Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:33:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719  (Đọc 63644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2014, 05:04:10 am »

Xin phép được giới thiệu với diễn đàn cuốn sách "Đường Về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719" của tác giả Nguyễn Kỳ Phong, một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự độc lập ở Mỹ. Tác giả nghiên cứu về cuộc chiến từ góc nhìn của phía bên kia, với một phương pháp tiếp cận duy lý và khách quan. Trước mắt, xin trích giới thiệu hai chương trong sách là Chương 1 và Chương 7. Rất mong các bạn quan tâm tham gia ý kiến nhận xét và đóng góp.

Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2014, 05:09:00 am »

Chương Một



“Westmoreland Muốn Đi Tchepone Nhưng Không Có Vé”




KẾ HOẠCH HÀNH QUÂN EL PASO

Tháng 11 năm 1967 Đại Tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh Military Assistance Command, Vietnam (MACV), chỉ thị Ban Hành Quân của Bộ Tư Lệnh MACV sọan thảo  một kế hoạch đánh qua biên giới Lào. Hành quân có tên là tên là El Paso (OPLAN EL PASO). Mục tiêu chủ yếu của cuộc hành quân là Tchepone, một thị trấn nằm trên Đường Số 9 ở Hạ Lào, cách biên giới Việt Nam chừng 45km. Ban soạn thảo Hành Quân El Paso tiên liệu một lực lượng tấn công gồm ba sư đoàn tác chiến — Hai Sư Đoàn Không Kỵ và Bộ Binh Hoa Kỳ; và Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vùng hành quân trải rộng từ Lao Bảo ở biên giới, đánh về hướng tây qua khỏi Tchepone chừng 30km; ở hướng tây nam, quân sẽ đánh tới Muong Phine; ở hướng nam, quân sẽ đến tận Muong Nong; và ở hướng bắc, cuộc hành quân giới hạn lại ở phía bắc bờ sông Xe Banghiang. Để hình dung phạm vi cuộc hành quân, tưởng tượng vùng hành quân là một hình vuông, mỗi cạnh dài chừng 70km. Cuộc hành quân bắt đầu khi quân VNCH nhảy dù xuống chiếm Muong Phine, cách Lao Bảo khoảng 70km. Lực lượng này có trách nhiệm ngăn chận mọi liên lạc của địch từ nam lên bắc. Cùng lúc Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH tấn chiếm Muong Phine, Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ sẽ đổ bộ chiếm ba mục tiêu Tchepone, Ban Dong, và Ban Houei Sane. Trong khi đó, Sư Đoàn Bộ Binh có cơ giới yểm trợ, sẽ đánh theo trục lộ Đường 9, băng qua biên giới,  tiến về bắt tay với Sư Đoàn Không Kỵ đã có mặt ở những mục tiêu phía trước. MACV dự định cuộc hành quân sẽ kéo dài 18 tháng (hành quân trong ba mùa khô, mỗi mùa chừng năm đến sáu tháng).

Nghiên cứu đến từ kế hoạch OPLAN EL PASO cho thấy một số chi tiết quan trọng về địa hình chiến trường, và nhu cầu tiếp liệu cần thiết cho một lực lượng cấp quân đoàn đang tác chiến ngoài mặt trận. MACV dự định tổng số quân tham dự là 60.000 người; và số tiếp liệu hàng ngày cho số quân đó là 2.975 tấn — 2.975.000 ký. Như vậy, trung bình mỗi quân nhân cần 49,5 ký quân nhu, quân dụng, và nhu yếu phẩm một ngày. Dĩ nhiên quân số 60 ngàn người này không tập trung tại một địa điểm mỗi ngày để nhận hàng, mà họ trải đều ra trên một chu vi hơn 4.900km vuông. Thực tế này sẽ làm cho vấn đề tiếp liệu khó khăn. Khó khăn hơn, là tất cả tiếp liệu được tập trung ở những giang, hải cảng ở xa mặt trận, như ở Đà Nẵng, Mỹ Thủy, Mỹ Khê, Cửa Việt … từ đó tiếp liệu được đưa về Khe Sanh; và từ Khe Sanh quân dụng sẽ được phân phối đến tay người nhận ngoài mặt trận. Ban soạn thảo hành quân đồng ý trực thăng là loại phi cơ hữu dụng để chuyên chở tiếp liệu ra chiến trường, nhưng với địa hình và thời tiết ở Hạ Lào, ban soạn thảo khuyến cáo, trực thăng chỉ có thể được xử dụng đến một giới hạn nào đó. … Số quân dụng còn lại phải di chuyển bằng phi cơ vận tải — C-123; C-7A; C-47; hay C-130. Với nhu cầu vận chuyển như trên, kế hoạch hành quân đòi hỏi một số phi trường phải được tái thiết và bảo vệ tại vùng hành quân như ở Houie Sane, Muong Phine, Tchepone, Muong Nong, và Khe Sanh. Vài địa điểm xung quanh các vùng trên cũng được đánh dấu, để trong trường hợp cần thiết phi cơ có thể thả tiếp liệu bằng dù xuống ngay mặt trận.

Kế hoạch OPAN EL PASO nhấn mạnh về vấn đề vận chuyển bằng đường bộ. Kế hoạch cho biết chỉ có một con đường quân xa có thể di chuyển đến chiến trường Lào: Đó là Đường 9. Đường 9 là một con đường xuyên Đông Dương, bắt đầu từ Đông Hà đi đến Savannakhet [1].  Quân xa chỉ chạy được một chiều — và chỉ chạy được trong điều kiện thời tiết lý tưởng nhất. Các đoàn quân xa di chuyển trên con lộ này đều phải chấp nhận yếu tố may rủi: địch quân chỉ cần phục kích, đặt mìn một vài nơi trên đoạn đường thì sự ứ động dây chuyền sẽ xảy ra ngay. Đó chỉ là đọan đường từ Đông Hà về Lao Bảo, trên địa phận Việt Nam. Các đoạn đường khác ở mặt trận trên đất Lào lại là một yếu tố quan trọng khác, khó tiên đoán được.

Theo Đại Tá John M. Collins, nguyên chỉ huy trưởng Ban Kế Hoạch Chiến Dịch và Hành Quân của MACV [2]  — một trong những người soạn thảo OPLAN EL PASO — vấn đề tiếp liệu là một chủ đề quan trọng trong kế hoạch EL PASO. Ông cho biết, năm 1967, thời điểm kế hoạch đang được soạn thảo, vấn đề tiếp liệu cho nguyên Quân Đoàn I ở Vùng I đã gặp nhiều khó khăn rồi, nhất là vùng cực bắc của quân đoàn. Tài liệu lúc đó cho thấy Quân Đoàn I chưa bao nhận đủ số quân nhu quân dụng họ yêu cầu. Với quân số 215.000 quân Mỹ-Việt, Vùng I cần 11.265 tấn tiếp liệu hàng ngày. Riêng ở hai tỉnh tuyến đầu của vùng (Quảng Trị và Thừa Thiên), 123.000 quân nhân ở đây tiêu thụ 5.315 tấn một ngày. Như vậy, vấn đề tiếp tế cho Vùng I sẽ khó khăn hơn khi nhu cầu tiếp liệu cho kế hoạch OPLAN El PASO được cộng thêm vào nhu cầu tiếp liệu thường xuyên cho toàn vùng.

Một trở ngại thiên nhiên khác mà MACV không thể giải quyết được: thời tiết. Những cơn mưa mùa trái ngược ở hai bên đông tây của dải Trường Sơn, gây cản trở cho vấn đề di chuyển tiếp liệu ở hậu cứ và ở mặt trận. Từ tháng 5 đến cuối tháng 9, Hạ Lào — vùng hành quân — sẽ bị tê liệt bởi những trận mưa như thác lũ của cơn gió mùa tây nam. Khi mùa khô đến ở Hạ Lào, thì ở miền Trung — căn cứ tiếp liệu cho mặt trận — gió mùa đông bắc sẽ đem lại những cơn mưa dai dẳng từ tháng 10 cho đến tháng 3. Dưới loại thời tiết trái ngược đó, cả hai vùng hành quân và hậu cứ tiếp liệu sẽ thay phiên nhau đối đầu với những khó khăn vì thời tiết. Ở Hạ Lào, khi mùa mưa đến, tất cả mọi hoạt động vận chuyển đều bị tê liệt; những con đường làm tạm thời sẽ bị san bằng vì nước lũ [3].  Ban sọan thảo OPLAN EL PASO cho biết thời tiết sẽ gây nhiều khó khăn cho tiếp liệu khi họ tiên đoán, “... vấn đề tiếp liệu sẽ khó khăn không kém vấn đề tác chiến.” [4]  Đầu năm 1968 Kế Hoạch OPLAN EL PASO được soạn thảo xong và đệ trình cho Westmoreland để chờ quyết định. Nhưng Westmoreland không đủ thẩm quyền để quyết định một cuộc chiến đánh lan qua biên giới Lào. Trong khi chờ lệnh từ thẩm quyền cao hơn, Westmoreland tìm một căn cứ ở bên này biên giới để làm đầu cầu đổ quân, chờ được phép thực hiện kế hoạch. Westmoreland chọn Khe Sanh, một căn cứ nằm sát góc tây bắc của giao điểm biên giới Lào-Việt và Vùng Phi Quân Sư (vĩ tuyến 17), ông nghĩ đây là một địa điểm lý tưởng để làm hậu cứ chuyển vận cho OPLAN EL PASO.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2014, 05:25:49 am »

