉ Nhân-sơn, phải bằng mọi cách bẻ gãy đợt tấn công này của địch. Nhận được lệnh đó, đại đội trưởng đại đội 834 đã lập tức tổ chức lại lực lượng chiến đấu: kiên quyết sử dụng một tiểu đội của trung đội 2, có trang bị trung liên để đánh phản xung phong. Tiểu đội này sẽ từ xóm lẻ Vĩnh-ninh, bí mật vận động qua cánh đồng, thọc vào cạnh sườn quân địch ở Hạ-thôn. Đồng thời, đại đội đề nghị tiểu đoàn cho tăng viện lực lượng, ngăn chặn bọn địch từ cánh đồng Thủy-chú đang đánh sang. Trung đội trưởng Chương, chính trị viên phó Ngọ vừa chỉ huy anh em chiến đấu vừa động viên: “Mỗi phát súng một mạng thù!”, “Kiên quyết chặn địch từng bờ tre ngách ngõ!”... Mặc dầu đạn pháo của địch rơi khắp mọi nơi, tiếng nổ inh tai nhức óc, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh cơ động ở trong làng, ngoan cường đánh trả địch. Quân địch mấy lần đột phá vào làng, nhưng đều bị quân ta kịp thời đánh trả mạnh mẽ từ nhiều mũi kịp lại, buộc chúng phải bật ra ngoài.

Trước tình huống chiến đấu diễn ra rất khẩn trương, phức tạp, quân địch đang cố gắng bao vây Nhân-sơn, đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn 922 chủ trương: động viên đại đội 834 bám chắc trận địa, đồng thời sử dụng 1 tiểu đội tăng cường của đội dự bị tiểu đoàn, trang bị 1 trung liên, 3 tiểu liên và đầy đủ súng trường, nhanh chóng vận động lên Thủy-chú, chiếm lĩnh những công sự chiến đấu đã có sẵn bên đường mòn trước làng, bắn chặn vào sườn quân địch đang tiến qua cánh đồng Giáp-từ - Thủy-chú, bảo vệ cạnh sườn phía tây nam cho Nhân-sơn. Tiểu đội này đã lợi dụng địa hình có ruộng ngô che khuất, giữ được bí mật hành động và nhanh chóng chiếm lĩnh công sự chiến đấu. Hỏa lực trung liên của ta đã bất ngờ trút vào đội hình của địch đang vận động qua cánh đồng. Tiểu đội địch đi đầu bị tiêu diệt gần hết, bọn đi sau hoảng hốt, vội vã bỏ chạy trở ra phía đường số 1.

Tiểu đội đánh phản xung phong của đại đội 834 ở Hạ-thôn nhờ có hỏa lực đại liên yểm hộ đã táo bạo vượt qua cánh đồng hẹp, nhanh chóng tiếp cận được quân địch và lập tức dùng hỏa lực trung liên bắn mạnh vào đội hình của địch. Bị đánh bất ngờ và mãnh liệt vào cạnh sườn, đội hình xung phong của địch bị rối loạn. Chúng kéo nhau tháo chạy về Trung-thôn và bỏ lại mấy xác chết. Ba chiếc xe tăng gầm gừ như hổ đói, bắn yểm hộ bọn lính rút chạy, rồi cũng phải chạy theo bộ binh về Trung-thôn. Thế là cả hai mũi tấn công phía sườn sau đều bị ta bẻ gãy. Bọn chỉ huy địch tức tối, lại gọi pháo binh và máy bay tiếp tục bắn mạnh xuống các thôn Nhân-sơn, Vĩnh-ninh, Thủy-chú và Hạ-thôn.

Sau đợt oanh tạc kéo dài của hỏa lực pháo binh và máy bay địch, công sự chiến đấu ở Nhân-sơn bị sụp đổ rất nhiều, lũy tre quanh lang cũng bị cắt đứt thêm nhiều đoạn, trung đội 1 của đại đội 834 đã bị thương vong một số. Nhận thấy tiếp tục chiến đấu ở Nhân-sơn sẽ không có lợi, hơn nữa trời đã ngả về chiều, thời gian chiến đấu không còn dài nữa, địch không có khả năng đánh vào trung tâm khu du kích trong một vài giờ. Vì thế ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã cho đại đội 834 rút khỏi thôn Nhân-sơn.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:35:25 pm
Được hỏa lực dưới Vĩnh-ninh và Thủy-chú yểm hộ, trung đội phòng ngự Nhân-sơn đã rút về Vĩnh-ninh được an toàn. 14 giờ, địch vào được Nhân-sơn vắng ngắt không một bóng người. Bọn chỉ huy địch vô cùng tức tối, chúng liền cho 1 đại đội bộ binh có 3 chiếc xe tăng yểm hộ, tiến đánh Hạ-thôn. Ý định của chúng là sử dụng cả hai mũi Nhân-sơn và Hạ-thôn để đánh kẹp xuống Vĩnh-ninh. Pháo binh của địch lúc này đều tập trung giội xuống Vĩnh-ninh và xóm lẻ.

Để chuẩn bị sẵn sàng đánh địch ở Vĩnh-ninh, bọn chỉ huy đại đội 834 đã cho 2 tiểu đội của trung đội 2 bố trí ở sườn làng phía đông, đón đánh quân địch từ Hạ-thôn thọc sang, lại cho trung đội 3 chiếm tuyến công sự ngoài làng sát với đường cái từ Nhân-sơn xuống, để có thể bất ngờ đánh địch trước trận địa và tránh hỏa lực oanh tạc của địch. Trung đội 1 rút về phía sau làng để sẵn sàng cơ động lên đánh phản xung phong. Một tiểu đội của trung đội 2 và tiểu đội du kích Vĩnh-ninh bố trí ở xóm lẻ phối hợp với mặt đông bắc, đánh bọn địch từ Hạ-thôn thọc xuống.

Sau đợt hỏa lực chuẩn bị, địch cho 3 xe tăng dẫn 1 tiểu đoàn lính Âu Phi từ Hạ-thôn tiến xuống phía đông bắc Vĩnh-ninh. Khi còn cách ven làng chừng 500 – 600 mét, vì gặp ruộng nước, xe tăng địch phải dừng lại rồi dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh của chúng vượt qua đồng nước để tiếp cận ven làng. Trung đội 2 và du kích Vĩnh-ninh bố trí ở mặt này đã chờ quân địch vào sát lũy tre, chỉ còn cách chừng 30 – 40 mét mới bất ngờ nổ súng. Hỏa lực đại liên và trung liên của ta bắn rất mãnh liệt, địch chết và bị thương chừng 20 tên, chúng buộc phải bật trở ra và gọi pháo binh tiếp tục bắn chế áp quân ta. Mũi phía tây bắc từ Nhân-sơn đánh xuống, địch cũng tiến rất dè dặt. Vì bị tiểu đội “đóng chốt” của ta ở Thủy-chú liên tục bắn kiềm chế, quân địch bắt buộc phải vòng theo bờ ruộng phía đông đường cái để tiến vào đầu làng Vĩnh-ninh. Thấy địch dồn lên rất đông, đại đội trưởng đại đội 834 đã cấp tốc điều 2 tiểu đội của trung đội 1 từ cuối làng lên chiếm tuyến công sự phía trước, cùng với trung đội 2 và tiểu đội du kích Vĩnh-ninh chặn đánh quân địch đang đột pháo vào làng, đồng thời ra lệnh cho trung đội 3 đang mai phục ở tuyến công sự ven đường cái góc phía tây làng phải nắm chắc thời cơ, khi bọn địch tiến vào đầu làng đã bị chặn lại thì nhanh chóng đánh thốc vào cạnh sườn đội hình tiến công của chúng.

Chừng 2 đại đội địch dàn đội hình rất dài lóp ngóp men theo bờ ruộng tiến vào đầu làng Vĩnh-ninh. Các tiểu đội phòng ngự ở đây đã chờ địch đến sát lũy tre mới dùng hỏa lực trung liên bắn quét. Địch chết chừng hơn 1 tiểu đội, buộc phải dừng lại bám lấy các bờ ruộng để bắn vào làng. Khi quân địch đang tập trung chú ý vào tuyến đầu làng, thì trung đội 3 từ những công sự ven đường phía tây bắc, lợi dụng những ruộng mía che khuất, đã bất ngờ xuất kích, đánh thọc vào sườn địch. Liên tiếp bị đánh bất ngờ, bọn địch hết sức hoảng hốt. Chúng chết và bị thương 9, 10 tên nữa và buộc phải tháo chạy ra xa. Trung đội 3 thu được 1 tiểu liên Tuyn và nhiều đạn dược, rồi nhanh chóng rút về tuyến công sự bí mật có cây hoa màu che khuất ở sườn phía tây Vĩnh-ninh. Địch tưởng quân ta lại rút cả về các tuyến trong làng, liền gọi máy bay và pháo binh đến thay nhau bắn phá xuống Vinh-ninh. Nhiều nhà cửa và đình chùa trong làng đã bị đổ sụp, nhưng lực lượng ta vẫn toàn vẹn.

Dựa vào hỏa lực chi viện mạnh mẽ của pháo binh và máy bay, lúc này cánh quân thứ hai của địch ở hữu ngạn sông Cầu Giẽ đã cướp được nhiều tre gỗ của nhân dân địa phương để ghép bè mảng vượt sông. Vì lòng sông hẹp, nước cạn và có hỏa lực mạnh yểm hộ nên địch đã nhanh chóng qua sông được 2 đại đội và lập tức mở cuộc tấn công vào sau lưng khu trung tâm phòng ngự của ta. Cả 2 đại đội địch đều theo một đường đánh vào phía đông nam Hòa-khê hạ, hòng thọc lên Hòa-khê thượng, uy hiếp sở chỉ huy tiểu đoàn 922 ở Bái-xuyên.

Được mũi phụ phía sau phối hợp, quân địch ở chính diện lại tiếp tục tổ chức đợt xung phong mới vào cả hai mặt đông bắc và tây bắc Vĩnh-ninh. Lần này pháo địch càng bắn dữ dội hơn, nhưng thời gian ngắn hơn. Chúng định tranh thủ thời cơ có lợi này, tấn công thật nhanh chóng. Từ Hạ-thôn sang, địch có 1 tiểu đoàn và 3 xe tăng trợ lực. Từ Nhân-sơn xuống, địch cũng có 1 tiểu đoàn lính Âu Phi. Bọn chỉ huy địch tỏ vẻ hùng hổ, vung “ba-toong” hò hét binh lính nhanh chóng xung phong vào hai mặt làng Vĩnh-ninh.

Lúc này, đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn 922 nhận định rằng: trên hướng tấn công chủ yếu, địch đã bị ta chặn đánh ráo riết, không thể nào thọc vào được trung tâm khu du kích, địch cho một mũi tấn công vào Hòa-khê là nhằm đánh vào sau lưng ta, hòng tạo điều kiện cất vó ta. Vì thế, quyết tâm của tiểu đoàn là kiên quyết đánh chặn các mũi tấn công của địch ở phía trước và thực hành phản xung phong tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Hòa-khê hạ, hất chúng ra phía sông Cầu Giẽ.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:37:54 pm
Các chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn như những con sóc, nhanh chóng mang mệnh lệnh của ban chỉ huy tiểu đoàn tới cá đại đội. Theo lệnh của tiểu đoàn trưởng, đại đội 834 phải kiên quyết chặn bằng được quân địch từ Nhân-sơn xuống và từ Hạ-thôn sang. Phải đặc biệt chú ý mũi Hạ-thôn có xe tăng trợ lực, cần tập trung hỏa lực cối 60 và đại liên cho mũi này, tích cực tiêu diệt bộ binh và ngăn chặn xe tăng địch, không cho chúng vào sát ven làng. Nếu địch đột phá được vào làng phải tích cực đánh phản xung phong nhỏ để hất ngay địch ra ngoài, giữ vững trận địa phòng ngự của ta. Tiểu đội “đóng chốt” ở Thủy-chú phải liên tục bắn kiềm chế vào cạnh sườn cánh quân địch từ Nhân-sơn xuống, bảo vệ cạnh sườn phía tây cho Vĩnh-ninh. Còn đại đội 82 bố trí ở Trác-bút phải lập tức vận động qua cánh đồng Kim-quí, tắt ngang qua xóm Lê, đánh thẳng vào sườn sau cánh quân địch ở Hòa-khê hạ. Đơn vị phòng ngự ở Hòa-khê, Bái-xuyên phải kiên quyết chặn đứng quân địch ở đây và phối hợp với đại đội 82, phản xung phong tiêu diệt bọn địch ở Hòa-khê hạ.

