Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:44:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bản án tản thất quận dụng  (Đọc 46189 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #60 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:23:00 pm »

12
Con suối cuối mùa khô nước thật trong, nước suối rửa sạch da thịt thật là dễ chịu. Buổi chiều mặt trời xuống dưới rặng cây, cả khu rừng từ màu vàng đổi thành màu xanh, Tường Long vừa tắm xong, gò chân bước từ con suối lên. Hùng hớt hải:
- Anh Long, mau lên, có việc.
Tường Long hỏi lại:
- Việc gì?
- Nghe nói, ...
- Ai nói.
- Anh Hai Xã, phó chính ủy lữ 77 thay mặt cho Bộ Tư lệnh sẽ phổ biến cho anh và tôi.
- Chừng nào?
- Sáu giờ tối nay.
Nhiệm vụ được giao cho Tường Long và Hùng là xác định tình trạng sân bay Phước Bình để chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh trở về của một phi công đang ở trong không quân ngụy.Việc hết sức bí mật và khẩn cấp, yêu cầu phải báo cáo trong thời gian một ngày ...
Mờ sáng, những hạt sương còn đọng trên đám cỏ tây ven đường, chiếc xe xcút (scouts) cũ mèm chở Tường Long và Hùng cùng với Tư Bạch tham mưu của lữ đoàn trên đường đi đến sân bay Phước Bình. Con đường đất đỏ đôi chỗ nằm dưới tán cây cao su, thấp thoáng bóng những công nhân cũ của đồn điền vẫn còn ở lại. Chiếc xe chạy không nhanh, không phải vì đường xấu mà vì nó quá cũ, Hùng nhìn vào bảng đồng hồ, chỉ có hai chiếc, có lẽ là đồng hồ đo nhiệt độ, chiếc kim chẳng khi nào đứng yên, còn chiếc đồng hồ thứ hai chẳng biết nó chỉ gì, nó không hoạt động. Tại nơi tay lái có thể nhìn thấu tận dưới đất, chẳng có chiếc đồng hồ đo tốc độ nào. Chẳng hiểu sao nó vẫn chạy. Những người ngồi trên xe chưa bao giờ được ngồi, họ đứng, tay dựa vào nắp ca bin hoặc thành xe. Hùng có điều kiện quan sát những con đường có lẽ anh chỉ đi có một lần ...
Sân bay Phước Bình nằm ven tiểu lộ 310 trên đồi dốc thoai thoải cạnh một cứ điểm lớn của ngụy quân ở ấp Bình Lan, huyện Phước Bình, tỉnh Phước Long thuộc liên tỉnh Bình Phước ... đứng ở đầu tây nam, Hùng hiểu ngay người ta làm sân bay theo hướng đông bắc-tây nam là để lợi dụng gió cho cất cánh và hạ cánh. Anh chưa biết làm thế nào để xác định chiều dài sân bay. Lẽ ra, nếu có xe hơi tốt công việc sẽ suôn sẻ hơn. Chiếc xe Tường Long và Hùng đi đến chẳng có đồng hồ đo tốc độ, làm sao có đồng hồ đo cự li? Bàn nhau rồi cả hai quyết định:"Phải đo bằng tay", họ dùng dây và đếm sỏi. Thế mà, con số chính xác đến xăng-ti-mét. Trên bản vẽ để báo cáo cho Bộ Tư lệnh, đường băng dài 1200 mét, 1000 mét có lát ghi nhôm cứng, 200 mét đường đất, chiều rộng sân bay 22 mét, độ cao cách mặt biển 242 mét, đầu đông bắc chếch núi Bà Rá khoảng 8 ki-lô-mét, ở hai đầu sân bay từ năm đến mười ki-lô-mét không có chướng ngại, tĩnh không rất tốt, có thể lấy đường ngắm để hạ cánh từ xa, chạm bánh xe ngay mép đường lát ghi...
Ngày 8 tháng 4 năm 1975 Nguyễn Thành Trung đã hạ cánh tại sân bay này, sau khi ném bốn quả bom vào dinh độc lập. Hai mươi ngày sau phi đội Quyết thắng do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đã ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân ta chiếm dinh Độc Lập, quân đoàn II tràn vào sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc cuộc chiến đấu chống Mĩ của quân và dân ta.
*
Sau giải phóng, các sân bay hiện đại của Mĩ còn nguyên vẹn do cuộc tấn công thần tốc của quân đội ta. Đến độ, có sân bay chúng ta tiến vào các máy phát điện vẫn còn nổ, các kho vũ khí, bom đạn còn đang vị trí cung. Trên sân đậu hàng chục chiếc F5, A37, các loại máy bay vận tải C130, C119, C47, DC:4, OV-10, L19, U17. v.v... đậu cả trong nhà ga và ở ngoài sân. Các sân bay Đà Nẵng, Nha Trang, Phù Cát, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất ... Đặc biệt sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) rất nhiều trực thăng đậu ngổn ngang ở sân đỗ. Bọn phi công ngụy trong hoảng loạn đã chạy xuống sân bay này, để chạy tiếp. Cần phải tập trung lại. Phó tư lệnh phòng không - không quân. Đại tá Đào Đình Luyện cho gọi Hồ Duy Hùng, ông nói:
- Bây giờ, nhiệm vụ của đồng chí là bay thử tất cả máy bay UH-1. Chiếc nào còn tốt tập trung về Tân Sơn Nhất. Trong quá trình bay thử, chú ý huấn luyện số phi công chuyển loại, để trong một thời gian ngắn, chúng ta thành lập trung đoàn trực thăng UH-1 ...
Hùng thấy cần phải trình bày:
- Thưa, ...
- Đồng chí cứ nói.
- Đề nghị cùng với tôi, xin một tổ kĩ thuật và hai phi công trực thăng.
Đại tá Đào Đình Luyện trả lời ngay:
- Đồng ý, có thể, chiếc nào tốt đồng chí cùng với phi công đi theo bay về hoặc bay thử tất cả rồi cùng bay về cũng được.
- Dạ, thưa còn ...
Đại tá mỉm cười, nhìn chàng trai đứng trước mặt bẽn lẽn, nét hồn nhiên hiện ra ở khóe miệng, đại tá rời ghế bước đến bên cạnh Hùng:
- Còn gì nữa, đồng chí nói, tôi giải quyết ngay.
- Thưa, trong hàng không, máy bay phải có lí lịch. Tôi đề nghị cho lục tìm lí lịch.
- Tôi sẽ chỉ thị cho ngành kĩ thuật, bây giờ, ...
- Thưa phó tư lệnh, tôi đề nghị cách này.
- Đồng chí nói đi.
- Trong thời gian tìm lí lịch máy bay, chúng tôi khôi phục và bay thử được chiếc nào cho lập lí lịch mới ...
- Được, còn.
Đại tá Đào Đình Luyện là một phi công chiến đấu, ông được đào tạo căn bản để trở thành người chỉ huy không quân. Trí tuệ sắc sảo, thông minh. Ông là một sĩ quan cao cấp gần gũi thường gợi ý cho cấp dưới để kích thích tính sáng tạo, Ông vốn là một người rất thận trọng và tỉnh táo. Ông hiểu rất rõ việc xác lập qui trình an toàn cho một chiếc máy bay phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt và người kí để cho chiếc phi cơ được bay có trách nhiệm rất lớn, đại tá Đào Đình Luyện nhìn Hùng rất lâu, ông nhận thấy cặp mắt của người đang nói chuyện với ông có điều gì đó khiến cho ông tin tưởng, ông nói tiếp:
- Trong tình hình hiện nay, trong quân chủng, chỉ có đồng chí là người nắm chắc về tính năng kĩ thuật UH-1, đồng chí được học kĩ phải không?
- Dạ, tôi được học để nếu có hư hỏng nhỏ có thể tự sửa chữa để bay về.
- Còn các thông số kĩ thuật?
- Thưa, tôi biết rõ.
- Vậy, tôi giao cho đồng chí, được phép kí đưa vào sử dụng những chiếc UH-1 đủ điều kiện về kĩ thuật và an toàn.
- Dạ, ...
Hùng biết, vấn đề an toàn cho bay, đặc biệt là kĩ thuật máy bay không đơn giản. Anh là một phi công, anh có thể từ chối chịu trách nhiệm về kĩ thuật để đảm bảo an toàn sinh mạng chính trị cho mình. Chỉ cần nói "tôi chỉ biết sử dụng..." là xong. Nhưng, trước tình hình ngổn ngang ở các sân bay vừa giải phóng. Máy bay rất nhiều, đặc biệt là UH-1, Hùng nhớ, chỉ riêng sư đoàn 2 đã có 22 chiếc UH-1. Một số nằm trong nhà ga đang thời kì bảo dưỡng, còn rất nhiều chiếc do trục trặc kĩ thuật, không đủ xăng, hạ cánh vội vã, va quẹt, Hầu hết các sư đoàn đều có trực thăng, chỉ riêng số trực thăng đếm được ở Tân Sơn Nhất đã lên đến trên 40 chiếc. Một con số không nhỏ, nó là tài sản, là xương máu của các chiến sĩ mới có được. Cần phải giữ gìn. Hùng nói, giọng nhỏ hẳn:
- Thưa đại tá phó tư lệnh. Tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ và cố gắng hết sức mình để hoàn thành, đại tá biết là, ...