NGUỒN GỐC CỦA OPLAN EL PASO

Ai là người đề nghị Kế Hoạch EL PASO? Đây là một câu hỏi tất định. Đại Tướng Westmoreland, trong hồi ký A Soldier Reports, nói ông có đề nghị một cuộc hành quân đánh qua Lào để cắt đường tiếp vận của Bắc Việt vào nam [5].  Ông chỉ nói vắn tắt như vậy, không nói rõ là tự ông nghĩ ra, hay thẩm quyền từ trên thúc dục ông tìm một kế hoạch cắt đường xâm nhập của địch xuyên qua đất Lào. Tướng Wesmoreland cho biết kế hoạch hành quân EL PASO (kế họach đang được nói ở đây) là một trong ba kế hoạch được soạn thảo. Tướng Westmoreland không nói rõ chi tiết về hai kế hoạch hành quân kia, ông chỉ nói, đầu năm 1966 một cuộc hành quân đánh qua Lào được điều nghiên với ý kiến của Thiếu Tướng Harry W.O. Kinnard và Đại Tá Arthur D. Simons [6].  Trong kế hoạch đầu tiên này (không nói tên là gì), tướng Westmoreland dự định cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ nhảy xuống chiếm một cứ điểm ở bình nguyên Bolovens để lập đầu cầu không vận. Từ đó sư đoàn sẽ đánh lên hướng bắc, về thị trấn Saravane. Sau khi chiếm Saravane, sư đoàn sẽ đánh ngược về hướng tây bắc và chiếm thị trấn Savannakhet. Song song với hoạt động của Sư Đoàn Không Kỵ, ở hướng đông Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tiến đánh trên Đường 9, tấn công về hướng Tchepone; và ở đông nam, Sư Đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ và một sư đoàn VNCH sẽ đánh ngược lên để cắt đường giao thông của đối phương từ Trung Lào xuống Hạ Lào. Westmoreland nói tiếp trong hồi ký là kế hoạch bị bỏ cho đóng bụi cho đến đầu mùa Xuân năm 1968 khi ông ra lệnh cho Trung Tướng Bruce Palmer sọan thảo lại một kế hoạch khác có tên là EL PASO I — kế hoạch này giả định quân tấn công qua Lào sẽ đến từ hai hướng, Thái Lan và Việt Nam. Kế hoạch thứ hai này không còn nói đến đầu cầu không vận của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh ở bình nguyên Bolovens. Thay vào đó, quân đội Hoàng Gia Thái Lan và quân Hoàng Gia Lào được dự định sẽ chiếm bình nguyên Bolovens trước. Sau đó, từ Đông Hà, ba sư đoàn Việt và Mỹ (hai Mỹ; một Việt) sẽ đánh về hướng tây theo trục lộ Đường 9. Cùng lúc, từ Thái Lan một sư đoàn Hoa Kỳ sẽ đánh về hướng đông — và Tchepone là điểm bắt tay của bốn sư đoàn.

Nhưng sau khi duyệt lại kế hoạch EL PASO I, tướng Westmoreland yêu cầu tướng Palmer soạn thêm một kế hoạch mới, có tên là EL PASO II — kế hoạch do Đại Tá Collins soạn thảo mà chúng ta đang nói. Trong kế hoạch sau cùng này, Westmoreland chỉ dự kiến một sư đoàn cộng (+), tương đương bốn lữ đoàn, khởi quân từ Khe Sanh đánh theo Đường 9 về Tchepone.


Khái niệm hành quân EL PASO 1967: Nhảy Dù VNCH đổ bộ chiếm Muong Phine; Sư Đoàn Không Kỵ đổ bộ trực thăng chiếm Ban Houei Sane, Tchepone, và Bản Đông; trong khi Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới đánh theo Đường 9 về Tchepone. Ban soạn thảo dự trù cuộc hành quân kéo dài trong ba mùa khô (18 tháng).
 


Bản đồ tổng quát vùng hành quân. Tất cả phi trường trong vùng hành quân phải được tu bổ trước khi xử dụng. Từ Lao Bảo đến Muong Phine khoảng 70 km đường chim bay.


Đến đây, chúng ta thử nhận định về hai kế hoạch đầu tiên của tướng Westmoreland. Kế hoạch năm 1966: Lập đầu cầu không vận ở Bolovens; từ đó đánh xuyên lên Saravane; sau Saravane, đạo quân sẽ tiến chiếm Savannakhet. Đây là một kế hoạch đầy chủ quan, khó thực hiện trên thực tế. Duyệt xét kế hoạch, chúng ta có thể hiểu tại sao Westmoreland nói kế hoạch bị để cho đóng bụi. Với khả năng tiếp vận của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1966, lập một đầu cầu không vận từ An Khê, Pleiku (nơi có bản doanh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ) đến Bolovens là một chuyện khó khăn. Khó khăn hơn nếu đường tiếp liệu sẽ kéo dài từ Bolovens đến Saravane, và Saravane đến Savannakhet. Là một sư đoàn không vận với hơn 500 trực thăng cơ hữu, nhưng tầm hoạt động của trực thăng bị giới hạn vì mục tiêu hành quân quá xa, và số lượng tiếp tiếp liệu quá lớn. Nếu tiếp liệu cho một sư đoàn đã khó khăn, thì tìm đâu ra khả năng tiếp liệu khác để cung cấp cho ba sư đoàn còn lại? Đây là một kế hoạch hành quân quá tự tin, nếu không nói là một kế hoạch không tưởng. [7]