Đợt tấn công của địch vào Vĩnh-ninh lần này khá ác liệt. Được mũi phụ phía sau phối hợp, quân địch tấn công ở chính diện cũng có vẻ mạnh bạo hơn trước. Có hỏa lực đại liên và xe tăng yểm hộ, địch chia làm nhiều toán, cố xung phong vào đầu làng và nhanh chóng bám được một góc phía tây bắc Vĩnh-ninh. Nhưng trung đội 1 đã tích cực chủ động đánh phản xung phong nhỏ, kịp thời hất địch ra khỏi làng và giữ vững được tuyến chiến đấu rìa làng. Hỏa lực trung liên của ta ở góc tây bắc Vĩnh-ninh được phát huy rất mạnh. Trung đội đi đầu của địch bị tiêu diệt đến một nửa, cuối cùng lại phải bật ra. Nhưng chúng rút ra chưa được mấy bước thì trung đội 3 mai phục ở những ruộng mía, ruộng ngô phía tây bắc làng lại bất ngờ nổ súng bắn đuổi theo. Địch bị chết thêm mấy tên nữa, đành phải rút về Nhân-sơn để củng cố lực lượng. Mũi xung phong từ Hạ-thôn sang cũng bị trung đội 2 và du kích Vĩnh-ninh chặn lại trước lũy tre. Hỏa lực súng cối của đại đội từ cuối làng cũng phối hợp chặt chẽ với hỏa lực đại liên, nhả đạn vào những toán bộ binh đi nép sau xe tăng. Bộ binh địch sợ hãi lại bỏ chạy về Hạ-thôn. Thấy bộ binh chạy rồi, xe tăng địch cũng rút chạy theo ngay. Trận địa phòng ngự của ta ở Vĩnh-ninh vẫn giữ được vững.

Trên hướng phụ, đơn vị phòng ngự ở Hòa-khê hạ đã cùng với trung đội du kích Bạch-hạ tích cực chặn đánh địch. Ta đã lợi dụng địa hình địa vật, tổ chức thành nhiều tuyến đánh chặn địch, không cho chúng tiến được vào sâu. Đồng thời, ta sử dụng những tổ nhỏ, men theo các bờ mương, bắn mạnh vào sườn quân địch và chia cắt chúng thành mấy đoạn. Quân địch chết và bị thương gần 20 tên, buộc phải dừng lại.

Khi nhận được lệnh phải vận động lên phản xung phong vào cánh quân địch ở Hòa-khê hạ, đại đội 82 lập tức xuất kích. Toàn đại đội dàn thành đội hình hàng ngang, chạy qua cánh đồng trống khá rộng. Mấy chiếc máy bay đã nhìn thấy ta. Chúng rượt theo bắn đuổi và thả bom ngăn chặn quân ta vận động. Vì tiểu đoàn không có tổ chức bắn máy bay để đảm bảo đường vận động cho trung đội phản xung phong, cán bộ chỉ huy trung đội phản xung phong cũng không biết sử dụng hỏa lực của mình để bắn máy bay bay thấp, trong tư tưởng có phần ngại phi pháo, sợ bộ đội bị thương vong, nên đã cho đơn vị chạy vòng lên xóm Lê để lợi dụng địa hình địa vật và hầm hố tránh máy bay, do đó cự ly vận động của đơn vị bị kéo dài, không tranh thủ được thời gian nhanh chóng tiến cận địch. Khi ta vận động qua cánh đồng Kim-qui thì bọn địch ở Hòa-khê hạ cũng đã phát hiện. Vì đã bị chặn đánh ráo riết, không thể nào tiến được nữa, lại thấy sắp bị uy hiếp ở cạnh sườn, nên quân địch đành phải rút chạy ra phía bờ sông Cầu Giẽ, đồng thời gọi pháo binh lập tức bắn mạnh hòng chặn bước quân đang nhanh chóng đánh thốc vào sườn chúng. Đơn vị phòng ngự ở Hòa-khê hạ vẫn bám riết lấy quân địch, cố gắng chia cắt và kìm chân chúng lại, nhưng bộ phận cuối cùng của địch đã tháo chạy được. Một tổ du kích của Hòa-khê đã phối hợp với đơn vị phản xung phong, truy kích tiêu diệt thêm được 20 tên, thu 3 tiểu liên, 2 súng trường, một số đạn dược rồi rút về vị trí cũ. Đại đội 82 được lệnh quay về thôn Thành-lập để tránh pháo binh và máy bay địch oanh tạc.

Trời đã gần tối. Biết không thể nào đột phá nổi trận địa phòng ngự của ta để hợp điểm cất vó trong ngày, địch đành phải ngừng cuộc tấn công, rải lực lượng ra đóng giữ các thôn xóm đã chiếm được, tạo thành một vòng vây chặt chẽ, đồng thời dùng hỏa lực của pháo binh để phong tỏa các ngả đường, hòng bịt các kẽ hở, không cho quân ta luồn được ra ngoài vòng vây, đợi sáng hôm sau chúng sẽ tiếp tục cuộc tấn công để “cất vó” ta. Quân địch đã tỏ ra rất xảo quyệt. Đoán biết thế nào ta cũng tập kết lực lượng, tổ chức luồn càn, nên lúc trời vừa tối, chúng liền cho pháo binh bắn liên tục xuống các làng Vĩnh-ninh, Hòa-khê, Hoàng-nguyên và Bái-xuyên. Sau đó địch lại bắn pháo sáng, thả đèn dù, phong tỏa chung quanh các thôn nghi ngờ có lực lượng tập tập kết, để theo dõi và phát hiện hành động ban đêm của ta.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:38:51 pm
Trải qua một ngày chiến đấu quyết liệt, ta đã tiêu diệt ngót 300 tên địch. Quân địch đã bị tiêu hao nặng, phải đổi một giá rất đắt mới chiếm được một số làng mạc chung quanh khu du kích, kế hoạch dự định sẽ hợp điểm “cất vó” ta trong ngày đã hoàn toàn phá sản. Nhưng vòng vây của địch đã được thu hẹp, tạo được thế tấn công có lợi cho ngày hôm sau. Trong tình hình đó, chủ lực của ta tiếp tục ở lại chiến đấu sẽ không có lợi. Hơn nữa, để tranh thủ chủ động trong tác chiến chống càn quét, ta cần phải vượt ra ngoài vòng vây, tìm cách đánh vào sau lưng địch, mới tiêu diệt được nhiều sinh lực của chúng và buộc chúng phải nhanh chóng kết thúc cuộc càn quét. Do sớm có ý định đó, nên ngay từ lúc 16 giờ, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã chỉ thị cho các đại đội phải vừa đánh vừa chuẩn bị các công tác luồn càn, như giải quyết vấn đề thương binh tử sĩ, bám sát tình hình địch, phát hiện những nơi chúng sơ hở có thể lợi dụng để luồn càn. Được các đoàn thể và chính quyền địa phương giúp đỡ, vấn đề thương binh tử sĩ đã được giải quyết rất nhanh, gọn và chu đáo. Nhân dân các thôn Vĩnh-ninh, Bái-xuyên... đã ủng hộ gỗ ván và cánh cửa để làm áo quan chôn cất các chiến sĩ bị hy sinh. Đoàn thể phụ nữ xã Hiệp-hòa và Bạch-hạ đã nhận việc chăm sóc thương binh. Gần 40 đồng chí bị thương nặng đã được gửi vào cơ sở nhân dân. Tiểu đoàn để lại một y tá để trông nom, khi địch đến sẽ đưa xuống hầm bí mật của dân quân du kích đã chuẩn bị sẵn. Các đồng chí bị thương nhẹ còn có thể chiến đấu được đều đi theo đơn vị. Để thống nhất kế hoạch tổ chức luồn càn, đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã cùng với đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách căn cứ địa và huyện ủy, huyện đội bàn bạc cụ thể về hướng luồn càn, việc tổ chức cho cán bộ các cơ quan và thanh niên địa phương cùng đi.

Sau khi phân tích kỹ tình hình, ban chỉ huy thống nhất chọn hướng luồn càn vào quãng tiếp giáp giữa mũi tấn công chủ yếu của địch ở Nhân-sơn với mũi tấn công phụ ở Hạ-thôn. Hai mũi này địch đều bị chặn đánh nhiều lần, sinh lực đã bị tiêu hao nặng nề, tinh thần đã mệt mỏi sa sút, hơn nữa khoảng cách giữa hai nơi này tương đối rộng, ta có thể dễ dàng vòng lại phía gần ga Phú-xuyên, nơi địch tương đối sơ hở để vượt đường số 1. Tổ trinh sát của tiểu đoàn 922 được lệnh cùng với dân quân du kích xã Hiệp-hòa bám sát tình hình địch ở hướng này, đồng thời làm nhiệm vụ dẫn đường. Đại đội 832 được chỉ định làm nhiệm vụ bảo vệ đường rút cho các đơn vị và sẽ rút sau cùng.

Sau khi quyết định kế hoạch luồn càn, huyện ủy và huyện đội Phú-xuyên cũng tổ chức cho cán bộ các cơ quan quân, dân, chính, Đảng của huyện và hơn 2.000 thanh niên địa phương, cùng bộ đội luồn càn ra ngoài vòng vây của địch, phân tán vào các cơ sở, không cho địch bắt được để bổ sung quân số của chúng. Số cán bộ và thanh niên này cũng được chia thành từng bộ phận, xã đội và thôn đội phải cử người chỉ huy và do huyện đội thống nhất phụ trách. Để đảm bảo bí mật, trật tự và im lặng, khi rút giữ vững được đội hình, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã qui định tín hiệu thống nhất và nêu yêu cầu về kỷ luật hành quân, sau đó phổ biến cặn kẽ tới từng bộ phận.

Bộ đội huyện và những cán bộ chủ chốt của xã thì ở lại cùng với các đội du kích bám cơ sở, bám làng chiến đấu, cơ trí linh hoạt, khi ẩn khi hiện tiếp tục đánh địch. Triệt để lợi dụng đêm tối, bộ phận ở lại sẽ tổ chức tập kích quấy rối, không cho địch ăn ngon ngủ yên, luôn bị mệt mỏi và bị tiêu hao, không thể kéo dài được cuộc càn quét. Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ chiến đấu, ban chỉ huy huyện đôi đã phân tán một bộ phận đại đội của huyện vào những xã trọng điểm, để dìu dắt các đội du kích, dân quân, triển khai mọi hình thức đánh địch ở những nơi dự đoán chúng sẽ đi qua, nhằm tích cực tiêu hao sinh lực địch, phát huy thêm thắng lợi của cuộc chiến đấu chống càn. Khi quân cơ động của địch rút đi, đại đội của huyện sẽ tập trung lại, cùng với các đội du kích và dân quân tích cực chặn đánh bọn quân chiếm đóng của địch đi càn quét nhỏ, không cho chúng lập được tề và đóng thêm đồn bốt, hòng thực hiện âm mưu bình định khu du kích.

Được đoàn thể phụ nữ tích cực giúp đỡ và do tài tháo vát của tổ tiếp tế, nên trời vừa tối, bộ đội đã có cơm ăn. Những việc quan trọng như nắm tình hình địch và tổ chức đội hình hành quân đều được kiểm tra cẩn thận. Quyết tâm của ban chỉ huy tiểu đoàn là: nếu bị địch phát hiện, ngăn chặn, vẫn phải kiên quyết giữ vững trật tự và đội hình. Tích cực lợi dụng đêm tối để tiếp cận đánh địch, mở bằng được một quãng trống để luồn càn ra ngoài vòng vây.

Nhận lệnh của tiểu đoàn, đại đội 832 chia làm 3 phân đội, bí mật tiếp cận các thôn Nhân-sơn, Hạ-thôn và Trung-thôn. 22 giờ đại đội 832 hoàn thành việc bao vây và giám sát những bọn địch đóng trong các thôn này.

Đúng 22 giờ 30, các đơn vị bắt đầu hành quân. Em Hoán, một liên lạc viên lanh lợi và dũng cảm của huyện đội Phú-xuyên đã được chỉ định dẫn đường cho đại đội đi đầu.

Dưới ánh trăng sáng tờ mờ, cả đoàn quân phải lội tắt qua nhiều quãng đồng nước và ngòi lạch, nhưng cuộc hành quân vẫn giữ được bí mật và rất trật tự. Ta nhanh chóng vượt qua vòng vây của địch rồi tắt qua cánh đồng Khai-thái, vòng lên phía đường số 1 ở đoạn cách ga Phú-xuyên chừng hơn 1 ki-lô-mét về phía nam. Lúc 24 giờ, các đơn vị lần lượt vượt qua đường số 1. Những xe cơ giới của địch rải án ngữ trên đường lúc này đã dồn sát lại với nhau thành từng toán nhỏ, đề phòng bị ta tập kích lẻ từng chiếc. Do đó, địch đã bỏ trống những đoạn rất rộng, các đơn vị của ta qua đường rất dễ dàng. Tiếp theo bộ đội, các đoàn cán bộ và thanh niên lần lượt vượt qua rất nhanh chóng. Đồng chí tiểu đoàn phó được phân công đi cùng đại đội 832, rút lui sau cùng. Cuộc luồn càn đã hoàn toàn thành công. Tiểu đoàn 922 tiến vào xã Chuyên-mỹ, thuộc miền tây Phú-xuyên. Số cán bộ cơ quan và thanh niên địa phương đã tạm thời phân tán vào cơ sở các xã gần đường số 1 để sẵn sàng trở lại miền đông khi địch rút. Một số đông thanh niên được đưa ra vùng tự do Ứng-hòa để bổ sung cho bộ đội.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:41:55 pm
DIỄN BIẾN CHIẾN ĐẤU Ở MIỀN ĐÔNG PHÚ-XUYÊN

(https://lh3.googleusercontent.com/ZMwF9MKVaJnnfKBh9WJ9IDrc5VcLNWO7r_NEEpV9lXwPn8GW-9XQgqmXajWPSQ0Y2lw0-38ykh3sRNOqkiRv9LWYQX7_AfYaYgbnSxXijd58oJ-TAu9ZSnBHi4cSgbm2CVMS9FigwnC9WtgH_rYVKyD68KWtXi-3wHcdgFT-EusmChknm-9Noe3JPpihuLJk8P1LCXyHvIL6ASSOpIIxfZnX0evUwcYrhTjROk7_uKMypL-VrogZlLRhicEGRPv-PIFzxWuqZF5bjUQxxyVd3ZcYq68un8b85dFUjPvIv2yYrHbmmOxkTkCgubv2J9GKppS_PnmgtqoEpZF0FZoaROxpsXgqdW5x1p7BQ3yYUIezAxmKiMOHxcwq2X-0DcE0bpFLrQxH39TmIDW8XwYtf8tCrk1bdkYRvt5zfsgwbuO6AWLgCI-FkyLp2FkBo2BGpqgufhVUeYPlgtYtlKWcu4GNXY74mMT_OjK_ZFntQQ3DKlb8TgX3zX0quF9zovrUsMoOfyMpsyrEJ8Eb9iSPUQN23VnStiavLTLf5epKzw_6YPvEgfbuna2fbqZSoyUCnCaX9Rvd9y4ZWZM3JvKD2zQO0fzD4d1Tfbns9iU=w647-h832-no)


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:43:31 pm
BỀN BỈ DẺO DAI, LIÊN TỤC ĐÁNH ĐỊCH

Sau khi toàn đơn vị đã vào tây Phú-xuyên, đảng ủy tểu đoàn 922 và huyện ủy Phú-xuyên đã họp hội nghị liên tịch và nhận định rằng, quân địch tuy đã bị tổn thất nặng nề, nhưng lực lượng còn lại với hơn 10 tiểu đoàn, lại có hàng trung đoàn pháo binh chi viện, chúng vẫn có khả năng tiếp tục càn quét miền trung và tây Phú-xuyên. Hơn nữa, căn cứ vào quy luật càn quét của địch, thì rất có thể chúng sẽ lật đi lập lại hòng tiêu diệt hoặc đánh bật bằng được chủ lực của ta ra khỏi các căn cứ du kích. Ngay sau khi có nhận định đó, ban chỉ huy thống nhất đã họp và vạch ra kế hoạch tác chiến chống càn ở trung và tây Phú-xuyên. Dưới sự chỉ đạo của huyện ủy, tiểu đoàn 922 đã cùng với huyện đội và đại đội 3 của tỉnh đội Hà-đông gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị chiến đấu, để sẵn sàng đánh địch nếu chúng quay lại càn quét.

Bộ đội vừa mới chiến đấu suốt một ngày, lại hành quân gần hết đêm, nên sức khỏe đã giảm sút. Tuy nhiên, do yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị lại lao ngay vào chuẩn bị thêm công sự, hầm hố, không hề nghỉ ngơi lấy một giờ. Để động viên tinh thần của đơn vị, ban chỉ huy tiểu đoàn đã kịp thời biểu dương cán bộ, chiến sĩ, yêu cầu nêu cao quyết tâm, bền bỉ, liên tục đánh địch và nói rõ rằng một trong những nhân tố giành được thắng lợi to lớn hôm trước là do có chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đánh địch; vì thế, để không bị động với địch, ta cần phải kịp thời chuẩn bị mọi mặt, khi địch quay lại sẽ không bị lúng túng. Trong từng đại đội, cán bộ cũng động viên anh em “không sợ mệt mỏi, liên tục chiến đấu, kiên quyết phá tan kế hoạch càn quét của địch”.

Phán đoán về hành động cản quét của địch vào miền trung và tây Phú-xuyên, ban chỉ huy thống nhất đã nhận định rằng, với điều kiện địa hình hạn chế, địch có thể đánh vào khu du kích bằng hai hướng. Hướng chủ yếu vẫn là từ đường số 1 tạt vào miền trung, rồi theo các đường lớn thọc thẳng vào bờ sông Nhuệ để đánh sang tây Phú-xuyên. Hướng phụ có thể từ Đồng-quan đánh qua xã Ái Quốc, Hoàng-long, Cộng-hòa, rồi theo đê sông Nhuệ thọc xuống cùng với mũi chính hợp điểm ở khu vực Chuyên-mỹ.

Để đánh tan cuộc càn quét của địch, tiểu đoàn 922 nhận nhiệm vụ chiến đấu trên hướng tấn công chủ yếu của địch. Hướng thứ yếu do đại đội 3 của tỉnh Hà-đông phụ trách. Căn cứ vào đặc điểm địa hình là vùng đồng chiêm trũng, làng thưa, đồng trống trải và ít đường sá, ban chỉ huy thống nhất đã nêu ra yêu cầu tác chiến chung cho bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích là phải dựa chặt vào làng kháng chiến, bám thật chắc tuyến rìa làng, kiên quyết chặn địch từ ngoài làng để tạo điều kiện tiêu diệt chúng. Trường hợp địch đột phá được vào làng thì phải tích cực phản xung phong, kiên quyết tiêu diệt chúng, một bộ phận và hất chúng ra khỏi làng, nhất thiết không cho chúng chiếm được trận địa phòng ngự của ta. Hơn nữa vì nhận thấy mật độ làng mạc tương đối thưa, mục tiêu tập trung, dễ cho địch oanh tạc, nên các đơn vị đã đặc biệt chú ý tăng cường công sự và hầm hố để tránh hỏa lực của máy bay và pháo binh địch oanh tạc.

Vị trí đóng quân của các đại đội đã được bố trí theo kế hoạch chiến đấu chống càn. Đại đội 832 hôm trước chưa phải chiến đấu nhiều, lực lượng còn nguyên vẹn, được giao nhiệm vụ phòng ngự ở phía trước, đóng quân ở hai làng Bối-khê và Chuyên-hạ. Đại đội 834 đóng quân ở Chuyên-ngô để bảo vệ cạnh sườn và làm lực lượng dự bị của tiểu đoàn, sẵn sàng chi viện cho đại đội 832 phòng ngự ở phía trước. Bộ phận trợ chiến và tiểu đoàn bộ bố trí ở Chuyên-trung; còn đại đội 82 phòng ngự ở Chuyên-thượng, làm nhiệm vụ ngăn chặn quân địch có thể từ đường số 1 qua xã Tân-dân vào đồng thời có nhiệm vụ liên hệ với đại đội 3 phòng ngự ở Cổ-hoàng – Đào-xá, đề phòng bọn địch từ phía Đồng-quan xuống. Bộ phận trinh sát của tiểu đoàn được lệnh phải tăng cường bám sát địch và kịp thời báo cáo tình hình.

Sau khi vào vị trí đóng quân, các đơn vị đều tranh thủ thời gian, củng cố và phát triển thêm các hầm hố, công sự; đặc biệt tăng cường nhiều công sự chiến đấu ở tuyến rìa làng và làm nắp đậy nố ẩn nấp bằng cây chuối trát bùn để chống bom cháy. Huyện ủy và huyện đội cũng kịp thời chỉ đạo việc triển khai đánh du kích, sơ tán nhân dân, bảo vệ cơ sở. Du kích các xã Vân-từ, Quang Trung, Hoàng-long, Cộng-hòa, Tân-dân, Chuyên-mỹ... đều chuẩn bị đánh chông, mìn, cạm bẫy ở trong làng và ngoài làng để phối hợp với bộ đội. Các đội tải thương, trinh sát, liên lạc, tiếp tế của dân quân và phụ nữ đều sẵn sàng. Mọi công tác chuẩn bị chiến đấu được hoàn thành nhanh chóng.

Đêm hôm trước, khi quân ta rút qua cánh đồng Nhân-sơn và Hạ-thôn, địch đã đánh hơi thấy. Nhưng vì đêm tối sợ bị ta tập kích, chúng không dám bắn ra sợ lộ mục tiêu. Sáng hôm sau, vì binh lính quá mệt mỏi, nên mãi tới 8-9 giờ, địch mới tiếp tục từ Vĩnh-ninh đánh xuống Hoàng-nguyên. Trên đường tiến quân, địch bị du kích ta bắn tỉa và giật mìn. Trước khi tiến vào Hoàng-nguyên, chúng cho máy bay và pháo binh oanh tạc dữ dội xuống khu nhà thờ, làm rất nhiều người chết và bị thương. Hành động man rợ, độc ác này của địch đã gây ra sự phẫn nộ cao độ trong nhân dân.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:46:50 pm
Khoảng 11 giờ, địch tiếp tục đánh xuống Bái-xuyên, Hòa-khê. Du kích Hòa-khê đã chiến đấu hết sức linh hoạt và anh dũng, giật mìn, bắn tỉa để ngăn bước tiến của địch. Hàng giờ sau địch mới kéo được vào trung tâm khu du kích, nhưng chỉ còn vườn không nhà trống, nhân dân sơ tán, du kích “độn thổ”, bộ đội chủ lực của ta đã rút đi từ lâu. Bọn chỉ huy địch rất tức tối, chúng cho quân lính cướp bóc, đốt phá một lúc rồi lại kéo nhau ra đường số 1.