- Tôi biết, chúng ta là những người lính đang ở chiến trường...
Hùng phấn chấn trả lời:
- Rõ, xin đồng chí yên tâm, tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #61 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:23:28 pm »

Đào Đình Luyện hiểu rõ tâm trạng của cấp dưới, ông biết, người lính ở chiến trường là thước đo cao nhất của phẩm chất. Ở mặt trận, tất cả để chiến thắng, người ta không quên những nguyên tắc nhưng nguyên tắc cao nhất là giành thắng lợi. Còn Hồ Duy Hùng, anh hiểu ý định người chỉ huy của mình, để giành chiến thắng trên chiến trường, người lính cần phải tỏ rõ ý chí, thông minh và không sợ hi sinh. Việc bay thử đòi hỏi lòng dũng cảm, còn ... kí để đưa vào sử dụng những chiếc trực thăng sau khi tự mình bay thử, đòi hỏi phải có ý chí cao trong tình hình hiện nay.
Đầu tháng 5 năm 1975, lợi dụng lúc quân ta đang dồn dập tiến công vào Sài Gòn, bọn Pôn-pốt xua quân chiếm đóng các đảo ven biển nước ta ở vịnh Thái Lan ... và chuẩn bị chiến tranh biên giới tây nam với nước ta.
Sau giải phóng, cả nước đang lo giải quyết hậu quả của ba mươi năm chiến tranh, công việc bộn bề, hàng triệu quân ngụy tan rã, ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh ban hành chế độ quân quản. Ở các sân bay, dù được tăng cường từ miền Bắc nhưng lực lượng rất mỏng, các trung đoàn, tiểu đoàn căn cứ sân bay, cố gắng khôi phục hoạt động của các phi trường, đường băng được dọn sạch, hệ thống đài dẫn đường bắt đầu phát tín hiệu. Bộ phận thu gom máy bay của Hồ Duy Hùng được sự giúp đỡ của mặt đất, tiến hành bay thử hàng loạt những chiếc UH-1. Trong chiến công chung của không quân nhân dân Việt Nam, chiến công của Hồ Duy Hùng góp phần to lớn giữ gìn một lượng cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại. Nhờ nó, chúng ta có thêm loại vũ khí lợi hại trong tác chiến hợp đồng quân binh chủng trừng trị bọn Pôn-pốt bảo vệ biên giới tây nam của tổ quốc.
Hồ Duy Hùng như cánh chim đại bàng khỏe mạnh, anh có trách nhiệm vừa là người bay thử máy bay, vừa là cán bộ kĩ thuật có thẩm quyền, vừa là giáo viên bay cho số phi công trực thăng họ Mi chuyển loại sang lái máy bay hệ của Mĩ. Máy bay không có lí lịch, phải hết sức thận trọng và kiểm tra kĩ lưỡng. Hùng vừa là kĩ thuật viên kiểm định, vừa là người thợ sửa chữa. Anh phải chịu trách nhiệm với những chiếc UH-1 do anh kí đưa vào sử dụng ...
Cuối tháng 5, không quân nhân dân Việt Nam được lệnh giáng trả bọn xâm lược và những chiếc UH-1 do Hồ Duy Hùng bay thử và kí cho phép được hoạt động, đã xuất kích từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) cùng với A37 ném bom vào các ổ đề kháng. UH-1 phối hợp với hải quân gây áp lực buộc bọn diệt chủng phải rút lui, trả lại đảo cho chúng ta. Và, lần đầu UH-1 treo ở ngoài biển nhả đạn vào các cứ điểm trên đảo có hiệu quả ... cùng với hải quân, chúng ta đã dùng sức mạnh để giải phóng các đảo của ta ở vịnh Thái Lan.
Ngày 20 tháng 5 năm 1975, cùng với sự ra đời hai trung đoàn bay với loại máy bay chiến lợi phẩm F5 và A37. Trung đoàn trực thăng UH-1 và máy bay trinh sát được thành lập tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là trung đoàn 917 anh hùng hiện nay.
Chiếc tàu vận tải của hải quân rời cảng Bạch Đằng chở đoàn cán bộ Bộ tổng tham mưu và quân chủng phòng không - không quân lên đường ra quần đảo Trường Sa. Chiếc trực thăng được cột, néo vào thân tàu. Càng xa bờ sóng càng lớn, con tàu như người say rượu, lắc lư. Những cơn gió xoáy, sóng biển đập vào thân tàu, bọt văng tung tóe tràn lên mặt boong. Mặt biển như những luống khoai khổng lồ chạy dài vô tận. Buổi chiều, trời tối dần con tàu như chiếc là nhỏ nhoi trong mông lung của biển và trời, có lúc nó như bị nhấn xuống, những con sóng cao hàng chục mét chực chụp lấy con tàu nhỏ nhoi. Càng về đêm, không còn nhận ra đường chân trời, mọi người có cảm giác phó thác cho may, rủi, cho số phận ... Hùng vẫn tỉnh, hai phi công cùng đi là Lê Đình Kí và đại tá Nguyễn Hồng Nhị chuyện trò rôm rả, còn mọi người, kể cả những người đã từng quen với sóng nước đã mửa đến mật xanh. Càng gần đến quần đảo Trường Sa, sóng càng lớn. Trường Sa là quần đảo của bão tố. Mỗi năm có đến bảy mươi phần trăm tất cả những cơn bão ở biển Đông xuất phát từ đây, tràn vào các tỉnh ven biển nước ta và miền nam Trung quốc. Yếu tố áp thấp gần như thường xuyên có mặt tại quần đảo này ...
Hồi còn bé, Hùng nghe một câu chuyện về một vị thần biển tại vùng có nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa bây giờ. Chuyện rằng, hồi xửa, hồi xưa... tại đây là vùng biển bình yên, rất nhiều loại cá tụ tập về đây, đặc biệt là cá voi nhiều vô kể. Cả một biển trời không có bất kì hòn đảo nào ở đây, đàn cá bơi lội tung tăng không có gì ngăn trở ... Một hôm, từ đâu, không ai biết, có một lão phù thủy đến đây. Hàng ngày, lão ta dùng cây sào cắm sâu xuống biển rồi ngồi trên đầu sào. Cứ bảy ngày một lần, lão ta cắm sào là trong lòng nước cuộn trào, khói lửa cuồn cuộn dâng lên, theo khói và lửa là một đảo mọc lên. Lão biến hòn đảo thành những lớp san hô chồng lên, khô khan, chết chóc. Đàn cá voi không còn vui đùa như trước, cá mập tràn về, gặp cá giết cá ... Cả một vùng biển bình yên, trở thành vùng biển chết chóc. Đàn cá kêu than. Tiếng kêu thấu động lòng Trời ... Vua Thủy Tề bèn sai thần biển đi tuần khảo. Chàng đến vùng biển này, quả đúng như lời kêu ca của đàn cá ... Về đến điện thủy cung, thần biển tấu trình. Giận tên phù thủy, vua thủy tề giao cho thần biển ra tay trừ tặc, làm bình yên cho vùng biển này ... Cuộc giao tranh của thần biển và lão phù thủy gây nên những trận cuồng phong, xoáy lốc cuồn cuộn suốt trăm ngày liền bất phân thắng bại. Cả hai đều mệt mỏi, nghỉ ngơi rồi lại quyết chiến cho mãi đến hôm nay. Cứ vào mùa hè, họ lại đánh nhau cho đến tận mùa đông. Năm nào cũng vậy. Có đến hàng triệu năm rồi ...
Mờ sáng ngày thứ ba, đến đảo Trường Sa. Tàu đậu ở phía tây, nơi sóng biển nhẹ nhất, nhờ đảo che bớt sóng ... Đảo Trường Sa là hòn đảo lớn nhất thuộc các đảo do quân ta đóng giữ ... Thời đó (1976) quân ta chiếm 11 đảo, người Phi-líp-pin hai đảo, người Đài-loan chiếm đảo Thái Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa lớn, nhìn bốn phía đều biển, như hột xoài nổi trên biển Đông, chiều dài khoảng 600 mét, bề ngang chỉ vài trăm mét.
Dù đậu nơi "trốn sóng", con tàu vẫn lắc lư, chiếc trực thăng chao theo chiều sóng nhồi vào thân tàu.
Nhiệm vụ của Hồ Duy Hùng, chở cán bộ cao cấp của quân đội quan sát các đảo xa và hạ cánh trên đảo. Tiến hành quan sát đánh dấu mốc các đảo thuộc chủ quyền quốc gia.
Ra đến Trường Sa, trời nước mênh mông Hùng nhận rõ, tổ quốc ta có Trời, có đất, có biển, dù có đảo rất nhỏ, có thể chỉ bằng một sân bóng chuyền, thậm chí có đảo còn chìm, chỉ nổi khi nước ròng. Nhưng, bất kể điều kiện nào, đó là vùng đất của tổ quốc. Các chiến sĩ quân đội ta sẽ bảo vệ nó.