Kế hoạch hành quân thứ hai — EL PASO I. Kế hoạch này có thời gian tính không hợp, nếu chúng ta dựa vào những gì tướng Westmoreland viết trong hồi ký. Thứ nhất, kế hoạch cần sự hợp tác quân sự hoàn toàn và công khai của hai chánh phủ Thái Lan và Hoàng Gia Lào (quân đội Thái và Lào chiếm bình nguyên Bolovens; và một sư đoàn quân Thái đánh về Tchepone). Sự hợp tác này sẽ không bao giờ xảy ra trong thời điểm đó: Chánh phủ Thái chưa muốn tham dự cuộc chiến ở Việt Nam một cách ồ ạt; Hoàng Gia Lào luôn luôn tuyên bố Lào là một quốc gia trung lập. Còn Hoa Kỳ thì không muốn công khai nới rộng cuộc chiến sang Lào hay Cam Bốt. Chính trong hồi ký, tướng Westmoreland cũng có nói đến sự khẳng định của tổng thống Lyndon Johnson là Hoa Kỳ không được tấn công qua hai quốc gia trung lập đó. Sự vô lý thứ hai là khi cuộc hành quân được soạn thảo: Tướng Westmoreland nói, “đầu Xuân 1968 tôi ra lệnh cho tướng Palmer ...” Đầu mùa Xuân bắt đầu vào ngày 20 tháng 3 hàng năm, nhưng có thể nào tướng Westmoreland muốn sọan thảo một cuộc hành quân qua Lào vào thời điểm đó — tháng 3, 1968, năm Mậu Thân? Điều này khẳng định tướng Westmoreland nhớ lộn ngàytháng. Như chúng ta đã biết, vào đầu tháng 2, 1968, Quân giải phóng mở cuộc Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa trên toàn miền nam. Bị đánh bất ngờ,  quân đội VNCH và Hoa Kỳ phải cần đến nửa năm mới chỉnh đốn lại tình hình quân sự. Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ trong thời gian đó rất bối rối: Trại Lực Lượng Đặc Biệt quan trọng của Mỹ ở Lang Vei (phía nam Khe Sanh) bị thất thủ; căn cứ Khe Sanh với một trung đoàn TQLC Hoa Kỳ trấn thủ đang bị đe dọa. MACV, lo ngại cho tình hình ở Vùng I, lập ra một Bộ Tư Lệnh Lục Quân cấp quân đoàn để hỗ trợ cho TQLC Hoa Kỳ (Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV, thành lập cuối tháng 2-1968, có bản doanh ở Phú Bài. Trước khi có bộ tư lệnh này, tất cả vấn đề quân sự chiến thuật ở Vùng I được TQLC Hoa Kỳ phụ trách và điều khiển). Tướng Westmoreland nhấn mạnh về sự bất an của tình hình quân sự đang đối diện, khi ông xin Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ (Joint Chiefs of Staff) chi viện thêm 200 ngàn quân cho chiến trường Việt Nam. [8]  Thêm vào những sự kiện quân sự trên, một sự kiện chính trị khác làm cho kế hoạch EL PASO I không thể nào được điều nghiên vào “đầu mùa Xuân” như tướng Westmoreand viết: Ngày 31 tháng 3-1968, tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử. Đồng thời, như là một thiện chí kêu gọi Quân giải phóng thương nghị để giải quyết cuộc chiến, ông ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ vĩ tuyến 20 (khoảng Thanh Hóa) trở lên.

Tài liệu đến từ một nhân chứng khác cho ta thấy hai kế hoạch EL PASO I và EL PASO II, thật sự chỉ là một kế hoạch, và được bắt đầu soạn thảo từ tháng 11-1967 cho đến đầu năm 1968. Tướng Bruce Palmer — người nhận lệnh soạn thảo cuộc hành quân qua Lào — trong hồi ký The 25-Year War: America’s Military Role in Vietnam, có nói về ý định đánh qua Lào của tướng Westmoreland, và những ràng buộc chính trị đi kèm theo kế hoạch đó. Tướng Palmer nói rõ trong sách, ông giao kế hoạch EL PASO cho Đại Tá John Collins soạn thảo. [9] Tài liệu do Đại Tá Collins viết lại là đầy đủ và chính xác nhất về phương diện thời gian: EL PASO có thể được soạn thảo từ tháng 11 -1967 đến trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Cũng chính trong hồi ký The 25-year War, tướng Palmer nhận định về kế hoạch hành quân qua Lào năm 1966 như sau: “Westmoreland không đủ quân tác chiến hay khả năng tiếp liệu, để thực hiện một cuộc hành quân qua biên giới ...”.
   Ngoài sách của Đại Tướng Westmoreland nói về kế hoạch đánh qua Lào, một tài liệu khác nói đến kế hoạch đánh qua Lào, hay một kế hoạch ngăn chận đường tiếp tế từ Bắc Việt qua Lào, đã một lần được thẩm quyền VNCH đề nghị với giới lãnh đạo Hoa Kỳ. Theo tài liệu được giải mật năm 1992, vào tháng 2-1967 tổng thống Lyndon Johnson mời ban lãnh đạo VNCH qua đảo Guam họp ba ngày (20-23), để bàn về một chiến lược chung cho cuộc chiến ở Việt Nam. Trong buổi họp ngày 21, Trung Tướng Cao Văn Viên (lúc đó là tổng trưởng quốc phòng) đề nghị với các viên chức Mỹ có mặt — trong đó có Đại Tướng William Wesmoreland — là VNCH cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để thiết lập một hàng rào ngăn chận đường tiếp liệu của Quân giải phóng xuyên qua Lào. Lời đề nghị này cũng được Chủ Tịch Ủy Ban lãnh Đạo Quốc Gia, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, nhắc lại một lần nữa vào ngày 23, trước khi kết thúc cuộc hội nghị cao cấp và quan trọng nhất giữa VNCH và Hoa Kỳ. Ở đây chúng ta không biết có phải vì lời đề nghị từ phía VNCH mà Hoa Kỳ soạn thảo ra cuộc hành quân sang Lào năm 1967? Hay họ đã có ý định trước từ năm 1966 như tướng Westmoreland nói. [10]
 