Đoán biết chủ lực của ta có thể luồn sang miền trung và tây Phú-xuyên, địch muốn quay lại bao vây ngay, sục tìm bằng được để đánh trả miếng. Nhưng vì quân lính đã quá mệt mỏi, một số đon vị đã bị tiêu hao nặng, không còn tinh thần chiến đấu, nên địch phải có thời gian củng cố lại tổ chức. Để đánh lừa ta, hòng thực hiện được yếu tố bất ngờ, địch đã dùng xe cơ giới chuyển một bộ phận lực lượng theo đường số 1 về Hà-nội. Mặc cho địch làm như vậy, với kinh nghiệm đã có, ta vẫn đề cao cảnh giác, tích cực chuẩn bị sẽ phục kích hoặc tập kích vào bộ phận rút cuối cùng của chúng.

Qua một ngày không chiến đấu, bộ đội ta đã lại sức. Công tác chuẩn bị chiến đâu có thêm thời gian để hoàn thành chu đáo. Phần lớn cán bộ cơ quan và nhân dân luồn càn hôm trước đều trở về đông Phú-xuyên.

Để thực hiện liên tục chiến đấu và phát huy thắng lợi của cuộc chống càn hôm trước, tiểu đoàn 922 dự định sẽ tập kích tiêu diệt bộ phận quân địch còn đóng ở Lim và Cầu Guột. Nhưng ý định đó không thực hiện được vì địch đã quay lại càn quét miền trung và tây Phú-xuyên.

Khoảng 5 giờ ngày 4 tháng 6 năm 1952, hơn 100 xe cơ giới của địch lại ầm ầm từ phía Hà-đông theo đường số 1 xuống Phú-xuyên, chờ theo cả bọn lính đã đi càn ngày hôm trước. 6 giờ 30, địch tập trung lực lượng trên đường số 1 và bắt đầu tiến vào bao vây càn quét trung và tây Phú-xuyên. Cánh quân thứ nhất của địch gồm 4 tiểu đoàn (đã bị tiêu hao gần 2 đại đội) thuộc binh đoàn cơ động số 1 và 2 tiểu đoàn thuộc binh đoàn cơ động số 2 từ Cầu Giẽ theo đê sông Nhuệ đanh qua Đế-hạ, Đế-thường, vào xã Vân-từ. Cánh quân thứ hai của địch gồm 1 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn thuộc binh đoàn cơ động số 2 từ ga Phú-xuyên theo đường cái qua Thao-chính, Hà-thao ngoại và Thao-nội rồi qua sông nhỏ tiến lên xã Tân-dân và Quang-lễ, Đại-nghiệp (Tre). Trên hướng phụ, địch có chừng 2 tiểu đoàn 5 xe tăng từ Tía vào Đồng-quan rồi theo bờ sông Nhuệ đánh thẳng xuống xã Cộng-hòa và Hoàng-long.

Lần này địch càng tỏ ra xảo quyệt hơn. Chúng bắt hàng trăm đồng bào ta đi trước hàng quân, hòng làm cho ta đánh lầm phải dân, chúng sẽ thoát chết và khiến ta mất ảnh hưởng trong nhân dân. Hành động hiểm ác này của địch đã gây khó khăn lớn cho ta. Tuy nhiên, trên cả hai hướng, địch vẫn bị chặn đánh. Du kích các xã Vân-từ, Quang Trung, Tân-dân, Cộng-hòa đã tích cực bắn tỉa để tiêu hao địch và chờ đồng bào ta đi qua rồi giật mìn diệt địch. Vì thế, ngay từ đầu, địch đã bị ngăn chặn, bị tiêu hao, phải tiến dè dặt rồi gọi máy bay, pháo binh bắn chi viện.

Hơn 1 giờ sau, cánh quân thứ nhất của địch đã tiến vào xã Vân-từ, theo dọc đê sông Nhệu lên tới Vân-hoàng, rồi dùng xà-lan vượt sông ở đoạn dưới thôn Ứng-cử. Sau khi qua sông, địch cho 2 tiểu đoàn của binh đoàn cơ động số 2 rải ra theo bờ sông nhỏ phía nam khu du kích, suốt từ Cống Thần qua thôn Thần, thôn Bùng... tới tận bốt Lạc-đạo, làm thành một dải lưới chắn trước, hòng cắt đứt đường rút lui của ta sang phía Ứng-hòa. Còn binh đoàn cơ động số 1 thì chia làm 3 mũi, mỗi mũi gồm 1 tiểu đoàn, đánh theo hướng lên xã Chuyên-mỹ. Mũi thứ nhất đánh thẳng vào Chuyên-hạ theo bờ đê sông Nhuệ. Mũi thứ hai đánh tạt sang Bối-khê. Mũi thứ ba đánh vòng qua Nam-chính, Đạo-tú, rồi qua cánh đồng Thanh-hội, định thọc thêm một mũi vào sườn sau phía tây bắc Bối-khê. Ý định thâm độc của địch là hòng từ hai sườn kẹp lại, chia cắt tiêu diệt gọn lực lượng ta ở Bối-khê; tiếp đó sẽ đánh thẳng một mạch từ Chuyên-hạ lên Chuyên-ngô, Chuyên-trung, cùng với mũi từ Đồng- quan thọc xuống, thực hiện hợp điểm cất vó, tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta ở trung tâm khu du kích.

Về phía ta, ngay từ hôm trước, khi vào đóng ở Bối-khê và Chuyên-hạ, ban chỉ huy đại đội 832 đã tiến hành nghiên cứu kỹ địa hình và bố trí lực lượng, sẵn sàng đề phòng địch càn quét.

Bối-khê là một thôn nhỏ. Chiều dài chừng 300-400 mét, chiều rộng khoảng hơn 200 mét. Về phía đông thôn chính còn có trại lẻ, ngang dọc chừng 100 mét. Từ thôn chính đến trại lẻ cách nhau không đầy 200 mét, ta có thể tạo thành thế liên hoàn đánh địch và bố trí hỏa lực chéo cánh sẻ, bịt kín mặt nam và đông nam. Tuy thôn nhỏ, nhưng lũy tre chung quanh rất vững chắc, bên trong lại có nhiều lớp giậu nôm và tre khá dày, cùng với hệ thống công sự hầm hố sẵn có, đã tạo thành rất nhiều tuyến chiến đấu ở trong thôn. Từ đê sông Nhuệ vào thôn chính có đường lớn chạy quay trại lẻ. Nhưng hai bên đường đều là đồng nước và hai mặt tây, bắc thôn chính đều có đầm sâu, nên địch khó triển khai đội hình tấn công và rất dễ bị ta sát thương trước khi vào được sát ven làng. Điều kiện địa hình tuy có lợi cho ta, nhưng giữa Bối-khê và Chuyên-hạ cách nhau tới hơn 1.000 mét, rất khó chi viện cho nhau và càng khó đảm bảo việc chỉ huy liên lạc trong chiến đấu. theo nhận định của ban chỉ huy tiểu đoàn, thì vị trí Bối-khê và Chuyên-hạ rất quan trọng. Đó là chiếc bình phong chắn cho xã Chuyên-mỹ. Ta giữ vững được Bối-khê, địch sẽ không dám đánh thẳng vào trung tâm khu du kích. Nhận rõ tầm quan trọng đó, ban chỉ huy đại đội 832 đã sử dụng lực lượng như sau: Giao cho trung đội 3 làm nhiệm vụ phòng ngự Chuyên-hạ; trong trường hợp giữa Bối-khê và Chuyên-hạ bị chia cắt không liên lạc được với nhau thì trung đội này phải độc lập tác chiến và liên lạc với tiểu đoàn hoặc chịu sự chỉ huy của đại đội 834 ở Chuyên-ngô. Sử dụng trung đội 1 và trung đội 2 cùng với toàn bộ hỏa lực của đại đội để phòng ngự Bối-khê. Hai tiểu đội của trung đội 2 được giao nhiệm vụ giữ mặt tây bắc, còn 1 tiểu đội được tăng cường trung liên cùng với du kích Bối-khê bố trí ở trại lẻ. Trung đội 2 bố trí ở mặt nam và đông nam, chặn đánh quân địch từ đê sông Nhuệ vào. Chỉ huy sở đại đội đặt ở Bối-khê. Ban chỉ huy đại đội chỉ có 2 người cũng ở cả Bối-khê để chỉ huy chiến đấu. Để đảm bảo hai sườn tiếp giáp giữa Bối-khê – Chuyên-hạ, và phía sau lưng Bối-khê. Ban chỉ huy tiểu đoàn 832 còn cho bố trí một đại liên ở góc phía tây nam Chuyên-ngô, bắn chéo lên yểm hộ cho đại đội 832.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:48:50 pm
Khoảng 9 giờ, cánh quân chủ yếu của địch đã tiến qua xã Vân-từ. Dân quân du kích giật mìn và bắn lại làm địch chết và bị thương một số. Chúng dừng lại trên bờ đê sông Nhuệ để triển khai đội hình tấn công. Các cỡ pháo của địch ở ngoài đường số 1 và ở vị trí Đồng-quan, Nhất-tựu... bắt đầu tới tấp giội đạn xuống Bối-khê và Chuyên-hạ. Khi vào cách ven làng chừng 700 – 800 mét, địch dừng lại để chiếm các bờ cao và gò đống ngoài làng làm trận địa hỏa lực bắn thẳng. Hàng chục khẩu trung liên, đại liên của địch thi nhau nhả đạn vào ven làng. Vì tinh thần binh lính đã sa sút, nên bọn chỉ huy cố tập trung hỏa lực để hòng giành thắng lợi cho đợt xung phong đầu tiên. Ở mũi Bối-khê, khi pháo binh bắn chuyển vào giữa làng cuối làng, bộ binh địch vẫn chưa dám xung phong ngay. Hỏa lực trọng liên, đại liên lại bắn dữ dội tiếp theo hỏa lực oanh tạc của pháo binh. Chúng bắn rất lâu rồi bộ binh mới dám bắt đầu xung phong. Dưới sự quát nạt của bọn chỉ huy, bọn lính Âu Phi vừa la hét vừa chạy vào bám lấy rìa làng. Mũi tiến theo đường cái đánh vào trại lẻ; mũi vu hồi tiến theo đường giữa cánh đồng, đánh vòng qua mặt đông nam thôn chính. Khi vào sát lũy tre, chúng chia thành nhiều toán, định lọt qua các ngách ngõ, nhanh chóng xung phong vào trong làng.

Mặc cho địch bắn phá hò hét, quân ta bố trí ở trong lũy tre vẫn bí mật chờ địch. Trung liên đặt ở các góc phía đông nam trại lẻ và thôn chính vẫn chưa được lệnh nhả đạn. Với quyết tâm phải tranh thủ tiêu diệt một bộ phận quân địch ngay từ phút đầu, cán bộ và chiến sĩ đại đội 832 nhất định chờ địch vào thật sát lũy tre mới đánh. Vì đã quen đánh gần, nên khi địch còn cách lũy tre 50 – 60 mét, chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh chờ đợi. Khi mấy toán đi đầu của địch chỉ còn cách ta 20 – 30 mét, đại đội trưởng Mạnh Hùng mới hạ lệnh nổ súng. Toàn bộ hỏa lực của ta đã nhất loại nhả đạn rất mãnh liệt. Bị đánh quá đột ngột, quân địch không có chỗ tránh, chúng nối tiếp nhau đổ xuống như những cây chuối lụn gốc gặp gió báo. Nhiều tên bị đạn kêu thét như bò rống. Những tên khác hốt hoảng, vội vã quay đầu chạy trở ra. Bọn đi sau cũng sợ hãi lùi lại, không dám tiến lên tiếp chiến. Hỏa lực trung liên, đại liên của ta lại bắn rất mạnh để yểm hộ cho một bọn hò nhau vào lôi xác chết ra ngoài. Cùng lúc đó, mũi đánh vào Chuyên-hạ cũng hò hét xung phong. Nhưng bị hỏa lực trung liên của ta bắn mạnh, lại thấy mũi ở Bối-khê đã phải lui, nên chúng cũng bật ra nốt. Mới xung phong đợt đầu, địch đã bị tiêu diệt hơn 1 trung đội. Chúng tức tối, lập tức cho gọi 6 chiếc máy bay Hen-cát đến lồng lộn bắn phá, oanh tạc hai thôn Bối-khê và Chuyên-hạ.