Chiếc trực thăng bay mãi, những hòn đảo nhỏ, thấp, trắng san hô, một màu trắng như mây. Rồi bay trên những đám mây, cứ tưởng đó là những hòn đảo. Đã có lần Hùng điều chỉnh góc xuống chuẩn bị hạ cánh xuống mây. May mà anh kịp nhận ra, tăng ga, thoát hiểm... chỉ cần cảm giác sai, hạ cánh thì... ở giữa biển, ngàn trùng sóng bạc đầu... Nhờ những nghiên cứu rất cụ thể, sau này, những trận chiến đấu giữ đảo, các chiến sĩ trên đảo có các biện pháp phòng thủ tích cực, chúng ta đã trụ vững và chiến thắng.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #62 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:23:56 pm »

Hồi đó, những cán bộ ngồi trên chiếc UH-1, để Hồ Duy Hùng lái ra rất xa ngoài khơi rồi hạ thấp độ cao, sát mặt biển, tiến vào đảo. Tình huống giả thiết pháo hạm bắn từ xa. Ai cũng thấy rất rõ việc giữ đảo vô cùng khó khăn. Từ trên chiếc trực thăng ở các độ cao khác nhau, chưa nói những đảo nhỏ. Đối với đảo Trường Sa đứng ở ngoài biển phía bên này, có thể nhìn thấy nước biển ở phía bên kia. Và, chỉ cần có pháo là có thể chiếm đảo. Vậy mà, cuộc chiến đấu của chúng ta bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia đã chiến thắng. Những ngày ở Trường Sa, chiếc UH-1 của Hùng như biểu diễn thăng bằng trên chiếc bập bềnh ... con tàu chòng chành, cất cánh đã khó, việc hạ cánh còn khó hơn, nếu chọn không đúng thời cơ hạ cánh, chỉ với độ nghiêng lớn có thể đánh bật chiếc trực thăng rớt xuống biển. Cái khoảnh khắc thăng bằng giữa hai lần sóng xô, phải đặt càng chính xác gần như tuyệt đối xuống boong tàu.
Cuối năm 1975, đầu năm 1976, bọn phản động trong tổ chức "Hội liên hiệp giải phóng các dân tộc" dưới sự chỉ huy của Mĩ, cấu kết với bọn diệt chủng ở Cam-pu-chia, tổ chức lại với tên tắt "Fulro", có sự chi viện từ bên ngoài, tiến hành hàng loạt cuộc tấn công vào những người yêu nước ở các bản, làng. Gây nên những tổn thất về người, làm rối loạn trật tự, uy hiếp an ninh. Bọn chúng hoạt động trong rừng sâu, khi có động hoặc bị bộ đội bao vây, rút lên núi. Tổ chức những nhóm nhỏ, bắt cóc cán bộ, chắn xe đò giết người, cướp của. Nghiêm trọng hơn, bọn Fulro tuyên bố li khai, lập chính phủ, âm mưu tách vùng rừng núi Tây nguyên thành một quốc gia. Nhân dân hoang mang, đời sống bị đảo lộn. Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 2 tháng 9 năm 1975, lợi dụng nhân dân cả nước mừng lễ độc lập, Fulro bất ngờ tấn công vào hai đơn vị bộ đội ở đông bắc và tây bắc Đà Lạt. Trong đó, tại bản Đăm-rông (Damrong), nằm trên quốc lộ giao thông Đà Lạt - Buôn Mê Thuột. Bọn Fulro vây chặt một đại đội bộ đội địa phương Lâm Đồng. Tình hình hết sức cấp bách ...
Hồ Duy Hùng được lệnh cùng với Nguyễn Xuân Trường và Lê Đình Kí hình thành một biên đội ba chiếc UH-1, chi viện trực tiếp cho bộ binh, Những chiếc trực thăng được trang bị rốc-két và đại liên M60 có mặt kịp thời, giải vây cho đơn vị bạn. Đồng thời tấn công trực diện làm cho tàn quân bị thương vong nặng nề ...
Đánh Fulro, điều khó khăn và nguy hiểm chính là địa hình. Hầu hết bọn đầu sỏ ở biên giới, trên núi cao hoặc rừng già. Người dân địa phương sợ hãi, phải làm theo những qui định của bọn chúng ... Còn chúng ta, dù bay thấp, cũng không sao nhìn thấy đối phương. Những tên lính Fulro lẫn vào rừng cây, ở trong nhà dân và sẵn sàng nhả đạn vào những chiếc máy bay gây khó khăn cho hoạt động của chúng.
Một lần, Hồ Duy Hùng nhận chở quân bộ binh, chụp vào cơ quan đầu não của Fulro ở vùng Lạc Thiện. Theo trinh sát, đó là một thung lũng sâu, xung quanh vách đá tảng, dựng đứng, cây cao. Chỉ có một khe nhỏ có thể tiến vào hạ cánh ...
Buổi sáng, sương phủ mờ các đỉnh núi. Đến chín giờ dưới ánh nắng mặt trời, sương bốc cao thành những áng mây lãng đãng trên lưng chừng núi. Tại thung lũng, lúc này, không khí bị đốt nóng, gió luân chuyển tạo thành vùng đối lưu không khí, có áp suất không đều nhau tại một khu vực sâu, vốn rất nho, làm cho lực nâng của cánh quạt yếu hẳn. Bình thường những khu vực như vậy bị cấm bay. Cách Lạc Thiện không xa, ở phía đông, có một thung lũng tương tự, có tên nổi tiếng là Ô-kha, nơi hàng chục chiếc phi cơ rơi mà không rõ lí do. Thời còn bay ở phi đoàn 215, sư đoàn 2 không quân ngụy. Hùng đã được phổ biến và khuyến cáo cần phải tránh xa những nơi đó ...
9 giờ sáng, mười chiến sĩ bộ binh được trang bị gọn nhe, leo lên máy bay. Hồ Duy Hùng cho chiếc UH-1 cất cánh. Mười lăm phút sau thung lũng vùng núi hiện ra, anh bay lướt qua Lạc Thiện, bò lên cao và một khe núi ở trước mặt. Chiếc UH-1 trườn qua khe tiến vào thung lũng, lập tức nó như bị ném vào một vùng xoáy, lúc trồi lên cao, có lúc như hụt hẫng rơi xuống khá sâu. Cánh quạt vẫn quay đều nhưng việc điều khiển rất khó khăn. Hùng bỗng nhớ, bài học bay vào vùng khí lưu bất ổn đã học ... Dựa vào triền núi, áp suất không khí tương đối ổn định nhưng cực kì nguy hiểm. Chỉ lạc tay lái, cánh quay đập vào vách núi, máy bay sẽ như một cục sắt, rơi xuống... vỡ tan tành. Hùng tập trung cao độ, cần lái hướng và hai chân điều khiển trực thăng, nghiêng một góc theo triền núi, vừa giữ cho cánh quay có lực nâng, tay trái ấn nhẹ, chiếc UH-1 vừa lao xuống chậm vừa lượn vòng theo bờ khe. Quả nhiên, chiếc trực thăng ổn định, đôi lúc bị xoáy nhẹ nhưng vẫn điều khiển được. Hùng lái chiếc máy bay như một nghệ sĩ xiếc, cho đến khi làn gió xoáy của cánh quạt, quét tràn những đám cỏ, mười chiến sĩ xung kích nhảy ra khỏi máy bay., cỏ cao ngập đầu, họ lao vào cỏ và bám trụ. Hùng không nhìn thấy, dù họ đang ở dưới bụng máy bay. Anh lại theo triền núi bay lên, liên tục đổ sáu đợt vào vùng này... và bọn chỉ huy Fulro đã bị tiêu diệt trong đó có một thành viên của lực lượng chính phủ li khai.
Cuối năm 1976, cuộc tảo thanh đã hơn một năm, chúng ta diệt và bắt sống rất nhiều lính Fulro, giải phóng nhiều vùng khỏi sự kiểm soát của bọn li khai. Chính sách đại đoàn kết của chính phủ ta được áp dụng đúng đắn làm cho một bộ phận rất lớn nhân dân hưởng ứng. Họ kêu gọi binh lính trở về với gia đình đạt kết quả tốt. Số ngoan cố dựa vào rừng núi vẫn chống trả quyết liệt. Theo quyết định của Bộ tổng tham mưu, không quân phối thuộc một phi đội cho sư 8 bộ binh (sư đoàn 968). Hùng được lệnh cùng với phi đội sử dụng trực thăng vũ trang, chở quân chiến đấu và thương binh, chở tù binh ... Anh đã xuất kích chiến đấu hàng chục trận, nhiều trận bãi hạ cánh chỉ bằng cái sân phơi xung quanh là cây to, cao, có lần bọn phỉ đã bắn thẳng vào chiếc UH-1 của anh.
Bây giờ, cuộc chiến đấu đã chuyển sâu vào rừng rậm, ác liệt hơn. Bọn Fulro bám vào rừng đại ngàn, phân tán. Bộ binh truy tìm không có kết quả, bèn phái những tốp nhỏ, trinh sát rất vất vả và nguy hiểm. Chỉ có thể diệt bọn đầu sỏ mới hoàn toàn tiêu diệt được Fulro.
Mùa thu năm 1976, chúng ta có thêm L19 là loại máy bay cánh quạt, tốc độ chậm, khả năng trinh sát khá tốt. Có thể chỉ điểm cho UH-1 tấn công hoặc hướng dẫn cho bộ binh. Nhưng, cơ động nhanh nhất vẫn là trực thăng vũ trang.
Một hôm, cuối tháng 9 năm 1976, ở núi Yên Ngựa, phía đông Buôn Mê Thuộc. Chừng năm mươi ki-lô-mét, một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 8 bộ binh phát hiện quân Fulro tập trung khá đông. Quân ta tiến hành bao vây và gọi thêm quân đến chi viện. Mặc dù địa hình hiểm trở, việc vây chặt hoàn thành. Quân Fulro chống trả yếu ớt rồi rút lui. Lực lượng bộ binh tiến vào nhưng chẳng thấy tên nào ... thì ra, bọn chúng lợi dụng đường mòn trên núi bí mật rút lên đỉnh. Đôi lần, quân ta cố trèo lên đều bị thiệt hại. Tham mưu trưởng sư đoàn 8 yêu cầu không quân ...
Tổ trực thăng chiến đấu của Hồ Duy Hùng và Nguyễn Đình Khoa xuất kích. Được bộ binh chỉ điểm. Hùng bay sát triền núi, anh nhìn thấy con đường mòn, không thấy tên phỉ nào xuất hiện, bên cạnh anh là phi công phụ kiêm dẫn đường, trung úy Hanh tập trung quan sát bên phải. Hùng đảo mắt quan sát phía trước và bên trái. Anh vòng ra phía sau núi rồi vòng trở lại, Hanh báo cáo:
- Anh Hùng, có khói.
- Ở đâu?
- Ở lùm cây, gần trên đỉnh núi.
Hùng tập trung bên phải, ngay trên chỗ lùm cây to có làn khói mỏng, anh nói chuyện với người phi công:
- Hanh, có phải tụi nó? Hay là nhà dân?
- Tiếp tục quan sát, coi kìa, anh Hùng.
Nghiêng máy bay qua bên phải, Hùng thấy rất rõ là khói củi. Gần ba tháng đốt than cho anh kinh nghiệm để nhận biết khói củi và khói lò. Khói do nấu bếp và khói đốt cây khô. Cũng là những làn khói nhưng khói bếp lan tỏa, còn khói củi cuồn cuộn nhưng mất chân, chỉ có làn khói lớn ở bên trên ... Sau khi quan sát kĩ, không phải khói bếp, ở đó không có nhà dân. Cẩn thận Hùng bóp mi-crô trao đổi với Khoa, đang lái chiếc UH-1 ở phía sau:
- 35, anh có thấy khói ở lùm cây bên trái?
Khoa trả lời:
- Tôi thấy rất tốt.
- 35, có phải khói nhà dân?
Hùng và Khoa cùng quan sát, họ bay vòng ra phía sau núi rồi ép sát khu vực, với cách bay này, anh có thể thấy rõ bên dưới tán cây. Rõ ràng không có nhà dân. Nhưng, có phải của người dân đi lấy củi hay là bọn Fulro? Hùng biết rõ, bọn phỉ chỉ có số ít, trà trộn, uy hiếp nhân dân. Còn, đa số người dân tộc vốn hiền lành, chân thật. Không thể vì đánh Fulro lại làm hại đến nhân dân. Tiếng của Khoa vang trong tai rất rõ:
- 36, ở đó không có nhà dân.
- 35, xin phép, tôi đánh ...
Khoa trả lời:
- 36, công kích, tôi quan sát.
Hùng chuyển hướng, điều khiển chiếc trực thăng vòng ra xa rồi lao vào theo hướng làn khói bốc lên. Mũi chiếc UH-1 thẳng hướng, dấu chữ thập được vẽ trên mặt tấm kính chắn gió ôm trọn vùng có khói, đến cự li cho phép Hùng ấn cò, chùm rốckét lao vút, nổ trùm lên mục tiêu. Bọn Fulro bị đánh bất ngờ, hoảng loạn, lao từ trên đỉnh xuống dưới núi. Hùng đã nhìn thấy loáng thoáng có bóng người, từ trên cao anh ra lệnh cho xạ thủ đại liên M60, bắn dồn bọn Fulro xuống, khẩu đại liên nổ phía sau tốp chạy. Hùng nhắc:
- Xạ thủ, đừng bắn phía trước, cố xục xuống dưới núi, có quân ta, bắt sống cần hơn bắn chết.
Chiếc UH-1 của Hùng rồi chiếc trực thăng của Khoa xỉa đạn, dồn địch đến chân núi. Bộ binh ém sẵn, bắt gọn trên 40 tên, có viên tướng chỉ huy, cấp thứ trưởng của Fulro.
Trận đánh gọn, hiệu quả có vài tên trốn thoát. Sau đó ít lâu bọn Fulro lần lượt ra hàng và tan rã, những tên bị bắt ở nơi khác trong các trận đánh cuối cùng diệt bọn Fulro, khai "trận Yên Ngựa mau chóng thất bại vì có một số quả tên lửa bắn trúng đám lửa" nhiều tên ngồi xung quanh chết và bị thương. Bọn chúng kháo nhau "Việt Cộng bắn rốc-két tìm nhiệt". Sau đó bọn chỉ huy ra lệnh cấm đốt lửa ban ngày vì sợ rốc-két của trực thăng
Năm 1977 - hai giờ đêm một ngày đầu mùa khô. Quân Pôn-pốt đồng loạt tràn qua biên giới nước ta suốt chiều dài kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Ngay đêm đó, hàng ngàn dân thường bị giết rất dã man. Những người sống sót kể rằng "Đang đêm, cả nhà ngủ say, bọn giết người từ bên kia biên giới, bí mật bò sang xộc vào nhà gặp bất kể ai, bọn chúng xả bằng mã tấu, thọc lưỡi lê, đập búa vào đầu, vào thân, chém gục tất cả không để sót một ai, trẻ con cũng bị giết bằng dao và bị xé xác. Hầu hết, những người bị giết, đều ở bên bờ kênh Vĩnh Tế trên đất nước ta, giáp với Cam-pu-chia, cách biên giới hai nước chừng 500 mét. Những người sống sót, hầu hết có nhà ở ven kênh. Thấy bọn Miên, đã bí mật thả mình xuống dòng kênh, dìm mình rồi bơi sang bờ Nam".
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:24:26 pm »

Nhân dân ta, đặc biệt là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, chẳng bao giờ quên nổi những trận đánh kì lạ giữa chúng ta và bọn Pôn-pốt. Tất cả mọi thủ đoạn chiến thuật của quân đội ta, đều bị bọn diệt chủng biết và đối phó. Vì vậy, đánh với Pôn-pốt, bao giờ cũng rất ác liệt. Nghe nói, hồi xưa, chính các cán bộ quân sự của Pôn-pốt được các chiến sĩ quân đội ta chỉ dẫn tận tình và rồi họ phản ...
Có lẽ, nhân dân vùng biên giới tây nam, chẳng bao giờ quên nổi sự tàn ác, dã man đến không còn tính người của bọn đao phủ. Và, có lẽ, không bao giờ, những chiến sĩ quân đội ta, đặc biệt là các phi công chiến đấu của chúng ta quên nổi những trận chiến đấu trừng trị quân xâm lược, diễn ra ở biên giới nước ta.
Đó là, trận chiến đấu mùa khô năm 1978, ở kênh Vĩnh Tế thuộc phía tây Nhà Bàng, Thất Sơn, tỉnh An Giang.
Bọn Pôn-pốt lấn chiếm một tuyến dài, trên bốn ki-lô-mét, vào sâu trong đất ta chừng 500 mét dọc theo tuyến kênh. Bọn chúng đào công sự ở phía bắc bờ kênh, hàng ngày xua quân sang bờ nam giết người, cướp của. Lệnh của trên, bộ đội ta phải đánh tiêu diệt quân xâm lược trong một trận hiệp đồng quân binh chủng.
Năm giờ sáng, pháo cấp tập vào đội hình của bọn diệt chủng. Cả một vùng đồng bằng, địa hình khô ráo, lúa ruộng vừa mới gặt, thân rạ trơ ra như những bụi gai. Sáu giờ sáng, xe tăng và bộ binh chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Pháo binh chuyển làn vào bên trong tuyến phòng thủ của bọn Pôn-pốt, quân ta xốc lên rời trận địa xung phong. Lập tức chúng trỗi dậy bắn trả quyết liệt. Quân ta tiến rất chậm. Dường như thấy quân ta dè dặt, bọn chúng phản kích, chiếc xe tăng đi đầu của quân ta bị bắn cháy, các chiến sĩ bộ binh phải vất vả mới đẩy lùi quân Pôn-pốt về trận địa cũ của chúng. tình thế rất khó khăn, cần phải nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Bộ chỉ huy lệnh cho không quân xuất kích.
Bảy giờ ba mươi phút năm chiếc UH-1 chia thành hai tốp, tốp đầu ba chiếc, tốp thứ 2 hai chiếc, xuất kích.
Đúng lúc pháo binh bắn chuyển làn sâu vào phía sau lưng địch, UH-1 dàn thành đội hình, chiếc đầu bắn chi viện cho bộ binh xung phong. Đạn của khẩu đại liên trên chiếc UH-1 dẫn đầu của Hồ Duy Hùng đã xỉa rất chính xác vào quân phòng ngự Pôn-pốt. Địch không chịu nổi, trốc trận địa tháo chạy. Tốp hai chiếc UH-1 phía sau vượt lên đi sâu vào vùng quân địch phục kích. Bất ngờ khẩu 12 li 8 của quân diệt chủng nổ súng. Hùng thấy đạn lửa bay vụt lên phía trước hai chiếc UH-1, anh vội vã bóp mi-crô:
- Hải Yến, phía trước, bên phải có 12 li 8 bắn lên, cơ động và trở lại ngay.
Hai chiếc UH-1 cơ động gấp, loạt đạn vút lên sát bên chiếc thứ hai suýt trúng... Bộ binh ta được pháo và trực thăng chi viện đã bật dậy xung phong.
Bọn Pôn-pốt biết rõ quân ta khi tấn công ở vùng đồng bằng trống trải thường xung phong theo đội hình hàng ngang. Cho nên, cụm phòng ngự của bọn diệt chủng bố trí xen kẽ có chiều sâu, nhiều ổ đề kháng. Bị tấn công dồn dập, trận địa phía trước không chịu nổi buộc phải tháo chạy. Lập tức bọn ở phía sau sử dụng B40 và cối 82 li bắn rất rát, chặn bộ binh và xe tăng của ta để cho bọn lính vừa bị đánh bật khỏi công sự tháo chạy và co cụm lại. Cuộc chiến đấu ở hướng chính diện rất ác liệt, xe tăng vừa rời khỏi tuyến xuất phát xung phong bị bắn cháy một chiếc ...Từ trên cao Hùng nhìn rất rõ, anh lái chiếc UH-1 đối đầu phóng hai quả rốc-két, cụm phòng ngự có súng chống tăng nổ bung. Ổ đề kháng thứ hai bị một chiếc UH-1 trong đội hình tiêu diệt. Quân ta rời công sự, những chiếc xe tăng dũng mãnh lướt trên đồng ruộng khô nước. Bọn Pôn-pốt bắn trả quyết liệt. Xa xa bọn chúng lố nhố. Hùng cho chiếc trực thăng bay rất thấp, sát mặt ruộng, bất ngờ quay ngang cho khẩu đại liên sáu nòng nhả đạn vào bọn ở phía sau. Bị bắn từ trên máy bay, bọn chỉ huy và binh lính không còn chỗ ẩn nấp an toàn, rời cụm phòng ngự tháo chạy. Hùng lái chiếc trực thăng truy đuổi, vừa tiến, vừa quay chéo một góc để khẩu súng sáu nòng trên máy bay phát huy tác dụng.
Cuộc truy đuổi, tấn công, diễn ra vô cùng ác liệt, có lúc dường như quân ta khựng lại, những chiếc xe tăng đang lao lên phía trước bỗng dừng rồi rẽ ngang, bộ binh dồn lại rất nguy hiểm ... Hùng quan sát, anh thấy rất ro, một con rạch nhỏ chắn ngang, việc cơ động của xe tăng rất khó, gần như cả xe tăng và bộ binh đều phơi mình ... Phía bên kia, bọn Pôn-pốt từng tốp lẻ có súng chống tăng lom khom, có tên đang chuẩn bị xạ kích. Hùng quay mũi máy bay, phóng hai quả rốc-két, khói, bụi đất bao trùm những tên ngoan cố. Nhưng, có hàng trăm tên khác ở xa hơn. Hồ Duy Hùng quyết định sử dụng súng trên máy bay trấn áp bọn lính áo đen để cho xe tăng vượt chướng ngại vật.
Để làm được điều đó, Hùng và chiếc trực thăng của anh phải tách xa đội hình quân ta, đi sâu vào đất địch, từ phía sau bắn tới, hiệu quả sẽ cao hơn. Nhưng, bay xa khỏi đội hình của bộ binh là chấp nhận nguy hiểm, có thể phải hi sinh. Hùng biết rõ trường hợp hi sinh của Tạ Đông Trung, phi công A37 ...
Hồi đó, từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) phi đội A37 ba chiếc cất cánh, theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ tổng tham mưu trong trận đánh hiệp đồng quân binh chủng đánh trả đợt tấn công lấn chiếm của bọn Pôn-pốt ở phía tây Bến Cầu (thuộc tỉnh Tây Ninh) Tạ Đông Trung bay ở vị trí số 3, qua Gò Dầu, anh phát hiện mục tiêu ném bom. Đó là một cụm cứ điểm phía bắc con đường nối liền Gò Dầu với Xvây-riêng (Svayrieng), trong một làng cách biên giới chừng một ki-lô-mét, từ cứ điểm này bọn Pôn-pốt tấn công sang biên giới nước ta ở khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông ... A37 kéo lên cao, đội hình hàng dọc, hai chiếc đi đầu ném bom xong, lửa khói còn cuồn cuộn, Tạ Đông Trung bổ nhào, đến cự li 500 mét anh ném bom. Chiếc A37 theo đà lao xuống đến 300 mét vừa ngóc lên anh bị súng 12 li 8 bắn trúng chiếc máy bay bốc cháy. Trung kéo dù ... chiếc dù theo gió bay ngược về phía biên giới. Quân ta ở bên tuyến phòng ngự nhìn thấy rất rõ, các chiến sĩ ở đài quan sát nhìn thấy Tạ Đông Trung cố lái chiếc dù về phía đông, họ thấy anh kéo dù để nhờ gió đẩy nhanh về phía quân ta. Nhưng, chiếc dù như có một sức mạnh trì kéo, Trung cố vươn về phía con đường còn sức hút của trái đất lại kéo anh xuống. Trung rơi xuống một cánh đồng cách quân ta chừng 700 mét ... lập tức quân PônPốt kéo đến bao vây. Ở bên này quân ta nhả đạn, những khẩu đại liên cơ động ra khỏi công sự lao trên mặt ruộng đặt ở vị trí có thể bắn xa nhất. Nhưng những viên đạn chẳng thể đi xa hơn. Quân Pôn-pốt tiến rất nhanh, những tay súng AK, đầu trần, quần cụt, áo đen lao đến, Trung lùi dần về phía con đường. Nhưng, bọn chúng đến rất gần, khẩu súng ngắn trong tay đã lên đạn. Từ trên bờ ruộng Trung bắn gục hai tên tiến đến gần, định bắt sống anh. Quân ta, một trung đội vượt biên giới lao về phía người phi công của ta, trượt qua ruộng lúa khô, còn cách chừng 500 mét, cánh đồng lầy chắn ngang, dù mùa khô đã trên một tháng nước ở đây vẫn chưa khô, việc cơ động rất chậm. Trong khi đó, bọn Pôn-pốt xả súng ngăn lực lượng quân ta từ biên giới tiến sang. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trên đồng ruộng, các chiến sĩ bò xuống dựa vào bờ ruộng bắn trả, quân ta không tiến lên được. Họ nhìn người đồng đội của mình đánh trả bọn áo đen lao đến ngày càng đông. Họ thấy Trung từ trên bờ ruộng đứng thẳng bắn gục thêm hai tên nữa. Bọn Pôn-pốt không thể bắt sống được người lái máy bay Việt Nam kiên cường, bọn chúng bèn tập trung AK đồng loạt bắn gục Tạ Đông Trung ...
Mặc, lúc này mà nghĩ đến cá nhân hoặc sợ hãi không phải là một quân nhân chân chính. Hùng bóp mi-crô:
- Hải Yến, tôi vượt qua chiến tuyến đánh từ phía sau.
- Trung Nguyên chú ý quan sát tôi sẽ chi viện.
- Nghe rõ.
Hùng lái chiếc UH-1 vượt qua xe tăng và bộ binh ta, tiến sâu vào đất địch. Từ trên cao và phía sau, Hùng thấy rất rõ quân Pôn-pốt phơi mình sau những mô đất. Anh ra lệnh cho xạ thủ điểm xạ từng loạt đạn ngắn, chính xác. Làm vỡ toang tuyến phòng thủ, tạo điều kiện tốt cho xe tăng vượt chướng ngại vật. Chiếc máy bay của Hùng bay sát mặt đất, ào ào lướt qua trên cánh đồng rồi xoay ngang. Từng loạt M60 cày tung đất, cắm phăng vào bọn đề kháng. Anh căng mắt quan sát, tập trung lái tránh những nơi có quân áo đen ... Bỗng một loạt đạn súng bộ binh của quân Pôn-pốt, chẳng biết ở góc nào, bắn thẳng vào mũi chiếc trực thăng, đạn lửa đỏ lừ trong nháy mắt xuyên qua kính chắn gió, những mảnh vỡ rơi chưa đến sàn, Hùng thấy viên đạn cắm thẳng vào ngực rất mạnh, anh có cảm giác như ai đó đâm một nhát dao vào lồng ngực đau điếng. Nhờ chiếc áo giáp, viên đạn cắm vào ngực vỡ ra một mảnh áo và bắn sang tay người lái phụ của Hùng là phi công Lê Việt Bắc:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:24:57 pm »

- Anh Hùng, tôi bị thương.
Dù bị đạn cắm vào ngực khá đau, mải tập trung đánh địch. Hùng hỏi Bắc:
- Anh bị thương ở đâu?
Vừa hỏi, Hùng liếc thấy máu ở tay và cả trên mặt. Bắc trả lời:
- Tôi bị thương ở tay.
- Chắc là, ...
Hùng định nói "viên đạn cắm vào ngực anh văng qua" nhưng kịp ngăn lại. Phía quân ta, xe tăng đã vượt qua được chướng ngại, địch đang tháo chạy. Hùng nhìn khoảng cách giữa quân ta và bọn áo đen, lại sắp có chướng ngại thứ hai, có thể bộ binh và xe tăng không theo kịp. Bọn Pôn-pốt kịp rút về tuyến sau co cụm. Hùng lấy bông, băng trong túi cấp cứu ở bên hông đưa cho Bắc, động viên:
- Anh ráng một chút, băng lại đi, tôi đánh tiếp, hết đạn sẽ bay về.
Bắc nhăn mặt:
- Tôi đau quá.
Hùng liếc nhanh, mặt Bắc bê bết máu, trên mu bàn tay máu chảy khá nhiều. Anh nhìn ra ngoài, địch đang tháo chạy, nếu không tiếp tục tấn công, bọn chúng trụ lại được, máu chiến sĩ ta có thể đổ thêm. Hùng an ủi:
- Anh băng lại đi, quân ta đang xung phong, xe tăng lên không kịp. Ta phải tranh thủ "lượm" một ít để giảm bớt khó khăn cho bộ binh. Bắc im lặng, tự mình băng lại. Hùng hỏi:
 - Trên mặt anh có bị thương?
- Không.
- Sao nhiều máu quá vậy? Có sao không?
- Chắc là từ bàn tay, tôi quẹt mồ hôi ... không sao đâu, anh đánh tiếp đi ...
Vậy là, Bắc chỉ bị thương ở tay, Hùng yên tâm, tiếp tục cơ động máy bay đề phòng địch bắn, anh bay ở độ cao sát mặt ruộng, hiệu quả xạ kích của trực thăng rất cao, nhưng cũng dễ bị súng bộ binh bắn. Chiếc UH-1 của anh bay trên đồng lúa vừa gặt, cùng với biên đội hình thành năm pháo đài bay cơ động nhả đạn vào bọn diệt chủng ... tiếng động cơ, tiếng súng, tiếng pháo của ta và của địch trên cánh đồng phía tây Nhà Bàng - Thất Sơn, tạo nên cảnh tượng hùng vĩ chưa từng có trong một trận chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng của quân đội ta, Như những thiên thần, chiếc trực thăng nhào lộn, lượn vòng, bổ nhào làm cho bọn Pôn-pốt thực sự hoảng loạn, chúng lo đối phó với trực thăng thì không tập trung ở mặt đất. Như vậy, việc đối phó với xe tăng và bộ binh của ta sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc chiến đấu giữa quân ta và bọn Pôn-pốt diễn ra rất căng thẳng và ác liệt. Bọn chúng chống trả điên cuồng. Phi đội trực thăng vừa diệt địch, vừa yểm trợ chi viện cho bộ binh và xe tăng. Phi đội Nguyễn Đình Khoa phát hiện một chốt rất lợi hại của địch, làm cho quân ta không thể tiến lên được. Ở đó địa hình rất khó cho xe tăng cơ động, chiếc xe tăng nào định lách qua đám cỏ có bãi lầy, liền bị những tay súng chống tăng bắn cháy. Khoa cơ động, chiếc UH-1 vòng ra phía sau phóng một loạt rốc-két, ổ đề kháng bị tiêu diệt. Trong lúc đó, chiếc UH-1 của Hùng tấn công vào khu hậu cần. Hùng nghe trên tai tiếng gọi của Khoa gấp gấp:
- 36, 35 gọi - Hùng trả lời:
- 36 nghe rõ.
- 36, máy bay của tôi bị thương, điều khiển rất khó khăn.
Hùng bình tĩnh:
- 35, anh bay về đất của ta được không?
- Được, tôi cố gắng, tay lái rất nặng.
Sau khi phóng loạt rốc-két cuối cùng vào ổ phòng ngự của địch, lái chiếc UH-1 của mình cũng bị thương, anh hộ tống chiếc trực thăng của Khoa hạ cánh. Hùng cũng hạ cánh, anh nhanh chóng phát hiện, chiếc UH-1 của Khoa bị AK của bọn Pôn-pốt bắn bể ống dầu đỏ, loại dầu phụ trợ tay lái, nên điều khiển rất nặng và khó khăn. Sau khi bố trí người canh gác, Hùng chở tổ bay của Khoa về, đem ống khác lên thay ...
*
27 năm sau ngày lấy chiếc trực thăng, tôi gặp lại Hồ Duy Hùng, bây giờ trông anh chững chạc và từng chải. Nhưng, giọng cười, tính cách của anh vẫn đậm nét của một thời sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên. Anh kéo tôi ngồi ở hàng cây bên hồ đầm sen. Dưới nước bây giờ là những con cá quẫy đuôi, đớp bóng, thanh bình. Anh nhìn xa xăm, trên mái tóc đã có những đốm bạc, tôi hỏi:
- Nghĩ gì vậy Hùng?
Hùng cười giòn:
- Mới đó, mà đã 22 năm. Hồi đó, anh em mình, đâu có ai nghĩ sẽ có lúc ngồi ở đây.
Phải, tôi biết rất rõ, từ chiếc trực thăng UH-1, Hồ Duy Hùng đã tham gia chiến đấu hàng chục trận, tải thương. Trực tiếp bay vận chuyển, chở cán bộ cao cấp v.v... Tôi nhìn Hùng, câu nói "Mới đây mà đã 22 năm" làm cho tôi hết sức xúc động. Đúng là cách đây 22 năm. Hồi đầu mùa khô năm 1978, tôi tham gia chỉ huy trận hiệp đồng quân binh chủng, lần đầu, đánh lớn, tại xã Khánh Bình, thuộc địa phận Châu Phú, tỉnh An Giang. Tôi biết một câu chuyện, về một trận đánh lớn hôm đó.
Đó là ngày 14 tháng 3 năm 1978, cuộc chiến đấu ác liệt và liên tục. Có lúc bọn Pôn-pốt phản công, dọc tuyến biến giới hết sức căng thẳng. Quân ta phải chiến đấu trong điều kiện cực kì khó khăn. Càng về sau, quân địch tổ chức đối phó với trực thăng có hiệu quả, lần xuất kích nào cũng có những chiếc UH-1 bị thương. Cuối năm 1978, bọn Pôn-pốt tung hơn mười sư đoàn, liên tục tấn công sang biên giới nước ta. Tại khu vực 2 xã Khánh An, Khánh Bình, thuộc tỉnh An Giang, quân địch đã cố thủ khá chắc, nhiều lần, ta tổ chức đánh, nhưng đều không thành công. Tại đây, trung đoàn 11 của Pôn-pốt được tặng danh hiệu anh hùng vì đã đánh liên tục, chưa lần nào quân ta lọt được vào trận địa của chúng. Khu vực trung đoàn 11 chiếm, chạy dài gần ba ki-lô-mét. Xung quanh có sông, rạch bao bọc, con đường bộ duy nhất đi vào đến trung tâm chừng 500 mét, có một công sự vững chắc, nơi đặt sở chỉ huy trung đoàn.
Bộ chỉ huy mặt trận quyết định, sử dụng một sư đoàn chủ lực, hai đại đội địa phương, có sự phối hợp chiến đấu của không quân.
Mờ sáng pháo của ta cấp tập vào khu vực sở chỉ huy Trung đoàn 11, cùng lúc đó các chiến sĩ bộ binh đã áp sát tuyến xuất phát tấn công ... Bộ binh vừa đặt chân lên khu vực đầu cầu, lập tức đạn cối từ những nơi chúng bố trí và được ngắm bắn sẵn, từ trước, gần như đạn cối rơi đúng từng bước chân của chiến sĩ ta. Đến gần trưa, bốn đợt xung phong đều bị chặn đứng. Bộ chỉ huy thấy rõ, mối đe dọa chính từ những trận địa súng cối, rải rác ở khắp các khu vực trên cánh đồng ruộng mênh mông, bèn lệnh cho UH-1 tiêu diệt. Các chiến sĩ lái máy bay xuất kích tràn qua bên kia chiến tuyến, Hồ Duy Hùng nhanh chóng phát hiện các trận địa cối của địch, anh phóng những loạt rốc-két hết sức chính xác, tiêu diệt các trận địa hỏa lực của bọn Pôn-pốt ... bộ đội ta tiếp tục xung phong, nhưng không sao vào được căn cứ của địch, hỏa lực phòng ngự rất mạnh, đặc biệt chúng sử dụng B40 và đại liên khống chế cửa mở độc đạo có hiệu quả, quân ta hi sinh khá nhiều phải dừng lại. Rõ ràng, thế phòng thủ dựa vào địa hình sông, rạch và đầm lầy rất lợi hại. Quân ta buộc phải dùng bom, bốn chiếc A37 xuất kích, ngay loạt bom đầu tiên, toàn bộ cứ điểm phòng thủ của sở chỉ huy trung đoàn 11 bị san bằng. Địch bỏ trận địa rút chạy, vượt sông về bên kia biên giới. Nhưng, khi rời khỏi trận địa là phơi mình, là bộc lộ nhược điểm. Ngay lúc đó, Hồ Duy Hùng và đồng đội đè đầu quân địch nhả đạn, những chiếc xuồng, những tên lính vứt súng, bơi trên sông đều bị UH-1 tiêu diệt. Suốt một ngày, gần như ngồi trên máy bay, chiếc UH-1 của Hồ Duy Hùng và đồng đội cà nát trận địa địch. Anh đánh vào sở chỉ huy phía sau của trung đoàn 11, đánh trận địa. Xạ kích vào các cụm đóng quân, những chiếc xe chở lương thực và cả những tên lính khoác súng hành quân. Những chiếc UH-1 của trung đoàn 917 không quân cũng không ít bị đạn "dính" vào, có rất nhiều viên AK và cả những viên đạn 12 li 8. Đến chiều, quân ta làm chủ trận địa, toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn 11 của Pôn-pốt bị tiêu diệt, ba tiểu đoàn bị thiệt hại nặng, hai xã Khánh An và Khánh Bình sau nhiều tháng bị chiếm đóng, đã được giải phóng.
Ngày hôm sau, trên chiếc trực thăng UH-1, Hồ Duy Hùng chở đại tá Lê Hải, phó tư lệnh sư đoàn 372 không quân, kiểm tra kết quả trận đánh. Anh bay dọc theo kênh Vĩnh Tế, chẳng biết từ đâu, một viên đạn AK từ một công sự nào đó của bọn Pôn-pốt bắn lên, một viên đạn trúng đuôi chiếc UH-1, Hùng báo cáo cho đại tá Lê Hải và xin phép bay về sân bay Trà Nóc. Sau khi kiểm tra, anh phát hiện ống truyền lực cánh quạt đuôi bị bắn thủng. Hùng mở lớp vỏ đuôi máy bay, tháo ra một ống dài chừng bảy tấc. Rồi chẳng nói với ai, anh đến khu tha ma, xác máy bay Mĩ, tìm chiếc đuôi trực thăng, tháo ra một khúc có chiều dài bằng ống truyền lực cánh quạt đuôi của anh. Chẳng mấy chốc với "đồ nghề" có sẵn trên máy bay Hồ Duy Hùng "lắp ráp" hoàn chỉnh rồi nổ máy. Đại tá Lê Hải đến bên cạnh:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:25:38 pm »

- Nè, Hùng! Có đảm bảo không?
Hùng trả lời:
- Dạ, bảo đảm.
- Đừng có ẩu, chuyện, máy bay chớ không phải xe hơi.
Hùng tự ái, nhưng rồi nghĩ ngay, ông ấy đã nói đúng, bèn thưa:
- Tôi nghĩ rằng, tôi đã lắp đúng kĩ thuật, tôi có học ...
Thoáng nghi ngờ Lê Hải hỏi:
- Thật không? Học hồi nào?
Hùng nghiêm nghị:
- Thưa anh, nếu sợ, anh ở lại, về trung đoàn, tôi lái chiếc khác đến đón anh.
Lê Hải cười xòa, anh vốn như vậy. Bây giờ, tính cách một hiệp sĩ coi thường hiểm nguy thể hiện ngay:
- Mày dám bay, tao dám ngồi...
Nè, Hùng, anh thấy thế nào?
Thực ra, tôi muốn hỏi công việc của anh hiện nay như thế nào? Nhưng câu nói chẳng có chủ đề làm cho Hùng bối rối, còn tôi thì cứ nhìn dưới nước. Mặt nước hồ hiện lên chiếc đu quay khổng lồ, cao, sừng sững, ánh xuống mặt nước như chiếc cối xay nước của đồng bào dân tộc ở miền Bắc. Hình ảnh chiếc đu quay ám ảnh, tôi hỏi:
- Ai làm chiếc đu quay này?
Hùng phấn chấn:
- Ở đầm sen, chiếc đu quay này, cao, to, hùng vĩ những dễ làm, có cái còn khó hơn, bọn tôi còn làm được.
- Cái gì vậy?
- Hệ thống nhào lộn trên không, vượt thác, nhạc nước Đầm Sen, hệ thống mô-nô-ray và hàng chục công trình vui chơi khác đều do anh em chúng tôi tự làm. Có dịp tôi sẽ kể cho anh nghe. Tôi nghĩ...
Hùng tìm từ ngữ hay tìm ý. Tôi quan tâm chuyện khác, bèn hỏi:
- Theo anh, cái gì hấp dẫn nhất Đầm Sen?
- Đầm Sen hấp dẫn tùy theo lứa tuổi, như các cháu thiếu nhi thích nhất là trò chơi, nam nữ thanh niên là những nơi đi dạo, những trò chơi cảm giác mạnh, còn người lớn tuổi thích môi trường gần với thiên nhiên. Ở Đầm Sen, chúng tôi thỏa mãm tất cả mọi đối tượng, ai vào đây cũng có chỗ thích hợp để chơi.
- Nè, ví dụ cỡ tôi và cháu bé kia - Tôi chỉ một em bé đang đi với cha mẹ, em khoảng tuổi tiểu học. Hùng cười lớn:
- Anh thật là... chẳng có gì thay đổi.
Tôi thắc mắc:
- Nghĩa là sao?
- Là bao giờ cũng đặt tối đa và tối thiểu, y như động cơ máy bay, có phải máu nghề nghiệp?
- Mình muốn, một cái gì đó phải là cái hấp dẫn chung, ai cũng thích
- Nè, ở Đầm sen có không?
Hùng khẳng định:
- Có, đó là một vườn chim giữa lòng thành phố. Sắt thép, máy móc dù sao cũng là vật vô tri, chỉ cần có kĩ thuật cao, có tiền là làm được. Còn chú chim, nó là một sinh vật hẳn hoi. Môi trường tốt chim mới sống và sinh sản. Nó sinh sản là chứng tỏ môi trường thích hợp. Tôi dám chắc, "chim", người lớn, trẻ em đều thích.
Tôi hỏi cắc cớ:
- Vườn chim của Đầm Sen có bao nhiêu loại?
Tôi liếc nhìn Hùng, mỉm cười, bụng bảo dạ: "Chắc chắn là anh chàng phi công, vớ phải câu hỏi này sẽ xịt như chiếc UH-1 không đủ điện áp để khởi động, cất cánh". Đột nhiên, Hùng cười rổn rảng. Trong bụng tôi nghĩ chắc rằng anh chàng cười trừ. Nào ngờ chàng cựu phi công hùng hồn:
- Có gần bảy mươi loài chim đang sinh sống tại đây, chỉ riêng cò, có cò trắng, cò quắm, cò rám, cò ngà, cò hạt, cò đen, cò lửa, cò cổ trắng. Còn sáo ở đây đã có sáo sậu, sáo Trung quốc, sáo nghệ, sáo nhồng, sáo đá, sáo Đà Lạt ... Rồi điên điển, cồng cộc, cu đất, cu ngói, cu xanh, diệc xám, diệc lửa, chằng bè, gà nước, họa mi, chào mào, hoành hoạch, oanh vũ, ó, đại bàng, diều hâu, cú mèo, diều lửa... Thấy không thể bắt bí, tôi chặn ngang:
- Nè, Hùng, anh nói chim đẻ tự nhiên ở đây, thiệt không?
Rõ ràng anh chàng này nắm rất chắc, từ chiếc trực thăng bị bắn bể ống truyền lực cánh quạt đuôi, anh ta còn tìm đồ cũ thay thế, bay được, thì việc người giám đốc công ti bây giờ từng là chỉ huy trưởng các công trình phức tạp, đòi hỏi kĩ thuật cao và an toàn tại công viên Đầm sen, như lời của công nhân công ti thường nhắc tới, dù Hùng không nói ra, tôi tin ngay. Anh đã từng chỉ huy xây dựng và lắp đặt hệ thống nhào lộn trên không, trò chơi vượt thác, hệ thống tàu điện trên cao. Đặc biệt là công trình nhạc nước. Đây là một công trình hoành tráng kết hợp giữa kĩ thuật, mĩ thuật và âm nhạc rất nổi tiếng của Đầm Sen và Việt Nam. Muốn có nhạc nước phải giải quyết kĩ thuật phức tạp của thủy động học để điều chỉnh áp lực nước các vòi phun, cho đến kết hợp giữa các giai điệu của bài hát, sự chuyển động của nước phun và ánh sáng. Xem nhạc nước không chỉ có nhạc nước ngoài mà còn có những bài hát của Việt Nam. Tôi đã ngồi hàng chục phút để thưởng thức một cảnh tượng hùng vĩ, cứ ngỡ đang ở thiên đường... Tôi biết, chỉ riêng tại Đầm Sen đã có hàng chục trò chơi cảm giác mạnh như tàu hải tặc, cá chép quay, đu dây quay, máy bay, đĩa nghiêng, vượt thác, nhào lộn trên không. Hàng chục trò chơi cho thiếu nhi rất đa dạng như thực tế ảo, con rồng lượn, xe điện đụng, xe lửa mi ni ... Chỉ riêng cây và hoa, những người như tôi, mê say, có thể ngắm hàng tuần liền cũng chưa hết như vườn bướm, nhà hoa ôn đới, nhà xương rồng, vườn lan, vườn hoa phương Đông ... Hùng rất vui:
- Thời kì đầu khó khăn lắm, toàn bộ tiền thưởng, tiền làm ngoài giờ của tôi và những anh em yêu nghề, tự bỏ ra, để tìm mua chim về nuôi, bởi vì chim chết, đâu có ai cho thanh toán. Bây giờ anh coi đơn giản vậy, chúng tôi phải mất bảy năm gầy dựng hết sức vất vả mới thàng công. Lúc đầu, chỉ mong sao, nó sống, rồi các loài chim sống với nhau được, làm sao không bị bệnh dịch, thức ăn cho từng loại ra sao, rồi làm sao cho nó làm tổ và đẻ được. Những chuyện như vậy, đối với các sở thú hoặc các nhà chuyên môn thì chẳng có gì khó. Nhưng, những người làm du lịch, những người lính trở về như chúng tôi thật là khó khăn. Bây giờ, thậm chí nhiều loài chim rất khó tính cũng đẻ được như con công, gà đẩy, giang sen, điên điển, quạ.
Quả thật, tôi thấy con giang sen đang nằm ổ trên chạc ba cây, khá cao, chú ta ló cái đầu bàng bạc nhìn chúng tôi thật là dễ thương. Thấp thoáng hàng chục tổ chim đủ loại. Tôi biết, ở đây Hồ Duy Hùng trân trọng những bác sĩ, y sĩ, nghệ nhân, nhân viêm chăm sóc chim, cây cảnh, vườn hoa ...
Tôi còn biết, công ti của anh rất quan tâm phát triển cơ sở vật chất ở các khu vui chơi, giải trí. Chẳng những, ở tại thành phố mà còn ở khu du lịch Vàm Sát, huyện Cần Giờ. Nếu sau này đường tốt, hàng ngày người dân thành phố sẽ đến đây để hưởng không khí trong lành và thưởng ngoạn rừng thiên nhiên với hàng trăm loài chim, khỉ, cá sấu sống tự nhiên thật là tuyệt vời.
Đến Đầm Sen, hoa viên, hàng ngày, những hoạt động nhộn nhịp của kinh doanh, cùng với sự sôi nổi của các loại thể dục buổi sáng của người dân ở đây, tôi thật sự bị cuốn hút cái không khí lành mạnh, trong veo, đáng yêu của tập thể cán bộ, công nhân viên ở đây. Tôi quyết định trở lại câu hỏi không có chủ đề:
- Hùng, anh thấy thế nào?
- Tôi cũng như anh, chúng ta ráng sống xứng đáng.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2008, 03:26:14 pm »

Trời, không ngờ một câu hỏi không có chủ đề của tôi, Hồ Duy Hùng lại có câu trả lời tuyệt vời, cũng không có chủ đề cụ thể nào. Nhưng, tôi hiểu, để sống xứng đáng lại rất cụ thể, bằng những hành động hết sức cụ thể, cả những ý nghĩ cũng hết sức cụ thể. Tôi và anh đã từng cầm súng, làm người lính tiên phong trong chiến tranh, chắc chắn, chúng ta sẽ chẳng hổ thẹn trong hòa bình.
Trước khi kết thúc, tôi muốn trở lại câu chuyện nên duyên tác phẩm này, bắt nguồn từ một nhân vật thật là la, anh ta gây cho tôi ấn tượng rất mạnh, câu chuyện như sau:
Cuối tháng 10 năm 2000, tôi nhận được bức thư của một sĩ quan không quân chế độ cũ, viết bằng mực tím, trên loại giấy ca-rô khổ to. Anh ta muốn gặp tôi, chỉ mươi, mười lăm phút, để trao cho tôi một tài liệu, có liên quan đến một sĩ quan không quân, đồng đội của tôi, bức thư viết:
"Kính gửi ông.
Cho đến tận hôm nay, khi bản thân đang trong tình cảnh khắc khoải, sống bên bờ cõi chết, do căn bệnh nan y, khởi phát, hành hạ xác thân, mà lòng vẫn mang nặng hoài bão, hoàn tất một tác phẩm cuối đời, nhằm cảnh tỉnh thế hệ trẻ với ba tệ nạn, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, vốn là một thảm họa, gieo rắc vô vàn bi thảm đối với tôi. Tôi vẫn lấy làm tiếc, nếu sự việc có thật, mang đầy chất huyền thoại của một người tình báo, người chiến sĩ cách mạng, bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian, không ai tái hiện được. Tự cảm thấy bản thân mình, không thể nào thực hiện nổi và theo thiển ý của riêng cá nhân tôi, thì ông mới là người có đầy đủ khả năng, điều kiện để hoàn thành tác phẩm huyền thoại này. Tôi nghĩ rằng, với niềm hi vọng và niềm tin, ông sẽ hoàn thành điều mà tôi từng ôm ấp, nhưng biết rõ, tôi không thể nào thực hiện được ..."
Anh ta, hồi năm 1972 là hình cảnh lại quân sự, thuộc đại đội 24 của quân cảnh điều tra tư pháp, đồn trú tại Nha Trang. Anh ta được phân nhiệm tiến hành điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, để chuyển giao lên tòa án quân sự Nha Trang, truy tố theo pháp luật, ba bị can với tội danh "tản thất quân dụng". Nghĩa là, ba phi công thuộc sư đoàn 2 không quân, để mất chiếc trực thăng UH-1 tại hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt vào cuối năm 1973, tôi hỏi khi đứng trước anh ta:
- Anh muốn gặp tôi?
- Dạ, tôi muốn gặp ông.
Anh ta nhìn tôi, tôi bắt gặp cặp mắt của một người bệnh khá nặng, để giải đáp điều thắc mắc của tôi, anh ta phân bua:
- Tôi bị bệnh nan y.
- Anh bệnh gì?
- Thưa, tôi bị nhiễm HIV, đã chuyển thành AIDS.
Tôi giật mình, thực ra tôi đã nghe nhiều về căn bệnh thế kỉ này. Tôi nhìn thấy những người bệnh trên phim, trên ảnh. Bây giờ con người thật, mầm bệnh chết người, tôi từng hoảng sợ, đang nằm trong con người đang ngồi trước mặt tôi. Tôi thấy anh ta cũng như những người bình thường, chỉ có ốm hơn, đôi mắt không còn thần sắc. Và, như vậy cuộc sống của anh ta, được đếm từng ngày, tôi nói:
- Tôi rất thông cảm với anh, có lẽ anh gặp tôi có điều gì cần nói.
- Dạ, tôi không sống quá một năm nữa, tôi biết, cho nên...
Anh ta nói ngập ngừng, mệt mỏi. Tôi cho người mang đến cho anh ta li nước cam. Uống vội một hớp, anh ta nói tiếp:
- Tôi muốn trao lại cho ông, những tài liệu về những người phi công phía quân lực Việt Nam cộng hòa, về vụ án chiếc UH-1 bị mất. Tôi muốn biết người phi công, đã lái chiếc UH-1 bay đi, trên bờ hồ Xuân Hương năm ấy.
Tôi trả lời:
- Người phi công đã lấy cắp chiếc trực thăng của Mĩ, anh ấy là bạn của tôi, tên là Hồ Duy Hùng, sau giải phóng là đại úy quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay anh ấy đang quản lí một doanh nghiệp khá lớn ... công ti du lịch Phú Thọ. Công ti có khu du lịch Đầm Sen nổi tiếng cả nước, có nhà hàng Phong Lan, có khách sạn Phú Thọ v.v... Rất tiếc, hôm nay không có hẹn, vào dịp khác, tôi sẽ dẫn anh đến thăm anh ấy ...
Anh ta nghĩ ngợi một lúc, rút ra trong cặp xấp tài liệu trao cho tôi:
- Thưa ông, đây là những tài liệu của vụ án, tôi giao lại cho ông ...
- Anh yên tâm, tôi sẽ làm hết sức mình, để sớm hoàn thành tác phẩm về một con người, một thời làm cho bọn Mĩ hết sức lo lắng. Xin cảm ơn anh, tôi sẽ không phụ lòng của anh.
Anh ta đứng dậy chìa tay, tôi nắm lấy, để yên bàn tay mình trong lòng bàn tay anh ta. Anh ta hết sức ngạc nhiên, nhiều người đã tránh xa, hoảng sợ ... ít có người dám đến gần, nói gì đến bắt tay. Tôi thấy anh ta nhìn tôi với ánh mắt biết ơn. Còn tôi, trong lòng bàn tay, tôi cảm thấy, dường như máu trong người anh ta qua bàn tay chảy ngập ngừng, có lẽ, mạch máu có những con đập ngăn dòng máu, vốn cần phải chạy với tốc độ khá lớn để nuôi cơ thể. Nó ngăn máu, nó ngăn cả sự sống trong con người anh ta. Tôi biết, vì không kìm chế được mình, anh ta đã sống buông thả, sống gấp. Đến bây giơ, việc muốn làm đã không còn làm được. Con người ta, trượt dốc thì dễ, còn leo dốc, chiến thắng với chính mình, mới là điều cực kì khó khăn. Dù sao, ý tưởng về một hạt ngọc bị lớp bụi thời gian che lấp, anh ta đưa bàn tay gầy yếu của mình chùi nó, những vân thạch quí đã hiện ra và anh ta đã gửi gấm nó cho tôi. Tôi hết sức biết ơn.
Hết
 

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM