Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:17:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27269 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:26:16 pm »


Câu hỏi 25: Hãy nêu tên các nhà lãnh đạo và nghĩa quân Việt Nam quốc dân đảng tham gia cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp bắt và sát hại tại Yên Bái, những hành động anh dũng bất khuất của họ?
Trả lời:


Sau khi bắt được một số nhà lãnh đạo và nghĩa quân Việt Nam quốc dân đảng tham gia cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã lập một hội đồng đề hình để xét xử. Rất nhiều đảng viên Việt Nam quốc dân đảng bị tù chung thân khổ sai, số còn lại bị hành hình tại Yên Bái như sau:

Ngày 8 tháng 5 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiếp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái là: Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Vân Chuẩn, Nguyễn Văn An, Hà Văn Lao, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tư, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên.

Với cách hành hình như thời trung cổ, máy chém được người Pháp mang từ nhà ngục Hỏa Lò lên Yên Bái. Cai Công - một tên có thâm niên trong nghề đao phủ sẽ bấm lẫy cho dao rơi xuống tự do. Cái máy chém tựa như bẫy thú, lưỡi dao giương lên người nằm ngang bị khóa gông vào cổ, chỉ một nhát thôi là đầu văng khỏi thân mình. Cả hai lần hành hình tại Yên Bái (ngày 8-5 và ngày 17-6-1930), thời gian các chiến sĩ bước lên đoạn đầu đài đều vào lúc 5 giờ 30 phút sáng. Cảm phục trước khí phách hiên ngang, coi thường cái chết của các tử tù, đao phủ Cai Công đến bên Nguyễn Thái Học nói:

- Tôi xin được vái sống ông! Các ông chết trẻ xá tội cho những kẻ lầm đường.

Nguyễn Thái Học trả lời:

- Chúng tôi chỉ mong ông sau về giải nghệ sống làm người lương thiện, có thế thôi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:28:27 pm »


Nhà thơ Ngọc Bái, trong trường ca "Lời cất lên từ đất” (Nxb Quân đội nhân dân, H. 2000), có đoạn viết về thời khắc này như sau:

      "Năm giờ ba mươi
      lần lượt các anh bước ra pháp trường
      người chiến bại dáng đi điềm tĩnh lạ
      Có bài thơ Chiêu hồn nước khóc các anh
      Có bài ca Gương thành bại khóc các anh
      kìa, các anh đấy
      Nguyễn Như Liên thoáng như cười
      Hà Văn Lao gật đầu vĩnh biệt
      Bùi Văn Cửu lặng lẽ nhìn trời
      Đỗ Văn Tư mắt trừng sáng quắc
      Nguyễn Văn Tiềm dằn lên tiếng xích
      Nguyễn Văn Thịnh thẳng bước ung dung
      Ngô Văn Du ngẩng cao đầu thách thức
      Bùi Văn Chuẩn bật lên tiếng thét
      Đào Văn Nhít ngoái dặn các con
      Nguyễn Văn An giơ bàn tay vẫy
      Bùi Tư Toàn thản nhiên hút thuốc
      Phó Đức Chính vang ngân khúc hát
      Nguyễn Thái Học sang sảng đọc thơ
      tên các anh đất đá khắc ghi
      tiếng các anh hô "Việt Nam vạn tuế!"
      vọng theo sông
      vọng theo núi
      vang rền
      máu các anh vọt lên đỏ thắm dưới mặt trời
      lặn vào đất nuôi lời ca trong đất
      sinh ở mọi miền quê
      chết ở một quê
      chung một hố cùng chung ấm lạnh
      hồn lẫn với cỏ cây mây gió đi về



            LỜI CỦA NƯỚC

      Tinh khôi cây cỏ đất này
      xanh non mà đã dạn dày nắng mưa
      phù sa mát tự ngàn xưa
      trẻ trung bồi đắp như vừa dâng lên
      người đi gửi lại tuổi tên
      bền lâu xương máu lâu bền đất đai".


Sau khi hành quyết các nghĩa quân tại Yên Bái, Pháp cho chôn chung một mộ tại thị xã Yên Bái, cách ga xe lửa khoảng một cây số và cho lính canh giữ đến cuối năm 1930.

Năm 1945 khu mộ phần được trùng tu cho cả 17 liệt sĩ bị chém tại đây và lập đền thờ kỷ niệm.

Ngày nay, để tỏ lòng biết ơn, tưởng niệm các nghĩa sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, chính quyền tỉnh Yên Bái đã tôn tạo xây dựng khu di tích Nguyễn Thái Học và khởi nghĩa Yên Bái với các hạng mục chính như: Khu Lăng mộ, Tượng đài, Nhà bia... trong khuôn viên của công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Khu di tích Nguyễn Thái Học và khởi nghĩa Yên Bái đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:30:09 pm »


Câu hỏi 26: Hãy cho biết nội dung bài văn tế các liệt sĩ Việt Nam quốc dân đảng do cụ Phan Bội Châu viết, học sinh Huế đọc trong buổi lễ truy điệu năm 1930?
Trả lời:


Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) tên cũ là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà Nho nghèo.

Ngay từ nhỏ, Phan Bội Châu đã nổi tiếng thông minh, 8 tuổi đã thông thạo các loại văn cử tử, 13 tuổi đi thi ở huyện, đỗ đầu, 16 tuổi đỗ đầu xứ, nên cũng gọi là Đầu Xứ San.

Điểm nổi bật, đặc sắc nhất của Phan Bội Châu là sớm có tinh thần yêu nước. Năm 1904, cùng bạn bè đồng chí, Phan Bội Châu lập hội Duy Tân chủ trương dùng vũ trang bạo động và nhờ ngoại viện để đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, lập ra chính phủ độc lập.

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du, từ năm 1905-1908 ông đã tổ chức cho gần 200 thanh niên yêu nước xuất dương sang Nhật học tập để về cứu nước sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:33:31 pm »


Tháng 3 năm 1909, tổ chức Đông Du bị giải tán. Phan Bội Châu bị chính phủ Nhật trục xuất phải về ẩn náu ở Trung Quốc, rồi sang Thái Lan để tính kế lâu dài. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công, Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc tập hợp số anh em còn lại, tuyên bố giải tán Duy Tân hội, thành lập Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ duy nhất: "Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam". Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, cụ Phan Bội Châu đã viết bài văn tế các liệt sĩ Việt Nam quốc dân đảng trong lễ truy điệu do học sinh Huế tổ chức như sau:


            VĂN TẾ CÁC TIÊN LIỆT VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG1

      Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy; này Lâm Thao, này Yên Bái, này Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây!

      Súng liên thanh vang đất thụt, non reo; nào chủ đồn, nào sếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió!

      Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn.
      Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
      Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy,
      Thần công lý bó tay nghe tử tội.
      Ôi thôi! Mù thảm mây sầu,
      Gió cuồng mưa vội,
      Cửa quỷ thênh thang!
      Đường trời vòi vọi!
      Nhân nhân chí sĩ, sát thân vào luật dã man,
      Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi.

      Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất ư vị tiệp, non gánh nặng hãy trìu trìu,

      Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.

      Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuồn cuộn, bóng rồng thiêng đành ông Học xa xôi.

      Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy cô Giang theo đuổi.

      Đoàn trẻ chúng tôi nay:
      Tiếc nước còn đau,
      Nghĩ mình càng tủi,
      Nghĩa lớn khôn quên,
      Đường xa dặm mỏi.

      Dây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhảy, bằng bay.

      Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải ráng sức rồng giành, cọp chọi.

      Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng,

      Ước ao trong mấy nhiêu niên, rung chuông bạc, múa cờ hồng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi.

      Tình khôn xiết nói,
      Hồn xin chứng cho.
      Thượng hưởng!

                                                         Phan Bội Châu trước tác,
                                                               Học sinh Huế truy điệu
                                                                                 (1930)

_______________________________________
1. Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 8, Nxb Thuận Hóa, 2001, tr. 497,498.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:34:27 pm »


Câu hỏi 27: Nêu tóm tắt nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Bái?
Trả lời:


Từ ngày 9 tháng 2 đến ngày 15 tháng 2 năm 1930, Việt Nam quốc dân đảng đã lần lượt tiến hành khởi nghĩa vũ trang tại một số tỉnh ở Bắc Kỳ, lịch sử vẫn quen gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái. Cuộc tổng khởi nghĩa không thể nổ ra đồng loạt, có nhiều nơi không tiến hành được hoặc có nổ ra nhưng đều bị đàn áp nhanh chóng. Sau khởi nghĩa Yên Bái, kẻ thù đã tiến hành chiến dịch khủng bố rất dã man, truy sát các đảng viên và triệt phá cơ sở đảng.

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại kéo theo sự tan rã của Việt Nam quốc dân đảng. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Về nguyên nhân khách quan, lúc bấy giờ kẻ thù vẫn còn mạnh mặc dù xảy ra khủng hoảng kinh tế nhưng chưa nghiêm trọng, chưa đủ sức làm suy yếu hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Thực dân Pháp vẫn còn đủ sức đàn áp một cuộc đấu tranh vũ trang vừa cô độc vừa non kém như khởi nghĩa Yên Bái.

Về chủ quan, Việt Nam quốc dân đảng không có chủ trương thống nhất, phù hợp với tình hình lực lượng của mình, nội bộ còn bị chia rẽ, không được quần chúng hưởng ứng tham gia. Nói cách khác, sự thất bại của Việt Nam quốc dân đảng là do cương lĩnh chính trị quá nghèo nàn, không đủ sức lôi cuốn quần chúng để xốc lên một phong trào dân chủ rộng lớn, do tổ chức của đảng còn lỏng lẻo, do sự nôn nóng của những người lãnh đạo, v.v... Phong trào dân tộc dân chủ theo khuynh hướng tư sản dưới ngọn cờ của Việt Nam quốc dân đảng đã không đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta, không đủ sức vượt qua sự đàn áp khủng bố của kẻ thù để tồn tại. Vai trò lịch sử của Việt Nam quốc dân đảng trong phong trào dân tộc vừa mới xuất hiện đã tan rã và chấm dứt với sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái.

Đó cũng là thất bại của giai cấp tư sản dân tộc trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:36:06 pm »


Mặc dù thất bại, nhưng hoạt động yêu nước và tấm gương hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái là sự nối tiếp truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nó thể hiện tinh thần phản kháng dân tộc quyết liệt của một bộ phận tiên tiến trong giai cấp tư sản dân tộc và tầng lớp tiểu tư sản chống lại ách áp bức của đế quốc Pháp. Nhiều chiến sĩ yêu nước chân chính của tổ chức này sau đó đã gia nhập vào sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã góp phần cổ vũ nhân dân trong phong trào kháng Pháp, đã hâm nóng được lòng yêu nước của các tầng lớp thanh niên Việt Nam để họ có thể tiếp tục bước lên con đường tranh đấu. Cũng chính trong thời kỳ đó, các du học sinh và Việt kiều ở Pháp đã bừng tỉnh và đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Bái và chống việc khủng bố các chiến sĩ Việt Nam quốc dân đảng. Đặc biệt là nhiều nhà báo, nhà văn Pháp đã ca tụng các chiến sĩ cách mạng thời kỳ này. Nhà thơ cộng sản Pháp Lu-it A-ra-gông đã cất lên những lời da diết, rằng: "Yên Bái, đây là cái từ nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...", "Yên Bái, gửi tới các bạn da vàng lời nguyền này để mỗi giọt cuộc sống các bạn sẽ tràn máu của một tên Va-ren"1. Chính vì cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra mà về sau này thực dân Pháp đã từng bước phải đề ra việc cải cách chính trị ở Đông Dương. Chủ trương binh vận mà Việt Nam quốc dân đảng đề ra ở thời kỳ này thực tế là một bài học cho các phong trào cách mạng tiếp theo. Những khuyết, nhược điểm của phong trào, sự sơ hở trong việc huấn luyện và kết nạp đảng viên, sự thiếu cảnh giác để những tên phản đảng làm hại đảng, những manh động có liên quan đến việc ám sát, tống tiền, đặc biệt là sự phát động vũ trang khởi nghĩa trong điều kiện chủ quan và khách quan chưa được chín muồi... đều là những bài học để các phong trào cách mạng tiếp theo nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Sau này, cũng có người lên tiếng chỉ trích khẩu hiệu "Không thành công cũng thành nhân" của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đề ra (Thực ra khẩu hiệu này bắt nguồn từ câu “Sát thân thành nhân” trong kinh điển Nho giáo). Người ta cho rằng khẩu hiệu này có tính chất không đúng đắn vì nặng về chủ nghĩa cá nhân. Thực ra chữ "nhân” trong chữ Nho "Sát thân thành nhân" có nghĩa là điều nhân nghĩa, điều có ích. Vậy thì không thành công nhưng vẫn làm được điều nhân, điều có ích thì có gì là sai. Rõ ràng đây là cái chết cho độc lập, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp từ thời Cần Vương cho tới các phong trào khởi nghĩa khác thuộc nhiều xu hướng trước Cách mạng tháng Tám đều không thành công, nhưng đều có ích vì đem lại nhiều bài học thiết thực cho các cuộc khởi nghĩa nối tiếp.

Tất cả các cuộc khởi nghĩa đó nói lên ý chí bất khuất của cả một dân tộc, và các cuộc khởi nghĩa sau đều không ít thì nhiều rút được kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa trước. Và người ta có thể nói cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 chính vì rút được đầy đủ kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa không thành công trước đó nên giành được thắng lợi vang dội và toàn diện.

Để tưởng nhớ hương hồn các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930, nhà thơ Ngọc Bái đã viết trong Trường ca "Lời cất lên từ đất:

"Lòng yêu nước không bao giờ cũ
là hành trang nặng gánh của thời gian...
lịch sử đã qua
như dấu mực nằm khô trên trang giấy
không phải để khắc mối hận thù
mà để đừng bao giờ lặp lại nỗi đau quá khứ
và, lòng yêu nước không bao giờ cũ
xin chép lại đây để nhớ một thời..."

"Và, trên đất nước mình nhớ về một thuở, đã đặt tên cho những con đường, những con đường mang linh hồn bất tử, những con đường đi vào lịch sử, nhắn nhủ người không quên...".

_________________________________
1. Báo Front, Rouge 6-1930, dẫn theo "Lời cất lên từ đất", Nxb Quân đội nhân dân, H. 2000, tr. 81.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 01:36:57 pm »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập V, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1958.
- GS Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, tái bản lần thứ mười, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
- Bạch Diện, Nguyễn Thái Học và Việt Nam quốc dân đảng, Nxb Ngày mai, Hà Nội, 1950.
- "Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1993.
- "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái - Tập I", Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái, 1996.
- "Lịch sử Đảng bộ thị xã Yên Bái, Tập I”, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Yên Bái, 1988.
- Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 8, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001.
- Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Việt Nam - các nhân vật lịch sử - văn hóa, Cục bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng - Bộ Công an, Hà Nội, 2008.
- Ngọc Bái, Lời cất lên từ đất, Trường ca, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM