Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Một thời máu và hoa => Tác giả chủ đề:: Giangtvx trong 26 Tháng Chín, 2018, 03:42:59 pm



Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Chín, 2018, 03:42:59 pm
Xin chuyển bài viết này về đây để mọi người cùng đọc :

https://www.facebook.com/nguyen.tuan.duc56/posts/1993904754003975?notif_id=1537944602102219&notif_t=notify_me&ref=notif

TÌNH ĐỜI

Cũng ngày này năm trước tôi có viết về người phi công Liên Xô Yuri Poyarkov đã mất tích ở Việt Nam từ 1971, con cháu của ông có nhờ cộng đồng mạng cho biết thông tin vì gia đình chỉ được bộ quốc phòng Liên Xô thông báo là “mất tích khi làm nhiệm vụ”, chứ ở đâu, thế nào, bao giờ, vì sao... thì không một lời giải đáp.

Có lẽ những ai theo dõi đều nhớ, và cũng có thể các anh liệt sĩ linh thiêng đã giúp cho cuộc tìm kiếm tự phát của những người anh, người bạn tôi thành công trên cả sự mong đợi. Trong công cuộc tìm kiếm ấy và sau đó nữa rất nhiều bạn đã giúp đỡ để cuối cùng truyền hình, báo chí, cộng đồng mạng vào cuộc và mọi việc cũng đã sáng tỏ.

(https://www.facebook.com/namhhn/posts/1537769196285012
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1538262422902356
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1692425637486033
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1699337250128205
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1713485738713356
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1725474644181132
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1887171141344814
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1887592911302637
https://www.facebook.com/namhhn/posts/1887730477955547 )

Một khó khăn bất ngờ xảy ra, không thể liên lạc lại được với người nhà ông đại úy Poyarkov, Liên bang cũ mênh mông thế mà không có hồi âm thì quả khó tìm. Nhưng cuối cùng chính những người bạn Nga đã tìm ra họ, bây giờ gia đình ông tản mát sống ở các nước cộng hòa Xô viết cũ, chứ không phải ở Nga.

Gia đinh họ rất vui mừng vì cuối cùng họ cũng biết được thêm về cái chết của người chồng, người bố, người ông xấu số. Ý muốn của gia đinh Poyarkov cũng hết sức giản đơn: muốn được thông báo chính thức về cái chết của ông, và nếu còn tàn cốt của ông thì họ xin đưa về quê hương để cho ông được yên nghỉ (vâng, trước đây họ cứ nghĩ ở đâu đó có một nấm mồ với mộ bia có tên “đại úy Yuri Nikolaevich Poyarkov” – chả gì thì ông cũng là thầy huấn luyện bay của những lứa phi công chiến đấu lừng danh tại miền Bắc). Họ đã gửi thư cho Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, nhờ làm rõ sự việc. Nhiều người yêu nước Nga, các “mạnh thường quân” sẵn sàng tài trợ cho đại diện gia đình sang Việt Nam để thăm lại nơi đại úy Yuri Poyarkov đã sống và những năm khó khăn gian khổ đó có lẽ đầy tình người, tình đồng chí, điều này có thể thấy qua những bức ảnh gia đình vẫn còn nâng niu cho tới hôm nay. Nhưng gia đình người phi công này cũng đầy tự trọng: rất cám ơn, nhưng họ không muốn sang Việt Nam chỉ như những người đi du lịch!

Điều chúng tôi e ngại nhất là có thể giữa nước Nga ngày nay và các nước cộng hòa cũ quan hệ đang căng thẳng, chắc gì họ nhiệt tình với việc đã gần nửa thế kỷ này? Hóa ra chúng tôi còn chưa hiểu hết con người, đất nước này – khi nhận được thư của gia đình Poyarkov Tham tán quân sự của Sứ quán lập tức vào cuộc. Xác định nhân thân xong họ liên hệ trực tiếp với Cục đối ngoại Bộ quốc phòng về vấn đề này... Nhưng... tôi tự thấy xấu hổ khi viết tiếp những dòng này: họ được trả lời là không biết gì hết, đâu có nghe, có thấy, có ai báo cáo đâu, để kiểm tra lại rồi sẽ trả lời cho Sứ quán. Và bây giờ đã đủ một năm...

Tôi xin phép khép lại câu chuyện này cho riêng mình trên chốn FB. Vì là người đã liên hệ với các thành viên của gia đình liệt sỹ Poyarkov tôi thực sự vất vả khi trả lời câu hỏi của họ, là “có tin tức gì mới không”. Lúc đầu họ rất háo hức, nhưng dần thì những người bạn Xô viết cũ này có thể cũng đoán ra qua những câu dãi bày cụt lủn của tôi, rằng mọi sự không hề đơn giản, họ cũng tế nhị mà ít hỏi dần đi. Tôi cũng rất hiểu nỗi lòng của những người anh, người bạn đã tham gia tìm kiếm, chính họ mới đóng góp nhiều nhất, họ đã lên tận nơi, đã tìm ra, đã chứng minh... và cũng đang bị trả lời những câu hỏi khó như tôi: “Thế nào rồi?”. Thậm chí còn có những người bị dọa mất việc vì đã bỏ thời gian, công sức, trí tuệ ngoài giờ làm việc ra để đi tìm hài cốt hai người phi công xấu số này! Quân đội hay nhà nước có 1001 lý do xác đáng để kéo dài sự im lặng, chúng tôi quá hiểu vì cũng đều từ cái “lò” ấy mà ra cả, nhưng tình người là có thật, tình đời cũng vậy. Hãy nhìn vào quốc tang ngày hôm nay, đại tướng Trần Đại Quang xứng đáng với một sự tổ chức tang lễ long trọng thế này và còn hơn thế nữa. Nhưng có một người anh hùng, đại úy thôi, Yuri Poyarkov đến với chúng ta từ một vùng đất xa xôi, đã ngã xuống cùng với người học trò là anh Công Phương Thảo, và chúng ta im lặng 47 năm rồi... Tôi xấu hổ trước vong linh các anh, và xin đừng ai hỏi tôi về câu chuyện Tam Đảo nữa!


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Chín, 2018, 02:45:25 pm
Vâng, đọc những dòng này, tôi thấy rất mủi lòng và cảm như mình là người có tội vì không thể làm được gì giúp cho gia đình ông Poiarcôp mặc dù cũng đã đi dò hỏi hộ khá nhiều người. Vẫn cứ hi vọng một ngày nào đó, những gì cần sẽ có được kết quả như mong muốn.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 29 Tháng Chín, 2018, 08:25:21 pm
Cũng định khép lại chuyện này nhưng hôm nay bạn bè cháu vừa thông báo đoàn tìm kiếm của BQP đã tìm đc hài cốt của hai PC tại địa điểm mấy ae xác định. Cháu cũng vừa báo tin cho cô cháu ngoại Anna của PC Poyarkov đang sống ở Kiev. Gia đình bố mẹ cô ấy thì sống tại Mondova, có hẹn cháu Anna là có tin tức sẽ cùng gia đình sang VN và đến nơi ông của Anna hi sinh. Âu cũng là chuyện vui mà mình làm đc.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 29 Tháng Chín, 2018, 10:59:19 pm
Đúng là đầu tiên anh Nguyễn Lê Anh (người tháng 2-2018 tìm được mảnh UMig 21 đầu tiên) đưa tin: Đội khai quật MiG21U đã tìm thấy mũ, hài cốt gần như đầy đủ của các phi công ở ngay vị trí máy bay đâm vào núi.
Tin chưa chính thức (tôi không tham gia khai quật).
Sau đó anh Nam Nguyễn (người đã nêu vấn đề tìm kiếm UMig21 bị tai nạn 30-4-1971 lên FB từ đó tập hợp được nhóm tìm kiếm) cho biết: Nam Nguyen
2 hrs
ĐÃ TÌM ĐƯỢC CÁC ANH!
Đoàn tìm kiếm của Quân khu 1 đã tìm được hài cốt của 2 liệt sỹ phi công trong vụ rơi máy bay MiG-21YM tại Tam Đảo năm 1971. Yuri Nikolaevich Poyarkov và Công Phương Thảo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Một tin rất ấm lòng cho mọi người.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 29 Tháng Chín, 2018, 11:04:25 pm
TASS đã đưa tin: ХАНОЙ, 29 сентября. /ТАСС/. Останки, предположительно, советского военного летчика Юрия Пояркова, числившегося пропавшим без вести на протяжении 47 лет, обнаружены во Вьетнаме. Об этом сообщили ТАСС в субботу организаторы поисков, которые продолжаются уже около года в джунглях северной части Вьетнама.
"Сегодня во время поисковой экспедиции в горном районе Тамдао найдены останки двух летчиков, в том числе, предположительно, капитана Пояркова", - сказал участник поисков.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 30 Tháng Chín, 2018, 12:15:20 am
Mọi chuyện bắt đầu từ bạn của Anna nhắn trên FB nhóm những người nói tiếng Nga tại VN. Sau đó nhóm ae bạn bè do Nguyễn Hi Hoài Nam (nick Nam Nguyễn, là cháu ngoại cụ Nguyễn Xiển) tài trợ đã tổ chức đi tìm sau khi có thông tin của một thành viên trong nhóm quê ở vùng này nói về chiếc máy bay rơi thời kỳ đó. Dân làng đã lấy và nấu nhôm thế nào, cái gì còn, cái gì có thể tìm đc và hỏi ai. A Nguyễn Lê Anh là dân leo núi chuyên nghiệp đã cùng những người dân vùng đó lên tìm kiếm đợt đầu vào 24/2/2018 cùng một vài thành viên trong nhóm. Nhưng chỉ có a LA là trụ lại đc với mấy người dân và ngày hôm sau tìm đc mảnh ở gần nắp buồng lái. Đã tổ chức bằng giao cho QC nhưng mọi việc chìm xuống. Sau đó ae tổ chức tìm kiếm lần nữa nhưng đi theo đường khác lên. Khi đó tìm đc dù của PC và một số đồ vật khác. Mọi người có dánh dấu vị trí và báo cáo lại để QC lập nhóm tìm kiếm. Sự việc lắng đi nên mọi người trong nhóm đành phải tác động từ phía gia đình PC Poyarkov và Tùy viên QS Nga tại HN. Rất may là QK1 đã tổ chức đội tìm kiếm theo vị trí mọi người đánh dấu và đã tìm đc. Cô cháu gái Anna rất vui và mong là sớm đc biết sự thật về ông mình. Cô ấy nói bà đã già rồi nhưng ko lúc nào hết hi vọng tìm đc hài cốt chồng bà. Một kết thúc có hậu cũng là điều tốt cho mọi người quan tâm đến vụ việc này.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 30 Tháng Chín, 2018, 10:28:34 am
Bác PCTK cùng đồng đội các cựu PC Mig 21 về thăm ngôi nhà xưa! Chúc mừng các anh!


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: meomunchamchap trong 30 Tháng Chín, 2018, 05:39:50 pm
Có tin vui rồi chú PCTK


https://m.thanhnien.vn/thoi-su/tim-thay-hai-cot-2-liet-si-vu-may-bay-mig-21u-mat-tich-47-nam-truoc-1008799.html?io_utm_social=fanpage


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 30 Tháng Chín, 2018, 07:50:54 pm
Đúng là niềm hy vọng của tôi luôn nhen nhóm và đã trở thành sự thật. Tôi mừng hết chỗ nói khi nghe tin và được thấy hình các đồng đội, đồng nghiệp của mình đã được trở về. Bây giờ tôi mới tiết lộ một chi tiết : khi Công Phương Thảo bay chuyến bay này, vì còn đang thăm mấy anh trực ban chiến đấu nên về chậm, không kịp vào nhà lấy đồ bay. Thày Poiarcôp giục ghê quá nên Thảo đã mượn quần kháng áp, găng tay, mũ bay, mặt nạ dưỡng khi ... của anh Trần Văn Năm vừa bay chuyến trước đó với thày Poỉacôp xong, vừa mặc vừa chạy ra máy bay,vừa đeo các trang thiết bị và trèo lên buồng lái. Không ngờ đấy lại là chuyến bay định mệnh của hai thày trò. Chiều nay, tôi ngồi hàn huyên với anh Năm, anh lại nhắc lại chuyện ấy. (Trước đó đã mấy lần anh nói với tôi rồi). Hai anh em tôi vừa mừng và vừa buồn bã với những kỷ niệm xưa. Mừng bởi đã tìm được thày trò Công Phương Thảo. Buồn vì đồng đội, đồng nghiệp nằm lạnh lẽo tận 47 năm dài đằng đẵng... Thôi, ơn trời, vậy là mọi chuyện đã kết thúc có hậu.
Cám ơn Viet Trung đã đưa tin chuyến về lại nơi Trung đoàn 931 của bọn tôi. Nay mai khi Trung đoàn KQ 921 lên đóng quân ở đó thì chúng tôi sẽ ít có cơ hội trở lại thăm nơi cũ người xưa nữa...


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 30 Tháng Chín, 2018, 09:37:25 pm
Anh PCTK cho em hỏi 1 chút.
Hôm nay trên trang "Bạn Phi công" có đăng ảnh MiG 21 F96 số hiệu 5121 Bảo vật quốc gia. Có bạn hỏi 5 ngôi sao là 5 mb Mỹ bị hạ trong đó có chiếc B52 do anh Phạm Tuân bắn rơi ngày 27-12-72. Bốn cái còn lại là Ai bắn? Em đã tìm được bài báo của VnExpress cho biết: Trích từ báo VnExpress:
...Đêm 27/12/1972, chiếc MIG 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích từ sân bay Yên Bái đến vùng trời Sơn La thì phát hiện máy bay B52. Do địch chưa biết có MIG 21 bám đuôi, Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ cho B52, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa hạ siêu pháo đài bay. Sau đó, Phạm Tuân điều khiển chiếc MIG quay về sân bay Yên Bái an toàn. Ngoài bắn cháy B52, chiếc MIG 5121 do hai phi công Vũ Đình Rạng và Đinh Tôn điều khiển còn bắn rơi thêm 4 chiếc máy bay các loại...
Nhưng có ý kiến: Anh hùng Đinh Tôn bắn rơi 4 máy bay Mỹ nhưng không rõ cả 4 chiếc anh Tôn bắn hạ khi bay MIG 5121 hay không?. Còn anh Vũ Đình Rạng thì theo cuốn "Những trận không chiến trên bầu trời VN (1965-1975) nhìn từ hai phía" cho biết anh Rạng là bắn trọng thương 1 B52. Vậy nên VnExpress viết như trên không rõ có chuẩn hoàn toàn không?
Vậy anh PCTK có thể cho biết thông tin cụ thể những PC nào đã lái Mig21 5121 bắn rơi 4 mb Mỹ còn lại.
Em cảm ơn anh.


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười, 2018, 07:47:35 am
Do một số bác không sử dụng Facebook nên xin chuyển một số bài về đây

Bài viết của Anh Quan Nguyen

Báo cáo với các Anh về cuộc gặp gỡ với gia đình của liệt Sỹ Poyarkov Yurii theo sự phân công của anh Nam Nguyen. Hôm nay, 30.09, em hẹn cô Anna Poyarkova gặp gỡ tại trụ sở của Tùy viên quốc phòng Việt nam tại Ukraine. Như đã nói với các anh, em đã có một số cuộc gặp và làm việc sơ bộ với Tùy viên QP Việt Nam tại Ukraine từ trước về vấn đề này và nhận được sự ủng hộ của bên Tùy viên QS. Hôm nay cũng được biết là vấn đề này cũng được báo cáo chính thức về VN để tiến hành đúng quy trình. Đúng giờ em đón cô Anna và còn gái tới trụ sở TVQP và mọi người được đón tiếp trong bầu không khí rất ấm cúng. Cô Anna đề nghị được nghe về nguyên nhân về cái chết (sự hy sinh) của Liệt Sỹ Poyarkov, vì cho tới nay, họ vẫn không biết cụ thể như thế nào về cái chết của ông. Mạn phép các bác, em đã tường thuật 1 lần nữa về giả định hành trình chuyến bay định mệnh đó, cô ấy nghe và rơm rớm nước mắt. Cô Anna tỏ ra vô cùng khâm phục và biết ơn Việt Nam, bác Nguyen Leanh và cả nhóm đã làm được 1 việc phi thường. Bà của cô ấy (vợ liệt Sỹ Poyarkov), vẫn không nguôi sự hy vọng vào 1 điều kỳ diệu và vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật để đợi tới thời điểm này. Hiện tại bà Zina (Зинаида), vợ của liệt Sỹ Poyarkov, đã ngoài 80 tuổi, đang sống tại Tiraspol (Moldova) với con gái Tatiana, đang chiến đấu với bệnh tiểu đường, huyết áp cao và ung thư (đã được chữa khỏi tạm thời). Còn con trai của liệt Sỹ Poyarkov, ông Alexander, đã 56 tuổi, đang sống tại Zaporogie, UKraine là công nhân, sức khỏe cũng yếu, cuộc sống cũng tương đối khó khăn. Như đã thống nhất trước với TVQP, hôm nay cô Anna đã mang kèm theo bộ hồ sơ giấy tờ của LS Poyarkov lên trên cơ quan chức năng của ta để bắt đầu quá trình đoàn tụ cho di hài liệt sĩ Poyarkov về tổ quốc. ĐƯỢC phía TVQP hướng dẫn, gia đình liệt Sỹ Poyarkov sẽ viết đơn chính thức , và phía VN ta sẽ hỗ trợ cho gia đình LS hết mức để họ có thể sớm đưa đi hài của ông Poyarkov về cố quốc (UKraine) hoặc Tiraspol Moldova nơi bà Zina, vợ ls Poyarkov đang sống. Hôm nay cô Anna cũng gửi lại 2 mẫu tóc và móng tay lại để giám định DNA (em cũng mang 1 mẫu về). Cô Anna cũng xin phía VN đính chính với các cơ quan truyền thông của ta là LS Poyarkov và gia đình là người Ukraine (quê Zaporozhye) chứ không phải Nga. Phía BQP Việt Nam cũng rất thiện chí và nói rằng BQP VN hôm nay cũng đã nói rằng sẽ hết sức mình trong việc tri ân và trong việc đưa hài cốt của LS Poyarkov về cố quốc UKraine. Kết thúc buổi gặp, hai bên đã có hẹn sẽ có một cuộc gặp nữa trong tuần tới. Ảnh hôm nay.

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/42800863_10210586157769576_8191817206997188608_n.jpg?_nc_cat=106&oh=5493df0d0724a949ea9529d772201d4f&oe=5C524509)

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/42723326_10210586158249588_2294971923001507840_n.jpg?_nc_cat=107&oh=ae177b99657605396db9a668b43294f0&oe=5C206D9D)

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/42795597_10210586166449793_1043472217347719168_n.jpg?_nc_cat=111&oh=874385c5d7f3ed6bb10ed64b6a76b6b8&oe=5C1E43B1)

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/42881029_10210586167249813_8553840094866309120_n.jpg?_nc_cat=111&oh=489a67ffd3c656093d6446547e8e0024&oe=5C5CADD8)

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/42785658_10210586177890079_3734885946940719104_n.jpg?_nc_cat=107&oh=2649a960cdecde2211e2133cb0640b8f&oe=5C180ECA)



NHỮNG NGƯỜI CON LIỆT SỸ

Đồng hành với nhóm tìm kiếm từ những buổi đầu là hai người bạn, hai "Việt kiều yêu nước" từ phương trời Ukraina: Hai Anh Nguyen và Anh Quan Nguyen. Họ không một phút nào không tin tưởng vào kết quả khả quan, và chính họ đã liên hệ, động viên tư tưởng và thuyết phục gia đình phi công Poyarkov rằng mọi việc đang tiến triển, hãy chờ thêm một chút nữa thôi...Và ngày hôm nay lần đầu tiên gia đình được nghe nói về đại úy Yuri Poyarkov ở Việt Nam!

(Chút chuyện vui lạc đề: từ hôm qua cả gia đình rất hồi hộp pha chút lo lắng, rằng không tin tưởng vào việc Tùy viên quân sự Đại sứ quán lại chịu tiếp họ vào ngày nghỉ (còn ngày thường họ lại bận!). Nhỡ ĐSQ bắt cóc hay có mưu đồ gì khác thì sao... Chúng tôi phải thuyết phục mãi rằng cả hai người bạn Việt Nam này đều là cán bộ ngoại giao đấy, và cả hai đều là con liệt sỹ, những người cha anh dũng của họ đều hy sinh trên chiến trường vào khoảng thời gian 6x-7x đấy, không tin cứ hỏi về câu chuyện của chính các anh ấy! Khi đó gia đình Poyarkov mới tạm yên tâm... Còn hôm nay có lẽ họ đã lấy được niềm tin tưởng hoàn toàn).

Cám ơn các bạn ở Ucraina, Quân và Hải Anh rất nhiều! Vẫn còn nhiều việc phải xắn tay lên...


Tiêu đề: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười, 2018, 07:49:26 am
Đề nghị bác phicôngtiêmkích mở tiếp phần 4 để anh em có chỗ đi lại!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 01 Tháng Mười, 2018, 10:02:25 pm
Rất buồn: Theo Báo mới … Trước hết, Viện Pháp y quân đội sẽ giám định bước đầu, nếu đúng là các di vật tìm thấy có cấu trúc xương và các cấu trúc xương này đủ điều kiện để giám định ADN thì Viện sẽ tiếp nhận, đưa về Hà Nội để tiến hành các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, kết quả giám định bước đầu của Viện Pháp y quân đội thực hiện ngay tại trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên cho thấy, không có cấu trúc xương trong những di vật được tìm thấy, do đó, không đủ điều kiện để giám định các bước tiếp theo.
https://baomoi.com/khong-co-cau-truc-xuong-trong-di-vat-tim-thay-tren-dinh-tam-dao/c/27970601.epi?utm_source=iapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 02 Tháng Mười, 2018, 09:09:42 am
Tôi vẫn hy vọng sẽ lần tìm được dấu vết và những gì cần sẽ được đáp ứng. Mọi việc không nên vội vã. "Dục tốc bất đạt" mà. Chỉ buồn là trên mạng đưa nhiều thứ không chính xác vì người đưa tin trách nhiệm cũng không cao lắm nên lượng thông tin bị khúc xạ thành thử niềm tin dễ bị lung lay.
Việc VietTrung hỏi về 5 ngôi sao trên chiếc MiG-21 số hiệu 5121 thì tôi xin trả lời thế này. Chiếc MiG này Phạm Tuân đã từng bay và bắn hạ B-52, còn việc bắn hạ 4 chiếc khác thì cho tôi thời gian để tìm hiểu và trả lời sau. VnExpress nói chưa chính xác vì anh Đinh Tôn thời đó chỉ bay loại F-94, còn anh Vũ Đình Rạng vì chưa bắn rơi tại chỗ nên chưa được công nhận. Vì vậy, không thể nói 1 ngôi sao trên máy bay ấy là của anh Rạng. Những việc này không thể phát ngôn theo cảm tính được. Nó là chuyện hệ trọng gắn với lịch sử mà!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 02 Tháng Mười, 2018, 03:21:14 pm
Vâng anh PCTK. Báo chí bây giờ nhiều khi đưa tin mà ko kiểm chứng nguồn cẩn thận nên gây ra nhiều việc ko hay lắm.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Mười, 2018, 07:50:09 pm
Chiều hôm qua tôi có được dự cuộc gặp mặt các cựu phi công Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến với những trận không chiến từ 1966 cho đến năm 1972. Thành phần cuộc gặp này đa dạng hơn cuộc gặp năm 2016 bới có cả phi công lái máy bay F-105, F-104 và B-52. Cũng sau 46 năm, tôi và anh Lương Thế Phúc mới được gặp lại đối thủ của mình trong trận không chiến ngày 12-8-1972. Đối thủ hồi ấy là Đại úy thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Lawrence G. Richard (sinh năm 1944), còn Thiếu tá Michael J. Ethel thuộc lực lượng Hải quân Mỹ thì về sau này đã chết trong vụ tai nạn bay huấn luyện, khi máy bay bị cháy, nổ nên không thoát ra được. Chúng tôi ngồi trao đổi với nhau về trận không chiến ngày hôm ấy. Nó không khác gì nội dung tôi viết trong cuốn tự truyện "Tôi từng là phi công tiêm kích". Chỉ có điều chi tiết hơn vì họ bay biên đội 4 chiếc hàng ngang với dãn cách khoảng 3 km. Đúng là chúng tôi chỉ phát hiện được 2 chiếc phía bên kia vì chúng phóng tên lửa đối đầu. Biên đội của Richard thì chúng tôi không phát hiện được. Khi quyết định vòng trái để đánh biên đội kia, vô hình chung chúng tôi đã giơ lưng cho biên đội của Richard. Richard bắn quả tên lửa điều khiển thứ nhất không trúng, nhưng đến quả thứ 2 thì trúng phần đuôi của máy bay tôi. Vậy mà đã từng ấy năm trôi qua. Richard đã có 2 con trai, 1 con gái, 5 đứa cháu ngoại và 4 đứa cháu nội. Tôi nói : "Hãy cố có 5 cháu nội để cho chẵn chục và để cân bằng trai gái". Richard cười có vẻ vui.
Trong chiều hôm ấy, sự lắng nghe chú ý vào viên phi công lái phụ chiếc máy bay B-52 là Dave R. Volker khi bị anh Vũ Đình Rạng bắn vào đêm 20-11-1971. R. Volker kể lại quá trình chuyến bay bị MiG bắn và kết một câu với anh Vũ Đình Rạng là : "Tôi và tổ bay của tôi nợ ông bằng mạng sống của mình. Hôm ấy mà ông tiêu diệt máy bay của tôi thì còn gì để mà nói nữa. Cám ơn ông!". Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ nhiều và có lẽ, trong hội trường cũng nhiều người phải suy nghĩ. Volker đã vẽ bức tranh mô phỏng hình chiếc B-52 và MiG bắn tên lửa thế nào. Phía sau bức tranh là ảnh của tổ bay B-52 hôm đó.
Tôi cũng đã tặng quà cho Richard và tặng sách cho R. Cunningham - một Acer của Hải quân Mỹ, người từng tham gia trận không chiến vào ngày 10-5-1972 và cũng nhận được sách của ông ta tặng lại. Các đoàn, các thành viên trao tặng quà cho nhau và ngồi hàn huyên. Có lẽ trên thế giới này chưa ai làm được, tổ chức được cuộc gặp gỡ giữa các đối thủ trên trời sau chiến tranh lại ngồi lại dưới mặt đất như thế này. Phải cảm ơn ban tổ chức, nhất là cá nhân anh NGuyễn Đức Soát, Nguyễn Sỹ Hưng và các anh khác trong Ban liên lạc bởi sự cố gắng hết mình của các anh ấy trong chuyện chắp nối và soạn thảo nội dung giao lưu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 04 Tháng Mười, 2018, 10:49:45 pm
Anh Vũ Đình Rạng và Dave R. Volker


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 04 Tháng Mười, 2018, 11:20:36 pm
Off mini 10-2018. Anh Vũ Đình Rạng ngồi thứ 5 từ trái qua phải :

(https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/43106276_314733152589905_1140555052516114432_n.jpg?_nc_cat=102&oh=30ea0e2df6daa458ee8e71b28b471161&oe=5C1E5F74)
    


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 06 Tháng Mười, 2018, 05:26:01 pm
Tuyệt lắm các anh phi công. Trước hết em xin chúc mừng tầng cao mới ngôi nhà phicongtiemkich. Rất xúc động cuộc gặp mặt của đối thù một thời là vô cùng hiếm hoi. Đây cũng được coi như là một mốc lịch sử có một của các anh lính nhà trời. Hy vọng có một ngày nào đó các anh lính bay Việt Nam lại có mặt tại Hoa Kỳ. Chúc mừng các anh nhiều. Giangtvx và Phai Phai lúc nào cũng được may mắn.  Anh phicongtiemkich trông ngày phong độ thêm.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 07 Tháng Mười, 2018, 05:38:51 pm
Tượng đài KQND Viet nam tại Sóc sơn.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 08 Tháng Mười, 2018, 08:13:15 pm
Cám ơn Xuanv338 và VietTrung!. Đúng là cuộc gặp giữa các đối thủ một thời thật hiếm hoi. Ngay trên thế giới, qua mấy cuộc chiến tranh nhưng cũng chưa đâu liên hệ, chắp nối và tổ chức được những cuộc gặp như thế này. Đây là lần gặp mặt lần thứ 3 (lần 1 vào năm 2016 tại Việt Nam, lần 2 vào năm 2017 tại Mỹ và lần 3 này tại Việt Nam). Phải trân trọng cám ơn những anh em trong Ban tổ chức, đặc biệt là anh Nguyễn Đức Soát và anh Nguyễn Sỹ Hưng. Không có các anh ấy, chắc chắn không bao giờ có được những lần giao lưu như vậy. Cũng như không có trang VMH thì tôi không thể kết nối và gặp gỡ được Xuanv338, TranPhu, Giang tvx, PhaPhai, VietTrung,ptLinh v.v...Công lao lớn ấy cũng thuộc về Dongadoan cùng những anh em quản lý, tổ chức trang mạng chứ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 10 Tháng Mười, 2018, 06:27:46 pm
Anh phicongtiemkich nói gì cũng chí lý, chí tình. Đúng là như vậy. Những cuộc gặp gỡ quý  phải có người khởi sướng, tổ chức.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 12 Tháng Mười, 2018, 09:03:32 pm
Cám ơn Xuanv338 đã chia sẻ!
Tuần trước, Phó phòng quân nhu của Quân chủng PK-KQ có mang đến cho anh Trần Văn Năm và tôi xem chiếc đế giày tìm được trong vụ 30-4-1971 trên đỉnh Tam Đảo. Tôi và anh Năm nhận ra đúng là loại đế giày mà thời đó chúng tôi thường mang đi bay. Nó được đóng đinh quanh đế, chẳng lẫn vào đâu. Riêng loại giày cho bay biển thì đế liền và cạnh mắt cá chân có hai miếng lưới cao su tạo độ co giãn để khi tiếp nước chỉ cần giật một cái là giày tuột khỏi chân, giúp cho bơi lội được dễ dàng. Tôi cũng nhận được dăm ý kiến cho rằng khi tìm được hài cốt, không nên đem ra suối rửa vì nước suối sẽ làm hỏng cấu trúc xương, nhưng mấy ý kiến khác lại không đồng ý như thế. Tôi không rành về khoản này nên chỉ ngồi nghe tranh luận mà không dám bàn cãi gì. "Biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe!". Người xưa dạy vậy, nhưng chẳng lẽ cứ dựa cột để nghe rồi chẳng biết sai đúng ở đâu hay sao?.Tôi cứ băn khoăn suốt từ hôm đó tới giờ, các đồng đội ạ. Không biết có đồng đội nào có kinh nghiệm thì phổ biến cho tôi với. Xin được cám ơn trước!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 20 Tháng Mười, 2018, 09:34:52 am
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, xin được chúc các đồng đội nữ, các "nữ tướng" của các đồng đội nam cùng mọi gia đình luôn mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc và nhiều may mắn trong cuộc sống!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 20 Tháng Mười, 2018, 04:32:13 pm
xuanv338 xin chào anh chủ. EM xin thay mặt chị em phụ nữ trên diễn đàn nói lời cảm ơn anh phicongtiemkich, cảm ơn các anh đàn ông trên diễn đã nhã tâm chúc mừng chị em nhân ngày 20/10. Ngày của Phụ nữ Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 21 Tháng Mười, 2018, 09:33:47 pm
Vâng, việc quan tâm đến "nửa thế giới bên kia" chắc không chỉ tôi mà tất cả "đấng mày râu" phải làm, Xuanv338 ạ!
Tôi đang có ý định viết về lực lượng bay đêm, đánh đêm trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Trong biên chế của Không quân nhân dân Việt Nam, lực lượng bay đêm, đánh đêm thuộc loại ít hơn cả. Các trận đánh diễn ra về ban đêm cũng không nhiều. Hoạt động của họ thầm lặng giống như những chiến sĩ đặc công trên bầu trời đêm, nhưng với lực lượng mỏng như vậy, chiến công của họ lại không thầm lặng chút nào. Tính chung toàn lực lượng phi công bay đêm trên MiG-21 trong giai đoạn từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 12 năm 1972, có 16 phi công đã bắn rơi 29 máy bay Mỹ (gồm 12 chiếc F-4, 1 chiếc F-8, 4 chiếc F-105, 1 chiếc RB-66, 1 chiếc O-2A, 8 chiếc không người lái, 2 chiếc B-52) và bắn bị thương 1 chiếc B-52.
Đại đội 5 (sau này đổi phiên hiệu là Phi đội 5) bay đêm thuộc Trung đoàn Không quân 921 là nòng cốt của lực lượng bay đêm, đánh đêm. Tuy danh nghĩa là bay đêm, đánh đêm nhưng "họ hàng nhà Vạc" này vẫn tham gia trực ban chiến đấu ban ngày, vẫn xuất kích và tham dự những trận không chiến về ban ngày.
Trong điều kiện sân bay, đường băng bị máy bay Mỹ đánh phá liên tục, hố bom hố đạn dày chi chít, bom nổ chậm vẫn còn nằm rải rác ở khắp nơi... việc cất hạ cánh về ban ngày gặp khó khăn một thì về ban đêm gặp khó khăn gấp mười. Các phi công của Đại đội 5 đã vượt những trở ngại ấy, xuất kích chiến đấu trực tiếp bảo vệ giao thông vận tải trên tuyến đường 559, trong đó chủ yếu là tìm diệt B-52 của Mỹ.  Đặc biệt trong năm 1972, nhất là trong chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972, các phi công bay đêm đã xuất kích hàng chục lần đi đánh B-52 bảo vệ miền Bắc và thủ đô Hà Nội trong điều kiện thời tiết cực kỳ xấu và mọi sân bay của ta đều bị máy bay Mỹ đánh phá hỏng nặng nề. Những chuyến bay trong những ngày này là những chuyến bay cảm tử. Các phi công bay đêm đã thể hiện ý chí quyết thắng và lòng dũng cảm vô song cùng sự hy sinh quên mình vì chiến thắng chung. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại đội 5 và 7 phi công của lực lượng đánh đêm trên MiG-21 cũng đã vinh dự nhận được danh hiệu cao quý này. Nhiều phi công khác cũng đã được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương chiến công vì lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Đặc biệt, trong lực lượng bay đêm, đánh đêm có Phạm Tuân là phi công vũ trụ đầu tiên của nước ta và của chấu Á, cũng là người được phong danh hiệu 3 lần Anh hùng. Đấy là những thành tích không nhỏ của các phi công bay đêm Đại đội 5 đã đóng góp vào thắng lợi chung, vào trang sử vẻ vang, sáng chói của Quân chủng PK-KQ và của đất nước. Tuy vậy, việc hoạt động chiến đấu của lực lượng bay đêm ít được nhắc đến. Chính vậy mà tôi muốn khơi gợi lại những hoạt động ấy...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 25 Tháng Mười, 2018, 05:10:00 pm
E923, bay đêm


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Mười, 2018, 08:10:47 pm
Vâng! Cám ơn Viet Trung đã nhắc nhở, nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói riêng đến hoạt động của các phi công bay đêm, đánh đêm của MiG-21 trong thời kỳ chống chiến tranh bằng Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam mà thôi. Những lực lượng khác xin đề cập sau.
Trong biên niên sử của Không quân thế giới cho tới kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, hầu như rất ít nhắc đến những trận không chiến, đánh chặn về ban đêm. Chỉ đến giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ 2, khi loại máy bay Mexersmit-110 (Me-110) của phát xít Đức ra đời, được lắp đặt hệ thống ra-đa trên máy bay thì bấy giờ mới có một số chuyến đánh chặn về ban đêm mà thôi.
Với Không quân Việt Nam, nhắc đến đánh đêm, không chiến về ban đêm thì không thể không nhắc đến trận đánh đêm 15 rạng sáng ngày 16-2-1964 của hai phi công NGuyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước bay trên loại máy bay T-28 đã bắn rơi chiếc C-123K (chiếc máy bay vận tải loại nhỏ dùng để thả biệt kích).
Chiếc máy bay T-28 nguyên là của lực lượng Không quân Hoàng Gia Lào, do phi công Bun Khăm điều khiển đã bay sang phía Việt Nam đầu hàng, hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai vào trưa ngày 16-9-1963.
Quân chủng PK-KQ tiếp nhận chiếc máy bay này và giao cho lực lượng kỹ thuật của Quân chủng tìm hiểu tính năng và khôi phục nó để có thể sử dụng nó vào nhiệm vụ phục kích, chặn đánh các máy bay của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thường thả biệt kích xuống khu vực rừng núi Tây Bắc của ta trong giai đoạn ấy.
Hai phi công : Thượng úy Nguyễn Văn Ba và Trung úy Lê Tiến Phước đều là giáo viên trên loại máy bay Iak-18 của Trường Hàng không nhận nhiệm vụ nhanh chóng nắm vững kỹ thuật bay trên chiếc T-28 này. Công tác chuyển loại được tiến hành rất khẩn trương với cường độ cao, từ học lí thuyết đến thực hành các bài bay cơ bản và ứng dụng chiến đấu ban ngày xong là chuyển sang ban đêm ngay. Giai đoạn đầu, hai anh được phi công Bun KHăm của Lào hướng dẫn. Sau một thời gian bay huấn luyện, khi đã nắm vững được tính năng và điều khiển thành thạo chiếc T-28 thì phát sinh những khó khăn mới. Đó là một số linh kiện và lốp của chiếc T-28 này đã hết hạn sử dụng. May sao bấy giờ lại có một chiếc T-28 của Không quân Vương quốc Thái Lan hạ cánh ở phía Tây tỉnh Quảng Bình (không rõ lí do bỏ chạy sang Việt Nam hay bay hết dầu phải hạ cánh bắt buộc) rồi bỏ lại ở đó. Lực lượng kỹ thuật của Quân chủng đã vào Quảng Bình tháo hai động cơ, hai cánh và chở chiếc T-28 này về sân bay Bạch Mai, lấy các linh kiện còn tốt, lắp cho chiếc T-28 của KQ Hoàng gia Lào bấy giờ đã được đưa vào biên chế chiến đấu với số hiệu 963.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 30 Tháng Mười, 2018, 09:05:34 am
Tháng 1 năm 1964, chiếc T-28 mang số hiệu 963 được trang bị 2 khẩu súng 12,7 li với 200 viên đạn ãá đưa vào trực ban chiến đấu.
Lần xuất kích đầu tiên và những lần xuất kích sau đó, phi công ta không phát hiện được mục tiêu. Có lần phát hiện được mục tiêu nhưng không bám theo kịp, lại có lần tiếp cận tốt nhưng lại bắn không trúng. Vào giai đoạn này, Quân chủng chưa được trang bị ra-đa dẫn đường, chỉ có ra-đa cảnh giới nên việc dẫn dắt gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần tổ chức rút kinh nghiệm giữa tổ bay cùng các thành phần chỉ huy, dẫn đường... đã tìm ra được những bài học trong khâu tổ chức dẫn dắt thì tất cả đã sẵn sàng cho những chuyến xuất kích tiếp theo.
Đêm 15 tháng 2 năm 1964, vào lúc 23h30 phút, khi ra-đa vòng ngoài bắt được mục tiêu, Sở chỉ huy cho tổ bay vào cấp 1. Lúc 1h07 phút sáng ngày 16 tháng 2 năm 1964, Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước trên chiếc T-28 số hiệu 963 nhận lệnh cất cánh.
Đêm ấy là một đêm mờ ảo trong ánh sáng trăng thượng tuần. Phi công Lê Tiến Phước ngồi buồng lái sau tập trung giữ tốt những số liệu bay được dẫn dắt từ Sở chỉ huy. Phi công Nguyễn Văn Ba ngồi buồng lái trước tập trung quan sát. Khi đến cự li 500 mét, phi công Nguyễn Văn Ba phát hiện thấy hình chiếc vận tải C-123 với 2 động cơ đang bay ở phía trước. Anh ấn nút lên đạn, xin vào công kích và nhanh chóng đưa máy bay chiếm vị trí công kích. Anh ấn cò 2 loạt, bắn hết 163 viên đạn, đến loạt thứ ba thì súng bị tắc, nhưng 2 anh kịp thấy chiếc C-123 đã phụt lửa, tròng trành, nghiêng về phía bên trái rồi rơi xuống rất nhanh ở khu vực gần biên giới Việt - Lào. Sở chỉ huy lệnh cho các anh bay về hạ cánh.

Sau này, một tên biệt kích bị ta bắt đã khai : toàn bộ phi hành đoàn trên máy bay vận tải của Không lực Việt Nam Cộng hòa và toán biệt kích đều tử nạn.
Đây là chiến thắng đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí, sáng tạo, sử dụng máy bay T-28 của Mỹ tiêu diệt máy bay C-123 của Mỹ làm nhiệm vụ thả biệt kích vào ban đêm, mở đầu cho những chiến thắng liên tiếp về sau này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 05 Tháng Mười Một, 2018, 07:50:14 am
Gặp mặt kỷ niệm 80 năm thành lập trường KQ Krasnodar tại BT PK-KQ Hanoi sáng 4 Nov 2018.
Đoàn Mig-21 K3 chụp ảnh kỷ niệm. (Có anh Phạm Tuân cùng chụp)


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Mười Một, 2018, 09:00:41 pm
Cám ơn Viet Trung đã chuyển tải những hình ảnh quý báu của các cựu học viên trường KQ Krasnôđar. Chắc khó còn có dịp gặp lại được nhiều học viên nhiều thế hệ như vậy!.
 Tôi trở lại với chuyện bay đêm, đánh đêm.
 Sau chiến công của hai phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước, kế đến là đêm 3-2-1966, phi công Lâm Văn Lích bay trên loại máy bay MiG-17 đã bắn rơi 2 chiếc AD-6 trong đêm ấy.
MiG-17 là loại máy bay tiêm kích có tốc độ xấp xỉ âm thanh đầu tiên của Không quân Xô-viết, được sản xuất để thay thế cho loại máy bay MiG-15. Nó được đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 1952 và không kịp tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
MiG-17 có các phiên bản: MiG-17A, MiG-17F, MiG-17PF. Nó được trang bị 1 khẩu pháo 37 li và 2 khẩu 23 li.
MiG-17 PF là loại được lắp đặt ra-đa bắt mục tiêu trên không, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ đánh đêm. Nó cũng được lắp đặt hệ thống tăng lực, vì vậy, lực đẩy của động cơ tăng đáng kể, có thể cơ động và tăng tốc tốt hơn trong không chiến.
 Phi công Lâm Văn Lích trực ban chiến đấu vào đêm 3-2. Sau khi hệ thống ra-đa phát hiện được các máy bay AD-6 của Không quân Mỹ bay vào vùng trời Hòa Bình để đánh tuyến đường 15A đoạn Suối Rút - Quan Hóa và đường 21A đoạn Hòa Bình - Tân Lạc. Sở chỉ huy Quân chủng đã cho Lâm Văn Lích xuất kích chiến đấu.
 Chiếc MiG-17PF lăn ra đường băng, bật tăng lực, xé gió lao vút vào khoảng không tĩnh mịch của một đêm mùa Đông.
 Phi công Lâm Văn Lích được dẫn ra phía Hòa Bình, lên độ cao 3000 mét, rồi 4500 mét và vòng bám tốp máy bay Mỹ đang hoạt động ở khu vực Tân Lạc - Hòa Bình. Để tránh bị đối phương phát hiện, lúc này ra-đa trên máy bay chưa được lệnh mở. Vì không nhìn thấy nhau, tại vùng trời Tây Nam Tân Lạc, địch vòng đi vòng lại nên máy bay ta rơi vào thế đối đầu. Khi chúng bay đến phía Tây Bắc Tân Lạc, lại tiếp tục vòng đi vòng lại lần thứ hai thì máy bay ta đang từ thế ngang bằng trở thành xông lên trước. Sở chỉ huy cho anh Lâm Văn Lích vòng trái một vòng và đã lật ngược được tình thế, máy bay ta bám được vào sau tốp thứ nhất. Bay ngang khu vực Mộc Châu, phi công Lâm Văn Lích  bật ra-đa trên máy bay mình và phát hiện được ngay máy bay địch ở phía trước mình với cự li 8 km. Anh tăng tốc độ, bám sát đến cự li 800 mét, dự định khi đến cự li 400 mét sẽ nổ súng, nhưng bất ngờ, mục tiêu trên màn hình bỗng chao đảo và biến mất.
Phi công Lâm Văn Lích quyết định quan sát bằng mắt thường. Khi mắt vừa rời khỏi màn hình ra-đa, hướng ra bầu trời đêm thì anh thấy máy bay địch đen sì đang bay ngay sát phía trước, phía dưới cánh MiG-17 của anh một chút. Anh đưa máy bay của mình xuống thấp, giảm tốc độ và chiếm vị trí công kích. Một sự may mắn tình cờ xảy ra: các máy bay địch lúc ấy lại nháy đèn liên lạc với nhau. Bấy giờ anh mới biết phía trước mình có đến 2 chiếc máy bay địch. Anh bình tĩnh đưa máy ngắm vào giữa 2 đèn của cánh đuôi chiếc đang bay bên trái và xiết cò. Một luồng đạn dài lao thẳng vào máy bay đối phương. Liếc sang phải, anh thấy thằng bay bên phải đang tìm cách chạy trốn nhưng lại quên tắt đèn cánh. Anh áp theo, bám sát và nện một loạt đạn dài. Luồng đạn găm thẳng vào thằng địch. Anh được Sở chỉ huy dẫn về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
Đây là 2 chiếc AD-6 đầu tiên của Hải quân Mỹ bị MiG-17 bắn hạ trong trận không chiến ban đêm.
Đấy chính là những mốc lịch sử liên quan đến hoạt động đêm của Không quân nhân dân Việt Nam.
Khi đoàn bay MiG-21 khóa Ba của chúng tôi tốt nghiệp về nước vào cuối tháng 4 năm 1968 thì tình hình chiến sự đã có nhiều thay đổi.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 10 Tháng Mười Một, 2018, 02:49:37 pm
Ngay từ mồng Một Tết nguyên đán năm Mậu Thân, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã đồng loạt tấn công 7 thành phố lớn của miền Nam Việt Nam và cũng trong năm này, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, sau đó dưới sức ép của giới quân sự, quyết định này đã mở rộng ra thành từ vĩ tuyến 19 trở ra. Đến 31-10-1968 thì phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch oanh kích đường không lớn nhất trong lịch sử cận đại. Đó là "Chiến dịch Sấm Rền" (Rolling Thunder). Tổng chi phí cho chiến dịch là một con số khổng lồ nhưng hiệu quả thì thấp vô cùng. Bất chấp các đợt đánh phá hủy diệt, miền Bắc Việt Nam vẫn đứng vững, cách mạng miền Nam vẫn lớn mạnh... còn chính quyền Mỹ thì ngày càng sa lầy về chiến lược, không tìm ra lối thoát, mà báo chí phương Tây nói một cách văn vẻ là "không chút ánh sáng nào cuối đường hầm"
 Mỹ bắt buộc phải tiến hành một loạt các điều chỉnh về chiến thuật trong lúc thay đổi các nhân sự cấp cao trong bộ máy chiến tranh, sẵn sàng cho những bước leo thang chiến tranh mới.
 Trong bối cảnh ấy, vào cuối tháng 6-1968, Trung đoàn Không quân 921 có cuộc chấn chỉnh lại tổ chức. Lực lượng phi công bấy giờ được biên chế thánh 3 Đại đội bay: 2 Đại đội bay ngày là Đại đội 1 và Đại đội 3. Đại đội bay đêm là Đại đội 5 (sau này đổi phiên hiệu là Phi đội 5). Đại đội 5 ban đầu có Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính, Chính trị viên Phan Minh Thành, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Thành và 3 Trung đội bay với 14 phi công tiêm kích MiG-21.
Trung đội 1: Trung đội trưởng là Hoàng Biểu cùng với 3 Trung đội viên là Phạm Văn Mạo, Đặng Xây và Nguyễn Văn Quang.
 Trung đội 2: Trung đội trưởng là Nguyễn Văn Minh và 4 Trung đội viên là Trần Cung, Vũ Đình Rạng, Trần Thông Hào và Nguyễn Hồng Mỹ.
 Trung đội 3: Trung đội trưởng là Nguyễn Văn Thuận và 4 Trung đội viên là Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Cát A, Trần Ngọc Nhuận và Nguyễn Công Huy.
 Nhiệm vụ của Đại đội 5 làhuấn luyện bay đêm để tham gia trực ban chiến đấu ban đêm, đánh đêm là chủ yếu, tuy nhiên vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày cùng với các lực lượng của Đại đội 1 và 3.
Nếu nói về quy trình đào tạo phi công bay đêm thì có thể nói vắn tắt thế này: khi các phi công bay ngày đã nắm vững kỹ thuật bay, thành thạo bay các bài bay trong điều kiện thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp ban ngày rồi thì mới lựa chọn những phi công bay giỏi chuyển sang huấn luyện bay đêm. Nhưng quy trình ấy không phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Vậy là phải "đốt cháy giai đoạn" bằng cách chon lựa, đưa ngay một số phi công bay ngày chuyển sang bay đêm luôn, cho dù một số theo "tiêu chuẩn hàn lâm" chưa đạt cho lắm.
 Lợi dụng thời gian ném bom hạn chế của Mỹ,ta đã tích cực tổ chức các ban bay để nhanh chóng nâng cao trình độ cho các phi công trẻ mới về nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự dìu dắt và thừa hưởng kinh nghiệm của các lớp phi công đàn anh cộng với sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực của bản thân, các phi công của Đại đội 5 đã được rèn luyện, nâng cao tay nghề, tràn đầy quyết tâm sẵn sàng lao vào cuộc chiến.
Trong giai đoạn này, Liên-xô cũng viện trợ cho Không quân Việt Nam 36 chiếc máy bay loại MiG-21F-94 nên khí thế càng hăng hái. Trong số các phi công trẻ của Đại đội 5, sau này đã có nhiều người lập được chiến công trong chiến đấu và đã có những người được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Mười Một, 2018, 10:12:01 am
Xe máy hết xăng (hoặc hỏng hóc) có thể đẩy nhau (dù phạm luật) như thế này để chạy tiếp :

(http://www.baoquangninh.com.vn/dataimages/201405/original/images730599_IMG_0025.jpg)

Thế còn máy bay, lại nữa là 2 chiếc tiêm kích phản lực có thể bắt chước như thế, thí dụ như thế này được không (tranh vẽ minh họa) :

(https://milaviate.files.wordpress.com/2014/02/pardospush10001.jpg)

Bài báo (tiếng anh) https://tacairnet.com/2016/06/20/pardos-push/?fbclid=IwAR21rKhRTimKPes29wq_aoDkfU165SpMkFmIOkT3lN6b744WfFxrk4g8HTw.

Lược dịch (do Tuan Bim thực hiện) như sau :

Ngày 10-3-1967, trong khi không kích nhà máy gang thép Thái Nguyên, 2 chiếc F-4C thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 433, Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 (433 TFS, 8 TFW) của KQ Mỹ xuất phát từ căn cứ Ubon, Thái Lan bị trúng đạn cao xạ của VN và đều bị rò rỉ nhiên liệu. Chiếc F-4C số 63-7653 do đại úy Earl D. Aman và Robert W. Houghton lái nhanh chóng bị cạn nhiên liệu khi vẫn còn trên vùng trời miền Bắc. Phi công lái chiếc còn lại là đại úy Robert J. Pardo và trung úy Steven A. Wayne quyết định lái chiếc F-4C số 64-0839 để đẩy máy bay của đồng đội đi tiếp. Ban đầu Pardo định tì mũi máy bay vào khoang chứa dù hãm của Aman, sau đó là kê lưng đỡ vào bụng máy bay của Aman nhưng đều không thành công. Cuối cùng thì Pardo quyết định đẩy bằng cách tì mặt kính buồng lái của mình vào móc hãm chiếc F-4 kia.

Mặc dù thường xuyên bị trượt và máy bay của Pardo phải tắt động cơ bên trái bị cháy, 2 chiếc F-4 này đã lết được thêm khoảng 120-130km trong 20 phút, sau đó cả 2 tổ bay nhảy dù trong lãnh thổ Lào và được giải cứu.
Việc để mất máy bay đã gây ra tranh cãi trong các cấp chỉ huy KQ Mỹ về vấn đề thưởng phạt, cuối cùng thì đến năm 1989 cả 4 phi công trong sự kiện này dã được tặng huân chương Sao Bạc.


(https://milaviate.files.wordpress.com/2014/02/pardo-john-robert-captain-and-wayne-steve-first-lieutenant-after-waynes-100th-mission.jpg)
Đại úy John Robert “Bob” Pardo và Trung úy Stephen A. Wayne lái chiếc F-4C số 64-0839 đẩy máy bay của đồng đội đi tiếp

Video mô phỏng :

http://www.youtube.com/watch?v=-5J-WQFdWn0

Các bác phi công có ý kiến gì không ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 14 Tháng Mười Một, 2018, 02:38:39 pm
Thật ấn tượng!. Cái khó nó không bó cái khôn mà nó lại ló cái khôn. Giữa sống và chết thì nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến nảy ra bất chợt lắm.. Riêng cái trò "đẩy" máy bay này nếu không khéo thì máy bay bay sau "ăn" khí lưu của máy bay bay trước là cái chắc. Và lúc ấy thì chính người đẩy bị tắt động cơ. Rồi sự việc sau đó thế nào thì không ai biết trước được! Thiện tai! Thiện tai!...
Cám ơn Giangtvx đã cho biết chi tiết thật thú vị!. Chắc là sau những ngày du ngoạn trên Bà Nà Hil mới có được thông tin này?.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 20 Tháng Mười Một, 2018, 10:29:16 pm
Tôi trở lại với chuyện bay đêm. Giữa bay đêm và bay ngày có nhiều điều khác biệt mà ít ai biết đến. Thứ nhất là việc đồng hồ sinh học của các phi công bay đêm bị đảo lộn. Bình thường với mọi người thì ngày thức, đêm ngủ, nhưng với phi công bay đêm thì ngược lại. Lúc các phi công bay ngày xách mũ bay đi bay thì phi công bay đêm phải ngủ. Khi các phi công bay ngày trở về thì các phi công bay đêm lục tục xách mũ bay đi bay. Vậy là giống như cuộc giao ban giữa họ hàng nhà Cò với họ hàng nhà Vạc. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng vậy vì các phi công bay đêm vẫn phải có những ban bay ngày, vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày, vẫn lao vào các cuộc không chiến ban ngày, rồi lại trực ban chiến đấu ban đêm, đánh đêm. Sự xáo trộn ấy là sự mệt mỏi với đồng hồ sinh học. Không phải ai cũng quen một cách dễ dàng được.
Thứ đến là vấn đề về mắt. Câu chuyện này có lẽ để cho các bác sĩ nhãn khoa thuyết trình thì hay hơn, nhưng tôi cũng cứ xin phép "đá" qua một chút, xin các bác sĩ nhãn khoa đừng cho rằng tôi "dẫm chân lên chuyên môn"!.
 Võng mạc của mắt người có vô vàn tế bào nhạy sáng. Có 2 loại tế bào: tế bào hình que và tế bào hình nón. Tế bào hình que phân biệt độ sáng tối, trong khi tế bào hình nón ghi nhận màu sắc. Có 3 loại tế bào hình nón: 1 loại phản ứng các bước sóng cố định trong dải quang phổ từ 400 đến 500 nm, cho cảm giác màu xanh lam, 1 loại phản ứng với bước sóng từ 500 đến 600 nm cho cảm giác màu lục và loại phản ứng với bước sóng 600 đến 700 nm cho cảm giác màu đỏ. Như vậy, tế bào que cảm nhận ánh sáng mạnh hơn tế bào nón. Người ta tính, số lượng tế bào que trong mắt người là 20 triệu, tế bào nón là 7 triệu. Những thụ thể hình que xử lí những yếu tố về sắc độ như các trạng thái khác nhau của màu xám. Chúng là các thụ thể hoạt động chính để tạo nên tầm nhìn ban đêm khi ánh sáng yếu. Ngược lại, các thụ thể hình nón hoạt động với ánh sáng ban ngày và cảm nhận màu.
 Có tài liệu chỉ ra rằng mắt người có độ phân giải cỡ một máy ảnh 576 megapixel, có khả năng nhìn thấy những ngôi sao cách chúng ta ít nhất 28 nghìn tỉ km. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được các đối tượng trong Thiên Hà Andromeda cách Trái Đất 2,5 triệu năm ánh sáng.
 Vậy là, tự nhiên đã ưu ái ban cho loài người một thị lực không đến nỗi tồi. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng khổ nỗi, có những người lại mắc bệnh "quáng gà". Đấy là những người sinh hoạt bình thường vào ban ngày trong môi trường đủ ánh sáng. Khi chiều xuống hay về ban đêm thiếu ánh sáng thì mới trở nên chậm chạp, vụng về, hay vấp ngã và gây ra đổ vỡ như người hậu đậu. Phi công bay đêm rất sợ bị như vậy.
Việc chuẩn bị cho bay đêm cũng khác hoàn toàn so với bay ngày. Khi bay ngày có thể nhìn đây đó, thấy rõ địa hình địa vật, nhưng bay đêm thì không thể. Tất cả phụ thuộc vào đồng hồ, phải bay theo đồng hồ với chút ánh sáng màu đỏ hắt ra từ các bảng đồng hồ trong buồng lái. Từ việc ở máy, lăn ra đường băng để cất cánh tới khi về hạ cánh cũng khác hoàn toàn. Với bay ngày, khi cất cánh có thể nhấc bánh mũi theo đường chân trời, giữ hướng theo vật chuẩn trên đường băng, còn bay đêm thì phải theo đồng hồ chân trời, đồng hồ chỉ độ cao lên xuống và theo hàng đèn ở hai bên đường băng cùng đường chân trời giả.
 Điều khó khăn lớn nhất về mặt tâm lí có lẽ chính là sự cô đơn. Khi bay ngày có thể bay với đội hình 2 chiếc, 4 chiếc, 8 chiếc hoặc nhiều hơn nhưng bay đêm thì chỉ lủi thủi một thân một mình vì không thể bay biên đội như ban ngày được. Giả dụ có bay biên đội thì phải giữ theo ra-đa trên máy bay, chiếc nọ cách chiếc kia cũng đến vài ngàn mét. Chẳng còn nghĩa lí gì nữa. Một mình giữa trời đêm mông lung, mịt mùng là cả một thử thách lớn lao. Đấy là chưa kể đến có những hỏng hóc , những sự cố bất ngờ xảy ra...
 Lúc về hạ cánh, không thể lao xuống bằng mắt thường như bay ngày mà phải theo đồng hồ. Để giúp cho phi công xác định được khu vực kéo bằng, độ cao kéo bằng, khu vực tiếp đất... phải có 3 đèn chiếu đặt ở các vị trí khác nhau, cự li khác nhau bên lề đường băng. Phi công bay đêm phải đưa máy bay "rơi" vào vùng sáng chứ không được "chui" vào vùng sáng. Nếu "chui" vào vùng sáng thì sẽ bị lóa mắt và rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp sau đó. Vậy nên, đường xuống khi bay đêm bao giờ cũng phải cao hơn bay ngày. Cũng vì vậy, khi đang bay đêm lại chuyển ngay sang bay ngày là cả sự rèn luyện tạo thành thói quen cho những thao tác phù hợp. Các chỉ huy bay đêm phải là những phi công từng bay đêm. Không thể lấy phi công chỉ bay ngày sang chỉ huy đêm được. Ngược lại, chỉ huy bay đêm vẫn có thể chỉ huy bay ngày...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 26 Tháng Mười Một, 2018, 10:19:37 pm
Dù bay đêm gặp nhiều khó khăn, trắc trở hơn bay ngày, nhưng lắm khi có những cảnh tượng thật nên thơ mà các phi công bay ngày không thể nào bắt gặp được và có lẽ cũng không tưởng tượng ra được. Đó là những chuyến bay cất cánh vào đúng lúc trăng lên, nhất là vào những đêm trăng tròn. Mặt trăng thật dịu dàng, tròn như một chiếc đĩa ngọc khổng lồ, nhè nhẹ tỏa sáng - một thứ ánh sáng thật mềm mại, dịu êm... chuyển động thướt tha. Trong đêm trăng, bầu trời hệt như chiếc áo gấm khổng lồ được gắn ngàn vạn viên ngọc kim cương lấp lánh, nhấp nháy...
Trăng lên, bạn sẽ bắt gặp những tầng mây nguyên thủy ngàn vạn năm còn ngơ ngẩn giữa không trung và vạt mây mỏng manh, bay lơ lửng trong tầng không tựa như tấm khăn voan của ai đó đánh rơi giữa trời còn vấn vương mùi hương, chập chờn trong gió...
Dưới mặt đất, ánh trăng loang đến đâu, vạn vật sáng bừng lên đến đó tựa như được dát bạc. Từng mảng sáng, tối với những gam màu tương phản tạo nên bức tranh huyền ảo, thần diệu...
Trên mặt nước, ánh trăng như rắc bột kim loại quý lên đó làm cho mặt sông, mặt hồ, mặt biển ngời rực lên, làm tăng thêm độ rộng, độ sâu, độ mông mênh, mung lung... Các đợt sóng gợn lăn tăn như có ngàn vạn con rắn màu vàng, màu bạc đang đùa rỡn nhau trên mặt nước vậy...
Ngắm nhìn những cảnh ấy, không thể không thêm yêu quê hương đất nước. Trong lòng bỗng thấy ngân vang bản tình ca không lời. Làng xóm, quê hương, cỏ cây vạn vật của đất nước mình sao mà yêu mà quý, mà thân thương đến thế. Càng hận thù những kẻ muốn phá vỡ, tiêu hủy những tuyệt tác của thiên nhiên kia. Và thề quyết phải bảo vệ, quyết phải giữ gìn từng tấc đất, tấc trời, tấc biển, không thể để cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào xâm phạm, tàn phá nó được!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 30 Tháng Mười Một, 2018, 10:19:28 am
xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Cahof các anh em đang tham gia trang nhà. Lâu rồi hôm nay xuanv338 em mới lại dành được mấy phút ngồi nghe anh phicongtiemkich kể chuyện ngày không chiến ban đêm. Nghe chuyện lính nhà trời nó cứ vi vu như mình cũng đang bay giữa từng không? Nhặt chuyện của anh Phicongtiemkich chém gió lại với mấy anh cựu lính mặt đất, mấy anh cựu lính pháo binh nằm viện. Mẫy lão già nghe sương tai mà cứ khen hoài cô cán bộ Y tế sao giỏi nhớ, gỏi biết được về lĩnh vực của Không quân thế. Chắc cô cũng có người nhà làm Phi công. xuanv338 ngập ngừng nửa muốn nhận nửa lại không dám. Chỉ biết cảm ơn anh lính già của nhà trời mà kể chuyện như vẫn đang bày. xuanv338 chúc anh khỏe và dẻo dai mạch chuyện đánh nhau trên trời.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 02 Tháng Mười Hai, 2018, 03:24:17 pm
Cám ơn Xuanv338 giỏi nhớ chuyện lại giỏi động viên. hẹn khi nào sẽ về quê lúa uống rượu, nghe mấy anh em hàn huyên nhé!
Bây giờ, tôi kể tiếp. Các phi công bay đêm của Đại đội bay đêm tuy bay đêm trực đêm là chính nhưng vẫn tham gia trực ban chiến đấu ban ngày, tham gia những trận không chiến về ban ngày, nhất là trong chiến trường khu Bốn vào giai đoạn ném bom hạn chế.
Ngày 1-8-1968, sau khi thành lập Đại đội mấy ngày, biên đội 3 chiếc MiG-21 gồm Nguyễn Đăng Kính (Đại đội phó số 1), Phạm Văn Mạo (số 2) và Nguyễn Hồng Nhị (số 3). Đây là sử thử nghiệm đội hình sau khi phân tích các trận không chiến tại chiến trường Khu 4 và những đặc điểm của chiến trường xa căn cứ chính. Số 1 và số 2 trong biên đội sẽ làm các nhiệm cụ tấn công các máy bay cường kích, còn số 3 làm nhiệm vụ yểm trợ, chỉ huy biên đội tấn công tiếp cận mục tiêu. Số 3 là số bay tự do, không bị ràng buộc cứng nhắc trong biên đội, có thể bay cao hơn, bay thấp hơn và ở cự li có thể gần có thể xa biên đội. Nó cũng giống tựa như trung vệ "thòng" trong bóng đá vậy.
Sáng hôm 1-8, thời tiết xấu, mây thấp 200 - 300 mét. Tuy nhiên, đến hơn 10 giờ sáng thì thì đáy mây đã nâng cao, có thể xuất kích chiến đấu được. Lúc 12h34 phút,  biên đội vào cấp 1 và đến 12h37 phút thì biên đội được lệnh cất cánh chiến đấu bay vào khu vực Đô Lương. 12h46 phút, Sở chỉ huy dẫn biên đội vòng trái để tiếp cận mục tiêu đang bay ở phía Nam đường số 7. Số 1 hô: "Bật tăng lực!". Khi biên đội vòng trái, số 3 thông báo bên trái phía sau có 2 chiếc. Số 1 phát hiện mục tiêu sau khi số 3 thông báo, liền hô: "Vứt thùng dầu phụ!" đồng thời tăng độ nghiêng vòng gấp bám theo mục tiêu là biên đội 2 chiếc F-8. Tuy nhiên, bọn F-8 đã không muốn giao chiến, liền tăng tốc chạy thẳng ra biển. Số 1 bị mất mục tiêu và lúc này số 2 cũng mất đội nên Sở chỉ huy dẫn số 2 về sân bay Thọ Xuân hạ cánh.. Trong lúc số 1 đang vòng thì số 3 lại lên tiếng: "Bên phải có 2 chiếc đang vòng phải!". Số 1 ép độ nghiêng quan sát nhưng lại bị mất mục tiêu. Ngay lúc ấy lại thấy số 3 hô: "Nó đang vòng dưới bụng anh!". Số 1 lật úp máy bay kéo xuống nhưng địch đã bật tăng lực chay ra biển. Khi ấy, số 3 lại phát hiện được 1 tốp phía trước, bên dưới. Anh lao bám theo tốp này. Hai chiếc F-8 của tốp này đã thực hiện chiến thuật tách tốp để đối phó. Nhanh chóng nhận định tình hình, số 3 quyết định bám theo thằng đang vòng trái ra biển, cắt bán kính tiếp cận. Đến cự li bắn, anh phóng 1 quả tên lửa rồi thoát li ngay vì anh thấy một thằng F-8 khác đang bám phía sau anh ở cự li phát hỏa. Ngay lúc đó, anh thấy hệ thống tăng lực của máy bay mình bị hỏng. Anh đưa máy bay mình chui vào mây, khi ra khỏi mây, anh tiếp tục quần nhau với 1 thằng F-8 khác đang bám theo mình. Đến cự li phóng tên lửa, anh ấn nút phóng nhưng tên lửa không ra. Ngay lúc ấy, anh thấy 2 quả tên lửa địch đang lao đến, anh ép độ nghiêng cơ động, nhưng vì tốc độ nhỏ, không thể kéo với quá tải lớn được, 2 quả tên lửa kia nổ rất gần, máy bay của anh bị thương. Độ cao và tốc độ giảm rất nhanh, anh đành quyết định rời bỏ máy bay, nhảy dù ở khu vực lâm trường Thanh Chương, Nghệ An.
Trong trận này, số 3 đã bắn rơi 1 chiếc F-8, nhưng anh cũng phải nhảy dù vì máy bay bị thương nặng, không thể điều khiển được nữa.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 03 Tháng Mười Hai, 2018, 10:03:35 am
xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Chào các anh em bạn diễn đàn.  Cứ chịu khó nhặt những mG của anh phi công ghép lại thành chuyện mình, lúc rảnh ngồi chém gió lại đứt cả từng không? Hì.....Họ nghe lại bảo cái bà này nghe ở đâu mà lắm chuyện nhà trời. Lại phải cảm ơn nhiều nhiều và rất nhiều anh phicongtiemkich. Vâng! Sẽ có ngày đẹp trời mời các anh về đất lúa ạ. Em vẫn còn cái món rượu tự pha mà chưa truyền bí kíp được cho ai? Còn xuanv338 hôm nay đã học lén được một từ văn độc đáo . Có lẽ từ này chỉ có lính nhà trời mới có. Nhưng em phải rất bí mật. Em chúc anh khỏe , vui, hài hước và mọi may mắn.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Mười Hai, 2018, 02:36:59 pm
Cám ơn Xuanv338. Nghe tin anh Trần Phú đã trở ra Bắc rồi, mấy anh em tôi sẽ bàn định ngày đến thăm. Sẽ cố mời cả Dongadoan đi trong chuyến này và sẽ báo trước mấy ngày, Xuanv338 ạ!.
Trở lại chuyện của Đại đội bay đêm, đánh đêm. Tính trong vòng 2 tháng (từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8), Không quân ta gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện chiến đấu trong chiến trường khu Bốn có những nét đặc thù riêng. Không quân Mỹ hầu như đã làm chủ bầu trời và thường xuyên thay đổi chiến thuật. Hải quân Mỹ thì tích cực sử dụng loại máy bay F-8 - loại máy bay đối phó hữu hiệu nhất với MiG-21 vì có tính năng cơ động trên mặt bằng tốt, tốc độ nhỏ nên khả năng cơ động tốt trong khi đó lại được trang bị súng và tên lửa. Các phi công F-8 là các phi công có khả năng không chiến tốt nhất trong lực lượng Không quân Mỹ và khi không chiến luôn tìm cách đưa MiG-21 vào thế "đánh quần" để phát huy sở trường của F-8 là vòng mặt bằng mà không cho MiG-21 phát huy thế mạnh về tốc độ và độ cao.
Chiến trường khu Bốn còn là nơi đấu trí giữa các vị chỉ huy vì Không quân và Hải quân Mỹ đều được dẫn dắt và cũng là nơi rèn luyện cho đội ngũ phi công của cả hai phía.
Trước tình hình như vậy, Bộ tư lệnh Không quân đã quyết định sử dụng kết hợp cả 2 loại máy bay MiG-17 và MiG-21 (MiG-17 có ưu thế "đánh quần" với bọn F-8 và MiG-21 dùng ưu thế tốc độ, độ cao để đối phó với F-4). Sáng ngày 17-8, dự báo thời tiết sẽ tốt lên. Bộ tư lệnh KQ quyết định tổ chức trận đánh hiệp đồng giữa MiG-17 và MiG-21. 4 chiếc MiG-17 của Cao Thanh Tịnh, Đinh Trọng Lực, Nguyễn Văn Thọ, Lương Quốc Bảo cât cánh vào phía Tây Tân Kỳ và biên đội 2 chiếc MiG-21 của Đinh Tôn (Đại đội trưởng Đại đội 5), Nguyễn Văn Minh (Trung đội trưởng của Đại đội 5)  bay vào phía Tây Bắc Con Cuông. Khu chiến được chọn là khu Đô Lương - Yên Thành. Nhưng các máy bay Mỹ lại không lên khu chiến mà hoạt động ở khu Nam Đàn, Đức Thọ nên Sở chỉ huy cho các biên đội MiG quay về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân.
Buổi chiều, theo tin tình báo, sẽ có nhiều tốp máy bay địch hoạt động ngoài cửa biển khu vực Diễn Châu, Cửa Lò, Nghệ An. Vào lúc 15h56 phút, biên đội 2 chiếc MIG-21 của Đing Tôn, Nguyễn Văn Minh nhận lệnh xuất kích chiến đấu để đánh tốp tring sát đang bay vào. Khi phát hiện có MiG, tốp tring sát lập tức quay đầu bay ra biển. Đến 16h08 phút, Sở chỉ huy dẫn biên đội MiG vòng đánh biên đội 4 chiếc F-4 từ Cửa Sót bay vào. Biên đội MiG bật tăng lực, vứt thùng dầu phụ, lấy độ cao lên 5000 mét. Khi cơ động, Nguyễn Văn Minh phát hiện thấy phía sau có 4 chiếc F-4. Đấy là tốp F-4 làm nhiệm vụ yểm hộ tốp máy bay cường kích đi đánh phá ở phía Tây Bắc Vinh. Biên đội MiG-21 áp dụng chiến thuật tách tốp, vòng theo 2 hướng vòng lại đối đầu với bọn F-4. Thấy MiG sử dụng đúng bài của mình, các máy bay F-4 hoảng hốt tháo chạy. Có 1 chiếc F-4 đang ở phía sau Nguyễn Văn Minh nhưng lại sợ bị Đinh Tôn bám đuôi nên cải bằng ra, dúi cần lái giảm độ cao và cơ động hình chữ S để tháo chạy. Lợi dụng thời điểm đó, anh Minh lập tức giảm độ cao bám theo, tiếp cận đến cự li phát hỏa liền phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không lao vút ra, đâm thẳng vào mục tiêu. Thằng F-4 bốc cháy. Nguyễn Văn Minh kéo máy bay lấy độ cao thoát li.
Lúc này, anh Đinh Tôn thấy 3 chiếc tháo chạy về phía Cửa Lò, anh đuổi theo nhưng thấy cự li quá xa, anh quay lại giảm độ cao và về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân lúc 16h23 phút.
Khi thoát li đến gần Đô Lương, anh Nguyễn Văn Minh được thông báo có địch đuổi theo, anh liền bật tăng lực, lấy độ cao lên 10.000 mét thoát li khỏi khu chiến và về hạ cánh sau anh Đinh Tôn 2 phút ở sân bay Thọ Xuân.
Vậy là, trong trận ngày 17-8 này, biên đội của Đinh Tôn, NGuyễn Văn Minh đã hạ gục 1 F-4 bằng 1 quả tên lửa R-3S.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 11 Tháng Mười Hai, 2018, 08:32:31 am
Bước sang tháng 9, các phi công của Đại đội bay đêm vẫn vừa huấn luyện đêm vừa tham gia trực ban chiến đấu ban ngày và tham gia những trận không chiến ngày. Trận không chiến ngày 19-9-1968 diễn ra tại khu tam giác Đô Lương-Tân Kỳ-Yên Thành, Nghệ An. Thời tiết hôm ấy khá tốt. Hải quân Mỹ sử dụng 8 chiếc F-8 bay theo đội hình từng đôi kéo dài. Biên đội của Đại đội trưởng bay đêm Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng chuyển cấp chiến đấu, cất cánh lúc 9h31 phút. Đây là lần xuất kích đầu tiên của phi công trẻ Vũ Đình Rạng. Khi biên đội bay qua sân bay Anh Sơn thì bật tăng lực lấy độ cao từ 800 mét lên 4000 mét. Khi bay đến phía Tây Đô Lương, anh Đinh Tôn phát hiện được mục tiêu ở bên phải, phía trước, cự li 12 km ở thế đối đầu. Có vẻ mấy chiếc F-8 này chưa biết sự xuất hiện của MiG nên vẫn bay thẳng. Anh Đinh Tôn lệnh vứt thùng dầu phụ, lật úp máy bay xuống kéo bám vào chiếc F-8 bay số 4 nhưng sau đó anh lại quyết định bám theo thằng bay số 3 vì thấy nó bay ổn định hơn. Đến cự li phóng tên lửa, anh Đinh Tôn ấn nút phóng nhưng tên lửa không ra. Ngay khi ấy, anh phát hiện thấy có 2 quả tên lửa từ phía trước lao thẳng về phía biên đội anh. Anh chưa kịp hô cơ động thì máy bay của Vũ Đình Rạng đã trúng tên lửa địch. Vũ Đình Rạng thấy máy bay mình chấn động mạnh, nhìn ra sau thấy phía đuôi máy bay mình đang bốc cháy nên anh đành phải rời máy bay, nhảy dù.
Anh Đinh Tôn quyết bám theo thằng F-8 bay số 3. Thằng này đã phát hiện được nên cơ động rất gấp nhưng không thoát được. Đến cự li phóng, anh Đinh Tôn ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa bên phải lao thẳng về phía mục tiêu. Cũng ngay lúc ấy, anh Đinh Tôn phát hiện có 2 chiếc F-8 đang tiến sát phía sau nên nhanh chóng lượn vòng chiến đấu, lấy độ cao thoát li.
Trong trận này, ta không hạ được chiếc nào mà còn bị bắn rơi 1 chiếc.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 12 Tháng Mười Hai, 2018, 08:41:14 am
Bước sang tháng 10, qua phân tích các tin tình báo, Bộ tư lệnh KQ nhận định Hải quân Mỹ sẽ tổ chức đánh sâu vào các mục tiêu trọng điểm giao thông trên địa bàn khu Bốn với các thủ đoạn, chiến thuật mới. Bộ tư lệnh đã quyết định sử dụng các biên đội nhỏ của MiG-17 và MiG-21 hiệp đồng tác chiến, bảo vệ các trọng điểm giao thông. Ý định dùng MiG-17 để đối phó với các loại máy bay F-8, A-6, A-7 và A-4, còn đối tượng tác chiến của MiG-21 là F-4. MiG-17 chủ yêu đánh vòng ngoài và làm nhiệm vụ nghi binh.
Ngày 26-10-1968, nhiệm vụ trận đánh hiệp đồng với lực lượng MiG-17 này được giao cho biên đội MiG-21 của Nguyễn Đăng Kính (số 1) và Vũ Xuân Thiều (số 2).
8h09 phút, lực lượng MiG-17 và MiG-21 đều nhận lệnh chuyển cấp. 8h17 phút, biên đội của Nguyễn Đăng Kính, Vũ Xuân Thiều xuất kích bay ở độ cao thấp và sau đó biên đội MiG-17 cũng cất cánh chiến đấu.
Biên đội MiG-17 được Sở chỉ huy dẫn vào khu vực Bắc Tân Kỳ, Nghệ An nhưng do trời nhiều mây, không phát hiện được địch nên đã được dẫn thoát ly khỏi khu chiến về hạ cánh.
Trong khi đó, biên đội MiG-21 bay dọc theo đường 15 ở độ cao thấp đến khu vực Bắc Tân Kỳ thì  được Sở chỉ huy cho vòng trái và thông báo có tốp địch đang bay đến Nghĩa Đàn. Số 1 hô bật tăng lực, kéo lên độ cao 3000 mét. 8h28 phút, số 1 phát hiện được mục tiêu bên trái, phía trước với cự li 15 km. Khi tiếp cận đến cự li 2500 mét, chuẩn bị vào công kích thì biên đội F-4 phát hiện ra MiG liền tăng tốc, tháo chạy. Nguyễn Đăng Kính bám theo, bọn F-4 tách tốp cơ động. Nguyễn Đăng Kính bám chặt chiếc số 2 của biên đội F-4, đến cự li phóng, anh ấn nút phóng tên lửa và kéo máy bay thoát li. Khi ép độ nghiêng phải, anh phát hiện thấy thằng số 1 của bọn F-4 nên tiếp tục đuổi theo, chỉnh điểm ngắm và bắn tiếp quả tên lửa thứ hai rồi thoát li về hướng Đô Lương.
Trong quá trình cơ động, số 2 Vũ Xuân Thiều đã bị mất đội. Đây là trận xuất kích đầu tiên của Vũ Xuân Thiều. Với các phi công trẻ, lần đầu tiên xáp trận với những cơ động mạnh và liên tục, cộng với thời tiết nhiều mây và tầm nhìn hạn chế thì việc mất đội là chuyện bình thường.
Cả hai đều được dẫn về sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa hạ cánh an toàn.
Trong trận này, phi công Đại đội phó Đại đội bay đêm Nguyễn Đăng Kính đã bắn hạ 1 chiếc F-4.
Trận này cũng là trận kết thúc chiến dịch đánh tại khu Bốn.
Kết thúc chiến dịch đưa MiG vào khu Bốn. Không quân nhân dân Việt Nam đã tổ chức 20 trận đánh, bắn rơi 11 máy bay của Hải quân Mỹ. Không quân ta bị rơi 7 chiếc, trong đó có 2 chiếc bị tên lửa Hải đối không - Talos từ tàu chiến bắn trúng.
Đến ngày 31 tháng 10 năm 1968, Tổng thống Mỹ L.Johnson buộc phải tuyên bố kết thúc chiến dịch Sấm Rền.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 16 Tháng Mười Hai, 2018, 09:54:16 pm
Thật ấn tượng!. Cái khó nó không bó cái khôn mà nó lại ló cái khôn. Giữa sống và chết thì nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến nảy ra bất chợt lắm.. Riêng cái trò "đẩy" máy bay này nếu không khéo thì máy bay bay sau "ăn" khí lưu của máy bay bay trước là cái chắc. Và lúc ấy thì chính người đẩy bị tắt động cơ. Rồi sự việc sau đó thế nào thì không ai biết trước được! Thiện tai! Thiện tai!...

Vâng, đúng là kỳ tích. Có lẽ còn đặc sắc hơn cả vụ bác Lanh hạ cánh khi hết dầu. Thế mới "họ" cũng chẳng kém gì ta. Riêng luồng khí lưu của máy bay được đẩy là không có (vì hết dầu nên động cơ nó tắt rồi) nên sao cả bác ạ!

Tuy vậy rất nhiều ý kiến cho rằng không thể xảy ra chuyện đó. Riêng em, em thấy có 2 điểm cần xác minh :

1/. Máy bay của Hải quân Mỹ đwowcj trang bị móc hãm để hạ cánh trên tàu sân bay.  Chiếc F-4 được đẩy (thuộc Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8 (433 TFS, 8 TFW)) của Không quân Mỹ hạ cánh ở sân bay đất có được trang bị cần móc hãm không ?

2/ Giả sử có móc hãm, vậy kính buồng lái (hoặc vỏ máy bay) có đủ bền để tỳ và đẩy máy bay bay trước hay không hay là nó sẽ chọc thủng kính, vỏ máy bay ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Mười Hai, 2018, 08:09:23 am
Những điều Giangtvx thắc mắc là hoàn toàn có cơ sở. Nếu máy bay bị tắt động cơ thì sẽ không có "khí lưu", nhưng nó cũng không thể bay được, nó sẽ rơi như một cục sắt. Đương nhiên là khi có độ cao thì sẽ chuyển từ thế năng thành động năng, tức là nó sẽ có tốc độ khi mất độ cao. Còn việc mất nhiều hay ít để tạo được tốc độ cân bằng cho máy bay và còn điều khiển được nó thì tùy thuộc vào tính năng từng loại máy bay. Tôi biết, các máy bay của Hải quân Mỹ, để cất hạ cánh trên tàu sân bay đều phải có những trang thiết bị riêng, ví như tên lửa phụ dùng cho cất cánh giúp cho tốc độ trên đường chạy đà nhanh hơn, tách đất sớm hơn và móc hãm khi hạ cánh giúp cho việc xả đà ngắn hơn, an toàn hơn. Các máy bay của KQ thì lại không có cái đó. Việc tì vào nhau với lực thế nào thì phải phân tích thật kỹ lưỡng, nhưng nếu tốc độ của hai bên tương đương thì lực đè không đáng kể. Cái câu chuyện hy hữu này cũng đáng tranh luận lắm. Huyphongssi lâu nay "kín tiếng" quá. Nếu còn theo dõi trang này thì Huyphongssi lên tiếng đi!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: mig21q trong 18 Tháng Mười Hai, 2018, 02:50:35 pm
Chào các bác ạ.
Em xin gửi các bác thông tin thêm về vụ này từ bác baoleo ạ.
https://www.otofun.net/threads/nhung-hoi-uc-cua-mot-linh-hai-quan.682923/page-53#post-43831860

P/S: Xin lỗi bác baoleo vì em chưa xin phép ạ, hì hì. ;D ;D


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 20 Tháng Mười Hai, 2018, 02:14:21 pm
Cám ơn mig21q!. Cám ơn baoleo đã cung cấp cho những thông tin bổ ích và lí thú!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 01 Tháng Giêng, 2019, 09:26:05 am
Chúc các đồng đội sang năm 2019 luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc, gia đình an khang và nhiều may mắn!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: tranphu341 trong 15 Tháng Giêng, 2019, 03:42:39 pm

      Chào Đại Tá Phi Công!!! Chào các bạn!!!

      Rất vui vì anh đã tặng sách cho 3 anh em tôi. "Qua Miền Tây Bắc" cái tên như lời bài ca rất nổi tiếng xưa. Xin trân trọng và cảm ơn anh nhiều. Tiếc là kế hoạch năm nay chưa thực hiện được. Nhưng đời để NỢ nhau tý vui hơn hi hi...

      Tôi mới viết bài cảm ơn và giới thiệu về anh trên Facebook đây. Gửi anh nhé!

       Chào các bạn!

       Vâng tôi đang nghĩ đang nghĩ tới 2 người bạn tôi đúng ra là hai người anh hay hai thủ trưởng của tôi. Vì các anh nay cũng đã U80 cả rồi. Cả hai đều mang quân hàm Đại tá.

       Một Đại Tá lính nhà Trời. Anh là Phi công máy bay chiến đấu Mic 21 đã từng lập chiến công bắn rơi máy bay địch không phải 1 chiếc mà là 2 lần không chiến như vậy.

       Một Anh là người lính bộ binh thực thụ. Từ người lính anh trưởng thành lên là Sư đoàn trưởng một Sư đoàn bộ binh tinh nhuệ rồi Phó Tư lệnh Quân đoàn Cửu Long.

       Các anh chỉ được mang quân hàm Đại Tá. Nhưng điều tôi nói đây là hai người Đại tá VĂN VÕ SONG TOÀN. Những năm sau cuộc chiến hai anh đều viết sách không phải như mấy ông nào đó chỉ kể lại chỗ nọ chỗ kia rồi chuyên viên rồi trợ lý nhà văn nhà báo chấp bút lại thành sách. Mà hai anh viết, viết thực sự rất nhiều tác phẩm về cuộc chiến các anh đã từng tham gia các bạn anh đã từng tham gia hồi ức và tiểu thuyết. Gần như một năm các anh xuất bản mấy tập sách rất giá trị góp phần không nhỏ cho nền văn học nước nhà và làm sống lại những năm tháng oai hùng của Đất Nước của Dân Tộc.

       Trong tôi thì vẫn nghĩ đúng ra hai anh phải có hàm Cấp Tướng với đúng. Vì cái tài VĂN VÕ SONG TOÀN của các anh và cao hơn hết là cái chất lính vẫn tình cảm vẫn như ngày nào nhiệt tình sôi nổi thân thiện được mọi người nể trọng. Quân đội ta cần có những người Tướng như vậy!!!
Đó là Đại Tá : Nguyễn Hồng mà trên trang này có tên là Hồng Nguyễn
Đó là Đại Tá: Phi công Nguyễn công Huy.
Xin được dùng những lời đẹp nhất để ngợi ca hai đồng đội hai Đại tá hai người anh của tôi.

Tác phẩm: "Qua miền Tây Bắc" anh Nguyễn Công Huy gửi tặng.



Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 17 Tháng Giêng, 2019, 05:58:17 pm
xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Chào nhà văn Tranphu341, chào các anh em đang tham gia trang. Lâu rồi hôm nay em lại trở về với làng cũ thân yêu. Ngôi nhà của lính nhà trời vẫn đông vui và ấm áp. Hôm nay, không gian Thái Bình đang rất lạnh mà xuanv338 lại thấy có những giọt mồ hôi lăn. Lạ quá. Mình đang rất khỏe, không ốm đau gì. Ồ! Là mình đọc chuyện hay mà đã thiếp đi trong giấc ngủ ban trưa, cơn mộng mị cho mình thấy con đường dốc núi cheo leo, có con suối chảy, có rừng hoa Ban trắng trái mùa, có những áng thơ bồng bềnh trôi làm ấm mùa Đông, lại còn thấy dáng anh phicongtiemkich dẫn đường đi lên phía núi.  Giật mình. trên tay đang cầm và đọc dở cuốn" QUA MIỀN TÂY BẮC" Của nhà Văn Nguyễn Công Huy. Cảm ơn tác giả đã cho người đọc hiểu sâu hơn về miền Tây Bắc. Có những vùng như Sa Pa, Điện Biên.....xuanv338 đã được tới, đã được đi qua mà chỉ biết mình đi, chưa hiểu sâu như thế. Còn nhiều cái tên vùng cao còn lạ hoắng đối với mình.

Chuyện hay, cách dẫn chuyện, anh như một phóng viên thực thụ của vùng cao đã làm người đọc thèm khát có  được nhiều đi thêm về miền Tây Bắc. xuanv338 Ấn tượng nhiều trong một đoạn văn của " Bình lặng Bắc Yên"  .....Chừng như xa chốn thị thành bao nhiêu............Vật chất càng thiếu thốn, cuộc sống càng gần gũi......Tôi không thấy sự bon chen, lừa lọc, ích kỷ, đố kỵ, .......Phải chẳng, giữa nơi núi rừng tĩnh lặng cũng làm cho họ sống một cách chậm rãi, sâu sắc, không hời hợt, không xô bồ, gấp gáp, chụp giật..........Một đoạn văn sâu sắc quá! Giá có một lần em được tới Bắc Yên. xuanv338 chúc anh khỏe và viết nhiều thêm chuyến đi về mọi miền Tổ Quốc.

hì...
Một năm bao cuộc hẹn hò.
Nhà hàng Châu Á vẫn chờ các anh.
Anh Phú nhắc hoài bạn văn.
Hẹn nhau lâu thế mà không thấy về.



Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 18 Tháng Giêng, 2019, 10:30:05 am
Sân bay Yên Bái chụp từ máy bay trinh sát Mỹ. Ảnh NET.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Giêng, 2019, 11:25:05 pm
Cám ơn anh Tran Phu. Cám ơn Xuanv338 và Viet Trung cùng các đồng đội đã có lời chúc và động viên tôi tiếp tục cầm bút, tiếp tục sáng tác. Khá nhiều lần sắp xếp, hẹn hò để trở lại miền quê lúa một dịp nữa mà cứ lỡ hẹn, thành thử tôi rất áy náy. Nhưng có lẽ như anh Phú nói, phải có chút "nợ" thì mới thêm nặng lòng. Chắc chắn thế nào cũng có ngày gặp mặt.
Tôi đang gấp gáp tìm và tập hợp nốt các tài liệu để hoàn thiện cuốn về các phi công bay đêm. Hy vọng sang 2019, cuốn này sẽ ra mắt bạn đọc. Xin chia sẻ một chút như vậy.
Từ nay đến Tết Kỷ Hợi chẳng còn dư dật thời gian nên tôi khá bận rộn, ít khi về "nhà" được. Các đồng đội thông cảm cho nhé!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 20 Tháng Giêng, 2019, 09:45:02 am
xuanv338 chúc mừng kế hoạch hoàn thành cuốn chuyện  hay trong năm 2019, anh phicongtiemkich. Mà em khen thật. Anh Huy viết xong một cuốn chuyện cứ như người làm xong một bài văn kể chuyện ấy. Nghe hai anh Công Huy - Trần Phú nói để nợ nhau một chút mới nặng lòng. Hì....đúng là hai nhà văn lính bầu trời và mặt đất. Lãng mạn quá!. Em đã nghe bài bài " Anh còn nợ em " Bài hát ấy hình như nó đặt vào nhiều tâm trạng của nhiều phái mày râu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Pham Khac Huy trong 23 Tháng Giêng, 2019, 09:51:40 am
xuanv338 chúc mừng kế hoạch hoàn thành cuốn chuyện  hay trong năm 2019, anh phicongtiemkich. Mà em khen thật. Anh Huy viết xong một cuốn chuyện cứ như người làm xong một bài văn kể chuyện ấy. Nghe hai anh Công Huy - Trần Phú nói để nợ nhau một chút mới nặng lòng. Hì....đúng là hai nhà văn lính bầu trời và mặt đất. Lãng mạn quá!. Em đã nghe bài bài " Anh còn nợ em " Bài hát ấy hình như nó đặt vào nhiều tâm trạng của nhiều phái mày râu.

Cháu mong chú Công Huy sẽ sớm hoàn thành cuốn sách này để cháu và đọc giả có thêm nhiều thông tin về những chiến công thầm lặng của các bác phi công bay đêm. Cháu tin cuốn sách này sẽ có nhiều thông tin quý mà đọc giả chưa biết.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Hai, 2019, 09:35:35 pm
Cám ơn Xuanv338 và Khắc Huy đã động viên. Cho dù vướng rất nhiều việc, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn tất cuốn này với tiêu đề : "Ký ức Đêm" để tri ân những phi công đã lặng lẽ hy sinh cho bầu trời đêm được yên bình và tạ ơn các phi công bay đêm hiện còn sống vì những chiến công và những hoạt động của họ ít được nhắc tới. Tôi mong muốn được các đồng đội ủng hộ và đóng góp cho tôi những tư liệu về Đại đội 5 (sau này là Phi đội 5) bay đêm ấy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Ba, 2019, 04:30:32 pm
Về cơ bản, tôi đã viết xong bản thảo, đang đưa trình một số anh thuộc Đại đội 5 bay đêm để các anh ấy duyệt, sửa chữa những gì chưa chuẩn, sau đó tôi sẽ hoàn thiện để tìm cách in ấn. Đã có ý kiến rằng: hãy lấy tiêu đề là "Ký ức trời đêm" cho không gian thu hẹp hơn, cụ thể hơn. Tôi thấy đấy cũng là điểm hay. Tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý để được hoàn chỉnh nhất có thể trước khi sách ra đời. Xin được kính cáo!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Tư, 2019, 08:18:07 am
Trận đánh khởi đầu cho những hoạt động đêm của Đại đội 5 có lẽ là trận đánh máy bay trinh sát - chỉ điểm OV-10 của Đại đội trưởng Đinh Tôn. Cho dù đấy là trận đánh vào lúc hoàng hôn, nhưng chính thời điểm ấy là thời điểm khó khăn nhất vì là thời điểm nhập nhoạng giữa ngày và đêm. Một số người bị quáng gà vào đúng thời điểm này và các phi công bay đêm cũng rất khó chịu khi phải bay trong cái cảnh "tranh tối tranh sáng" ấy.
Qua một thời gian dài nghiên cứu hoạt động của các loại máy bay Mỹ dọc theo đường hành lang, tình báo và các sĩ quan chỉ huy của các Sở chỉ huy tiền phương và cơ động, ta đã nắm được đặc điểm và quy luật hoạt động của các máy bay trinh sát và chỉ điểm OV-10 và O-2A. Các máy bay này có tốc độ bay chậm, tính năng cơ động nhanh, gây khó khăn cho các lực lượng Phòng không, đồng thời chỉ điểm rất hiệu quả cho máy bay cường kích của chúng đánh phá. Bộ tư lệnh KQ đã giao cho Trung đòn KQ 921 xây dựng phương án và tổ chức chặn đánh bọn OV-10 và O-2A này.
Vào lúc hoàng hôn ngày 13-4-1971, sau khi trạm ra-đa C-41 mở máy đã phát hiện 1 tốp bay ở độ cao 3.500 mét sau đó phát hiện thêm 1 tốp nữa bay ở độ cao 7.500 mét. Kíp trực trong Sở chỉ huy cùng các sĩ quan dẫn đường phân tích tình hình và quyết định đánh tốp thư nhất. 17h59 phút, Sở chỉ huy lệnh cho anh Đinh Tôn cất cánh, bay ở độ cao thấp lấy hướng về phía Anh Sơn-Hương Khê-Tân Ấp-Đường số 12. Vào lúc 18h08 phút, anh Đinh Tôn nhận lệnh lấy độ cao lên 3.500 mét. Lúc này, mặt trời đã lặn sau dãy núi phía xa, trời mù kho nên rất khó phát hiện mục tiêu. Sau một hồi vòng vèo theo lệnh Sở chỉ huy, anh Đinh Tôn  báo cáo phát hiện được mục tiêu đang bay ở độ cao thấp hơn mình. Anh quyết định giảm độ cao và tốc độ, bật ra-đa trên máy bay để quan sát nhưng sau đó bị mất mục tiêu. Anh quyết định quan sát bằng mắt thường và ngay đó anh đã phát hiện được mục tiêu. Anh điều chỉnh mọi số liệu và tiến hành bám sát mục tiêu đến cự li 1200 mét, giữ điểm ngắm chuẩn giữa 2 động cơ của thằng trinh sát và ấn nút phóng tên lửa, Sau khi quả tên lửa rời bệ phóng, anh Đinh Tôn kéo máy bay thoát li, thấy điểm nổ ngay dưới bụng chiếc máy bay trinh sát. Để chắc ăn, anh vòng lại, tiếp tục bắn quả thứ hai trong khi Sở chỉ huy giục phải thoát li khỏi khu chiến. Quả tên lửa thứ hai không đi nhưng anh quan sát thấy thằng trinh sát bay lảo đảo như người say rượu và giảm dần độ cao.
18h23 phút, khi ra-đa phát hiện có 1 tốp F-4 bay từ phía Tà Khẹt vào, Sở chỉ huy lệnh cho anh Đinh Tôn bật tăng lực lấy tốc độ nhanh chóng thoát li khỏi khu vực chiến đấu về hạ cánh tại sân bay Anh Sơn.
Theo nguồn thông tin của địa phương báo cáo, Quân chủng PK-KQ đã xác định và công nhận Đại đội trưởng Đại đội 5 bay đêm đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát có người lái trong trận này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Tư, 2019, 09:17:48 am
Giai đoạn dài trong năm 1971, các phi công của Đại đội 5 vừa làm nhiệm vụ góp phần bảo vệ tuyến đường chiến lược 559 khỏi sự oanh kích của bọn B-52 và C-130, vừa làm nhiệm vụ săn lùng, tìm diệt B-52 trên khu vực biên giới Việt-Lào. Tuy nhiên, mỗi khi phát hiện có MiG cất cánh, bọn chúng đều bay ra nên các phi công của Đại đội 5 chưa có điều kiện tiếp cận.
Phải thay đổi chiến thuật. Phải tìm các sân bay cơ động tránh bị phát hiện để tạo yếu tố bí mật bất ngờ. Bộ tư lệnh KQ quyết định thay đổi phương án, chọn Đại đội trưởng Đại đội 5 - phi công Đinh Tôn, một phi công bay giỏi, có thể cất cánh hạ cánh trên các sân bay ngắn hẹp trong mọi điều kiện thời tiết để thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 4-10-1971, anh Đinh Tôn nhận lệnh bí mật cất cánh từ sân bay Đa Phúc (nay là Nội Bài), bay trên độ cao 100 mét vào sân bay Anh Sơn hạ cánh, sau đó bay tiếp vào sân bay Đồng Hới khi trời đã nhá nhem tối. Sân bay Đồng Hới mấy ngày trước đó đã bị bọn KQ Mỹ đánh phá, tuy ta đã sửa chữa gấp để tiếp thu máy bay nhưng trên đường băng vẫn còn 3 quả bom chưa nổ. Mấy ngày đó trời lại mưa nên đường băng còn ẩm ướt. Việc cất hạ cánh vô cùng khó khăn. Sau khi hạ cánh xong, anh Đinh Tôn nhận lệnh vào trực ban chiến đấu ngay.
19h08 phút, khi đại đội ra-đa phát hiện được tốp B-52 bay vào khu vực cách biên giới hơn 200 km, có dấu hiệu sẽ đánh vào tuyến đường 12 và 20. Sở chỉ huy lệnh cho anh Đinh Tôn sẵn sàng cất cánh. 19h10 phút, lệnh xuất kích. Anh Đinh Tôn cất cánh, vượt qua những quả bom chờ nổ, cho máy bay mình tách đất và lấy độ cao lên 11.000 mét. Lúc này địch gây nhiễu quá mạnh nên trạm ra-đa không bắt được mục tiêu nữa. Sở chỉ huy dẫn anh Đinh Tôn theo phương pháp "dẫn mò". Anh Đinh Tôn vừa bay vừa tìm kiếm mục tiêu bằng mắt cùng với ra-đa trên máy bay. Một lát sau, anh phát hiện thấy ánh đèn màu nhấp nháy, đang bay đối đầu ở độ cao khoảng 9.000 mét. Anh lập tức lao xuống, nhưng khi máy bay anh vừa lượn xuống thì mất mục tiêu và ngay sau đó lũ F-4 bay hộ tống B-52 đã lao đến phía anh. Lượng dầu trên máy bay anh còn ít, Sở chỉ huy lệnh cho anh thoát li, quay về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân-Thanh Hóa.
Đây là lần đầu tiên MiG-21 đa tiếp cận tốp 3 chiếc B-52 đang đi ném bom ở vùng Hạ Lào.
Tuy anh Đinh Tôn chưa vào vùng bám sát, chưa phóng được tên lửa nhưng sự tiếp cận của MiG-21 với lũ B-52 đã làm cho bọn chúng cảm thấy bị đe dọa trực tiếp rồi. Nếu hôm đó, anh Đinh Tôn tiếp cận được gần hơn và các máy bay B-52 kia tắt đèn hàng hành chậm hơn thì khả năng chúng bị MiG bắn hạ là rất lớn.
Trân này cũng chính là trận tập dượt để tích lũy kinh nghiệm cho những trận đánh B-62 về sau này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 19 Tháng Tư, 2019, 02:55:47 pm
Lần xuất kích chiến đấu của anh Đinh Tôn đã gieo được niềm tin vào khả năng dẫn dắt được MiG-21 tiếp cận được B-52 và sẽ bắn hạ được B-52.
Suốt giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11, sau lần xuất kích của anh Tôn, sân bay Đồng Hới đã bị lộ và liên tục bị đánh phá. Cần phải lựa chọn sân bay có đủ các điều kiện bí mật cất giấu máy bay, bí mật cất cánh và cự li đến khu chiến không được quá xa. Đồng thời phải tổ chức việc chỉ huy bổ trợ, giúp cho máy bay ta có thể bay thấp vào khu chờ về ban đêm. Song song với đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ giữ bí mật liên lạc.
Sân bay Anh Sơn (với mật danh B-4) đã được chọn làm sân bay cơ động để đánh B-52.
Từ trận gặp đội hình B-52 của anh Đinh Tôn, Sở chỉ huy tiền phương đã nhận định rằng: phía Không quân Mỹ chắc chắn đã biết kế hoạch tiếp cận B-52 của MiG-21 và chắc chắn sẽ tìm biện pháp đối phó, như tăng cường lực lượng tiêm kích bảo vệ, tăng cường sử dụng các loại nhiễu, tăng cường cảnh giới sự xuất hiện của MiG v.v...
Về phía ta cũng tìm mọi cách để làm sao phải khử được nhieu, kết hợp giữa các trạm ra-đa để xác định chính xác tọa độ B-52, tìm mọi phương án tối ưu để tiếp cận và bắn rơi được B-52.
Các phi công bay đêm khi xuất kích phải bay thật thấp, không liên lạc với Sở chỉ huy suốt quãng đường dài chừng 120 km để giữ bí mật. Đây là thử thách rất lớn với đội ngũ phi công bay đêm. Chặng đường vào khu chiến phải bay lọt giữa hai dãy núi Đại Huệ và Trường Sơn với địa hình rừng núi phức tạp. Bay ngày với hành trình này đã khó khăn, căng thẳng rồi, huống hồ trong đêm tối, bay ở độ cao thấp, rất dễ mất an toàn, lại phải im lặng suốt chặng đường nữa thì đúng là đòn tâm lí quá lớn, đòi hỏi sự dũng cảm phi thường. Nhưng vì nhiệm vụ, các phi công bay đêm phải chấp nhận mạo hiểm.
Để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho trận đánh, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc được thay bằng mật ngữ số. Đồng thời, để đánh lạc hướng, "đánh lừa" hệ thống chỉ huy của Không quân Mỹ, Sở chỉ huy tiền phương (mang mật danh B8) sẽ sử dụng một chiếc MiG bay nghi binh, bộc lộ lực lượng sớm, tạo cơ sở cho bọn Mỹ tin rằng cũng như mọi khi, Không quân Việt Nam chỉ xuất kích một lần hoạt động ở chiến trường khu Bốn mà thôi.
Công tác chuẩn bị được các cấp kiểm tra tỉ mỉ cho tới lúc hoàn tất. Quyết tâm đánh B-52 đã được duyệt. Theo kế hoạch, hai chiếc MiG-21 của Trung đoàn Không quân 921 sẽ được sơ động vào khu Bốn - một chiếc đến sân bay Vinh và một chiếc đến sân bay Anh Sơn.
Ngày 19-11, máy bay An-2 đưa hai phi công Hoàng Biểu và Nguyễn Ngọc Thiên vào sân bay Vinh (mang mật danh B-2)  và Trần Cung cùng Vũ Đình Rạng vào sân bay Anh Sơn.
Ngày 20-11, hai phi công là Đặng Ngọc Ngự và Lương Thế Phúc chuyển 2 chiếc MiG-21 vào hai sân bay là Vinh và Anh Sơn.
Từ đêm 4-10-1971, sau chuyến bay của anh Đinh Tôn, đám B-52 chỉ dám hoạt động ở cự li xa, ngoài tầm với của MiG-21, nhưng chừng một tháng sau, khi thấy MiG không xuất kích, chúng lại bắt đầu trở lại hoạt động theo phương án cũ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 19 Tháng Tư, 2019, 03:20:04 pm
Qua thời gian nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay B-52 khi có MiG hoạt động ở khu vực "cổ chai" trong khu Bốn là: cứ có MiG hoạt động là các tốp B-52 đều bay ra khỏi khu vực đường 559 vào phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị sau chừng 10-20 phút lại tiếp tục bay vào đánh phá các tuyến đường giao thông của ta vì chúng phán đoán MiG đã bay ra bởi không đủ dầu liệu hoạt động lâu ở khu chiến. Khi đó, ta lên phương án: cho 1 chiếc cất cánh trước, nếu có điều kiện thì đánh ngay, bằng không thì vòng ở khu trực rồi quay ra để chừng 15 phút sau, chiếc thứ hai sẽ cất cánh đánh chính vào bọn B-52.
Cho tới thời điểm này, rất nhiều chủng loại máy bay của Không quân, Hải quân Mỹ đã bị Không quân ta bắn rơi, nhưng chưa hề có chiếc "pháo đài bay" nào bị bắn hạ cả. Chính vì vậy, việc tiêu diệt B-52 không chỉ mang ý nghĩa rất lớn về chiến thuật và chiến dịch quân sự mà còn mang ý nghĩa quan trọng về chính trị đối với toàn cục trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Đêm 20-11-1971, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình địch, các Sở chỉ huy đều nhận định thống nhất một điều là rất nhiều khả năng B-52 sẽ hoạt động đánh vào các tuyến đường 12 và 20 trong đêm nay.
Phi công Hoàng Biểu trực ban chiến đấu tại sân bay Vinh và phi công Vũ Đình Rạng trực ban chiến đấu trên sân bay Anh Sơn đều nhận lệnh sẵn sàng xuất kích đánh địch.
Vào lúc 20h, Tư lệnh Quân chủng thông báo cho Sở chỉ huy tiền phương (B-8) biết rằng: theo tin tình báo chiến lược, 20h45 phút, "pháo đài bay" sẽ hoạt động ở Bắc Sê-pôn 60 km.
Phó tư lệnh Trần Mạnh trực ở Sở chỉ huy tiền phương lập tức cho chuyển cấp và lệnh cho 3 trạm ra-đa (C-41, C-37 và  C-45) cùng mở máy theo dõi. Khi mở máy, Đại đội 41 (Đại đội sẽ dẫn chính) bị chập IKO nên vừa mở máy chiến đấu vừa  sửa chữa. Đến 20h25 phút, màn IKO điều chỉnh tốt. Tất cả đã sẵn sàng.
Phi công Vũ Đình Rạng trực ban chiến đấu trên sân bay Anh Sơn.
Sân bay Anh Sơn là sân bay ngắn hẹp, với cự li 1.800 mét chiều dài và 27 mét chiều rộng, có được trang bị đèn dạ hàng và đèn chiếu phục vụ cho bay đêm.
Vào lúc 20h30 phút, phi công Vũ Đình Rạng nhận lệnh chuyển cấp 1 và xuất kích chiến đấu lúc 20h40 phút.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 19 Tháng Tư, 2019, 07:18:30 pm
Ui! Lâu lắm rồi em không thể đăng nhập được vào diễn đàn. Cứ ngỡ không bao giờ có mặt trong làng M&H nữa. Hôm nay trên mạng fb. xuanv338 có đề nghị với Mod Bình Yên lý do tại sao? Mod trả lời em cũng chưa biết nữa để em hỏi Amin. Giờ vào cái được ngay. Đúng là Mod BY đã có can thiệp. Cảm ơn Mod Bình Yên.
 Vậy nên bây giờ em mới được vào du bay trên bầu trời phicongtiemkich.
Trước hết em xin được gửi lời chia buồn tới toàn gia quyến về việc mẹ qua đời. Ở xa, lại biết tin muộn nên anh em khu vực Thái Bình chỉ biết gửi lời chia sẻ với anh. Chúc anh chân cứng đá mềm, vượt qua nỗi đau mất mẹ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 21 Tháng Tư, 2019, 09:43:16 am
Cám ơn xuanv338 và các đồng đội như Giangtvx, Phaphai, Dongadoan, Thuycuc... đã đến chia buồn và gửi lời chia buồn tới gia đình tôi...Đúng là buồn, nhưng không ai ngăn được quy luật "Sinh, Lão, Bệnh, Tử" cả!
Tôi trở lại chuyện xảy ra vào đêm 20-11-1971.
Sau khi nhận lệnh vào cấp 1 lúc 20h30 phút, Vũ Đình Rạng đã xuất kích lúc 20h40 phút. Anh lặng lẽ bay đến khu vực Tân Ấp theo phương án đã chuẩn bị. Khi kíp dẫn đường ở Sở chỉ huy tiền phương xác định được vị trí tương quan giữa MiG và B-52, thấy rằng hoàn toàn đủ điều kiện để dẫn đánh bọn B-52 trước khi chúng bay đến đường 20 ném bom mục tiêu, bấy giờ mới nối liên lạc đối không với Vũ Đình Rạng. Lúc ấy là 20h49 phút.
Anh Vũ Đình Rạng nhận lệnh vòng gấp, bay về hướng 230 độ, tốc độ bay 900 km/h và lấy lên độ cao 3000 mét. Sau 3 phút, anh nhận lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ lên 950 km/h, bay theo hướng 160 độ. Sau đó, Sở chỉ huy thông báo mục tiêu phía trước 60 km và lệnh cho Vũ Đình Rạng bậtk tăng lực kéo lên độ cao 10.000 mét. Lúc 20h55 phút, Sở chỉ huy thông báo mục tiêu bên phải 30 độ, cự li 25 km, sau đó cho anh Rạng vòng trái, bay hướng 90 độ và khi đến cự li 15 km cách mục tiêu thì cho bật ra-đa trên máy bay.
Sau khi bật ra-đa trên máy bay, Vũ Đình Rạng lập tức phát hiện 3 mục tiêi bay theo đội hình bậc thang bên phải, ở cự li 11 km. Thời khắc khi Vũ Đình Rạng báo cáo phát hiện mục tiêu, cả Sở chỉ huy hồi hộp chờ đợi nghe tin qua đối không việc công kích và báo cáo chiến công của Vũ Đình Rạng. Tiếp cận đến cự li 8 km, Vũ Đình Rạng nhận lệnh tăng tốc độ đến M=1,3 (hơn 1400 km/h) và công kích chiếc thứ nhất. Từ Sở chỉ huy tiền phương, đồng chí Trần Hanh nhắc nhở :
- Bình tĩnh công kích!
- Nghe rõ! - Vũ Đình Rạng trả llời.
Vũ Đình Rạng ấn nút "bám sát", đưa mục tiêu vào giữa tầm ngắm và đến cự li 2,5 km, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái. Tên lửa rời khỏi bệ phóng, anh kéo máy bay sang bên phải thoát li với độ nghiêng lớn. Lúc này, anh lại phát hiện được 1 chiếc khác với ánh đèn đang nhấp nháy trên cánh. Kiểm tra trên ra-đa thấy báo cự li 3 km, anh quyết định tiếp tục công kích. Sau khi chỉnh hướng, anh ấn nút "bám sát" và thấy điểm ngắm đã ổn định, anh ấn nút phóng tiếp quả tên lửa thứ hai rồi thoát li về phía bên phải. Sở chỉ huy tiền phương dẫn anh về hạ cánh ở sân bay Anh Sơn. Anh tiếp đất an toàn lúc 21h15 phút. Dầu liệu còn 800 lít.
Từ lúc nghe Vũ Đình Rạng báo cáo phát hiện mục tiêu, tất cả mọi thành phần trong kíp trực ở Sở chỉ huy hôm đó đều trong tâm trạng  căng thẳng chờ câu : "Cháy rồi!" được phát ra. Nó cũng giống như khán giả trên sân vận động bóng đá nín thở theo dõi trận đấu khi đội nhà đứng sút phạt quả "pê-nan-ti" 11 mét, chuẩn bị nhảy dựng hết lên, hét vang : "Vào!". Nhưng, bóng lại không vào lưới!.
Những nhà bình luận bóng đá thường nói : "Giữa anh hùng và kẻ tội đồ chỉ cách nhau gang tấc!". Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng người đời vẫn cứ so sánh như thế.
Tuy chiếc B-52 này không rơi tại chỗ, nhưng nó đã bị thương, nó không thể về hạ cánh ở sân bay chính được mà phải lết về hạ ở Nakhon Phanom, Thái Lan và đội hình 3 chiếc của nõ cũng buộc phải từ bỏ đợt tấn công các mục tiêu mặt đất. Sau này, được biết, chiếc máy bay B-52 kia không thể hồi phục bay được nữa, phải phá hủy để "phi tang".
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, "pháo đài bay bất khả xâm phạm" đã bị MiG-21 công kích, bị trúng tên lửa không đối không.
Trận đánh này là bài học quý giá giúp cho các thành phần từ Sở chỉ huy các cấp đến các sĩ quan Sở chỉ huy, các phi công... tìm ra được phương án tiếp cận và bắn rơi tại chỗ B-52 về sau này.
Khi tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh tại sân bay Anh Sơn, Phó tư lệnh Trần Mạnh đã kết luận:
1. Trận đánh đêm 20-11 là một trận đánh lí tưởng về mặt tổ chức chỉ huy và đảm bảo mặt đất đã được rút kinh nghiệm ở Sở chỉ huy B-8.
2. Ta đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng và đã tạo được yếu tố bí mật bất ngờ cao làm cho địch không kịp đối phó trong vòng 30 phút xảy ra trận đánh.
3. Ra-đa dẫn đường C-41 phát hiện mục tiêu ta và địch tốt, đảm bảo dẫn đường liên tục và chính xác.
4. Thông tin liên lạc trên, dưới và các đài trạm thông suốt, giữ nghiêm mọi quy định, không lộ liễu.
5. Bảo đảm hậu cần mặt đất của sân bay Anh Sơn tốt trên tất cả các khâu. Không có gì sai sót lớn. Đã tạo điều kiện cho trận đánh thành công.
6. Người lái có nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị bay theo phương án. Giai đoạn đầu đã thực hiện đúng yêu cầu tự bay thấp một đoạn đường dài 120 km ban đêm tối trời, trên địa hình rừng núi phức tạp ở khu Bốn. Đường bay gần dãy núi Đại Huệ (Nghệ An) và dãy Trường Sơn (Hà Tĩnh). Nhờ chuẩn bị kỹ cho nên đã bay đúng đường bay và độ cao đã quy định trong phương án. Giai đoạn dẫn đường cho lên cao và tiếp địch đã chấp hành chính xác mọi khẩu lệnh chỉ huy từ Sở chỉ huy mặt đất. Sử dụng ra-đa trên máy bay và phóng quả tên lửa thứ nhất điều kiện tốt.
7. Kết luận: Quả tên lửa thứ nhất phóng trúng B-52.
                 Quả thứ hai không trúng vì có gia trọng tương đối lớn.
Mặc dù đã có kết luận về trận đánh như vậy, nhưng sau đêm 20-11-1971, cũng vì chưa đủ mọi nguồn thông tin cần thiết, một số người, trong đó có cả lãnh đạo, chỉ huy đã đặt câu hỏi lên đầu Vũ Đình Rạng. Chừng như họ nghi ngờ phi công Vũ Đình Rạng có tư tưởng dao động.
 Sự ngờ vực ấy đè nặng lên tâm lí Vũ Đình Rạng cho đến tận nhiều năm sau này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tư, 2019, 07:07:50 am
Khởi đông MiG 21:

http://www.youtube.com/watch?v=1XXFb6M3jr4

Xin hỏi:

1/ Ngày xưa bác Phicôngtiêmkick có thao tác giống thế không ?

2/ Với 1 loạt các thác tác như vậy, tà khi nhận lệnh cất cánh cho đến khi máy bay rời đường băng thì mất bao nhiêu lâu ? Với các thao tác khởi động như vậy có bao giờ người phi công bị nhầm không ? Nếu nhầm có ảnh hưởng gì đến quá trình cất cánh không ? Làm sao đảm bảo được các yêu cầu rất khẩn trương khi chiến đấu ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 22 Tháng Tư, 2019, 08:25:23 am
Việc khởi động máy bay MiG-21 trong thời gian chiến tranh chủ yếu là phi công phải tự làm, nhưng có trường hợp vì khẩn cấp nên thợ máy sẽ mở máy hộ trong lúc phi công phải gài các khóa dù và liên lạc đối không. Cũng có lần, thợ máy bật hộ các công tắc, còn phi công thao tác mở máy. Sau khi mở máy xong, việc bật các vị trí công tắc trong buồng lái cho chiến đấu thuộc về phi công. Thợ máy kiểm tra lần cuối các tham số động cơ thấy ổn rồi thì đóng nắp buống lái, gài chốt an toàn buồng lái, xuống thang và cất thang máy bay đi, lo việc cho phi công lăn ra cất cánh.
Những giai đoạn ấy, chúng tôi phấn đấu rút ngắn từng giây một (từ lúc báo động cấp 1 đến lúc cất cánh), nhất là thời kỳ chống "quân bành trướng phía Bắc" ở sân bay Kép vì cự li từ biên giới về sân bay rất gần. Nếu chúng bay với tốc độ 900 km/h thì 1 phút đã đi được 15 km rồi. Ta chậm phút nào là hỏng phút ấy, bom có thể rơi ngay khi ta đang đứng đợi cất cánh. Việc bố trí vị trí máy bay trực và phi công trực cũng phải hợp lí. Thường thì nghe báo động (qua điện thoại hữu tuyến và kẻng), cả phi công cùng thợ máy đều phải chạy hết tốc lực về các vị trí của mình. Phi công thì vừa chạy vừa úp mũ bay, vừa giao việc cho thợ máy. Các động tác từ trèo lên thang đến ngồi vào buồng lái cũng phải chuẩn... Nghĩa là càng nhanh càng tốt, nhưng không được quên sai. Đã có vài lần vì vội, phi công quên gài các khóa dù nên khi gặp trường hợp nhảy khẩn cấp trong không chiến đã hy sinh, vì dù một nơi còn người chẳng dính gì vào dùi cả, văng một nẻo. Hầu như chỉ một vài trường hợp thế thôi, còn chúng tôi hầu như trong suốt những tháng năm chiến tranh tuy thời gian gấp gáp vậy nhưng không để sai sót gì, cho dù từ lúc nhận lệnh cấp 1 đến khi cất cánh chỉ vài ba phút là cùng. Giangtvx hỏi nếu có sai sót thì thế nào à?. Thưa, cất cánh xong, còn phải lướt qua 1 lần nữa để kiểm tra tất cả trong buồng lái xem còn gì chưa ổn không, rồi mới tiếp tục theo lệnh dẫn từ SCH. Việc vừa mở máy xong, chúng tôi vừa lăn ra đường cất cánh vừa bật tiếp các công tắc còn lại cũng là chuyện bình thường thôi mà. Nói chung, mọi việc gần như được "tự động hóa" đến mức tối đa, ngay như đang ngủ, khua dậy hỏi ngay thứ tự các động tác phải làm thế nào thì cũng trả lời được luôn, không nghĩ ngợi vướng mắc chút gì...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 22 Tháng Tư, 2019, 08:45:28 am
Trở lại chuyện cũ.
47 năm sau trận đánh đêm 20-11, vào đầu tháng 10 năm 2018, nhờ tài năng tổ chức của các anh Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Sỹ Hưng..., các cựu phi công Mỹ và cựu phi công Việt Nam - những đối thủ từng chạm trán nhau trên trời trước đây, nay lại có dịp gặp nhau trên mặt đất.
Lần gặp này là lần gặp thứ 3 (lần đầu tiên  vào năm 2016 tại Việt Nam, lần thư 2 vào năm 2017 tại Mỹ và lần thứ 3 này tại Việt Nam).
Trong lần gặp thứ 3 này, số lượng và thành phần phi công Mỹ nhiều hơn, đa dạng hơn, có đến 15 cựu phi công Mỹ và có thêm các thành phần lái F-104, F-105, đặc biệt có cả cơ phó của chiếc B-52 bay trong đêm 20-11-1971.
Những cuộc gặp này đúng là những cuộc gặp mang tính lịch sử. Từ xưa tới giờ, qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều trận không chiến diễn ra nhưng chưa bao giờ có được cuộc gặp gỡ giữa các địch thủ như thế này. Chắc chắn các cựu phi công trong thế chiến thứ hai giữa Đức và Liên-xô, Đức và các nước đồng minh, rồi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh ở Ap-ga-ni-xtan... các đối thủ của nhau ở trên trời không hề gặp được nhau dưới mặt đất.
Trong lần này, cơ phó của chiếc B-52 đêm 20-11-1971 là Dave R. Volker đã có cơ hội tiếp xúc với Vũ Đình Rạng - người từng bắn mình trước đây. Sau đó, R.Volker còn được chương trình truyền hình  "Quốc hội Việt Nam" phỏng vấn. Volker đã nói rằng : "Tôi thực sự ấn tượng bởi lòng dũng cảm và kỹ năng chiến đấu của phi công Việt Nam. Tuy không có được những trang bị tốt, nhưng phi công Việt Nam vẫn làm được những điều trước đây chưa ai làm được. Phi công Việt Nam thực hiện mệnh lệnh thật tuyệt vời..."
Dave R.Volker cũng nói với Vũ Đình Rạng : "Tôi cám ơn ông vì ông đã cho tôi có cơ hội gặp ông. Ông là người đầu tiên trên thế giới đã tấn công được "pháo đài bay" của chúng tôi. Rất thú vị khi tôi còn sống sót. Tôi và cả tổ bay của tôi nợ ông bằng chính mạng sống của mình!. Một lần nữa xin được cám ơn ông!"...
Tôi và chắc chắn nhiều người khác nữa phải suy nghĩ về câu nói ấy!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 23 Tháng Tư, 2019, 09:26:27 am
Dave Volker đã trao tặng Vũ Đình Rạng bức họa đồ tả lại cảnh B-52 của Dave bị Vũ Đình Rạng bắn như thế nào. Qua Dave R.Volker mới biết được thêm một điều là sau đêm 20-11-1971, một tướng 2 sao đã bị kỷ luật vì đã không tìm cách bảo vệ được B-52, đã để cho MiG tấn công.
B-52 cũng đã phải lui về hoạt động ở phía Nam đường 9, mọi việc đánh phá phía Bắc đường 9 giao cho C-130 và F-4J đảm nhận một thời gian dài tới mấy tháng trời.
Cũng từ đó, mỗi phi vụ của B-52 đều được bảo vệ cẩn trọng: tăng cường từ hệ thống nhiễu các loại dày đặc đến các máy bay tiêm kích yểm hộ.
Khi chương trình truyền hình phỏng vấn Trung tướng Trần Hanh, phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ quốc phòng về trận đánh đêm 20-11-1971 ấy, Trung tướng Trần Hanh đã nói: "Đây là lần đầu tiên MiG-21 tiếp cận B-52 và khẳng định được rằng MiG-21 hoàn toàn có thể đánh được B-52. Qua trận này, tuy không bắn rơi tại chỗ nhưng đã rút ra được những kinh nghiệm dẫn dắt, tìm ra được cách đánh và chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này..."
Còn Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cựu dẫn đường của Không quân, người từng dẫn chính trong trận đêm 20-11-1971 phát biểu: "Trận đánh này có tác dụng rất lớn cho chiến dịch Quảng Trị, giúp cho việc vận chuyển vũ khí, khí tài, vận chuyển quân được thuận lợi, góp phần lớn vào chiến dịch. Các Đại đội ra-đa cũng đã rút ra được kinh nghiệm phát hiện B-52 trong mọi tình huống và với Không quân là bài học về phương pháp tiếp cận, sử dụng vũ khí. Phióa Mỹ sau trận này cũng đã có nhận định sai lầm: chỉ chăm chú đối phó với Không quân mà xem nhẹ tên lửa Phòng không nên trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã bị tên lửa Phòng không bắn hạ nhiều. Có một điều, mọi thiệt hại với các loại máy bay khác thì phía Mỹ công bố ngay qua đài BBC, nhưng riêng trận đêm 20-11 này thì lại im lặng tuyệt đối. Các thủ trưởng của ta tùy thuộc vào từng cương vị được nghe đài BBC để lấy thêm thông tin so sánh cũng không biết được gì hơn. Chính vì vậy mà ta không biết được cụ thể kết quả trận đánh đêm hôm ấy. Cũng là sự thiệt thòi!"...
Trận đánh đêm 20-11-1971 chắc sẽ còn được phân tích nhiều hơn nữa, đánh giá nhiều hơn nữa. Riêng đối với phi công Vũ Đình Rạng, sau lần gặp gỡ các cựu phi công Việt-Mỹ vào đầu tháng 10 năm 2018 vừa rồi, anh đã phần nào giải tỏa được tâm lí nặng nề bấy lâu nay từng gánh chịu...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 24 Tháng Tư, 2019, 06:19:29 pm
xuanv338 xin chào anh chủ, chào các anh em đang tham gia trang lionhs nhà trời. Thế là cuối cùng xuanv338 đã lại tìm đường về đây, được nghe anh phicongtiemkich kể chuyện đánh nhau trên trời hay quá! Lâu lắm em bị tắc đường vào M&H anh Công Huy ạ. Trước trước phải mạo muội  đề nghị phao cứu sinh tìm đường về nhà cũ của mình qua Mod Bình Yên đấy ạ. xuanv338 xin chúc sức khỏe anh phicongtiemkich.



Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 02 Tháng Năm, 2019, 03:46:03 pm
Cám ơn Xuanv338 đã đến thăm nhà sau thời gian dài đi vắng. Hy vọng Xuanv338 sẽ thường xuyên liên lạc trên trang nhà hơn.
Trở lại năm 1971.
Trận đêm 20-11 là trận đánh cuối cùng về đêm, (đánh ngày thì trận không chiến ngày 26-12 là trận cuối cùng) kết thúc năm 1971, kết thúc giai đoạn ném bom hạn chế, chuẩn bị bước sang năm 1972, một năm với những chiến dịch đường không ác liệt nhất.
Tính đến thời điểm này, sau mấy năm thành lập, các phi công lớp đầu tiên của Đại đội 5 đã "ngót" dần: Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thuận thôi bay, Trần Ngọc Nhuận thôi bay, Nguyễn Cát A thôi bay, Nguyễn Văn Quang thôi bay, tôi chuyển sang bay ngày, Nguyễn Hồng Mỹ chuyển sang bay ngày...Số phi công bay đêm còn lại chưa đến chục người.
Cho dù liên tục các phi công bay ngày ở các Đại đội khác được chuyển sang huấn luyện đêm để tăng cường sức chiến đấu về ban đêm, nhưng thực ra vẫn không thể đủ cho yêu cầu nhiệm vụ.
Càng gần những ngày cuối năm 1971, tuy cường độ các trận đánh của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc có giảm nhưng mang nhiều dấu hiệu căng thẳng. Nó báo trước cho thấy rằng năm sau sẽ là năm rất ác liệt, nhất là khi trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng tiếp tục triển khai các chiến dịch trên toàn mặt trận sau sự kiện "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị.
Năm 1972 là năm Nixon tái tranh cử. Với cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì chuyển chiến lược từ can dự trực tiếp sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Hội nghị Paris không đạt được thỏa thuận. Cuộc gặp giữa Nixon với Tổng bí thư L.Bregiơnep cũng thất bại. Mỹ đứng trước một loạt các diễn biến bất lợi. Vì vậy, Mỹ bắt buộc phải tính toán chuyện phong tỏa các cảng biển của miền Bắc Việt Nam bằng mìn, thủy lôi và đánh chặn các tuyến đường giao thông huyết mạch nhằm cắt đứt các nguồn viện trợ từ các nước vào Việt Nam và từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.
Không quân Mỹ cũng được tăng cường cả về số lượng máy bay, trang bị vũ khí mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về chiến thuật và kỹ thuật không chiến cùng cách đánh phá.
Phía Việt Nam cũng đã sẵn sàng và quyết tâm bằng mọi giá giành được thắng lợi trong những chiến dịch mang tính quyết định. Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã yêu cầu các lực lượng trong đó Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt nghiên cứu các phương án đánh B-52.
Thực chất, các phương án đánh B-52 đầu tiên đã được soạn thảo từ năm 1968 và đến giữa năm 1972 đã hình thành phương án kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng Phòng không-Không quân rồi.
Nhiệm vụ chiến lược của Không quân Việt Nam ở giai đoạn này là: "tập trung lực lượng bảo vệ Hà Nội, tiêu diệt nhiều máy bay địch, bắt giặc lái, nhất là B-52; bảo vệ mạch máu giao thông, chi viện chiến lược..."
Đầu năm 1972, khi Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 được thành lập, các phi công của Đại đội 5 là Trần Cung, Vũ Xuân Thiều, Trần Thông Hào, Nguyễn Ngọc Thiên, Trần Anh Mỹ, Lưu Văn Hinh được điều động làm nòng cốt cho Trung đội bay đêm của Trung đoàn mới thành lập này.
Vậy là, cho đến năm 1972, ta đã có 4 Trung đoàn Không quân tiêm kích (hai Trung đoàn sử dụng MiG-21, một Trung đoàn sử dụng MiG-19 và một Trung đoàn sử dụng MiG-17). Các Trung đoàn Không quân tiêm kích trong đó có các phi công bay đêm, đánh đêm đã sẵn sàng quyết chiến trong một năm có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh Việt Nam.
Đỉnh điểm của nó sẽ là Chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chiến dịch cuối cùng và quyết định thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Năm, 2019, 08:48:32 am
Những trận đánh đêm đầu tiên trong năm 1972, như các đêm mồng 8, 17, 21 tháng 2, mặc dù các kíp trực ban dẫn đường đã nỗ lực tìm mọi cách dẫn MiG-21 vào tiếp cận khi địch luôn cơ động nhưng vì kinh nghiệm dẫn dắt cho trận đánh đêm còn ít nên chưa tạo được điều kiện cho MiG lập chiến công.
Đêm mồng 1 tháng 3 năm 1972, hai phi công Phạm Tuân và Đặng Vân Đình trực ban chiến đấu. Đây là đêm trực ban chiến đấu đầu tiên của Đặng Vân Đình. Cả hai phi công cùng chuyển cấp 1 và Đặng Vân Đình xuất kích trước Phạm Tuân khoảng 3-4 phút. Lúc này, địch đang hoạt động ở khu vực Mường Lát (phía Nam Mộc Châu) và Mường Xìa (phía Nam Mường Lát). Phi công Đặng Vân Đình được dẫn ra khu chiến để chặn đánh địch.
Hồi ấy, ta áp dụng chiến thuật "nhử mồi", tức là cho một chiếc cất cánh lấy độ cao để bộc lộ lực lượng cho địch phát hiện được. Khi chúng cho tốp nào vào đánh thì ta sẽ cho lực lượng ém quân lên để nện. Đêm ấy, Vân Đình làm nhiệm vụ "nhử mồi" cho Phạm Tuân đánh chính. Trước đó ở nhà trực, Tuân tưng tửng nói với Đình:
 - Ông có nhớ trước đây biên đội Đỉnh - Tuân (Vũ Ngọc Đỉnh và Phạm Đình Tuân) trực chiến khi xuất kích thì Tuân rơi, hôm nay thì lại biên đội Đình - Tuân thì không biết thế nào. Tuân kia thì rơi rồi, chưa biết chừng lần này là đến lượt ông đấy!.
Nghe Tuân nói chơi chơi như vậy, Đặng Vân Đình chỉ cười, không ngờ đêm hôm ấy Đình bị bắn rơi thật.
Theo tài liệu tra cứu thì đêm ấy, chiếc F-4D được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Tree Combat do Trung tá Joseph W.Kittinger và Trung úy nhất Leigh A.Hodgdon thuộc Phi đoàn 555, Không đoàn 432 TFW điều khiển, đã sử dụng tên lửa điều khiển bắn 3 quả liên tục. Hai quả trước không trúng, đến quả thứ ba thì trúng máy bay của Đặng Vân Đình.
Sau này, khi Kittinger tiếp tục bay vào đánh phá các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam đã bị phi công Ngô Văn Phú bắn hạ và Kittinger bị bắt làm tù binh. Đến thời điểm ấy, Kittinger đã tích lũy được hơn 7000 giờ bay, còn Trung úy Ngô Văn Phú mới có hơn 300 giờ bay.
Đặng Vân Đình kể với tôi:
   -  Hôm ấy tôi nhớ là hôm bên các bạn Lào có Đại hội. Khi ra tuyến trực, tôi mặc chiếc áo da của Nguyễn Khánh Duy. Tôi cất cánh xuất kích lúc 20h47 phút, được dẫn vào khu vực Thanh Hóa trên độ cao 5-6 cây số, vòng ở đó chừng 10 phút, còn anh Tuân thì bay ở độ cao 1,5-2 cây số. Khi tôi nhận lệnh bay về đối đài được chừng 2 phút thì Sở chỉ huy lại dẫn tôi quay lại. Trước đó tôi đã bị bọn tiêm kích Mỹ bắn đối đầu mấy lần rồi, nhưng không trúng. Khi tôi vòng máy bay, thấy mấy quả tên lửa bắn từ phía sau tôi nhưng đều vọt lên trước máy bay tôi. Tôi còn kịp thấy cả đèn trên máy bay chúng khi chúng thoát li. Sở chỉ huy cho tôi vòng tiếp 2 vòng nữa. Đúng lúc cải máy bay ra bay bằng thì tôi nghe cái "rầm". Ngay lập tức, người tôi bật lên sát nắp buồng lái. Tôi phải lấy hai tay ấn lên nắp buồng lái để đẩy người xuống ghế. Biết không thể điều khiển máy bay được nữa, tôi đành nhảy dù. Khi nhảy dù ra, tôi thấy có hai đám cháy. Đấy là chiếc MiG của tôi bị gãy làm đôi đấy. Dù rơi từ độ cao 6000 mét xuống sao mà lâu. Ngồi dưới vòm dù trong trời đêm, tôi thấy thời gian như ngừng trôi, xung quang vắng lặng, im ắng đến nghẹt thở. Mãi rồi dù cũng xuống, nhưng lại bị mắc kẹt trên cành ngang của một cây trong rừng. Tôi kéo túi NAZ-7 ra, thả xuống nhưng không thấy nó chạm đất, tức là tôi đang mắc kẹt trên độ cao phải lớn hơn 15 mét. Tôi quyết định bám theo dây của NAZ-7 để tụt xuống. Nhún nhún một lúc thì người rơi bịch một phát vào giữa các bụi chuối. Tôi tháo dây của NAZ-7 ra, lấy những vật dụng cần thiết trong NAZ-7, chuẩn bị cho việc tìm đường thoát hiểm.
(Tôi xin giải thích một chút về cái gọi là NAZ-7 ấy. Túi NAZ-7 được lắp đặt dưới ghế dù của phi công. Trong túi có những vật dụng cần thiết tối thiểu cho phi công có thể sống sót ít nhất là 7 ngày. Đó là lương khô, dụng cụ cấp cứu, thuốc men, bông băng...rồi bộ dây câu với những con mồi tẩm hóa chất, cồn khô, diêm không tắt dù trời mưa to gió lớn, thuốc chống cá mập, chống muỗi vắt, pháo hiệu cấp cứu, sách dạy tìm những thứ ăn được ở trong rừng v.v.Có lẽ, riêng khoản lương khô đảm bảo có thể tồn tại được trong 7 ngày nên được gọi là NAZ-7. Đoạn dây dù của túi này dài 15 mét, được buộc vào quai dù, có một thời gian nó được ngoắc vào móc khóa ở phần ống quần bay của phi công. NAZ-7 thực sự hữu ích trong những trường hợp nhảy dù khẩn cấp).


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Năm, 2019, 03:52:58 pm
Đặng Vân Đình kể tiếp:
   -  Tôi nhìn đồng hồ: bấy giờ mới hơn 9 giờ đêm. Tôi lần tìm được con suối, nhưng suối đã cạn nước nên không có nước uống. Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi đi theo lòng suối. Đi một lúc bắt đầu thấy có nước, càng ngày thì thấy nước càng nhều...Tôi leo lên bờ, gặp bụi luồng liền tìm cách trèo lên, uốn vít các cây cành buộc vào nhau, tạo chỗ nằm. Những con sóc ở đây nhiều lắm, tôi đành làm bạn với chúng trong đêm này vậy. Tôi chập chờn ngủ được một chút rồi giật mình nghe như có tiếng tàu hỏa. Nghe kỹ thì hóa ra không phải, đấy là những tiếng thú rừng đi ăn đêm. Tôi đành nằm im chờ sáng.
Sáng ra, tôi tụt trên cây xuống, cứ theo suối mà đi. Rồi tôi gặp được con đường mòn. Tôi mừng quá, bụng thầm reo lên: "Thế là sống rồi!". Tới một nơi khá quang đãng, tôi thấy chiếc máy bay An-2 bay vòng vòng, chắc là đi tìm tôi. Tôi cởi áo may-ô ra, vẫy vẫy và treo lên cành cây làm ám hiệu, nhưng những người trên máy bay An-2 không thấy. Tôi lấy lương khô trong túi NAZ-7 ra ăn rồi đi tiếp. Khoảng 11 giờ trưa, sau khi tôi vượt được quả đồi chắn trước mặt thì thấy một cánh đồng và thấp thoáng bóng người đi lại. Tôi ẩn mình vào trong bụi cây xem xét đã vì nghi rằng tôi nhảy dù sang đất Lào. Thấy mọi thứ diễn ra bình thường, tôi quyết định đi tiếp. Đi chừng một tiếng đồng hồ nữa thì tôi thấy ngôi nhà có biển đề: "Nhà trẻ". Tôi nhìn vào nhà, thấy những chiếc nôi nhưng không thấy có đứa trẻ nào cả. Khi ấy tôi gặp một người dân, tôi hỏi thăm đến nhà ông trưởng bản nhưng người đó lại không biết tiếng Kinh. Để đè phòng bất trắc, tôi đội chiếc mũ bay cho thật cẩn thận phòng nhỡ đâu bị nện vào đầu. Ngay sau đó có mấy người khác chạy đến ra hiệu cho tôi đứng im tại chỗ và cử người chạy về bản báo tin. Tôi đặt vấn đề được đến Ủy ban hoặc nhà ông Trưởng bản. Họ đòi tháo giày của tôi và lấy súng của tôi, đồng thời cho các dân quân canh gác. Khi Trưởng bản đến, ông nói với tôi: "Nhìn mày, tao biết là người Việt rồi! Mày đến được đây là sống rồi! Mày cần gì thì cứ nói thật đi!". Tôi đề nghị đưa tôi đến Ủy ban. Họ đồng ý. Họ đòi trói tôi nhưng dứt khoát tôi không nghe. Tôi đi bộ với đôi chân đau mà không được mang giày nên cứ đi được một đoạn lại phải nghỉ. Mấy người bảo cho tôi lên võng để cáng nhưng tôi không đồng ý. Chừng 5 giờ chiều thì đến được Ủy ban xã. Một người trèo lên gác bếp lấy bao thuốc lá "Thủ đô" xuống, bóc ra mời tôi nhưng tôi đâu có biết hút thuốc nên lắc đầu từ chối. Rồi họ làm cơm. Tôi thấy họ giết hai con gà to, thoáng cái đã nấu nướng xong. Khi vào bữa ăn, họ gắp 2 quả tim to cho vào bát của tôi. Tôi đã từng đọc câu chuyện về quả tim gà này ở đâu đó rồi nhưng không còn nhớ nữa nên không ăn. Khi ấy, cả bốn ông quanh tôi đều quỳ xuống, chắp tay và nói rằng: "Mày là dân tộc tao rồi! Mày thương đồng bào tao rồi!"...
Rồi đơn vị cũng tìm đến đón tôi. Tôi đi viện một thời gian rồi lại trở về với Đại đội bay đêm...
Sau khi Đình nhảy dù thì cả đêm ấy Phạm Tuân không ngủ được, trăn trở với bao ý nghĩ mung lung. Phạm Tuân đã viết trong sổ nhật ký của mình:
    "Đêm đầu tháng, tao cùng mày xuất kích
     Số chẳng may, mày bị địch bắn rơi
     Thương mày, thương quá đi thôi
     Hai mươi tư tuổi, cuộc đời đang Xuân
     Mày ra đi giữa tuần trăng sáng
     Tao nhớ mày, thức trắng đêm thâu
     Nếu như nó bắn đối đầu
     Chúc mày ngon giấc rừng sâu Hòa Bình
     Thương mày ơi Đặng Vân Đình!"...
Tôi phải giải thích câu: "Nếu như nó bắn đối đầu" một chút: Trong suốt giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam, chúng tôi chủ yếu chỉ đeo tên lửa hồng ngoại - tức là loại tên lửa bắn ở bán cầu phía sau mục tiêu, tên lửa tự tìm nguồn nhiệt phía sau động cơ máy bay đối phương để lao vào. Các máy bay của Mỹ thì sử dụng cả tên lửa hồng ngoại và tên lửa điều khiển, tức là không những chúng bắn được ở bán cầu phía sau mà bắn được cả ở bán cầu phía trước. Khi bắn ở bán cầu phía sau thì  tên lửa nổ ở phía sau đuôi máy bay, phi công dễ có cơ hội nhảy dù và sống sót, còn nếu như trúng tên lửa điều khiển, bị nổ ngay trước mũi máy bay thì hầu như khả năng nhảy dù là ít vì phi công rất dễ bị hy sinh. Chính vì vậy mà Tuân lo lắng cho Đình, sợ bị trúng tên lửa điều khiển của bọn F-4. Lỡ như vậy thật thì chắc Đặng Vân Đình cũng dễ "yên giấc" giữa rừng sâu lắm.
Nhưng Đình đã nhảy dù, đã được đồng bào dân tộc cứu giúp và đơn vị cũng đã đến đón kịp thời...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 15 Tháng Năm, 2019, 03:28:39 pm
Đêm 30 tháng 3 năm 1972, thời tiết tại sân bay Vinh rất xấu. Gió mùa về nên ở khu vực này luôn có mưa nhỏ, mây thấp và tầm nhìn rất kém. Anh Hoàng Biểu trực ban chiến đấu trên sân bay Vinh. Vào thời gian ấy, trực ban chiến đấu là trực ngay dưới cánh máy bay. Khi chưa có lệnh báo động  thì có thể nằm nghỉ trên chiếc cáng cứu thương đặt ở ngay cạnh máy bay. Khoảng 2 giờ sáng, Sở chỉ huy nhận lệnh trên, cho anh Hoàng Biểu chuyển cấp, cất cánh. Tư lệnh phó Trần Mạnh nói với sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng:
  - Dẫn cho bay vào sâu nhất có thể và về hạ cánh với lượng dầu dự bị tối thiểu!.
Anh Tạ Quốc Hưng hiểu rằng chuyến bay này không phải là chuyến bay đi "săn" B-52 như mọi khi, nó mang ý nghĩa gì rất đặc biệt, nhưng đặc biệt thế nào thì anh không dám hỏi.
Anh Hoàng Biểu mở máy, cất cánh. Máy bay của anh đeo 2 thùng dầu phụ (mỗi thùng chứa 490 lít), trong khi đường cất hạ cánh thì ngắn, anh phải cố gắng điều khiển và liều nhấc máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ. Máy bay rời đất một cách khó nhọc. Chưa đến độ cao thu càng, máy bay đã chui vào mây.
Thông thường, theo phương án chiến đấu thì phải bay rất thấp và phải giữ bí mật liên lạc qua đối không, nhưng lần này, ngay sau khi cất cánh là Sở chỉ huy đã ra khẩu lệnh oang oang qua đối không và cho lấy độ cao lên 8000 mét.
Trong Sở chỉ huy tiền pgương, anh Tạ Quốc Hưng đánh dấu thời gian lên bản đồ: G+6 phút là ngang Đồng Hới, G+12 phút là đến Huế, G+...là đến Đà Nẵng... với tâm trạng ngày càng lo lắng không biết thời điểm nào cấp trên sẽ ra lệnh cho anh Hoàng Biểu quay về và sẽ quay về như thế nào. Đúng thời gian ấy, phía Không quân Mỹ cũng đã biết Không quân Việt Nam sử dụng MiG khả năng đi tìm diệt C-130 dọc theo biên giới Việt-Lào nên đã cho 2 chiếc F-4D từ Thái Lan sang để đánh chặn MiG.Anh Tạ Quốc Hưng lập tức nhận được chỉ thị tập trung vào việc yêu cầu ra-đa dẫn đường theo dõi địch.
Anh Hoàng Biểu cũng nhận được lệnh từ Sở chỉ huy:
   - Bật tăng lực, lấy độ cao lên 14.000 mét, vòng 2 vòng ở độ cao này, sau đó xuống độ cao 6.000 mét vòng một vòng nữa rồi lấy độ cao bay ra!
Sau khi lấy đủ độ cao, anh Hoàng Biểu vòng 2 vòng rồi cho máy bay lao xuống đến độ cao 6.000 mét vòng tiếp theo như mệnh lệnh đã giao. Anh được dẫn về với đường bay rất zic-zăc. Anh biết mình đã bị tiêm kích địch đuổi theo và Sở chỉ huy đang dẫn anh tránh chúng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 07 Tháng Sáu, 2019, 10:42:53 pm
Thời kỳ đó, ta đã lắp đặt được một đài xa ở ngã ba Vọt. Anh Hoàng Biểu được dẫn về hạ cánh ở sân bay Vinh, nhưng càng gần sân bay, thời tiết càng xấu, thật khó hạ cánh trực tiếp, nhất là ở đẩu phía Bắc sân bay lại có điểm cao 200 mét. Khi nhận được tin thời tiết tại sân bay Anh Sơn có khả năng tiếp thu hạ cánh được, Sở chỉ huy dẫn anh Hoàng Biểu bay về Anh Sơn, nhưng ở đây, anh Hoàng Biểu lượn đi lượn lại đến 2 vòng mà vẫn không thấy sân bay. Anh Tạ Quốc Hưng thấy dầu liệu của anh Hoàng Biểu không còn nên đề nghị dẫn anh bay xuống phía đường 7 để nhảy dù.
Anh Hoàng Biểu nhảy dù an toàn xuống khu vực thuộc huyện Yên Thành, còn máy bay thì rơi xuống bãi cát bên kia đường 1 thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Sau khi tiếp đất trên ruộng khoai, anh Hoàng Biểu lần tìm được đến sân của Hợp tác xã. Anh được đón tiếp và được đưa về Sở chỉ huy ở Đại Huệ. Ở đây, anh được Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương gặp gỡ, động viên:
 - Đây là chuyến bay cảm tử mà đồng chí đã được giao và đã được thực hiện. Ngày nay, ta đã mở mặt trận Quảng Trị. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mới nhé!.
Anh Hoàng Biểu hiểu rõ những nhiệm vụ ấy cùng với tầm quan trong của nó hơn bất kỳ ai. Tiền tuyến đang rất cần sự chi viện của lực lượng Không quân ta vì chỉ cần có bóng dáng Không quân ta hoạt động là bọn B-52 và C-130 sẽ chạy dạt ra xa, không dám quấy nhiễu ở các cung đường đến cả tuần lễ hoặc hơn.
Sau chuyến bay của anh Hoàng Biểu, Bộ tư lệnh mặt trận Quảng Trị đã gửi điện cảm ơn với nội dung: nhờ sự có mặt kịp thời của bộ đội Không quân trong ngày mở chiến dịch mà Không quân địch trong vòng gần một tuần lễ không dám hoạt động. Điều này tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho chiến dịch.
Như vậy đủ biết rằng, mỗi chuyến xuất kích về ban đêm có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chỉ cần 1 tuần vắng bóng bọn B-52 và C-130 đánh phá các chân hàng, các điểm tập kết quân của ta... thì cục diện trên nhiều hướng của mặt trận sẽ xoay chuyển theo tình thế có lợi cho ta rất nhiều. Nếu như Không quân lại bắn rơi được B-52 thì tiếng vang còn rất lớn và đấy là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy bất kể thời tiết xấu đến đâu chăng nưa, khó khăn đến mấy chăng nữa, lực lượng Không quân cũng phải có mặt cùng với các lực lượng của các Quân Binh chủng khác kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 17 Tháng Sáu, 2019, 09:40:51 am
Đêm 13-4-1972, anh Vũ Đình Rạng trực ban chiến đấu trên sân bay Đa Phúc. Đêm ấy là đêm mưa tầm tã, màn mây thấp xệ hẳn xuống tưởng chừng đứng ở nhà trực với tay lên là tóm được mây. Tầm nhìn rất kém.
Khi mạng tình báo ra-đa phát hiện tốp B-52 đang bay từ Thái Lan qua Savanakhet (Lào) rồi qua Mộc Châu. Kíp trực Sở chỉ huy Bộ tư lệnh nhận định đây là tốp B-52 bay vào đánh các mục tiêu quanh khu vực Hà Nội. Sở chỉ huy lệnh cho Vũ Đình Rạng cất cánh.
Anh Vũ Đình Rạng nhanh chóng mở máy, lăn ra đường băng xuất kích chiến đấu. Máy bay tách đất, chưa đến độ cao thu càng thì đã chui vào mây. Đây là lần thứ 3 phi công Vũ Đình Rạng làm nhiệm vụ săn lùng B-52. Sở chỉ huy dẫn nhưng không phát hiện được mục tiêu vì nhiễu quá mạnh, quá dày đặc. Vũ Đình Rạng đành phải quay về hạ cánh.
Lúc này trời vẫn mưa và tầm nhìn vẫn xấu như khi cất cánh. Anh Vũ Đình Rạng được dẫn xuyên mây theo phương pháp hình hộp, nhưng 3 lần xuyên xuống vẫn không phát hiện được đường băng. Lần thứ tư, Vũ Đình Rạng liều cho máy bay lao xuống tới khi đồng hồ độ cao chỉ đến con số O mà vẫn không thấy gì, đành phải kéo máy bay lên.
Đêm ấy, anh Trần Thông Hào trực chỉ huy ở Đài chỉ huy cất hạ cánh ngoài sân bay và Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính chỉ huy trên Đài chỉ huy chỉ nghe thấy tiếng máy bay mà không nhìn thấy máy bay đâu vì thời tiết quá xấu.
Dầu liệu máy bay gần cạn. Sỏ chỉ huy cho anh Vũ Đình Rạng bay hướng 270 độ ra phía Sơn Tây, lấy độ cao lên 3000 mét để nhảy dù.
Anh Vũ Đình Rạng đành rời bỏ máy bay. Anh nhảy dù trong trời mưa, rơi xuống tiếp đất gần một bờ ruộng. Vì trời vẫn mưa, lại trong đêm tối và sức khỏe thấy đã có vấn đề, Vũ Đình Rạng lấy dù quấn kín người, nằm ngay bên bờ ruộng. Sáng sớm, có bà đi chợ phát hiện ra anh liền hô hoán lên và cùng lúc, đội tìm kiếm của Quân chủng và lực lượng dân quân cũng vừa đến. Họ đón anh đưa về bệnh viện Đan Phượng. Bấy giờ, anh Vũ Đình Rạng đã gần như kiệt sức và đầu thì đau như búa bổ.
Những lần xuất kích trong tình huống thời tiết xấu như vậy, các phi công bay đêm đều xác định bằng mọi giá, tìm mọi cách đưa máy bay lên trời đi làm nhiệm vụ. Khi quay về hạ cánh, nếu không hạ được thì đành nhảy dù. Nhiệm vụ là trên hết. Không một ai đắn đo, suy tính riêng cho bản thân mình.
Và không phải chỉ một lần xảy ra như vậy với phi công Vũ Đình Rạng. Đã có những phi công khác cũng đã phải chấp nhận như thế.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Sáu, 2019, 10:04:51 am
Trong năm 1971, các phi công bay đêm của Đại đội 5 như Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính, Hoàng Biểu cùng các phi công Phạm Văn Mạo, Đặng Xây, Trần Cung, Vũ Đình Rạng, Trần Thông Hào, Vũ Xuân Thiều, sau này có thêm Phạm Tuân, Nguyễn Ngọc Thiên, Bùi Doãn Độ, Nguyễn KHánh Duy, Đặng Vân Đình, Nguyễn Đức Chiến, Lưu Văn Hinh... đã liên tục trực ban chiến đấu trên các sân bay dã chiến, sân bay cơ động với kích thước ngắn hẹp, trong tình trạng đường băng bị đánh phá không còn nguyên vẹn, hố bom chi chít, thậm chí như Đại đội trưởng Đinh Tôn đã có lần phải cất cánh khi trên đường băng vẫn còn bom nổ chậm...
Kẻ địch có thể không tường tận được dung nhan, tướng mạo của các anh, nhưng chắc chắn chúng dò được qua đối không giọng nói của các anh và đoán được các anh là những tay thợ săn chuyên nghiệp, chuyên lùng sục B-52. Chắc hẳn chúng rất gờm.
Thời ấy, trong Đại đội 5 đã có câu: "Biểu Xê-Pôn, Tôn dường 9" - có nghĩa là hai anh ấy đã mai phục và hoạt động ở những khu vực ấy quá nhiều, trở nên quen thuộc như ngày ngày ta đi chợ vậy.
Sau khi tiến hành chiến dịch Linebacker-1 từ ngày 10-5-1972, lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ đã tiến hành triển khai ồ ạt các đợt tấn công vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, trong đó có cả các mục tiêu quanh khu vực các thành phố Hà Nội, Hải Phòng...
Mục đích của chiến dịch là gây sức ép, buộc các nước Xã hội Chủ nghĩa không thể viện trợ cho Việt Nam, buộc miền Bắc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện có lợi cho Mỹ. Nhưng đến hết tháng 10 năm 1972, các mục tiêu của chiến dịch này không đạt được. Ngày 22 tháng 10 năm 1972, Nixon phải tuyên bố chấm dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Cho dù truyên bố như vậy, nhưng phía Mỹ vẫn có những toan tính chiến lược, nếu như miền Bắc Việt Nam không chịu khuất phục, không chịu chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra (những điều kiện thật vô lí) thì Mỹ sẽ lại ném bom trở lại với quy mô lớn, trên diện rộng vào miền Bắc Việt Nam.
Và hủy diệt miền Bắc Việt Nam là mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch Linebacker-2.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Sáu, 2019, 04:04:19 pm
Xin hỏi bavs phicôngtiêmkích là người lái máy bay nhận biết các hướng(đông, tây, nam, bắc, ...) bằng cách áchf, nhất là với những người bay đêm ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 01 Tháng Bảy, 2019, 10:16:26 pm
Các phi công trong đó có phi công tiêm kích nhận biết phương hướng qua các đồng hồ la bàn từ, qua đồng hồ chỉ hướng bay... Đấy là trong buồng lái, còn phía bên ngoài thì nhận biết, đánh dấu qua mặt trời (nếu bay ngày), mặt trăng và một số chòm sao chính (nếu bay đêm). Ngoài ra còn phải thuộc địa tiêu đến mức như trong lòng bàn tay, để khi mình bay đến đâu, chỉ cần liếc mắt xuống phía dưới là biết mình đang ở khu vực nào rồi. Hàng năm đều có cuộc kiểm tra qua "bản đồ câm", tức là phát cho mỗi phi công một tờ giấy trắng cùng bốn chiếc bút chì với các màu: đen, xanh, đỏ và nâu. Các phi công lấy tâm sân bay mình đang đóng quân khoanh bán kính 300 km và phải vẽ chi tiết từ đường sắt (màu đen), đường bộ (màu đỏ), sông ngòi (màu xanh) và các dãy núi (màu nâu) cùng các địa hình địa vật tính từ huyện lị, thị trấn trở lên. Các phi công tiêm kích bắt buộc phải thuộc lòng những chuyện đó vì khi đi chiến đấu, nhất là sau khi không chiến, thoát li về, đối không chắc chắn bị nhiễu rất nặng nên không thể nghe được sự dẫn dắt từ Sở chỉ huy, tự mình phải "lần mò" về sân bay mà hạ cánh thôi. Khi trời có mây thì mình phải ước đoán được mình không chiến ở khu vực nào và qua mặt trời hay mặt trăng hoặc các chòm sao mà định hướng để lấy lối về. Hoặc chỉ cần loáng thoáng qua màn mây hay có chỗ thủng của mây nhìn xuống đất là biết được mình đang ở đâu, từ đẫy chỉnh hướng lần về sân bay.
Chuyện định hướng này khá phức tạp. Nó đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm cùng việc học tập rèn luyện thường xuyên... Một vài dòng ở đây e rằng tôi không thể giải thích hết được!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 03 Tháng Bảy, 2019, 09:20:54 pm
Càng nghe chuyện  anh phicongtiemkich. Nghe chuyện của lính nhà trời mà tường như mình đang được ay trong mơ giữa từng không. Anh phicongtiemkich đã đưa lính mặt đất cùng đi vào khoảng không huyền ảo. Hay, và lý thú. Cứ như mình đang nghe những chuyện thần thoại ngày xưa. Cảm ơn anh phi công tiêm kích Nguyễn Công Huy. kkkk Ngày mai xuanv338 em lại có quyền chém gió trước mấy chị em cùng làm. Các mụ lại ngồi tròn xoe mắt. Được nghe chuyện này xuanv338 xin nói lời cảm ơn câu hỏi rất sâu của người đồng đội thông minh, hóm hỉnh Giangtvx.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 05 Tháng Bảy, 2019, 08:52:16 pm
Anh Phi Công Tiêm Kích chuyện anh kể rất thu hút và hồi hộp, lâu lắm rồi em mới quay về ngôi nhà  quân sử mà các anh chị vẫn online thật vui ạ, em chúc các aanh chị mạnh khỏe nhé .


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 15 Tháng Bảy, 2019, 11:45:38 am
Cám ơn Xuanv338 và behienQYV7C đã động viên. Cái chuyện chọn phương hướng của "cánh lái" ngoài sự thông thái ra thì còn nhiều sự buồn cười lắm. Ví như, khi mới bước vào bay, ngay chuyến bay cảm giác đầu tiên, thày dạy bay điều khiển máy bay cho đi xem các không vực bay. Mặc dù ở dưới đất, trong quá trình chuẩn bị bay, các không vực bay đã thuộc lòng, nhưng khi cất cánh lên trời, tất cả những điều ấy nó bay ra khỏi đầu lúc nào không hay. Khi ấy choáng ngợp bởi khoảng không mênh mông bao la mà từ bé tới giờ mình chưa bao giờ lên được đó, nên rất run rẩy, sợ hãi. Thời hiện đại bây giờ thì ai cũng có cơ hội đi máy bay, nhưng thời đó, chỉ các vị lãnh đạo cấp nhà nước mới được ngồi máy bay, mà chỉ với cương vị hành khách. Đằng này, từ thằng chăn bò bước ngay vào buồng lái, lại là máy bay phản lực, lại là cầm cần lái điều khiển nó nữa thì đúng là nằm mơ chưa bao giờ thấy nên choáng ngợp cũng phải thôi. "Ba hồn bảy vía thì giờ chỉ còn ba bốn vía với một hồn" mà thôi. Rồi, thày dạy bay nghiêng máy bay sang trái thì mình sợ quá lại nghiêng người sang phải để chống lại. Chắc thày biết nên làm "phép thử" luôn: thày nghiêng máy bay gần như vuông góc 90 độ và nói: "Dưới đó là tâm không vực. Thấy chưa?". Rồi lại tiếp tục nghiêng sang phía bên kia và sau đó lật ngửa máy bay và nói tiếp: "Dưới bụng máy bay là tâm không vực đấy! Thấy chưa?". "Dạ! Thấy rồi ạ!". Thấy rồi mà là chả thấy gì hết vì toát mồ hôi hột ra bởi cung bậc cảm xúc lên đến đỉnh điểm. Và rồi cũng nhác thấy ở dưới là cả một đàn bò của nông trường có đến hàng trăm con đang ăn cỏ. Thế là trò nghĩ rằng tâm không vực chính là đàn bò!. Ngày hôm sau bay vào không vực. Lần này thì hồn vía không bay mất nhiều như chuyến đầu, thế là thày giao cho cầm cần lái điều khiển và cứ lấy đàn bò làm tâm không vực. Khốn nỗi, bò có bao giờ đứng một chỗ gặm cỏ đâu. Nó vừa ăn vừa di chuyển. Vậy là trò cũng theo nó và đi lạc sang không vực khác. Thày thấy vậy liền chộp cần lái, vòng thật gấp để quay về không vực của mình, vừa quay vừa mắng vừa chửi thậm tệ. Khi hạ cánh vào giảng bình bay, thày hỏi lí do thì trò trả lời hồn nhiên: "Em lấy đàn bò làm tâm không vực mà!". Lập tức, thày giơ hai tay lên trời như điệu bộ của cha cố trong nhà thờ và kêu lên: "Bô-gie Môi!" (Ôi trời ôi!) Mày với chúng nó có họ hàng với nhau hay sao? (Đúng là ngu như bò thật!). Nó cứ di chuyển đi đâu thì mày theo đi đấy à? Vậy lạc sang không vực khác thì mày đâm vào thằng khác à?. Bấy giờ thì còn gì để mà nói nữa?". Tới lúc ấy thì trò "mặt xanh nanh vàng, mắt chữ á mồm chữ ớ" không thể phát ra được một từ nào nữa. Nhà thơ Tố Hữu viết cứ như là tiên đoán cho tai nạn thảm khốc ấy: "...thịt với xương, tim óc dính liền...". Đúng là va chạm trên không thì như thế thật!.
Sau cái vụ tâm không vực ấy thì thày "loan truyền" cho các thày khác biết và cái chuyện lấy đàn bò làm tâm không vực đã thành giai thoại cho bao nhiêu thế hệ trò bay sau này.
Đấy, cái sự định hướng trên giời là vậy đấy!!!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 16 Tháng Bảy, 2019, 06:16:45 pm
        Cám ơn bác Phicôngtiêmkích đã giải thích. Câu trả lời của bác làm sáng tỏ nhiều vấn đề và rất lý thú nhưng cũng xin phép hỏi bác thêm 1 tí.

Các phi công trong đó có phi công tiêm kích nhận biết phương hướng qua các đồng hồ la bàn từ,

        Theo nguyên tắc này phải không ạ :

(https://scontent.fhan3-2.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/67200987_452114102185142_7020920100320444416_n.jpg?_nc_cat=107&_nc_oc=AQnHqhTAWDRURLxh1WLiW9QNBeEAs6MQsnDfx9b9ixP-D2ECiPd2dz0rJOhQCRFfpVw&_nc_ht=scontent.fhan3-2.fna&oh=500a98396a2d0356df38ae19ceb06b46&oe=5DA311D9)

        Nếu định hướng bằng cách này thì kim địa bàn bắt buộc phải NẰM NGANG. Nhưng như bác vừa kể chuyện, máy bay của bác "nghiêng máy bay gần như vuông góc 90 độ", "tiếp tục nghiêng sang phía bên kia và sau đó lật ngửa máy bay" thế thì cái địa bàn như thế kim sẽ bay đằng kim, trụ sẽ đi đằng trụ mất. Ấy là chưa kể trong con én bạc thân yêu của bác có vô khối thứ làm bằng sắt và đầy rẫy nhưng đường điện chạy dọc ngang. Như thế thì có lẽ kim la bàn từ không thể chỉ hướng bắc - nam được.

        Em hỏi chuyện này là vì khi đọc sách thấy trong trận ngày 4/4/1965 sau khi đánh xong trận Hàm Rồng (Thanh Hóa) bác Trần Hanh muốn về căn cứ Nội Bài (Hà Nội) ở phía BẮC nhưng có lẽ do định hướng sai nên đã bay nhầm về phía NAM nên cuối cùng hết dầu, phải hạ cánh bắt buộc ở Hà Tĩnh hay Nghệ An gì đó.

        Định hướng bằng cách học thuộc địa hình như bác Phicôngtiêmkích đã kể chuyện ở trên là hết sức có ích lợi. Tuy nhiên cách trên chỉ áp dụng được khi ở trên "sân nhà" và khi có thể quan sát được mặt đất còn nếu như trời mù hoặc bay đêm và trên sân khách như chuyến bay của cảm tử của bác Hoàng Biểu (bay đêm vào Quảng Trị năm 1972 để đánh động, dọa, ngăn đến B.52 ném bom như bác Phicôngtiêmkích đã kể ở trên) thì chắc không ổn. Cũng may bác Biểu không nhầm như bác Hanh chứ nếu nhầm như bác ấy thì có khi hạ cánh ở ... Đà Nẵng cũng chưa biết chừng !

        Vậy nên em thấy vấn đề định hướng vẫn chưa hẳn là đã được sáng tỏ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 19 Tháng Bảy, 2019, 02:57:13 pm
Cám ơn Giangtvx đã đưa ra vấn đề rất lí thú. Đúng là hệ thống chỉ hướng trên máy bay không thể như chiếc la bàn bình thường mà Giangtvx đề cập đến. Khi bọn tôi bay những năm đầu tiên trên loại máy bay phản lực sơ cấp thì hệ thống này được  định hướng qua đồng hồ "Gích" (GIK). Đấy là chiếc đồng hồ có nam châm vĩnh cửu được đặt trong chất lỏng. Khi máy bay bay bình thường hoặc khi lật ngửa, nó vẫn chỉ hướng bình thường. Khi may bay lật vuông góc 90 độ, hầu như nó đứng im, không chỉ. Độ dung sai của nó lớn hơn đồng hồ "Cờ-si" (KSI) trên MiG-21 vì hệ thống chỉ hướng trên MiG-21 gồm có con quay với đồng hồ chỉ hướng và máy hiệu chỉnh từ. Đấy là một "tổ hợp". Chế độ làm việc chính xác của la bàn từ là chế độ làm việc của truyền cảm con quay bán la bàn với cảm ứng từ. Khi la bàn làm việc ở chế độ bán la bàn, sai lệch của nó không quá 3-4 độ sau một giờ bay. Sau khi mở máy, trước khi máy bay lăn, phi công phải ấn nút hiệp đồng la bàn để hiệu chỉnh lại chỉ số của đồng hồ theo cảm ứng từ (hiệu chỉnh từ). Nói chung, các kỹ sư đặc thiết phải học và nắm rất kỹ cấu tạo và cách hoạt động của các đồng hồ này, còn các phi công phải biết cách sử dụng và xử lí khi nó bị hỏng hóc ở trên không.
Ngoài đồng hồ la bàn từ ra, còn có đồng hồ la bàn điện (ARK) với chiếc kim sơn màu vàng mà vẫn được gọi là "kim vàng". Đúng là nó còn quý hơn vàng vì lúc nào nó cũng chỉ về đài xa (ở cách đầu sân bay, phía hạ cánh khoảng 4-5 km). Vì vậy, bất kể trong mây, trong mù hay trong đêm, khi nhìn vào đồng hồ và theo hướng chỉ của nó thế nào cũng về đến đài. Ngày nay, trên các loại máy bay hiện đại còn có thêm những đồng hồ định hướng qua vệ tinh thì việc xác định hướng còn chính xác hơn nhiều.
Khi bay, còn có một loạt hệ thống các đài trạm ra-đa cảnh giới, ra-đa dẫn đường theo dõi và dẫn dắt nữa, nên chuyện lạc đường là "hơi hiếm". Chuyện trong chiến đấu, chuyến xuất kích của anh Trần Hanh phải hạ ở bản Kẻ Tằm thì lại là chuyện khác, Giangtvx ạ!
Giá như, Huyphongssi vẫn còn ở đâu đó, vẫn theo dõi diễn đàn này thì chắc sẽ giải thích chi tiết, cặn kẽ hơn tôi, nhưng hy vọng phần nào cũng đáp ứng được thắc mắc của các đồng đội!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 01 Tháng Tám, 2019, 08:55:52 am
Trở lại với những chuyến bay đêm, xuất kích đêm. Từ tháng 4 năm 1972, quân và dân miền Nam đã mở đầu cuộc tiến công nổi dậy mà phía Mỹ gọi là "cuộc tiến công Lễ Phục Sinh". Nixon buộc phải Mỹ hóa cuộc chiến tranh, sử dụng Không quân và Hải quân đánh phá ác liệt hai miền Nam, Bắc Việt Nam nhưng không xoay chuyển được tình thế.
Rồi các cuộc họp ở Hội nghị Pa-ris không có kết quả, đi đến bế tắc. Ngày 14-12-1972, Nixon ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, cho tiến hành trinh sát toàn miền Bắc và ném bom các mục tiêu Hà Nội, Hải Phòng.
 Ngày 15-12-1972, lệnh báo động được truyền đến căn cứ Không quân Andersen ở Gu-am và căn cứ Không quân U-ta-pao ở Thái Lan. Các mục tiêu cho máy bay B-52 bao gồm 34 khu liên hợp ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Kép, Bắc Giang và Lạng Giang.
Ngày 17-12, máy bay Mỹ tiến hành thả thủy lôi ở bờ biển Hải Phòng và bắn tên lửa vào thành phố.
18 giờ ngày 18-12-1972, Mỹ gửi công hàm nhưng thực chất là một tối hậu thư đến Hà Nội đòi Việt Nam dân chủ cộng hòa phải họp lại Hội nghị Paris theo các điều kiện ngang ngược của Mỹ.
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, vào lúc 19h30 phút ngày 19-12, đợt B-52 đầu tiên đã ném bom Hà Nội, mở đầu cho cuộc tập kích đường không chiến lược trong chiến dịch Linebacker II.
Về phía Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước để nghênh chiến trong chiến dịch có ý nghĩa chiến lược và lịch sử này.
Các sân bay dã chiến ở vòng ngoài nhanh chóng được xây dựng. Các sân bay khác cũng được sửa sang lại và những cuộc sơ tán người già, trẻ em về các miền quê cũng đã được tiến hành. Các hầm hào, công sự được đào thêm, củng cố thêm cho vững chắc.
Tất cả đều như những mũi tên nằm trên dây cung đã giương sẵn, sẵn sàng chờ thời khắc lao vút vào mục tiêu.
Ngay từ sáng ngày 18-12, ngày được chọn là ngày bắt đầu chiến dịch lớn thứ ba và cuối cùng của Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vào lúc 10h15 phút, nhiều tốp máy bay trinh sát bay qua bầu trời Hà Nội và đến 10h46 phút là bay qua bầu trời Hải Phòng.
12h trưa, 2 chiếc máy bay vũ trang RF-4 lại bay ngang Hà Nội.
Các đơn vị trong toàn Quân chủng PK-KQ đã được chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Vào lúc 16h, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được tin tình báo: "Các phi đội B-52 gồm         32 chiếc đã cất cánh từ sân bay Andersen"
17h, Hà Nội ban bố lệnh báo động.
6 máy bay MiG-21 trực tại 3 sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc, Gia Lâm nhận lệnh vào cấp 1, sẵn sàng nổ máy xuất kích chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 02 Tháng Tám, 2019, 02:40:38 pm
Tối ngày 18-12, đợt gió mùa Đông Bắc tràn về Hà Nội gây mưa phùn, những màn mây xám xịt xệ thấp hẳn xuống trong cái rét tái tê.
Vào lúc 19h15 phút, lệnh báo động B-52 đánh miền Bắc được phát. Còi ủ báo động lắp trên nóc nhà hát lớn, tòa nhà ngân hàng, ga Hàng Cỏ đã đổng loạt rú lên kèm theo đó là tiếng loa hướng dẫn người dân vào hầm trú ẩn.
Trên các sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc, Gia Lâm, các phi công  bay đêm sẵn sàng chờ lệnh cất cánh đánh chặn B-52, bẻ gãy các đợt tấn công của chúng, bảo vệ những mục tiêu được giao.
Trước khi các tốp B-52 từ Thái Lan và Gu-am bay tới đánh phá Hà Nội, các máy bay F-111 bay ở độ cao cực thấp vào ném bom sân bay Đa Phúc, Kép... đồng thời các máy bay EB-66 và F-4 bay vào thả một "hành lang nhiễu" trên độ cao 11.000 mét quanh khu vực Hà Nội. Các máy bay F-105 làm nhiệm vụ chế áp các trận địa tên lửa và 24 chiếc F-4 làm nhiệm vụ tìm diệt MiG quần ngay trên đỉnh các sân bay.
Đêm đầu tiên của chiến dịch Linebacker II, số lượng máy bay B-52 tham gia đánh phá là: 42 chiếc B-52D ở căn cứ Không quân U-ta-pao, 54 B-52G và 33 B-52D ở căn cứ Andersen, tổng cộng 129 chiếc sẽ đánh 3 đợt, thời gian giữa các đợt là 4 đến 5 giờ. Đợt thứ nhất bắt đầu lúc 19h45 phút, đợt thứ hai vào lúc nửa đêm và đợt thứ ba ngay trước rạng sáng.
Vào thời gian này, biên chế của các Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và 927 đã được trang bị cả hai loại máy bay MiG-21 là F-94 và F-96.
Loại MiG-21MF (F-96)  là phiên bản tiếp theo của MiG-21PFM (F-94) thuộc dòng tiêm kích đánh chặn.
Máy bay MiG-21 F-96 đầu tiên xuất hiện vào năm 1970.
MiG-21F-96 có 1 động cơ phản lực Tumansky R-13-300, có 4 bệ treo với các phương án mang vũ khí đa dạng hơn MiG-21F-94. Nó có thể đeo 4 quả tên lửa không đối không hoặc 4 thùng rốc-két, hoặc 2 tên lửa và 3 thùng dầu phụ...Nó cũng được trang bị pháo 23 li với 200 viên đạn.
Đặc biệt, ghế dù của phi công có thể phóng ở độ cao bằng 0, nghĩa là có thể nhảy dù thoát hiểm ngay khi máy bay chạy đà cất cánh trên đường băng.
Nó cũng được trang bị hệ thống điện tử phân biệt địch ta SRZO-2.
Nhưnmgx chiếc MiG-21F-96 đã được lắp ráp tại Việt Nam vào cuối năm 1971.
Cũng vào thời gian này và suốt trong 12 ngày đêm, các phi công bay đêm chỉ có số lượng ít ỏi (nếu tính những phi công có đủ trình độ chiến đấu và thực sự tham gia chiến đấu cho đến tận sau này thì chưa đến chục người) nhưng nhiệm vụ lại rất nặng nề. Họ giống hệt như những phi công cảm tử của Đội bay cảm tử. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải cất cánh. Bằng bất kỳ giá nào cũng phải tiêu diệt được B-52, cản phá các đợt tấn công của chúng trong khi trình độ kỹ thuật bay của các phi công bay đêm lúc bấy giờ chưa được cao. Trình độ tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu hầu hết mới được phép hoạt động khi đáy mây thấp nhất là 300 mét, tầm nhìn thấp nhất là 3.000 mét, một số còn chỉ được hoạt động khi đáy mây 400 mét và tầm nhìn 4.000 mét trở lên (nói theo ngôn từ chuyên môn là 300/3000 hoặc 400/4000). Mặc dù vậy, không một ai để ý, quan tâm lớn đến chuyện ấy. Có nhiều chuyến xuất kích, khi cất cánh thời tiết đã xấu lắm rồi và biết rằng khi quay về sẽ không thể hạ cánh nổi, nhưng không một ai chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy, vẫn tìm mọi cách đưa máy bay lên trời vẫn lao vào cuộc chiến...
19h20 phút, phi công Trần Cung trực ban chiến đấu trên sân bay Hòa Lạc với loại máy bay MiG-21F-94 vào cấp 1 và xuất kích lúc 19h28 phút.
Trước khi anh Trần Cung xuất kích, sân bay Hòa Lạc bị đánh phá dữ dội. Các tấm ghi lát trên đường cất hạ cánh bị bong tróc, dựng ngược lên, nhất là phần ở phía cuối đường băng. Anh Trần Cung đã "mắm môi mắm lợi" kéo  máy bay mình cho tách đất sớm với tốc độ rời đất nhỏ nhất có thể.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Tám, 2019, 03:53:54 pm
Sau khi tách đất, anh Trần Cung được dẫn về hướng Hòa Binh-Suối Rút để chặn đánh tốp B-52 từ Nam Mộc Châu lên Vạn Yên. Tiếp cận mục tiêu đến cự li 15 km, khi anh Cung bật ra-đa trên máy bay lên thì màn hình trắng xóa vì bị nhiễu nặng, không thể bắt được mục tiêu. Ngay lúc ấy, các máy bay F-4 quây lấy anh và bắn tên lửa. Sở chỉ huy dẫn dắt anh tránh tên lửa và cho anh thoát li về sân bay Đa Phúc.
Sân bay Đa Phúc trước đó đã bị bọn F-111 ném bom hai đợt, nhiều đoạn đường băng bị hư hỏng nặng. Đài chỉ huy cất hạ cánh ở sân bay (Đài K-5) cũng bị đánh hỏng. Anh Trần Cung nhận lệnh bay về hạ cánh ở sân bay Kép, nhưng sân bay Kép và Đài chỉ huy tại sân bay Kép cũng đã bị đánh hỏng. Sở chỉ huy dẫn anh về hạ cánh ở sân bay Gia Lâm, nhưng sân bay Gia Lâm cũng vừa bị đánh phá xong, hệ thống ánh sáng của đường băng bị hỏng, chưa khắc phục được. Một lần nữa, anh lại được dẫn vòng về sân bay Đa Phúc để hạ cánh. Máy bay anh bay đến đâu là các hệ thống hỏa lực phòng không bám theo, bắn đuổi đến đấy bởi tất cả không nhận diện được máy bay ta. Bay đến sân bay Đa Phúc, chỉ tới lúc anh Trần Cung bật dfdèn pha trên máy bay để vào hạ cánh thì các hỏa lực phòng không mới thôi không bắn nữa.
Vào lúc 20h16 phút, anh Trần Cung cố gắng tiếp đất ở phần cuối đường băng. Tiếp đất xong, anh lập tức tắt máy rồi thả dù giảm tốc nhưng máy bay vẫn lao chồm qua một hố bom cỡ nhỏ rồi mãi mới chịu dừng lại trước miệng một hố bom to.
19h40 phút, Phạm Tuân trực ban chiến đấu trên sân bay Đa Phúc vào cấp 1 và nhận lệnh xuất kích trên loại máy bay MiG-21F-96 lúc 19h47 phút. Khi mở máy lăn ra chuẩn bị cất cánh, khói lửa của bom đạn địch vẫn còn nghi ngút và đạn cao xạ vẫn nổ chi chít quanh máy bay. Quá nửa đường băng đã bị bom đạn Mỹ đánh hỏng, Phạm Tuân cố gắng cho máy bay cất cánh và cũng như anh Trần Cung, phải cho máy bay rời đất ở tốc độ nhỏ. Rồi Phạm Tuân được dẫn về phía Sơn Tây. Tới khu vực Sơn Tây, Phạm Tuân nhận lệnh vứt thùng dầu phụ, lấy độ cao lên 4000 mét và lấy hướng bay về khu vực Hòa Bình. Lúc này, Phạm Tuân phát hiện thấy những hàng đèn trên thân các máy bay B-52, anh liền bật tăng lực lấy độ cao lao về phía B-52. Lập tức, bọn B-52 tắt phụt đèn và bọn F-4 bay hộ tống xông vào quây lấy máy bay anh, bắn tên lửa. Màn hình ra-đa trên máy bay bị nhiễu nặng, không thể thấy được mục tiêu. Bọn F-4 quây đến ngày càng đông. Sở chỉ huy dẫn anh thoát li khỏi khu vực chiến và dẫn anh về sân bay Đa Phúc để hạ cánh. Đài chỉ huy ở sân bay Đa Phúc đã bị đánh hỏng. Đúng thời điểm đó, một chiếc B-52 bị tên lửa phòng không của ta bắn cháy, rơi ở Phủ Lỗ. Lợi dụng ánh sáng đó cộng với đèn pha trên máy bay, Phạm Tuân lao xuống hạ cánh. Máy bay vừa tiếp đất đã rơi ngay vào hố bom rồi lại nhảy lên. Phạm Tuân tắt vội động cơ rồi thả dù giảm tốc nhưng máy bay lại nảy lên tiếp, chạy bằng cánh bên phải rồi tiếp tục lại nghe cái "rầm". Máy bay của anh đã lao xuống hố bom, nằm lật ngửa và quay lại 180 độ.
Trước đó vài phút, khi anh Trần Cung nhảy ra được khỏi buồng lái thì thấy Phạm Tuân xuống hạ cánh rồi thấy những vệt lửa sáng chạy dọc theo đường băng trước khi máy bay lao xuống hố bom. Thì ra, do lực va chạm mạnh nên những quả tên lửa không đối không đã "nhảy" ra khỏi bệ, mài trên mặt bê tông của đoạn đường băng, tạo ra những vệt lửa dài như vậy.
Phạm Tuân lấy chân đạp mạnh vào phần nắp buồng lái đã bị vỡ, tạo ra lỗ to hơn để tìm cách chui ra, cũng vừa lúc anh Trần Cung vừa tới nơi.
Hai anh dò dẫm trên đường băng và đã được đón về Sở chỉ huy rút kinh nghiệm.
Vũ Đình Rạng trực ban chiến đấu trên sân bay Gia Lâm với máy bay MiG-21F-96 nhận lệnh vào cấp 1 lúc 4h25 phút sáng và xuất kích lúc 4h43 phút sáng ngày 19-12.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 03 Tháng Tám, 2019, 07:01:03 pm
xuanv338 đang say mê đọc chuyện của những người hùng lính nhà giời. Anh phicongtiemkich viết tiếp đi ạ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Tám, 2019, 03:14:28 pm
Vâng, tôi bắt đầu viết tiếp đây, Xuanv338 ạ!.
Sau khi rời đất, Vũ Đình Rạng được dẫn về phía Chương Mỹ, lấy độ cao lên 3000 mét. Ba phút sau, Sở chỉ huy lệnh cho anh vứt thùng dầu phụ, bật tăng lực kéo lên độ cao 7000 mét, rồi 8000 mét lấy hướng bay ra phía Tân Lạc. Lúc này, Sở chỉ huy thông báo mục tiêu cách 8 km. Khi đến cự li 5 km, Vũ Đình Rạng phát hiện thấy 4 đốm lửa ở phía trước, đoán là ánh lửa từ động cơ của B-52 phát ra liền bật ra-đa trên máy bay của mình để xác định cho chính xác, nhưng ngay lập tức, các đốm lửa tắt ngấm và màn hình ra-đa bị nhiễu trắng hết, không thấy được mục tiêu.
Sở chỉ huy thông báo cảnh giới phía bên phải và ngay lập tức Vũ Đình Rạng phát hiện 2 quả tên lửa vụt qua sát máy bay mình. Máy bay của anh rung mạnh, hất lên phía trên tạo ra quả tải âm. Bụi trong buồng lái tung mù mịt. Vũ Đình Rạng kéo máy bay hạ thấp độ cao và cảm thấy khi vòng phải thì nhẹ mà khi vòng sang trái thì thấy rất nặng. Phán đoán máy bay đã bị chấn thương nhưng anh vẫn theo lệnh của Sở chỉ huy lấy độ cao. Sở chỉ huy thông báo mục tiêu ở phía trước, Vũ Đình Rạng phát hiện thấychiếc F-4 bay ở phía bên phải máy bay mình chừng 30 độ đang tăng lực lướt từ phía phải qua phía trái. Anh nhanh chóng vòng bám theo, tiếp cận thằng F-4 này và khi đến cự li 2500 mét với tốc độ 1100 km/h, anh ấn nút phóng tên lửa rồi thoát li về phía bên phải. Bay đến ngang Suối Rút, anh thấy máy bay mình bay không ổn định nhưng vẫn còn điều khiển được. Sở chỉ huy cho anh thoát li khỏi khu chiến, dẫn xuyên mây từ phía Thái Nguyên về đầu Bắc sân bay Gia Lâm hạ cánh.
Sân bay Gia Lâm khi ấy đã bị địch đánh hỏng nặng. Hệ thống đèn đêm của sân bay chưa khắc phục được, chỉ còn có 1 chiếc đèn chiếu ở phía hồ Lâm Du mà thôi. Khi Vũ Đình Rạng xuyên xuống, máy bay vượt qua sân bay Gia Lâm nên anh phải vòng lại. Lúc này, máy bay đã trở nên khó điều khiển hơn, đường xuống lại bị cao, không thể hạ cánh được. Vũ Đình Rạng vòng tiếp vòng nữa, lợi dụng ánh sáng của mấy chiếc Il-18 và Mi-4 đang cháy vì trúng bom địch, anh lao xuống hạ cánh. Tiếp đất với tốc độ lớn, máy bay bị "nhảy cóc". Tiếp đất lần thứ hai, anh tắt máy luôn và sau đó là thả dù giảm tốc đồng thời ấn cần lái vào sát bảng đồng hồ và bóp phanh hết cỡ. Chiếc máy bay vẫn lao vùn vụt, va vào những chướng ngại vật, gãy càng trước và tiếp tục lao qua những hố bom nhỏ, những rãnh và chỉ chịu dừng trước miệng một hố bom lớn ở giữa đường băng.
Vũ Đình Rạng thoát li khỏi máy bay và các đồng chí thợ máy đã nhanh chóng ra ứng cấp. Khi kiểm tra máy bay thì phát hiện thấy bánh lái lên xuống phía bên trái bị cụt mất 1/3 và có nhiều lỗ thủng trên máy bay do trúng mảnh tên lửa của bọn F-4 bắn.
Vậy là ngay đêm đầu tiên của chiến dịch 12 ngày đêm, các phi công bay đêm đã xuất kích 3 lần chuyến nhưng không tiếp cận được địch vì chúng gây nhiễu quá dày đặc và lực lượng tiêm kích F-4 đi yểm hộ B-52 đã quấy phá dữ dội nên ta không có cơ hội. Khi về hạ cánh thì cả 3 máy bay đều bị hỏng nặng vì quá nhiều hố bom trên đường băng và hệ thống ánh sáng đảm bảo cho hạ cánh không có. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng các phi công bay đêm vẫn kiên quyết tìm mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau những đợt đánh phá của bọn F-111 và B-52 vào các sân bay để ngăn cản ta xuất kích, nhân dân các địa phương quanh khu vực sân bay đã được huy động để cùng lực lượng công binh nhanh chóng sửa chữa gấp, khôi phục lại đường cất hạ cánh, sẵn sàng cho MiG cất cánh tiếp.
Với 2 sân bay Đa Phúc và Kép, vì đường băng bị địch đánh hỏng quá nặng nên các phi công đã quyết định cất hạ cánh bằng đường lăn và đường kéo dắt máy bay từ hầm để máy bay ra, cho dù chiều rộng của các đường này chỉ có 16 mét.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 07 Tháng Tám, 2019, 09:12:07 am
Trung tướng Chu Duy Kính - người từng nhiều năm giữ cương vị Chính ủy (từ Trung đoàn đến Quân chủng), từng gắn bó với các tầng lớp phi công ngay từ những ngày đầu đã nhận xét: "Nói đến bay đêm, đánh đêm là nói đến sự khó khăn, phức tạp rồi. Nếu như bay ngày, đánh ngày có thể phát huy được yếu tố con người như bay đội hình với các biên đội từ 2 chiếc trở lên để đánh vào đội hình lớn của địch thì bay đêm không thể làm thế được. Ban ngày có thể phát hiện, xác định cự li bằng mắt thường, công kích bằng mắt thường, công kích được nhiều lần, thoát li khỏi không chiến theo những hướng thấy thuận lợi nhất...thì ban đêm lại không thể. Bay đêm phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỹ thuật, vì vậy, những phi công bay đêm là nhưnmgx phi công giỏi. Ngay chuyện cất hạ cánh cũng thế. Cất hạ cánh vào ban đêm khó khăn hơn ban ngày nhiều chứ, khốn khổ hơn ban ngày nhiều chứ. Bọn Mỹ lựa chọn cách đánh phá ban đêm cốt loại trừ khả năng chiến đấu của MiG. Trước mỗi đợt đánh phá, chúng đều cho các máy bay F-111 hoặc A-6 đi đánh phá lại một lần nữa để phá nát đường băng của ta, để ta không thể tung máy bay lên trời được. Rồi chúng còn gây nhiễu đủ các loại với cường độ lớn để ra-đa của ta không phát hiện được đội hình của chúng...Vào ban ngày có thể nhìn thấy hố bom trên đường băng, có thể biết được đoạn đường cất cánh còn lại dài hay ngắn để định liệu, nhưng ban đêm thì đâu có thấy. Cất cánh ban đêm đã là rất nguy hiểm, nhưng hạ cánh về ban đêm trong những điều kiện ấy còn nguy hiểm gấp bội phần vì không có ánh sáng đảm bảo cho việc hạ cánh, lại còn không biết được đường băng còn dài hay ngắn, hố bom nằm ở đâu, bom nổ chậm nằm ở quãng nào...Gian nan, nguy hiểm lắm chứ!.Những chuyến xuất kích về ban đêm đều là những chuyến bay cảm tử. Bọn Mỹ dùng chiến thuật đánh đêm cốt loại trừ mối nguy hiểm từ MiG nhưng chúng không thể ngờ được các phi công bay đêm của ta vẫn xuất kích. Ta đã tìm ra cách dẫn dắt, cách phát hiện mục tiêu để lao vào cuộc chiến đấu. Một cuộc chiến đấu thật oanh liệt!. Nói về đánh đêm, ta không nên lấy số máy bay địch bị bắn rơi để đánh giá kết quả mà phải đánh giá về hoàn cảnh, về ý chí con người, trí tuệ con người phát huy tính sáng tạo, trong cái mạnh của địch tìm ra được cái điểm yếu của nó để đánh nó, về mức độ bảo vệ mục tiêu, mức độ bẻ gãy các đợt tấn công của địch, về sự hy sinh của ta nhiều hay ít... Qua những tháng năm chiến tranh ấy, tôi thấy hết được tính ưu việt của phi công Việt Nam: đấy là ý chí, kiến thức, sáng tạo. Đấy là chất của con người Việt Nam: không hề trốn tránh khỏi nhiệm vụ, cho dù có bị bắn rơi, nhảy dù xong lại tiếp tục đi chiến đấu ngay. Tôi tự hào về phẩm chất của phi công Việt Nam!"...
Trong những ngày cuối tháng 12 năm ấy, để cất cánh được trên những đoạn đường băng, đường lăn ngắn hẹp, các phi công đã phải sử dụng loại tên lửa bổ trợ SPRĐ-99 (mà vẫn được gọi bằng mật danh K-99). Loại tên lửa bổ trợ cất cánh này được treo gắn dọc theo thân máy bay ở phần phía sau máy bay, song song với trục dọc máy bay với những móc treo cấu tạo riêng. Mỗi quả tên lửa bổ trợ có 2200KG lực đẩy. Nếu cộng với cả lực đẩy của tăng lực trên máy bay thì tổng số lực đẩy sẽ lớn hơn trọng lượng của máy bay. Vì vậy, hầu như máy bay được "nhấc bổng" ngay tức thì. Đoạn đường cần cho cất cánh chỉ vài trăm mét thôi. Trong đêm, nhìn hai luồng lửa phụt ra từ hai bên sau máy bay và luồng lửa từ buồng tăng lực của máy bay tạo thành ba luồng lửa dài và máy bay như được phi lên từ ba luồng lửa ấy thì đấy là cảnh thật ngoạn mục, hoành tráng và đầy ấn tượng...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 08 Tháng Tám, 2019, 09:40:26 am
Riêng chuyện hạ cánh trong những ngày này với các phi công bay đêm thì không thể làm khác được, vẫn phải xuyên mây xuống theo phương pháp cũ thôi, còn cánh bay ngày thì mỗi người "sáng tác" ra mỗi kiểu cho riêng mình. Thời kỳ ấy, bọn tiêm kích F-4 chuyên tổ chức mai phục ở hai đầu loa cất hạ cánh để đánh chặn MiG nhất là khi đi chiến đấu về, dầu liệu còn ít và nhiều khi máy bay bị thương nên không cơ động gấp được. Chúng đã thành công một số lần, bắn hạ máy bay MiG ngay khu vực đầu loa cất hạ cánh rồi. Chính vì thế mà bọn tôi phải tìm cách tiếp đất thật nhanh, thật an toàn trong mọi tình huống. Thời gian ở trên không trong khu vực sân bay càng ngắn càng tốt vì bọn F-4 có ưu thế về tốc độ mai phục và lại chủ động tấn công nữa nên không thhể chần chừ được. Riêng tôi thì tôi áp dụng phương pháp bay với tốc độ lớn (khoảng 900-950 km/h) rẹt ngang đường cất hạ cánh ở độ cao vài ba chục mét sau đó kéo gấp máy bay về đầu hạ cánh, thu hết cửa dầu và thả cánh tà 25 độ để tăng lực nâng. Khi tốc độ nhỏ hơn 700 km/h thì cải máy bay ra bay bằng, thả càng rồi đẩy cửa dầu lên vị trí gần như lớn nhất, tiếp tục kéo vòng về đầu đường băng. Độ cao trong cả quá trình này đều giữ ở 30-40 mét. Khi đối chuẩn hướng hạ cánh xong liền thả cánh tà 45 độ rồi kéo cửa dầu về nấc SPS. Hệ thống SPS vừa làm việc thì cũng vừa đến độ cao kéo bằng. Tiếp tục cho máy bay có tư thế tiếp đất bằng hai bánh sau. Khi máy bay tiếp đất xong, thu hết cửa dầu về nhỏ phần, vẫn giữ bánh mũi chưa cho tiếp đất vội. Đến tốc độ nhỏ không giữ được bánh mũi nữa thì hạ bánh mũi, thả dù giảm tốc và phanh để điều chỉnh cự li thoát li khỏi đường băng, lăn vào ụ sơ tán và nhảy ra khỏi máy bay đề phòng bọn F-4 đến bắn phá hoặc rải bom bi. Mọi động tác phải thật nhanh, thật chuẩn xác và thời gian chỉ được tính bằng từng giây một. Chiến tranh đã làm cho chúng tôi có những phản xạ nhanh nhậy và có lẽ cũng nhờ đó mà chúng tôi còn ngồi được ở đây để gõ phím chia sẻ cùng các đồng đội về những gì đã qua...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 11 Tháng Tám, 2019, 06:04:00 pm
xuan338 chào anh phicongtiemkich. Thật lý thú khi đọc xong mỗi bài viết của anh. Hôm trước vui quá vì xuanv338 được gặp hẳn 4 anh phi công tiêm kích. Chà! Lần đầu tiên đó đời em đó anh Công Huy. Sau khi đăng mấy tấm hình chụp chung cùng các anh phi công. Em đã mạn phép anh mang đoạn trích  " Cái chuyện chọn hướng của cánh lái" Đọc vừa hài hước vừa thấy run thay cho các anh lái lần đầu lên trời. Bà con làng fb tới tán thưởng vui lắm.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 21 Tháng Tám, 2019, 08:56:23 pm
Cám ơn Xuanv338 luôn chia sẻ, động viên. Hôm rồi, tôi tranh thủ ghé vô Nam được 3 ngày, thăm lại các bạn bè cũ, thăm mấy anh bậc đàn anh rồi cũng bố trí được mấy tiếng đồng hồ ngồi bù khú với nhau. Các cựu phi công của MiG-17, MiG-19 và MiG-21 tuy bay ở các loại khác nhau nhưng đều cùng nhập ngũ, cùng trang lứa nên ngồi với nhau thật lắm chuyện. Càng ngày thì càng "lộ" ra những thứ mà trước kia chỉ biết sơ sơ hoặc chẳng biết gì. Ví như cách về hạ cánh chẳng hạn, có anh khi lăn về sân đỗ thì mọi người xúm quanh máy bay, bàn bạc tranh cãi ngậu xị lên là cái thứ giắt trên máy bay là thuộc loài cây nào: bạch đàn, xà cừ hay phi lao?. Bởi chàng phi công vào thấp quá, quẹt luôn cánh vào hàng cây, tiện phăng luôn một cành giắt vào cánh và đủng đỉnh tiếp đất, lăn về sân đỗ. May mà không việc gì. Lại có anh kéo theo một cành tre bên nách cánh máy bay, lúc lăn về sân đỗ trông tựa như con bò vừa đi vừa nhai cỏ ấy. Anh ta bay thấp quá, va luôn vào ngọn tre, giắt luôn một cành vào chỗ bệ phóng tên lửa. Mà khi va quệt, một quả tên lửa bị gãy đầu. Khi ngoảnh sang, chàng ta giật mình, bụng bảo dạ: "Kiểu này là nguy to rồi!", nhưng mà sau khi trấn tĩnh thì lại nghĩ: vậy "nó" mất đầu thì phóng có ra hay không nhỉ, chi bằng ghé ngay vào phía chân núi, ấn một phát thử xem. Quả tên lửa lao cái vụt. Chàng ta kết luận: "Vẫn ra!". Thế là đủng yên tâm về và tạo ra cái cảnh tượng đấy ấn tượng kia. Cũng có anh rẹt dọc bờ biển để ngắm các nàng nằm phơi nắng, suýt ngụp vào sóng... Tức là rất nhiều chiêu trò mà các thủ trưởng thời ấy ít khi phát hiện, thi thoảng chỉ thấy anh nào bay thấp trong phạm vi sân bay thì gọi là "Khu-li-gan trên không" - tức là "lưu manh trên trời" mà thôi. Về hưu cả rồi, bây giờ mới bộc bạch hết vì chẳng còn gì để sợ nữa. Thế mới hay chứ!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 23 Tháng Tám, 2019, 10:08:42 am
Trở lại những ngày đêm của cuối tháng 12-1972. Trong đêm 18-12, phi công Nguyễn Đức Chiến trực ban chiến đấu trên sân bay Kép, nhưng sân bay bị bọn F-111 và B-52 đánh hỏng nặng, không thể cất cánh được. Chiều ngày hôm sau - ngày 19-12, Nguyễn Đức Chiến được máy bay trực thăng đưa lên sân bay Phú Thọ (sân bay cũ của Pháp xây dựng) để trực. Sân bay Phú Thọ lúc này nền đất còn ẩm ướt. Nguyễn Đức Chiến đi tyển đường băng thấy  giày mình bị lún nên rất lo lắng, tính toán tìm mọi cách để làm sao có thể cất cánh được trên cái nền đường băng ẩm ướt này. Chiếc trực thăng Mi-6 cẩu chiếc MiG-21 đeo đầy đủ vũ khí, thùng dầu phụ cùng 2 quả tên lửa bổ trợ lên sân bay Phú Thọ, nhưng gặp sự cố bị đứt giây cáp, gây hỏng máy bay. Nguyễn Đức Chiến chờ đợi ở sân bay Phú Thọ đến trưa ngày 21-12 thì được đón về sân bay Đa Phúc.

 Đêm 20-12-1972, B-52 lại bay 3 đợt, sử dụng đường bay tiếp cận hẹp từ Tây Bắc xuôi về Hà Nội.
 Vũ Xuân Thiều trực ban chiến đấu với loại máy bay MiG-21F-94 vào cấp 1 lúc 19h12 phút và xuất kích chiến đấu lúc 19h27 phút từ đường lăn sân bay Đa Phúc, được dẫn về phía Việt Trì - Phú Thọ.
 Vũ Đình Rạng trực trên máy bay MiG-21 F-96 vào cấp 1 sau Vũ Xuân Thiều 1 phút và cất cánh lúc 19h32 phút từ sân bay Gia Lâm, được dẫn về khu vực Mộc Châu - Suối Rút.
 Cả hai phi công đều có nhiệm vụ đánh chặn tốp B-52 đang bay vào từ hướng Tây Bắc.
Được Sở chỉ huy dẫn dắt tốt, cả hai phi công đều phát hiện được mục tiêu, nhưng khi còn cách tốp B-52 chừng 7-8 km thì đều bị địch phát hiện. Tất cả đội hình B-52 tắt đèn hàng hành. Trên màn hình ra-đa các máy bay MiG bị nhiễu rất nặng, không sao phát hiện được mục tiêu, phải quay về hạ cánh.
Vũ Xuân Thiều hạ lúc 20h08 phút và Vũ Đình Rạng tiếp đất lúc 20h22 phút.
 Trong trận này, tuy cả hai phi công Thiều và Rạng chưa có điều kiện bám sát, phát hỏa nhưng đã làm cho đội hình B-52 và bọn tiêm kích hộ tống rối loạn, làm giảm lượng nhiễu thả ra, gây khó khăn cho kế hoạch ném bom của chúng và cũng chính điều đó đã tạo điều kiện cho các trắc thủ tên lửa phân biệt được các loại dải nhiễu của đội hình có B-52 dễ dàng hơn, chính xác hơn.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 31 Tháng Tám, 2019, 08:32:12 pm
Đêm 20-12 kết thúc với cái giá Mỹ không chịu đựng nổi. Mỹ công nhận bị rơi 4 chiếc B-52G và 2 chiếc B-52D, còn chiếc B-52D thứ ba thì bị hư hỏng. Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ (SAC) không thể tiếp tục làm nhiệm vụ nếu để mất mỗi đêm 6 máy bay B-52 hay thậm chí chỉ ba chiếc thôi. Lực lượng ở Gu-am được nghỉ xả hơi trong một thời gian. Việc đánh giá lại tình hình được tiến hành. Đêm thứ tư, lực lượng này không được sử dụng để đánh miền Bắc Việt Nam. Thay vào đó là 30 máy bay B-52 đưa vào vùng trời miền Nam Việt Nam để huấn luyện các kíp bay mới. Nỗ lực ném bom đêm để đánh phá Hà Nội được giao cho 30 máy bay ở U-ta-pao thực hiện.
 Đêm 21 tháng 12, các cuộc đánh phá đều do B-52 từ căn cứ U-ta-pao thực hiện.
 Phi công Nguyễn Đức Chiến từ Phú Thọ về trực ban chiến đấu (thay cho Vũ Đình Rạng bị huyết áp cao) trên sân bay Đa Phúc với loại máy bay MiG-21F-96 đeo 2 quả tên lửa bổ trợ giúp cất cánh nhanh chóng trên đường băng ngắn hẹp. Đức Chiến vào cấp lúc 2h45 phút.
 3h09 phút, Nguyễn Đức Chiến xuất kích trên đường băng đất. Máy bay vừa tách đất thì bị bọn F-4 lao đến bắn. Nguyễn Đức Chiến vứt tên lửa bổ trợ và cơ động tránh tên lửa. Tới lúc Chiến vừa cải máy bay ra thì bất ngờ thấy chiếc F-4 to lù lù ngay bên cạnh máy bay mình, cánh chiếc F-4 như đè lên cánh chiếc MiG. Trời lúc ấy có ánh trăng và cự li rất gần nên Nguyễn Đức Chiến nhìn rõ 2 thằng phi công trong buồng lái. Thằng F-4 xông vọt lên trước vì tốc độ lớn. Nguyễn Đức Chiến liền cho máy bay mình bám theo, chuẩn bị ngắm bắn thì thằng F-4 tắt tăng lực nên Nguyễn Đức Chiến không nhìn thấy mục tiêu nữa. Sau này gặp tôi, Chiến nói: "Kể khi ấy cứ hướng theo đường bay của thằng F-4 mà nã một quả tên lửa có khi lại hay. Nhiệt của động cơ thằng F-4 khi ấy chắc vẫn còn lớn, biết đâu tên lửa mình tìm được!". Thực ra, khi ấy cũng chẳng ai quyết định như vậy cả vì luôn phải chắc ăn thì mới bắn. Nhưng đấy cũng là chuyện có một không hai xảy ra về ban đêm.
 Sau đó Sở chỉ huy dẫn Nguyễn Đức Chiến bay xuyên qua khu vực Tam Đảo - Ba Vì để đánh chặn bọn B-52 bay từ phía Tây sang.
 Cũng giống như các chuyến xuất kích của Vũ Xuân Thiều và Vũ Đình Rạng trước đó, Chiến không thể tiếp cận được B-52 nên Sở chỉ huy dẫn anh quay về hạ cánh.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 07 Tháng Chín, 2019, 03:46:20 pm
Khi xuất kích, thời tiết đã xấu lắm rồi. Khi về hạ cánh, nó còn tồi tệ hơn nữa. Xuyên đi xuyên laị mà không thấy được đường băng, dầu liệu lại sắp cạn nên Sở chỉ huy dẫn Nguyễn Đức Chiến vòng ra phía Hòa Bình để nhảy dù. Nguyễn Đức Chiến đành phải rời bỏ máy bay, nhảy dù và tiếp đất ở vùng Kỳ Sơn - Hòa Bình.
 Phi công Bùi Doãn Độ trực chiến với loại máy bay MiG-21F-94 chuyển cấp sau Nguyễn Đức Chiến 13 phút, tức là vào lúc 02h58 và xuất kích chiến đấu lúc 03h18 phút. Anh cũng được dẫn về phía Tây để đánh chặn bọn B-52. Khi lên đến độ cao 4000 mét, Bùi Doãn Độ phát hiện được đèn của bọn B-52 bay đối đầu ở trên độ cao 10.000 mét. Anh bật tăng lực, vòng lại, kéo máy bay lên lấy độ cao. Vẫn thấy đèn của bọn B-52 nhưng máy bay của anh bị "treo" vì tốc độ còn quá nhỏ và chênh lệch độ cao lại khá lớn: anh thấp hơn lũ B-52 đến 2000 mét.
Đúng lúc ấy, bọn B-52 tắt đèn hàng hành. Bùi Doãn Độ không phát hiện bằng mắt thường được nữa liền bật ra-đa trên máy bay lên nhưng bị nhiễu rất nặng, không nhìn thấy gì. Sở chỉ huy đẫn anh về hạ cánh lúc 04h02 phút.
Thời gian đó, ta áp dụng chiến thuật "đi thấp kéo cao" (một số tài liệu gọi là "chiến thuật thia lia đớp mồi") để đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, nhưng chiến thuật này khi áp dụng cho đánh ngày và nhất là ở chiến trường "cán xoong" khu Bốn thì có tác dụng, còn cho đánh đêm ở khu vực miền Bắc, nó đã bộc lộ những nhược điểm cần được khắc phục. Đó là khi ta nhìn thấy B-52 bằng mắt thường qua các dãy đèn hàng hành của chúng nhưng không tiếp cận được bởi độ cao của ta và địch chênh nhau quá lớn. Khi máy bay ta kéo lên thì tốc độ ngày càng giảm, máy bay bị "treo". Vừa thấp hơn lại tốc độ nhỏ như thế thì ta bị tụt hậu là chuyện đương nhiên. Phần nữa, trên các máy bay địch bấy giờ đã được trang bị hệ thống cảnh báo MiG và sử dụng các loại nhiễu công suất lớn, dày đặc nên ta gặp khó khăn rất lớn trong quá trình dẫn dắt. Không chỉ một mình phi công Búi Doãn Độ gặp phải tình trạng ấy mà một số phi công khác cũng đã trải qua cảnh ngộ tương tự như vậy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 08 Tháng Chín, 2019, 03:28:35 pm
Đêm 23 tháng 12 năm 1972, 12 máy bay B-52D từ căn cứ Andersen phối hợp với 18 máy bay B-52D từ U-ta-pao vào đánh phá.
Phi công Bùi Doãn Độ trực ban chiến đấu trên loại máy bay MiG-21F-96 nhận lệnh chuyển cấp vào lúc 04h38 phút và xuất kích vào lúc 04h44 phút.
Phi công Nguyễn Khánh Duy trực chiến trên loại máy bay MiG-21F-96 vào cấp lúc 05h06 phút và cất cánh lúc 05h11 phút.
Cả hai phi công đều được dẫn về phía Tuyên Quang để đánh chặn những tốp B-52 bay từ hướng Tây vào nhưng vì mật độ nhiễu quá dày đặc, không thể phát hiện được B-52 nên Sở chỉ huy dẫn Bùi Doãn Độ về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 05h06 phút và Nguyễn Khánh Duy về hạ cánh ở sân bay Kép lúc 06h10 phút.
Phi công Lưu Văn Hinh trực ban chiến đấu với loại máy bay MiG-21F-94 ở sân bay Đa Phúc, nhận lệnh vào cấp 1 lúc 18h51 phút, xuất kích lúc 18h58 phút bằng tên lửa bổ trợ SPRĐ-99 trên đường lăn. Cũng giống như chuyến xuất kích của các phi công trước, Lưu Văn Hinh không tiếp cận được B-52 nên phải quay về hạ cánh lúc 19h42 phút. Vì tiếp đất ở quá xa đầu đường băng, máy bay của Hinh va vào dải cát bảo hiểm nên gãy luôn 3 càng. Máy bay hỏng nhưng may mắn phi công an toàn.
Đến ngày 15 tháng 12, chiến dịch Linebacker II đã kéo dài 1 tuần. Do bị thiệt hại nặng và lấy cớ nghỉ lễ Nô-en. Vào lúc 24 giờ ngày 24 tháng 12, phía Mỹ tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần cho các phi công và chuẩn bị cho các cuộc oanh tạc mới.
Tổng thống Nich-xon hy vọng sẽ có một cử chỉ nào đó từ phía Hà Nội nhân dịp ngừng ném bom này, nhưng không có cử chỉ nào cả.
Vào ngày 25 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã triệu tập Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt 1, thống nhất một số biện pháp chính để chuẩn bị chiến đấu đợt 2.
Cho đến lúc này, một số phi công của ta đã sẵn sàng làm "quả tên lửa thứ ba" (sau khi đã bắn hết hai quả tên lửa mà không diệt được mục tiêu thì lao máy bay vào B-52, coi máy bay của mình như một quả tên lửa). Quyết tâm chiến đấu sẵn sàng hy sinh thân mình để tiêu diệt địch là sự tiếp nối và phát triển tinh thần "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" của bộ đội ta những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng lại không phù hợp với tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến "đánh chắc thắng, tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu và bồi dưỡng lực lượng ta".
Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chỉ đạo cả cơ quan và các đơn vị thảo luận, phê phán những biểu hiện hữu khuynh tiêu cực, cho rằng MiG không thể tiếp cận và bắn rơi được B-52 của địch; đồng thời phê phán những biểu hiện nôn nóng có thể dẫn đến đánh ẩu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 09 Tháng Chín, 2019, 10:18:59 pm
Nghiên cứu quy luật, thủ đoạn hoạt động của địch, các sĩ quan chỉ huy, dẫn đường và phi công đều nhận thấy vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Không quân là phải giữ được bí mật, tạo yếu tố bất ngờ về địa điểm và thời cơ cất cánh.
 Trước đây hai ngày, vào ngày 23-12, Sở chỉ huy Binh chủng Không quân đã quyết định sử dụng phương án đánh ban ngày. Hôm ấy, lực lượng của Trung đoàn KQ 921 làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút đối phương ở phía Bắc Tam Đảo< còn Trung đoàn KQ 927 sử dụng biên đội 2 chiếc MiG-21 của Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Kiền đánh phía chính ở Nam Hòa Bình.
13h30 phút, phi công Trần Sang cất cánh từ Kép bay về Phú Lương rồi vòng đi hướng 270 độ trên độ cao 8000 mét. Khi Trần Sang qua Phú Lương được 2 phút thì xuất hiện tốp mục tiêu bay từ Phú Thọ lên phía Sơn Dương. Trần Sang chuyển từ nhiệm vụ nghi binh sang tấn công. 13h45 phút, Trần Sang bật tăng lực vòng trái về hướng 140 độ tạo thế đối đầu với tốp địch. Sau khi phát hiện mục tiêu, Trần Sang quần nhau kịch liệt với tốp 12 chiếc F-4. Thấy tiếp tục quần thảo như thế sẽ không có lợi nên lúc 13h53 phút, Sở chỉ huy lệnh cho Trần Sang thoát li khỏi khu chiến và về sân bay Kép hạ cánh.
13h40 phút, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Kiền cất cánh từ sân bay Đa Phúc vòng về hướng Phủ Lý, xuyên mây lên và vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ, lấy độ cao, tránh tốp tiêm kích để đánh vào tốp cường kích từ phía Tây Sầm Tơ bay vào phí Suối Rút. Cả hai phía đều pgát hiện ra nhau,. Bọn F-4 phóng tên lửa liên tục vào đội hình biên đội MiG. Biên đội MiG vừa tránh tên lửa vừa tiếp cận địch. Bọn F-4 bắt đầu tách tốp theo chiến thuật truyền thống của chúng. Tức là một bọn vòng xuống, một bọn vòng lên. Một đằng vòng gấp, đằng kia thì vòng từ từ cố ý "nhử" ta. Nhưng số 1 Nguyễn Văn Nghĩa đã nhanh hơn bọn chúng, dùng ngay chiến thuật của bọn chúng để nện chúng. Anh hô cho số 2 đánh tốp bên trái còn mình thì đánh tốp bên phải. Khi Nghĩa tìm cách cắt bán kính vào phía bên trong thằng F-4, đến cự li 1300 mét, điểm ngắm đã ổn định, anh ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không nhanh chóng rời bệ phóng, lao thẳng vào thằng F-4, biến nó thành bó đuốc lớn ở trên trời. Sau khi thoát li, anh lại phát hiện thấy một chiếc nữa đang vòng cùng hướng, liền nhanh chóng đặt điểm ngắm và ấn nút phóng nốt quả tên lửa còn lại rôi thoát li.
Trong lúc đó, số 2 Lê Văn Kiền vẫn yểm hộ số 1 và quan sát thấy phía bên phải có F-4, anh nhanh chóng lợi dụng thời cơ bám theo, đến cự li khoảng 1000 mét thì phóng tên lửa. Vì cự li quá gần, hơn nữa phía sau anh lại đang có 2 thằng F-4 đang đeo bám nên anh kéo gấp máy bay thoát li nhanh khỏi trận chiến và quay ngay lại đối đầu với bọn F-4. Đến lúc này thì bọn F-4 đành tăng tốc bỏ chạy, không muốn giao chiến nữa. Cả biên đội lập tức quay về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc.
Khi đó, tại khu vực Hòa Bình vẫn có nhiều tốp máy bay địch hoạt động. Nhận định đây có thể là bọn đến tìm cứu phi công nên Sở chỉ huy cho Trần Việt xuất kich. Tuy nhiên, do không phát hiện được mục tiêu, Trần Việt nhận lệnh thoát li, về hạ cánh.
Trong trận không chiến này, Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi chiếc F-4 trên vùng trời Hòa Bình. Đây là chiếc máy bay thứ 5 anh bắn hạ và cũng là chiếc đầu tiên bị bắn hạ trong chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Suốt trong thời gian "12 ngày đêm", số lượng phi công trực tiếp tham gia chiến đấu còn lại rất ít. Kể cả bay đêm lẫn bay ngày chỉ còn hơn chục người. Ban đêm xuất kích từng chiếc một là chuyện đương nhiên rồi, nhưng ban ngày không ít lần cũng đều phải xuất kích một chiếc. Nhiệm vụ rất nặng nề, chênh lệch lực lượng lại quá lớn nhưng các phi công không hề quản ngại khó khăn gian khổ, không hề tính đến chuyện chỉ một mình trên trời đối chọi với hàng đàn quạ Mỹ, vẫn hiên ngang, dũng mãnh lao vào trận chiến và tìm cách trở thành người chiến thắng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 24 Tháng Chín, 2019, 08:29:06 am
Tôi tạm dừng viết về những phi công đánh đêm mà dành viết cho một người anh - một Anh hùng, một phi công huyền thoại bay trên MiG-17, từng tiêu diệt 7 máy bay Mỹ đã hóa thành những đám mây trắng bồng bềnh nhàn tản giữa trời xanh...: Anh Nguyễn Văn Bảy. Anh Bảy trong đơn vị được gọi là Bảy A, nhưng anh lại còn có tên húy là Bảy "cồ". Khi vợ chồng tôi cách đây dăm năm vào quê Lai Vung, Đồng Tháp thăm anh, tôi có hỏi về cái tên húy ấy thì anh cười, trả lời: "Cái tên ấy là ở sự tích mà thằng Lương đặt cho. Hồi đó vào sân đá banh, mà mầy biết đấy, ở nhà quê thì lấy đâu ra banh mà đá. Thế là khi vào sân bóng, tao thấy trái banh mà cứ lớ nga lớ ngớ, không biết đá thế nào. Thằng Lương thấy vậy bèn hét lên: sao mày cứ như con gà cồ thế mày?. Vậy là tao có cái tên Bảy "cồ" từ ngày đó!". Anh Lương cũng là một phi công bay MiG-17 và đã hy sinh trong chiến đấu. Anh Bảy thuộc lứa đàn anh của tôi và ở khác Trung đoàn nhưng quý tôi vì tôi hay bay cơ động và trực chiến ở các sân bay phối hợp cùng lực lượng MiG-17 và MiG-19 nên quen biết nhau hết. Hôm đến quê anh, nhìn thấy vỏ quả bom bi mẹ anh dùng làm thuyền bơi để thả thức ăn cho cá và đánh cá dưới ao thì tôi bảo: "Thằng Mỹ mà thấy thế này thì phải gọi anh bằng cụ và phục xuống lạy lấm mũi!". Anh chỉ cười thôi. Anh đánh cá dưới ao lên, lấy một con hấp làm đồ nhắm còn một con nấu cháo. Anh bảo vậy là đủ. Mà không chỉ đủ, thừa thãi là cái chắc. Trời nóng hầm hập, nhà anh chưa xây nên cất tạm trên bờ ao, lợp tôn thành thử nóng kinh khủng. Vậy nhưng mấy anh em tôi vẫn ngồi uống rượu mít. Anh nói mít nhà trồng quanh bờ ao, bán chẳng được, cho cũng chẳng ai lấy vì nhà nào cũng đầy ra. Thế là anh bóc cho vào chum rượu, ngâm và ... uống dần. Bữa rượu rõ vui. Sau vài chén thì anh hỏi tôi: "Ủa, nhưng mà sao mầy tìm đến đây được nhỉ?". Tôi vừa cười vừa trả lời: "Anh ơi! Bần cư trung thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm mà. Em là bần cư còn anh thì khác nên tầm đến anh thôi!". Anh lại cười: "Bần cư dáng ngựa đen như sắn. Cú tại mang tai đứng chết trân thì có!". Tôi thắc mắc: "Vậy là sao, anh Bảy?". Thì là..., anh cười: bần cư chẳng đen đúa hay sao, chẳng dáng như con ngựa gầy hay sao. Mà cú tại mang tai là cho một đấm vào mang tai thì chẳng đứng chết trân ra hay sao mà mầy còn hỏi. Tôi cười to: "Vậy anh đừng cú tại mang tai em nhé, kẻo em chẳng dám đến thăm anh nữa đâu!". Anh lại cười: "Thôi, uống đi mầy!". Anh hàn huyên: nếu năm nay tao mà chết thì tao được thêm hai con bảy vì tao bảy bảy tuổi. Đời tao gắn liền với nhiều con số bảy lắm. Này nha, sinh năm ba bảy, là con thứ bảy trong gia đình, vào bộ đội năm mười bảy, bay trên MiG-17, bắn rơi bảy máy bay Mỹ, được phong Anh hùng năm sáu bảy... thì nếu năm nay... lại chẳng thêm hai con bảy nữa à. Mà quê tao làm ma to lắm đó!. Tôi cũng cười: vậy ngõ nhà anh phải mở rộng thêm bảy mét nữa!. Anh hỏi: làm chi mầy?. Tôi vẫn cười: để bảy con trâu kéo quan tài anh Bảy chứ sao!. Anh cười to: Ờ, thằng này vậy mà hay. Thôi, uống tiếp mầy!. Tôi hầu rượu anh đến tận cuối bữa. Sau khi mỗi người húp một bát cháo cá, trước khi chia tay, anh ra bờ ao bẻ mít xuống, bắt chúng tôi phải đem về làm quà. Tôi đã tha số mít ấy ra tận Hà Nội. Lúc chia tay, anh đứng vẫy vẫy trong tâm trạng bùi ngùi, chắc còn muốn giữ chúng tôi ở lại lâu hơn nữa mà chẳng được. Tôi cười và nói to: "Anh phải sống ít nhất là tám bảy, còn không thì chín bảy hay một trăm lẻ bảy và nhớ mở rộng ngõ ra bảy mét, anh nha!. Mà lần sau em đến, anh đừng cú tại mang tai nha!". Anh cười vui lắm...
Thế mà đã 5 năm trôi qua. Trong thời gian ấy, có lần tôi tạt vào Sài Gòn thăm anh khi anh bị tai nạn: gãy xương sườn và gãy tay. Anh tâm sự: "Kể tao chết ngay lúc đó thì sướng lắm vì không biết gì, đỡ đau đớn, chứ chết trong đau đớn thì chán lắm!. Mà sao mầy lại không rót rượu?". Tôi trả lời: "Anh đã đến chín bảy đâu mà đòi "đi"!". .Rồi lần anh ra Bắc họp, tôi có dẫn Giangtvx cùng Phaphai đến gặp anh ở Trạm khách của Quân chủng PK-KQ, rất vui. Anh cũng vẫn đem chai rượu ra, chia đều cho các suất và chỉ nói: "Uống đi!. Hết thì lại lấy tiếp!". Hôm ấy Giangtvx và Phaphai trực tiếp gặp gỡ với người Anh hùng huyền thoại ấy và thực sự ngưỡng mộ.
Tôi đã có ý định vào thăm anh lần nữa, về lại nơi quê anh. Biết rằng anh chị đã xây được ngôi nhà khang trang rồi nên muốn vào chúc mừng nhưng chưa đi được. Chợt nghe tin anh đổ bệnh. Hỏi thăm thì biết rằng anh khó qua khỏi và rồi... anh đã ra đi. Tôi rất buồn, chưa bao giờ tôi nghĩ anh lại "đi" nhanh đến thế. Một cái gì đó hẫng hụt trong tôi... Những người Anh hùng phi công cứ lần lượt ra đi, để lại cả khoảng trống vắng ghê gớm cho cả một khoảng trời. Vẫn biết rằng không ai cưỡng lại được quy luật của tạo hóa, nhưng mà cứ muốn níu kéo, cứ mong mỏi về sự tồn tại...
Ngày nay là ngày đưa tang anh. Tôi không thể vào viếng anh được. Chỉ mong muốn những dòng chứ này là những nén tâm nhang để kính viếng anh. Cầu mong anh luôn thanh thả như những đám mây trắng nhởn nhơ giữa trời xanh yên bình!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Chín, 2019, 10:36:06 pm
Đồng đội thật chí tình !


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 25 Tháng Chín, 2019, 07:55:07 am
Thương chú Bảy quá! Trưa thứ bảy cháu tranh thủ vào 175 thăm nhân chuyến công tác về tp HCM. Một mình đứng lặng ngắm chú và mong về một điều kỳ diệu. Vậy mà tối hôm sau ra HN thăm mẹ cháu thì đã nghe tin dữ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 25 Tháng Chín, 2019, 10:27:00 am
xuanv338 xin được gửi lời chia buồn tới gia quyến người anh hùng vĩ đại của không quân Việt Nam. Bác Nguyễn Văn Bảy. Xin được chia buồn cùng các anh  thuộc binh chủng lính nhà trời. Dẫu biết rằng nuối tiếc ở bất cứ ai nhưng quy luật mình không thể đi trái ngược. Vĩnh biệt người anh hùng đã từng làm trởi nghiêng đất ngả. Mỹ phải kinh hoàng về an vui trong miền cực lạc. Ở đó vẫn có bầu trời riêng cho lính không quân.  Anh phicongtiemkich. Xin phép anh em cóp bài viết này của anh viết về người anh hùng phi công Nguyên Văn Bảy mang về miền đất mới cho mọi người được đọc. Bài viết anh hay quá! mọi người đọc thấy xúc động và hiểu thêm được nhiều về người lính nhà trời nay cũng đã về trời. Thật tiếc. Năm 2012, 2015. Có đến hai lần xuanv338 tới Lai Vung viếng thăm mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Lai Vung. Nếu biết người hùng đang sống tại Lai Vung thì chắc xuanv338 sẽ vào thăm bác và sẽ có những tấm hình chụp cảnh miệt vườn đất miền Tây với anh phi công thì giờ có bao chuyện và tự hào vì mình đã được gặp anh phi công bắn 7 máy bay của Mỹ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 25 Tháng Chín, 2019, 06:18:12 pm
Hôm nay đến thăm AHPC Nguyễn văn Cốc, chú còn nhớ rất nhiều. Cả việc chú Huy PCTK gặp và lấy cô ra sao. Chúc chú hồi phục và hứa với chú sẽ đưa mẹ và vợ con đến thăm chú. Chú đòi địa chỉ của mẹ để đến thăm vì nghĩ khi về học đề cao thì là lính của ba Tào. Lính thì phải đến thăm nhà thủ trưởng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 28 Tháng Chín, 2019, 03:34:25 pm
Cám ơn Giangtvx, Xuanv338, HaiAnh... đã cùng chia buồn với tôi và gia đình anh Bảy"cồ". Khi vợ chồng tôi đến Lai Vung từ những năm trước để thăm anh, tôi đã "chộp" được một pô ảnh có cả hai anh chị đang cười tươi. Theo tôi thì đây là bức ảnh tương đối hiếm vì chị không bao giờ để cho ai chụp chị cùng với anh cả. Tôi càng ngắm bức ảnh lại càng buồn. Ngày qua, ngày nay tôi, anh Trần Việt, anh Nguyễn Văn Nghĩa, anh Nguyễn Văn Quang..trong đoàn bay MiG-21 khóa Ba chúng tôi gặp nhau, đều nhắc về anh Bảy với đủ những kỷ niệm đẹp. Cũng may là nhà văn Trúc Phương đã viết xong cuốn "Người Anh hùng chân đất" về anh Bảy, kịp để anh tổ chức ra mắt sách và tặng các anh em, đồng đội. Dịp vừa rồi, tôi cùng anh Nguyễn Văn Nghĩa cũng đã đến thăm anh Nguyễn Văn Cốc (khi anh Nghĩa bay từ Sài Gòn ra). Anh Cốc thì vẫn tạm ổn, trí nhớ còn minh mẫn lắm, chỉ tội bây giờ anh phải nằm nhiều bởi máu lên não ít. Cũng tội. Các phi công tiêm kích cả một thời trai trẻ đã vắt kiệt sức lực mình trong các trận không chiến, trong các bài bay kỹ thuật nhào lộn cao cấp... nên sau này cơ thể phải gánh chịu nhiều thứ bệnh tật mà ta vẫn gọi là bệnh nghề nghiệp. Chẳng ai giúp được ai vì mỗi người bị mỗi kiểu khác nhau.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười, 2019, 04:11:40 pm
Khi vợ chồng tôi đến Lai Vung từ những năm trước để thăm anh, tôi đã "chộp" được một pô ảnh có cả hai anh chị đang cười tươi. Theo tôi thì đây là bức ảnh tương đối hiếm vì chị không bao giờ để cho ai chụp chị cùng với anh cả.
Vậy bác chia sẻ với mọi người đi chứ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Mười, 2019, 08:53:01 am
Tôi đã gửi bức ảnh ấy cho Bảo tàng Quân chủng PK-KQ và khi nào gặp Giangtvx, tôi sẽ "khoe" riêng thôi.
 Vĩnh biệt người Anh hùng huyền thoại Nguyễn Văn Bảy với cuộc đời ngát thơm như hương sen Đồng Tháp!. Bây giờ hãy trở lại với Phi đội đánh đêm, với các phi công đánh đêm ngày ấy.
 Do tất cả các sân bay ở miền Bắc đều đã bị địch phát hiện và đánh phá liên tục hai đến ba ngày liền, hoặc cách một ngày đánh một ngày làm cho ta không đủ thời gian khôi phục, cần phải bí mật cơ động đến các sân bay ở vòng ngoài, phối hợp chặt chẽ giữa Sở chỉ huy trung tâm và Sở chỉ huy vòng ngoài để dẫn dắt.
Từng Sở chỉ huy phải tìm cách thu và phân tích nhanh chóng cùng một lúc tất cả các tình báo của nhiều Đại đội ra-đa dẫn đường, mới tạo ra khả năng phán đoán đúng tốp B-52 để dẫn MiG-21 vào tiếp cận và kiểm soát được các tốp F-4 yểm hộ nguy hiểm để nhanh chóng dẫn ta vượt qua chúng, hoặc kịp thời thông báo cho phi công cơ động tránh bị địch công kích. Các sĩ quan dẫn đường phải tính toán nhanh, chính xác các số liệu dẫn vào tiếp cận để phi công sớm nhìn thấy đèn của B-52, phải liên tục thông báo cự li bám sát để phi công tiến hành xạ kích bằng máy ngắm quang học là chính. Các phương án đánh B-52 một lần nữa lại được đưa ra rà soát, hiệu chỉnh cho hoàn thiện.
Phải nói một điều rằng, các phi công ở trên trời nếu như không có sự dẫn dắt của các Sở chỉ huy, của các sĩ quan dẫn đường (trong Sở chỉ huy hay trên màn hiện sóng) thì không thể biết được tình thế trện không ra làm sao cả: không thể biết được tương qua giữa mình và địch, vị trí tương ứng giữa mình và địch... và nhiều thứ khác nữa, cũng giống như là người mù mà thôi. Chiến công bắn rơi máy bay địch hay cản phá, bẻ gãy được đợt tấn công của địch là chiến công chung của tấ cả mọi thành phần, đúng như Bác Hồ từng nói với Quân chủng KQ: "Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể". Một cá nhân thì không làm nên được việc gì ghê gớm cả. Tiếc rằng, các sĩ quan dẫn đường cho tới giờ ít được tuyên dương danh hiệu cao quý. Mới chỉ có được anh Nguyễn Văn Chuyên là nhà nước trao tặng danh hiêuh Anh hùng mà thôi. Các anh em dẫn đường thường có câu: "Ngồi dai, chai đít, công ít, tội nhiều!" có lẽ cũng đúng. Trong Sở chỉ huy thì phải ngồi lì bao nhiêu tiếng đồng hồ để nghiên cứu, tính toán, dẫn dắt. Khi lập thành tích thì ít ai nói đến thành phần dẫn đường nhưng khi dẫn sai lệch dẫn đến trận đánh bị thiệt hại về phía ta thì phành phần dẫn đường bị "cạo" cho tới số. Cũng là sự chưa công bằng. Theo tôi, các anh như Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng, Lê Thành Chơn... là những dẫn đường kỳ cựu, có nhiều thành tích và công lao trong việc dẫn dắt, đem lại nhiều trận thắng lợi cũng phải được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Rồi nữa, Tư lệnh phó Trần Mạnh - một vị tướng có tài, có tâm, có tầm...đã đưa MiG-21 lập nên nhiều thành tích. Không có chiến công nào của MiG-21 mà không có sự chỉ huy của ông, kể cả trận đánh tàu địch của MiG-17 cũng vậy. Ông cũng chưa được phong tặng danh hiệu cao quý, nhưng từ lâu, ông đã xứng đáng là người Anh hùng trong lòng của tất cả chúng tôi rồi.
 Đêm, 26 tháng 12 năm 1972, Không quân Mỹ thay đổi thủ đoạn đánh phá. Oa-sinh-tơn ra lệnh "nỗ lực tối đa" chống Hà Nội. Chúng sử dụng 7 đợt đánh gồm 120 B-52. Thời điểm tấn công mục tiêu của 7 đợt là 22h30 phút. Thời gian ném bom là 15 phút. Bốn đợt tiếp cận Hả Nội từ 4 hướng khác nhau cùng một lúc. Một đợt khác đánh ga Thái Nguyên. Hai đợt tiếp cận Hải Phòng từ các hướng khác nhau đánh vào ga xe lửa, khu biến thế điện. Chủ trương là oanh tạc đến mức bão hòa và làm rối loạn hệ thống phòng thủ. Máy bay yểm trợ lấy từ các đơn vị của Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân. Tổng cộng tất cả là 113 chiếc.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Mười, 2019, 02:36:22 pm
Trong đêm này, máy bay B-52 Mỹ đã ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên - một đường phố đông dân cư nhất của Hà Nội thời đó. Cả 17 khối phố bị tàn phá, trong đó có cả nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, đình chùa, rạp hát, các di tích lịch sử...Trong đợt rải thảm này, bọn Mỹ đã làm chết 278 người, trong đó có 55 trẻ em.
Những năm sau này, vào ngày này thì Khâm Thiên thành ngày giỗ chung. Nhiều lần tôi đi qua đây, vào viếng tượng đài kỷ niệm ngày đau thương này mà không cầm được nước mắt. Vào năm 2012, tôi cũng đã từng viết:
          Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi năm
          Không còn tiếng bom rơi, đạn nổ
          Không còn bóng dáng những giao thông hào
          Những hầm, những hố...
          Chỉ thấy những tòa nhà cao vút chọc trời
          Và những dòng xe cộ ầm ỹ tiếng còi...
          Với những bon chen...
          Toan tính những điều được, mất...
          Mặc ồn ã của đời thường tấp nập
          Phố Khâm Thiên vẫn chìm lắng giữa khói hương
          Người thương binh lầm lũi bước qua đường
          Một chân cút với chiếc đầu trọc lốc
          Nghe tiếng nạng gõ đều đều, khô khốc
          Nhìn trời cao
          Tôi lại khóc âm thầm...
 Nhưng cũng trong đêm 26 tháng 12 năm 1972, tên lửa và pháo cao xạ của Việt Nam đã bắn rơi 16 máy bay Mỹ, trong đó có 8 chiếc B-52 và 1 trực thăng HH-53, có 4 chiếc rơi tại chỗ, bắt làm tù binh nhiều phi công Mỹ...
Trận đánh đêm 26 này rất ác liệt và có ý nghĩa then chốt, quyết định, đẩy nhanh đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười, 2019, 11:53:09 am

http://www.youtube.com/watch?v=zngiQVJB3FU


https://www.youtube.com/watch?v=zngiQVJB3FU&feature=youtu.be


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 09 Tháng Mười, 2019, 08:54:04 am
Cám ơn Giangtvx đã cho xem thước phim thật cảm động. Tôi nhớ về các đồng đội của tôi, nhớ đến Vũ Xuân Thiều mà không cầm nổi nước mắt. Tôi từng nói với các bạn hữu, đồng đội của tôi rằng:
     Nếu lưu lại được cho đời
     Một chút khóc, một chút cười cũng hay
     Để khi "nhắm mắt, xuôi tay"
     Chẳng cần tiếc nuối những ngày đã qua!...
Các phi công tiêm kích Việt Nam đã không chỉ lưu lại một chút mà đã để lại được rất nhiều trang sử vẻ vang. Chỉ mong muốn các thế hệ sau hãy trân trọng gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu, tốt đẹp ấy.
Việc giáo dục như thế nào là cả một vấn đề. Ngay từ bây giờ, từ khi bọn trẻ còn bé tí đã phải cho chúng hiểu dần dần lịch sử hào hùng của dân tộc mới được. Cũng xin gửi lại đây bài "Chuyện ông và cháu" để các đồng đội nghe chơi:
   
     Ông đưa cháu ra thăm sân bay
     Cháu vội đi sát cạnh ông, giật giật cánh tay:
     - Ông ơi! Cái sân gì mà to to quá
       Chúng cháu tha hồ chơi bóng đá!
     - Ừ! Đấy là sân đỗ máy bay!
     - Ông nhìn kìa! Những đám mây
       Chúng gống như những "rô-bơt trái cây"
     - Ừ! Nơi đấy ông đã từng bay
       Từng để lại cả thời trai trẻ
       Đồng đội ông đã nhiều người lặng lẽ
       Chấp nhận hy sinh
       Cho trời cao mãi mãi yên bình
       Cho các cháu được đến trường đến lớp
       Cho các cháu được vui chơi, múa hát...
       Cũng trở về từ xanh thẳm bao la
       Ông đã đem tình yêu đến với bà
       Rồi...sinh ra bố cháu
       Ở nơi ấy biết bao điều còn nung nấu
       Qua những tháng năm dãi nắng dầm mưa
       Bao giờ cho đến ngày xưa
       Ông lại bay, dệt ước mơ giữa trời!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Mười, 2019, 09:24:25 am
Chiến dịch Linebacker - 2 đã bước sang ngày thứ mười.  Ngày 27 tháng 12, Không quân Mỹ huy động 50 lượt, chiếc tiếp tục đánh phá Hà Nội, Thái Nguyên, các mục tiêu đường số 2 và số 3 cùng các sân bay.
Ngày 27 tháng 12 là ngày thời tiết tốt nên Không quân và Hải quân Mỹ tổ chức các đợt tấn công lớn trên cả hướng Hà Nội và Hải Phòng.
 Lúc 13h26 phút, biên đội của Đỗ Văn Lanh, Dương Bá Kháng thuộc Trung đoàn KQ 927 nhận lệnh chuyển cấp và sau đó là xuất kích chiến đấu. Sở chỉ huy dẫn dắt biên đội tiếp cận tốp địch và biên đội đã phát hiện được địch. Đang quan sát thì nghe thông báo phía sau có địch. Cả biên đội vòng phải gấp. Số 2 lại phát hiện phía sau còn 2 chiếc F-4 nữa, anh thông báo cho số 1 biết và thu cửa dầu, khiến 2 chiếc F-4 này xông lên phía trước. Số 2 nhanh chóng bám theo và tiến hành ngắm bắn. Khi điểm ngắm ổn định, ở cự li 1800 mét, anh ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa lao về phía F-4 nhưng nổ ở phía sau. Lúc này 2 chiếc F-4 vẫn cơ động đan chéo, số 2 Dương Bá Kháng tiếp tục bám sát chiếc F-4 bay số 1 và đến cự li 1400 mét, anh phóng tiếp quả tên lửa thứ hai. Quả tên lửa lao thẳng vào chiếc F-4 khiến nó bốc cháy ngùn ngụt và lao thẳng xuống đất. Số 1 Đỗ Văn Lanh bám sát chiếc còn lại nhưng nó  cơ động rất gấp đồng thời bật tăng lực chui luôn vào mây nên anh bị mất mục tiêu. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát li khỏi khu chiến về hạ cánh an toàn tại sân bay Đa Phúc.
 Vào đấu giờ chiều, biên đội Trần Sang, Bùi Thanh Liêm thuộc Trung đoàn KQ 921 cất cánh từ sân bay Đa Phúc lên làm nhiệm vụ nghi binh cho Trần Việt sẽ cất cánh từ sân bay Miếu Môn lên đánh chính. Biên đội Sang-Liêm bay ở độ cao lớn về phía Việt Trì để nhử bọn F-4 bám theo. Trần Việt bí mật cất cánh bay ở dưới mây về phía Phủ Lí sau đó kéo lên độ cao 5000 mét vòng lại bám vào bán cầu phía sau bọn F-4. Một phút sau, Trần Việt phát hiện 2 chiếc F-4 bay thấp hơn, ở phía bên phải. Hai chiếc F-4 lúc này bật tăng lực đối đầu bay thẳng về phía MiG của Trần Việt.
Trần Việt quyết định để tăng lực, tốc độ hơn 1000km/h, vòng gấp bên phải bám chiếc số 2 đang bổ nhào xuống. Sau khi ổn định điểm ngắm, đến cự li 1500 mét, tốc độ 1100 km/h, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái. Quả tên lửa rời khỏi bệ phóng, hơi chìm xuống sau đó lao thẳng vào chiếc F-4. Chiếc F-4 bùng cháy. Trần Việt nhanh chóng thoát li về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
Đêm 27 tháng 12 năm 1972, Mỹ lại dùng lực lượng 60 chiếc B-52 đánh Hà Nội (một nửa từ Andersen, một nửa từ U-ta-pao) làm 6 đợt, mỗi đợt ném bom 10 phút. Thời gian bắt đầu oanh kích là 22h59phút.
 Sân bay Yên Bái đã bị máy bay F-111 đánh liên tục trong các ngày 22, 23, 24 và 26 tháng 12. Khu vực phía Nam, phía Đông và phía Bắc sân bay bị phá hủy nặng. Phán đoán địch sẽ chủ quan, cho rằng MiG không thể sử dụng sân bay này để cất cánh, chiều 27 tháng 12, Bộ tư lệnh Binh chủng bí mật tổ chức cho phi công Phạm Tuân cơ động từ sân bay Đa Phúc lên sân bay Yên Bái.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 25 Tháng Mười, 2019, 07:16:35 pm
xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Lính mặt đất lại há hốc cái miệng lên trời nghe lính trên không kể chuyện. Những người bay đem được anh phicongtiemkich sướng lại cái tên mình đêm ấy mà thấy rợn đấy chứ. Lúc đó các anh không sợ chết, nhưng giờ nghe bạn kể lại mình nhào lộn tốc đô nhanh như thế có khi mới sởn da gà. Hôm nay dù người mất người còn trong đám bay đêm ấy. Thì lính mặt đất chúng em bái phục và ngưỡng mộ các anh.  Một mặt trận không bến bờ, không nơi che chắn, không trung tối đen mà vẫn bắn trúng đích thù. Ai còn sống vẫn về đúng tổ.....


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Mười, 2019, 03:09:38 pm
Cám ơn Xuanv338 luôn theo dõi và động viên!.
Cuối ngày 27 tháng 12, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Khôngh quân:"...Phải bảo vệ tên lửa, tạo điều kiện cho Không quân cất cánh từ sân bay vòng ngoài, chặn đánh B-52 ngoài hỏa lực tên lửa, tạo điều kiện đánh ở khu vực Tây Bắc, quyết tâm bắn rơi B-52..."
Sau khi hạ cánh ở sân bay Yên Bái, Phạm Tuân lập tức vào trực ban chiến đấu.
22h18 phút, Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp 1 và lúc 22h22 phút, anh cất cánh trên chiếc máy bay MiG-21 F96 từ sân bay Yên Bái, xuyên lên trên mây. Sở chỉ huy Binh chủng và Sở chỉ huy Mộc Châu tập trung cao độ dẫn Phạm Tuân.
Đầu tiên, Sở chỉ huy Binh chủng dẫn dắt sau đó giao cho Sở chỉ huy Mộc Châu.
22h26 phút, Phạm Tuân nhận được lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ đến 950 km/h sau đó cho lấy độ cao 9.500 mét, liên tục cho chỉnh hướng. Khi tốp B-52 bay ngang trên đài Mộc Châu, Sở chỉ huy theo tính toán đã cho Phạm Tuân áp đường bay chính xác.
Trong cuốn "Lịch sử ngành dẫn đường Không quân (1959-2004) NXB Quân đội nhân dân, 2007 đã ghi: "22 giò 29 phút 30 giây, phi công báo cáo thấy đèn của B-52, dẫn đường Sở chỉ huy thông báo cự li 10 km và cho tăng tốc độ 1200 km/h.
22giờ 31 phút, dẫn đường Lương Văn Vóc thông báo đều đặn cự li 6, 5 rồi 4 km và nhắc phi công chú ý phóng loạt 2 quả. Phi công Phạm Tuân giữ tốc độ 1400 km/h, bám sát bằng mắt theo đèn của B-52 và dùng máy ngắm quang học. Khi cự li còn khoảng 2000 mét, phi công xin phép công tác, lúc đó là 22 giờ 32 phút. Với thành tích bắn rơi B-52, phi công Phạm Tuân đã lập chiến công lớn, đúng vào thời điểm rất quan trọng của mặt trận trên không. Ngay sau đó, Sở chỉ huy Mộc Châu cho thoát ly, hướng bay 360 độ, về Yên Bái và yêu cầu phi công liên lạc với Sở chỉ huy Binh chủng.
Phóng tên lửa xong, phi công lật máy bay và giảm nhanh độ cao xuống 2000 mét.
22 giờ 35 phút, sau khi xác định được máy bay ta, Sở chỉ huy Binh chủng cho hướng bay 310 độ, lên độ cao 4000 mét và dẫn về Yên Bái.
22 giờ 39 phút, Sở chỉ huy Yên Bái tiếp nhận và dẫn phi công xuyên xuống dưới mây và vào hạ cánh an toàn lúc 22 giờ 46 phút. Tin vui lan nhanh trong toàn Quân chủng".
Ngay trong đêm 27 tháng 12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khen bộ đội Không quân đã lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B-52 địch. Đại tướng thông báo, theo tin của trinh sát, sau khi một chiếc B-52 bị bắn rơi, đội hình địch tan vỡ, những chiếc còn lại quẳng vội bom để trở về căn cứ.
Vậy là Không quân ta đã thực hiện được sứ mệnh của mình: bắn rơi "pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52", đã "trả được món nợ" mà bấy lâu nay vẫn canh cánh bên lòng. Tất cả hân hoan trong niềm vui khôn tả.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 28 Tháng Mười, 2019, 02:55:22 pm
Trong khi thoát ly, Phạm Tuân phát hiện thấy vẫn còn nhiều B-52 nên báo cáo liên tục về Sở chỉ huy. Đêm ấy, phi công Nguyễn Khánh Duy trực ban chiến đấu ở sân bay Kép. Sân bay Kép trước đó đã bị bom Mỹ phá hỏng nặng. Nguyễn Khánh Duy trực trong hầm để máy bay và vào cấp 1 lúc 23h 26 phút và nhận lệnh cất cánh từ "đường ngang".
"Đường ngang" là đoạn đường dùng để kéo dắt máy bay từ ngoài sân đỗ vào trong hầm, hệ thống đèn chiếu sáng khi ấy vừa thưa lại vừa chỉ có mỗi một bên phải là sáng. Khó khăn chồng chất lên khó khăn, nhưng không thể không cất cánh.
Máy bay lấy đà lao đi trong quãng đường quá ngắn. Nhìn máy bay đã chớm ra đến mép cỏ, có nghĩa là sắp đến mương nước rồi. Nguyễn Khánh Duy cố kéo máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ.
Sau khi cất cánh, Nguyễn Khánh Duy được dẫn vào khu chiến, nhưng không phát hiện được B-52, bởi sau khi bị Phạm Tuân bắn, bọn B-52 tắt hết đèn hàng hành trên máy bay và tiến hành gây thêm nhiễu. Sở chỉ huy dẫn Khánh Duy vào đến cự li 10 km mà không phát hiện được gì. Thời điểm ấy cũng là thời điểm Nguyễn Khánh Duy đã vào khu vực hỏa lực tác chiến của tên lửa phòng không nên Sở chỉ huy cho Duy thoát li, dẫn về Kép hạ cánh.
Sân bay Kép tiếp tục bị bọn F-111 đánh phá. Nguyễn Khánh Duy nhận lệnh vòng về sân bay Đa Phúc.
Thời tiết hôm đó xấu kinh khủng. Khánh Duy cho máy bay lao xuống đến độ cao đồng hồ chỉ về con số O mà vẫn không nhìn thấy đường băng đâu. Trong khi đó, khói bom lại dày đặc như mây mù làm cho tầm nhìn đã kém lại càng kém. Đường băng thì bị đánh nát gần hết. Nguyễn Khánh Duy nhận được thông báo phải cố gắng hạ cánh sao cho máy bay tiếp đất ở vị trí cách đầu đường băng khoảng 400 mét thì may ra mới bảo đảm an toàn vì có hố bom rất to ở ngay giữa đường băng.
Nguyễn khánh Duy đã lao xuống hạ cánh với tốc độ lớn hơn bình thường nên máy bay cứ "bồng" lên, không muốn chịu tiếp đất. Bằng sự nỗ lực hết mình, Khánh Duy đã cho máy bay tiếp đất được ở vị trí cách đầu đường băng chừng 200 mét, sau đó tắt máy và "mắm môi mắm lợi" bóp phanh. Máy bay vẫn lao ào ào và chỉ dừng lại khi cách miệng hố bom khoảng 50 mét. Nguyễn Khánh Duy trèo ra khỏi buồng lái máy bay, được anh Trần Anh Mỹ (cũng là phi công bay đêm) cùng Đại đội trực Đài chỉ huy cất hạ cánh mượn được chiếc xe đạp tiếp phẩm ra đón anh Khánh Duy về Sở chỉ huy rút kinh nghiệm.
Trong những tháng năm ác liệt ấy, không thể không nói đến các thành phần quanh sân bay đã hỗ trợ hết mình trong việc sửa gấp sân bay cho MiG cất cánh. Có những đêm, có đến 3-4 ngàn người đủ các thành phần: già, trẻ, trai, gái... ào ra sân bay để san gạt, lu nèn đất đá rồi lắp đặt những tấm bê-tông sửa gấp cho máy bay ta hoạt động. Những tấm bê-tông ấy có những tấm vuông với chiều khoảng 70-90 phân, có những tấm chiều 2,5 mét được đúc sẵn. Tấm nhỏ thì vài người khiêng, tấm lớn thì dùng xe cẩu. Địch cứ đánh, ta cứ sửa chữa gấp và máy bay cứ cất cánh. Quân với dân một ý chí đã tạo nên sức mạnh làm nên chiến thắng. Bọn Mỹ không thể hiểu được điều ấy. Nhân dân quanh các khu vực các sân bay ý thức rất rõ việc phải chăm sóc cho Không quân, không thể để máy bay không cất cánh được nên đã làm hết sức mình cho dù khó khăn đến đâu cũng không ngại. Các phi công chúng tôi đã cất cánh lên từ tình đất tình người như thế, làm sao mà không lao vào cuộc chiến một cách dũng mãnh được. Có lẽ, bài hát "Sóc Sơn tình đất tình người" đã nói hộ một phần cho các vùng miền, các địa phương có sân bay-nơi đóng quân chính hay cơ động hoặc dã chiến của KQ ta. Bài hát có những lời như sau: "...Sóc Sơn, nơi anh bay nối đất với bầu trời. Nơi anh cất cánh và anh về hạ cánh. Nơi đường băng như bậc thang dốc đứng. Đón anh về và nâng cánh anh bay. Sóc Sơn, nơi sáng lên tình đất tình người. Khi chinh chiến, lúc ngọt bùi thủy chung son sắt. Trong tình đoàn kết muôn đời. Như đỉnh núi Sóc Sơn quê hương tôi...". Xin được ngàn lần cám ơn tình cảm của bà con, nhân dân những nơi có sân bay, những nơi chúng tôi từng đóng quân, từng cơ động đã hy sinh quên mình cho sự nghiệp chung: quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Chúng tôi không bao giờ quên được ân nghĩa ấy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 28 Tháng Mười, 2019, 07:28:31 pm
xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Và hôm nay thì người quê Lúa đã được nghe chuyện kể của anh lính bay nhắc tới tên người anh hùng đánh B52 quê Lúa Phạm Tuân. Cảm ơn nhà văn lính nhà trời đã kể lại chuyện những ngày dài không chiến.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Mười Một, 2019, 09:06:10 am
Cám ơn Xuanv338 luôn động viên!.
Trở lại những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Ngày 28 tháng 12 là ngày thứ mười một của chiến dịch Linebacker 2. Trước đó, trong ngày 27-12, Không quân Mỹ đã đánh phá ác liệt khu vực Văn Điển, Thường Tín, Đông Anh, Hà Nội và Hà Tây.
Ngày 28, lại tiếp tục đánh phá các mục tiêu quan trọng tại Hà Nội và Hải Phòng. Các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ chế áp MiG tiếp tục bay yểm trợ trực tiếp và bay chờ ở các khu chờ Sơn Động, Yên Tử, chợ Bến, Xuân Mai với số lượng lớn.
11 giờ 10 phút, trên mạng tình báo B-1 xuất hiện các tốp gồm nhiều máy bay Hải quân từ biển phía Nam Thanh Hóa bay vào trên độ cao thấp hương thẳng tới khu vực Hà Nội.
11 giờ 17 phút, biên đội MiG-21 của Lê Văn Kiền, Hoàng Tam Hùng thuộc Trung đoàn Không quân 927 nhận lệnh vào cấp 1 và mở máy cất cánh từ sân bay Kép. Sở chỉ huy lệnh cho bay hướng 150 độ, bật tăng lực, vứt thùng dầu phụ và kéo lên độ cao 1.200 mét. Sau đó 2 phút, Sở chỉ huy thông báo tình hình địch. Số 2 Hoàng Tam Hùng phát hiện tốp địch bên trái cự ly 15 km. Đây là tốp hỗn hợp ồm các máy bay RA-5C và F-4J. Lúc này xung quanh còn có rất nhiều F-4 khác nữa. Trận không chiến không cân sức giữa 2 MiG-21 và 12 chiếc F-4 diễn ra ác liệt. Khi bọn RA-5C đã chụp ảnh xong khu vực xăng dầu và tên lửa, được bọn F-4 thông báo về MiG xuất hiện thì cũng đã quá muộn. Hoàng Tam Hùng đã nhanh chóng bám đuôi một thằng RA-5C.
Vào đúng thời điểm đó, Lê Văn Kiền lại phát hiện thêm 4 chiếc bên trái. Kiền cơ động mạnh, bám theo 4 chiếc F-4 này. Bọn F-4 ngoặt gấp và chui vào mây. Khi ấy, Lê Văn Kiền thấy máy bay mình chấn động, có cảm giác khác thường như máy bay bị thương, anh ngoái lại quan sát phía sau thấy 2 thằng F-4 đang lao tới, chui ngay dưới bụng máy bay mình. Anh vòng gấp bám chiếc F-4 bay phía sau, nhưng khi tiếp cận đến cự li 4 km thì thằng F-4 bay trước ngoặt gấp  quay về phía sau. Thấy tình hình không có lợi, Lê Văn Kiền xin thoát li về hạ cánh ở Đa Phúc.
Nói về số 2 Hoàng Tam Hùng khi ấy bám chặt thằng RA-5C rồi, anh nhanh chóng lấy điểm ngắm, thấy ổn định rồi liền ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa lao vụt ra, "phi" thẳng vào thằng RA-5C. Thằng RA-5C bốc cháy như quả cầu lửa và rơi xuống phía Nam Hà Nội.
Tại Sở chỉ huy, do hôm đó bị nhiễu rất nặng nên liên lạc giữa phi công và chỉ huy rất kém. Các sĩ quan dẫn đường chỉ nghe được khẩu lệnh xin công kích và tiếng hô: "Cháy rồi!", sau đó là mất liên lạc hoàn toàn.
Sau khi bắn rơi thằng RA-5C, Hoàng Tam Hùng thoát li về hướng Đa Phúc nhưng sau máy bay anh rất nhiều F-4 bám theo và cắt vào cạnh trong của chiếc MiG. Định cho máy bay mình chui vào mây để thoát li, nhưng thấy bọn F-4 bám sau đã gần nên Hoàng Tam Hùng quyết định quay lại phản kích. Hai bên quần thảo kịch liệt. Một hồi sau, Hoàng Tam Hùng tóm được đuôi một thằng F-4 và sau khi chỉnh điểm ngắm ổn định, anh phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không lao thẳng vào chiếc F-4 bay số 3 trong đội hình bọn F-4 và bốc cháy dữ dội.. Hoàng Tam Hùng nhanh chóng giảm độ cao để thoát li, chui qua lỗ hổng của mây. Bọn F-4 vẫn bám sát phía sau. Khi ra khỏi mây, cả máy bay MiG và F-4 đều cách mặt đất chỉ khoảng 30-40 mét, phía dưới là những cánh đồng của chấu thổ sông Hồng sau mùa gặt. Nhiều người dân và các chiến sĩ của các trận địa phòng không ở khu vực huyện Thường Tín, Hà Nội đã chứng kiến trận không chiến thật quả cảm của chiếc MiG-21 với hơn chục chiếc F-4. Sau những vòng cơ động rượt đuổi ở cự li rất gần, đúng lúc chiếc MiG cải bằng thì một thằng F-4 đã phóng tên lửa nhưng Hoàng Tam Hùng kéo gấp máy bay, tránh kịp. Có thể, do kéo quá mạnh ở độ cao quá thấp và cũng có thể do tên lửa địch nổ gần nên bộ phận điều khiển bị thương, hư hỏng nặng. Máy bay của Hoàng Tam Hùng rơi vào thất tốc. Nó đột ngột ngóc lên và cũng đột ngột bổ nhào lao thẳng xuống vùng đất của xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, cách bờ sông vài chục mét. Không có nhà dân nào bị máy bay gây cháy cả.
Vậy là, sau khi tiêu diệt một chiếc RA-5C và một chiếc F-4 của bọn Mỹ, phi công trẻ Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên của bầu trời và sự thanh bình của mặt đất. Anh đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 05 Tháng Mười Một, 2019, 08:39:21 pm
Đêm 28 tháng 12, Mỹ sử dụng 60 chiếc B-52 (một nửa từ U-ta-pao, một nửa từ Andersen) đánh phá các mục tiêu quanh Hà Nội, Xuân Mai, Văn Điển, ga xe lửa Lạng Giang và Hải Phòng. Thời điểm có mặt trên mục tiêu là 22 giờ 15 phút.
Vũ Xuân Thiều nhận lệnh bí mật chuyển sân bay đến hạ cánh ở sân bay Cẩm Thủy.
 Sân bay Cẩm Thủy trước đó đã bị đánh phá. Trong hơn 200 quả bom ném xuống sân bay, có đến 16 quả trúng đường băng. Sân bay bị phá hỏng nặng, ta không sử dụng nên địch cũng không đánh lại. Chúng hoàn toàn bất ngờ khi ta đưa được MiG vào sân bay này.
21 giờ 28 phút, xuất hiện tốp B-52 thứ hai rồi thứ ba ở phía Đông Nam Pạc-xan 90 km. Phó tư lệnh Trần Mạnh trực tại Sở chỉ huy tiền phương nhận định: đây chính là các tốp B-52 vào đánh Hà Nội.
Vũ Xuân Thiều trực ban chiến đấu trên chiếc máy bay F-94 nhận lệnh chuyển cấp 1 lúc 21 giờ 30 phút.
Vào lúc 21 giờ 41 phút. Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích. Sở chỉ huy Thọ Xuân dẫn Vũ Xuân Thiều vòng ra phía sau đội hình B-52.
21 giờ 52 phút, Sở chỉ huy Thọ Xuân thông báo mục tiêu phía trước 50 độ, cự li 15 km, nhưng do nhiễu quá nặng và dày đặc, Vũ Xuân Thuề không phát hiện được mục tiêu. Lúc này, sĩ quan dẫn đường Trần Xuân Mão bằng kinh nghiệm của mình khi trực trên đài hiện sóng đã phát hiện chấm trắng đục giữa nền nhiễu. Anh khẳng định đấy chính là B-52. Bọn B-52 đã thay đổi chiến thuật, chúng vòng ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh Hà Nội. Sở chỉ huy lập tức cho Thiều vòng phải gấp, bay qua Sầm Nưa lên hướng Bắc, đuổi theo tốp B-52 đang bay về hướng Nà Sản - Sơn La.
21 giờ 58 phút, khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều báo cáo đã phát hiện được mục tiêu và tăng tốc độ bám sát. Trong bầu trời tối đen, ra-đa trên máy bay lại bị nhiễu nặng nên khó phán đoán được cự li. Vũ Xuân Thiều bình tĩnh phán đoán cự li bằng mắt theo tín hiệu đèn hàng hành của B-52.
Phó tư lệnh Trần Mạnh ở Sở chỉ huy tiền phương nhắc nhở: "Nhớ bật công tắc bắn cả loạt. Kiên quyết tiêu diệt địch!". Vũ Xuân Thiều trả lời: "46 nghe rõ!".
Vũ Xuân Thiều đã ấn nút phóng 2 quả tên lửa vào chiếc B-52 khi này đã ở rất gần chiếc MiG của anh. Chiếc B-62 bùng cháy, rơi xuống khu vực Cò Nòi của Sơn La và Sở chỉ huy cũng mất liên lạc với anh.
Với kinh nghiệm và linh cảm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, Phó tư lệnh Trần Mạnh hiểu ngay điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo để phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan tác chiến báo cáo về Sở chỉ huy Binh chủng.
Tại Sở chỉ huy Binh chủng, Phó tư lệnh Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Ông nhấc máy điện thoại trao đổi với ông Trần Mạnh rất lâu và thống nhất nhận định rằng: phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li rất gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, đã lao thẳng vào đội hình B-52 và anh dũng hy sinh.
Trận chiến giữa trời đêm xảy ra quá nhanh. Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều thật phi thường.
Vậy là trong một ngày đêm 28 tháng 12 năm 1972, phi công trẻ tuổi Hoàng Tam Hùng đã hy sinh anh dũng sau khi bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ ngay trong trận đầu xuất klch trên MiG-21, trở thành một trong những phi công Việt Nam bắn rơi 2 chiếc trong một trận không chiến. Chiếc RA-5C bị Tam Hùng bắn rơi là chiếc máy bay loại này đầu tiên của Hải quân Mỹ bị Không quân Việt Nam bắn rơi ở Việt Nam, bổ sung thêm một loại máy bay trong danh mục các loại máy bay Mỹ bị Không quân Việt Nam bắn rơi.
 Phi công Vũ Xuân Thiều đã nâng số B-52 bị bắn rơi lên chiếc thứ hai. "Pháo đài bay bất khả xâm phạm" - một trong 3 con bài chiến lược của đế quốc Mỹ đã bị các phi công Việt Nam bẻ gãy. Cho tới tận bây giờ, chưa phi công nào trên thế giới làm được điều đó cả.
Trung úy Hoàng Tam Hùng cùng với Thượng úy Vũ Xuân Thiều là những phi công Việt Nam cuối cùng hy sinh trong các trận không chiến hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc ngay trước ngưỡng cửa ngày thắng lợi, khi chỉ còn 28 ngày nữa là Hoàng Tam Hùng bước sang tuổi 24, còn Vũ Xuân Thiều thì đang ở tuổi 27.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 08 Tháng Mười Một, 2019, 09:00:38 pm
Mấy chục năm sau chiến tranh, tình cờ tôi gặp lại bạn gái của những phi công đã ngã xuống "trước ngưỡng cửa bình minh" - trước ngày chiến thắng. Chúng tôi ngồi ôn lại những ngày xưa, những kỷ niệm xưa, và rồi, tôi đã viết "Khoảng trời nỗi nhớ":

   Em đến với chúng tôi
   Giữa trưa
   Không gian yên tĩnh lạ
   Với nắng mùa Thu "rám trái bòng"
   Với sắc trời thăm thẳm một thinh không
   Với kho tàng kỷ niệm
   Về chiến tranh
   Đã mấy ai trong cuộc sống thanh bình
   Ôn lại thời quá vãng
   Cay đắng, giận hờn, hân hoan... ngỡ đi vào quên lãng
   Bỗng thổi bùng trưa nay
   Cám ơn em đến với chúng tôi đây
   Với từng đồng đội
   Với những nỗi gian truân
   Với những gì nông nổi
   Chỉ xảy ra ... vào thuở ngày xưa

   Còn bây giờ...
   Thoắt nắng
   Thoắt mưa
   Gánh gió, leo mây, bán giời bằng văn tự
   Cái thuở bao điều kiêng cữ...
   Còn đâu!

   Cám ơn em đã khơi lại nỗi đau
   Cho mắt lại một lần rưng lệ
   Những bạn lứa nơi chân trời góc bể
   Hẳn cũng mỉm cười bằng an

   Rồi em về
   Chống chếnh không gian
   Làn gió chao nghiêng khoảng trời - nỗi nhớ
   Lòng những xốn xang câu ca quan họ
   "Người ơi!... người ở!..."
   Cánh chim quê đã chìm khuất chân trời!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 11 Tháng Mười Một, 2019, 05:08:45 pm
xuanv338 chào anh phicongtiemkich. Chào các bác đang tham gia trang nhà. Đọc bài thơ của anh phicong thấy cay mắt mũi. Giá anh đăng tấm hình cuộc gặp gỡ  ấy, người con gái ngày ấy là bạn của phi công. Cảm ơn anh nhà văn của hậu chiến tranh không chiến thật sâu xa.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 12 Tháng Mười Một, 2019, 02:34:06 pm
Cám ơn Xuanv338. Ngày ấy không có máy ảnh hay điện thoại thông minh như bây giờ nên không lưu lại được những giây phút hội ngộ nặng đầy tình cảm ấy. Có điều, hình bóng của những người bạn của đồng đội mình thì chẳng thể phai mờ trong tâm khảm của những người ở lại.
Trở lại cái đêm 28 tháng 12 năm 1972.
 Khi Vũ Xuân Thiều trực chiến ở sân bay Cẩm Thủy thì phi công Đinh Tôn trực ở sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 F-96. Anh Đinh Tôn nhận lệnh vào cấp 1 sau Vũ Xuân Thiều 9 phút, tức là vào lúc 21 giờ 39 phút.
Lúc 21 giờ 48 phút, anh Đinh Tôn nhận lệnh xuất kích chiến đấu. Sau khi rời đất, anh được dẫn ra phía Hòa Bình - Suối Rút rồi lên phía Bắc Mộc Châu để chặn đánh tốp B-52 đang bay về hướng Phù Yên. Lúc 22 giờ 04 phút, anh Đinh Tôn phát hiện thấy đèn hàng hành của đội hình B-52, nhưng sau đó lại mất vì góc vào quá lớn. Sở chỉ huy cho vòng phải lấy hướng bay 90 độ để cắt vào phía sau mục tiêu, nhưng do tốp B-52 đã phát hiện có MiG bám theo nên tắt đèn hàng hành và cơ động tránh MiG. Đồng thời, anh Đinh Tôn phát hiện có nhiều tiêm kích Mỹ đang bám phía sau anh. Thấy tiếp tục đuổi theo không có lợi nên Sở chỉ huy cho anh giảm độ cao, thoát li về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc.
 Anh Đinh Tôn là người từng tiếp xúc và gắn bó với đời bay từ rất sớm. Ngay từ cuối năm 1956, anh đã cùng các anh Trần Minh Khuê, Hoàng Liên, Nguyễn Ngộ, Trịnh Hồng Thuận, Nguyễn Phong Tùng, Lê Công Uẩn được cử sang Tiệp Khắc học lái máy bay thể thao.
 Tháng 9 năm 1958, các anh tốt nghiệp về nước, biên chế về sân bay Cát Bi bay trên loại máy bay Aero-45. Sau đó, anh chuyển sang lái máy bay vận tải Li-2, tham gia vận chuyển hàng hóa cho các chiến trường.
Năm 1961, trong một chuyến bay làm nhiệm vụ gần biên giới, khi các máy bay C-47 của Mỹ bám theo khiêu khích, anh đã dũng cảm dùng máy bay Li-2 quay lại đối đầu, uy hiếp máy bay C-47, khiến máy bay Mỹ phải rẽ ngang, tháo chạy.
Trận đối đầu này tuy chưa phải là trận không chiến theo đúng nghĩa, nhưng nó được coi như trận đối đầu trên không đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam.
Tôi còn được biết, trong thời gian vận chuyển giúp các bạn Lào, anh Đinh Tôn mấy lần đã bị bọn RB-26 uy hiếp. Sau những lần ấy đã có những cuộc họp. Chính ủy Đỗ Long giao nhiệm vụ trực tiếp cho phép dùng súng máy để tự bảo vệ và xưởng cơ khí đã làm giá súng đại liên trên máy bay.
Tháng 7 năm 1962, chiếc Li-2 của anh Đinh Tôn bị máy bay RB-26 thuộc phái hữu Lào kèm. Anh cho mở cửa sổ bên phải, ép độ nghiêng sang phía máy bay địch chừng 20 đến 30 độ, cốt để mở rộng góc bắn và cũng để loại trừ khả năng bắn vào đuôi ngang của máy bay mình.
Cơ giới trên không Phan Thanh Liêm đã dùng súng RPK bắn đạn vạch đường vào thẳng thằng RB-26 khiến thằng này hốt hoảng chuồn thẳng.
Đấy có lẽ là vụ nổ súng đầu tiên ở trên không, khởi đầu cho những trận không chiến về sau này. Bản tính của phi công tiêm kích chiến đấu cũng đã có sẵn trong anh Đinh Tôn ngay từ bấy giờ rồi.
Năm 1965, anh là Đoàn trưởng đoàn bay của chúng tôi sang học bay bên Liên-xô. Ngay từ chuyến đầu tiên bay cảm giác trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29, thày giáo dạy bay đã để anh bay đơn rồi.
Nhờ có anh làm trưởng đoàn bay với những kinh nghiệm già dặn trên không, anh đã truyền đạt lại cho chúng tôi những "ngón nghề" trong kỹ năng lái máy bay và đoàn chúng tôi đã tốt nghiệp với tỉ lệ khá cao cho dù khóa bay ấy là khóa bay thử nghiệm không bay qua loại máy bay sơ cấp cánh quạt Iak-18 mà bay ngay trên loại phản lực L-29 rồi từ loại L-29 lại chuyển thẳng lên MiG-21. Chúng tôi được chọn ra 24 người để bay trên MiG-21 thì đã tốt nghiệp 21 người, chỉ "rớt" 3 người xuống bay MiG-17 mà thôi.
Anh Đinh Tôn vốn xuất thân từ chiến sĩ trinh sát của Đại đội trinh sát thuộc Sư đoàn 308. Trong mọi tình huống, anh luôn bình tĩnh và phản ứng rất nhanh. Anh không chỉ bay giỏi mà các lĩnh vực khác trong thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, chạy, nhảy... anh cũng đều giỏi. Ngay từ khi làm đoàn trưởng đoàn bay của tôi, anh đã có tên trong danh sách đội tuyển các đội bóng của nhà trường rồi. Một trong những thú vui của anh là săn bắn. Trong lĩnh vực này anh cũng là một tay súng cừ khôi, một thiện xạ không mấy ai sánh kịp. Anh nấu nướng và chuẩn bị các món nhậu cũng thuộc loại khá nhanh và khá sành điệu, đồng thời cũng thuộc loại "lì" nhất nhì trong khoản uống. Đã có lần tôi được "hầu rượu" hai anh là anh và anh Trần Ngọc Bích - cựu phi công bay trực thăng. Hai anh hợp nhau và uống với nhau vui lắm. Lúc hứng chí, anh Bích còn đọc thơ của anh:
       
       Phong lan, phong cấp, phong trần
       Trong ba phong ấy, anh cần phong chi?
       Phong lan chẳng để làm gì!
       Phong trần khổ lắm, vứt đi cho rồi!
       Chỉ còn phong cấp mà thôi!!!

 Hai anh cười rất khoái trá. Tôi tiếp tục tiếp rượu. Hai anh lại "cạch" và lại "ực", vui vẻ, thư thái vô cùng...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 13 Tháng Mười Một, 2019, 03:02:35 pm
Anh Đinh Tôn là người có tính tình cởi mở, thẳng thắn, thân thiện, hào phóng...Tôi vừa quý, vừa nể, vừa phục anh. Anh để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ với tôi mà với cả thày dạy bay, chuyên gia bay nữa.
Không ai có thể quên được lần vào cuối buổi chiều ngày 11 tháng 9 năm 1972, khi anh bay cùng với chuyên gia Liên-xô Vaxili Môtlôp bay hồi phục trên chiếc UMIG-21 nhào lộn kỹ thuật phức tạp ngay trên đỉnh sân bay Đa Phúc. Chiếc UMIG-21 không mang tên lửa này đã bất ngờ bị 2 chiếc F-4 của Thủy quân lục chiến Mỹ tấn công. Anh vừa cơ động tránh tên lửa vừa tìm cách giành thế chủ động cho mình. Có lúc anh vòng bám được đằng sau máy bay địch như thể chuẩn bị phóng tên lửa làm cho bọn F-4 lo ngại, cơ động gấp. Vì bay huấn luyện vào đúng giai đoạn sắp kết thúc bài bay nên dầu liệu không còn nhiều, hơn nữa lại phải bật tăng lực liên tục để cơ động nên chẳng mấy chốc máy bay của anh đã cạn dầu liệu. Anh quyết định rời bỏ máy bay.
Anh chủ động nói với chuyên gia bay: "Chuẩn bị tư thế để nhảy dù!". Sau khi anh và chuyên gia Liên-xô nhảy dù ra khỏi máy bay, chiếc UMIG-21 trở thành chiếc máy bay không người lái và chỉ đến lúc bấy giờ bọn F-4 mới bắn hạ được nó.
Sau khi tiếp đất an toàn và trở về doang trại, chuyên gia Vaxili Môtlôp đã nói với anh như nói với người bạn, người thân trong gia đình: "Tao là người bay với rất nhiều phi công khác nhau, nhưng chỉ thấy mỗi mày là người có tư chất đặc biệt. Mày sinh ra là để bay!".
Ông Vaxili Môtlôp nhận xét quá chính xác!. Đúng!. Anh là người sinh ra để bay thật!. Tôi luôn ngưỡng mộ trước trình độ điêu luyện và tài năng bay của anh. Tôi thấy rằng, cho tới tận bây giờ, không ai có thể sánh với anh được!. Anh là number one! - là Số Một!.

 Còn Vũ Xuân Thiều thì báo chí đã viết về anh nhiều rồi. Tôi cũng đã viết cuốn "Vũ Xuân Thiều phi công cảm tử", được NXB Lao Động xuất bản rồi. Tựu trung lại, anh sinh năm 1945 tại Hải An, Hải Hậu, Nam Định, là cựu học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Anh nhập ngũ cùng 10 sinh viên trường Đại học Bách khoa, học lái máy bay thuộc đoàn bay MiG-21 khóa Ba. Lần đầu tiên trực chiến vào ngày 2-6-1968. Tên anh đã được đặt cho trường Tiểu học của quận Long Biên, Hà Nội và cũng có một con đường ở đó mang tên anh.
 Còn Trung úy Hoàng Tam Hùng thì sinh năm 1948 tại Phong Điền, Thừa Thiên, Huế, là cựu học sinh Nhà trẻ mẫu giáo quân đội đầu tiên ở Chiến khu Việt Bắc và trường phổ thông 3B Hà Nội. Nhập ngũ năm 1965 bay MiG-17 và sau khi về nước được biên chế vào Trung đoàn KQ 923. Tháng 9 năm 1972 anh cùng 5 phi công MiG-17 khác chuyển loại bay lên MiG-21, biên chế về Trung đoàn KQ 927. Với sự chỉ huy, kèm cặp của các phi công Anh hùng nổi tiếng như Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa và đặc biệt là Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị, chỉ sau hơn 1 tháng chuyển loại, anh đã có thể tham gia trực ban chiến đấu trên MiG-21. Trận ngày 28-12-1972 là trận đầu xuất kích và tham chiến của anh và cũng là người bắn rơi 2 chiếc trong một trận không chiến.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 20 Tháng Mười Một, 2019, 08:17:19 am
Ngày và đêm thứ mười hai của chiến dịch Linebacker-2.
Trong những ngày cuối của chiến dịch Linebacker-2, Không quân Mỹ hoạt động gần như theo một quy luật, đó là: ban ngày sử dụng máy bay chiến thuật trinh sát và đánh phá các mục tiêu còn sót lại của trận đánh bằng B-52 tối hôm trước và các trận địa tên lửa Phòng không. Ban đêm, trước khi các tốp B-52 vào, các máy bay F-111 và A-6 đánh phá các sân bay để các máy bay MiG không thể cất cánh được. Theo tin tình báo chiến lược, đêm 29-12 sẽ có 50 lượt chiếc B-52 chia làm hai đợt đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Thực tế, Mỹ đã sử dụng 60 chiếc B-52, mỗi căn cứ Không quân 30 chiếc cùng với 102 máy bay yểm trợ để tiếp tục đánh phá. Thời điểm đánh đầu tiên là 23 gio2 phút.
Bộ tư lệnh KQ giao nhiệm vụ cho lực lượng đánh đêm của Trung đoàn KQ 921 phục kích tại các sân bay ngoài vòng hỏa lực (Kép, Yên Bái, Miếu Môn) sẵn sàng cất cánh chiến đấu. Các phi công thuộc Phi đội 5 đánh đêm được lệnh sẵn sàng cất cánh đánh các tốp B-52 và cường kích từ cả ba hướng: Một, phía Tây từ Sầm Tấu - Mộc Châu vào. Hai, phía Tây Nam từ Mường Xén vào. Ba, từ hướng Bắc dọc biên giới qua Bảo Hà đánh xuống Hà Nội.
Lúc 22 giờ 15 phút xuất hiện 4 tốp B-52 đi vào từ hướng Tây và 3 tốp từ hướng Đông vào phía Đông Bắc Hải Phòng.
Phi công Nguyễn Khánh Duy trực ban chiến đấu ở sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 F-96 vào cấp 1 lúc 22 giờ 58 phút và nhận lệnh xuất kích lúc 23 giờ 02 phút. Sau khi cất cánh, anh được dẫn về hướng Yên Bái - Tuyên Quang để chặn đánh tốp B-52 bay vào từ hướng Tây xuống.
Do bị nhiễu quá mạnh, bắt mục tiêu rất khó, không thể tiếp cận được bọn B-52 ở phía ngoài hỏa lực tên lửa nên Sở chỉ huy lệnh cgho Nguyễn Khánh Duy vòng trái thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc vào lúc 23 giờ 28 phút.
Trên sân bay Kép, phi công Bùi Doãn Độ trực chiến với loại máy bay MiG-21 F-96, vào cấp 1 lúc 23 gió 25 phút và xuất kích chiến đấu lúc 23 giờ 28 phút. Cũng giống như Nguyễn Khánh Duy trước đây, Bùi Doãn Độ cất cánh từ "Đường ngang" của sân bay Kép và cũng khó nhọc lắm mới "lôi" được máy bay của mình tách đất.
23 giờ 35 phút, khi bay ngang Phú Lương, Sở chỉ huy ở Thọ Xuân cho Bùi Doãn Độ bay lên phía Chợ Đồn và lấy độ cao lên 10.000 mét, sau đó lên 11.000 mét. Máy bay địch bay vào phía Nam của Yên Bái và vòng phải quay ra.
23 giờ 48 phút, Bùi Doãn Độ ở ngang Sơn Dương, Sở chỉ huy Thọ Xuân lệnh cho Độ vòng vào tiếp cận mục tiêu. Đúng lúc này, Bùi Doãn Độ phát hiện thấy ánh đèn xanh mờ bên phải máy bay mình chừng 25 độ. Anh báo cáo phát hiện mục tiêu và xin phép công kích. Sau khi tăng tốc độ bám theo mục tiêu, do tốc độ lớn nên anh bị văng ra phía ngoài nhưng vẫn thấy ánh lửa phụt ra từ buồng đốt của động cơ máy bay địch. Anh bám theo và khi điểm ngắm đã ổn định, anh phóng 2 quả tên lửa rồi thoát li về phía bên phải. Sở chỉ huy lệnh cho anh thoát li trái. Anh liền lật lại, lúc ấy còn kịp thấy chiếc F-4 nghiêng bổ xuống với góc 30 độ. Anh cải máy bay mình ra, kéo lên lấy độ cao và được dẫn về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 23 giờ 58 phút.
Đây là chiếc F-4 đầu tiên bị MiG-21 bắn hạ về ban đêm và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị bắn hạ bằng chính MiG-21, đồng thời đấy cũng là chiếc máy bay thứ 320 của Mỹ bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn hạ.
Ngày 29 tháng 12 năm 1972 trở thành ngày không chiến cuối cùng của năm 1972, cũng là trận cuối cùng của MiG-21 trong chiến dịch Linebacker-2 và trong cả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.
Ngày 30 tháng 12 năm 1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng... kéo dài 12 ngày đêm bị thất bại hoàn toàn.
Quân và dân ta, nòng cốt là bộ đội Phòng không-Không quân đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, 5 máy bay F-111... Dư luận thế giới gọi mặt trận trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972 là "Trận Điện Biên Phủ trên không".


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 22 Tháng Mười Một, 2019, 08:59:45 pm
xuanv338 xin chào anh chủ phicongtiemkich. Chào các bác đang tham gia trang nhà. Ngày xưa ai cũng khát khao tìm đọc  truyện. Nghìn lẻ một đêm. CÒn hôm nay chúng ta lại được nghe chuyện 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Chuyện của những ngày dài không chiến mà những người lính bộ binh một thời đâu hình dung ra chuyện đánh nhau ở trên trời thế nào đâu. Hôm nay thì anh phicongtiemkich đã đưa chúng ta được xem lại những màn hình phim lớn bằng văn kể về những người lên tận mây xanh để bảo vệ bầu trời bình yên của Tổ Quốc. Cảm ơn anh, chúc anh khỏe mạnh, giọng vang , cái đầu minh mẫn viết tiếp chuyện nhà trời.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 23 Tháng Mười Một, 2019, 08:34:30 am
Chào chú PCTK! Hôm trước cháu có đọc một bài trên FB thuộc nhóm Bầu trời đồng đội nói về PC Bùi văn Sưu bắn rơi 03 chiếc máy bay nhưng trong thực tế ông bắn rơi 05 chiếc, trong đó có trận ông bắn rơi 03 chiếc. hình như vụ này thành tích của ông được lấy cho E921? Nếu vậy ông cũng là PC bắn rơi 02 chiếc trong một trận như Lâm văn Lích, Hoàng Tam Hùng!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 24 Tháng Mười Một, 2019, 09:39:43 pm
Cám ơn các đồng đội vẫn đang theo dõi chuyện của tôi. Riêng tin về anh Bùi Văn Sưu trong một trận chiến bắn rơi 3 chiếc thì tôi chưa được nghe. Điều này phải kiểm nghiệm thật chắc chắn chứ không nói chơi được. Ngay như một Ace của Mỹ là Cunningham cũng từng nói là bắn rơi 3 chiếc MiG trong trận ngày 10-5-1972 mà khi xem xét và chứng minh lại thì đâu có chuyện đó. Còn việc trong một trận bắn rơi 2 chiếc đã là hiếm. Trong KQ ta đâu có nhiều....
 Tôi xin trở lại với những ngày cuối của chiến tranh.
 Phía Mỹ đã công bố kết quả khi kết thúc chiến dịch Linebacker-2 là:
         - Máy bay B-52 thực hiện 729 lần chiếc bay.
         - Máy bay yểm trợ thực hiện hơn 1000 lần chiếc bay.
         - B-52 ném hơn 49.000 quả bom (20.370 tấn bom)
         - Thiệt hại 15 máy bay B-52 và 11 máy bay chiến thuật.
Tuy rằng con số thiệt hại của B-52 họ công nhận còn xa với thực tế nhưng "cái giá phải trả của cuộc chiến tranh đường không ở miền Bắc Việt Nam là cực kỳ cao về mặt tài chính lẫn về mặt chính trị. Việc ném bom còn giúp cho các nhà lãnh đạo cộng sản miền Bắc Việt Nam tổ chức đất nước sản xuất và sẵn sàng cho chiến tranh. Nhưng có lẽ hậu quả tai hại nhất của việc ném bom miền Bắc Việt Nam là nó làm lệch trọng tâm chú ý vấn đề Việt Nam - chiến trường miền Nam Việt Nam - nơi mà cuộc chiến tranh đang ở thời điểm quyết định thắng bại.
 Chiến dịch ném bom của Ních-xơn không đem lại thắng lợi cuối cùng, không phản ánh được tầm quan trọng thật sự của Không lực, mà chỉ làm mất ảo tưởng của những người ủng hộ Không quân" - (theo nhận xét của giáo sư Guenter LEWY nhận xét trong "Ameica in Vietnam" (Mỹ ở Việt Nam) Oxford, Oxford University Fress, 1978)
 18 năm sau, Mỹ lại tiến hành một chiến dịch đường không lớn: chiến dịch "Bão táp sa mạc". Máy bay B-52 lại được sử dụng với tổng số lần chiếc bay lớn gấp 2 lần Linebacker-2, nhưng không chiếc nào bị bắn rơi, tuy B-52 đã "cũ đi" 18 năm. Như vậy đủ biết giá trị chiến thắng trong mặt trận "Điện Biên Phủ trên không" vĩ đại đến nhường nào.
Mặc dù ngày 30 tháng 12 năm 1972, Nixon đã tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, nhưng cho đến trước ngày 27 tháng 1 năm 1973, khi Hiệp định Paris chính thức được ký kết,. Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành trinh sát và đánh phá các mục tiêu phía Nam vĩ tuyến 20. Trong thời gian này, Không quân Việt Nam vẫn phải tổ chức xuất kích chiến đấu cả ngày lẫn đêm.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Mười Một, 2019, 10:33:19 pm
Ngày 4 tháng 1 năm 1973, biên đội 2 chiếc MiG-21 của Nguyễn Văn Nhượng, Lê Văn Kiền cất cánh từ sân bay Đa Phúc đã bắn rơi 1 không người lái tại khu vực Vĩnh Yên.
Ngày 6 tháng 1, phi công Hán Vĩnh Tưởng cũng bắn rơi 1 chiếc không người lái tại khu vực Hòa Bình - Suối Rút.
Đêm mồng 6 tháng 1 năm 1973, Nguyễn Khánh Duy trực ban chiến đấu ở sân bay Đa Phúc trên loại máy bay MiG-21 F-94 vào cấp 1 lúc 01 giờ 54 phút và xuất kích chiến đấu lúc 02 giờ 00 phút. Sở chỉ huy dẫn dắt nhưng không gặp địch nên phải quay về sân bay Đa Phúc hạ cánh.
Cũng đêm mồng 6 rạng ngày 7 tháng 1 năm 1973, phi công Bùi Doãn Độ trực ban chiến đấu với loại máy bay MiG-21 F-96 tại sân bay Miếu Môn đã vào cấp lúc 02 giờ 23 phút và xuất kích chiến đấu lúc 02 giờ 26 phút.
Hệ thống điện của sân bay không ổn định, rất chập chờn. Bùi Doãn Độ đã cất cánh trong điều kiện ánh sáng kém và không ổn định như vậy nên suýt lệch sang bên trái đường băng.
Sau khi cất cánh, Bùi Doãn Độ được Sở chỉ huy dẫn đến khu vực Lang Chánh, lấy độ cao lên 5000 - 6000 mét.
Nhận thấy đèn báo có địch đối đầu, Bùi Doãn Độ liền giảm độ cao. Lúc này, Sở chỉ huy cho vòng trái lấy hướng 190 độ và lên độ cao 10.000 mét.
Bùi Doãn Độ bật tăng lực lấy độ cao. Khi đến 9.000 mét, linh tính báo khả năng bị địch bắn, Bùi Doãn Độ vừa nghiêng máy bay thì nghe cái "rầm". Máy bay đã bị trúng tên lửa của bọn F-4 đi đánh chặn MiG.
Bùi Doãn Độ nhảy dù rời máy bay ở độ cao 8.500 mét. Rơi đến độ cao 4.000 mét thì dù chính mở, nhưng anh vẫn ở trong mây. Khi rơi qua lớp mây mỏng, anh nhác thấy bên dưới mình là rừng núi chập chùng. Trong đêm tối, dù của anh mắc vào cành cây gần núi đá. Anh nhún nhún nhưng không thấy chuyển động đành sửa lại tư thế ngồi cho ngay ngắn và đợi trời sáng sẽ tính tiếp. Sáng ra, anh bám theo dây dù của túi cấp cứu NAZ-7 rồi bám theo cây tụt xuống đất.
Du kích đã đón anh về bản. Đêm hôm ấy, anh phải ngủ lại bản để bà con dân bản làm bè mảng cho sáng hôm sau xuôi về Quan Hóa. Ngày hôm sau, về đến Quan Hóa lại phải ngủ lại, hôm sau mới lên đường về Thanh Hóa. Trên đường ra Hà Nội, xe bị hỏng phải ngủ lại giữa đường, tới ngày 11 tháng 1 mới về đến Sở chỉ huy ở chù Trầm rút kinh nghiệm chiến đấu.
Bùi Doãn Độ là phi công bắn hạ chiếc F-4 cuối cùng trong chiến dịch Linebacker-2 bằng MiG-21 và cũng là phi công cuối cùng nhảy dù trên MiG-21 trong cuộc chiến tranh đánh phá bằng Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.
Sau này, khi về hưu rồi, Bùi Doãn Độ lại tham gia làm vài nhiệm kỳ "vác tù và hàng tổng" - như người ta vẫn nói. Đấy là chức Tổ trưởng tổ dân phố rồi Bí thư tổ dân phố.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 29 Tháng Mười Một, 2019, 07:58:13 pm
xuanv338 xin chào anh chủ phicongtiemkich. Anh Bùi Doãn Độ rời trận tuyến bầu trờ về cuộc sống đời thường làm thành ông tổ trưởng tổ dân phố . Còn anh phicongtiemkich Nguyễn Công Huy thì trở thành nhà văn. Chúc mừng anh. Không biết từ ngày ấy. Anh phi công Bùi Doãn Độ đã có dịp nào trở lại bản Mường Quan Hóa. Nghe chuyện thật mà cứ như chuyện huyền thoại vậy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 30 Tháng Mười Một, 2019, 01:14:18 am
Cháu vừa xem lại thì đó là bài của anh Nguyễn Sửu nói về trận không chiến ngày 21/9/1967 của E923 biên đội Quỳ Phúc Sưu Diệp. Do chú Phúc không nổ máy được nên cất cánh chỉ có Quỳ Diệp Sưu. Bài viết có nói về những tờ photo copy tổng kết trận chiến trong đó có nói số 3 chú Sưu ba lần xạ kích gần bắn trúng 2 F-4B trong số 3 chiếc. Tác giả là lính chú Sưu sau này có phỏng vấn chú Sưu sao không được ghi công là PC bắn rơi 2 máy bay trong một trận như chú Lâm văn Lích và Hoàng Tam Hùng thì ý như chú Sưu giải thích là chú ấy không được cấp trên công nhận. Dịp tới về Đà nẵng cháu sẽ hỏi lại chú Quỳ, thông tin này có nói về chú Diệp có phải là chú Lê Hồng Điệp người từng bay với ba cháu không?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 01 Tháng Mười Hai, 2019, 05:43:56 pm
Phi công Bùi Doãn Độ chắc rất muốn trở lại nơi mình từng gặp nạ, từng được bà con dân bản cưu mang nhưng chưa có cơ hội. Vào ngày 18-12 hàng năm, các cựu phi công của Đại đội 5 (Phi đội 5) ngày xưa lại tổ chức gặp mặt để ôn lại chuyện cũ và thăm hỏi động viên nhau. Tôi sẽ hỏi thêm Bùi Doãn Độ sau đó chia sẻ tiếp.
Khi nào HaiAnh về Đà Nẵng, cố tìm gặp anh Hồ Quỳ để tìm hiểu thêm về trận không chiến ngày 21-9-1967. Theo sổ sách ghi chép lại thì vào ngày 21-9-1967, sau khi biên đội 4 chiếc Hồ Văn Quỳ, Nguyễn Đình Phúc, Bùi Văn Sưu, Lê Sĩ Diệp cất cánh buổi sáng nhưng không gặp địch. Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu chủ trì kíp trực ở Sở chỉ huy Binh chủng Không quân quyết định cho MiG-17 ở Gia Lâm bí mật chuyển sân xuống Kiến An để phục kích đánh các tốp máy bay của Hải quân Mỹ vào từ hướng Đông.
Hồi 15 giờ 15 phút, biên đội Quỳ, Phúc, Sưu, Diệp bí mật hạ cánh xuống sân bay Kiến An. Đến 16 giờ 35 phút, biên đội nhận lệnh vào cấp và mở máy cất cánh. Máy bay của anh Nguyễn Đình Phúc nổ máy không thành công nên Sở chỉ huy đã lệnh cho số 4 Lê Sĩ Diệp lên thay vào vị trí số 2 và biên đội bay theo đội hình 3 chiếc. Biên đội được dẫn dắt tiếp địch ngay trên đỉnh sân bay. Hồ Văn Quỳ phát hiện tốp mục tiêu ở cự li 6km, có cả F-4B và A-4. Đài chỉ huy bổ trợ tại sân tham gia dẫn biên đội trong không chiến. Sau khi cơ động bám sát mục tiêu, Hồ Văn Quỳ đã nổ súng bắn rơi 1 chiếc F-4 và Bùi Văn Sưu cũng nổ súng bắn rơi 1 chiếc khác. Trận không chiến diễn ra trong vòng 4 phút. Biên đội 3 chiếc MiG-17 đã bắn hạ 2 chiếc F-4 (Hồ Văn Quỳ bắn hạ 1 chiếc và Bùi Văn Sưu bắn hạ 1 chiếc). Biên đội về hạ cánh an toàn.
Trong khi biên đội 3 chiếc bay về sân bay thì biên đội 4 chiếc MiG-17 khác gồm Cao Thanh Tịnh, Nguyễn Phú Ninh, Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Phi Hùng cùng biên đội 2 chiếc MiG-21 của Vũ Ngọc Đỉnh, Đồng Văn Song đã cất cánh bay vào khu vực Tiên Lữ - Phù Cừ để yểm trợ cho biên đội Quỳ, Diệp, Sưu về hạ cánh.
 Trong trận này, mọi tài liệu đều ghi Sở chỉ huy đã phán đoán đúng ý đồ của Hải quân Mỹ nên đã cho biên đội MiG-17 bí mật chuyển sân xuống Kiến An để phục kích và đã chiến thắng, bắn rơi 2 máy bay F-4 của địch. Vì vậy phải xem xét lại ý kiến của anh Nguyễn Sửu.
Anh Lê Sĩ Diệp là người bay số 3 trong biên đội Nguyễn Hữu Tào, Nguyễn Phú Ninh, Lê Sĩ Diệp, Nguyễn Phi Hùng trong trận không chiến ngày 7-10-1967 đấy, HaiAnh ạ!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 11 Tháng Mười Hai, 2019, 08:44:40 pm
Trở lại với Đại đội bay đêm, đánh đêm.
Cuộc chiến tranh đánh phá bằng Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam đã kết thúc. Các phi công bay đêm, đánh đêm xuất kích chiến đấu không nhiều và bắn rơi máy bay địch không nhiều nếu so sánh với lực lượng bay ngày, đánh ngày. Nhưng những chiến công của họ thì không thể nói là nhỏ được.
Đại tá Tạ Quốc Hưng, một trong những sĩ quan dẫn đường kỳ cựu của Không quân chia sẻ:
"Nếu chỉ nhìn vào số máy bay địch bị các phi công đánh đêm bắn hạ mà vội vã kết luận là hiệu quả chiến đấu thấp thì với tư cách là dẫn đường, tôi xin khẳng định ngay kết luận đó hoàn toàn không chính xác. Bởi ý nghĩa và cả mục đích của những lần xuất kích ban đêm là cản phá, xua đuổi, uy hiếp Không quân địch để mở thông các cửa khẩu trên tuyến đường vận tải chiến lược 559 là vô cùng to lớn và có rất nhiều ý nghĩa, mặc dù số máy bay bị các phi công bắn hạ chỉ đếm trên đầu ngón tay..."
Một lần gần đây, tôi có dịp ngồi tâm sự với Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là người dẫn đường kỳ cựu và từng dẫn nhiều trận đánh về ban đêm. Khi hỏi về những trận đánh đêm thì anh nói:
"Phải nói rằng, suốt 7 năm trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, ta có xây dựng đội ngũ bay đêm, nhưng những trận đánh ngày đã cuốn hút hơn nên phần nào cũng sao nhãng trong việc chỉ đạo, chăm sóc cho lĩnh vực đánh đêm. Những phi công đánh đêm là những phi công có kỹ thuật giỏi, hoàn chỉnh nhất vì bay được 4 khí tượng, cũng giống như phi công Hải quân của Mỹ giỏi hơn phi công của Không quân Mỹ vậy. Anh Đinh Tôn là phi công giỏi nhất trong đội ngũ phi công Việt Nam, chưa ai hơn được anh ấy. Nói về thành tích của lực lượng phi công đánh đêm thì đầu tiên phải nói đến việc làm hạn chế hỏa lực của B-52 trên tuyến đường 559, rồi đến chiến dịch Quảng Trị và chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không".. Các phi công đánh đêm như Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Vũ Đình Rạng...đã âm thầm, thường xuyên coa mặt trong chiến trường Khu Bốn làm nhiệm vụ. Đánh đêm là trận đánh đơn đọc nhưng giá trị rất lớn, ví như trận đêm 20-11-1971, sau đêm ấy, bọn B-52 không dám ra hoạt động ở phía Bắc đường 9 đến tận 4 tháng liền, chỉ dám hoạt động ở phía Nam đường 9 thôi. Điều này là điều rất quan trọng cho chiến trường, cho chiến dịch Quảng Trị và cho cả chiến dịch 12 ngày đêm sau này. Còn về việc tính công trạng thì tôi phải nói thế này: nếu trong bóng đá không có người thiết kế, đưa bóng cho người làm bàn thì liệu có đá tung lưới đối phương được không. Người thiết kế, kiến tạo, tạo cơ hội ấy quan trọng lắm. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Không quân cũng thiết kế cho tên lửa Phòng không ghi bàn đấy chứ. Và ngay trong đêm 18-12, việc xuất kích của các phi công bay đêm giá trị  kém gì việc bắn rơi B-52...Chốt lại, tôi chỉ muốn nói: các phi công đánh đêm đã âm thầm cống hiến, tuy bắn rơi ít máy bay địch, nhưng sự đóng góp của họ rất to lớn, không hề nhỏ bé đâu!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: tranphu341 trong 13 Tháng Mười Hai, 2019, 11:27:21 am

Chào các bạn!
Chào Đại phá Công Huy!
Rất vui hôm nay Phu TranPhu được Đại tá phi công Chiến đấu MiG21-Hiện nay anh đã dã từ cánh bay do tuổi cao. Song anh lại nhả tơ cống hiến những bài viết, những trang sách những tác phẩm cùng những bài thơ về cuộc đời về những con người những người lính “ Con nhà Trời” những người đã làm cho không lực Hoa Kỳ những "thần Sấm" những "con ma" phải khiếp sợ.
Anh viết - Viết không mệt mỏi. Kính phục anh ngưỡng mộ anh và thật trân trọng anh.
Chúc anh thành công và thành công hơn nữa!!!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Mười Hai, 2019, 06:29:56 pm
Cám ơn anh Trần Phú đã động viên. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cố lưu lại chút gì cho những thế hệ sau, cũng giống như anh thôi, bởi nếu không viết một cách có trách nhiệm thì sau này tôi e lịch sử dần dà sẽ bị biến dạng, bị khúc xạ đi mất. Hôm 14-12 vừa rồi, các phi công bay đêm, đánh đêm của ĐẠI ĐỘI 5 (SAU NÀY LÀ PHI ĐỘI 5) đã gặp gỡ nhau. Trân trọng nhất là có vợ anh Đinh Tôn - chị Trần Thị Diên Hồng từ trong miền Nam ra Bắc có chút việc riêng, nghe tin đã đổi vé máy bay ở lại chia vui cùng các anh em bay đêm - những người lính của anh Đinh Tôn. Thật tiếc là ngày ấy tôi đang ở quê nên không gặp gỡ được chị và các anh em cùng Đại đội. Biết làm sao được khi công việc cuối năm cuốn hút đến bù đầu. Hôm tôi ngồi với Dongadoan, anh em tôi có nhắc tới chuyến về Thái Bình. Có lẽ phải đợi ra Giêng ngày rộng tháng dài thì mới tổ chức chuyến đi được. Chúng tôi kết nối sau, anh Trần Phú nhé!.
Xin gửi lời chúc sức khỏe và mọi sự may mắn tới tất cả anh em đồng đội nhân ngày 22-12.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 23 Tháng Giêng, 2020, 11:36:45 pm
Nhân dịp xuân Canh Tí đã đến, xin được chúc tất cả các đồng đội cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui và an khang!
Năm mới thắng lợi mới!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 14 Tháng Hai, 2020, 05:19:55 pm
Dịp đầu Xuân vừa qua, bác Nguyễn Văn Lý, PC Mig 21 khóa đầu tiên, đã cho ra cuốn tự truyện "Bầu trời và tôi". Bác Lý đã tham gia rất nhiều trận không chiến với KQ Mỹ và đã hạ 3 máy bay Mỹ.
Cuốn sách đã kể lại nhiều câu chuyện về học tập, huấn luyện và những trận không chiến với KQ Mỹ. Một ảnh đẹp từ tự truyện của bác Lý.
Biên đội Lý - Cốc và tổ thợ máy chiếc Mig Bảo vật quốc gia 4321.
Không biết các bác thợ máy là những ai, có còn mạnh khỏe không?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 14 Tháng Hai, 2020, 05:21:24 pm
Bác Lý và cuốn tự truyện


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Hai, 2020, 07:41:31 am
Có ai có "Bầu trời và tôi" đưa lên đây đi !


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 15 Tháng Hai, 2020, 02:35:46 pm
Anh Nguyễn Văn Lý là phi công tiêm kích duy nhất trong Quân chủng PK-KQ cho tới giờ phút này chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mặc dù đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và tiêu chí cho lần phong tặng mấy năm trước cũng là xét những phi công bắn rơi 3 máy bay để phong tặng. Nguyên nhân thế nào thì tôi chịu!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 16 Tháng Hai, 2020, 12:19:39 am
Có ai có "Bầu trời và tôi" đưa lên đây đi !
Con gái bác Lý giữ bản quyền.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 16 Tháng Hai, 2020, 12:20:38 am
Anh Nguyễn Văn Lý là phi công tiêm kích duy nhất trong Quân chủng PK-KQ cho tới giờ phút này chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mặc dù đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và tiêu chí cho lần phong tặng mấy năm trước cũng là xét những phi công bắn rơi 3 máy bay để phong tặng. Nguyên nhân thế nào thì tôi chịu!.
Em cũng rất băn khoăn về chuyện này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 16 Tháng Hai, 2020, 04:53:18 pm
Con gái bác Lý giữ bản quyền.
        Vậy mọi người xem bìa thôi nhé :

(https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/s960x960/86723442_595370907859460_7107508444894068736_o.jpg?_nc_cat=109&_nc_eui2=AeHqze91oHRPYx-AX5OkXOBO-NYAJhUJGfhYn3bnGJKldFTxPGkcYi8XpfPO6oxrsaMd7jvR7IjB62m_T0eB1b8SWE9V3f2PXS1LeBrV1AJ95w&_nc_ohc=0AyJO9Ict4cAX-pJsFf&_nc_ht=scontent.fhan3-1.fna&_nc_tp=7&oh=519995f932bea9eda1dbb1f3e0bf9179&oe=5EC2CD47)
       


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 17 Tháng Hai, 2020, 10:11:38 pm
Bác phicôngtiêmkích xem đủ chưa nhé (chưa tinh Bầu trời Hắc hải, Qua Miền Tây  Bắc và Kí ức trời đêm)

Các tác phẩm khác của Nguyễn Công Huy đã có trên diễn đàn: 

               + Tôi từng là phi công tiêm kích https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30100.0

               + Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30146.0

               + Thanh kiếm bầu trời https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30148.0

               + Chiến mã trên không https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30157.0

               + Người tìm chìa khóa vàng https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30164.0

               + Đi xa ngoảnh lại https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30171.0

               + 10/5/1972 Ngày dài không chiến https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30217.0

               + Bay vào vũ trụ https://www.quansuvn.net/index.php?topic=31379.0

        - Sách do Nguyễn Công Huy dịch đã có trên diễn đàn :

               + Tiêm kích sống bằng chiến trận https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30154.0

               + Những phi đội bay về phía tây https://www.quansuvn.net/index.php?topic=30162.0


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 24 Tháng Hai, 2020, 09:27:48 pm
Thật là tuyệt vời. Anh Nguyễn Công Huy em chúc mừng anh. Cảm ơn anh Giangtvx đã hệ thống cho mọi người cùng được biết tài năng của anh lính nhà trời Công Huy. Hôm qua mọi người luôn nhắc tới hai cái tên Giangtxv và Phaiphai.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Hai, 2020, 05:58:33 am
Ảnh đâu, mọi người đưa lên đi chứ !


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 02 Tháng Ba, 2020, 10:45:25 pm
75 năm KQND Việt Nam!
Ngày 3 tháng 3 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 15/QĐA thành lập Ban nghiên cứu Sân bay trực thuộc Tổng Tham mưu trưởng. Ông Trần Quý Hai, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325, được cử làm Trưởng ban. Ngày này về sau được lấy làm ngày thành lập Không quân Nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 07 Tháng Ba, 2020, 10:15:20 pm
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, xin được chúc các đồng đội nữ và các "Tiểu đội trưởng" của các đồng đội nam, luôn mạnh khỏe, tươi trẻ, xinh đẹp, giỏi giang và mọi sự như ý!.
Cám ơn Giang tvx đã cho số hóa những gì tôi đã viết, nhưng có lẽ còn thiếu cuốn dịch "Nghịch lí thế kỷ 21" và cuốn "Kí ức trời đêm".
Những ngày này dịch Corona hoành hành ghê gớm quá, nhất là gần đây Covit-19 đã lan vào tận Thủ đô nên tôi loay hoay với nhiều chuyện lặt vặt của đời sống thường  nhật, thành thử không lên trang nhà được. Sáng nay thì khu xóm nhà tôi nhà nhà đổ xô đi lùng trữ thức ăn, lương thực tới mức "cháy" chợ. Tôi nhắn tin cho một anh bạn của tôi: "Xóm nhà tôi như chiến tranh
                                                                                 Tích trữ lương thực để dành cả năm
                                                                                 Mai ngày anh có đến thăm
                                                                                 Đánh chén thoải mái tới dăm chục ngày!"
Tôi nháo về quê xem tình hình thế nào thì quê cũng nhộn nhịp y như vậy. Tôi lướt qua đại lí gạo thấy mọi người xếp hàng đông như thời kỳ bao cấp. Tôi thấy mình chắc không đủ kiên nhẫn nên tìm chỗ bán lạc hạt mua lấy dăm cân về cốt rang nhắm rượu đồng thời làm muối lạc cho bữa ăn thêm phần chay tịnh.
Ngày tới, tôi sẽ cố gắng tiếp tục kể về các phi công bay đêm, đánh đêm của Đại đội 5 bay đêm.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 14 Tháng Ba, 2020, 08:45:49 pm
Trở lại với Đại đội 5 bay đêm thì không sao quên được hình bóng của Đại đội trưởng Đinh Tôn. Trước khi thành lập Đại đội 5 bay đêm, tôi có bay số 2 cho anh ở sân bay cơ động Thọ Xuân - Thanh Hóa. Trong chuyến bay đầu làm số 2 cho anh, chắc anh muốn thử tôi. Anh cho máy bay xà xuống rất thấp, rồi vòng gắt về phía anh, sau đó là về phía tôi cốt xem tôi xử trí ra sao, rồi rẹt trên đường băng với độ cao cực thấp, bật tăng lực, kéo lên. Tôi vẫn bám chặt anh như hình với bóng và về sau này, chính những động tác khi đi với anh đã làm cho tôi nảy ra cái "sáng kiến tối tăm" là bay báo cơm ở các sân bay và cũng chính vì cái động tác ấy mà tôi thường xuyên mất danh hiệu "Đảng viên 4 tốt".
Kết thúc chuyến bay ngày hôm ấy, về hạ cánh xong, tôi chờ anh nhận xét nhưng anh không nói gì, chỉ lẳng lặng rút thuốc ra hút. Tôi cũng ngại nên không dám gạn hỏi. Trước lúc xuống bếp ăn cơm, anh gọi tôi vào nhà, lấy chai rượu, rót cho tôi một chén đầy và nói: "Làm li, mầy!". Tôi chạm chén với anh, uống cạn và thầm nghĩ: "Vậy là anh đã chấp nhận tôi bay số 2 cho anh rồi!".
Tôi còn bay số 2 cho anh mấy chuyến nữa và chuyến nào xong cũng diễn ra cảnh tương tự như chuyến đầu. "Làm li, mầy!" là dấu hiệu ghi nhận sự hài lòng đối với số 2 của anh.
Cũng ở sân bay cơ động Thọ Xuân này đã xảy ra chuyện còn lưu mãi về sau như một giai thoại. Đó là, hàng tuần cứ vào sáng thứ Hai, chúng tôi đều tập trung để làm lễ chào cờ và nghe nhận xét tuần sau đó phổ biến công việc trong tuần tới. Vào một lần, khi đội ngũ đã chỉnh tề thì anh Nguyễn Côn - cán bộ của Tiểu đoàn căn cứ Thọ Xuân dõng dạc tuyên bố:
   - Hôm nay chúng ta không phải hát Quốc ca vì đã có Quân nhạc!
Tôi ngơ ngác quan sát. Không thấy dàn Quân nhạc đâu cả, chỉ thấy ở góc chéo phía trên có một anh ôm chiếc đàn ghi-ta và một anh cầm cây nhị. Tới lúc có khẩu lệnh: "Nghiêm! Chào cờ! Chào!" thì lập tức nghe thấy tiếng nhị cất lên: "Ò e ò e e...", còn tiếng đàn ghi-ta thì đệm theo "phực phực...". Tôi cắn chặt môi đến rớm máu để khỏi bật ra tiếng cười. Mọi người chắc buồn cười lắm nhưng không một ai dám bật ra tiếng cười vì đang lúc nghiêm trang chào cờ...
Kết thúc buổi chào cờ hôm đó, anh Tôn gặp ngay anh Côn với giọng làu bàu của người Bình Định:
    - Thật làm ăn chẳng ra làm sao! Cứ như là trò hề! Mày đúng là thằng ...Côn "lò"!.
    - Có mày là thằng ...Tôn..."lò" thì có! - anh Côn vặc lại.
Hồi ấy tôi còn trẻ, là lính mới về nước được ít bữa, tí tuổi thôi nên thấy vậy thì vừa ngạc nhiên, vừa không dám cười, cứ nhìn hết ông anh này lại chuyển sang nhìn ông anh kia, chẳng hiểu thế nào là thế nào với cái cách chơi chữ của các anh ấy.
Khi tôi ở Trung đoàn đóng quân tại Yên Bái thì hay tin anh bệnh nặng, đang ở giai đoạn gay go. Nhân dịp về Sư đoàn họp, tôi ghé vào bênh viện thăm anh. Bấy giờ anh nói đã khó khăn, chỉ còn lắc hay gật đầu mà thôi. Khi tôi đến, anh nhận ra tôi ngay và anh rơm rớm nước mắt. Suýt thì tôi òa khóc trước mặt anh, may mà tôi ghìm được. Thương anh quá mà chẳng biết làm thế nào. Có phải là thứ gì nặng mà san sẻ gánh bớt được cho anh đâu!.
Ít lâu sau thì anh "đi". Tôi ở xa chẳng về viếng anh được, chỉ luôn đau đáu một điều trong tâm khảm: anh là người tôi luôn gọi bằng ANH - từ ANH viết bằng chữ in hoa với tất cả tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Ba, 2020, 11:32:48 pm
Sự mất mát đầu tiên của Đại đội 5 là trường hợp xảy ra với anh Phạm Văn Mạo. Khi tôi còn ở Đại đội bay đêm thì phòng anh ở gần phòng tôi. Anh hay gọi tôi bằng cái tên tục của tiếng Nga, sau đó toét miệng ra cười. Cái cười thật thà với hàm răng ám khói thuốc làm cho không một ai giận anh được. Tôi cũng vậy, đành cười theo anh mà thôi.. Hồi đó có phong trào tăng gia trồng rau, anh thường "diện" chiếc "quần đùi bà bô" và cởi trần để khoe những dải xương sườn của mình như bộ xương cách trí trong phòng thí nghiệm hoặc ở bộ môn sinh học rồi đội chiếc mũ nan rộng vành, đồng thời pha trò bằng cách ôm chiếc xẻng giả làm chiếc ghi-ta, mồm thì uốn éo theo tiếng nhạc anh tự tạo tùy thuộc vào khung cảnh lúc bấy giờ... Nhìn dáng anh giống như một thổ dân nơi miền hoang dã với dáng điệu khật khà khật khưỡng thì không ai nhịn được cười.
Anh thuộc tạng người gầy, thường chỉ nặng 45-46 cân thôi. Anh lấy vợ đã lâu rồi nhưng chưa có được mụn con nào. Vào một tối nọ, anh gọi tôi sang phòng anh, nói là có "sự kiện". Khi tôi bước vào phòng đã thấy mấy đĩa kẹo rồi ấm trà, cả thuốc lá bày sẵn trên bàn rồi. Anh tươi cười, niềm nở đón khách. Hỏi lí do cuộc vui hôm nay thế nào thì anh chỉ cười trừ. Tôi đoán, chắc anh mới nhận được thư nhà và trong thư chị báo cho anh biết rằng đã có "tin vui", nhưng hóa ra lại không phải vậy. Một lúc sau, anh hắng giọng, trịnh trọng tuyên bố:
     - Đời tớ chưa bao giờ vượt qua được con số 46 cân. Vậy mà hôm nay xuống Quân y, khi bước lên cân thì lần đầu tiên trong đời tớ thấy chiếc kim chỉ đến con số suýt soát 48 ki-lô-gờ-ram! Sunmg sướng biết chừng nào! Vậy là khao thôi!.
Ôi ! Cái con số thật đơn giản mà làm cho anh sung sướng đến thế. Giả như, chị ở nhà báo tin chị đã "có bầu" thì anh còn sung sướng biết nhường nào và sẽ còn tổ chức thết đãi những gì không biết đây.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 17 Tháng Ba, 2020, 09:54:58 am
Anh là người rất thích xe máy, thường ao ước có một chiếc "bình bịch" để vi vu về quê Thái Bình. Không biết anh kiếm ở đâu được một chiếc biển số xe, đem về giắt ở đầu giường, cứ tối tối lại gọi tôi sang phòng anh, nghe anh giảng về quy trình nổ máy và sang số, chạy xe. Anh lấy chiếc biển số xe ra, gài vào sau lưng, ngồi lên chiếc ghế giả làm yên xe, tay làm động tác mở khóa điện, đạp khởi động, mồm kêu "rìn rìn" như tiếng máy nổ rồi vào số, tăng ga, đầu lắc lư với vẻ mặt vô cùng khoái trá. "Đi xe" một lúc, anh làm động tác tắt máy, lại lấy chiếc biển số sau lưng ra, cất vào đầu giường, cười: "Thế là xong một chuyến rồi!".
Ngắm nhìn anh, tôi thầm mong cho anh một ngày nào đó ước mơ của anh sẽ thành hiện thực, anh sẽ có một chiếc xe máy để anh bon bon trên những dặm đường về thăm quê Thái Bình, nối những niềm vui...
Rồi một thời gian sau, tôi chuyển sang Đại đội bay ngày, thường xuyên cơ động đi các sân bay nên ít gặp anh. Lần tôi gặp anh cuối cùng là ở sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa. Ngày ấy, chiếc máy bay vận tải Li-2 chở bộ phận tiền trạm cơ động vào phía trong thì anh Nguyễn Văn Thuận - Trung đội trưởng bay đêm của tôi đang bị ốm. Anh được cử đi thay anh Thuận. Không ngờ đấy lại là chuyến bay định mệnh của anh cùng số anh em khác trong đoàn.
Tôi đang trực chiến ngoài sân bay nên có điều kiện đi tiễn anh. Khi đi tới gần chiếc Li-2 thì anh cười cười, gọi tên tục của tôi bằng tiếng Nga và nói:
   -Thôi đủ rồi! Đồng chí về trực đi!.
Tôi bắt tay anh và các anh cùng chuyến đi. Có ai ngờ, đấy lại là cái bắt tay vĩnh biệt.
Chuyến bay ấy khi vào đến khu vực Đô Lương thì bị tên lửa ta bắn nhầm. Tất cả dều hy sinh. Ngày ấy là ngày 3-3-1972.
Anh hy sinh khi con gái anh mới được mấy tháng tuổi. Anh chưa có dịp về thăm nhà nên không biết mặt con. Sau này, khi phác thảo các gương mặt của Đoàn bay MiG-21 khóa Ba, tôi đã vẽ phác về anh:
             Chàng họ Phạm đen lại gày
             Thành người thiên cổ một ngày tháng Ba
             Thương Con không biết mặt Cha
             Khói nhang xứ Nghệ nhạt nhòa chân mây
Cũng may mắn, anh đã để lại cho con gái anh thừa hưởng được tính nết chăm chỉ, nhân hậu, chất phác, vui vẻ, biết quan tâm đến mọi người. Gia đình riêng của cháu bây giờ làm ăn cũng khấm khá. Cháu hay gọi điện hỏi thăm chúng tôi và lâu lâu chúng tôi lại tổ chức cuộc đi về vùng quê lúa thăm các gia đình đồng đội trong đó có gia đình cháu. Lần nào gặp nhau cũng mừng mừng tủi tủi. Những kỷ niệm xưa ùa về chẳng bao giờ phai mờ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 17 Tháng Ba, 2020, 01:40:01 pm
... Khi tôi còn ở Đại đội bay đêm thì phòng anh ở gần phòng tôi. Anh hay gọi tôi bằng cái tên tục của tiếng Nga, sau đó toét miệng ra cười.

 ;D ;D ;D Đúng là vẽ đường cho hươu chạy !

Từ nay anh em mình cứ gọi bác "Huy" bằng tiếng Nga nhé !!!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Ba, 2020, 08:36:21 pm
Không sao đâu, Giang tvx ạ!. "Con giống con má" mà!. Không có nó cũng gay chứ!
Sau 5 tháng kể từ ngày anh Phạm Văn Mạo "ra đi" thì Nguyễn Ngọc Thiên hy sinh vào đêm 10 tháng 8.
Nguyễn Ngọc Thiên bay trước đoàn tôi vì sang Liên-xô năm trước. Thoạt đầu, anh bay trên loại máy bay Iak-18 rồi chuyển lên bay MiG-17 theo đúng kiểu đào tạo "hàn lâm" của bạn. Đến năm bay MiG-21 thì 12 người đoàn các anh nhập vào đoàn chúng tôi dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Đinh Tôn. Anh chuyển sang Đại đội 5 bay đêm sau tôi một thời gian nhưng chúng tôi đã thân thiết nhau từ khi còn bay ngày khi cùng nhóm chơi xà, tạ với nhau. Anh thuộc loạị người tượng trưng của sự cơ bắp vì hoạt động thể thao nhiều, bụng "6 múi" đàng hoàng nhưng chúng tôi lại gọi anh là "Sáu cơ". Rất ít người biết được cái "tên húy" ấy. Bọn tôi thời ngay từ học viên bay đã có những cái "tên húy" mỗi người mỗi kiểu rồi.
Tôi gắn bó nhất với Sáu Thiên là thời gian bay thử ở sân bay Tường Vân (bên Trung Quốc). Khi ta được Liên-xô viện trợ hàng loạt MiG-21, sau khi lắp ghép, bay thử xong thì "sơ tán" sang đó đảm bảo an toàn trước những đợt đánh phá của Không quân Mỹ. Khi nào cần thì lại sang chuyển về. Năm ấy, khi đến thời hạn phải chuyển một số máy bay về nước để bổ sung vào biên chế chiến đấu cho Trung đoàn thì Quân chủng tổ chức một lớp học chuyên về bay thử máy bay do thày bay Ivanôp - một phi công kỳ cựu, lão luyện trong lĩnh vực bay thử giảng dạy, hướng dẫn, bay kèm với từng người một trong vòng 1 tháng. Lớp học ấy chỉ có 5 học viên là các anh Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Ngọc Thiên và tôi. Kết thúc khóa học, 5 anh em tôi được chiếc máy bay vận tải Il-14 "cõng" sang sân bay Tường Vân làm nhiệm vụ bay thử số máy bay ta gửi "sơ tán" ở bên đó. Mỗi anh được giao bay thử một máy bay. Cứ xong 5 chiếc thì điện về nhà, bên nhà cử 5 phi công sang làm nhiệm vụ chuyển về. Tới đợt thứ hai thì bên nhà cử sang có 3 phi công. Vậy là anh Đỉnh và anh Sâm phải theo biên đội bay về cho đủ 5 chiếc. Nhưng sau khi bay về thì 2 anh không sang nữa. Vậy là chỉ còn 3 anh em tôi "kẽo kẹt" bay thử. Sau khi chuyển hết loại MiG-21 F-94 về nước rồi, còn lại đúng 3 chiếc MiG-21 F-13. Đấy là loại phiên bản đầu tiên của MiG-21. Ba anh em tôi lại mỗi người một chiếc bay thử cho xong để chuyển về nước đợt chót. Tôi được giao bay thử chiếc MiG-21 F-13 không có lí lịch. Không biết lí lịch của nó bị thất lạc hay mất ở đâu đó và mất tự bao giờ chẳng ai biết nữa. Mà máy bay cái nào cái ấy phải có lí lịch riêng để biết được nó xuất xưởng ngày nào, bay được bao nhiêu giờ rồi, chuyến bay gần nhất là ngày nào, hỏng hóc trong quá trình sử dụng là gì, rồi định kỳ sửa chữa theo từng giai đoạn 25 giờ, 50 giờ, 100 giờ... ở đâu, có những "chứng tật" gì khi bay v.v. Nghĩa là phải biết nó thật rõ như nhìn vào lòng bàn tay mình vậy. Nhưng khốn nỗi, chiếc này nó làm gì có cái khoản ấy. Vậy là phải ghi bắt đầu từ chuyến đầu tôi bay. Khi tôi mở máy, lăn ra đường băng để cất cánh chuyến đầu tiên, lúc bật tăng lực chẳng thấy có lực giật, cũng chẳng nghe thấy tiếng nổ "uỳnh" sau đuôi máy bay mà chỉ nghe thấy một tiếng "phù" và không cảm thấy lực giật của tăng lực. Tôi vẫn chạy đà cất cánh. Tôi cất cánh trong tâm trạng lo lắng. Anh Kính và anh Thiên đứng dưới đất quan sát còn lo lắng hơn tôi. Bao giờ chẳng vậy: "người dưới gốc lo hơn người trên ngọn" mà!. Cũng chính Nguyễn Ngọc Thiên đã dứt những cây hoa dại như những cây hoa bướm đủ màu sắc mọc ở ngoài sân bay để kết thành vòng hoa với ý định nếu tôi hoàn thành được chuyến bay, về hạ cánh thì đấy là vòng hoa chiến thắng, nhược bằng xảy ra chuyện gì xấu đối với tôi thì đấy sẽ là vòng hoa tang đặt trên mộ tôi.
Tôi đã trở về hạ cánh an toàn và Sáu Thiên là người đã xông lên buồng lái đầu tiên, quàng vòng hoa ấy lên cổ tôi, hôn lên khuôn mặt tôi còn đang ướt đẫm mồ hôi. Tôi không bao giờ quên được cái cảnh thật cảm động trong ngày hôm ấy được. Cứ mỗi lần chợt nhớ đến Sáu Thiên hoặc ai đó nhắc đến tên Thiên hay "Sáu cơ" thì trong tôi lại hiện rõ mồn một cảnh ở sân bay Tường Vân năm ấy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 22 Tháng Ba, 2020, 09:28:59 am
Nguyễn Ngọc Thiên hy sinh đêm 10-8-1972 khi máy bay anh bị thương. Trên đường quay ra sân bay căn cứ Đa Phúc, Sở chỉ huy lệnh cho anh nhảy dù nhưng anh vẫn cố điều khiển máy bay để về hạ cánh. Gặp khu vực mây giông ở Thanh Hóa, anh mất liên lạc. Đối với chúng tôi, ba từ "mất liên lạc" nghe nặng nề đến ghê gớm. Nó có thể là phi công nhảy dù an toàn xuống đâu đó. Nó cũng có thể là sự mất mát, phi công không bao giờ về nữa, mà cũng lại có thể chỉ vì hỏng vô tuyến nên không liên lạc được mà thôi, rồi đến thời gian nào đó lại trở về hạ cánh. Thực ra, trong đời bay của tôi, trường hợp thứ ba hãn hữu mới xảy ra. Đa phần, "mất liên lạc" đều gắn với sự mất mát, sự thiệt hại mà không một ai muốn nó xảy ra. Thế nhưng nó vẫn xảy ra với Nguyễn Ngọc Thiên. Vậy mới tai hại.
Sau khi "Sáu cơ" mất thì hai ngày sau đó - ngày 12-8, tôi cũng bị "mất liên lạc" - vì tôi phải nhảy dù trong trận không chiến với lũ F-4, sau đó phải vào bệnh viện điều trị mất tuần lễ. Những ngày nằm viện là những ngày tôi nhớ "Sáu cơ" nhiều nhất. Phải chăng nếu "Sáu cơ" nhảy dù được, có lẽ chúng tôi sẽ lại nằm điều trị cùng một nơi và biết đâu, khi tôi dò đến viện thì "Sáu cơ" lại tết một vòng hoa quàng vào cổ tôi lần nữa...
Nhưng điều ấy đã không diễn ra, mãi mãi không bao giờ diễn ra nên mới buồn!. Rất buồn!.
Nhiều năm sau này, có một lần khi tôi có việc vào trong miền Nam, tôi đã gặp cô cháu của Thiên là Nguyễn Ngọc Như Băng. Cháu đã đưa cho tôi và anh Hà Quang Hưng những quyển nhật ký của Nguyễn Ngọc Thiên mà cháu từng cất giữ. Tôi càng đọc những trang nhật ký của chàng "Sáu cơ" ấy thì càng vỡ lẽ ra rằng: đằng sau cái dáng người gân guốc, cứng nhắc đến khô khốc ấy là cả một tâm hồn đa cảm, có lúc đến ủy mị và đầy ắp tình nghĩa. Cũng là một sự lạ!. Điều ấy càng làm cho tôi nhớ đến Sáu Thiên hơn. Nhớ đến khắc khoải!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Tư, 2020, 09:07:32 am
Người thứ hai của lực lượng bay đêm hy sinh trong chiến đấu là Vũ Xuân Thiều. Trước đó, Vũ Xuân Thiều đã chuyển máy bay cơ động vào trực ban chiến đấu ở sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa rồi lại từ sân bay Thọ Xuân nhận lệnh cất cánh ra sân bay Đa Phúc. Sân bay bị địch đánh hỏng nên phải cất cánh từ đường lăn. Anh Trần Đức Tụ - sỹ quan dẫn đường tại Sở chỉ huy Thọ Xuân cho biết, trước khi ra sân bay, Thiều còn tạt vào Sở chỉ huy xin gọi điện thoại cho người thân (vì bấy giờ chỉ ở Sở chỉ huy mới có được đường dây gọi đi các nơi), sau đó ra sân bay, cất cánh. Mấy ngày sau thì Vũ Xuân Thiều chuyển máy bay vào trực ở sân bay Cẩm Thủy - Hòa Bình (thời đó sân bay này mang mật danh XB-90).
 Phải nói rằng, trong suốt cuộc chiến tranh, ta đã sáng tạo ra những cách đánh, cách tổ chức đánh thật tài tình. Một trong những cách ấy là dùng máy bay trực thăng Mi-6 cẩu máy bay MiG-21 đi khắp nơi để sơ tán, để đến những sân bay dã chiến, đến những nơi mà ta chỉ cần cất cánh chứ không thể hạ cánh được. Các kỹ sư, thợ máy của ta đã chế tác ra bộ giá đỡ máy bay để cho Mi-6 nâng, cẩu các máy bay MiG của ta đến những nơi cần đến.
Anh Hoàng Biểu - lúc bấy giờ đã giữ cương vị Đại đội trưởng đại đội 5 bay đêm nhớ lại, khoảng chiều ngày 23 hoặc 24 gì đó, Vũ Xuân Thiều hạ cánh xuống sân bay Cẩm Thủy. Ngay sau đó sân bay bị Không quân Mỹ đánh nát nhưng máy bay của Thiều vẫn nguyên vẹn vì ta đã kịp thời kéo đi sơ tán. Lực lượng sửa chữa gấp sân bay gồm các thành phần của đơn vị công binh cùng các đơn vị bộ đội, dân quân và bà con quanh khu vực sân bay làm việc cật lực mấy ngày đêm liền mới san lấp xong các hố bom, lu nèn lại đừng cất hạ cánh, nhanh chóng tổ chức trực ban chiến đấu. Mấy ngày đợi sửa gấp sân bay cũng là mấy ngày Đại đội trưởng Hoàng Biều cùng Vũ Xuân Thiều phải ở trong chiếc lều bạt căng phía cuối vườn của một nhà bác người dân tộc Mường. Mấy ngày ấy là mấy ngày hai anh em tâm sự với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện chung đến chuyện riêng, từ chuyện buồn đến chuyện vui... Tất cả đều được chia sẻ với nhau. Cho tới giờ thì anh Hoàng Biểu là  người nắm giữ nhiều thông tin nhất về Thiều trong những ngày trước chuyến bay cảm tử của Thiều.
Đêm 28-12, Vũ Xuân Thiều vào trực chiến và xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy. Anh Hoàng Biểu chỉ huy cất hạ cánh tại sân bay Cẩm Thủy cho biết, khi Thiều nhận lệnh chuyển cấp, mở máy để chuẩn bị cất cánh, anh có nhắc Thiều: "Máy bay chạy đà đến khi nào cần phải cho tách đất thì tôi sẽ ra khẩu lệnh "Cho tách đất!". Bấy giờ phải cố kéo máy bay lên vì đường băng ngắn lắm. Máy bay sẽ hơi tròng trành một chút nhưng không sao đâu. Tôi đã nhiều lần cất cánh kiểu ấy rồi!". Vũ Xuân Thiều cất cánh thành công. Theo nhiệm vụ được phân công: Sở chỉ huy của sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa chịu trách nhiệm dẫn Thiều giai đoạn đầu sau khi cất cánh rồi bàn giao cho Sở chỉ huy Mộc Châu. Bấy giờ, kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy ở Thọ Xuân gồm dẫn chính là anh Trần Đức Tụ, dẫn phụ là anh Trần Xuân Mão. Việc dẫn Thiều vào tiếp cận mục tiêu là của Sở chỉ huy tại Mộc Châu. Khi Sở chỉ huy Mộc Châu dẫn Thiều còn cách mục tiêu 40 km thì không thể dẫn được nữa vì nhiễu quá mạnh và dày đặc. Ngay khi ấy, Sở chỉ huy tại sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa lại phát hiện được mục tiêu và tiếp tục dẫn Vũ Xuân Thiều. Dẫn vào lần thứ nhất, Thiều không phát hiện được mục tiêu. Sở chỉ huy cho vòng lại, dẫn lần hai và thông báo vị trí mục tiêu liên tục. Vẫn không thấy Thiều nói gì. Đến cự li chừng 5 km, sau một chút im lặng bỗng nghe thấy tiếng Thiều: "Tôi thấy rồi!".
Tất cả hồi hộp chờ đợi, nhưng rồi là cả một sự im lặng vĩnh viễn...
Về trận đánh của Vũ Xuân Thiều, có nhiều bài báo đề cập đến, nhưng có lẽ chi tiết hơn cả, tôi xin được trích bài viết của Thượng tá Trần Xuân Mão, người sỹ quan dẫn đường khi ấy từng trực ở Sở chỉ huy sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa vào đêm 28 tháng 12 năm 1972 với tư cách là trực phụ cho anh Trần Đức Tụ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 05 Tháng Tư, 2020, 03:02:01 pm
Bài viết của Thượng tá Trần Xuân Mão như sau: "Đêm 18 tháng 12 năm 1972, Mỹ mở chiến dịch đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B-52 vào thủ đô Hà nội và thành phố Hải phòng nhằm cứu vãn những thất bại trên chiến trường miền Nam và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán ở Pa-ri. Trong chiến dịch này, Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B-52, gần 1000 máy bay chiến thuật hiện đại như F-4, F-111 cất cánh từ các sân bay trên đất Thái lan , Gu-am, trên các tàu sân bay của Hạm đội 7.
Để bảo vệ đội hình của máy bay B-52, Mỹ dùng các thủ đoạn tác chiến điện tử với cường độ cao , trên một diện rộng, tiến hành gây nhiễu trong đội hình và sử dụng các máy bay EB-66 gây nhiễu ngoài đội hình, thả nhiễu tiêu cực với cường độ lớn, sử dụng máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ yểm hộ trong và ngoài đội hình B-52, sử dụng máy bay cường kích đánh phá các trận địa ra-đa, tên lửa, các sân bay của ta.
Trong thời gian từ 18 đên 27-12-1972, KQ ta đã cất cánh nhiều lần nhưng không tiếp cận được đội hình của B-52. Đêm 27-12, đồng chí phi công Phạm Tuân mới bắn rơi được 1 chiếc B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị KQ  ta bắn rơi trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 và cũng là chiếc B-52 đầu tiên bị KQ ta bắn rơi kể từ khi chúng đánh phá ra miền Bắc.
Thắng lợi to lớn này đã làm tăng thêm niềm tin vào khả năng bắn rơi máy bay B-52 bằng máy bay tiêm kích MiG-21.
Ngày 28-12-1972, tại Sở chỉ huy tiền phương (K2), Quân chủng tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh do đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương chủ trì. Tại đây, toàn thể cán bộ có mặt đã được vinh dự đón đồng chí Đại tướng - Bộ trưởng Bộ quốc phòng xuống dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Không quân đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ và chỉ thị cho Không quân phải tích cực nghiên cứu, nắm chắc các thủ đoạn mới của địch, tổ chức nhiều trận đánh thành công hơn nữa. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo trong Bộ tư lệnh và các cán bộ Phòng Tham mưu, Chính trị họp bàn xây dựng Quyết tâm chiến đấu trong những đêm tới. Ta nhận định: sau thất bại đêm 27-12, KQ Mỹ sẽ tăng cường đánh phá ác liệt hơn, đặc biệt đánh phá các sân bay xung quanh Hà nội như Đa Phúc, Kép, Hòa lạc, Miếu môn, Yên bái. Do đó, tổ chức cất cánh từ các sân bay đó sẽ vô cùng khó khăn. Để tạo được yếu tố bất ngờ và đánh địch từ xa, phải tổ chức cất cánh từ các sân bay vòng ngoài. Sân bay được chọn là sân bay Cẩm thủy. Đây là 1 sân bay dã chiến , thuộc địa phận của nông trường 26-3 thuộc huyện Thạch Thành - Thanh Hóa. Sân bay đất có kích thước hẹp: dài 1600 mét, rộng 30 mét lại nằm trong vùng núi, tĩnh không hạn chế, chỉ cho phép cất, hạ cánh ở một đầu đường băng. Sân bay cũng mới bị máy bay B-52 ném bom làm đường băng hỏng nặng, đã được Tiểu đoàn công binh và dân quân địa phương sửa chữa gấp và đang được ngụy trang cẩn thận. Sở chỉ huy ở Thọ Xuân - Thanh hóa được tăng cường lực lượng, phương tiện từ Quân chủng vào, được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy chiến đấu ở vòng ngoài. Sở chỉ huy phải chuẩn bị phương án, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, đặc biệt  với Đại đội ra-đa dẫn đường 26 đóng tại Vĩnh lộc - Thanh hóa để phát hiện địch từ xa, dẫn máy bay ta cất cánh từ sân bay Cẩm thủy lên đánh địch.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Tư, 2020, 09:53:32 am
Bộ tư lệnh quyết định chọn phi công Vũ Xuân Thiều của Đại đội bay đêm, đánh đêm thuộc Trung đoàn KQ tiêm kích 927 chuyển sân vào sân bay Cẩm thủy trực chiến. (Đòng chí Vũ Xuân Thiều thuộc quân số của Trung đoàn 927 mới được chuyển về Đại đội đánh đêm của Trung đoàn 921).
15 giờ 30 phút, mọi công việc đã được chuẩn bị xong. Đồng chí Trần Mạnh báo về Sở chỉ huy Binh chủng đề nghị cho máy bay cất cánh. Đồng chí Trần Hanh nắm lại tình hình thời tiết, tình hình hoạt động của địch hiện tại rồi ra lệnh cho Sở chỉ huy Trung đoàn 927 chuyển sân. Để giữ được bí mật tuyệt đối cho trận đánh, Sở chỉ huy quy định sau khi cất cánh ở sân bay Đa Phúc, phi công bay ở độ cao thấp (200 mét) và bay dọc theo đường quốc lộ 1A đến thị xã Ninh bình, sau đó vòng về sân bay hạ cánh. Trong quá trình bay chuyển sân không liên lạc vô tuyến.
Sau khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Cẩm thủy, Sở chỉ huy Thọ Xuân tăng cường trực ban để thường xuyên nắm bắt tình hình địch, chuẩn bị cho trận đánh.
Theo tin tình báo chiến lược, từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút đêm 28-12 sẽ có 60 lần chiếc B-52 hoạt động.
21 giờ, đồng chí Trần Hanh lệnh cho mở ra-đa C26 và C22 (C26 đóng ở Vĩnh Lộc và C22 đóng ở Mộc Châu) để theo dõi, phát hiện địch từ xa.
21 giơ22 phút, ra-đa đo cao của Đại đội 26 phát hiện 3 máy bay B-52 ở phía Nam sông Mê Công (Đông Nam Pạc Xan 65 km) độ cao 12.000 mét.
21 giờ 28 phút, phát hiện tốp B-52 thứ hai ở Đông Nam Pạc Xan 90 km, tiếp đó là tốp B-52 thứ ba. Đồng chí Trần Mạnh chăm chú theo dõi từng mũi chì xanh đánh dấu đường bay B-52 trên bản đồ. Đồng chí nói:
   - Đây là các tốp B-52 vào đánh Hà Nội!.

Đồng chí chỉ thị cho sĩ quan quân báo, dẫn đường theo dõi chặt các tốp này. Ba tốp B-52 từ phía Nam sông Mê Công (Thái Lan) đang bay về phía Bắc, dọc theo phía Tây biên giới Việt - Lào. Đại đội ra-đa báo về ở hướng Tây Nam có 2 rải quạt nhiễu tích cực, cường độ hai, đồng thời xuất hiện một số tốp tiêm kích ở khu vực Sầm Nưa. Đồng chí sĩ quan dẫn đường tính toán xong và đề nghị cho máy bay ta cất cánh. Đồng chí Trần Mạnh đồng ý và lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều chuyển cấp, cất cánh.
Theo phương án chiến đấu đã được sĩ quan dẫn đường hiệp đồng từ trước, sau khi máy bay cất cánh lấy được độ cao 200 mét, phi công Vũ Xuân Thiều sẽ bóp ống nói 3 lần để báo hiệu cho Sở chỉ huy biết.
Sĩ quan dẫn đường sau khi nhận được tín hiệu báo từ phi công Thiều lệnh cho đồng chí Thiều  vòng phải, hướng 290 độ, độ cao 5000 mét, tốc độ 900 km/h. Trên bảng tiêu đồ, vị trí máy bay ta được chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu bằng đường chì màu đỏ, đang hướng về biên giới Việt - Lào. Kíp trực ban dẫn đường bấy giờ bận rộn hơn bao giờ hết: người thì thường xuyên liên lạc với sĩ quan chỉ huy Đại đội ra-đa, người thì ghi thời gian, người thì tính toán đường bay của máy bay ta, máy bay địch trên bảng tiêu đồ... Bỗng chiến sĩ tiêu đồ nói:
   - Báo cáo! Xuất hiện 2 tốp mục tiêu mới, mỗi tốp 4 chiếc, độ cao 7.500 mét ở trước mũi đường bay của máy bay ta!.
Đồng chí Trần Mạnh nói đây là hai tốp tiêm kích vào dọn đường và chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường dẫn máy bay ta bay tránh, đồng thời lấy độ cao cao hơn bọn tiêm kích địch. Đồng chí Trần Đức Tụ dẫn máy bay ta vòng trái, hướng bay 270 độ, tăng lực lấy độ cao lên 12.500 mét. Sĩ quan chỉ huy ra-đa báo về: cường độ nhiễu ở hướng Tây rất nặng, máy bay B-52 đang bay vào khu vực có nhiễu sóng địa vật nên không bắt được tín hiệu của B-52.
Đồng chí Trần Mạnh chỉ thị cho sĩ quan dẫn đường sơ bộ xác định vị trí của B-52 theo từng thời gian. Ta nhận định đội hình B-52 bay từ phía Nam sông Mê Công (Thái lan) lên, khi đến Sầm Nưa sẽ bay vòng lên Mộc Châu, tiến vào đánh thủ đô Hà Nội. Đồng chí dẫn đường đề nghị dẫn tiêm kích ta vào chặn đánh B-52 sau điểm vòng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Tư, 2020, 02:52:32 pm
21 giờ 52 phút 30 giây, Sở chỉ huy Thọ Xuân lệnh cho Vũ Xuân Thiều vòng phải, hướng bay 360 độ, tốc độ 1.200 km/h, độ cao 12.500 mét. Tiếp đó, Sở chỉ huy thông báo cho Vũ Xuân Thiều biết vị trí mục tiêu ở bên trái 50 độ, 15 km, rồi 30 độ,10 km. Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Sở chỉ huy dẫn anh thay đổi hướng bay 320 độ , rồi 270 độ để đề phòng địch thay đổi hướng bay.
21giờ 57 phút, đồng chí Trần Xuân Mão, sĩ quan dẫn đường trên hiện sóng ra-đa phát hiện một tín hiệu lạ trên nền nhiễu trắng đục. Bằng kinh nghiệm của mình, anh khẳng định đó là B-52, anh lập tức lệnh cho Vũ Xuân Thiều vòng phải gấp, hướng bay 90 độ. Trên bảng tiêu đồ, vị trí của B-52 đã được chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu. Sĩ quan dẫn đường báo cáo với đồng chí Trần Mạnh là địch đã thay đổi đường bay, có khả năng B-52 sẽ bay ngược lên Sơn La, sau đó vòng xuống đánh Hà Nội để tránh tiêm kích ta.
21 giờ 58 phút, sau khi đạt được hướng bay 90 độ, Xuân Thiều phát hiện bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của B-52. Anh báo cáo:
   - 46 phát hiện mục tiêu bên trái 90 độ, 10 km!
Và anh ép độ nghiêng, lao về phía địch.
Ta chủ trương: khi phi công tiếp cận, ngắm bắn, không mở ra-đa trên máy bay để B-52 không phát hiện được MiG bám đuôi. Đồng chí Thiều đã bám sát và xác định cự ly phóng tên lửa bằng quan sát mắt theo đèn tín hiệu của B-52.
Nhận được báo cáo của đồng chí Thiều, cả Sở chỉ huy ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Đồng chí Trần Mạnh nhắc Thiều:
   - 46 bật công tắc bắn loạt! Kiên quyết tiêu diệt địch!.
   - 46 nghe rõ!.
Một phút sau, Sở chỉ huy hỏi:
   - 46 công tác tốt không?.
Không nghe thấy tiếng Vũ Xuân Thiều trả lời, Sở chỉ huy lại gọi tiếp:
   - Sông Mã gọi 46! Sông Mã gọi 46!...
Nhưng đều không liên lạc được. Mọi cán bộ, chiến sĩ trong Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Đồng chí Trần Mạnh nét mặt trầm lại và với kinh nghiệm của người đã từng chỉ huy cả trăm trận đánh, ông hiểu điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan tác chiến báo về Sở chỉ huy Binh chủng.
Tại Sở chỉ huy Binh chủng, đồng chí Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi nhưng đều không phát hiện được gì. Đồng chí Trần Mạnh nói chuyện với đồng đồng chí Trần Hanh qua điện thoại rất lâu. Hai vị chỉ huy đã đều thống nhất nhận định rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li gần. Do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, anh đã lao thẳng vào đội hình B-52 và anh dũng hy sinh".

 Trận chiến giữa trời đêm diễn ra thật nhanh, thật ngắn ngủi. Và Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường, đã là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Anh đã hành động giống như các Anh hùng phi công Liên-xô: Gax-te-lô, Ta-la-li-khin...trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - cảm tử và quyết tử!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Tư, 2020, 03:25:13 pm
Sáng hôm sau, khi tôi xuất kích rồi bay chuyển sân từ sân bay cơ động về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc với tâm trạng còn đang phấn khích về chiến công của Phạm Tuân đêm hôm trước thì sau khi hạ cánh xong, nhận ngay được tin Thiều hy sinh. Nước mắt tôi tự trào ra dào dạt. Tay tôi cầm phong thư của Thiều mà tôi nhận được từ sân bay cơ động định đem về Da Phúc cho Thiều đọc thì giờ đây không còn đến được tay người nhận nữa. Mới đây thôi, hai anh em cùng Trung đội bay đêm, rồi tôi sang Đại đội đánh ngày. Tuy cùng Trung đoàn mà đã thấy có gì đó cách biệt bởi ngày và đêm. Mới hôm rồi Thiều còn gửi trả tôi cái áo lên hôm cho Thiều mặc cho đỡ lạnh và Thiều cũng mới gửi thư tay cho tôi "thúc giục" chuyện tôi gắn bó với "cô sơn nữ". Vậy mà những dòng chữ kia đã là những dòng cuối cùng rồi. Nay thì cách biệt âm dương. Tôi về đến căn cứ thì lẳng lặng viết đằng sau bức thư của Thiều dòng:
             Chiều chiều mây phủ Sơn La
             Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm...

Một ngày sau, anh Phạm Ngọc Lan được cử đi Sơn La. Khi đến xã Tạ Khoa, huyện Yên Châu - Sơn La, anh đã gặp anh Phạm Đức Thuận, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh đang đóng quân ở Cò Nòi. Các anh đã đên hiện trường  xem xét và tìm cách bảo vệ hiện trường. Phía bên kia đồi là xác của B-52 với những mảnh vỡ cháy xám đen. Phía bên này đồi là những mảnh của Mì-21. Anh Phạm Ngọc Lan đã giao cho anh Thuận mọi công việc và đề nghị anh Thuận cho quân bảo vệ hiện trường rồi quay về báo cáo Binh chủng.
Anh Phạm Ngọc Lan đã nhận xét và đến tận thời gian sau này anh cũng vẫn khẳng định là Thiều đã "húc" vào B-52.
Vũ Xuân Thiều đã thể hiện ý chí sẵn sàng hy sinh quên mình, quyết bằng được phải bắn rơi tại chỗ B-52 bằng tinh thần cảm tử và quyết tử để lấy lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Trong lời tuyên dương công trạng của nhà nước với Vũ Xuân Thiều (trang 440, cuốn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tập 6) có ghi:
"Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi B-52 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, góp phần làm phong phú thêm cách đánh B-52 của đế quốc Mỹ - có lực lượng yểm hộ mạnh - của Không quân ta. Đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh đêm. Ghi thêm một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội Không quân.
Chiến công của Vũ Xuân Thiều đã góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải phòng... kéo dài 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam"


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Tư, 2020, 08:09:06 am
Xin hỏi bác phicôngtiemtiêmkích : Đại đội bayphi đội bay khác nhau như thế nào ? Biên chế và trang thiết bị của các đơn vị ấy ra sao ạ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 13 Tháng Tư, 2020, 09:34:34 am
Chào Giangtvx!
Sự khác biệt giữa Đại đội bay và Phi đội bay là: ở vào giai đoạn trước,  biên chế của Đại đội bay thì chỉ có các phi công mà thôi. Cho nên, một Đại đội bay (như thời Đại đội 5 bay đêm có 14 phi công, 2 chính trị viên (trưởng, phó) và thế là ...hết!. Tổng cộng chưa đầy 20 người. Sau này, khi thành lập Phi đội thì biên chế của nó gộp cả phi công lẫn thợ máy vào làm một, tức là một Phi đội thì có cả Đại đội bay và Đại đội thợ máy ngày trước gộp lại. Vậy là, chức năng của anh Phi đội trưởng Phi đội bay nặng nề hơn anh Đại đội trưởng Đại đội bay nhiều, vì không những chỉ lo cho thành phần bay mà còn phải tính cả việc chăm lo cho thành phần thợ máy nữa. Quân số của Phi đội cũng tăng lên nhiều, không "chòi chọi" như trước kia!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Tư, 2020, 08:55:45 pm
Vâng, em rõ rồi, cám ơn bác.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 16 Tháng Tư, 2020, 11:27:04 pm

        Phi công cấp 1 là phi công bay được trong điều kiện 4 thời tiết: ngày giản đơn, ngày phức tạp, đêm giản đơn và đêm phức tạp.

        Phi công cấp 2 là phi công bay được trong điều kiện 3 thời tiết: ngày giản đơn, ngày phức tạp và đêm giản đơn.

        Phi công cấp 3 là phi công bay được trong điều kiện 2 thời tiết: ngày giản đơn và ngày phức tạp.

        Phi công không cấp là phi công chỉ bay trong điều kiện thời tiết giản đơn ban ngày.

(Trích "ký ức trời đêm")         

        Không thấy bác phicôngtiêmkich cấp phi công của bác, nhưng có thể đoán bác là phi công cấp 1 thông qua những chức vụ mà bác đã từng nắm giữ, đạc biệt là kỹ thuật và nhất là những kỹ thuật "báo cơm", "đuổi bò", ... Em đoán thế có đúng không bác ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Tư, 2020, 03:14:28 pm
Tôi chỉ mới là phi công cấp 2 thôi, vì chưa bay hết khoa mục ban đêm thời tiết phức tạp thì đã chuyển sang bay ngày, đánh ngày rồi. Về sau này, một số anh em cứ đưa cho tôi huy hiệu phi công cấp 1, bảo rằng vẫn đủ điều kiện để đeo, nhưng tôi không làm vậy vì ngượng lắm. Cứ cái cấp 2 - cấp thật của mình mà đeo là yên tâm nhất!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 19 Tháng Tư, 2020, 09:41:16 am
Về lại với những đồng đội Đại đội bay đêm của tôi, với Trung đội trưởng bay đêm của tôi.
Anh Nguyễn Văn Thuận là người cùng đoàn bay với bác tôi và chơi thân với bác tôi là Tạ Văn Thành. (Bác tôi đã hy sinh trong trận không chiến trên vùng trời Phổ Yên ngày 14-7-1966 cùng biên đội với anh Hoàng Biểu). Khi tôi về Đại đội bay đêm, anh Thuận đã bắn rơi hai máy bay Mỹ rồi. Vì được biết anh từ trước, tính tình anh lại sởi lởi, cởi mở nên tôi gần anh rất nhanh và coi anh như người anh của mình. Ngoài những lúc nghiêm túc trong công việc, khi rảnh rỗi, anh hay kể những chuyện vui và đôi khi anh cũng tếu táo, coi bọn tôi như bạn cùng trang lứa...Anh không chỉ làm cho chúng tôi cười tít mắt, mà ngay hồi anh học bên Liên-xô, anh đã làm cho bao người Nga phải cười nghiêng cười ngả khi anh diễn trên sân khấu rồi. Anh kể cho chúng tôi nghe anh từng diễn kịch câm với những tiểu phẩm "Cắt ruột thừa", "Bắt rượu lậu"...Khi ấy, các khán giả đều cười khoái trá, cười hết cỡ mới thôi bởi anh diễn cái kiểu khóc trên sân khấu không giống ai: nước mắt không chảy xuôi mà phun ngược lên thành hai dòng tít tận trên cao. Anh kể: "Có gì đâu! Tớ cho nước vào 2 quả bóng cao su, đặt vào 2 bên nách, nối đường dây bằng ống nhựa mềm chạy dọc theo cánh tay. Khi làm động tác khóc  chỉ cần lấy tay che lên mặt đồng thời ép chặt nách vào, thế là "nước mắt" vọt ngược lên thôi!.. Tôi trầm trồ lắm, khen anh nức nở: "Anh làm vậy thì có khác gì nghệ sỹ hài công huân của Liên-xô là Ni-cu-lin!". Anh chỉ cười: "Chẳng dám so sánh, nhưng sau những buổi diễn ấy, nhiều người khoái tớ lắm, nhất là những cô gái Nga!". Thế thì còn gì bằng nữa!.
Anh cũng là người chơi vi-ô-lông khá hay. Anh cũng từng đứng trên sân khấu bên Liên-xô để biểu diễn. Mà cái cách anh đứng biểu diễn thì chẳng ai học được dáng anh cả: chân anh khòng khòng theo chiều trước ra sau lại thêm cái kiểu tạo dáng nữa thì chỉ có ... chào thua!.
Thời ấy, anh có ý định "đồng hóa nghiệp vụ" cho Trung đội bay của anh, nghĩa là bắt tất cả các Trung đội viên của anh phải chơi cái món "nhị Tây" ấy. Tôi thì chân tay cứng quèo vì chơi xà, tạ nhiều thế là cứ gần đến giờ anh định dạy nhạc là tôi tìm cách "lẩn" ra bãi tập. Vũ Xuân Thiều thì ngồi một góc, ôm cây đàn ghi-ta phừng phực, phừng phực với những giai điệu chẳng ai chấp nhận được. Còn anh Nguyễn Cát A thì chẳng nói chẳng rằng, cứ hồn nhiên đưa "ngón tay thần" lên ... ngoáy mũi!.
Nhìn cái đám Trung đội viên của mình với đủ sắc thái khác nhau như vậy, anh Thuận chỉ còn cách lắc đầu và than thở: "Đúng là các cậu đã chẳng hiểu biết tí gì về văn học nghệ thuật, mà lại còn chẳng muốn tiếp cận với nó thì đúng là... chán mớ đời!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 20 Tháng Tư, 2020, 07:54:14 am
   
        "... Việc phát hiện và công kích vào ban đêm, phi công không thể xác định bằng mắt như phi công bay ngày được mà phải dựa hoàn toàn vào ra-đa trên máy bay. Trong khi đó, màn hình ra-đa trên máy bay chỉ nhỏ bằng miệng chiếc bát ăn cơm thôi. Mục tiêu thì được hiển thị bằng các nét vạch nhỏ hiện trên một vạch ngang. Nếu mục tiêu ở cao hơn máy bay ta thì vạch ấy ở phía “trên” vạch ngang và ngược lại. Nếu độ cao của máy bay ta bay ngang bằng với độ cao của mục tiêu thì số vạch ở “trên” và ở “dưới” bằng nhau. Khi mục tiêu ở cự li xa thì hiện một vạch, gần hơn thì 2 vạch và gần nữa thì 3 vạch. Đấy là ở chế độ “sục sạo”. Khi chuyển sang chế độ “bám sát”, trên màn hình ra-đa xuất hiện “cánh chim”, vạch cự li và vùng cho phép phóng. Phụ thuộc theo độ cao bay và tốc độ bay, tốc độ tiêp cận với mục tiêu mà vùng cho phép phóng có thể rộng hoặc hẹp. Đấy là trong điều kiện không có nhiễu. Nếu địch gây các loại nhiễu thì từ chế độ “sục sạo” đến chế độ “bám sát” còn khó khăn gấp bội phần. Lúc ấy, màn hình ra-đa bị trắng một phần hoặc thậm chí toàn phần nên không thể phát hiện được mục tiêu. (trích "Ký ức trời đêm)"

        Không thể tưởng tượng được ra đa của chiếc MiG-21 lừng danh lại thô sơ như thế !


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 20 Tháng Tư, 2020, 08:58:10 am
Ra-đa RP-22 trên MiG-21 đúng là rất thô sơ nếu so với các máy bay khác, ví dụ như F-4 thời bấy giờ chẳng hạn, còn như với các máy bay chiến đấu thời nay thì nó cũng chẳng khác gì cây gậy tầm vông thời kháng Pháp ngày xưa. Vậy nhưng, MiG-21 đã trở thành huyền thoại của bầu trời lại chính từ những thứ thô sơ ấy. Vì những thứ ấy được nằm trong tay những người biết sử dụng, biết biến tấu nó để trở thành khắc tinh của các loại hiện đại của kẻ thù. Vũ khí chỉ là vũ khí thôi. Vấn đề là nó nằm trong tay ai và họ sử dụng vì mục đích gì. Đúng không ạ?.
Trở lại với Trung đội trưởng bay đêm của tôi.
Khi phát hiện ra các Trung đội viên của mình chẳng hào hứng gì với cái sự "đồng hóa nghiệp vụ" với loại nhạc cụ anh yêu thích thì anh Thuận bắt chúng tôi phải học hát bài mà anh nói là  do anh sáng tác. Chúng tôi phải tuân theo. Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ được giai điệu và lời của bài hát:
     "Đoàn ta bay hiên ngang trong ánh mây hồng
     Kìa nhà máy, ống khói cao vút trời xanh
     Ôi Tổ quốc thân yêu nâng cánh ta bay
     Canh giữ bầu trời là niềm hạnh phúc của ta
     Đảng đã cho ta đôi cánh tung trời
     Lướt gió rẽ mây, ta bay tìm diệt quân thù
     Tổ quốc mến yêu ơi!
     Xin hiến dâng Người cả trái tim ta!
     Xuất kích trận này, chiến thắng về ta!"...
Anh hay tâm sự với chúng tôi đủ mọi chuyện, trong đó có cả chuyện riêng tư của vợ chồng anh, rồi cả những chuyện các anh trêu chọc, lừa nhau ...Những câu chuyện ấy vô tình lại là sự "trang bị" cho tôi  chút kinh nghiệm để phát triển vào những chuyện đùa nghịch sau này.
Khi tôi rời khỏi đội ngũ bay đêm chuyển sang bay ngày thì anh cũng chuyển công tác. Tôi không liên lạc được với anh nữa. Chỉ mãi tận sau này tình cờ gặp lại anh trong một đám cưới của ai đó rồi sau đó lại tiếp tục bặt tin. Khi anh mất, mãi sau tôi mới nhận được tin. Anh ở trong Nam, tôi thì lại bận bịu không có điều kiện vào viếng anh được, chỉ lưu giữ nỗi nhớ về anh ở trong lòng mà thôi. Cầu mong anh thanh thản ở thế giới bên kia, tiếp tục chơi loại nhạc cụ mà anh yêu thích và tiếp tục sáng tác những bản nhạc mới. Nếu kiếp sau, còn có duyên với anh, tôi sẽ nhờ anh dạy tôi chơi cái món "nhị Tây" kia và biết đâu, tôi sẽ thành tài!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tư, 2020, 05:42:50 am
     
        "... MiG-21F-96 có 1 động cơ phản lực Tumansky R-13-300, có 4 bệ treo với các phương án mang vũ khí đa dạng hơn MiG-2lF-94. Nó có thể đeo 4 quả tên lửa không đối không, hoặc 4 thùng rốc-ket, hoặc 2 tên lửa và 3 thùng dầu phụ... Nó cũng được trang bị pháo 23 li với 200 viên đạn." (Ký ức trời đêm)

        Như vậy MiG-21F-96 ưu việt hơn hẳn MiG-21F-94. Vậy xin hỏi bác phicôngtiêm kích là khi không quân đánh B.52 sao không chỉ dùng MiG-21F-96 mà vẫn còn dùng cà MiG-21F-94 nữa ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Năm, 2020, 08:32:34 am
Trong năm 1972, việc cùng sử dụng cả F-94 lẫn F-96 là chuyện bình thường. Có gì dùng nấy mà. Cũng có đôi lúc, do những hỏng hóc, trục trặc về mặt kỹ thuật của máy bay nên số lượng cũng chưa đáp ứng được. Đội ngũ thợ máy trong thời gian này rất vất vả. Các anh nhiều giai đoạn phải thức trắng đêm để sửa chữa tìm mọi cách khôi phục tình trạng máy bay hoàn hảo cho ngày trực. Đấy là những chiến công thầm lặng. Tiếc rằng trong đội ngũ thợ máy, chỉ mới có anh Trương Khánh Châu là được phong danh hiệu anh hùng thôi. Đúng ra, phải có nhiều nhiều nữa mới phải.
Nói đến các Đại đội bay, ngoài những hoạt động của số phi công ra, có lẽ phải kể đến hoạt động của những đồng chí chính trị viên. Vào thời đó, các chính trị viên không phải là người bay. Cũng chính vì vậy mà việc tiếp cận với đội ngũ bay của các anh phần nào bị hạn chế và cũng gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười. Với Đại đội bay đêm của tôi hồi ấy, có hai chính trị viên: trưởng và phó. Một số Đại đội còn có thêm hiệp lý chính trị viên để tăng cường việc nắm bắt tư tưởng của các phi công nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời nhất trong lãnh đạo tư tưởng. Hai chính trị viên của Đại đội bay đêm đều tên là Thành cả: một là Phan Minh Thành, hai là Nguyễn Văn Thành. Anh Thành họ Phan thì có nước da "sậm" hơn, "bánh mật" hơn anh Thành họ Nguyễn. Chính vì vậy mà bọn tôi gọi anh là Thành đen, còn anh Thành họ Nguyễn là Thành trắng. Thế là phân biệt dễ nhất, khỏi nhầm lẫn.
Anh Thành đen là người rất xởi lởi, sống chan hòa. Anh rất gần bọn tôi và không "dấu dốt". Có gì không hiểu là anh hỏi ngay. Anh chia sẻ mọi chuyện nên chúng tôi cũng dễ gần anh và giúp anh làm công tác tư tưởng cho tốt hơn.
Tôi nhớ lần anh về quê tôi để thẩm tra lí lịch trước khi kết nạp Đảng cho tôi. Khi ở quê lên, anh tìm gặp tôi và vui vẻ nói: "Này, tớ mới ở quê cậu về đây đấy!. Khi tớ về đến đầu làng cậu, gặp một cô chắc vừa đi tát nước hay đi cấy về, quần còn sắn cao quá đầu gối, vác gàu tát nước, dáng người chắc khỏe, trắng trẻo, cũng xinh xắn. Khi tớ hỏi thăm lối đến nhà cậu thì mặt cô ta bỗng đỏ bừng lên, chỉ vội chỉ vàng sau đó ù té chạy. Tớ thầm đoán là "có vấn đề " rồi!. Đến nhà, hỏi han mọi chuyện xong, tớ đem sự nghi ngờ kia ra hỏi mẹ cậu thì mẹ cậu nói ngay: chắc đấy là cô bé ở xóm trên, gia đình cậu muốn "dấm" cho cậu. Tớ thấy nó cũng khỏe mạnh, xinh xắn. Được đấy chứ!. Thế cậu thế nào với nó rồi?.
Tôi thì tôi chẳng thấy thế nào cả vì tôi và cô bạn kia chỉ cùng sinh hoạt trong Đội thiếu niên hồi tôi còn ở nhà, sau đó khi tôi học cấp ba rồi nhập ngũ thì biền biệt, có gặp lại nhau bao giờ đâu. Mà cũng nào đã có tí tình cảm gì với nhau đâu mà bảo thế nào với thế nào. Nhưng anh Thành đen thì lại ấn tượng về cái lần gặp ấy lắm và cũng muốn "vun vén" vào cho tôi nên lâu lâu sau lại hỏi tôi: "Này, cái cô bé ở quê ấy, bây giờ thế nào rồi?". Tôi trả lời: "Yên bề gia thất rồi, anh ạ!". Vậy là từ bấy, anh không hỏi thêm gì nữa.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Năm, 2020, 10:19:51 am
Sau rồi, một hôm anh tìm đến tôi và nói: "Hôm tớ được về tranh thủ, tớ thấy thằng con tớ không hiểu sao mà răng của nó trước trắng thế, giờ xám xịt, lại lung la lung lay,  mà lợi thì sưng đỏ, ấn vào thấy lùng bùng như có mủ, lại chảy máu nữa và mùi thì hôi lắm. Không biết thế là thế nào". Tôi giật mình : "Ôi anh ơi! Theo như các dấu hiệu ấy thì Đông y gọi đấy là cam răng, khéo bị "tẩu mã nha cam" mất rồi cũng nên". Anh hỏi lại tôi: "Tẩu mã nha cam là cái trò hề gì vậy?". Tôi đáp: "Là khi hàm răng bị viêm nặng, tới lúc gọi là "tẩu mã" thì nguy cấp lắm rồi, nhanh như ngựa chạy ấy mà, chỉ vài ngày thôi là có thể thối nát, răng rụng hàng loạt, mà có thể còn xuyên thủng cả má lên mũi  rồi dẫn đến cái chết rất nhanh. Quê tôi cũng đã có đưa bé bị như thế rồi!". Anh hốt hoảng: "Vậy thì làm thế nào bây giờ?". Tôi trả lời: "Tây y thì tôi chịu không biết thế nào, nhưng Đông y thì có mấy cách chữa đấy!". "Thôi thôi, mày chỉ ngay cho tao mấy bài ấy đi!" - anh chuyển cách xưng hô như kiểu anh em trong gia đình. Tôi liền cặm cụi ngồi viết cho anh mấy bài thuốc ấy rồi dặn anh cách làm thật cẩn thận và giục anh xin nghỉ mấy ngày về mà làm cho kịp. Phải chạy đua với thời gian thôi, không đùa được. Anh vội vã nhét mấy bài thuốc tôi viết cho vào túi áo rồi chạy đi xin nghỉ.
Gần tuần sau, anh trở về đơn vị, từ xa anh đã tưới cười, vẫy vẫy tôi lại và thông báo: "Ổn rồi mày ạ! Răng thằng bé đã chắc khoẻ, không còn mùi hôi thối nữa, không chảy máu nữa, ăn uống thấy bình thường rồi, yên tâm rồi. Mà này, mày học ba cái thứ đó ở đâu ra vậy?". Tôi đủng đỉnh: "Chúc mừng anh nhá. Còn ba cái thứ kia thì học ở trong sách thôi!". Anh bật cười: "Ôi, cái thằng!". Khi tôi chuyển hẳn sang bay ngày thì ít gặp anh, rồi càng về sau này thì càng ít gặp. Tới lúc tôi đóng quân ở Yên Bái với cái "Trung đoàn ở đồi Cọ" ấy thì không gặp được anh nữa. Nghe đâu anh đã chuyển về sân bay Biên Hòa. Mãi tận sau này, tôi nghe tin anh đã mất ở sân bay Biên Hòa, nhận tin mà tôi cứ bùi ngùi. Thế là anh đã vĩnh viễn "ra đi". Một người chính trị viên rất gần gũi, hòa đồng cùng cánh phi công chúng tôi chẳng bao giờ tôi còn gặp được anh nữa. Tôi vẫn cứ nhớ đến khuôn mặt anh với nụ cười vui vẻ đầy phấn khích và câu: "Ôi, cái thằng!". Vậy mà đấy lại là câu cuối cùng trong đời của anh đối với tôi . Không thể ngờ được!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 11 Tháng Năm, 2020, 08:41:11 pm
xuanv338 chào anh chủ, chào các bác làng M&H. Lâu lắm hôm nay em lại trở về làng xưa hóng chuyện trên trời. Thấy mọi người vẫn vui vẻ, chuyện trên trời vẫn rôm rả không ngừng. Cũng phải đề nghị với các xếp diễn đàn phong tặng cho những người trung thành ở lại trông coi làng khởi nghiệp. Đây mới chính là quê hương cội nguồn của chúng ta. Chúc anh phicongtiemkich và các anh chị em làng ta khỏe mạnh. Duy trì làng phát triển thành làng đổi mới, kỷ cương vẫn nghiêm mình và văn hóa.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Năm, 2020, 09:33:41 am
Cám ơn Xuanv338 đã động viên. Cũng mong Xuanv338 tiếp tục câu chuyện của mình đều đều nhé!.
Trong số các phi công bay đêm và trong đội ngũ phi công nói chung, có anh Nguyễn Cát A là đặc biệt. Đặc biệt ngay từ cái tên với từ đứng đầu trong bảng chữ cái kia. Khi về nước, ngay từ ngày trực chiến đầu tiên, bộ phận trực cao không - tức là bộ phận lo cất giữ và chăm sóc quần áo, mũ bay cao không cho phi công ấy đã toát mồ hôi hột khi không tìm được thùng bay cho anh. Giờ ra sân bay thì đã cận rồi, mọi người cùng ùa vào để tìm hộ cho nhanh. Hôm ấy tình cờ thế nào mà tôi lại nảy ra cái "sáng kiến tối tăm" là biết đâu các anh kia chẳng nghĩ trong đoàn bay khóa Ba có 2 người tên Cát, nên mới phân biệt là Cát A và Cát B cũng nên. Vậy là đi tìm thùng bay có chữ "Cát". Quả thật, sau một lúc lục lọi thì thấy một thùng có chữ "Cát" to tướng, còn chữ "A" thì viết bé như một dấu của lũy thừa. Hú vía!. Vừa tìm thấy thì cũng vừa lúc xe đến để chở kíp trực ra sân bay. Vậy là từ bấy trở đi, anh A luôn nằm trong "tầm ngắm" của mọi người, nhất là tôi. Cái biệt danh "Ngón tay thần" dành cho anh chính là do tôi "sáng tác" ra. Chẳng là, ngón chỏ trên bàn tay phải của anh bị bẹp dí, bẹt hẳn ra, trông rất dị dạng. Anh kể: vì anh đi khiêng tấm gỗ lim ở quê, khi hạ gỗ xuống, vì hiệp đồng với nhau không chuẩn, người buông trước người buông sau nên anh bị tấm gỗ dè bẹp, máu tuôn ra lênh láng. May nhờ có người lấy ngay dúm sợi thuốc lào dịt vào, máu mới không chảy, nhưng từ sau đận ấy, ngón tay tự dưng bị bẹp dí, trông chẳng ra làm sao. Đã có lần, anh giơ ngón tay ấy lên, dọa mổ mổ vào đứa cháu làm nó khóc thét lên vì sợ. Thế là từ bấy, anh thường xuyên giấu cái ngón tay ấy đi. Khi về cùng Trung đội bay đêm với tôi, một lần lúc anh ngủ say (mà có khi nào anh không ngủ say đâu), tôi ngắm ngía ngón tay của anh một lúc rồi lấy bút mực tô theo đường rãnh của hai bên nón tay và vẽ thêm hai khoanh tròn thành 2 con mắt, thế là giống y như đầu con rắn. Nếu găm được vào đấy chiếc lưỡi nhỏ nhọn chẻ đôi nữa thì đúng là đầu rắn thứ thiệt. Tôi ngắm nghía "sản phẩm" của mình, lấy làm khoái chí và sang phòng khác gọi mấy anh em đến cùng "thưởng thức". Ai nấy đều ngạc nhiên rồi trầm trồ và cười phá lện. Anh A giật mình tỉnh dậy, thấy thế thì quát tôi om sòm vì đoán ngay tôi là tác giả của cái trò nghịch ngợm quái gở kia nhưng sau khi nhìn kỹ lại ngón tay của mình thì anh cũng bật cười và thốt ra một câu: "Cái thằng!". Vậy là tôi biết anh không giận tôi nữa. Cái tên "ngón tay thần" để chỉ về anh cũng ra đời từ sự kiện ấy!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Năm, 2020, 02:31:43 pm
Ở với Trung đội bay đêm của tôi, anh có cái đức ngủ say vô cùng và ngáy với tần xuất lẫn biên độ cùng với đề-xi-ben của tiếng ngáy cũng khủng vô cùng. Đã có lần, Trung đội trưởng của tôi bắt chúng tôi phải khiêng giường của anh ra để ngoài sân bóng chuyền, vậy mà trong quá trình di chuyển, "cụ" vẫn cứ say sưa giấc nồng, không coi ai ra gì hết. Rồi còn có lần, vợ chồng chú tò vò xây cả tổ bên cánh mũi sư tử của anh nữa mới ghê chứ. Anh tỉnh dậy, lau mặt thấy bùn loang đầy thì cứ đổ rịt cho tôi bôi bẩn vào mặt anh ấy, không thể nào thằng tôi thanh minh được. Khi bay ngày, những lần tôi bay số 2 cho anh thì anh quen kiểu bay đêm chỉ có một mình rồi nên không thèm để ý đến sau mình có thằng số 2, vậy là cứ làm các động tác bạt mạng. Tôi bám theo đến bở hơi tai. Lúc xuống đất, tôi gặp anh và bảo: "Hình như anh quên có tôi bay số 2 cho anh hay sao ấy!". Anh điềm nhiên đưa "ngón tay thần" lên ngoáy mũi và trả lời: "Ừ, tớ quên béng đi thật!". Thế mới sợ chứ.
Anh về hưu thì về ở cùng với vợ chồng ông anh cả. Khổ cho bà chị dâu một nách nuôi hai lão già. Một lần, khi mấy anh em tôi đến thăm, bà chị dâu "mách" ngay: "Các chú đến hôm nay là may đấy, chứ mà đến từ mấy hôm trước thì chán lắm. Ai đời đi sang làng bên chơi, lúc về bị xe máy nó tông cho, kéo đi một đoạn. Cái cậu chạy xe máy ấy nó đưa chú ấy vào bệnh xá, người ta băng bó chữa trị cho kịp thời, chứ không thì có mà thối ra rồi!". Anh vẫn điềm nhiên ngoáy mũi bằng cái "ngón tay thần" trứ danh kia và thủng thẳng trả lời: "Phi công thì còn lâu mới thối!". Tôi cười phá lên. Bao nhiêu lâu rồi mà anh chẳng thay đổi tí nào, vẫn cái tác phong ấy, vẫn cách nói tưng tửng ấy. Quả là "non sông dễ đổi,. bản tính khó dời". Sau khi làm thọ tuổi "xưa nay hiếm" cho anh xong một thời gian thì anh "ra đi". Chúng tôi đến chia buồn, tiễn đưa anh đi mà cứ trầm ngâm vô hạn. Từ chuyện công đến chuyện riêng của anh đều chẳng ra đâu vào đâu. Ra đi tay trắng, trở về trắng tay!. Buồn lắm. Và khi tôi viết những dòng này để tưởng nhớ đến anh thì vô phép, lạy anh một lạy!. Chắc anh đã thối thật từ lâu rồi!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Năm, 2020, 03:48:25 pm
Tổng kết lại, trong suốt cuộc chiến tranh và về cả sau này, số lượng người hy sinh và mất vì tuổi tác, bệnh tật chưa đến chục người. Và bây giờ, nếu tình cờ ai đó bắt gặp các phi công bay đêm năm nào đang ngồi bên bàn cờ trong nhà Câu lạc bộ cựu chiến binh hoặc ngoài quán trà đá, quán bia hơi, hay lững thững dạo trên đường ... mà không được giới thiệu thì không ai biết rằng đấy lại là những phi công bay đêm, đánh đêm từng "vang bóng một thời". Họ lặng lẽ sống hòa lẫn cùng muôn mặt của đời thường và như bà má của bạn tôi nói là: trở thành những "ông già dễ thương". Không ai biết được đằng sau họ lại là những tháng năm khốc liệt cùng những sự kiện oai hùng và cả những cay đắng của đời quân ngũ. Đấy là những người anh hùng và cả những người không được gắn huân chương anh hùng. Họ là những người yêu cuộc sống vô bờ, nhưng suốt những tháng năm chiến tranh, ngày ngày họ đều phải đối mặt với cái chết cận kề, quyết lập nên những chiến công cho ngày chiến thắng. Sau chiến tranh, khi về với đời thường, họ sống đúng với chính họ. Hàng năm, vào dịp cuối năm, lại có cuộc gặp mặt tất cả các thành viên của lực lượng bay đêm, đánh đêm ngày xưa. Khi bắt tay nhau, ai cũng tươi cười và đều có chung câu hỏi thay cho câu chào: "Trông vẫn khỏe và chẳng già tí nào nhỉ".
Nếu gặp nhau thường xuyên thì đúng là ít thấy cái sự già của nhau thật, nhưng người ngoài cuộc hoặc lâu mới gặp, bấy giờ mới thấy rõ cái sự "xập xệ" của từng con người, mới thốt lên: "Sao dạo này cậu già đi ghê thế?. Mà lại gày nữa!. Ốm à?...". Đại loại là như vậy.
Cũng có thành vấn đề gì lớn đâu. Quy luật của cuộc sống mà: "Trẻ lớn ra, già tọp lại" là chuyện thường.
Số phi công bay đêm của cả hai Trung đoàn KQ 921 và 927 không nhiều nên dễ "điểm danh" lắm, hơn nữa ở quanh khu vực Hà Nội lại khá đông vì thế cũng dễ triệu tập. Điều quan trọng là tất cả đều bằng lòng với cuộc sống của mình và làm những công việc mà mình yêu thích.
Tôi thi thoảng vẫn gặp gỡ, vẫn gọi điện thăm hỏi các phi công cùng Đại đội năm nào. Họ mỗi người mỗi vẻ, ai cũng có cách sống riêng giữa vòng xoáy tất bật của thời đương đại, nhưng đều có nét chung của "cánh bay đêm" - của "họ hàng nhà Vạc" mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 11 Tháng Sáu, 2020, 08:29:44 pm
Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm, khoảng từ trung tuần tháng 12 trở ra, thế nào các phi công bay đêm của Đại đội 5 năm xưa cũng lại tổ chức gặp mặt, ngồi lại với nhau để tâm sự chuyện cửa chuyện nhà, chuyện cháu chuyện con, chuyện xóm phố ta ai mất ai còn... So sánh với mọi lực lượng trong tất cả các Quân Binh chủng thì Không quân có nét đặc thù rất riêng. Đó là sự gắn kết giữa nhiều thành phần để cùng hoàn thành một nhiệm vụ. Tất cả đều đóng quân quanh khu vực sân bay, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, không thể tách rời bộ phận nào ra được. Họ như những đám mây tích điện giúp cho các phi công làm nên tia chớp giữa trời. Một thành tích dù là nhỏ nhất cũng là thành tích chung của mọi thành phần, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết hiệp đồng. Lập công tập thể"
Sân bay luôn là địa điểm cố định, cho dù là sân bay dã chiến hay sân bay cơ động cũng vậy. Tầm bán kính hoạt động của máy bay có thể đến hàng trăm cây số, nhưng dù đi đâu rồi cũng vẫn phải về hạ cánh . Sân bay tựa như ngôi nhà của các phi công, cho dù đi muôn nơi vẫn phải lần tìm về. Đấy chính là nơi an toàn nhất, là bến đỗ bình yên nhất giống như là gia đình của mình và các thành phần hoạt động ở đó là các thành viên trong gia đình mình.
Các thế hệ phi công được đào tạo ở nhiều nơi khác nhau, nhưng khi về cùng Quân chủng thì như anh em trong một nhà. Sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó nhiều khi còn hơn anh em ruột thịt. Giữa bầu trời mênh mang chỉ có hai, ba người với nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không gắn bó với nhau, cùng chia lửa cho nhau, hy sinh vì nhau thì làm sao hoàn thành được nhiệm vụ. Niềm vinh quang, sự cay đắng, mọi thứ vui, buồn... họ đều chia sẻ cùng nhau, làm nên một thứ tình cảm thật khác biệt. Không ai hiểu phi công bằng phi công. Họ là những người sống với những nét hào hoa dưới mặt đất, với khí phách hào hùng trên trời, với hào khí của người chiến thắng và hào hiệp trong cuộc sống thường ngày...
Và họ cũng là những người sống bình lặng giữa đời thường.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 17 Tháng Sáu, 2020, 04:35:08 pm
Mỗi năm gặp lại nhau, lại thấy thiếu vắng một chút. Con người ta không ai cưỡng lại được cái quy luật muôn đời của tạo hóa: "Sinh, Lão, Bệnh, Tử". Số người còn lại, lại ngồi "điểm danh" và nhắc đến từng người với từng kỷ niệm vui, buồn của một thời đã qua.
Một thời đã qua!. Họ đã để lại đằng sau lưng mình cả thời trai trẻ, vắt kiệt sức trong những ngày đạn bom ác liệt, gồng mình vượt lên hết thảy những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giữa ranh giới sự sống và cái chết mỏng manh không bằng sợi tơ. Trong những ngày tháng ấy, không ai biết rõ mình rồi sẽ thế nào. Vậy mà họ đã vượt qua được tất cả, trở thành người chiến thắng. Những gian nan, hiểm nguy trước đây họ gặp phải, bây giờ đem ra kể lại xem như chuyện đùa để cười vui cho khuây khỏa mà thôi.
Gặp gỡ nhau, họ vẫn trêu chọc nhau, vẫn xưng hô"cậu tớ, mày tao, ông tôi" hệt như những ngày xưa... Cái điều ấy mới thật đáng quý.
Tôi thường tâm sự với các đồng đội và bạn hữu:
                                  Nếu lưu lại được cho đời
                                  Một chút khóc, một chút cười ...cũng hay
                                  Để khi "nhắm mắt xuôi tay"
                                  Chẳng cần tiếc nuối những ngày đã qua
Các phi công bay đêm, đánh đêm không chỉ lưu lại một chút mà họ đã làm được rất nhiều, để lại được rất nhiều  những gì cần lưu, cần để cho các lớp phi công đàn em và thế hệ sau này.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 10 Tháng Bảy, 2020, 02:41:14 pm
Năm 2018 vừa rồi, nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh Nguyễn Văn Minh. Vậy là đến nay, trong đội ngũ phi công bay đêm, đánh đêm đã có 7 anh hùng. Còn những phi công bay đêm nữa hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy, như các anh Hoàng Biểu, Vũ Đình Rạng...cho dù chưa được nhà nước phong tặng, chưa được đeo Huân chương Anh hùng, nhưng trong tâm khảm của chúng tôi, các anh đã là những người Anh hùng từ lâu rồi.
Những lần gặp mặt, tôi cứ lặng lẽ ngắm nhìn từng người, từng khuôn mặt và suy nghĩ về từng người. Ai nấy cũng đều có duyên với bầu trời, nhưng duyên phận, duyên nợ thì lại không giống nhau. Với người này thì có duyên nhưng lại không có phận, người kia thì duyên nhiều nợ lại ít, người nọ thì duyên ít mà nợ lại nhiều...Mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai cả.
Bầu trời thật gần đấy mà cũng thật xa đấy. Bầu trời rõ thấp đấy mà cũng rõ cao đấy. Bầu trời thật thân quen đấy mà cũng thật mung lung, huyền bí đấy. Bầu trời cho ta niềm vui đấy mà cũng bắt ta nhận lắm nỗi buồn đấy. Lướt trên bầu trời thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật nặng nề...
Bầu trời gắn bó thật mật thiết với cuộc sống của các phi công. Không có bầu trời thì làm sao có được danh hiệu phi công. Nếu không trực tiếp vẫy vùng ở trên đó thì làm sao có thể có được những cảm giác bay bổng, kỳ diệu khác thường...
Với cao xanh kia, không biết những bạn hữu tôi ai vẫn còn duyên còn phận còn duyên còn nợ ...với bầu trời nữa?...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Bảy, 2020, 08:35:16 pm
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ. Xin được chúc các đồng chí Thương bệnh binh, các gia đình liệt sỹ luôn có sức khỏe và bình an!.
Những ngày qua, tôi cùng một số anh em đã đi viếng các nghĩa trang và thăm hỏi các gia đình đồng đội. Đã thấy và cảm nhận được những điều thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp trong từng gia đình. Đấy là điều đáng mừng. Hy vọng hàng năm, lần gặp nào cũng thấy được những điều tốt đẹp!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Bảy, 2020, 06:41:10 am
       
        Tỉ lệ số AHLLVT/quân số đơn vị có lẽ ở đại đội bay là cao nhất trong toàn quân ấy bác nhỉ. Bác phicôngtiêmkích đã tính thử xem trong các đại đội bay, tỉ lệ này là bao nhiêu chưa (nhất là các đại đội bay được phong tăng danh hiệu AHLLVTND)?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 30 Tháng Bảy, 2020, 08:32:48 am
Giangtvx có câu hỏi khá thú vị đấy. Cũng từ lâu, tôi đã nghiệm thấy vậy nhưng chẳng dám nói ra vì sợ mang tiếng "khoe mẽ". Quả thực, khi chúng tôi về nước, được biên chế vào 2 Đại đội bay, sau đó lại được thành lập và biên chế thêm 1 Đại đội bay đêm nữa. Tính ra, Đại đội 1 bay có 22 phi công (kể cả cán bộ Đại đội) thì sau này tổng kết lại, có 7 Anh hùng. Đại đội 2 bay có 25 phi công, sau này tổng kết có 11 Anh hùng. Còn Đại đội 5 bay đêm khi thành lập, có tất cả 14 phi công (kể cả cán bộ Đại đội) thì khi tổng kết có 7 Anh hùng (đương nhiên là có một vài Anh hùng trước đó có thuộc các Đại đội bay ngày.
Tập thể thì có những Đại đội như Đại đội 3 (bay MiG-21) đạt danh hiệu 2 lần Anh hùng, Đại đội 4 (bay MiG-17) đạt danh hiệu 3 lần Anh hùng, Đại đội 1, Đại đội 5 (bay đêm)... 1 lần Anh hùng....
Còn cá nhân thì Phạm Tuân (phi công bay đêm của Đại đội 5) đứng đầu bảng và là người duy nhất cho đến thời điểm này: 3 lần Anh hùng.
Báo cáo hết ạ!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Tám, 2020, 05:51:16 am
       
        Ở bộ binh, 1 sư đoàn có hàng vạn người cũng chỉ có 1, 2 AH.

        Ở các đoàn đặc công, tàu không số, các đơn vị tên lửa (SAM 2, A.72, B.72) tỉ lệ cũng có cao hơn nhưng cũng phải 1 trên vài trăm.

        Ở các đại đội bay tỉ lệ AH tới 30 - 50% thì đúng là cao nhất trong toàn quân thật ! Chúc mừng các chiến công rực rỡ của các cánh én bạc của Tổ quốc !


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Tám, 2020, 04:43:16 pm
Cám ơn Giangtvx!
 "Ra ngõ gặp Anh hùng". "Dân tộc ta là dân tộc Anh hùng"....nên kể cả Giangtvx cũng nằm trong số đó mà!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 08 Tháng Chín, 2020, 08:13:41 pm
Lâu quá tôi không vào trang, bởi vướng nhiều việc ở quê. Bây giờ thì lại đang đi tìm tư liệu để viết cho Đoàn bay MiG-21 khóa 3 - cái đoàn bay tương đối khác biệt nếu không nói là cá biệt so với các đoàn bay khác. Tôi bị thúc giục ghê quá vì hình như Nam Tào, Bắc Đẩu đã lần giở đến trang nhập ngũ năm 1965 của bọn tôi rồi. Vài năm nay cứ thấy "ra đi" liên tục.  Gần đây mấy anh đoàn tôi lại đang bị bạo bệnh, khi đến thăm, các anh đều nói nửa thật nửa đùa: "Mày không viết nhanh lên, đến lúc sách ra đời thì làm gì còn bọn tao nữa mà đọc!". Thế đấy!. Tôi nhận lời và đành thi thoảng vắng các bạn, các đồng đội trên VMH. Xin được cảm thông!
Luôn cầu chúc cho các đồng đội khỏe mạnh và bình an trong mùa Covid này!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Mười, 2020, 08:19:14 pm
Sau cái chết của một anh trong đoàn bay MiG-21 khóa 3 của tôi vừa rồi, nhân 49 ngày của anh, tôi thây không thể chần chừ được nữa và tôi đã cặm cụi ngày đêm viết về cái Đoàn bay MiG-21 khóa 3 ấy. Nhà xuất bản quân đội nhân dân đã đưa vào danh mục để xuất bản trong năm 2021. Thế là tôi bị sức ép từ nhiều phía: từ phía các anh em trong đoàn bay và từ phía NXB, cùng lúc lại là từ những người quen biết tôi. Mà cái đoàn bay của tôi bây giờ cũng đã thấy "dặt dẹo" nhiều rồi, nên tôi phải cố càng sớm càng tốt.
Trong tháng này, chắc anh Nguyễn Văn Nghĩa-người của Đoàn bay khóa 3 sẽ ra đời cuốn "Hồi ký Không Chiến", rồi trong năm nay, anh Nguyễn Đức Soát sẽ công bố "Nhật ký Phi công tiêm kích". Vậy cũng là những điều mừng. Mỗi người góp thêm một phần nhìn từ những góc cạnh khác nhau về cuộc chiến và về cuộc sống của các phi công tiêm kích thời chúng tôi.
Tôi cứ "cầm đèn chạy trước ô-tô" thế đã!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 12 Tháng Mười, 2020, 10:25:00 pm
Em xin chúc mừng các anh đoàn Mig21 K3 với cuốn sách mới được ra đời của anh Hà Quang Hưng "Chuyện vui về 1 đoàn bay". Tác giả là anh Hưng nhưng người đặt nền tạo cơ sở cảm hứng để anh Hưng cho ra sách là những vần thơ "Phác thảo chân dung đoàn bay khóa 3" do anh Công Huy trong 1 đêm đã viết ra. Mỗi 1 PC trong số 33 PC Mig21 K3 đều được phác họa bằng 4 câu thơ nêu bật lên đặc điểm nhận diện. Thơ trúng đến nổi chỉ vừa đọc lên câu đầu: "Đừng tin cái miệng ông cười..." anh Lê Thanh Đạo đã đứng phắt dậy, giơ tay phát oang oang: "Tớ, tớ đây"!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 12 Tháng Mười, 2020, 10:28:47 pm
Chuyện vui về 1 đoàn bay. Ảnh từ FB của anh Hà Hưng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 12 Tháng Mười, 2020, 10:29:18 pm
Chuyện vui về 1 đoàn bay. Ảnh từ FB của anh Hà Hưng.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 12 Tháng Mười, 2020, 10:30:18 pm
Chuyện vui về 1 đoàn bay. Ảnh từ FB của anh Hà Hưng.
Bút tích của anh Công Huy.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Mười, 2020, 08:49:17 pm
Cám ơn VietTrung 51 đã "tung" lên trang nhà. Anh Hà Quang Hưng vừa đưa tôi một "cơ số" tác phẩm này của anh, nhờ tôi tặng giúp những ai cần. Chắc chắn tôi sẽ thay mặt anh Hưng gửi tặng những đồng đội thân quý của tôi vào những ngày gần đây nhất. Một lần nữa cám ơn VietTrung 51!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 29 Tháng Mười Hai, 2020, 08:29:59 pm
Sân bay Yên bái 1 thời


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 30 Tháng Mười Hai, 2020, 02:09:25 pm
Cám ơn Viettrung51 đã cho nhớ lại một thời những chiếc MiG-21 với danh hiệu "huyền thoại bầu trời". Sân bay Yên Bái thời nay không còn MiG hoạt động nữa mà đã thay thế bằng lực lượng của những chiếc Su. Cho dù vậy thì uy danh của MiG không bao giờ phai mờ. Mà MiG hay Su thì vẫn là những dũng sĩ bảo vệ bầu trời. Nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc ấy đã có thêm được lực lượng trấn ải trước sự nhòm ngó và dã tâm thôn tính của ngoại bang...
 Vậy mà đã kết thúc năm 2020 với đầy rẫy những biến động của cả thế giới và của từng gia đình. Hy vọng tương lai sẽ sáng sủa. Bước sang năm 2021, xin được chúc các đồng đội cùng mọi gia đình luôn khỏe mạnh, bình an và nhiều may mắn!. Đặc biệt, xin chúc mừng anh TranPhu với kết quả tuyệt vời của anh trong năm qua khi tác phẩm "Hồi ký chiến trường K" được bình chọn cho giải quốc tế Mê kông. Mong muốn anh sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay hơn nữa!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 15 Tháng Hai, 2021, 08:07:34 pm
Nhân dịp Xuân Tân Sửu, chúc tất cả các đồng đội cùng gia đình một năm thật an khang, hạnh phúc và có thật nhiều sức khỏe để chống chọi với Covid.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 24 Tháng Hai, 2021, 10:51:07 am
Trong năm 2021 này, tôi sẽ cố gắng cho ra đời cuốn "Hồi ức đoàn bay MiG-21 khóa 3", bởi không thể không viết về đoàn bay này được. Đoàn bay MiG-21 khóa 3 xét cho cùng cũng là một đoàn bay khác biệt, nếu như không nói là cá biệt. Nó gồm các phi công của 3 đoàn gộp lại (2 đoàn bay trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29 do các anh Nguyễn Chính Hậu và Đinh Tôn làm trưởng đoàn với đoàn bay trên loại máy bay MiG-17 do anh Phạm Đình tuân làm trưởng đoàn) trong đó phần lớn là quân của anh Đinh Tôn. Nếu tính theo thứ tự danh sách các đoàn học bay ở Trường Không quân Krasnôđar, đoàn của anh Phạm Đình Tuân và Nguyễn Chính Hậu là Đoàn 6, còn đoàn của anh Đinh Tôn là Đoàn 7, nhưng nếu theo thứ tự chung của những đoàn đi học bay thì lại đứng vào danh sách thứ mười mấy cơ. Còn gọi đoàn bay MiG-21 khóa 3 vì trước đó đã có 2 khóa MiG-21 tốt nghiệp rồi.
Kể từ khi bắt đầu bước vào đời bay đến khi tốt nghiệp bay trên MiG-21, thời gian chưa đầy 3 năm. Chính xác là 2 năm 9 tháng.
Trừ 12 phi công của đoàn anh Phạm Đình Tuân bay từ loại máy bay Iak-18 đến MiG-17 rồi mới bay lên loại MiG-21 thì số còn lại 24 người ngay từ đầu đã bay trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29 sau đó chuyển thẳng lên MiG-21. Đấy là sự thử nghiệm đầu tiên trong các đoàn học viên bay không chỉ với các học viên Việt Nam mà với cả các học viên Liên-xô. Có lẽ, đấy là "sự ghê gớm" mang tính đột phá vào thời gian ấy.
Thường thì sau khi tốt nghiệp bay, các phi công sẽ được phong quân hàm sĩ quan, nhưng khi về nước, đoàn bay MiG-21 khóa 3 chưa được phong ngay nên vẫn tham gia chiến đấu với quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ...và trong các tờ khai liên quan đều chỉ ghi là "chiến sĩ lái".
Chính ủy Chu Duy Kính đã từng đánh giá về đoàn bay MiG-21 khóa 3 là "thế hệ vàng" của Không quân và đưa ra lời tổng kết như một định luật: "Nếu như trong trận đánh có được sự bình tĩnh, thông minh của Lê Thanh Đạo, sự gan dạ, táo bạo của Nguyễn Tiến Sâm, sự cơ động và hiệu suất bắn tên lửa cao của Nguyễn Đức Soát thì đấy sẽ là phi công tiêm kích hoàn chỉnh!".
Ba phi công của đoàn bay MiG-21 khóa 3 được Chính ủy nhắc tên, sau này đều trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nằm trong tốp Ace (Át chủ bài) của lực lượng phi công tiêm kích Việt Nam (anh Lê Thanh Đạo và anh Nguyễn Đức Soát mỗi anh bắn rơi 6 máy bay Mỹ, anh Nguyễn Tiến Sâm bắn rơi 5 máy bay Mỹ).
Đoàn bay MiG-21 khóa 3 cũng là đoàn đầu tiên có các phi công từng xáp mặt với "pháo đài bay B-52", bắn bị thương nó rồi tiếp đến là hạ gục nó.
Trong chiến đấu, đoàn bay MiG-21 khóa 3 đã góp phần không nhỏ trong việc đưa loại tiêm kích MiG-21 trở thành "huyền thoại của bầu trời".
Tôi sẽ cố ghi lại những sự kiện, những gì còn in đậm trong kí ức của mình để không bị mai một và nhất là không bị khúc xạ qua năm thành.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Hai, 2021, 02:37:25 pm
Vào năm 1965, Hội đồng khám tuyển của Không quân đã tỏa đi khắp mọi nơi, đến các đơn vị quân đội, đến các trường Đại học rồi đến các trường cấp 3, trường học sinh miền Nam, các cơ quan...để khám, tuyển những thành phần có đủ sức khỏe , đưa ra nước ngoài học bay, đào tạo trở thành phi công, mà chủ yếu là học ở Liên-xô và Trung Quốc...Đấy là việc làm cần thiết nhằm bổ sung lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài, ngày càng ác liệt nhưng nhất định toàn thắng.
 Khám tuyển phi công là sự khám tuyển toàn diện và đặc biệt, không giống như việc khám sức khỏe thông thường bởi đấy là một ngành có những nét đặc thù rất riêng.
 Đầu tiên phải trải qua các khoa: khoa ngoại, khoa nội với đủ các loại xét nghiệm. Rồi kiểm tra tiền đình. Rồi lên buồng khí áp...Nghĩa là phải trải qua rất nhiều hạng mục và không phải chỉ trong một ngày là xong. Có những anh trông rất cao to, bệ vệ...nhưng lại bị loại ngay từ vòng đầu tiên, rồi cùng lắm cũng chỉ trụ được đến vòng hai nên chẳng biết thế nào mà nói trước được. Cứ qua mỗi phòng khám, thấy trên tờ khám nghiệm trong "Sổ sức khỏe" của mình có 3 chữ "ĐĐK" kèm theo chữ ký loằng ngoằng của bác sĩ là yên tâm đi tiếp các phòng khác.
 Ba chữ "ĐĐK" chính là chữ viết tắt của "Đủ điều kiện". Ba chữ "ĐĐK" ấy nó có hiệu lực thật ghê gớm. Không có nó nghĩa là anh đã bị loại khỏi cuộc. Sự hiện diện của nó là sự chứng nhận hiển nhiên chứng tỏ anh đã vượt qua được một "cửa ải", giúp anh bước tiếp. Ngay đến tận sau này, khi đã trở thành phi công chiến đấu rồi, cái hiệu lực của ba chữ "ĐĐK" ấy vẫn không hề thuyên giảm vì hàng năm, các phi công vẫn phải đi giám định sức khỏe định kỳ. Nếu không có được ba chữ "ĐĐK" ấy ở các phòng khám, khoa khám và kết luận của Hội đồng giám định thì có nghĩa là anh phải vào viện nằm điều trị, hoặc giả sẽ là giã từ bầu trời!. Thế thôi!. Cho nên, khi bước vào phòng khám nào đó là đã hồi hộp lắm rồi vì từ trước tới giờ đâu có được khám xét kỹ lưỡng và bị "tra tấn" đến như thế đâu, nhưng khi đứng đợi kết quả, đợi ngòi bút của bác sĩ liệu có "khoắng" cho ba chữ "ĐĐK" hay không thì còn hồi hộp hơn rất nhiều lần. Mà ba chữ ấy cho dù có viết cẩn thận hay ngoáy tít mù lên thì hiệu lực của nó cũng vẫn như nhau. Bấy giờ tim đập thình thịch như bị loạn nhịp, mồ hôi cứ rịn ra...Cái cảm giác chờ ba cái chữ ấy thật là kỳ la!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: phaphai trong 26 Tháng Hai, 2021, 08:46:03 am
... Bấy giờ tim đập thình thịch như bị loạn nhịp, mồ hôi cứ rịn ra...Cái cảm giác chờ ba cái chữ ấy thật là kỳ la!...

Hồi xưa tưởng đã là đồng đội của anh rồi, cả trường có 1 mình em lọt được tới phòng 5. Nhưng đến khi được bảo ra ngoài nghỉ rồi khám lại lần thứ 2 thấy bác sỹ lắc đầu em biết mình bị loại.
Nhưng cho đến gần đây em vẫn nghĩ do nhịp tim "bất thường" chỉ có 47 (ít nhất cái nhịp này em vẫn tin được giữ đến chục năm sau, khi ông y sỹ D không tin, tự đo đến 2 lần rồi lắc đầu).
Cho đến mấy hôm trước tết đi trồng răng. Cô ý tá đo đến 3 lần rồi bắt em sang BV PKKH điều trị huyết áp cao. Sau khi khám theo lời khuyên bác sỹ em tự mua cái máy đo (Microlife) để hàng sáng dậy đo luôn.
Theo dõi từ hôm 6/2 đến giờ, huyết áp cao nhất lên đến 120/65, còn lại quanh quẩn xung quanh 110/60-70, nhưng nhịp tim thì cũng loanh quanh 49-50. Họ cho thuốc điều tiết huyêt áp, nhưng thấy thấp em cũng không uống.
Hôm kia phòng răng gọi đến, lại đo, nó tăng lên đến 170/70, nhịp tim 65!
Đo lần 2 được 165/65 nhịp tim xuống còn 60.
Lần 3 được 145/60, nhịp tim vẫn 60. Em bảo họ đừng đo nữa, cứ khoan hàm để trồng cái răng.
Nhưng em cũng lại lờ mờ đoán ra ngày xưa bị loại có khi không phải là do nhịp tim thấp, mà là do huyết áp tăng cao (chắc người cũng toát đầy mồ hôi lạnh)...!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 26 Tháng Hai, 2021, 02:23:17 pm
Có khi như thế thật, PhaPhai ạ!. Nhịp tim thấp thì hiện nay có phi công Anh hùng Mai Văn Cương: nhịp tim thường chỉ ba bốn chục lần phút thôi. Đã có lần đi khám định kỳ, bác sĩ bảo anh ấy nâng tạ tay lấy vài chục lần xem nhịp tim thế nào thì "bổ chửng" lên vì nhịp tim không tăng mà lại giảm. Nghĩa là khi chưa nâng tạ, nhịp tim 40 lần /phút, nhưng sau khi nâng thì lại còn 32 lần/phút. Vậy là phải nằm viện điều trị và lắp máy kích tim cho nhịp tim trở lại như người bình thường. PhaPhai cũng nên kiểm tra cho kỹ nhé!.
 Trở lại cái năm 1965.
Trong thời gian khám tuyển, trước tiên là tranh thủ làm quen với nhóm của mình theo địa phương mình, gọi nhau là "đồng hương" rồi sau đó lân la làm quen với các thành phần ở các địa phương khác. Cái tuổi học trò vốn dĩ năng động và nghịch ngợm. Vẫn có câu "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!" mà. Nhưng quỷ, ma chẳng thấy đâu, chỉ thấy rặt một lũ vừa "mài đũng quần trên ghế nhà trường" với những bộ mặt còn "búng ra sữa"  đang dư thừa năng lượng. Vậy là cũng kha khá chuyện đã xảy ra. "Nhóm" Hà Đông và "nhóm" Phú Thọ từng có chút "đụng độ". Đơn giản chỉ là những câu đùa cợt, trêu nhau như "Hà Đông sư tử hống" đối với mấy anh em thuộc tỉnh Hà Đông và "cho em xin tí xà-phòng" đối với mấy anh em tỉnh Phú Thọ chẳng hạn, nhưng các cậu học trò lúc ấy giống như những chú gà trống choai, hơi tí là xù lông cổ ra...Và hai chú "trống choai" Nguyễn Đức Soát và Ngô Duy Thư đại diện cho hai "nhóm" cũng đã xù lông cổ, chuẩn bị vào xới. Vậy mà sau này, chính biên đội Nguyễn Đức Soát-Ngô Duy Thư lại rất gắn bó với nhau trong các trận không chiến và có những trận đánh rất hiệu quả.
Sau khi vượt được tất cả các "cửa ải" của các vòng khám tuyển, tất cả còn phải chờ đợi thủ tục tiếp theo. Thủ tục này vô cùng quan trọng và cũng là "cửa ải" cuối cùng: đấy là việc xét lí lịch ba đời, hai họ của từng người một. Nếu đã có chút dính dáng đến đế quốc, phong kiến hoặc nằm trong "thành phần" thời cải cách ruộng đất quy là "trí, phú, địa hào" thì phải "đào tận gốc, trốc tận rễ" (như các tấm băng-rôn, khẩu hiệu thời cải cách vẫn ghi)...Và cứ thế mà lẳng lặng "xì hơi"!. Ba chữ "ĐĐK" ở giai đoạn này mới là quyết định tối hậu!.
 Tất cả những người trúng tuyển được gọi theo từng đợt, chênh nhau khoảng một tháng hoặc hơn tí (chừng từ tháng 5 đến tháng 7) nhưng rồi đều tập trung ở nơi sơ tán là làng Xâm Bồ, Hải Phòng (nằm ở phía đầu Đông sân bay Cát Bi). Các tân binh súng xính trong bộ quân phục màu cỏ úa, cổ tay áo và gấu quần đều gài ba hàng cúc. Nơi khuỷu tay còn có một miếng "pích-kê" giống như bộ quần áo bảo hộ lao động. Tất cả đều ở nhờ trong các nhà dân của thôn Xâm Bồ.
Thời đó, việc tuyển chọn và đưa quân đi học bay ở nước ngoài được giữ bí mật kinh khủng. Mọi người không được phép để lộ bất cứ thông tin nào về đơn vị mình, về cá nhân mình. Không ai biết được đấy là những học viên đi học bay để trở thành các phi công. Tât cả chỉ như những tân binh của đơn vị bộ binh nmaof đó mà thôi!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Hai, 2021, 08:42:48 am
Trong giai đoạn sơ tán này đã có chuyện mà sau này trở thành giai thoại  của đời tân binh: đó là "tiểu đội Bùi Toàn Cổ". Việc này xảy ra khi đại đội tập họp để điểm danh dưới ánh đèn lù mù như ánh sáng của con đom đóm đực. Thời ấy, vì lí do phòng không  nên ban đêm không nơi nào thắp đèn cả, giả dụ trong nhà có thắp một ngọn đèn dầu thì cũng phải vặn thấp bấc xuống và che bớt ánh sabngs đi. Thế là, đại đội trưởng An Văn Đề nghiêng nghiêng cái đầu, soi cái đèn tù mù vào bẳn danh sách và đọc:
 - Đến tiểu đội đồng chí Bùi Toàn Cổ!.
Tất cả đều ngơ ngác trước cái tên lạ lẫm mà rất đỗi buồn cười ấy nhưng không ai dám cười. Anh Bùi Văn Cơ khi ấy đã là lính cựu và là tiểu đội trưởng nên phán đoán ngay được sự sai sót ấy và phản ứng rất nhanh:
  - Dạ! Chỉ có Bùi Văn Cơ thôi ạ!.
  - Thì Văn hay Toàn cũng vậy! Có không?.
  - Có! - anh Cơ trả lời.
 Và cuôpcj điểm danh tiếp tục theo cách cqws đọc đến tên ai thùi người ấy trả lời "Có!". Sau cuộc điểm danh, tiểu đội của anh Bùi Văn Cơ về mới nhìn nhau rồi cười đến chảy nước mắt nước mũi. Rồi cũng chẳng biết do "sáng kiến" của ai mà từ đó tất cả các anh trong tiểu đội của anh Cơ đều tự chuyển thành họ Bùi Toàn kèm theo biệt danh của từng người...Ví dụ, Nguyễn Đức Soát có đôi mắt to thì gọi là Bùi Toàn Mắt, Nguyễn Hồng Mỹ người đầy rôm sẩy thì gọi là Bùi Toàn Rôm, Nguyễn Văn Bảy (B) có đôi tai to thì gọi là Bùi Toàn Tai, Nguyễn Học Hải người cao lêu khêu lại gày nhẳng với cái cổ dài như cổ cò thì gọi là Bùi Toàn Cổ. Sau này, anh Bùi Văn Long, người đồng hương với anh Cơ quê Ninh Bình hay sang chơi thì được gọi là Bùi Toàn Lông...
Đời tân binh ngay từ đầu đã có những chuyện thật thú vị và đáng nhớ như vậy đấy.
Hàng ngày, lớp tân binh chúng tôi phải học chính trị, tập đội ngũ, học 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật... rồi sáng chào cờ, tối điểm danh...
Nơi sơ tán nhà nào cũng có ít nhất là một cái ao. Ao là nơi vừa rửa ráy, vo gạo rồi ...tắm giặt. Anh em bọn tôi không dám tắm trong ao mà kéo nhau ra ngoài ngoài mương để tắm táp, giặt giũ, bơi lội ở đấy. Con mương nước vừa nông lại vừa chẳng sạch sẽ gì cho lắm, nó chẳng được như "Khúc hát sông quê" của nhạc sĩ Trọng Tao: "...Cùng một bến sông, con trâu đằm sóng dưới, bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn..." mà là cùng một nơi: nào trâu, nào bò, nào người...tất tần tật cùng một chỗ mương nước ấy. Vậy là chuyện mắc bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào diễn ra là chuyện thường tình. "Không hắc lào không phải là tân binh!". Câu nói cửa miệng ấy như khẳng định cho chúng tôi đã qua một thời tân binh nơi sơ tán.
Khoản ăn uống ở đây thì rất đàng hoàng vì chúng tôi được hưởng tiêu chuẩn "đặc táo". Nói đến chuyện này thì lại phải kể hơi dài dòng một tí: vào cái thời ấy (và cả sau này nữa) tiêu chuẩn ăn được chia theo định mức:đại táo, tiểu táo, trung táo, đặc táo...Nhiều người, đương nhiên là cả tôi, thoạt đầu cũng hiểu lầm là "đại táo" là tiêu chuẩn cao nhất, nhưng thực chất lại ngược lại. "đại táo" là tiêu chuẩn giành cho hạ sĩ quan, chiến sĩ, "trung táo", "tiểu táo" là giành cho sĩ quan các cấp, còn "đặc táo" là giành cho những thành phần với những công việc đặc biệt như phi công, đặc công, tàu ngầm... vì hoạt động mất nhiều năng lượng.
Thời kỳ còn ở nhà, ăn uống kham khổ, thiếu thốn đủ đường, đến đây bữa ăn nào cũng như "ăn cỗ" nên ai cũng lên cân. Trong một thời gian ngắn, chỉ một tháng, hơn một tháng thôi mà anh nào anh ấy đều tăng từ 1 đến 2 cân. Hãn hữu, có anh tăng đến 4-5 cân mới ghê.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Hai, 2021, 08:11:51 pm
Hơ... thế còn Bùi Toàn Nhậu thì ở tiểu đội nào hả bác ?


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Hai, 2021, 09:02:46 pm
Giangtvx ơi! Bùi Toàn Nhậu thì ở ngay gần Giangtvx: ở cái khu "chặt đầu lột da" ấy!!!.

 Tháng 6 năm 1965 đã có những đoàn tách ra đi trước. Thường những đoàn đi trước là học ở bên Liên-xô. Những đoàn đi sau sẽ học bên Trung Quốc. Tuy ở các nước khác nhau nhưng đều có mục đích chung là đào tạo để trở thành các phi công tiêm kích chiến đấu.
 Những ngày chờ đọc danh sách cho các đoàn đi trước hay đi sau là những ngày náo động nhất. Ai cũng thầm mong ngóng mình có tên trong đoàn đi trước. Anh nào được điểm danh là phấn khởi, hồ hởi ra mặt. Anh nào chưa được điểm danh thì hồi hộp, lo lắng không biết rồi mình có được đi hay không. Rồi sẽ được đi Liên-xô hay Trung Quốc...Cứ tự hỏi, tự so sánh và tự sống trong tâm trạng bồn chồn...
 Giây phút chia tay với các đoàn cũng là những giây phút cảm động. Từ những người không hề quen biết trước kia, bỗng dưng về sống cùng nhau, cùng ghép vào một khuôn khổ, một nề nếp...chặt chẽ tưởng chừng như khô cứng ấy mới có dăm sáu chục ngày thôi mà sao đã thấy thân quen nhau từ lâu lắm rồi. Cái sự gắn bó ấy càng về sau này sẽ càng mật thiết hơn nữa. Đấy không còn là tình cảm đơn thuần. Nó sẽ là sự gắn bó giữa cái sống và cái chêt, sự gắn bó của những con người nhỏ bé, đơn độc giữa khoảng không bao la, không có chỗ nương tựa, không có nơi ẩn nấp... chỉ biết có xông lên phía trước, đối mặt với hiểm nguy, lao vào cái chết để tìm ra sự sống, trở thành người chiến thắng. Sự gắn bó ấy có khi còn hơn cả anh em ruột thịt, cùng chia lửa cho nhau, hy sinh cho nhau mà không hề đòi hỏi, so đo, tính toán, cân nhắc...Tuy mới chỉ là những chàng tân binh, mới sống cuộc đời quân ngũ mấy tháng trời thôi nhưng chừng như cái linh cảm nghề nghiệp đã khiến họ xáp lại gần nhau, gắn bó với nhau với sự gắn kết thật lạ lùng.
 Cuộc chia tay của các đoàn với  người đi người ở...ai nấy đều rưng rưng. "Hẹn gặp nhau nay mai trên những làn sóng đối không nhé!. Tạm chia tay nhé!. Tạm xa nhé!. Mạnh khỏe nhé!. May mắn nhé!"...
 Những lời chào cứ tíu tít, rối rít...Và từng đoàn, từng đoàn như những đàn chim lần lượt bay rời xa để hẹn một ngày trở lại...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 01 Tháng Ba, 2021, 10:08:49 am
 Đoàn của chúng tôi được thành lập vào chiều ngày 24-7-1965 gồm có 60 người biên chế theo 4 tiểu đội. Ban chỉ huy đoàn có 3 người: Đoàn trưởng là anh Đinh Tôn, Trung úy, phi công lái máy bay vận tải Li-2. Đoàn phó là anh Đào Minh Châu, Chuẩn úy, phi công lái máy bay vận tải An-2 và anh Nguyễn Hoàng Trung, Chuẩn úy từng sang học bên Liên-xô năm 1963.
 Các tiểu đội trưởng là Thiếu úy Nguyễn Văn Khánh, Thiếu úy Hà Quang Hưng, Thiếu úy Phạm Ngọc Trường và Chuẩn úy Ngô Sơn.
 Tiểu đội của anh Nguyễn Văn Khánh có: Nguyễn Ngọc Chân, Vũ Xuân Cương, Từ Đễ, Nguyễn Văn Giá, Vũ Hiệu, Nguyễn Công Huy, Lê Khương, Lê Đình Lòng, Đỗ Văn Nhơn, Nguyễn Bá Phú, Tạ Ngọc Thản, Hoàng Thế Thắng, Lương Vĩnh Thịnh.
 Tiểu đội của anh Hà Quang Hưng có: Bùi Văn Cơ, Nguyễn Văn Bảy (B), Mai Văn Chấn, Nguyễn Đwcs Duệ, Lê Thanh Hải, Nguyễn Học Hải, Trần Đình Minh, Nguyễn Hồng Mỹ, Vũ Như Ngữ, Trần Sang, Nguyễn Đwcs Soát, Lê Toàn Thắng, Nguyễn Văn Xê.
 Tiểu đội của anh Phạm Ngọc Trường có: Phạm Quang Trung, Đỗ Anh Dũng, Lê Nguyên Dũng, Nguyễn Đwcs Lâm, Huỳnh Minh, Nguyễn Văn Minh, Phạm Thành Nam, Nguyễn Văn Quang, Võ Xuân Quang, Hán Văn Quảng, Ngô Duy Thư, Đào Công Trị.
 Tiểu đội của anh Ngô Sơn có: Trần Đình Chủng, Đỗ Hạng, Hoàng Văn Lượng, Vũ Hữu Lý, Nguyễn Văn Nghĩa, Mai Thế Ngọc, Hoàng Văn Phú, Đoàn Hồng Quân, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Sinh, Phạm Phú Thái, Nguyễn Mạnh Trừng, Phạm Văn Va, Trần Việt.
 Sau khi ăn cơm chiều, cả đoàn hành quân bộ ra ga Hải Phòng, đi tàu đêm về Hà Nội. Gần sáng hôm sau, chúng tôi đến ga Hàng Cỏ rồi lại hành quân bộ về Trạm 66 của Bộ Quốc phòng.
 Trong vòng 2 ngày, twf 25 đến 27-7, đoàn của chúng tôi làm các thủ tục chuẩn bị đi du học, như nghe Cục trưởng Cục cán bộ Tổng cục chính trị, Đại tá Trần Hoài Ân và Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, Đại tá Nguyễn Xuân Mậu động viên, giao nhiệm vụ rồi nghe phổ biến các quy định trong thời gian học ở nước bạn các chế độ chính sách quân nhân và nhận quân tư trang.
 Trước khi dược động viên, giao nhiệm vụ thì có cuộc làm quen giữa các thủ trưởng với từng học viên của Đoàn. Ấy là thủ trưởng gọi tên từng người rồi hỏi: "Cháu con ai?". Đoàn này có nhiều con "ông cốp" lắm nên các anh ấy trả lời kiểu rất tự hào, như: "Cháu là con ông Nguyễn Duy Trinh ạ!", "Cháu là con ông Hoàng Quốc Việt ạ!" v,v. Mỗi lần nghe như vậy, các thủ trưởng lại cười rạng rỡ. Đến lượt hỏi anh Lương Thế Phúc thì anh ấy điềm nhiên trả lời: "Cháu con bố cháu ạ!". Tất cả cười ầm lên và từ bấy không thấy các thủ trưởng "điểm danh" thêm nữa.
 Trước khi đi, đoàn tôi có 5 anh được thăng quân hàm. Đó là các anh: Đinh Tôn lên Thượng úy và 4 anh Đào Minh Châu, Nguyễn Hoàng Trung, Ngô Sơn, Bùi Văn Cơ lên Thiếu úy.
 Anh Nguyễn Văn Biểu (người quê Đan Phượng) vào thời điểm này đã được gọi lên gặp Tổ chức và bị hủy chuyến đi, phải ở lại. Rất nhiều năm sau này, khi có dịp liên lạc được với anh Biểu mới rõ nguyên nhân là thời đó, anh có bà cô đang ở bên Pháp. Vậy là anh đã không có được 3 chữ "ĐĐK" quyết định tối hậu!
 Và các chàng tân binh bọn tôi, những người chưa hề biết đến đường biên giới bao giò, đã chuẩn bị hành trang cho cuộc đi xa hàng ngàn cây số, đến những nơi xa lạ, không hề đoán được phía trước mình rồi sẽ có những khó khăn, thuận lợi gì và bước ngoặt cuộc đời sẽ ra sao. Chỉ biết rằng, tất cả đều sống trong tâm trạng háo hức với những ước mơ tưởng chừng như rất cụ thể mà lại rất xa vời và mơ hồ...
 


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Ba, 2021, 09:04:36 pm
Quân tư trang của từng người khi đó là một bộ com-lê, cà-vạt, một bộ quần áo dạ (chiếc áo may theo kiểu vẫn được gọi là kiểu Tôn Trung Sơn), một chiếc mũ kê-pi, một đôi giày đen, rồi áo khoác, áo sơ mi... Mũ kê-pi thời ấy không đẹp như bây giờ, nó nông, đỉnh mũ thì bằng trông như kiểu mũ "bình thân" của các vị quan lại ngày xưa và vành thì cứng, đội một lúc là đầu rất đau tựa như bị đeo vòng kim cô của Tôn Ngộ Không. Mọi thứ ấy đều được cho vào trong chiếc va-li.
 Tất cả những vật dụng ấy hầu như đã qua sử dụng cả, chỉ có giày và áo sơ-mi là mới. Về cơ bản, trang bị hoàn toàn theo kiểu dân sự giống như đoàn lưu học sinh đi học nước ngoài chứ không phải đoàn học viên đi học bay.
 Khoảng 4h chiều ngày 27-7-1965, cả đoàn được ô tô chở ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), giành thời gian chừng một tiếng đồng hồ để gặp gỡ, tạm biệt, chia tay với người thân.
 Ga Hàng Cỏ vào thời ấy không sôi động như bây giờ. Tên của nó gắn liền với nguồn gốc từ tên phố, nơi có khu đất hoang dùng làm nôi bán cỏ nuôi ngựa. Ga Hàng Cỏ là nhà ga được khởi công xây dựng từ năm 1899 và khánh thành vào năm 1902, được đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên. Vị trí của nó nằm ở khu vực cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) và đường Mandarine (nay là đường Lê Duẩn), trong đó có một phần trường đua ngựa mới thành lập (hiện nay là Cung văn hóa Hữu Nghị) và thôn Tứ Mỹ. Trước đây, nó có tên là "Ga trung tâm Hà Nội" nhưng vì cái tên quá dài và thói quen gọi tên theo địa danh nên dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ,.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 05 Tháng Ba, 2021, 09:44:28 am
Ga Hàng Cỏ là nơi chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử Hà Nội qua những cuộc chiến tranh, qua những thời kỳ...
Đến năm 1972, trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ với chiến dịch Linebacker-2, ga Hàng Cỏ đã bị bom Mỹ đánh trúng, làm sập sảnh chính. Sau năm 1975, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và xây dựng lại nhà đại sảnh theo kiến trúc mới, không ăn nhập gì với phần còn lại, được hoàn thành vào năm 1976, thông tuyến đường sắt thống nhất nối liền hai miền Nam Bắc sau 30 năm bị chia cắt.
Trở lại đoàn đi của chúng tôi vào năm 1965 ấy. Những ai có người nhà, người thân bạn hữu đến gặp gỡ trước lúc chia tay thì sau khoảng thời gian chừng một tiếng đồng hồ là chấm dứt. Có lệnh lên tàu lúc 6h chiều và chỉ sau ít phút là tàu chuyển bánh. Thế là diễn ra cái cảnh "những bàn tay vẫy những bàn tay. Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt..." như nhà thơ Nguyễn Bính đã viết trong "Những chuyến tàu trên sân ga". Thế là nhà ga xa dần, thành phố xa dần... nhưng cái cảm giác lưu luyến, nhớ thương chưa kịp trỗi dậy mãnh liệt như khi ra khỏi biên giới của Tổ quốc, nó chỉ là một phần nhỏ trong cái biển nhớ mênh mông về sau này mà thôi.
 Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh rồi chuyển sang tàu liên vận của Trung Quốc, qua cửa "Hữu nghị quan" thì bấy giờ mới chính thức thấy mình đã rời xa quê hương đất nước, xa rời những ngôi nhà nhỏ bé từng gắn bó với mình qua bao năm tháng của tuổi thơ và xa rời những người thân yêu, ruột thịt của mình thật. Bấy giờ mới là lúc bùng lên nỗi nhớ. Nhớ đến cồn cào. Nhớ đến cháy ruột cháy gan... Con tàu liên vận cứ lặng lẽ, mải miết chạy theo con đường dài hun hút. Càng đi càng thấy xa lạ bao nhiêu thì càng thấy nhớ nhà nhớ quê bấy nhiêu.
 Con tàu liên vận chở chúng tôi đi hồi ấy theo tuyến đường sắt Bằng Tường - Bắc Kinh -. Đến Bắc Kinh, chúng tôi được nghỉ một ngày ở khách sạn Bắc Vĩ. Ở đây, cái gì cũng thấy lạ lẫm, từ phố xá, nhà cửa đều thấy to tát hơn nhà mình. Họ nói chuyện với nhau mà như cãi nhau.
Trong khách sạn và ở cửa hàng Bách hóa Đại lầu có nhiều người biết tiếng Việt nên phần nào giao tiếp cũng thấy dễ dàng hơn. Chỉ có điều, người Trung Quốc không phát âm được từ "Đ" của mình. "Đồng chí" thì họ nói là "Tồng chí".


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 09 Tháng Ba, 2021, 09:19:53 pm
 Sau khi nghỉ ngơi 1 ngày, chúng tôi lên tàu tiếp tục cuộc hành trình Bắc Kinh - Mãn Châu Lý rồi chuyển sang tàu của Liên-xô chạy theo tuyến Mãn Châu Lý - xuyên Xi-bê-ri đến Mátxcơva.
 Những ngày trên đất Trung Quốc thì sự xa lạ không nhiều vì phong tục, đồ ăn thức uống na ná như bên mình, nhưng khi sang đất Liên-xô thì khác hắn.
 Chiều rộng của tuyến đường sắt của 3 nước khác nhau. Đường sắt của ta thì hẹp hơn, đường sắt của Trung Quốc thì rộng hơn, đường sắt của Liên-xô lại rộng hơn nữa. Vì thế tốc độ của con tàu cũng khác nhau. Đường sắt rộng hơn thì tàu sẽ chạy nhanh hơn. Tàu chạy liên tục mười hai, mười ba ngày liền thì đủ biết chặng đường dài đến mức nào. Và suốt những ngày đêm ấy, đoàn của chúng tôi chẳng mấy khi được xuống, cứ "cư trú" triền miên trên tàu thôi. Lâu lâu, đên ga nào tàu dừng để lấy nước, tiếp nhiên liệu... thì chúng tôi tranh thủ ào xuống sân ga để vặn vẹo người cho đỡ mỏi và ngắm nghía cảnh vật xung quanh mấy phút rồi lại lên tàu, tiếp tục cuộc hành trình, tiếp tục lắc lư theo nhịp bánh sắt nghiến trên đường ray với giai điệu đều đều, buồn tẻ...
 Những ngày trên tàu là những ngày chúng tôi tranh thủ gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên, kết thân với nhau và rồi lại ngồi ngắm cảnh vật trôi qua các khung cửa sổ của con tàu.
 Qua mỗi vùng miền lại thấy những sự khác biệt. Càng đi càng thấy đất nước của bạn quả là rộng lớn, rồi cung cách sản xuất cũng khác, con người cũng khác ... Nói chung, tất cả đều xa lạ đối với chúng tôi. Ngay như cảnh bình minh hay hoàng hôn cũng không thấy giống ở bên mình. Bầu trời như rộng hơn, xanh đậm hơn. Thiên nhiên như chàng họa sĩ phóng khoáng, hào hoa, vung bút cọ phất lên những mảng mầu sặc sỡ đến hoang dại...làm cho ánh hoàng hôn lắm khi lầm lẫn với ánh bình minh, tạo cho những người chiêm ngưỡng nó luôn bị bất ngờ...
 Nhưng ấn tượng nhất phải là khi tàu xuyên Xi-bê-ri, gặp hồ Bai-can.
 Khi học ở trường phổ thông, qua những tiết học của môn Địa Lí đã được thầy giảng nhiều về hồ Bai-can, nhưng đã bao giờ "mục sở thị" cái hồ Bai-can bao giờ đâu mà biết cụ thể nó là thế nào. Cứ càng cố hình dung thì lại càng thấy mờ mịt. Đến khi chuyến tàu chúng tôi xuyên Xi-bê-ri, chạm đến mỏm hồ phía Nam của Bai-can mới thấy được sự hoành tráng của nó. Mặt hồ giống như chiếc gương khổng lồ soi bóng những núi đá hùng vĩ với trùng trùng lớp lớp những hàng thông, những hàng bạch dương thẳng tắp, cao vút tận lưng trời. Những đám mây nhàn tản, lững lờ trên trời xanh như những đàn cừu trắng ngơ ngác giữa thảo nguyên, in xuống mặt hồ tựa như những tản băng tan. Xa xa, vài vệt mây mỏng manh giăng ngang trời giống như những vệt cọ của một danh họa đang phết ngang khung vẽ...
Trên mặt nước, những đàn hải âu dập dờn như những đám bụi phấn đang lay động và những đoàn thuyền trông chẳng khác gì những chiếc vỏ lạc bồng bềnh trên sóng. Làn nước màu xanh ngọc bích trong vắt tới mức có thể nhìn được những viên đá, viên sỏi nằm ở độ sâu hàng chục mét...
Bấy giờ đã là đầu mùa Thu. Ven bờ hồ là bạt ngàn hoa. Những thảm hoa đủ các màu sặc sỡ uốn lượn theo làn gió, bồng bềnh như những đợt sóng hoa, uốn lượn mềm mại như tấm vải hoa khổng lồ dưới những vạt rừng bạch dương. Nhiều nhất là loài hoa cúc, như loài hoa cúc họa mi ở bên ta cùng với các loài hoa bướm với những chiếc cánh mỏng manh. Tất cả cảnh vật ở đây đập vào mắt ta giống hệt như ta đang ngắm nhìn qua ống kính vạn hoa vậy...
Con tàu liên vận chạy với tốc độ cả trăm cây số/giờ mà chạy mãi vẫn không  hết cái eo phía Nam của hồ.
 Bai-can đúng là "hòn ngọc của Xi-bê-ri" và không phải vô cớ mà năm 1996, UNESCO đã công nhận Bai-can là di sản thiên nhiên thế giới.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Ba, 2021, 11:38:54 pm
Xin xen ngang vào dòng hồi tưởng của bác Phicôngtiêmkích một tí.
Các bác có ai biết về trường hợp này không:

Hà Huy Hào
TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH
1 giờ  ·
CÂU CHUYÊN SƯU TẦM THẬT CẢM ĐỘNG VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
CHUYỆN XƯA GIỜ MỚI KỂ
(Chuyện có thật 100'/.)
-
Đoàn khám tuyển phi công ở Hà Nam Ninh (cũ) tháng 12/1977 đã chọn trong hàng trăm chàng trai được 1 thanh niên đủ mọi điều kiện về thể lực nhưng bị loại vì lý lịch : mẹ là công nhân nhà máy dệt yêu một người lính trên đường đi B rồi sinh con ra thì mất liên lạc, bị xã hội ghẻ lạnh với 2 từ " chửa hoang " . Người mẹ xấu hổ bỏ việc đưa đứa trẻ về quê cắn răng nuôi con trong tủi nhục và vô vọng.
Tiếc cho một phi công tương lai, thương cho số phận oan trái của người nữ công nhân nên Hội đồng tuyển quân thỉnh cầu cấp trên chiếu cố, trên điện vẻn vẹn trả lời " Máy bay MIC của Liên Xô viện trợ có giá hàng trăm ngàn rúp . Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu phi công có lý lịch xấu sẽ bỏ trốn cùng máy bay, chưa kể hậu quả khác " ?
Trong Đoàn khám tuyển có viên thượng uý quân lực rất có trách nhiệm và nhân hậu - anh không thể nào ăn ngon, ngủ yên vì không quên được ánh mắt đau xót, cầu khẩn của Người mẹ bất hạnh ấy mà cả cuộc tình duyên chỉ kịp trao và nhận với người lính ra chiến trường: chiếc khăn tay đổi lại con châu chấu làm từ phim chụp ảnh nhuộm mầu cùng giọt máu của anh !
Viên thượng uý bán chiếc xe đạp Thống Nhất , vay thêm bạn bè ,  nghỉ 2 kỳ phép năm liền để lên đường vào Nam  lần theo phiên hiệu mờ nhạt của đơn vị người lính ấy với " kỷ vật tình yêu : con châu  chấu nhựa ". Biết bao gian nan khổ ải khi cuộc chiến đã đi qua , đau thương thì để lại , qua bao cơ quan tỉnh đội, các cựu chiến binh , thậm chí cả các nghĩa trang liệt sỹ khi có người trùng tên, trùng quê quán v.v..
Như đền đáp tâm hồn cao thượng, tình đồng đội ấy - sau gần 1 tháng viên thượng uý lại lên xe lửa ngược ra Bắc. Và một chiều mùa đông rét mướt, mưa dầm dề lầy lội nơi nông trường Mộc Châu, anh đã gặp được ...người lính năm xưa: nguyên thượng   tá, trung đoàn trưởng - đương nhiên là đảng viên và các loại huân chương , nay là giám đốc nông trường . Hai người lính ôm nhau khóc: "Sau giải phóng tôi đã về nhà máy dệt ấy không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi người nói một khác và không sao tìm được cô ấy , tôi đau đớn lắm ! Nhiều năm sau tôi mới lấy vợ người dân tộc ở đây và được hai cháu gái . Nay trời có mắt tôi có con trai nối dõi rồi.!".
Không hạnh phúc nào mà không có hy sinh : 1 chú bò , 2 lợn , vô số gà vịt được làm thịt để chiêu đãi cán bộ , công nhân nông trường và bà con mừng cho giám đốc  . Bán thêm 1 bò nữa để lận lưng về xuôi cùng viên thượng uý , mà người vợ người dân tộc tiễn họ qua hết hai quả đồi chè - để người cha ấy về xuôi “ trả lại truyền thống cách mạng " trong lý lịch của con trai , trả lại tình thương cho người mẹ khắc khoải tháng năm !
Khỏi phải nói mọi cảm xúc dâng trào , nước mắt của mọi người trong ngày hội ngộ “ trả lại tên cho em “
...
Chàng trai ấy giờ nay đã mang quân hàm đại uý lái máy bay chiến đấu, anh cũng có thêm người cha đỡ đầu - viên thượng uý quân lực xưa nay cũng đã là thượng tá nghỉ hưu rồi - sống thanh bạch trong một khu tập thể như bao “ Người lính Cụ Hồ “ khác .
---
theo ANTG.

 


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 10 Tháng Ba, 2021, 08:40:10 pm
Thật vô cùng cảm động khi đọc những dòng này. Tôi đã để mặc nước mắt của tôi chảy tràn mà không hề muốn lau. Đất nước ta đã phải nếm trải qua biết bao khổ đau và những con dân đất Việt cũng đã phải hứng chịu bao nhiêu khổ ải, nếm chịu bao nhiêu là cay đắng. Rồi đây, không biết sẽ còn có những nghịch cảnh như những ngày xưa hay không. Dầu sao, câu chuyện kết thúc đã có hậu khiến cho đỡ mềm lòng. Cầu chúc cho không bao giờ còn những cảnh ngộ tương tự như vậy diễn ra nữa!.

 Trở lại với chuyến đi của chúng tôi.
 Càng đi càng thấy thế giới thật rộng lớn với những phong tục tập quán, ngôn ngữ và vóc dáng con người càng khác nhau.
 Đại loại, khi ở đất nước Trung Quốc, thành phố, đường xá, đồng ruộng...đã thấy khác mình, nhưng dầu sao cũng còn có những nét na ná, giông giống. Ví như cùng ăn cơm bằng đũa, các thức ăn cũng gần giống nhau, chỉ khác là ở chỗ món xào nào cũng nhiều dầu, không ăn mắm, chỉ sử dụng xì-dầu. Các món thức ăn cứ đưa ra từ từ, món ngon thì đưa ra sau và khi có bát canh là kết thúc thức ă chẳng hạn...
 Sang đến đất nước Liên-xô thì lại khác đến mức như ngược lại hoàn toàn. Vóc dáng người dân thì cao to, xải những bước chân rất dài, ăn mặc thì sang trọng, com-lê, cà-vạt ngay ở những ngày thường. Ngôn ngữ thì đa âm. Khoản ăn uống thì chia ra nào món khai vị, món thứ nhất, món thứ hai và món tráng miệng. Ăn bánh mì là chủ yếu và có 2 loại bánh mì đen và trắng. Đồ dùng trong bữa ăn thì dao, thìa, dĩa. Những thứ ta dùng để đậy nấp cho nóng thì ở đây lại đem lót xuống dưới cho đỡ bỏng tay. Đồ uống thì có trà đen uống với đường. Đường là những thỏi dài và to như hai đốt ngón tay. Ngay chuyện phết bơ lên bánh mì cũng học mãi mới thuần thục được...Nhiều vấn đề xa lạ, lạ lẫm lắm...
 Cái khó nhất chính là ngôn ngữ. Mấy năm học cấp 3, tôi học Nga văn nên cũng võ vẽ chút ít nhưng chả thấm tháp gì vì dạy Nga văn vẫn là thày người Việt, bí quá thì "tương" tiếng Việt ra là "hòa cả làng". Sang đây thì không thế được. Khi tôi gặp người phục vụ toa đến, tôi cố vận dụng hết khả năng tiếng Nga mấy năm học ra để giao tiếp. Thoạt đầu chỉ là những câu rất đơn giản: "Đaiche mờnhe trai!" - tức là cho tôi một cốc trà. Và ngay lập tức, người nhân viên kia liến thoảng một tràng dài, tôi ù hết cả tai và cứ phang đại một câu là : "Đa!" nghĩa là "Vâng!". Một hồi sau, nhân viên ấy đem đên cho tôi một tách trà đen với 2 thỏi đường trắng.. Tôi thầm đoán là anh ta hỏi tôi uống loại trà nào, đen ư và với hai viên đường nhá. Tôi "Ừ" và thế là việc đã xảy ra như vậy... Sơ sơ tí thế thôi mà đã thấy khó rồi. Vậy nay mai học bay sẽ thế nào đây, nhất là khi ở trên trời, thày dạy lại là người Nga 100% nữa. Không phải chuyện chơi đâu!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 10 Tháng Tư, 2021, 02:59:20 pm
Tàu đi theo đúng lịch trình. Khi chúng tôi đến Matxcơva được Đại sứ quán của ta cử người ra đón tiếp rất chu đáo. Chúng tôi được nghỉ ngơi, tham quan ở đó chừng mấy tiếng đồng hồ trước khi lên tàu về Krasnôđar. Trước khi đi, các thủ trưởng đã quán triệt lên quán triệt xuống là phải giữ gìn bí mật, không được tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả người Việt Nam, không được nói đoàn mình là đoàn gì, đi đâu, học cái gì v. v. nên khi sang đất bạn, gặp người mình mà cứ phải lảng tránh. Ngay chuyện gửi thư từ về nhà cũng phải để Đoàn trưởng kiểm tra xem có viết gì lộ bí mật không rồi mới đóng gói, chuyển về nước. Về đến nước mình bầy giờ mới có bộ phận chuyên dán tem và chuyển gửi theo đường bưu điện đi các nơi. Cứ vài tháng lại thay đổi địa chỉ hòm thư một lần. Cái địa chỉ hòm thư đầu tiên là "2653 HV" thì tôi nhớ đến tận bây giờ nhưng các địa chỉ sau thì chịu vì nhiều quá. Thay đổi địa chỉ như vậy cốt để mọi người nghĩ rằng đơn vị chúng tôi vẫn ở Việt Nam và đang di chuyển trên hành trình theo nhiệm vụ ở trong nước mà thôi. Thư từ ở nhà gửi sang thì cứ theo địa chỉ ấy, tập trung cả ở một nơi rồi lại được đóng gói chuyển sang theo con đường riêng. Nhiêu khê vô cùng nhưng đấy là việc làm cần thiết cho sự bí mật lực lượng. Chắc phải mất vài tháng thì thư mới đến nơi người nhận và những ngày thư đến là những ngày chúng tôi vui nhất, hồi hộp nhất. Chính trị viên thì quan sát nét mặt từng người để xem sau khi đọc thư có gì buồn vui còn kịp động viên tư tưởng.
Chúng tôi lại tiếp tục hành trình trên tàu hỏa về Trường không quân Krasnôđar. Gần sáng ngày 8 tháng 8 thì chúng tôi được xe ô tô của trường ra ga tàu đón tới trường ăn sáng, nghỉ ngơi rồi hai chiếc máy bay vận tải IL-14 chỏ đoàn chúng tôi về sân bay Akhtari. Nơi ấy sẽ là nơi chúng tôi sẽ sống, sẽ học tập và là nơi đầu tiên bước vào khoảng không bao la với những ước mơ chinh phục bầu trời. Nơi ấy cũng sẽ là nơi gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn của cả một thời trai trẻ xa quê hương đất nước. Nơi ấy cũng sẽ là nơi chúng tôi hiểu được những tình cảm chân thật, những sự sẻ chia thấm đậm tình người, những tấm lòng nhân hậu của những người thày, người mẹ, người chị, người bạn Nga. Nơi ấy cũng sẽ là nơi mà chúng tôi phải chịu ơn và phải đền ơn bằng chính những chiến công của mình sau này...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: phaphai trong 16 Tháng Tư, 2021, 07:08:40 am
Sao anh Huy chưa viết tiếp?
Tụi em cũng được đi tầu liên vận. Đi qua Mãn Châu Lý.
Buổi tối đi qua cầu Long Biên, mấy đứa con trai phản đối ầm ầm khi không thấy mấy đứa con gái nhỏ lệ.
Vì theo phong tục người Việt, con dâu khi về nhà chồng phả khóc để tỏ ý nhớ nhà.
Lên đến Đồng Đăng vào lúc tờ mờ sáng. Chờ tầu nhập cảnh, tụi em chạy xuống đánh răng, rửa mặt ở mấy cái vòi nước ven đường ray!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Tư, 2021, 08:26:19 am
PhaPhai ơi! Thế thì có nhiều cái khá giống nhau trên những nẻo đường rồi đấy!. Mình viết tiếp nhé!

Khi đến sân bay Akhtari thì trước đó đã có 2 đoàn học viên Việt Nam rồi: một đoàn 40 người do anh Nguyễn Chính Hậu làm trưởng đoàn, còn đoàn kia có 20 người đang học lí thuyết bay do anh Phạm Đình Tuân làm trưởng đoàn. Đoàn của anh Hậu sẽ cùng bay L-29 với chúng tôi. Đoàn của anh Tuân sẽ bay theo kiểu "hàn lâm", tức là bay trên loại máy bay cánh quạt IAK-18 trước rồi đến MiG-17, sau đó mới là MiG-21.
Chúng tôi ổn định chỗ ở xong thì được nhận quân trang, sách vở và đồ dùng học tập rồi nghe phổ biến quy chế ở trường. Có lẽ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi gặp phải trong giai đoạn này là vấn đề ngoại ngữ. Chúng tôi bắt đầu bước vào học tiếng Nga ở cơ sở học bay với tên gọi tắt là ULÔ do ông Thiếu tá tên là Phomin phụ trách. Ông là người rất có trách nhiệm, tâm lí, hóm hỉnh, tế nhị và rất nhanh nhẹn. Ông nói sõi từ "hai bốn" nên chúng tôi đặt cho ông cái tên là "Thiếu tá Hai bốn!". Thế nào mà ông lại biết được cái biệt hiệu ấy, khi gặp chúng tôi, ông lấy tay vỗ vỗ vào ngực mình và nói: "Thiếu tá Hai Bốn đây!". Đoàn chúng tôi được chia thành 8 lớp do các thày cô người Nga trực tiếp giảng dạy. Trong đoàn tôi, trừ một vài anh đã học Đại học ngoại ngữ khoa  tiếng Nga thì còn nhàn hạ, tiếp đến là bọn tôi được học mấy năm phổ thông biết võ vẽ chút tiếng Nga thì đỡ hơn một chút nhưng cũng rất chật vật, còn lại những ai chưa hề dính líu đến cái thứ tiếng đa âm đa nghĩa này thì đúng là phải đánh vật với từng từ một cho đến toát mồ hôi ra mới thôi.  Cách phát âm đã khó mà lại còn đủ loại cách nữa: nào nguyên cách nào sinh cách, nào đối cách nào dữ cách rồi tạo cách, giới cách rồi lại đến cách chia động từ theo số ít, số nhiều, theo hiện tại theo quá khứ theo thì tương lai rồi lại hoàn thành thể, chưa hoàn thành thể. Tất cả cứ rối loạn hết cả lên. Đúng là "mưa sa bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga" thật. Ngôi với cách phức tạp quá, quân ta lắm lúc cứ để nguyên cách 1 (nguyên cách) mà xài. Đã có lần có 1 anh "phang" một câu dài toàn dùng cách 1 như thế này : "Xây chát mư đa môi. Vô xem cha xốp mư xu đa! Đa?" (Bây giờ chúng tôi về nhà, 8 giờ chúng tôi trở lại đây. Đúng không?). Thày giáo gật đầu: "Đa!" (Đúng rồi!). THế là ổn, cần quái gì cách với cú cho mệt. Câu chuyện ấy tới giờ mỗi khi gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc lại rồi cùng cười nhớ lại một thời đã qua. Nhưng cái từ "Đa" (Vâng) cũng gây ra lắm rắc rối. Lắm khi chẳng hiểu gì thì cứ "đa" bừa đi cốt cho qua chuyện, nhưng thày lại hỏi: "Sờ tô đa?" (Vâng cái gì?) thế là lại nói : "Nhét!" (không), thày hỏi lại: "Sờ-tô nhét?) (không cái gì?) Vậy là cả bọn ngớ người ra. Ôi, cái thứ ngoại ngữ này phức tạp thật đấy!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Tư, 2021, 04:58:29 pm
Trong tiếng Nga, vấn đề phức tạp nữa là trọng âm vì phát âm sai trọng âm là nghĩa khác hoàn toàn. Ví dụ, từ zámôk là lâu đài hay pháo đài, nhưng nếu đọc zamốk thì nghĩa lại là cái khóa hay ổ khóa ... và còn nhiều từ khác nữa nên phải luôn thận trọng vối cái trọng âm này. Có nhiều từ có rất nhiều chữ ghép vào với nhau, đọc đến méo cả mồm, ví như từ mang nghĩa lành nghề chẳng hạn thì phải đọc là vư xôcôkvaliphixirôvannưi. Vậy cũng đủ ốm. Thày giáo cô giáo liên tục bắt phải phát âm, phải đặt câu. Mà học thuộc những từ dài như thế kia thì bao giờ mới thuộc. Một anh bạn vớ ngay được một từ rất ngắn, rất dễ học thuộc, đấy là từ Kít- nghĩa là cá voi. Thế là anh ta tận dụng triệt để cái từ này trong việc đặt câu, cẳng hạn: hôm qua tôi trông thấy con Kít, hay tôi gặp con Kít, rồi đến cả Tôi ăn con Kít thì thày giáo bổ chửng lên và nói ngay: thôi, vấn đề con Kít đến đây có thể chấm dứt được, hãy chuyển sang từ khác đi. Vậy là từ bấy, chúng tôi gán ngay từ Kít sau tên anh để làm biệt hiệu.
Phong trào học tiếng Nga được đẩy lên rất cao và thế là có nhiều sáng kiến trong học tập nảy ra, nhất là chuyện "Việt hóa tiếng Nga". Chuyện này cũng là học theo cách của cha ông mình thôi. Ví như cái từ tiếng Anh: một, hai, ba... là One, two, three...thì được Việt hóa là Oẳn tù tì trong các trò chơi của trẻ con chẳng hạn. Còn về tiếng Nga thì từ cám ơn sẽ được Việt hóa là xin bà tí bơ (Xờ-pa-xí-bờ), hay từ làm ơn, xin mời với tiếng Nga là Po-gia-lui-xơ-ta thì Việt hóa thành bà già lui ra. Rồi cả từ kỹ thuật như từ Lôn-gie-rôn là khung sườn dọc của cánh thì biến ngay thành Lôn dưới rốn...Nhiều cái kinh khủng lắm...
Dầu sao, sau 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi đã cơ bản nắm được những vấn đề cần thiết và đã có nhiều anh thuộc hạng khá, giỏi trong lĩnh vực này và rồi bước ngay vào học lí thuyết bay trên loại máy bay phản lực sơ cấp L-29.
 Chuyện ăn uống ở đất nước Liên-xô này, chúng tôi chưa quen ngay được. Các bữa ăn hầu như rất ít có rau hoặc gần như không có nên rất xót ruột. Một ai đó phát hiện được những vạt rau sam các loại, thế là bí mật đi hái về dể luộc hoặc nấu canh ăn. Rau sam ở bên ấy ngọn to như chiếc đũa  và bò dài ngoẵng, non búng, chỉ trông thấy đã thèm, lúc luộc lên có vị chua chua, uống nước luộc thấy mát lòng mát ruột nên ai cũng khoái. Rồi lại còn những cây rau muối nữa. Cây rau muối cao đến ngang vai mình với những chiếc lá xanh mơn mởn, lấm tấm những hạt trắng như những hạt muối tinh do ai vô tình đánh rơi lên đó, cứ lấp lánh dưới ánh mặt trời và đung đưa theo gió, trông thật mát mắt và khêu gợi. Thứ đó hái về đem nấu với cá hộp thì chỉ có "nhất quả đất". Rồi cả những cây bông mã đề non búng không hiểu sao lại mọc tràn lan ở xứ này. Vậy là chúng tôi tận dụng triệt để các loại rau ấy, nhưng phải ăn vụng ăn trộm vì nhà trường cấm, không cho ăn những thứ đó. Họ sợ giun sán sẽ xâm nhập vào bụng dạ chúng tôi qua con đường "cải thiện" ấy. Mà chuyện giun sán thì các nước châu Âu này sợ lắm. Họ cấm cũng phải thôi, còn chúng tôi thì cứ giấu diếm tổ chức đánh chén cho đỡ thèm. "Cơm không rau như đau không thuốc" mà!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Viet Trung 51 trong 22 Tháng Tư, 2021, 10:56:57 pm
Chúc mừng các anh đoàn Mig21 K3 - Đoàn bay chủ công của KQNDVN trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đoàn bay với những PC tiêm kích lẫy lừng: Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Văn Nghĩa, Đinh Tôn, Phạm Phú Thái, Trần Việt... những người đã góp sức viết nên lịch sử oai hùng cho KQ ND VN. Các anh đã có buổi gặp mặt rất ấm cúng với sự chia vui của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại YP Hồ Chí Minh ngày 22-4-2021.
Hôm nay vẫn không tập hợp được đủ quân đoàn K3, hơi buồn anh Phi Công Tiêm Kích nhỉ.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 12 Tháng Năm, 2021, 09:50:06 pm
Cám ơn VietTrung51 đã đăng tin và ảnh cùng những lời chia sẻ tâm giao. Cũng từ lẩu lầ lâu rồi, đoàn bay MiG-21 khóa 3 chưa một lần tập họp tại phương Nam. Nó có nhiều lí do: bởi đại đa số phi công của đoàn bay MiG-21 khóa 3 đều ở Hà Nội, rồi chuyện đi lại  rất khó khăn (đường thì xa, vé thì không rẻ, tuổi tác lại cao v. v..) nên lần này, "Nam tiến" một chuyến là sự cố gắng rất lớn, đặc biệt với các anh như Lê Thanh Đạo, Nguyễn Phú Đức...vì các anh đều mang bệnh nặng trong người. Hôm ấy chỉ tập họp được có 10 người thôi, là các anh Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Trần Việt, Hà Quang Hưng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Phú Đức, Lương Thế Phúc, Nguyễn Văn Nghĩa, Vũ Như Ngữ và tôi. Các phu nhân thì có chị Trần Thị Diên Hồng (vợ anh Đinh Tôn, Đoàn trưởng), vợ anh Vũ Như Ngữ, vợ anh Nguyễn Văn Quang, vợ tôi cùng Trần Tuyết Lê (vợ anh Lê Toàn Thắng) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (vợ anh Nguyễn Tuấn Ngòi). Anh Đặng Xây ở miền Trung không vào được vì sức khỏe. anh Phạm Phú Thái đang nằm viện, anh Trần Ngọc Nhuận đang chờ mổ cắt khối u, anh Trần Thông Hào vì sức khỏe và anh Hoàng Quốc Dũng vì việc gia đình, anh Nguyễn Hồng Mỹ thì không liên lạc được...
Đoàn tổ chức được thế này là cả sự cố gắng lớn. Cùng đến chung vui với chúng tôi có Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các tướng lĩnh như Võ Văn Tuấn, Phương Minh Hòa, Trần Văn Thi, Hoàng Viết Quang ... cùng các lãnh đạo các Sư đoàn và các doanh nghiệp. Thật thân tình và cảm động. Có lẽ sẽ khó có cuộc thứ hai như thế vì tôi cảm thấy sức khỏe của nhiều thành phần đã "hom hem" lắm rồi. Dầu sao, đấy cũng là cuộc gặp mang tính lịch sử.
Một lần nữa cám ơn VietTrung đã đưa tin.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 05 Tháng Sáu, 2021, 06:57:24 pm
Kết thúc 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi bước vào học lý thuyết với các môn học mà môn nào môn ấy đều đầy rẫy những khó khăn. Vĩ dụ như học môn khí tượng chẳng hạn, thoạt đầu ai cũng nghĩ là đơn giản thôi, bởi khí tượng thì là mây là mưa là gió... nhưng thực ra không hẳn như vậy. Mây có hàng bao nhiêu loại mây: từ mây đống (mây Cu), mây giông (mây Cu công), rồi mây lông chim (mây Ci) v. v., nhiều vô kể. Mà rồi các loại mây ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuyến bay mới là vấn đề phải nghiên cứu. Trời mấy phần mây thì được bay và với loại mây nào thì các chuyến bay sẽ an toàn. Và rồi phải xác định cự li giữa các đám mây nguy hiểm (là các đám mây giông) để cho máy bay bay qua kẻo sét sẽ đánh vào máy bay gây mất an toàn. Hết mây rồi lại học đến mù. Nào mù khô, nào mù ướt... rồi ảnh hưởng của nó với chuyến bay ra làm sao, tầm nhìn trong mù giảm thế nào v.v.. Hết mù lại đến gió: nào gió ngược, gió xuôi, gió cạnh, gió đứt ...cũng đủ kiểu. Rồi với tốc độ gió là bao nhiêu thì sẽ được bay, tốc độ nào thì còn hạ cánh được.... Rồi đến mưa các loại...Nghĩa là tối tăm mặt mũi về cái môn khí tượng này, nhưng không thể không nắm cho thật chắc vì nó liên quan mật thiết đến độ an toàn của từng chuyến bay mà.. Ngoài ra còn phải biết đọc các đường đẳng áp trên bản đồ khí tượng vì thời ấy chưa có vệ tinh khí tượng nên phải lấy các tham số , các tư liệu về khí tượng qua các trạm khí tượng thủy văn đặt rải rác ở khắp nơi rồi tổng hợp lại nên cũng là cả một vấn đề.
Một môn tưởng chừng "nhẹ" thế thôi mà lại chẳng "nhẹ" tí nào. Còn các môn khác thì sao?. Môn lí thuyết bay chẳng hạn. Tại sao máy bay lại bay được. Định luật Becnuli là gì. Rồi lực nâng, lực cản ra làm sao. Công thức tính lực nâng, lực cản thế nào. Rồi khi thực hiện các động tác nhào lộn theo các phương thẳng đứng, mặt phẳng nghiêng, mặt phẳng ngang...thì các lực tác động lên máy bay ra làm sao. Rồi làm thế nào để thoát ra khỏi được "vòng chết Nhexchêrôp" và khi ở trên đỉnh thì lực tác động như thế nào, các vị trí khác nhau lực sẽ tác động ra làm sao... Nhiều. Nhiều lắm và rắc rối lắm nhưng phải thuộc lòng , kể cả đang đêm bị đánh thức dậy cũng phải nói cho lưu loát thì mới được.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: phaphai trong 06 Tháng Sáu, 2021, 06:14:59 am
Kết thúc 3 tháng học tiếng Nga, chúng tôi bước vào học lý thuyết với các môn học mà môn nào môn ấy đều đầy rẫy những khó khăn. Vĩ dụ như học môn khí tượng chẳng hạn, thoạt đầu ai cũng nghĩ là đơn giản thôi, bởi khí tượng thì là mây là mưa là gió... nhưng thực ra không hẳn như vậy. Mây có hàng bao nhiêu loại mây: từ mây đống (mây Cu), mây giông (mây Cu công), rồi mây lông chim (mây Ci) v. v., nhiều vô kể...

Anh lại viết tiếng Nga mất rồi!
Chắc là trong binh chủng vẫn dùng từ các anh sử dụng lúc học bên Liên Xô?
Tụi em cũng phải học cái môn này (Meteorology), nhưng hồi phổ thông em thích đọc sách tự nhiên nên cũng biết cái ngành này lại dùng tiếng tầu để đặt tên cho các loại mây: Mây ti (cirrus), mây tích (cumulus), mây tầng (stratus). Mây lông chim (mây Ci), là mấy sợi mây vẩy mỏng mỏng, chỉ khi trời trong mới nhìn được do các hạt băng nhỏ có độ cao lớn nhất trong các loại mây được họ gọi là mây ti. Mây giông được bổ sung thêm cái tên mây vũ tích (Cumulonimbus; các anh gọi là Cu công, chắc từ "công" của các anh là cái từ "vũ")!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 07 Tháng Sáu, 2021, 08:14:36 am
Đúng vậy, PhaPhai ạ!. Có lẽ, cái thời bọn tôi học, những từ ngữ chừng như được "pha trộn" giữa tiếng Việt, Hán Nôm và tiếng Nga nên nhiều khi thấy như là "ngớ ngẩn", nhưng đã học thuộc lòng rồi thì cứ phát thoải mái và điều cơ bản nhất là mình hiểu bản chất của nó.
Trở lại việc học năm xưa. Khi học đến môn máy bay, động cơ, hệ thống nhiên liệu rồi vũ khí ...thì có vẻ đỡ hơn một chút vì không trừu tượng nữa mà  có các "giáo cụ trực quan" là cả phần máy bay, phần động cơ, phần các hệ thống cung cấp nhiên liệu... đều được "phẫu thuật", tất cả đều được bày rõ qua lớp cắt. Chính vì vậy, nó giúp cho việc học đơn giản hơn và trả lời cũng dễ dàng hơn khi mà tiếng tăm còn ú ớ.
Các thày cô giáo là những người giảng dạy rất nhiệt tình và là những chuyên gia tuyệt vời về mảng tâm lí học. Một số thày còn luôn pha trò trong ghiowf giảng giúp cho chúng tôi thoải mái hơn, nhận thức sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn. Có thày còn hát được tiếng Việt và một số thày còn biết cả chuyện tiếu lâm Việt nữa. Tình thày trò ngày càng gắn kết. Có thày, khi đến giờ kiểm tra, biết là phần này khó, nếu mà học trò không hé vở ra "cóp pi" thì chắc khó làm được bài. Vì vậy, thày bỏ ra hành lang nói chuyện rất to để học viên biết thày ở ngoài đó và trước khi vào lớp, thày đằng hắng mấy tiếng liền rồi mới mở cửa và đi vào bằng...lưng. Thế là xóa được những căng thănmgr trong giờ kiểm tra.
Các môn học xong, môn nào cũng phải thi, nhiều môn còn thi cấp quốc gia. Các môn thi hầu hết là trả lời miệng. Bàn giám khảo có 3 vị đặt trên lớp, 3 bàn học viên đặt phía giữa lớp. Cứ 3 học viên vào nhận đề thi một lần. Các đề thi đặt trong phong bì và thì sinh lấy phong bì bất kỳ, mở ra, đọc đề thi rồi về chỗ chuẩn bị chừng 20-30 phút và lên trả lời. Những phần nào cần viết thì đã có sẵn bảng và phấn. Nói chung là rất căng thẳng. Nội dung trả lời bằng tiếng Việt đã "ốm" rồi, đằng này lại bằng tiếng Nga-cái thứ tiếng cực kỳ rắc rối, phức tạp ngay từ việc phát âm thì quả là cả một vấn đề.
Thế nhưng, tất cả chúng tôi đã vượt được mọi kỳ thi với kết quả tốt đẹp. Một vài môn không phải thi, chỉ mang tính chất sát hạch (zatrốt) thôi nhưng cũng không thể đùa, ví như môn thể thao chẳng hạn là phải kéo bao nhiêu lần trên xà đơn, gập bụng bật bao nhiêu lần trên xà kép, nâng bao nhiêu lần tạ với bao nhiêu cân chẳng hạn thì thày mới ký cho dòng "za trốt" vào sổ chứ không đơn giản tí nào.
Qua khoảng thời gian chưa đầy nửa năm mà chúng tôi đã làm nổi những việc tưởng chừng khó làm nổi.
Rồi tiếp đến là một đợt kiểm tra sức khỏe tổng thể nữa. Một số anh không đủ sức khỏe cho bay, không có được sự chứng nhận của 3 chữ "ĐĐK" thế là lại bị cắt xuống học kỹ thuật. Lại chia tay nhau. Lại buồn!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: phaphai trong 24 Tháng Sáu, 2021, 08:03:04 pm
Có cái clip này hình như trên Yên Bái, không biết có phải thời anh ở không?

https://youtu.be/ZvukckqgFmA


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 12 Tháng Bảy, 2021, 06:31:20 pm
Cám ơn PhaPhai đã sưu tầm được đoạn clip về máy bay MiG-21 tại sân bay Yên Bái. Mình ở đó trước một thời gian. Có lẽ, thời điểm này là sau 1983. Cụ thể thì mình chưa biết được. Nay thì các máy bay MiG-21 đã không hoạt động nữa, thay vào đó là các máy bay Su. Sân bay cũng đã mở rộng hơn và được trang bị lại cho phủ hợp để Su hoạt động. Vùng trời Hoàng Liên Sơn luôn có những dũng sĩ canh trời để bảo vệ sự bình yên cho bầu trời và mặt đất vùng Tây Bắc của Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 23 Tháng Bảy, 2021, 06:54:21 pm
Vào khoảng trung tuần tháng 1 năm 1966, chúng tôi chuyển sang giai đoạn chuẩn bị mặt đất và sẽ phân chia tổ bay, phi đội bay.. sẽ biết được thày dạy bay của mình là ai. Hai đoàn học viên được biên chế thành 2 phi đội. Đoàn của anh Đinh Tôn thuộc phi đội 1, còn đoàn của anh Nguyễn Chính Hậu thuộc phi đội 2. Cũng trong giai đoạn cuối năm 1965, trường đã tổ chức khám tuyển trong số 300 học viên học kỹ thuật và đã chọn được 11 người để chuẩn bị chuyển sang học bay do Thiếu úy Lê Minh Dương phụ trách. Đoàn này gốm các anh Nguyễn Đức Hợp, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Thanh Quý, Trần Hồng Thái, Đoàn Đình Thanh, Trương Công Thành, Trần Cao Thăng (mà sau này chúng tôi hay gọi anh bằng cái tên nói lái là Thằng Cao Trân), Nguyễn Xuân Thư và Phạm Tuân. Đoàn các anh ấy sẽ bay trên loại máy bay cánh quạt Iak-18 trước rồi mới bay MiG-17. Trong số các anh ấy sau này cũng bị loại nhiều, không trở thành phi công được, như các anh Nguyễn Đức Hợp, Trần Hồng Thái, Nguyễn Xuân Thư...
Vậy là số lượng học viên bay đã tăng thêm.
Cái Tết xa nhà đầu tiên đã đến. Chúng tôi chuẩn bị khá đầy đủ và chu đáo. Tuy xa quê hương hàng vạn dặm, sống ở vùng ven biển Azôp này, chúng tôi vẫn tạo được những cành đào, cành mơ với những bông hoa giấy cùng những chiếc lá non xanh trông ra dáng lắm. Rồi còn làm được cả đèn kéo quân. Đặc biệt, có cả hương nhang với mùi đặc trưng của ngày Tết. Nhà trường cho chúng tôi nghỉ 3 ngày theo phong tục Tết cổ truyền của dân tộc. Chúng tôi tổ chức đón giao thừa (mặc dù ở bên nhà đã là 5 giờ sáng rồi) và chúc Tết nhau trong tâm trạng bồi hồi khó tả. Tất cả đều thấp thỏm nhớ nhà, nhớ quê...Đây là caí Tết đầu tiên xa nhà và chúng tôi đều còn là quá trẻ, chưa phải xa nhà như thế này bao giờ. Làm sao mà không rạo rực, không bồi hồi, không day dứt và ...khộng khóc được!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Bảy, 2021, 08:33:17 am
Khung cảnh Tết ở quê nhà, khung cảnh quê hương làng xóm cứ hiện ra rõ mồn một. Nào bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...Nhà nào dù khó khăn đến mấy chăng nữa thì ba ngày Tết cũng phải sắm sanh cho ra hồn một chút. Mọi người đều phải diện những bộ cánh tươm tất nhất, lũ trẻ con thì súng sính trong những bộ quần áo mới, chân được đi dép hoặc đi guốc...Rồi những làn mưa bụi bay giăng giăng trong gió Xuân. Rồi những sắc hoa đào, hoa mơ, hoa mận...cùng muôn loài hoa khác nữa đều rực rỡ đua nhau nở làm cho không gia như bừng sáng và cả đất trời cũng ngất ngây. Rồi những tiếng pháo nổ ròn làm cho không khí ngày Xuân càng náo nhiệt. Ngày ấy, bố tôi vẫn dặn: dù nhà nghèo đến mấy thì Tết vẫn phải chuẩn bị mua lấy 3 bánh pháo để một bánh đốt lúc giao thừa (đêm trừ tịch) xua đi những gì không may mắn trong năm, một bánh đốt lúc sáng mồng một để mừng năm mới và một bánh đốt vào ngày mồng ba Tết để tiễn vong linh các cụ về âm giới, trở lại cuộc sống thường nhật. Vậy là hết 3 ngày Tết. Tết đến là những lời chúc đầu năm. Quê tôi vẫn có tục sau cơm trưa ngày mồng một Tết mới đi chúc Tết và câu đầu tiên khi chào hỏi nhau là: đầu Xuân năm mới, xin chúc ....với nhiều điều tốt đẹp. Lũ trẻ con thế nào cũng được mừng tuổi với vài xu vài hào bạc và như vậy là sung sướng lắm...Biết bao nhiêu là kỷ niệm cứ ùa về náo động cả tâm hồn. Những nỗi nhớ sao mà day dứt mà da diết mà bâng khuâng. Ở cái tuổi mười tám, đôi mươi...chưa hề được trải nghiệm, rèn luyện mà đã phải xa quê tít tắp mù khơi như thế thì vào những ngày Tết như thế này quả là một cái gì đó thật nặng nề. Hết ba ngày nghỉ Têt là chúng tôi bước vào giai đoạn chuẩn bị mặt đất.
Giai đoạn chuẩn bị mặt đất trước các chuyến bay là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Ở giai đoạn này, các học viên phải trực tiếp ra ngoài sân bay, tiếp xúc với máy bay, vào trong buồng lái, học các bảng đồng hồ, các trang thiết bị..., làm quen với cần laíu, tay ga (cửa dầu), bàn đạp, ghế dù...Phải tập sử dụng mọi thứ cho thật thuần thục. Thày dạy bay của tôi còn bịt mắt các trò của thày rồi bắt phải chỉ vị trí các đồng hồ , thậm chí các thông số cụ thể nữa, ví dụ độ cao ba cây số là kim chi ở đâu, tốc độ mấy trăm cây số/giờ là ở chỗ nào.... Rồi cũng từ vị trí ngồi trong buồng lái phải tập nhìn khi máy bay cất cánh và nhất là khi xuống hạ cánh thì xác định góc nhìn thế nào để kéo bằng...Lí thuyết thì thế thôi, nhưng khi vào thực tế thì khác nhau nhiều lắm và khó khăn nhiều lắm. Ví như xác định độ cao kéo bằng chẳng hạn. Về lí thuyết thì cả trăm phi công đều trả lời giống nhau, nhưng thực tế thì khác nhau cả trăm, chăng ai làm giống ai cả bởi mắt từng người xác định góc khác nhau dẫn đến độ cao và cách kéo bằng khác nhau. Thiên hình vạn trạng là thế.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Bảy, 2021, 08:41:50 am
Nhân ngày thương binh liệt sỹ, xin được chúc các đồng chí thương binh luôn mạnh khỏe, giữ vững tinh thần "tàn nhưng không phế". Kính chúc các gia đình thương binh, liệt sỹ mọi sự bình an, vượt mọi khó khăn, đứng vững trong mùa đại dịch Covid!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 03 Tháng Tám, 2021, 09:32:54 am
Những ngày ra học ngoài sân bay là những ngày lạnh cóng, lạnh muốn đến rụng cả tai. Thời gian học ngoài sân bay đến hơn chục tiếng đồng hồ nên ai nấy đều run lập cập. Chân lạnh đến phát cước như có những đàn kiến đang bò trong ống chân, đặc biệt là đôi tai thì buốt vô cùng, nó cứ trắng mọng ra. Nhưng khi ấy chớ dại mà lấy nước nóng hay dùng khăn nóng mà chườm tai. Nó sẽ sưng vù ngay lên và nứt toác, chảy nước vàng và có thể là cả chảy máu nữa. Theo kinh nghiệm dân gian Nga, hãy lấy ngay tuyết sát lên tai cho tới khi nào đôi tai ửng hồng lên là khỏi ngay.
 Hồi ở trong nước, khi học văn, được đọc những câu của nhà văn IliaEErrrenbua "..bạn hãy đến thăm quê chúng tôi vào một mùa Xuân nào đó, khi hoa lê nở trắng trên cành, đỉnh núi Alatau tuyết phủ long lanh dưới ánh mặt trời..." thì thấy sao mà lãng mạn, mà háo hức muốn được trải nghiệm đến thế,. Nhưng khi sang đến đây, trực tiếp cảm nhận được mùa Đông đất Nga mới thấy thực sự sợ hãi cái lạnh ở xứ này. Mà đấy mới chỉ là vùng ven biển Azôp thôi đấy, chứ ở vùng Xibêri với độ lạnh đến âm bốn năm mươi độ thì chẳng hiểu sẽ thế nào nữa.
 Lần đầu tiên thấy tuyết rơi, ai cũng ngạc nhiên rồi sung sướng, hoan hỉ ngắm từng bông tuyết trắng nhẹ nhàng bay đầy trời. Ai cũng chạy ra ngoài, giơ tay lên hứng những bông hoa tuyết mỏng manh như cánh bèo hoa dâu đậu nhẹ nhàng đậu vào lòng bàn tay mình và nhẹ nhàng tan chảy thành nước. Trông thì êm ả thế thôi nhưng chỉ lúc sau là tuyết đã phủ độ dày cả mươi chục phân và qua một đêm thì dày đến cả mét, phải dùng xe ủi, xe gạt tuyết đi thì đường mới lưu thông được. Còn trước các cửa nhà thì phải rắc muối cho truyết tan rồi rắc cát lên để đi cho đỡ trơn trượt. Ngoài sân bay thì có khi phải dùng xe có lắp động cơ Mi_g-17 để thổi nóng cho tuyết tan hết rồi mới bay.
Mùa tuyết rơi cũng đem lại những niềm vui cho con trẻ và cho cả người lớn nữa. Tất cả đều tham gia vào trò đắp nặn Người Tuyết, rồi ngồi trên những xe trượt tuyết trượt thi xem ai trượt xa hơn, rồi vốc tuyết  ném nhau v.v... Thật vui vẻ, thật sảng khoái...
Vấn đề là cái lạnh. Cái lạnh thật dễ sợ, nhất là khi tuyết tan. Đã có lần, vào buổi chiều, trời bỗng ấm áp, tuyết tan chảy hết trên các ngả đường, mọi đường xá, cây cối đều ướt sũng nước. Nhưng đêm đến, trời trở gió đột ngột lạnh và lại lạnh rất sâu nên mọi thứ đều đóng băng, các cành cây thì như được làm bằng thủy tinh, mỗi trận gió qua những cành va vào nhau tạo ra những âm thanh thật kỳ lạ, giống hệt như trong các phim truyện thần thoại với những cảnh thần tiên kỳ thú.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 17 Tháng Tám, 2021, 08:23:50 am
Sau những ngày chuẩn bị bay, sau những lần kiểm tra thì chúng tôi chuẩn bị bước vào những ngày bay thực sự. Nhưng trước khi bay, chúng tôi còn phải qua đợt nhảy dù. Lần nhảy dù cũng là lần cho chúng tôi những trải nghiệm vừa lo lắng, vừa sợ sệt và vừa sung sướng. Lần đầu tiên trong  đời được khoác dù lên vai, được máy bay "lắm cánh nhiều càng" là loại máy bay An-2 "cõng" lên đến độ cao 800-1000 mét, ai nấy đều bồn chồn và có cái gì đó cứ sờ sợ, run run. Rồi còi báo động chuẩn bị nhảy vang lên trong khuông lái. Anh nọ nhìn anh kia thăm dò và tỏ ra là mình cứng rắn nhưng thực tế thì hồi hộp lắm. Khi lao ra ngoài khoảng không, rơi tự do trong vòng vài giây trước khi dù mở thì có lẽ đấy là trải nghiệm ghê gớm nhất. Khi dù mở với lực giật làm mình sững người lại và thấy đã treo lơ lửng dưới vòm dù, nhìn xung quanh thấy các bạn hữu cũng đã treo dưới các tán dù trắng như những chiếc nấm khổng lồ giữa không trung rồi thì bỗng những tiếng la hét, gọi nhau í ới cứ thế bật ra, náo loạn cả không trung. Lúc tiếp đất thì anh nào anh nấy cứ ngã chỏng gọng, cho dù động tác tiếp đất về mặt lí thuyết thì ai cũng nắm vững. Mới biết giữa lí thuyết và thực tế còn cách xa nhau lắm. Được phát chiếc huy hiệu dù, nét mặt ai cũng rạng ngời trong niềm vui hân hoan và khi về đến nhà là dùi ngay một lỗ trên ngực áo để đeo chiếc huy hiệu ấy vào ngay cho oách.
Rồi những ngày bay thực tế cũng đến. Đấy là những ngày đầu của tháng 4 năm 1966. Có lẽ, trong đời học viên bay ai cũng lưu giữ những cảm giác cực kỳ ấn tượng, không bao giờ quên, đó là cảm giác của chuyến bay đầu tiên, cảm giác của chuyến bay đơn đầu tiên và cảm giác của lần nhận bằng tốt nghiệp công nhận mình là phi công.
Về chuyến bay đầu tiên, tôi dám chắc rằng tâm trạng của tất cả học viên trong chuyến này đều như nhau hết. Ngày nay thì người dân bình thường cũng có thể bay (làm hành khách trên máy bay) được, nhưng vào thời những năm 1960 thì chỉ các lãnh tụ mới được bay chứ các thành phần khác thì có ai biết được cái máy bay cụ thể nó như thế nào đâu chứ nói gì đến chuyện được ngồi trên máy bay để mà ...lên giời!. Vậy nên, cái tâm trạng của chúng tôi khi ấy vừa sung sướng, vừa hồi hộp, vừa lo âu, vừa sợ sệt, vừa lúng túng...ngổn ngang trăm thứ cũng là đúng thôi. Chuyến bay cảm giác đầu tiên là chuyến bay thày giáo làm hết từ đầu đến cuối, các học viên chỉ báo cáo và nghe chỉ lệnh qua đối không mà thôi, hoặc giả thày ra lệnh cho làm cái gì thì mới được làm, ví như cho mở máy, cho lăn ra đối chuẩn đường băng rồi cho đẩy cửa dầu (tay ga) lên vị trí vòng quay lớn nhất, thả phanh.. rồi sau khi máy bay tách đất thì thu càng, thu cánh tàv.v. nghĩa là toàn những "chuyện vặt" kiểu "bóc hành trông mèo"!. Nhưng cảm giác thì kinh khủng lắm. Khi máy bay lấy đà, nhấc bánh mũi, người đã thấy rạo rực khó tả. Thoắt cái, máy bay tách đất, có cái gì đó hẫng hụt và hơi lo ngại. Thu càng, thu cánh tà xong, máy bay lấy tốc độ. Tốc độ tăng dần và độ cao tăng dần và cảm giác chờn chợn cũng cứ tăng dần bởi mình ngồi trong buồng lái với kính che trong suốt, nhìn ngược nhìn xuôi, trông lên trông xuống thấy tất cả cứ rõ mồn một. Rồi lại có cảm giác như mình đang ngồi trong một chiếc rọ được treo bằng những sợi giây vô hình giữa trời... mới lại càng thấy ngại, nhỡ ra...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 18 Tháng Tám, 2021, 09:11:54 am
Vừa mới nghĩ "nhỡ ra"... thì thày đã đánh cần lái, ép máy bay nghiêng sang trái. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đảo ngay người sang phía bên phải để cốt giữ cân bằng. Chắc chắn thày ngồi ở phía sau đã quan sát thấy hết cái sự ấy nên nhắc tôi qua đối không: "Xpakôinờ!" (Bình tĩnh nào!). Tôi tự nhủ: "Vâng, em đang cố bình tĩnh đây". Thày lại ép độ nghiêng lớn hơn cho nhìn rõ mặt đất rồi lại lật tiếp hết bên nọ sang bên kia để chỉ cho biết các mục tiêu ở dưới mặt đất. Mồ hôi tôi toát ra ướt sũng đôi găng tay bay, còn toàn thân thì khỏi phải nói rồi, nó đã ướt sũng ngay từ sau cái cú thày ép độ nghiêng ấy. Rồi thày lật ngửa máy bay ra và nói: "Tâm không vực ở ngay phía dưới ấy, thấy chưa?". Tôi hoảng thực sự vì nghĩ đến câu "cắm đầu xuống đất". Thì đúng là bây giờ thày trò tôi đang cắm lộn đầu xuống đất còn gì. Không kịp nghĩ thêm nữa, thày đã lật máy bay trở lại vị trí bay bằng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chắc thấy tôi có vẻ đã quen với trạng thái trên không rồi, thế là thày làm tiếp những động tác nhào lộn kỹ thuật mạnh mẽ hơn, phức tạp hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự hiểu được thế nào là "tối tăm mặt mũi". Các động tác nhào lộn với những quá tải (gia trọng) lớn làm cho máu dồn hết xuống chân, phía trên não bị thiếu máu nên mắt tối sầm lại, toàn thân bị đè nặng trịch,  mặt thì xệ xuống, mốn nói mà thấy khó khăn vô cùng, cứ như bị cái gì đó rất nặng chèn ngang họng vậy. Đến nước này thì thôi, tôi đành phó mặc số phận mình cho thày, đến đâu thì đến...
Sau này tôi mới biết chẳng cứ mình tôi bị thử thách như vậy mà hầu như anh nào cũng bị như thế cả ở ngay cái chuyến đầu tiên, ngay khi bước vào ngưỡng cửa bầu trời. Có lẽ đấy là sự thử thách thực sự mà các thày cố tình tạo ra để xét nghiệm các trò xem có đạt được ba chữ "ĐĐK" hay không. Ba cái chữ ấy tác oai tác quái ghê thật đấy, nhưng mà có lẽ cũng chưa dừng ở đấy.
Kết thúc các động tác rồi vòng vèo một lúc và sau đấy là bay về hạ cánh. Thực tình mà nói, sau khi máy bay đối chuẩn đường băng xong, tôi chưa kịp cảm nhận được gì thì vèo một cái, máy bay đã tiếp đất rồi. Chỉ còn láng máng nhớ được một câu thày giảng giải: dến độ cao kéo bằng đây này, kéo bằng và chuẩn bị tiếp đất và sau đó là thấy máy bay đang chạy trên đường băng.
Thật kinh khủng, tôi nào đã xác định được độ cao kéo bằng thực sự mặc dù qua kỳ học lí thuyết thì nắm rất rõ, nhưng trên thực tế thì thấy máy bay cứ lao ào ào xuống đất, chưa thể hiểu nổi thế nào là thế nào khi mặt đất cứ đâm sầm vào mình. Từ bé tới giờ đã bao giờ thấy được cảnh này đâu mà cảm với nhận. "Gần đất xa giời" chính là cái lúc này đấy. Mà sao người xưa lại ví von được như thế nhỉ, hiểu rõ đến thế nhỉ?. Các cụ có bay đâu mà lại nói được thế?. Tôi cứ nghĩ mông lung suốt dọc đường thày lăn máy bay về sân đỗ. Xuống máy bay, thày hỏi tôi: "Nu, Kác?" (Nào, Thế nào?). Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào cho rõ ngọn ngành nên chỉ nói một câu chung chung: "Nhichevô!" (Không sao ạ!). Thày giáo cười và vỗ vào vai tôi: "Kharasô!" (Tốt rồi!) và bỏ đi hút thuốc, đợi chuyến bay với học viên khác. Còn tôi thì bần thần, ngơ ngẩn nghĩ về chuyến bay cảm giác đầu tiên trong đời với đủ cung bậc cảm xúc.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 09 Tháng Chín, 2021, 03:01:36 pm
Theo thời gian, hầu như các học viên sẽ được điều khiển từ đầu đến cuối chuyến bay, chỉ khi nào có sai sót lớn thì các thầy mới nhúng tay vào thôi. Theo giáo trình bay, mỗi học viên được bay kèm vài chục chuyến là đến giai đoạn kiểm tra để thả bay đơn. Những ai không thể bay đơn được thì sẽ chuyển xuồng học kỹ thuật hoặc sang các ngành nghề khác. Chính vì vậy, việc phấn đấu để làm sao bay đơn được chính là vấn đề sống còn đối với mỗi học viên bay.
Kiểm tra bay đơn có thể là Phi đội trưởng, cũng có thể là Phi đội phó, nhưng có khi lại là Hiệu trưởng trường Hàng không. Mỗi chuyến bay kiểm tra là cả sự căng thẳng hết mức. Thường thì bay rất tốt, nhưng tâm lý lúc kiểm tra để thả đơn rất nặng nề nên bay hầu như không bao giờ tốt bằng khi bay với giáo viên bay của mình.
Muốn hay không thì phải phấn đấu để được thả đơn. Bay đơn! Hai từ ngắn gọn thế thôi nhưng đấy lại là cả niềm khát khao cháy bỏng của từng học viên. Nó ẩn chứa bao nỗi vất vả, gian truân và mang theo cả những niềm vui, buồn đau và cay đắng. Nó chứa đựng cả những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Nó là ranh giới vô hình nhưng lại rất hữu hình, rất cụ thể là việc anh có trở thành phi công được hay không chính là đây. Để được thả bay đơn thì việc khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề hạ cánh. Ngay từ sau vòng 4 là mọi thứ phải chuẩn mực cho đến thời điểm kéo bằng và tạo cho máy bay tiếp đất bằng 2 bánh chính. Nói thì nói vậy nhưng trăm phi công thì có trăm kiểu hạ cánh khác nhau, chẳng ai giống ai, cho dù lí thuyết thì ai cũng trả lời giống nhau. Ví dụ, góc nhìn để kéo bằng thì ai cũng biết rằng đến độ cao 10-12 mét sẽ phải từ từ đưa máy bay ra trạng thái bay bằng, nhưng không ai có thể đo chính xác được độ cao ấy. Mỗi người có một cách nhìn góc kéo bằng khác nhau nên độ cao kéo bằng cũng khác nhau tí chút. Vấn đề cơ bản là không được kéo quá cao hoặc quá thấp và sau đó là phải tạo góc để hạ cánh trên 2 bánh chính.
Chuyến bay đơn đầu tiên chính là dấu ấn không bao giờ phai mờ được trong đời bay. Một mình một máy bay lao lên không trung, không nghe thấy tiếng thày nhắc nhở (hay quát tháo) phía sau buồng lái nữa.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 09 Tháng Chín, 2021, 03:30:17 pm
Trong chuyến bay đơn, trong lòng như có tiếng nhạc ngân nga và có cảm giác mình được chắp đôi cánh thực sự để bay chứ không phải là cánh máy bay, tự mình chao liệng giữa thinh không, không hề bị gò bó, bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì. Rất rạo rực, rất hào hứng nhưng mà nói thực, cũng hơi run run khi nghĩ đến chuyện về hạ cánh, lỡ ra kéo quá cao hay kéo bằng quá thấp, hay là máy bay tiếp đất rồi lại "nhảy cóc" thì mình xử lí có được chuẩn hay không. Mà lỡ ra máy bay lao ra ngoài đường băng thì thế nào...Lo thì lo thế, nhưng khi làm vòng 4 xong, nghe thấy tiếng chỉ huy bay trên đài chỉ huy nhắc nhở với âm lượng và chất giọng mềm mại, ấm áp thì vững tâm ngay. Chỉ huy bay điều chỉnh cho từng chút một, nào là đường xuống tốt đấy, cứ giữ ổn định hé, nào là chuẩn bị kéo bằng nào ...và khi chuẩn bị cho máy bay tiếp đất thì thế nào cũng có câu "kéo thêm tí ti nữa" và sau khi máy bay tiếp đất rồi sẽ được nghe câu "Malađét" (Cừ lắm). Khi lăn máy bay vào sân đỗ, đã thấy thày dạy bay và các học viên trong tổ bay của mình đứng đợi với những lời chúc mừng thật tốt đẹp, thật chân thành. Lòng cứ vui phơi phới. Mỗi bước chân đi trên mặt đất thấy sao mà nhẹ nhàng, mà bay bổng. Trong lòng tràn ngập tiếng hát...Cảnh vật xung quanh sao mà đáng yêu đến thế. Bầu trời bỗng chốc sao mà gần gụi, sao mà thân thương đến thế và lòng càng khát khao chinh phục cái đại dương xanh mênh mông kia. Quả là, khi tâm trạng con người vui vẻ thì phong cảnh đâu cũng tươi sáng.
Rồi trên tờ "Bôevôi listốc" (tờ Chiến đấu) một dạng tờ báo tường luôn xuất bản hàng ngày với các tin tức nóng hổi như chúc mừng sinh nhật thày A hay học viên B, rồi chúc mừng học viên C bay tốt, phê phán thói xấu của ai đó ...thế nào cũng đăng tin mình được bay đơn sau bao nhiêu chuyến bay kèm đấy với lờ chúc sẽ vượt xa hơn, tiến xa hơn và ... hạ cánh mềm mại hơn. Còn niềm vui nào bằng!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 09 Tháng Chín, 2021, 07:09:45 pm
xuanv338 cháo anh chủ phicongtiemkich, chào các anh chị em động dội làng M&H. Lâu lại trở về làng nghe lính nhà trời kể chuyện. Dịch Covid đang hoành hành khăp nước. Khu nhà của các anh lính cựu phi công chắc cũng trong vùng đỏ. Xin được chia sẻ với mọi người đang trong tâm dịch. Không được đi ra ngoài anh phicongtiemkich chắc sản xuất chuyện đanh nhau của lính nhà trời. Chuyện lính nhà trời là món khoái khẩu cho các lính binh chủng khác được tận nghe. xuanv338 xin kính chúc  anh chủ và các đồng đội chấp hành nghiệm CT chống dịch của chính phủ. Cầu mong mùa dịch qua nhanh mọi an lành đến mọi nhà.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 06 Tháng Mười, 2021, 02:45:10 pm
Cám ơn Xuanv339 đã chia sẻ. Những ngày dịch giã này thì những người lính áo trắng như Xuanv339 vất vả rất nhiều, chẳng khác gì thời chiến cả. Cám ơn tất cả những người lính áo trắng đã và sẽ luôn giữ bình an cho mọi người.
Tôi trở lại cái thời đi học bay, trở lại cái "tờ Chiến đấu" một chút. "Tờ chiến đấu" chức năng như một tờ báo tường, phản ảnh mọi chuyện xảy ra trong ngày, trong ban bay một cách mau lẹ với những ngòi bút sắc sảo của các thày dạy bay và các thành phần bay. Mỗi học viên được bay đơn sau chuyến bay xuống là đã thấy có lời chúc mừng, hoặc học viên hay thày giáo bay đến ngày sinh nhật là khi ra tuyến bay đã thấy lời chúc mừng với những nét vẽ rất hài hước,dí dỏm. Những "thói hư tật xấu" cũng được đăng tải với nét châm biếm và lời bình cũng sâu sắc tế nhị không kém. Tôi cũng đã có lần được "bêu gương" như thế. Ấy là từ nhỏ tôi đã mê mẩn ô tô xe máy và lần ấy ở ngoài sân bay không có phiên bay, tôi và Phạm Thành Nam phát hiện được chiếc mô tô của ông Chuẩn úy phụ trách công tác hậu cần dựng ở phía hàng rào. Nhìn quanh quẩn không thấy ai, hai chúng tôi lấy xe ra nổ máy và phòng ra ngoài sân bay. Nó là chiếc xe ga nên sử dụng rất đơn giản, hơn nữa đã nhiều lần thấy ông Chuẩn úy này điều khiển nó rồi vì vậy chúng tôi không khó khăn gì trong chuyện vận hành cả. Hai anh em cứ liên tục thay nhau cầm tay lái tới mức hết cả xăng, phải dắt bộ về trả xe vào chỗ cũ và lẳng lặng về nhà. Những tưởng không ai phát hiện ra, nào ngờ hôm sau ra sân bay, mới bước chân vào nhà trực bay đã thấy trên "Tờ chiến đấu" vẽ cảnh hai người gò lưng đẩy chiếc mô tô, mồ hôi mồ kê chảy nhễ nhại, mồm thì méo xệch đi, mặt mũi thì nhăn nhó đến thảm hại. Một dòng chữ to đậm chua ở phía dưới béc tranh: "Nam và một số khác đang "chinh phục" loại kỹ thuật mới!". Tôi và Phạm Thành Nam nhìn nhau, tái mặt. Không biết ai đã phát hiện chúng tôi nhanh đến thế và lượng thông tin kia phát tán nhanh đến thế. Chúng tôi không nói gì với nhau nhưng kể từ bấy là cạch hẳn, không còn mơ ước gì đến chuyện mô tô mô tiếc gì hết, chỉ cắm đầu vào bay thôi.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Mười, 2021, 04:10:39 pm
Khi chúng tôi đang trong tâm trạng háo hức trở về nước thì lại nhận được quyết định phải ở lại để bay đề cao thêm 20 giờ bay nữa với các khoa mục ứng dụng cho chiến đấu, đặc biệt là các bài bay ở độ cao thấp và bay trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Bay trong điều kiện khí tượng phức tạp ở mùa Đông nước Nga là một trải nghiệm không bao giờ quên. Tuyết phủ một màu trắng xóa lên muôn vật. Ánh mặt trời chiếu lên màu trắng tinh khôi của tuyết hắt lên sáng đến chói lòa mắt. Tất cả, trừ đường băng, đường lăn và các trục đường giao thông  là có màu sẫm, còn lại tất cả đều ẩn mình trong màu trằng của tuyết. Trắng bạt ngàn. Trắng đến vô tận. Trời thì đầy mây xám, dưới đất thì trắng lòa. Những bông tuyết trắng cứ rơi nhè nhẹ, vô tư... Những cơn gió cuốn tuyết từ mặt đất thốc lên tạo ra những cuộn lốc trắng, thành thử gió về mùa Đông cũng mang màu trắng...
Cái khó nhất khi bay vào không vực là việc xác định địa tiêu, xác định tâm không vực vì tất cả đều bị tuyết phủ kín hết. Tất cả đều nằm trong màu trắng toát, mênh mang, bất tận...Thế mới là chuyện đáng nhớ...
 Cuối tháng 2 năm 1968, có 4 anh được nhà trường đặc cách cho tốt nghiệp trước  để về nước. Lý do tại sao lại chỉ có 4 người về trước thì chẳng ai biết. Cho tới những ngày gần đây, khi tôi hỏi chuyện ấy cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Vậy là chỉ còn biết ghi nhận thế thôi.
Một tháng sau, tức là vào cuối tháng 3 năm 1968, cả đoàn lúc này còn 29 người đã bay xong chương trình bay đề cao, hoàn tất kế hoạch một cách mỹ mãn.
Ngày 8-4-1968 là ngày lịch sử trong đời từng cá nhân của đoàn bay MiG-21 khóa 3. Trường Đại học hàng không quân sự Krasnôđar tổ chức trọng thể lễ tốt nghiệp cho 29 học viên từ nay sẽ chính thức là phi công trên loại máy bay MiG-21.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: tranphu341 trong 19 Tháng Mười, 2021, 08:39:53 pm
Chào các bạn!
Chào đại tá phi công nhà Văn tài danh!
Rất hay, rất tuyệt anh đã cống hiến rất nhiều cho mọi người nhất là cho lớp trẻ thấy được những năm tháng học tập và rèn luyện của những người lính bay.Phú đã đọc hết đọc tất cả những bộ sách của anh viết!
 Xin được chúc mừng và vô cùng trân trọng anh!!!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 04 Tháng Mười Một, 2021, 03:05:10 pm
Cám ơn anh Phú 341 đã động viên và chia sẻ cùng tôi và những đồng đội của tôi.
Cái ngày được nhận tấm bằng tốt nghiệp, được công nhận mình trở thành phi công tiêm kích MiG-21 ấy là ngày không bao giờ quên. Giây phút nghe đọc đến tên mình và bước lên trên bục, giơ tay chào và hô "Vì nhân dân phục vụ!" trước khi nhận tấm bằng là giây phút hồi hộp và sung sướng nhất trần đời. Vừa sung sướng vừa tự hào lại vừa thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Đã trở thành phi công tiêm kích. Đã trở thành người lính canh trời rồi, nhưng còn bao điều phải học hỏi, phải rèn luyện nữa chứ không hề đơn giản tí nào khi cứ có tấm bằng trong tay là lao vào ngay trận chiến được. Phía trước là cả đoạn đường đầy chông gai, khó khăn, gian nan, vất vả, đầy gian nguy và cả những sự hy sinh, mất mát...Không ai nói trước, lường trước được những gì sẽ xảy ra. Có điều, sự rèn luyện là không ngừng và sự chấp nhận hy sinh cunmgx phải luôn sẵn sàng. Để cho bầu trời không bị vẩn đục bởi khói bom, để giành giật lại màu xanh yên ả của bầu trời như nó vốn có là cả một vấn đề. Bầu trời gần thật đấy mà cũng xa thật đấy. Bầu trời thấp thật đấy mà cũng cao thật đấy. Bầu trời yên bình thật đấy mà cũng bão giông thật đấy. Bầu trời đem lại vinh quang thật đấy nhưng cũng cho những cay đắng thật đấy. Dầu gì thì gì bầu trời cũng luôn gắn chặt với cuộc sống của phi công vì không có bầu trời thì làm sao có được danh hiệu phi công. Và chỉ có trên bầu trời thì phi công mới được thể hiện đúng là mình, mới có được cuộc sống của chính mình: anh có thể chao liệng, anh có thể làm bất kể những gì mà anh muốn, anh có thể vẫy vùng khắp nẻo trên mọi độ cao mà không hề bị ràng buộc. Vậy nhưng, trách nhiệm của anh là rất lớn. Đừng bao giờ quên điều đó. Các lớp phi công của Không quân nhân dân Việt Nam luôn thực hiện được lời thề với bầu trời.
 Sau lễ tốt nghiệp, chúng tôi chuẩn bị lên đường về nước. 29 phi công trẻ hăm hở lên tàu liên vận theo chuyến "mã hồi". Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày gần đất nước hơn nhưng cũng lại là mỗi ngày xa rời đất nước Nga hơn. Cứ thoắt vui thoắt buồn. Tâm trạng từng người trên tàu thay đổi theo từng khung cảnh trôi qua từng ô cửa sổ con tàu.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: tranphu341 trong 06 Tháng Mười Một, 2021, 07:40:43 am

         Rất tuyệt vời!
        Tranphu341 lúc nào cũng quý trọng anh người chiến binh nhà Trời nhà Văn lớn thời hậu chiến. Người anh của Tranphu341 luôn nghĩ về anh noi gương và học anh rất nhiều! Mối khi được đón anh cùng các bạn các đồng đội về chơi thật là niềm vui lớn vô bờ bến!!!
         Kính anh!!!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 31 Tháng Mười Hai, 2021, 01:34:49 pm
Cám ơn anh Trần Phú nhiều nhiều. Mấy anh em tôi rất muốn lại có dịp ngồi tâm sự cùng anh. Hy vọng sẽ sớm thực hiện.
 Một năm đầy những biến cố cho cả đất nước và cho từng gia đình, từng cá nhân đã qua. Ngày nay là ngày cuối của năm...Ngày mai bắt đầu một năm mới rồi. Xin được chúc tất cả các đồng đội cùng gia đình một năm tràn đầy hy vọng, vượt được mọi khó khăn và luôn an bình!...


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Giêng, 2022, 09:14:20 am
Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần sắp tới. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, xin được chúc tất cả các đồng đội cùng gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, vượt qua mọi khó khăn trong mùa dịch Covid, thu nhiều thắng lợi mới.
 Hy vọng sang năm Dần, với sức mạnh như hổ, nền kinh tế đất nước và nhà nhà đều phát triển.
 Mong thường xuyên gặp được các đồng đội trên trang VMH.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: phaphai trong 01 Tháng Hai, 2022, 12:42:40 am
Chúc mừng năm mới anh và gia đình

(https://www.google.com.vn/url?sa=i&url=https%3A%2F%2Fviettelpost.com.vn%2Ftin-tuc%2Fchuc-mung-nam-moi-nham-dan-2022%2F&psig=AOvVaw3nLmxZvV8kjUk4ZALX4V_J&ust=1643736832706000&source=images&cd=vfe&ved=0CAsQjRxqGAoTCID_3rHD3PUCFQAAAAAdAAAAABDRAQ)


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 31 Tháng Ba, 2022, 08:31:05 pm
Chào các đồng đội!
Lâu quá rồi, hôm nay tôi mới lại trở về nhà. Suốt giai đoạn vừa rồi, dịch Covid làm cho mấy gia đình nhà tôi chao đảo. Bận bịu, vướng víu vào chuyện F0, F1 nên chẳng lúc nào rảnh rỗi sờ đến bàn phím. Mấy ngày gần đây thì lại lo chuyện chuẩn bị cho 50 năm chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" cộng thêm việc trông coi các cháu học online nữa thành thử bây giờ mới mở máy. Tôi sẽ cố gõ phím đều đều một chút kẻo các ngón tay cứng đơ mất. Thấy anh Trần Phú lên mạng đều đều mà thèm, mà khâm phục.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: xuanv338 trong 05 Tháng Sáu, 2022, 12:36:18 am
Xuanv338 chsof anh phicongtiemkich. Lâu em mới về quê hương máu và hoa. Có rẽ thăm nhà anh nhưng chủ đi vắng. Em chúc anh khỏe và hạnh phúc, viết nhiều thêm tác phẩm hay để đời.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 22 Tháng Mười Một, 2022, 09:44:46 am
Chào tất cả các đồng đội!
Quả thực, giai đoạn vừa rồi tôi vắng nhà quá lâu. Cũng vì bận bịu công việc gia đình riêng, rồi những chuyện ở quê hương bản quán xảy ra ngoài ý muốn của mình, bắt mình phải tất bật. Lắm khi tôi phải thốt lên theo nhà thơ Bùi Giáng: "Ta cứ tưởng trần gian là có thât/Thế cho nên tất bật đến bây giờ!".. Thôi, chuyện trần gian cứ trả lại trần gian, bây giờ thì tôi trở lại trang của mình. Hôm rồi, tôi cùng Dongadoan, Phaphai đã đến thăm được MiG-21-58, được ngồi trên nhà giữa những lồng cá bè, được chiêu đãi bữa cá chép giòn vớt ngay từ lồng cá lên. Mấy anh em vui vẻ vô cùng. Chúng tôi được dẫn đi thăm viếng nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi rồi đến Tổ đường họ Mạc (sẽ khánh thành vào ngày 15-11 âm lịch này) và tìm thăm nơi giặc Pháp hành hình người anh hùng Mạc Thị Bưởi. Chuyến đi thật ấn tượng. Ấn tượng hơn cả là nhờ có trang VMH mà chúng tôi được quen biết nhau, được kết thân với nhau. MiG-21-58 lại có thêm tên nữa là "Xóm chài". Tôi hứa sẽ về thăm "xóm chài" nhiều lần nữa vì tôi cũng đang có "nợ" với khu vực Nam Sách-Hải Dương này.
Từ nay đến hết tháng 12 chắc tôi còn bận bịu nhiều, vì đang dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", nhưng tôi sẽ cố gắng vào trang thường xuyên hơn. Luôn cầu chúc tất cả anh em đồng đội mạnh khỏe và bình an, thường xuyên gặp nhau trên trang hơn, đồng thời cũng hy vọng sẽ lần tìm nhau gặp gỡ nhau trực tiếp để hiểu nhau hơn.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 26 Tháng Mười Một, 2022, 08:08:58 pm
Mấy ngày này bọn tôi đang gấp rút hoàn thành chương trình gặp mặt, giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng B-52. Khắp nơi mời nên tôi cũng khá bận. Ngày mai đi Hải Dương rồi về bàn bạc thêm cách tổ chức cho hoàn chỉnh, rồi tôi vào Sài Gòn dự cuộc gặp mặt do các con của phi công tiêm kích tổ chức, tiếp đến là đi Bình Định về quê hương của hai phi công anh hùng là Đinh Tôn, Nguyễn Hồng Nhị và 1 dẫn đường anh hùng là Nguyễn Văn Chuyên. Cũng tất bật ra trò, nhưng chắc nhiều ý nghĩa và sẽ học hỏi được thêm và viết được thêm. Ngay như gần đây, tôi được biết thêm về "hậu trận Buôn Lọng" là 2 chiếc IL-28 của mình sau khi hạ cánh ở Đa Phúc, phải sơ tán, bỏ hêt dầu rồi lại nạp dầu bay về Hòa Lạc, rồi lại xả hết dầu và sau đó bị F-111 đánh nhưng không trúng, mà chính chiếc F-111 ấy lại bị dân quân Vĩnh Phú bắn hạ. Những chi tiết ấy được chính nhân chứng kể lại nên hấp dẫn lắm. Biên đội tôi bay yểm họ trận đánh ấy mà đến tận bây giờ mới biết chi tiết đó.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 15 Tháng Mười Hai, 2022, 09:44:31 am
Thấm thoắt vậy mà đã 50 năm trôi qua, nhưng những gì đã xảy ra trong 12 ngày đêm của Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" thì vẫn hằn sâu trong tâm trí của tôi cũng như của bao người tưởng chừng như vừa mới xảy ra ngay đây thôi.
Năm ấy, sau khi tiến hành chiến dịch Linebacker 1 (từ 10-5-1972), Không quân và Hải quân Mỹ đã tiến hành ồ ạt các đợt oanh kích vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, gồm cả những mục tiêu quanh Hà Nội, Hải Phòng...nhưng không đạt được kết quả. Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra nhưng thực chất là để tính toán những mưu đồ hòng bắt Việt Nam phải khuất phục, chấp nhận những điều kiện vô lý của Mỹ. Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch ném bom chiến lược bằng B-52 khi các cuộc hòa đàm không thực hiện theo ý muốn của Mỹ từ tháng 8-1972. Phía ta cũng đã biết rõ âm mưu và sự chuẩn bị của Mỹ cho chiến dịch lớn nhất, tàn bạo nhất và cũng có thể là cuối cùng này. Bác Hồ đã từng tiên đoán: "Đế quốc Mỹ sẽ thua nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội...". Vì vậy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không-Không quân đã tiến hành nhiều công tác chuẩn bị cho chiến dịch mang tầm ý nghĩa chiến lược này. Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Quân chủng được phê duyệt. Phương án đánh B-52 trong thế trận Phòng không nhân dân, lấy lực lượng Phòng không-Không quân là nòng cốt, các lực lượng Phòng không và Không quân có những phương án riêng của mình. Với Không quân, nhiệm vụ nặng nề được đặt lên lực lượng của hai Trung đoàn Không quân 921 và 927 với quyết tâm bằng bất kỳ giá nào cũng phải bắn rơi B-52 nếu chúng liều lĩnh tấn công vào thủ đô Hà Nội. Gai Trung đoàn Không quân tiêm kích đã chuẩn bị rất tích cực, chu đáo. Các phi công bay ngày, bay đêm sẵn sàng cất cánh thực hiện nhiệm vụ bất kể lúc nào, nhất là nhiệm vụ đánh B-52. Những chuyến bay tập luyện đánh B-52 cả ban ngày và ban đêm được tiến hành liên tục. Các mục tiêu giả định B-52 được lấy từ các đơn vị bạn có những loại máy bay tốc độ nhỏ, đặc biệt là loại máy bay ném bom IL-28. Các phi công cũng phải chuẩn bị cho việc cất hạ cánh ở những đường băng ngắn hẹp, cất hạ cánh trên đường lăn, đường kéo dắt máy bay, cách dùng tên lửa bổ trợ khi cất cánh, cách phát hiện và ngắm bắn B-52 bằng mắt thường về ban đêm. Việc xác định cự ly qua ánh đèn về ban đêm cực kỳ khó khăn nên phải luyện tập, rèn luyện rất tỷ mỉ...Được bay đánh chặn liên tục, các phi công tiêm kích của hai Trung đoàn Không quân 921 và 927 tự tin hơn rất nhiều trong việc thực hiện các phương án đã được phê duyệt.
Mỹ không dám sử dụng lực lượng B-52 đánh vào ban ngày vì rất sợ Không quân ta, bởi B-52 bay vào ban ngày thì chẳng khác gì những con khủng long to kềnh càng ở trên trời, từ rất xa đã phát hiện được bằng mắt thường. Khi ấy thì chúng sẽ bị "xẻ thịt" ngay lập tức mà chẳng có cách gì chống đỡ. Chính vì vậy mà B-52 cần hoạt động vào ban đêm, sử dụng hệ thống nhiễu dày đặc để che mắt ra-đa của ta, đồng thời đánh phá ác liệt các sân bay để MiG không thể cất cánh lên được và phần nữa là chúng biết Không quân ta hoạt động vào ban đêm chỉ là những hoạt động nhỏ lẻ nên chúng có thể hóa giải được chiến thuật hoạt động của Không quân ta.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 16 Tháng Mười Hai, 2022, 10:02:41 am
Tổng thống Nixon đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Linebacker 2 vào đêm 18-12-1972, đánh phá các mục tiêu ở các thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 18-12-1972 là ngày chiến dịch lớn thứ 3 và cũng là chiến dịch cuối cùng của Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sáng ngà 18-12-1972, tình hình trên không có vẻ rất yên tĩnh, nhưng đó là sự yên tĩnh thường thấy trước các trận bão lớn. Cả phía Mỹ và phía ta đều chuẩn bị sẵn sàng bước vào trận chiến khốc liệt nhất từ trước tới giờ. Tối 18-12-1972, gió mùa Đông Bắc tràn về gây mưa phùn và rét buốt, mây thấp giăng đầy trời, tầm nhìn rất kém. 18 giờ 15 phút, tốp máy bay F-111 đầu tiên xâm nhập bầu trời miền Bắc. 16 giờ 50 phút, các Sở chỉ huy toàn Quân chủng Phòng không-Không quân báo động chuyển cấp vào trạng thái cấp 1. 19 giờ 15 phút, còi ủ báo động ở Hà Nội được lắp trên nóc nhà hát lớn, tòa nhà ngân hàng, ga Hàng Cỏ đồng loạt rú lên kèm theo tiếng phát thanh viên hướng dẫn người dân vào hầm trú ẩn.
Trước khi các tốp B-52 bay từ đảo Gu-am và từ Thái Lan vào đánh phá Hà Nội, các máy bay F-111 và A-6 đã bay thấp đến ném bom đánh phá các sân bay của ta và các máy bay EB-66 và F-4 bay vào thả một "hành lang nhiễu" quanh khu vực Hà Nội. Các máy bay F-105 làm nhiệm vụ chế áp các trận địa tên lửa còn 14 chiếc F-4 thì làm nhiệm vụ tiêu diệt MiG, chờ ngay trên đỉnh các sân bay.
Đêm 18-12-1072, hai phi công Trần Cung và Phạm Tuân trực ban chiến đấu trên sân bay Hòa lạc và Đa Phúc (nay là Nội Bài).
18 giờ 28 phút, phi công Trần Cung nhận lệnh cất cánh từ sân bay Hòa Lạc bay về hướng Hòa Bình Suối Rút để đánh chặn tốp B-52 bay từ nam Mộc Châu lên Vạn Yên, nhưng khi tiếp cận mục tiêu đến cự li 12 km thì màn hình ra-đa trên máy bay của phi công Trần Cung bị nhiễu nặng, không bắt được mục tiêu nên Sở chỉ huy lệnh cho anh về hạ cánh trên sân bay Đa Phúc. Sân bay Đa Phúc trước đó đã bị các máy bay F-111 và A-6 đánh phá. Hệ thống đường băng, đường lăb...của sân bay bị đánh hỏng nặng. Các hệ thống đèn chiếu sáng cũng hỏng, chưa khắc phục kịp. Đài chỉ huy ngoài sân bay cũng bị đánh hỏng. Trần Cung nhận được lệnh về sân bay Kép hạ cánh , nhưng sân bay Kép cũng đã bị đánh nát. Anh lại nhận được lệnh bay về Gia Lâm nhưng khi ấy tình trạng sân bay Gia Lâm không khá gì hơn sân bay Kép nên anh lại được lệnh về hạ tại sân bay Đa Phúc. Trong tình trạng đường băng không còn nguyên vẹn, anh vẫn phải hạ quyết tâm lao xuống hạ cánh và sau khi tiếp đất, anh liền tắt máy và thả dù giảm tốc, nhưng máy bay vẫn lao chồm qua mấy hố bom cỡ nhỏ rồi sau đó mới chịu dừng trước một hố bom cỡ lớn. Anh chưa kịp ra khỏi buồng lái thì thấy hai vệt sáng vụt qua máy bay mình lao về phía trước. Thì ra đấy là hai quả tên lửa trên máy bay của Phạm Tuân khi Phạm Tuân hạ cánh nặng, đã lao ra khỏi bệ phóng "phi" về phía trước.
 Vào lúc 19 giờ 47 phút, phi công Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp cất cánh từ sân bay Đa Phúc trong tình trạng quá nửa đường băng đã bị bom Mỹ đánh hỏng. Anh cố gắng cho máy bay tách đất và được dẫn về khu vực Sơn Tây rồi Hòa Bình. Khi phát hiện được những hàng đèn trên thân máy bay B-52, Phạm Tuân liền bật tăng lực, lấy độ cao và mở ra-đa trên máy bay. Lập tức, hệ thống đèn trên thân B-52 vụt tắt và bọn F-4 đi yểm trợ liền quây lấy anh, phóng tên tắt. Sở chỉ huy dẫn anh thoát li, cho về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Vào thời điểm bay về gần sân bay, một chiếc B-52 bị tên lửa Phòng không của ta bắn hạ rơi ngay gần Phủ Lỗ. Lợi dụng ánh sáng của B-52 đang bốc cháy cộng với đèn pha trên máy bay, Phạm Tuân lao xuống hạ cánh. Máy bay vừa tiếp đất thì hai quả tên lửa rơi khỏi bệ và máy bay thì thì rơi ngay vào hố bom rồi giật nảy lên lao tiếp. Càng máy bay bị gãy và máy bay lao hết bên trái đến bên phải bằng cánh nọ đến cánh kia. Cuối cùng nghe tiếng "Rầm" thì máy bay lao xuống một hố bom to quay 180 độ và nằm lật ngửa ra. Phạm Tuân tháo dây dù, lấy chân đạp vào phần nắp buồng lái đã vỡ cho rộng thêm và chui ra. Khi ấy anh Trần Cung cũng vừa tới nơi và hai anh dắt nhau dò dẫm trên đường băng rồi được người đón về Sở chỉ huy rút kinh nghiệm


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 19 Tháng Mười Hai, 2022, 02:31:31 pm
4 giờ 43 phút sáng ngày 19-12-1972, Vũ Đình Rạng nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Gia Lâm, được dẫn về phía Chương Mỹ rồi tăng lực kéo cao lên độ cao 8.000 mét bay ra phía Tân Lạc. Khi cách mục tiêu 8km, anh phát hiện thấy 4 đốm lửa phía trước, đoán là lửa của động cơ B-52, liền bật ra-đa trên máy bay lên để kiểm tra thì lập tức không thấy các đốm lửa kia nữa và màn hình ra-đa bị nhiễu trắng xóa, không thấy gì. Khi nghe Sở chỉ huy thông báo cảnh giới, Vũ Đình Rạng phát hiện 2 quả tên lửa vụt qua sát máy bay mình. Máy bay rung mạnh, bụi tung mù mịt trong buồng lái. Vũ Đình Rạng cho máy bay hạ thấp độ cao nhưng khi ép cần lái vòng sang trái thì thấy bình thường còn khi ép sang phải thì thấy rất nặng. Biết là máy bay đã bị ảnh hưởng của những quả tên lửa kia rồi nhưng anh vẫn theo lệnh từ Sở chỉ huy lấy độ cao. Theo thông báo, anh phát hiện được biên đội 2 chiếc F-4 đang bật tăng lực bay từ phía bên phải anh sang phía bên trái. Anh nhanh chóng bám theo, đến cự li chừng 2.500 mét thì phóng tên lửa và thoát li. Ngang Suối Rút, anh thấy máy bay mình bay không ổn định nhưng cố điều khiển về sân bay Gia Lâm để hạ cánh. Lợi dụng ánh sáng của những chiếc máy bay IL-18 và Mi-4 đang cháy vì trúng bom của Mỹ, anh cố lao xuống hạ cánh, tiếp đất với tốc độ lớn. Tuy đã tắt máy, thả dù giảm tốc và "mắm môi mắm lợi" phanh hêt cỡ nhưng máy bay vẫn lao ào ào qua các hố bom cỡ nhỏ, qua các hào các rãnh rồi chúc đầu xuống một hố bom lớn trên đường băng.
Vậy là ngay trong những ngày đầu của chiến dịch Linebacker 2, Không quân ta đã xuất kích liên tục nhưng không gặp được địch lại hứng chịu tổn thất: 3 máy bay bị hỏng khi về hạ cánh vì trên đường băng đầy rẫy những hố bom không kịp sửa gấp. May mắn là các phi công không hề hấn gì nhưng qua đó đã đủ thấy sự ácn liệt và những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua đối với lực lượng Không quân non trẻ và mỏng manh của ta.
Cũng trong sáng ngày 19-12-1972, 4 biên đội MiG-21 (trong đó có biên đội của tôi) đã xuất kích đánh chặn các tốp ném bom chiến thuật của Mỹ nhưng do các máy bay tiêm kích Mỹ chống trả quyết liệt nên các trận không chiến không có kết quả. Đến buổi chiều, biên đội của Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Thanh Quý xuất kích, tuy không bắn rơi địch nhưng đã buộc máy bay Mỹ phải trút bom ngoài mục tiêu. Đồng thời phi công Nguyễn Đức Chiến được máy bay Mi-4 đưa lên sân bay Phú Thọ (sân bay cũ của Pháp) để trực ban chiến đấu. Nền đất của sân bay còn nún ướt và máy bay Mi-6 cẩu MiG-21 lên lại bị đứt dây, máy bay bị rơi hỏng nên phi công Nguyễn Đức Chiến lại phải quay về sân bay Đa Phúc.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 24 Tháng Mười Hai, 2022, 09:55:04 am
Đêm 20-12-1972, Vũ Xuân Thiều cất cánh lúc 19 giờ 27 phút trên đường lăn của sân bay Đa Phúc và Vũ Đình Rạng cất cánh sau Vũ Xuân Thiều 5 phút từ sân bay Gia Lâm. Cả hai được dẫn đi đánh chặn bọn B-52 đang bay vào từ hướng Tây Bắc. Cả hai đều phát hiện được mục tiêu nhưng khi còn cách B-52 khoảng 7-8km thì bị chúng phát hiện. Chúng tắt đèn trên máy bay và gây nhiễu rất nặng. Các phi công không phát hiện được mục tiêu nữa nên đành phải quay về hạ cánh.
Đêm 21-12-1972, Nguyễn Đức Chiến xuất kích từ đường băng đất  của sân bay Đa Phúc với 2 quả tên lửa bổ trợ lúc 3 giờ 09 phút. Máy bay vừa tách đất thì bị bọn F-4 xông đến bắn tên lửa. Anh cơ động tránh rồi được dẫn về phía Tam Đảo - Ba Vì để đánh chặn bọn B-52 bay từ phía Tây sang. Cũng giống như các chuyến của anh Thiều và Rạng, anh không thể tiếp cận được B-52 nên phải quay về. Thời tiết khi ấy rất xấu, không thể hạ cánh được . Anh xuyên mấy lần không thấy đường băng và dầu liệu đã cạn kiệt nên phải bay ra vùng Sơn Tây nhảy dù, bỏ máy bay. Phi công Bùi Doãn Độ xuất kích sau Nguyễn Đức Chiến 13 phút và được dẫn về phía Tây, phát hiện được bọn B-52, liền bật tăng lực kéo lên nhưng máy bay bị "treo" (vì tốc độ nhỏ, kéo lên với góc quá lớn nên máy bay bị hụt đà). Hơn nữa, khi ấy sự chênh lệch độ cao giữa anh và B-52 còn quá lớn  và vào tời điểm ấy, bọn B-52 tắt hết đèn nên không phát hiện được chúng nữa, đành phải quay về.
Trưa ngày 22-12-1972, biên đội Nguyễn Đức Soát-Nguyễn Thanh Quý xuất kích từng chiếc một trên đường lăn của sân bay Đa Phúc đi đánh bọn cường kích trên vùng trời Thái Nguyên rồi lại được dẫn về đánh tốp ở Việt Trì, hai anh bất ngờ phát hiện được tốp 8 chiếc F-4 từ phía sân bay Kép đang tiếp cận biên đội. Biên đội liền vòng lại giao chiến và trong trận không chiến không cân sức này, Nguyễn Thanh Quý đã bị bắn rơi, nhảy dù an toàn xuống vùng Sơn Dương-Tuyên Quang.
Ngày 23-12-1972, phi công Trần Sang cất cánh từ sân bay Kép bay về hướng Phú Lương làm nhiệm vụ nghi binh lúc 13 giờ 34 phút và biên đội Nguyễn Văn Nghĩa-Lê Văn Kiền xuất kích lên làm nhiệm vụ đánh chính đã phát hiện địch ở phía Nam Hòa Bình. Biên đội lao vào công kích và trong trận chiến này, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã bắn rơi 1 F-4 trên vùng trời Hòa Bình. Đây là chiếc máy bay thứ 5 bị Nguyễn Văn Nghĩa bắn hạ và là chiếc F-4 đầu tiên bị bắn rơi trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".
Đêm 23-12-1972, phi công Bùi Doãn Độ xuất kích lúc 4 giờ 44 phút và Nguyễn KHánh Duy xuất kích lúc 5 giờ 11 phút. Cả hai đều được dẫn về phía Tuyên Quang để đánh chặn bọn B-52 bay từ hướng Tây vào nhưng vì nhiễu quá dày đặc không thể phát hiện được B-52 nên đành phải quay về. Phi công Lưu Văn Hinh xuất kích lúc 18 giờ 58 phút từ đường lăn của sân bay Đa Phúc và tình trạng cũng giống như hai phi công Độ và Duy phải quay về hạ cánh.
Ngày 25-12-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng triệu tập Hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu đợt 1 để thống nhất một số biện pháp chuẩn bị cho đợt 2. Cho đến lúc này, một số phi công của ta đã sẵn sàng "làm quả tên lửa thứ ba" quyết hy sinh thân mình để tiêu diệt địch. Tất cả những chuyến xuất kích trong những ngày đêm này đều là những chuyến bay cảm tử. Đã có những chuyến xuất kích đi đến khi về do thời tiết xấu không thể hạ cánh được, phi công phải rời bỏ máy bay, nhảy dù sau đó về đơn vị lại tiếp tục đi trực ban chiến đấu tiếp. Các sân bay ở miền Bắc khi ấy đều bị địch đánh phá dữ dội. Trong ngày đêm không biết chúng đánh phá đến bao nhiêu lần và đánh phá không theo một quy luật nào cả, cốt không cho máy bay MiG cất cánh được. Ta không có đủ thời gian sửa gấp sân bay., Và để đánh được bọn B-52 thì các máy bay MiG phải cơ động ra các sân bay dã ciến ở vòng ngoài.
Phải nói rằng, lực lượng kỹ thuật đã có sáng kiến mà trên thế giới này chưa ai làm nổi: đó là cẩu máy bay MiG đio những nơi sơ tán và đưa đến những nơi cần cất cánh chiến đấu. Hồi ấy, các sân bay dã chiến chỉ là những đoạn đường đất được lu nèn cho chắc chắn một chút là MiG được cẩu đến đưa vào vị trí trực chiến và thế là có thể xuất kích chiến đấu bất kể lúc nào. Bọn Mỹ kinh hãi vì luôn thấy MiG xuất hiện như xuất quỷ nhập thần trong khi các sân bay đã bị đánh nát bươm. Nhiều năm sau khi gặp lại các cựu phi công Mỹ từng tham chiến khi ấy, họ vẫn không sao hiểu nổi và có lẽ chẳng bao giờ hiểu nổi cách đánh của dân tộc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:45:52 am
Đêm 26-12-1972, máy bay B-52 đã rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên, một khu dân cư đông đúc nhất Hà Nội thời bấy giờ, gây ra tội ác trời không dung đất không tha, nhưng đã bị quân và dân ta trừng trị thích đáng: 16 máy bay Mỹ bị rơi trong đó có 8 chiếc máy bay B-52, nhiều giặc lái Mỹ bị bắt làm tù binh.
Ngày 27-12-1972, biên đội 2 chiếc MiG-21 của Đỗ Văn Lanh-Dương Bá Kháng xuất kích lúc 13 giờ 34 phút, được dẫn dắt gặp địch và trong trận không chiến này, phi công Dương Bá Kháng đã bắn rơi 1 F-4.
Đến giờ chiều, biên đội của Trần Sang-Bùi Thanh Liêm xuất kích từ sân bay Đa Phúc làm nhiệm vụ nghi binh để Trần Việt xuất kích từ sân bay Miếu Môn làm nhiệm vụ đánh chính. Trần Việt xuất kích lúc 14 giờ 10 phút được dẫn dắt gặp địch và lao vào công kích. Trong trận không chiến này, Trần Việt đã bắn hạ 1 F-4. Đây là chiến công thứ 3 của Trần Việt.
Đêm 27-12-1972, Phạm Tuân xuất kích chiến đấu lúc 22 giờ 22 phút từ sân bay Yên Bái, xuyên lên trên mây và được Sở chỉ huy ở Mộc Châu dẫn dắt. Anh đã phát hiện được B-52 theo đèn hàng hành của chúng và tiến hành ngắm bắn theo máy ngắm quang học. Vào thời điểm 22 giờ 32 phút, Phạm Tuân đã lập chiến công lớn, đúng vào thời điểm quan trọng của mặt trận trên không: anh đã hạ gục "pháo đài bay bất khả xâm phạm" B-52 và về hạ cánh ở sân bay Yên Bái. "Món nợ" của Không quân đã được trả !.
Cũng trong đêm 27-12-1972, Nguyễn Khánh Duy xuất kích chiến đấu từ đường ngang của sân bay Kép, được dẫn dắt tiếp cận B-52 nhưng vì bọn F-4 đi yểm hộ quây chặt lấy anh, bắn tên lửa nên Sở chỉ huy cho anh thoát ly khỏi khu vực chiến đấu và về hạ cánh trên sân bay Đa Phúc.
Ngày 28-12-1972, biên đội của Lê Văn Kiền-Hoàng Tam Hùng  xuất kích lúc 11 giờ 17 phút, chờ trên đỉnh sân bay sau đó được dẫn đánh tốp ở phioas Nam Hà Nội. Biên đội đã phát hiện được địch và trận không chiến không cân sức đã xảy ra. Phi công Hoàng Tam Hùng là phi công trẻ mới xuất kích chiến đấu lần đầu tiên nhưng đã thể hiêbnj được bản lĩnh, ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm ngoan cường, bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ trong trận không chiến này để trở thành một trong số hiếm hoi phi công bắn rơi 2 chiếc trong một trận không chiến. Anh đã anh diũng hy sinh khi tuổi đời mới gần 24. Đêm hôm ấy, phio công Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy vào lúc 21 giờ 41 phút. Lúc 21 giờ 58 phút, Vũ Xuân Thiều báo cáo phát hiện được B-52 xin phép công kích. Sở chỉ huy cho pếp và nhắc nhở : "Kiên quyết tiêu diệt!". Vũ Xuân Thiều đã lao vào tấn công với quyết tâm phải diệt bằng được B-52. Anh đã bắn rất gần và lao thẳng vào bọn B-52, anh dũng hy sinh giữa trời đêm mông lung. Xác B-52 và MiG-21 đều rơi xuống vùng đồi của Cò Nòi, Sơn La. Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường trong trận chiến đấu quá ngắn ngủi giữa trời đêm. Phi công Đinh Tôn xuất kích từ sân bay Đa Phúc sau Vũ Xuân Thiều 9 phút. Anh được dẫn dắt vào tốp B-52 và đã phát hiện được ánh đèn hàng hành của chúng nhưng vì góc vào quá lớn nên lại mất ngay. Khi được dẫn vòng lại thì bọn B-52 đã tắt đèn và bọn F-4 quây lấy anh, bắn tên lửa. Sở chỉ huy cho anh thoát ly khỏi trận chiến.
Đêm 29-12-1972, phi công Nguyễn KHánh Duy xuất kích từ sân bay Đa Phúc lúc 22 giờ bay về hướng Yên Bái-Tuyên Quang nhưng do cường độ nhiễu quá lớn không bắt được mục tiêu và khi ấy anh cũng đã bay vào khu vực hỏa lực của tên lửa Phòng không nên Sở chỉ huy cho anh thoát ky về hạ cánh. Lúc 23 giờ 28 phút, phi công Bùi Doãn Độ xuất kích từ đường ngang của sân bay Kép được dẫn tiếp địch. Anh phát hiện thấy ánh lửa phụt ra từ đuôi máy bay địch liền bám theo và ngắm bắn, phóng liền 2 quả tên lửa, diệt 1 F-4 và về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Đây là chiếc F-4 đầu tiên  bị MiG-21 bắn hạ vào ban đêm và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị bắn hạ trong chiến tranh bằng chính MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:59:17 am
Ngày 29-12-1972 trở thành ngày không chiến cuối cùng  của năm 1972 cũng là trận cuối cùng của MiG-21 trong chiến dịch Linebacker 2 và trong cả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc Việt Nam. Ngày hôm sau: 30-12-1972, chính quyền Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp phái đoàn Việt Nam tại Paris để đàm phán về Hiệp định hòa bình.
 Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, quân và dân ta đá bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 B-52. Riêng Không quân đã bắn rơi 8 máy bay, trong đó có 2 B-52, 5 F-4 và 1 RA-5C. Tuy bắn hạ số lượng ít nhưng đã có những trận buộc địch phải dãn đội hình tạo điều kiện cho tên lửa Phòng không lập công và nhiều trận bắt địch phải trút bom ngoài mục tiêu. Bộ đội Không quân đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc "đánh cho Mỹ cút" và tiếp tục chuẩn bị tích cực để tham gia vào "Chién dịch Hồ Chí Minh lịch sử" đánh cho ngụy nhào, giải phong miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối!.
Hai mươi năm sau Chiến dịch Linebacker-2" Mỹ lại tiến hành "Chiến dịch bão táp sa mạc". Lần này đội hình B-52 vẫn được sử dụng rầm rộ nhưng không có chiếc B-52 nào bị bắn hạ cả. B-52 chỉ rơi ở Việt Nam. Và mọi loại vũ khi chỉ ở trong tay người Việt Nam mới phát huy hết tính năng của nó, nhờ vào khối óc và trí tuệ, ý chí của người Việt Nam. Hơn 60 nước trên thế giới sử dụng MiG-21 nhưing chỉ ở Việt Nam, MiG-21 mới trở thành "huyền thoại của bầu trời". Đấy là niềm tự hào của dân tộc ta, của tất cả các thế hệ con dân đất Việt! Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào ấy!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Haianh_od trong 30 Tháng Mười Hai, 2022, 07:55:30 am
Lâu lắm mới vào trang của chú Huy, mất 2 năm Covid rồi chiến tranh ở Ukraine. Vừa rồi cháu qua Canada có lên Ottawa chơi thì cậu bạn kể cùng thành phố này có anh Việt (khoảng ngoài 70) trước học PCTK ở Nga nhưng hình như sức khoẻ có vấn đề nên không tốt nghiệp. Nhờ cậu bạn hẹn gặp mà đúng dịp Noel gia đình đi nghỉ nên không gặp được. Trên FB thấy HN kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP trên không khá hoành tráng có cả hình ảnh chú Huy. Chúc chú và gia đình mạnh khoẻ có nhiều bài trên trang nhà.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 27 Tháng Giêng, 2023, 09:53:53 am
Cám ơn Hải Anh nhiều nhiều!.
 Chào tất cả các đồng đội nhân ngày đầu năm mới - năm Quý Mão!. Tết vừa rồi với tôi là một cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Tuy vật chất không có gì ghê gớm nhưng tình cảm thì thật chan hòa nhất là những ngày ở quê. Hy vọng với tất cả các đồng đội cũng đều như vậy.
Đầu năm Xuân mới, xin chúc tất cả các đồng đội cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, luôn gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và bình an!
Hẹn thường xuyên gặp nhau trên trang nhà!.


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: Phicôngtiêmkích trong 30 Tháng Chín, 2023, 04:14:09 pm
Thật sự là lâu quá rồi, nay tôi mới lại trở lại trang nhà. Vừa qua, thật tình cờ và may mắn, tôi được gặp lại các anh Trần Phú 341, Thanh Hiếu (binhyen 1961) trên đỉnh núi Tam Đảo, cùng các anh nhà thơ, nhà văn, họa sỹ...ở "Trại sáng tác văn học". Vui quá! Những cuộc hội ngộ bất ngờ ấy luôn đem lại những cảm xúc thật khó tả. Tôi và Thanh Hiếu được mời cơm trưa rồi chia tay. Chúc các anh ở lại sáng tác được nhiều tác phẩm hay và luôn vui vẻ, hạnh phúc. Nhất là nhà thơ Tú Đào sẽ tìm được hạnh phúc mới!


Tiêu đề: Re: Phi công tiêm kích (phần IV)
Gửi bởi: trung uy trong 21 Tháng Giêng, 2024, 12:36:16 pm
Cảm ơn bác Phicongtiemkich 👍