Đầu tháng 3-1968 — trong cao điểm của cuộc Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân của Quân giải phóng — kế hoạch OPLAN EL PASO bị gác bỏ. Khi biết được quyết định đó, Đại Tướng Westmoreland thổ lộ với Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Phó MACV, “Tôi muốn đi Tchepone, nhưng không có vé.” [11]


Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2014, 05:32:14 am »

[1] Chi tiết hơn, ban soạn thảo hành quân chia Đường 9 ra làm nhiều  đọan để  cho công binh quyết định tái thiết đoạn nào. Đường 9 từ Đông Hà về Khe Sanh hơn 35km; Khe Sanh đến Làng Vei (nơi có một tiền đồn của Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ) 14km; Làng Vei đến Lao Bảo 11km. Tổng cộng là khoảng 60km từ Đông Hà đến biên giới Lào-Việt. Xem  John M. Collins, “Going to Tchepone,” Tạp Chí Joint Force Journal, Autumn/Winter 1997-98, trang 118.

[2] John M. Collins, tạp chí đã dẫn.

[3] Đồng Sĩ Nguyên, Đường Xuyên Trường Sơn, trang 129.

[4] John M. Collins, tạp chí đã dẫn.

[5]  William C. Westmoreland, A Soldier Reports, trang 330-331.

[6] Thiếu tướng Kinnard năm 1966 là tư lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ  (1st Air Cavalry), đang có bộ tư lệnh đóng ở An Khê. Đại Tá Arthur “Bull” Simons, lúc đó còn mang chức trung tá, chỉ huy một Toán B trong Liên Đoàn Lực Lượng Đặc Biệt, thuộc Bộ  Tư  Lệnh MACV. (Military Assistance Command-Special Operations Group/ MACV-SOG; Toán B của LLĐB là trên cấp số và chỉ huy các Toán A). Lý do tướng Westmoreland nhắc đến tên Đại Tá Simons và cần ý kiến của ông, vì trước đó, Simons đã phục vụ ở Lào trong toán tình báo quân sự White Star, huấn luyện cho quân đội Hoàng Gia Lào. Tháng 10 năm 1970 Simons chỉ huy toán Lực Lượng Đặc Biệt đột kích xuống Sơn Tây để giải cứu tù binh Mỹ.
 
[7] Trong sách (A Soldier Reports, trang 330-331) tướng Westmoreland nói nguyên một Sư Đoàn Không Kỵ (SĐKK), và như vậy là một sư đoàn đầy đủ cấp số, với những đơn vị cơ hữu đi kèm. SĐKK là một sư đoàn rất lớn. Để đọc giả thấy nhu cầu của sư đoàn như thế nào, người viết trích một vài chi tiết về nhu cầu tiếp liệu của sư đoàn. Theo tác giả Shelby Stanton trong Anatomy of a Division: The 1st Cav in Vietnam, sư đoàn có tất cả 25 tiểu đoàn: trong đó có chín tiểu đoàn tác chiến; bốn tiểu đoàn trực thăng; hai tiểu đoàn trinh sát; năm tiểu đoàn pháo binh; và (tương đương) năm tiểu đoàn chuyên về công binh, hậu cần, tiếp liệu, quân cảnh, điều khiển không lưu, và truyền tin điện tử. Quân số tổng cộng là 20.346 người. Tiếp liệu căn bản hàng tháng: 1.005 tấn thực phẩm; 957.311 phần ăn dã chiến (đồ hộp); 272.000 lít sữa; 45.000 lít cà rem; 1.082 tấn quân phục và quân dụng; 749 tấn vật liệu cho công sự phòng thủ; 16 triệu lít xăng; và, 4.609 tấn đạn. Số đạn 4.609 tấn đạn này chỉ là nhu cầu của sư đoàn trong tình trạng tác chiến giới hạn (một vài tiểu đoàn, đại đội, đi hành quân ... vài cuộc giao chiến ngắn hạn.). Trong cuộc hành quân hai tháng đánh qua Cam Bốt năm 1970, Sư Đoàn 1 Không Kỵ  tiêu dùng 6 triệu 167 ngàn đạn súng cá nhân; 119 ngàn đạn súng cối 81 ly; 241 ngàn đạn đại bác 105 ly; 65 ngàn đạn 155 ly; 92 ngàn hỏa tiển không địa (rocket bắn từ trực thăng); và, 40 ngàn ký chất nổ. Mục tiêu của cuộc hành quân đánh sang Cam Bốt năm 1970 không xa hơn 30 km từ biên giới Việt Nam. Tháng 7-1965, để chuyên chở 15 ngàn quân; 470 trực thăng; 3.100 quân xa và 19 ngàn tấn vũ khí quân cụ của sư đoàn từ Mỹ đến Qui Nhơn, Bộ Tư lệnh Hải Vận Hoa Kỳ xử dụng sáu quân vận hạm; chín vận tải hạm; và, bốn hàng không mẫu hạm cho hải hành này. Đọc Stanton, sđd, trang 41-42; 188; 209.         
 
[8] Từ đầu tháng 11-1967, Quân giải phóng đã tấn công nhiều nơi như đễ lấy đi sự chú ý của Hoa Kỳ và VNCH, hầu tạo thêm tình thế bất ngờ cho cuộc tấn công vào Tết Mậu Thân. Đầu tháng 11-1967, Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Mỹ đánh kịch liệt trong ba tuần ở Dakto, bị thiệt hại nặng đến độ không kịp bổ sung quân. Ngày 20 tháng 1-1968, chiến dịch Khe Sanh mở màng khi Quân giải phóng dùng ba sư đoàn vây căn cứ Khe Sanh; 23 tháng 1-1968, trại Lực Lượng Đặc Biệt Lang Vei (cách Khe Sanh khoảng 10 cây số) bị tràn ngập. Bộ Tư Lệnh Tạm Thời của Quân Đoàn XXIV, Lục Quân Hoa Kỳ (XXIV Corps, U.S. Army), được thành lập vào tháng 2-1968; và trở thành chánh thức vào tháng 8-1968. Chi tiết về thiệt hại của Nhảy Dù Mỹ ở trận Dakto, xem Bruce Palmer, The 25-Year War, trang 69.

[9] Trung Tướng Bruce Palmer, Jr., là bạn cùng khóa với hai Đại Tướng Westmoreland và Creighton Abrams (ra trường West Point năm 1936). Khi nhận chỉ thị của tướng Westmoreland về kế hoạch EL PASO, ông đang là Tư Lệnh Phó, Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam (Deputy Commanding General, U.S. Army, Vietnam).  Chức vụ sau cùng của ông là Đại Tướng Tư lệnh Phó Lục Quân Hoa Kỳ. Chi tiết về kế hoạch EL PASO năm 1967 và ý kiến của ông về kế hoạch năm 1966, xem, Palmer, sđd, trang 105-106.

[10] Tài liệu giải mật đến từ cơ quan Trung Ương Tình Báo (CIA),  Hội nghị tháng 2-1967 ở đảo Guam là một hội nghị quan trọng, có nhiều quyết định quan trọng về đường lối cuộc chiến ở Việt Nam. Hai trong những thay đổi quan trọng là, Ellsworth Bunker thay Henry Cabot Lodge ở chức vụ đại sứ; và Robert Komer được bổ nhiệm chức vụ giám đốc kế hoạch Phượng Hoàng (Phoenix Program) với cấp bậc đại sứ.
 
[11] Trích theo John Collins. Lời tựa của bài viết trong tạp chí đã dẫn.
Logged
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 01:09:46 pm »

Chào Quý Tiên Sinh của Diễn Đàn,
Trước nhất tôi xin cảm ơn tiên sinh Altus đã edit và post những chương trong sách của tôi.
Tiên sinh Altus edit lại rõ hơn là nguyên bản của tôi viết. Tôi viết hơi khác qui tắc tòa sọan của diễn đàn VMH vì quen với qui tắt tòa soạn nước ngoài.
   Sau một thời gian rất lâu, tôi mới trở lại đọc những postings trên diễn đàn, vì quá bận. Và mục "Xẻ  Dọc Trưòng Sơn Đi Cứu Nước" là mục tôi lưu ý nhất.
   Tôi có đọc qua một số postings về Chiến Dịch Đường 9-Nam Lào trên diễn đàn. ... Trong đó có những bàn luận, câu hỏi về sự thất bại của Hành Quân Lam Sơn 719. Tôi hy vọng, khi tiên sinh Altus posts Chương 7, chúng ta sẽ thấy lý do của sự thất bại. Vắn tắt ở đây, sự thất bại của Lam Sơn 719 đến từ hai yếu tố: (a) sự chủ quan từ phía quân tân công; và, (b) sự thất bại tình báo của quân tấn công về trận liệt (order of battle) của đối phương.
   Ngồi nghĩ lại kế hoạch nguyên thủy đánh qua Lào để cắt đứt đường tiếp vận chiến lược HCM, của Đại Tướng William C. Westmoreland -- Kế Hoạch El Paso -- chúng ta thấy đó là một kế hoạch hành quân lạc quan không thể tưởng: Làm sao một sư đoàn có thể đánh từ Bolovesn lên Saravane, rồi từ Saravane lên savannakhet! Với địa hình của Hạ Lào, với đọan đường đó, chỉ đi bộ thôi cũng tắt thở rồi, đừng nói đến chuyện bị phục kích dọc đường!
   Về ước lượng tình báo sai lầm. Vài thí dụ cụ thể: Tình Báo MACV ước lượng quân phòng thủ có bốn trung đoàn và hai binh trạm. Thực tế cho thấy quân phòng thủ có tám trung đoàn và bốn binh trạm trong tuần lể đầu của cuộc hành quân. Tình báo và không ảnh thám thính ước lượng quân trú phòng có từ 250 đến 275 súng phòng không, nhưng thực thế cho thấy hơn 600 súng phòng không đang chờ quân đổ bộ! Tình báo điện tử không xác định được vị trí của đối phương: Ngày 13 tháng 2 khi Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đổ bộ xuống một vị trí tây bắc căn cứ 31 (để thiết lập căn cứ hỏa lực 32), họ bị bỏ xuống một vị trí ngay sát vị trí phòng thủ của bộ tư lệnh B70. Cuộc đổ bộ bị hủy bỏ ngay lập tức khi quân đổ bộ bị thiệt hại gần một đại đội.
   Đáng buồn nhất, là sau cuộc hành quân, bộ tư lệnh MACV đổ thừa quân đội VNCH "tiến quân quá chậm ... làm mất đi yếu tố thời gian tính; mất đi tính chất bất ngờ của cuộc hành quân." Thật là tào lao! (Và nếu đuợc diễn đàn cho phép, tôi sẽ post bình luận của tôi về những phê phán của các tác giả quân sử Mỹ về vấn đề này).
   Vài lời với diễn đàn. Tôi thú nhận, có vài câu hỏi của các bạn trên diễn đàn với tôi, nhưng đến hôm nay tôi vẫn chưa có dịp trả lời. Hoàn toàn xin lỗi về  sự vắng mặt và chậm trễ.
   Một lần nữa, cảm ơn tiên sinh Altus đã posted những gì tôi viết.
Kinh Thư,
NKP
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 01:43:03 pm »