Dừng lại một lúc để củng cố đội hình, địch lại bắt đầu tổ chức đợt tấn công mới. thấy hỏa lực phía trước của ta rất mạnh, địch dồn lực lượng đánh ta ở hai bên sườn. Địch đã rút một phần lực lượng ở chính diện để tăng cường cho tiểu đoàn đánh vào cạnh sườn phía tây bắc Bối-khê; đồng thời tăng cường hỏa lực cho mũi đánh vào mặt đông bắc Bối-khê. Ý định của địch là nhằm chia cắt bao vây, đánh xong Bối-khê thì mới đánh vào Chuyên-hạ.

Vì nền làng Bối-khê khá cao, bốn xung quanh chỉ là đồng nước trắng và rất rộng, ta kịp thời phát hiện việc điều quân của địch, nên đã điều thêm hỏa lực trung liên tăng cường cho hai mặt đông bắc và tây bắc làng.

Lúc này địch đã điều thêm một số pháo từ Hà-nội xuống tiếp viện. Ngoài đường số 1, địch có đủ 3 tiểu đoàn pháo binh 105. Đợt hỏa lực bắn dọn đường lần thứ hai của địch càng ác liệt hơn trước. Từng loạt đạn nối tiếp nhau giội xuống như mưa, tiếng nổ làm đinh tai nhức óc. Trong làng Bối-khê hầu như không có chỗ nào không có vết đạn. Địch tưởng bắn như vậy thì toàn bộ công sự trong làng phải bị phá hủy, lực lượng của ta cũng phần lớn đã bị tiêu diệt. Vì thế, khi hỏa lực của pháo binh vừa ngớt, dưới sự yểm hộ của hỏa lực trung liên, đại liên, quân địch đã từ ba mặt làng hò hét xung phong và tiến vào không chút do dự. Trên mũi chủ yếu đánh vào sườn phía tây bắc thôn chính, địch có chừng 2 đại đội. Chúng tiến rất nhanh, cự ly rất sát nhau. Mấy khẩu đại liên ở cánh đồng Thanh-hội của địch cũng bắn rất mạnh vào hướng này để yểm hộ cho bọn lính xung phong.

Trong những công sự rìa làng, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh chờ địch. Trên toàn trận địa của tiểu đội 2, khi địch xung phong và sát lũy tre, chỉ còn cách chừng 20 mét, ta mới nổ súng. Tiểu đội trưởng đã cho một tổ ném lựu đạn ra ngoài lũy tre và đồng chí quét một băng tiểu liên, tiêu diệt được 5, 6 tên địch ngay trước trận địa. Đồng chí Hậu, chiến sĩ của tiểu đội 1 đã đánh địch rất ngoan cường. Trong tay có 2 quả lựu đạn, đồng chí chờ khi địch xúm lại gần nhau mới ném. Ngót chục tên địch đã đền tội trước lũy tre. Lợi dụng khi địch chạy bật trở ra, Hậu nhanh nhẹn lách qua lũy tre tước lấy những quả lựu đạn Mỹ còn giắt trên lưng những tên lính Âu Phi khốn kiếp. Hậu còn lấy được nhiều băng đạn đem về cho tổ. Lúc này khẩu trung liên đặt ở góc làng cũng nhả đạn liên tiếp, lại gần 10 tên địch bỏ mạng. Vì ở thế cao trong làng, hỏa lực của ta phát huy được rất mạnh mẽ. Bọn địch đi sau hốt hoảng lùi lại và núp sát xuống các vệ đường, nhưng lại giẫm phải mìn của du kích, chết và bị thương thêm mấy đứa nữa. Chúng sợ hãi nhảy cả xuống ruộng, nhưng có tên lại mắc vào hào chông đặt ngầm dưới nước. Cuối cùng chúng đành phải rút ra xa và bắn yểm hộ cho một bọn bò vào lôi xác chết ra ngoài. Hỏa lực đại liên của địch vẫn bắn rất mạnh và khống chế hướng này, không cho ta xuất kích cướp vũ khi đạn dược. Mũi đánh vào sườn phía đông bắc trại lẻ Bối-khê cũng bị hỏa lực đại liên của ta từ Chuyên-ngô bắn uy hiếp. Khi thấy mũi phía tây bắc thất bại, chúng cũng phải rút ra. Mũi chính diện đánh ở mặt nam đã bị giảm bớt lực lượng nên không đột phá nổi. Cuối cùng, chúng cũng phải rút ra nốt. Mũi đánh vào Chuyên-hạ vừa bị ta đánh bật ra bờ đê sông Nhuệ, lại bị súng cối của tiểu đoàn từ Chuyên-trung bắn lên, làm một số tên chết và bị thương.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:49:49 pm
Để trả miếng lại ta, 6 chiếc máy bay Hen-cát đã từ phía Hà-nội ầm ầm lao tới. Quan sát viên của ta phát hiện các máy bay địch đều đeo bom na-pan và bay theo hướng giữa làng. Để tránh bị địch oanh tạc sát thương, đại đội trưởng Mạnh Hùng đã hạ lệnh cho các trung đội phải lập tức tản sang hai bên sườn làng và ẩn nấp trong các công sự có nắp đậy chống cháy. Máy bay địch đã giội xuống Bối-khê một loạt bom na-pan. Trong làng bốc cháy thành một đám lửa lớn. Lửa ngập cả mọi chỗ, mọi nơi, tạo thành một cột khói khổng lò, bao trùm cả lũy tre. Nhiều nhà cửa ở giữa làng đều bị cháy trụi. Thả bom xong, cả 6 chiếc máy bay địch lại lồng lộn bắn phá. Đường thôn ngõ xóm đều bị xói nát, gạch đất bị cày tung. Máy bay địch bắn chán bay đi thì pháo binh địch lại bắt đầu giội đạn. Địch đã ra sức tăng cường hỏa lực máy bay, pháo binh để khắc phục tình trạng thiếu quân số và thay thế cho tinh thần chiến đấu bạc nhược của quân lính.

Hai ba lần tổ chức tấn công lớn đều đã bị thất bại và bị tiêu diệt gần 1 đại đội, lần này địch lại dở thủ đoạn thâm độc, bắt nhân dân đi trước để làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhìn thấy đồng bào, chiến sĩ ta không dám bắn, trong lòng càng căm thù những hành động dã man của địch. Khi vào gần lũy tre trước làng, địch triển khai đội hình hàng ngang, thành từng toán nhỏ nhằm những chỗ rào tre đã bị tiện đứt hoặc các cổng ngõ đã bị phá để xung phong vào. Chiến sĩ ta vẫn bám chặt công sự, đợi địch vào tận nơi mới dùng lựu đạn, tiểu liên đánh địch trong cự ly từ 5 đến 10 mét để khỏi đánh lầm vào đồng bào. Chiến sĩ Lợi giữ khẩu 24-29 với nhiệm vụ bảo vệ sườn phía tây bắc, khi thấy địch hò hét xung phong, Lợi cứ đợi cho chúng vào gần còn chừng hơn chục mét mới nhả đạn từng loạt 3 viên một. Quân địch vào tên nào ngã tên ấy, không sao bám được lũy tre. Ở mũi phía đông nam Bối-khê, địch bị hỏa lực trung liên bắn chéo cánh sẻ của ta từ thôn chính và trại lẻ chặn lại. Chúng bị tiêu diệt 1 tiểu đội. Nhưng vì lực lượng đã dồn lên rất đông, nên chúng vẫn cố lao vào bám được rìa làng, một vài tên địch đã đột phá được vào trong làng.

Tình huống đang diễn ra rất khẩn trương thì đại đội nhận được thư của ban chỉ huy tiểu đoàn qua liên lạc viên. Bức thư động viên cán bộ, chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu, nhất định phải giữ bằng được trận địa. Lúc này ban chỉ huy đại đội nhận định rằng, nếu để cho địch đứng vững và dồn được lực lượng vào trong làng, ta sẽ khó tiêu diệt được địch và có thể bị chúng hất ra ngoài đồng hoặc chia cắt tiêu diệt từng bộ phận. Vì thế, quyết tâm của đại đội trưởng là phải kịp thời phản xung phong bắt địch ra ngoài làng. Thực hiện quyết tâm đó, 2 tiểu đội của trung đội 1 đã được điều lên để đánh tạt vào cạnh sườn quân địch đang tấn công, phối hợp với các tiểu đội chặn địch ở phía trước, nhanh chóng đánh bật địch ra khỏi lũy tre, khôi phuc lại tuyến chiến đấu rìa làng của ta.

Hai tiểu đội phản xung phong đã chia thành nhiều tổ nhỏ, dùng tiểu liên, lựu đạn và lưỡi lê, từ các ngách ngõ xông tới, đánh thẳng vào những toán địch đã bị chặn lại ở trong làng. Trước những mũi lê sáng loáng của quân ta bất thần xuất hiện, quân địch rất hoảng hốt, phải vội vã rút chạy ra ngoài làng. Sau đó, địch dùng hỏa lực đại liên bắn mạnh vào hai góc làng để kiềm chế hỏa lực trung liên của ta và ngăn chặn không cho ta xuất kích. Lúc này, vì đạn dược của ta còn rất ít, đại đội trưởng đã nhắc nhở các trung đội phải hết sức tiết kiệm đạn, chỉ bắn vào những thời cơ cần thiết, ở cự ly gần nhất và yêu cầu anh em tích cực cướp đạn của địch để đảm bảo chiến đấu liên tục. Chính trị viên Đại vừa chiến đấu vừa động viên anh em: “Mỗi viên đại phải ăn chắc một quân thù; chuẩn bị tinh thần giáp lá cà với địch; kiên quyết giữ vững trận địa!”. Địch đã rút chạy rồi, tiểu đội trưởng tiểu đội 3 nhìn thấy một tên địch chết gục ngoài lũy tre, trên thắt lưng hắn còn gài mấy quả lựu đạn Mỹ. Đồng chí nghĩ bụng: “Nhất định phải tước lấy mấy quả lựu đạn tốt này để đánh địch!”. Rồi nhanh như chớp, đồng chí luồn qua lũy tre, nhoài mình ra gỡ được 3 quả lựu đạn và một số đạn tiểu liên đem về cho tiểu đội mình. Về việc này, anh em trong đại đội đã gọi đùa đồng chí là “tiểu đội trưởng lựu đạn”.

Ở hướng Chuyên-hạ, vì địa hình hạn chế, địch vẫn phải theo đường lớn, đánh một mũi thẳng vào đầu làng. Nhưng ngay từ lúc địch chưa vào được sát lũy tre, trung đội trưởng trung đội 3 đã cho 1 tiểu đội ở góc làng bí mật xuất kích, dưới sự yểm hộ của hỏa lực trung liên ở đầu làng, đánh vào cạnh sườn quân địch. Đội hình của địch bị rối loạn. Chúng phải rút chạy ra xa và để lại mấy xác chết.

Trong khoảng hơn 1 giờ sau đó, địch liên tiếp xung phong tới 5 lần vào Bối-khê, nhưng mỗi lần xung phong chúng đều bị thất bại. Vì ta bám sát địch, thực hiện đánh gần trong cự ly 5 – 10 mét, nên hỏa lực pháo binh của địch không phát huy được tác dụng, có lúc còn bắn cả vào quân của chúng. Tổ 3 người của đồng chí Nhu luôn bám sát địch, dùng lưỡi lê, lựu đạn đánh gần, đã năm lần đánh bật địch khỏi lũy tre và cướp được nhiều đạn dược. Quân địch rất sợ đánh gần, lại không được sự chi viện đắc lực của pháo binh, nên nhiều lần đã bám được vào làng, nhưng bị ta phản xung phong mãnh liệt phải bật ra. Địch cố phát hiện hỏa lực trung liên của ta để tiêu diệt, nhưng ta khéo cơ động hỏa khí, mấy khẩu trung liên luôn được di chuyển qua các công sự bí mật ở góc làng và rìa làng, nên ta vẫn giữ được sự bí mật các hỏa điểm. Tuy thiếu đạn nhưng chiến sĩ ta khéo bắn, nên hỏa lực trung liên của ta vẫn đảm bảo phát huy được hiệu lựu để tiêu diệt và ngăn chặn quân địch ở ngoài làng.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:50:54 pm
Cánh quân tấn công hỗ trợ của địch từ ngoài ga Phú-xuyên đánh qua xã Tân-dân và Quang Trung để tạt vào sông Nhuệ cũng bị du kích chặn đánh. Địch đã vấp phải mìn và hố chông nên chúng tiến rất dè dặt. Khi tiến được qua Trí-lễ, địch chia làm hai mũi, một mũi đánh qua Đại-nghiệp, một mũi đánh qua Lễ-nhuế. Ở hai làng này, địch đã bị du kích giật mìn và bắn tỉa chặn lại. Nửa giờ sau chúng mới triển khai được toàn bộ lực lượng trên bờ tả ngạn sông Nhuệ, rồi dùng hỏa lực trọng liên, đại liên bắn uy hiếp vào cạnh sườn đội dự bị của tiểu đoàn 922. Đồng thời, địch cho một bộ phận đi cướp thuyền của nhân dân, định tổ chức vượt sông, thọc thẳng một mũi và Chuyên-trung, cắt đôi trận địa phòng ngự của ta.

Trinh sát của ta ở Chuyên-ngô đã trèo lên một ngôi nhà xây hai tầng để theo dõi, quan sát tình hình địch, phát hiện được ý định vượt sông của chúng. Ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã kịp thời ra lệnh cho đại đội 834 tổ chức hỏa lực đại liên và súng cối bắn đắm toàn bộ thuyền bè của địch vừa mới triển khai ở mép sông. Quân địch bị tiêu hao đành phải chạy bật trở ra bám lấy bờ đê phía ngoài, và tiếp tục dùng hỏa lực đại liên, súng cối bắn sang bờ bên ta. Hai giờ sau, địch lại đi cướp được thuyền nan và bè gỗ của nhân dân đem ra làm thành bè mảng. Chúng định tập trung hỏa lực thật mạnh mẽ, cố yểm hộ cho quân qua sông bằng được. Nhưng một lần nữa, toàn bộ thuyền mảng của địch lại bị hỏa lực súng máy, súng cối của đại đội 834 bắn tan hết. Kế hoạch vượt sông của chúng không thực hiện được. Nhưng hỏa lực cầu vồng của địch vẫn ra sức uy hiếp mạnh mẽ vào cạnh sườn khu trung tâm phòng ngự của ta.

Cánh quân tấn công hỗ trợ thứ hai của địch gồm 1 tiểu đoàn từ cánh đồng Thanh-hội đánh vào phía tây Chuyên-ngô đã bị hỏa lực đại liên của đại đội trợ chiến chặn lại. Quân địch buộc phải triển khai đội hình trên những đoạn đường nhỏ giữa đồng để bắn giằng co với ta.

Trên hướng phụ, địch có 5 xe tăng dẫn 1 tiểu đoàn, từ phía Đồng-quan tiến qua xã Cộng-hòa xuống xã Hoàng-long. Đại đội địa phương tỉnh Hà-đông và dân quân du kích ở đây đã nổ súng chặn đánh. Dựa vào tuyến công sự bờ đê và cụm làng chiến đấu Cổ-hoàng, Đào-xá, ta đã triển khai nhiều hình thức chiến đấu tích cực, như dùng mìn kết hợp với vật chướng ngại, ụ đất và hào sâu để chống tăng; đồng thời tích cực đánh bộ binh bằng nhiều thủ đoạn linh hoạt như đanh chim sẻ, đánh liên hoàn, bẫy mìn, bẫy lựu đạn và hố chông... Quân địch bị diệt gần 2 trung đội, 1 xe tăng trúng mìn và bị thương. Vì địa hình hạn chế, đường sá đã bị phá hoại, lại có nhiều vật chướng ngại, xe tăng địch sợ vấp mìn ta, nên không dám liều lĩnh thọc sâu theo bờ đê. Bộ binh địch cũng không dám đánh xuống. Sau mấy lần xung phong không đột phá được vào làng, địch đành phải lui lại bám lấy bờ đê, rồi dùng hỏa lực trung liên, đại liên bắn cầm chừng, chờ đợi mũi tấn công ở phía nam đánh lên.

Lúc này, từ bốt Lạc-đạo, phía đông bắc Ứng-hòa, địch có chừng 1 đại đội đánh ra phối hợp. Nhưng chúng ra tới thôn Cao-xá thì bị một đơn vị nhỏ của bộ đội địa phương tỉnh và du kích Cao-xá, Kim-lung chặn đánh. Chúng không dám tiến vào sâu nữa. Cánh quân địch rải trên bờ sông Đáy cũng bị sa bẫy mìn và hầm chống ở các thôn Cầu và Xuân-tỉnh. Chúng phải nằm bẹp gí dưới vệ đường và luôn bị du kích Đạo-tú bắn tỉa.

Giữa trưa, trời nắng gay gắt. Phải phơi mình dưới ánh nắng thiêu đốt và hơi nước nóng bỏng xông lên, binh lính địch chịu không nổi, tên nào tên nấy mệt nhoài. Bọn lính lê-dương lột hết quần áo, để mình trần trùng trục, rồi bắt những đồng bào bị bắt đi theo phải múc nước giội lên lưng chúng. Có tên vì cả người xuống bùn nước như trâu đầm. Ban chỉ huy phải cho quân lính tạm nghỉ để ăn uống. Cánh quân địch tấn công phía tây bắc Bối-khê và bọn địch ở cánh đồng Thanh-hội đều kéo ra tụ tập ở dưới gốc đa giữa đồng để tránh nắng.

Tranh thủ thời cơ có lợi, với tinh thần tích cực chủ động đánh địch, đại đội trưởng Mạnh Hùng đã quyết định sử dụng hỏa lực súng cối để bắn vào bọn địch tập trung dưới gốc đa ngoài cánh đồng Thanh-hội. Hai khẩu cối 60 đã được điều lên làng phía tây bắc để làm nhiệm vụ này. Quân địch vừa mới tụm năm tụm ba lại và bắt đầu mở đồ hộp thì 2 khẩu súng cối của đại đội 832 lập tức nhả đạn. Trong cự ly chừng trên dưới 1.000 mét, đồng chí Hồ xạ thủ súng cối đã cặp 1 khẩu cối mất bệ vào chân mình để bắn. Đồng chí đã bắn rất trúng đích. Mấy phát đạn cối liên tiếp giội lên đầu quân địch. Bị đánh bất ngờ, địch hết sức hoảng hốt. Chúng chạy nhốn nháo như đàn ri vỡ tổ và kêu thét thảm hại. Chừng hơn chục tên chết và bị thương nằm lăn quay dưới đất. Những tên khác đều xô nhau nhảy bổ xuống ruộng nước, lăn lóc trên vũng bùn. Bánh trái, bơ sữa, đồ hộp vung vãi khắp nơi. Cùng lúc đấy, 2 khẩu cối 81 của tiểu đoàn 922 đặt ở Chuyên-trung cũng kịp thời bắn sang. Quân địch đã rối loạn, càng rối loạn thêm. Đứa chết đứa bị thương ngã gục dưới ruộng nước. Tiếng kêu la chí chóe. Sau đó địch không dám tụ lại dưới gốc đa, đành cứ nằm rải ở bờ ruộng giữa đồng để ăn uống. Bọn chỉ huy địch càng tức tối. Chúng lại gọi pháo binh và máy bay thay nhau bắn phá oanh tạc xuống khu vực phòng ngự của ta.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:51:39 pm
Lợi dụng lúc địch nghỉ trưa, đội nữ du kích và phụ nữ xã Chuyên-mỹ cũng mang cơm tiếp tế cho bộ đội ta. Chị em mang cơm nắm còn nóng hổi và thịt kho tới chiến hào đưa cho từng người. Với tinh thần dũng cảm và lòng thương yêu chiến sĩ vô bờ, chị em đã bất chấp máy bay và pháo binh địch bắn phá, vẫn bí mật nấu được cơm nóng đảm bảo cho anh em ăn uống no đủ để lấy sức đánh giặc. Ở Chuyên-trung, Chuyên-ngô, anh em du kích cũng phối hợp với bộ đội đào thêm rất nhiều công sự chiến đấu, lớp trong lớp ngoài, hầm hố chi chít nối tiếp nhau như đèn cù. Riêng Bối-khê vẫn bị hỏa lực của địch ở cánh đồng Chuyên-hạ phong tỏa chặt chẽ, đội tiếp tế không thể nào mang cơm tới được. Đại đội 832 phải nhịn đói, nhưng phấn khởi với chiến thắng, nên cán bộ và chiến sĩ vẫn sẵn sàng đánh địch.

Để chuẩn bị cho đợt tấn công quyết định vào buổi chiều, toàn bộ lực lượng dự bị của địch ở ngoài đường số 1 đều được vơ vét ném cả vào tăng cường cho mũi tấn công chủ yếu. Ba tiểu đoàn pháo cơ động trên đường số 1 bắt đầu bắn như đổ đạn xuống Bối-khê và Chuyên-hạ.

Sau đợt bắn ác liệt của pháo binh, hai mũi tấn công Bối-khê bắt đầu xung phong. Dưới sự yểm hộ của hỏa lực đại liên, quân địch từ mặt đông nam và tây bắc cố xung phong đột nhập vào thôn chính. Đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực bắn chia cắt giữa Bối-khê và Chuyên-hạ. Mũi tấn công Chuyên-hạ cũng bắt đầu xung phong thẳng vào phía đầu làng. Khẩu đại liên của ta ở Chuyên-ngô vẫn bắn lên chi viện, nhưng không chế áp nổi hỏa lực phong tỏa của địch. Lúc này giữa Bối-khê và Chuyên-hạ không liên lạc được với nhau. Bối-khê coi như đã bị bao vây bốn mặt. Ban chỉ huy tiểu đoàn 922 phải phái hai liên lạc cùng một lúc theo hai đường khác nhau đem mệnh lệnh xuống cho đại đội 832.

Ở Bối-khê, ta đợi cho địch vào sâu còn cách chừng 20 mét, hỏa lực trung liên mới bắt đầu bắn mãnh liệt. Một tiểu đội địch đi đầu đã bị tiêu diệt gần hết. Nhưng giữa lúc đó tổ trung liên của ta ở góc đông nam làng bị trúng pháo của địch. Xạ thủ bị hy sinh, súng bị hỏng. Lợi dụng thời cơ đó, quân địch xông vào rất nhanh. Nhiều toán địch đã bám được tuyến rìa làng. Liền đó khẩu trung liên ở xóm lẻ của ta lại bị hóc. Hai tiểu đội của trung đội 2 phải lùi vào giữa làng. Địch kéo ồ vào, nhưng các chiến sĩ ta đã dùng lưỡi lê, lựu đạn quần nhau với địch qua từng nhà. Chính trị viên Đại vừa chiến đấu vừa băng bó cho các đồng chí bị thương, vừa động viên anh em: “Trả thù cho những đồng chí đã hy sinh! Chiến đấu tới cùng, nhất định không để mất trận địa!”. Thấy phía trước đột phá được, quân địch đánh vào góc tây bắc thôn chính cũng mạnh bạo hơn. Được hỏa lực trọng liên 12,7 yểm hộ, nhiều toán địch đã xung phong vào chiếm được một góc làng. Nhưng trung đội trưởng Thủy lập tức cho các tiểu đội tích cực phản xung phong. Quân địch bị chặn lại ở phía ngoài chùa. Ở mặt đông nam, địch cũng đột phá được nhiều đoạn và uy hiếp sở chỉ huy của đại đội. Nhưng trung đội 2 cũng tích cực phản xung phong, từng bước đẩy lùi được quân địch. Đại đội trưởng Mạnh Hùng cũng trực tiếp chỉ huy một tổ phản xung phong vào sườn bọn địch đang định tiếp tục tiến vào sâu. Đồng chí ném lựu đạn diệt được 2 tên và cùng với một tổ đánh hất được địch ra khỏi lũy tre. Mặc dù lực lượng rất đông, địch vẫn chỉ chiếm được một góc làng, không thể phát triển vào sâu hơn. Trong tình hình gay go nhất, các cán bộ của đại đội 832 đã nắm chắc bộ đội và chiến đấu rất dũng cảm, làm gương cho chiến sĩ. Vì thế, tinh thần chiến đấu của anh em rất cao. Trong từng trung đội, tiểu đội, tổ ba người, anh em động viên lẫn nhau, quyết tâm diệt thật nhiều địch, dũng cảm đánh giáp lá cà, giữ vững trận địa. Từng tiểu đội, từng tổ, từng người đều tích cực chủ động, kiên quyết phản xung phong đẩy địch ra khỏi làng.

Sau khi Bối-khê bị bao vây, tiếp đó chỉ nghe tiếng lựu đạn nổ thưa thớt ở trong làng và hai liên lạc của tiểu đoàn phái xuống đều không thấy về, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đoán biết tình hình Bối-khê rất gay go, trận địa có thể bị địch chiếm mất. Địch chiếm được Bối-khê thì rất bất lợi cho ta. Vì thế ban chỉ huy tiểu đoàn lại phái thêm hai liên lạc khác mang thư xuống đại đội 832. Trong thư, ban chỉ huy tiểu đoàn biểu dương tinh thần chiến đấu ngoan cường của đại đội và yêu cầu ra sức phát huy thắng lợi buổi sáng, bằng mọi cách tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững trận địa. Lúc này tiểu đội nữ du kích Chuyên-mỹ đã giúp tiểu đoàn làm nhiệm vụ liên lạc trinh sát rất đắc lực. Vì thế ban chỉ huy tiểu đoàn luôn nhận được tin tức báo cáo chính xác và kịp thời chỉ huy các đơn vị.

Ở Chuyên-hạ, địch cũng lợi dụng hỏa lực pháo binh, tổ chức một đợt xung phong rất quyết liệt. Trung đội 3 đợi cho địch vào sát đầu làng mới phát huy hỏa lực trung liên, bắn quét thật ác liệt. Địch lại bị chết và bị thương khoảng 10 tên, nhưng chúng lại phát hiện được hỏa điểm trung liên của ta. Liền đó, mấy khẩu đại liên, trung liên của địch thi nhau trút đạn không ngớt để phối hợp với hỏa lực pháo binh cũng đang bắn tới. Khẩu trung liên phía trước làng của ta bị hỏng, xạ thủ bị hy sinh; khẩu trung liên ở góc làng cũng bị chế áp, phải di chuyển vị trí. Lợi dụng khi hỏa lực của ta bị gián đoạn, quân địch xung phong vào rất nhanh. Cuộc chiến đấu trở nên quyết liệt, quân ta giành giật với quân địch từng căn nhà, ngách ngõ. Địch chiếm được gần nửa thôn Chuyên-hạ.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:52:15 pm
Lúc này, địch dùng hỏa lực đại liên bắn rất mãnh liệt vào khu vực phòng ngự của đại đội 834 ở Chuyên-ngô. Hai chiếc máy bay trinh sát liệng rất thấp trên trận địa phòng ngự của tiểu đoàn, chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh chúng oanh tạc. Tiểu đoàn phó Lê văn Long tới kiểm tra một tổ súng máy ở góc tây nam thôn Chuyên-ngô đúng vào lúc pháo của địch đang bắn dữ dội. Nghe tiếng đạn pháo “xẹt” ngay bên cạnh ổ súng máy, đồng chí nhanh tay kéo được xạ thủ thụp người xuống khỏi miệng hố. Khẩu trung liên trên công sự bị bắt lật tung. Thấy hỏa lực súng máy của ta ngừng bắn, bọn địch ở cánh đồng Thanh-hội tranh thủ tiến vào sâu hơn, uy hiếp trận địa cạnh sườn của ta. Quân địch vào gần đến lũy tre thì súng máy của ta cũng đã chữa xong. Trong tầm bắn hiệu lực nhất, trung liên của ta lại khạc đạn rất giòn giã. Trên 10 tên địch ngã gục xuống đồng nước. Những tên khác hoảng sợ, kéo nhau chạy ra xa. Đợt tấn công mới của địch ở mũi cạnh sườn đã bị bẻ gãy. Pháo của địch tiếp tục giội xuống lũy tre. 12 chiếc máy bay khu tục chia làm hai tốp thay nhau bắn phá xuống khắp trận địa phòng ngự của ta. Phần lớn những nhà xây, đình chùa trong các thôn đều bị oanh tạc đổ sụp. Nhưng nhờ có công sự, hầm hố vững chắc, nên ta rất ít bị thương vong. Lực lượng dự bị của tiểu đoàn hãy còn nguyên vẹn.

Giữa lúc đó, ban chỉ huy tiểu đoàn 922 nhận được báo cáo là địch đã chiếm gần hết thôn Chuyên-hạ, trung đội phòng ngự ở đây vẫn anh dũng chiến đấu, nhưng trận địa đã bị thu hẹp xuống phần cuối làng. Tình huống diễn ra rất khẩn trương. Đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn 922 đã hội ý chớp nhoáng. Vấn đề được đặt ra lúc đó là: phải bằng mọi biện pháp giữ vững trận địa phòng ngự ở hướng chủ yếu của đại đội 832. Nên để cho địch chiếm được Chuyên-hạ, tình hình sẽ trở nên vô cùng phức tạp, chúng sẽ nhanh chóng thọc vào khu trung tâm phòng ngự của ta, thực hiện được hợp điểm cất vó ta trước lúc trời tối. Quyết tâm của ban chỉ huy tiểu đoàn là: sử dụng 2 trung đội của đại đội 834 tổ chức thành đơn vị phản xung phong của tiểu đoàn được trang bị 5 trung liên, tiểu liên và súng trường đầy đủ. Đơn vị này sẽ tắt qua cánh đồng Chuyên-ngô lên triển khai và bám bờ đê hữu ngạn sông Nhuệ để đánh thốc vào sườn quân địch ở Chuyên-hạ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, khôi phục lại trận địa, sau đó sẽ cho một mũi đánh thọc vào sau lưng trận địa hỏa lực và sở chỉ huy của địch ở cánh đồng Bối-khê – Chuyên-hạ, kiên quyết đẩy địch ra xa để giữ vững thế phòng ngự phía trước. để đảm bảo cạnh sườn cho đơn vị phản xung phong khi vận động cũng như khi phản xung phong và để chế áp bọn địch đang uy hiếp hai bên ườn Chuyên-ngô, tiểu đoàn đã sử dụng toàn bộ hỏa lực súng cố còn lại, bắn mãnh liệt vào quân địch rải trên bờ đê tả ngạn sông Nhuệ, khiến chúng không thể ngóc đầu lên bắn sang bờ hữu ngạn; đồng thời dùng 1 khẩu đại liên ở Chuyên-trung bắn chặn cánh quân địch hoạt động ở cánh đồng Thanh-hội, sườn phía tây Chuyên-ngô. Để uy hiếp và ngăn chặn hoạt động của máy bay địch, đảm bảo cho đơn vị phản xung phong vận động được nhanh chóng, an toàn trên cánh đồng trống trải, tiểu đoàn đã tập trung tất cả số đại liên, trung liên còn lại của bộ phận trợ chiến để bắn máy bay địch, buộc chúng phải bay cao và lảng xa trận địa ta. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo cho hành động phản xung phong giành được thắng lợi, tiểu đoàn đã ra lệnh cho phân đội phòng ngự ở Chuyên-hạ phải bằng mọi cách ghìm chân quân địch, không cho chúng lấn sâu thêm và củng cố được chố đứng; khi thấy đơn vị phản xung phong từ ngoài làng đánh vào, phải kịp thời phối hợp chặt chẽ, chia cắt để tiêu diệt một bộ phận quân địch, nhanh chóng khôi phục lại trận địa. Đồng thời, tiểu đoàn ra lệnh cho đơn vị phòng ngự ở Bối-khê phải tích cực phản xung phong nhỏ, kiên quyết đánh bật địch ra khỏi làng, phơi hợp với đơn vị phản xung phong đánh ra trận địa hỏa lực và sở chỉ huy của địch ở cánh đồng Chuyên-hạ, tiêu diệt bộ phận đầu não quan trọng của địch, buộc chúng phải kết thúc cuộc tấn công.

Lúc này, tổ liên lạc của tiểu đoàn đã bị thương vong 3 đồng chí, 2 đồng chí còn lại phải mang mệnh lệnh xuống Chuyên-ngô và Chuyên-hạ. Trong sở chỉ huy tiểu đoàn chỉ còn lại đồng chí Đạm, chiến sĩ giúp việc ban chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng Ngô Hùng cầm mảnh giấy ghi mệnh lệnh cho đại đội 832, trong lòng cảm thấy băn khoăn: địch phong tỏa Bối-khê rất chặt chẽ, 2 đồng chí chí liên lạc đi trước đều đã hy sinh, đồng chí Đạm chưa quen công tác liên lạc có thể đem mệnh lệnh, vượt qua được lưới lửa chuyển đạt cho đại đội 832 không? Thấy rõ băn khoăn của tiểu đoàn trưởng, đồng chí Đạm đã nhìn người thủ trưởng của mình với đôi mắt chân thành và nghiêm chỉnh: “Báo cáo tiểu đoàn trưởng, tôi xin lấy danh dự một đảng viên, hứa với đồng chí đã hoàn thành bằng được nhiệm vụ của Đảng giao cho!”. Rồi tiếp lấy tờ mệnh lệnh, đồng chí quay mình bước ra khỏi sở chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng nhìn theo người đồng chí thân cận nhất của mình, cảm thấy giờ đây cái dáng điệu chậm chạp trong đồng chí này hình như không còn nữa. Đúng! Đồng chí đó đã trở thành một chiến sĩ liên lạc hoạt bát và lanh lợi lạ thường. Cũng lúc này, tiểu đoàn trưởng nghe rõ tiếng reo của chiến sĩ ta và tiếng lựu đạn nổ ở trong thôn Bối-khê. Đồng chí cảm thấy yên tâm vì trận địa của ta vẫn giữ vững.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:53:15 pm
*

Đơn vị phản xung phong của tiểu đoàn do đồng chí Nguyễn thành Ngọ, chính trị phó đại đội 834 chỉ huy. Dưới sự yểm hộ mạnh mẽ của hỏa lực trợ chiến, phân đội này chia thành từng nhóm nhỏ, tiến theo đội hình hàng ngang, để vượt qua cánh đồng trống. từ Chuyên-ngô ra phía bờ đò sông Nhuệ. Sáu chiếc máy bay Hen-cát của địch phát hiện được ngay. Chúng vội vàng lao tới như một đàn quạ thấy mồi và lập tức nhả xuống một loạt bom na-pan để ngăn chặn đội hình vận động của ta. Lửa tỏa trên mặt nước, khói đem trùm kía một khoảng đồng, nhưng đơn vị phản xung phong vẫn dũng cảm vượt qua bức tường lửa, nhanh chóng tạt ngang ra hướng bờ đê. Sáu chiếc máy bay Hen-cát quay lại định nhả đạn. Nhưng hỏa lực bắn máy bay của ta bắn lên rất mãnh liệt. Lúc này tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và các cán bộ tham mưu của tiểu đoàn cũng dùng súng trường tích cực bắn máy bay địch. Chiếc máy bay đi đầu của địch vừa lao xuống thấp chưa kịp nhả đạn vào đơn vị phản xung phong của ta thì đã bị trúng đạn. Từ phía đuôi nó, một vệt khói đen đặc kéo dài liên tục theo đà bay. Năm chiếc khác vội vã bay vượt lên cao, không dám lồng lồng lộn, xông xao, hung hăng như trước nữa.

Đơn vị phản xung phong của ta vận động được an toàn và triển khai trên tuyến bờ đê sông Nhuệ. Bọn địch ở trong làng Chuyên-hạ đã phát hiện, nhưng chưa kịp tổ chức lực lượng đối phó. Đơn vị phản xung phong chia làm hai mũi, nối tiếp và xen kẽ nhau thọc vào phía đông thôn Chuyên-hạ theo kiểu chéo mắt xích. Hỏa lực trung liên của ta phát huy rất mạnh mẽ vào cạn sườn quân địch. Phân đội phòng ngự ở Chuyên-hạ cũng kịp thời phối hợp, phản xung phong vào cạnh sườn quân địch ở phía tây làng. Địch bị đánh cả hai bên sườn, phải vội vã dồn cả ra đường lớn giữa làng để rút chạy. Hỏa lực đại liên của địch ở đầu làng không dám bắn nữa vì sợ bắn lộn vào đám quân của chúng, và cuối cùng cũng phải tháo chạy nốt. Trong đợt phản xung phong này ta diệt được gần 2 trung đội địch, bắt 1 tù binh và thu được một số súng đạn.

Nhân lúc địch còn đang rối loạn, chưa tổ chức được hỏa lực bắn chặn, đơn vị phản xung phong đã cho một mũi nhanh chóng thọc vào sau lưng trận địa hỏa lực của địch ở cánh đồng Chuyên-hạ - Bối-khê, bị đánh bất ngờ, hàng ngũ địch rối loạn. Bọn chỉ huy hốt hoảng bỏ chạy trước. Hỏa lực trung liên của ta bắn rất ác liệt, tiêu diệt hơn chục tên lính lê-dương hung hãn.

Lúc này, đơn vị phòng ngự ở Bối-khê cũng đã đánh bật được quân địch ra khỏi làng. Toàn bộ quân địch tấn công trên hướng chủ yếu đều phải rút ra cách làng rất xa. Có bọn đã chạy ra tới gần đường số 1. Nhưng hỏa lực pháo binh của địch đã bắn xuống đầu làng Bối-khê và Chuyên-hạ để ngăn chặn quân ta xuất kích. Đơn vị phản xung phong của ta phải nhanh chóng rút về chiếm lĩnh công sự ở trong làng. Pháo binh và máy bay địch hoạt động rất mạnh mẽ, nhưng ta có kinh nghiệm tránh máy bay và có lũy tre vững chắc nên không bị thiệt hại gì đáng kể.

Nửa giờ sau, địch phải cho xuồng máy theo sông Nhuệ lên tới ngang thôn Chuyên-hạ để chở xác chết. Hỏa lực cối 81 của ta từ Chuyên-trung lại bắn lên. Địch chết và bị thương thêm một số, phải vội vã cho xuồng rút chạy.

Sau đó, địch lại tăng cường hỏa lực oanh tạc của pháo binh và máy bay, cố gắng tổ chức xung phong ba lần nữa vào Bối-khê. Nhưng vì binh lính địch đã mất tinh thần lại mệt mỏi, động tác chậm chạp, nên mỗi lần chúng lóp ngóp vào được gần rìa làng với sự quát nạt của chỉ huy, lại bị ta đánh bật ra, mấy tên địch xấu số lại ngã gục. Cuối cùng chúng đành chịu bất lực.

Biết không thể nào chiếm được Bối-khê và Chuyên-hạ, bọn chỉ huy địch phải cho quân của chúng giãn ra các làng chung quanh để giữ kín vòng vây, hòng đợi đến sáng hôm sau có thêm quân tiếp viện sẽ tiếp tục tấn công, thực hiện hợp điểm cất vó ta ở trung tâm khu du kích.

Lúc này, tiểu đoàn 922 cũng theo kế hoạch đã định, kịp thời giải quyết vấn đề thương binh tử sĩ và chuẩn bị phương tiện luồn càn như thuyền, mủng, ván gỗ và cây chuối để qua sông. Trời vừa tối, các tổ tiếp tế của dân quân du kích Chuyên-mỹ đã đảm bảo được cơm nước cho bộ đội ăn uống. Chi bộ đảng và chính quyền địa phương đã tích cực giúp đỡ mọi phương tiện cần thiết để giải quyết vấn đề tử sĩ. Đoàn thể phụ nữ nhận một số thương binh nặng để gửi vào cơ sở săn sóc và sẽ tìm cách đưa ra vùng tự do sau.

Đêm mồng 4 tháng 6, sau khi cùng với cấp ủy và dân quân du kích địa phương hoàn thành mọi công việc chuẩn bị luồn càn: ổn định nhân dân, sắp xếp lực lượng du kích, bám sát địch, tổ chức cảnh giới và bao vây địch..., tiêu đoàn 922 đã rút sang khu du kích Ứng-hòa để làm nhiệm vụ mới. Một số thanh niên địa phương cũng xung phng theo bộ đội sang Ứng-hòa để nhập ngũ.

Khi tiểu đoàn ra tới Mãn-xoang huyện Ứng-hòa, đồng chí Nẫm chính ủy trung đoàn đã đón sẵn ở đó. Đồng chí niềm nở thăm hỏi sức khỏe từng cán bộ, chiến sĩ và nhiệt liệt khen ngợi toàn đơn vị đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm ngoan cường, hoàn thành được tốt đẹp nhiệm vụ của mình.

Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1952, địch được tiếp viện thêm lực lượng. Chúng tiếp tục cuộc càn quét vào trung tâm khu du kích trung và tây Phú-xuyên. Tuy nhiên không phải chúng vào được một cách dễ dàng: dân quân du kích các xã Quang Trung, Chuyên-mỹ, Hoàng-long mặc dầu với lực lượng không nhiều, vẫn anh dũng chiến đấu: giật mìn, bắn tỉa diệt thêm được một số địch và “biến” xuồng hầm bí mật khi lực lượng của chúng tiến vào đông gấp bội.

Khu du kích lúc này chỉ còn là nơi không một bóng người.


Tiêu đề: Quân dân Phú-xuyên phá càn “Sơn Dương”
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Bảy, 2018, 09:55:08 pm
DIỄN BIẾN CHIẾN ĐẤU Ở MIỀN TRUNG VÀ TÂY PHÚ-XUYÊN

(https://lh3.googleusercontent.com/MQjrMo9enK3-80Y4IbwcHtKJ6Wu7fnGoqvlLzxym5qK19MehvEbyYp71jFwQW6jW3uNv0Lz-O5G-Aqa_9kYib1kXLXmAYy3zfZmt_yTRf0BWfD-Q0QoFW7i4p32J1K0r4Tzg6-VPtt_hoaBTZ84rjhyT48oXroXhh92i4P87Z5GfANvtXeHW72GzWmPt_7OhMRux9G3YJG7UnII2dH_4yRTtZUnzX9beo7GazKqn7L_3FScZLfZCIP3OXqUccYyDCwnGKmC4eLN8YARzUlncFjQyJvN_svBRAmUYH5nfrlP8PFPJuRvTIO2831dNmT7Txrfmhr0NZm-vL6jzdDs-GMxIGBSX0BtwFEeNMXLkQCynVDQnAOa3Soay3cE2W-_gpfUWwG9VrOh4iGNGbnmKuBpRyLwDQwynDZjejgAs09oMytDqS1psZSTEn7zXreTSR1AOmtqIZvFnRAf6EGYkhcNeDm3XhVftemeBCb6_ArZRSGx-_NipGK1lM1yrpg6EKWMVcmd4Kggw8xdcIOVEXj2_pdUAqwJpvc7RYtWjBLid4xYsEcgyytM_Utw3B5gw5phDyzEa8GUB_PradXx2YhxpodLDkZqnEwFXZpw=w605-h832-no)

*

Thế là, hoàn toàn trái ngược với mong muốn và ước mơ của địch, chiến dịch càn quét “Sơn dương” của địch đã thất bại thảm hại với 560 tên chết và bị thương, 22 xe cơ giới bị bắn cháy, hàng chục vũ khí bị tước, 1 máy bay và 1 xe tăng bị hư hại. Các binh đoàn cơ động số 1 và 3 của địch đã bị tiêu hao nặng. Tinh thần của địch càng thêm suy sụp. Mục đích của địch nhằm tiêu diệt chủ lực ta và bình định các khu du kích của Phú-xuyên hoàn toàn không thực hiện được.

Về phía ta, cuộc chiến đấu chống địch càn quét ở Phú-xuyên lần này đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và giữ gìn được lực lượng ta. Do đó đã phá tan được kế hoạch bình định của địch, bảo vệ được cơ sở, bảo vệ được nhân dân, giữ vững được khu du kích. Qua cuộc chiến đấu chống càn lần này, các lực lượng vũ trang địa phương đã trưởng thành thêm một bước. Tiểu đoàn 922 cũng được bộ đội địa phương tỉnh và huyện đều rút được nhiều kinh nghiệm thành công trong chiến đấu phòng ngự chống càn trên địa hình đồng bằng trống trải. Dân quân du kích các xã qua chiến đấu đã tỏ ra dày dạn hơn và nâng cao được khả năng độc lập tác chiến. Vì thế, sau khi quân ứng chiến của địch rút đi, nhiều đội du kích như Chuyên-mỹ, Quang Trung, Hoàng-long, Hiệp-hòa... đã có thể độc lập chiến đấu với những bọn địch đi càn quét nhỏ và tích cực đánh bẫy, gài mìn trên đường số 1, đẩy mạnh được hoạt động du kích của ta. Các chiến sĩ thi đua như chị Ngăn, chị Lộng... đều là những nữ du kích đã trực tiếp tham gia trận chiến đấu chống càn lớn này và đã tỏ ra rất dũng cảm trong các công tác trinh sát, liên lạc, cứu chữa thương binh, giúp đỡ bộ đội tác chiến. Cũng qua cuộc chiến đấu chống càn lần này, đảng bộ địa phương cũng có thêm kinh nghiệm về chỉ đạo xây dựng và củng cố khu du kích, chuẩn bị chống càn quét và phát động chiến tranh du kích. Nhân dân cũng được rèn luyện nhiều trong thực tế đấu tranh với địch. Thấy rõ được những hành động dã man tàn bạo của địch, nhân dân càng căm thù chúng và nhận rõ trách nhiệm phải tích cực tham gia kháng chiến, giúp đỡ bộ đội và sát cánh với bộ đội cùng đánh giặc giữ làng. Cũng qua cuộc chiến đấu chống càn lần này, nhân dân càng thấy rõ tinh thần dũng cảm hy sinh chiến đấu của bộ đội để bảo vệ nhân dân. Do đó tình cá nước quân dân càng thêm thắm thiết, tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích càng thêm chặt chẽ.

Với thành tích nổi bật này, chỉ riêng tiểu đoàn 922 đã có 7 đồng chí được Bộ tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng hai và hạng ba, hàng chục đồng chí khác đã được Bộ tư lệnh Quân khu 3 và ban chỉ huy trung đoàn 46 cấp giấy khen.