Vấn đề rất hứng thú và nhiều góc độ nhỏ có thể cùng trao đổi được,  Grin. Em nghĩ rằng để bàn luận thì vô tư miễn các bên, các chủ thể đưa ra quan điểm rõ ràng với thông tin và tri thức của mình tổng hợp được - bất kể bên nào. Cá nhân em rất thích như vậy.

Cũng hơi bận chút nhưng có một "gợi ý" nhỏ:
- nên chăng đặt Lam Sơn 719  trong tổng thể kế hoạch 1971 của Mỹ và VNCH; ý đồ chiến lược theo đà phát triển giai đoạn 1969 - 1970 (giai đoạn QGP MN VN gặp rất nhiều khó khăn trên tất cả các mặt).

p/s: bác nkp sử dụng tiếng Việt, bớt tiếng Anh nhé, đấy là quy định của diễn đàn.
Logged

nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 03:27:43 pm »

1. Đồng ý về qui tắc tòa soạn của diễn đàn VMH.
2. Cũng vì LS719 nằm trong kế hoạch tổng thể đó, nhất là sau khi chiên thắng trong Hành Quân Toàn Thắng (Tháng 5, chiến trường K), Hoa Kỳ thấy "dô cơ," nghĩ rang đánh qua Hạ Lào cũng dễ. ... Nhưng địa hình Hạ Lào khác xa địa hình Cam Bốt. Địa hình Cambodia cho phép tấn công nhiều mặt/ hướng; địa hình Hạ Lào chỉ cho một hướng duy nhất, là Đường 9. Suy luận lạc quan khi soạn thao hành quân là, mặt trận hai địa hình tuy khác nhau, nhưng hỏa lực không kỵ Hoa Kỳ sẽ cân bằng những dị biệt và bất lơi. ... Nhưng Khi hỏa lực của không kỵ thất bại trong nhiệm vụ của họ, Hành Quân LS719 cũng theo đó thất bại. Hoa Kỳ đặc nhiều kỳ vọng vào hỏa lực không địa của trực thăng võ trang để áp đảo phòng không. ... Nhưng trực thăng khi đối diện với đại bác phòng không 37ly hay 57 ly có ra đa điều khiển, thì giống như những con ruồi bay ngang những họng súng phun lửa! Và kết quả như thế nào thì chúng ta có thể suy luận được. Sự thất bại của LS719 một phần đến từ đó.
Logged
fanlong74
Thành viên
*
Bài viết: 224


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 06:19:43 pm »

1. Đồng ý về qui tắc tòa soạn của diễn đàn VMH.
2. Cũng vì LS719 nằm trong kế hoạch tổng thể đó, nhất là sau khi chiên thắng trong Hành Quân Toàn Thắng (Tháng 5, chiến trường K), Hoa Kỳ thấy "dô cơ," nghĩ rang đánh qua Hạ Lào cũng dễ. ... Nhưng địa hình Hạ Lào khác xa địa hình Cam Bốt. Địa hình Cambodia cho phép tấn công nhiều mặt/ hướng; địa hình Hạ Lào chỉ cho một hướng duy nhất, là Đường 9. Suy luận lạc quan khi soạn thao hành quân là, mặt trận hai địa hình tuy khác nhau, nhưng hỏa lực không kỵ Hoa Kỳ sẽ cân bằng những dị biệt và bất lơi. ... Nhưng Khi hỏa lực của không kỵ thất bại trong nhiệm vụ của họ, Hành Quân LS719 cũng theo đó thất bại. Hoa Kỳ đặc nhiều kỳ vọng vào hỏa lực không địa của trực thăng võ trang để áp đảo phòng không. ... Nhưng trực thăng khi đối diện với đại bác phòng không 37ly hay 57 ly có ra đa điều khiển, thì giống như những con ruồi bay ngang những họng súng phun lửa! Và kết quả như thế nào thì chúng ta có thể suy luận được. Sự thất bại của LS719 một phần đến từ đó.
đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có tài liệu QĐND VN nào khẳng định các đơn vị PK 37/57mm tại đường 9 được điều khiển bởi radar bác à, em thấy bản thân thời tiết và địa hình khu vực này cũng khá bất lợi cho hoạt động trực thăng, nhất là với công nghệ hồi đó . Về LS719, cá nhân em có thấy tin tức tình báo đóng vai trò khá quan trọng. bên phòng thủ thông qua mạng lưới tình báo nắm rõ đường đi nước bước của bên tấn công trong khi bên tấn công không hề hay biết điều gì đang chờ mình. Nếu không có tin tình báo thì VNCH chưa chắc thắng nhưng rất có thể gây thiệt hại cho QGP nặng nề hơn rất nhiều. Một số hồi ký có nhắc tới việc điều động lực lực lượng chuẩn bị "đón" quân VNCH, hình như cũng có trên diễn đàn này.
Logged
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2014, 10:01:44 pm »

1. Ảo danh của tiên sinh là "Fanlong74" nhưng sáng thức dậy, chưa cafê, thuốc lá; mắt nhắm, mắt mở, đọc nhầm là "Fansong." "Fansong" là bí danh của quân đội Mỹ đặt cho những giàn khí tài đi kèm với hệ thống tên lửa địa không Sam. Smiley
2. Các đơn vị phòng không 37/57mm có radar hay không, hy vọng những CCB của các tiểu đoàn phòng không trên diễn đàn góp ý kiến. Nhưng theo những suy luận và quan sát của các phi công trực thăng ở mặt trận, một vài "ổ" phòng không có thể có radar phụ giúp. Ngày 10 tháng 2, một đoàn trực thăng 5 chiếc, trong đó có 1 chiếc chở tư lệnh Quân Đoàn II Hoàng Xuân Lãm bay từ căn cứ Hotel ở nam Đường 9, về  căn cứ Biệt Động Quân nam (Ranger South) ở bắc Đường 9. Khi đoàn trực thăng gần đến mục tiêu, 2 trong số 5 trực thăng bị bắn rơi trong phút chốc (nghĩa là không cần nhiều đạn!). Một trong 2 trực thăng tử nạn có chở Đại Tá Cao Khắc Nhật, chỉ huy trưởng phòng hành quân của Quân Đoàn II. Trên người của vị đại tá có mang theo bản đồ hành quân và tất cả mật thoại điện đàm  cho cuộc hành quân. Lập tức, QĐ II gởi toán trinh sát Hắc Báo đến khu vực tai nạn để tìm cách thâu hồi tài liệu. ... Nhưng khi họ đến, tất cả đã biến mất. Về vụ này, đọc tác phẩm Lost Over Laos, của Richard Pyle và Horst Faas (De Capo Press, 2002).
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2014, 11:47:18 am »

....2. Các đơn vị phòng không 37/57mm có radar hay không, hy vọng những CCB của các tiểu đoàn phòng không trên diễn đàn góp ý kiến. Nhưng theo những suy luận và quan sát của các phi công trực thăng ở mặt trận, một vài "ổ" phòng không có thể có radar phụ giúp. Ngày 10 tháng 2, một đoàn trực thăng 5 chiếc, trong đó có 1 chiếc chở tư lệnh Quân Đoàn II Hoàng Xuân Lãm bay từ căn cứ Hotel ở nam Đường 9, về  căn cứ Biệt Động Quân nam (Ranger South) ở bắc Đường 9. Khi đoàn trực thăng gần đến mục tiêu, 2 trong số 5 trực thăng bị bắn rơi trong phút chốc (nghĩa là không cần nhiều đạn!). Một trong 2 trực thăng tử nạn có chở Đại Tá Cao Khắc Nhật, chỉ huy trưởng phòng hành quân của Quân Đoàn II. Trên người của vị đại tá có mang theo bản đồ hành quân và tất cả mật thoại điện đàm  cho cuộc hành quân. Lập tức, QĐ II gởi toán trinh sát Hắc Báo đến khu vực tai nạn để tìm cách thâu hồi tài liệu. ... Nhưng khi họ đến, tất cả đã biến mất. Về vụ này, đọc tác phẩm Lost Over Laos, của Richard Pyle và Horst Faas (De Capo Press, 2002)....

Có một số trang của VNCH nêu rõ trích dẫn đến cả điểm tọa độ máy bay trực thăng rơi ngày 10/2/1971:
- "....Về phía Hoa Kỳ, một trong những phi công trực thăng có mặt tại chỗ là Trung Tá Robert F. Molinelli, Chỉ Huy Trưởng Tiểu-đoàn 2, Lữ Ðoàn 17 Không Kỵ, thuộc Sư Ðoàn 101 lúc đó đang chỉ huy toán trực thăng Hoa Kỳ yểm trợ cho các đơn vị BÐQ trong vùng, cho biết: "Toán trực thăng VN bay quanh theo một khúc sông, nhưng thay vì bay bên bờ Nam, lại quẹo ngược sang bờ Bắc là nơi chúng tôi biết rõ Cộng quân tập trung rất nhiều súng phòng không 37 ly và một đơn vị chiến xa của Trung Ðoàn 202/B70. Lúc đó, toán trực thăng gồm 4 chiếc Hueys, bay hàng dọc hình nất than Trái, tốc độ chừng 95 knots, cao độ 2,200 feet; Chúng tôi thấy rõ toán trực thăng nầy đang bay vào nơi nguy hiểm và đã cố gắng liên lạc trên mọi tần số Guard để báo động, Tôi thấy chiến trực thăng dẫn đầu (T.U Ta Hoa, trên chở các sĩ quan tham mưu QÐ/I) trúng đạn nổ tung trên trời, còn chiếc thứ ba (bay team Hai+Tin, chở các phóng viên) bị bắn bay mất một cánh quạt chính, main rotor qua hình ảnh theo dỏi từ vệ tinh cố-định (stationed satellite) chuyển về phòng hành quân chiến cuộc, Pentagon do tướng Haig điều hành. Chiếc số 1 cháy rơi xuống tọa độ XD 565520 chiếc số 3 không cháy rơi XD 563523..."

Đối chiếu với báo cáo tổng hợp cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ và VNCH thấy khớp:
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM