Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:10:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nẻo đường chinh chiến  (Đọc 49015 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2017, 05:04:08 pm »


        Không phải chỉ có gia đình tôi mà cả làng ai cũng rơi nước mắt, nhất là các bạn nam nữ thanh niên trong xóm. Chủng tôi đóng quân ở đây chín tháng mà luôn giữ được tình cảm quân dân tốt đẹp. Không có quan hệ nam nữ bất chính, cũng không có ai vương vấn yêu đương. Tất cả tập trung cho huấn luyện đi B.

        Những ngày ăn dưỡng, tôi nhận được thư của anh Danh, của gia đình và của cậu Chính. Tất cả đều động viên tôi yên tâm ra đi và hoàn thành nhiệm vụ. Tôi và cậu

        Chính ở cùng một Sư đoàn. Tôi ở trực thuộc của Sư bộ còn cậu Chính ở Trung đoàn bộ binh 18. Hai cậu cháu cách nhau không xa nhưng không sao gặp nhau được.

        Có một lá thư cậu nói bây giờ hai cậu cháu ta đang được ăn dưỡng. Một ngày không xa sẽ vào chiến trường, phải chấp nhận một cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và phải chấp nhận sự hi sinh, ác liệt. Chiến thắng sẽ đến, nhưng ngày đó cậu cháu ta còn sống mà gặp được nhau không?Không ai biết được. Trước khi đi xa cậu muốn về thăm ông bà và hai đứa con (đứa thứ hai cậu chưa biết mặt) và cậu cũng muốn tới gặp cháu lắm nhưng không thể được.

        Đúng như cậu nói trong thư. Cậu đã chiến đấu và anh dũng hi sinh tại thị xã Nha Trang năm Mậu Thân (1968).

        Thư của anh Danh thì nói: "Em ra đi không hẹn ngày về. Em sẽ phải chấp nhận cuộc sống chiến đẩu gay go, ác liệt, thiếu thốn và gian khổ, thậm chí là hi sinh. Tuổi trẻ chúng ta là như vậy, phải đi theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc. Em cứ yên tâm ra đi. Anh thường xuyên viết thư về động viên cha mẹ và các em, cái gì đến rồi sẽ đến".

        Đêm 26 tháng 12 năm 1965 (6/12 Âm lịch) đơn vị chúng tôi chính thức hành quân đi B. Sau 2 đêm hành quân lòng vòng, chúng tôi món tới khu rừng Truông Bát là vùng giáp ranh giữa huyện Đức Thọ và Hương Khê. Đây là trạm giao liên đầu tiên đơn vị nhập trạm. Từ đây vào tới sông Bến Hải chúng tôi cứ ngày nghỉ đêm đi, mọi sinh hoạt cũng thay đổi. Ăn uống nấu theo bếp tiểu đội.

        Tới Cự Nam, thấy các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đi khiêng lợn và nhận hàng Tết. Khi đó, tôi mới biết hôm ấy là ngày 28 Tết âm lịch. Đơn vị chúng tôi là đơn vị hành quân trên đường nên không có một tí quà bánh, tiêu chuẩn Tết gì cả, mặc dù đây còn trên đất Bắc.

        Đơn vị phổ biến dịp Tết Nguyên Đán, ta và địch đều tuyên bố ngừng chiến. Chúng ta phải nhanh chóng vượt sông Bến Hải.

        Từ làng Ho trở vào, thực phẩm chỉ nhìn vào ống mắm kem nhét ở túi cóc ba lô, mặn nhạt tùy từng người. Ăn uống phải biết tiết kiệm, không có thì bổ sung dọc đường, chỉ được bổ sung thêm muối mỏ.

        Chiều 30 Tết, sau khi ăn xong, đơn vị cho nắm theo mỗi người một nắm cơm. Ngày thường không có, nhưng hôm nay Tết mới có ngoại lệ này. Chờ trời tối, đơn vị bắt đầu hành quân. Trời lạnh, có mưa phùn lất phất, đoàn quân lặng lẽ, cặm cụi bám theo nhau trong đêm. Tư trang cá nhân đã nặng rồi nay nhận thêm mỗi người 10 ngày gạo, súng đạn, dây máy, đường trơn, mỗi người phải có một cái gậy để chống.

        Trời tối như mực, người nọ bám sát người kia giống như con sâu đo di chuyển. Trời lạnh mà mồ hôi đứa nào cũng ướt như tắm. Mỗi người một chiếc khăn tay vắt vai để liên tục lau mồ hôi, thế mà mồ hôi vẫn chảy vào mắt cay và xót. Đường vừa dốc lại vừa trơn, mang vác nặng có một số anh em yếu hơn ngã như ếch.

        Đúng giao thừa, đơn vị chúng tôi vượt sông Bến Hải. Đoạn sông thượng nguồn nên chỉ rộng khoảng vài chục mét. Nước quá đầu gối, trong suốt, chảy lờ đờ. Đáy sông toàn sỏi. Hai bên bờ sông cây cối rậm rạp.

        Qua sông, chúng tôi vượt một quả đồi nữa mới nghỉ 10 phút. Sau đó, chúng tôi được lệnh ăn cơm nắm vì buổi chiều ăn cơm hơi sớm. Cái Tết đầu tiên trong quân ngũ, lúc giao thừa, được ăn cơm nắm với tí mắm kem mà tôi cảm thấy ngon như ăn bánh.

        Vì đói quá nên vừa ăn, tôi và mấy bạn tán gẫu: "Bây giờ ở nhà ông bà cha mẹ, anh em, con cháu đang chúc tụng nhau, sang năm mới có nhiều sức khỏe, phát lộc, phát tài và có lẽ cũng nhớ ta lắm nhi. Dù sao thì Tết cũng được bữa cơm no. Chúng ta ở đây mỗi người được một nắm cơm như quả cam, ăn rồi cũng thấy như không, chẳng khác nào voi uống thuốc gió".

        Đường hành quân vào Nam đi theo đường Hồ Chí Minh đã được anh em bộ đội Trường Sơn đoàn 559 chuẩn bị từ lâu. Đường cũ do địch phát hiện phong tỏa nên đường mới được chuyển dịch về phía tây Trường Sơn chủ yếu đi trên đất Lào.

        Đường mới anh em chuẩn bị chưa kịp nên phải đi qua nhiều địa hình phức tạp, cung trạm lại quá xa. Có nhiều trạm đi từ mờ sáng đến tối mịt mới tới nơi. Có đoạn phải mang tới hơn 10 ngày gạo, do vậy trong quá trình hành quân bộ đội bị rơi rớt, tụt tạt dọc đường khá nhiều.

        Từ trước tới nay, các đơn vị hành quân vào Nam chủ yếu cấp tiểu đoàn và cấp trung đoàn. Đơn vị chủng tôi hành quân cấp Sư đoàn thực binh trang bị rất nặng, lại đi theo con đường mới. Có ngày, phải vận động qua bãi bom B52 địch vừa mới đánh. Có hôm, qua rừng bị địch rải chất độc hóa học, cây cối chết khô không còn một cái lá. Những nương rẫy cùa đồng bào dân tộc lúa, ngô, khoai sắn bị chết trụi. Dân phải vào rừng đào các loại củ để ăn cho qua ngày.

        Đến trạm T45 chúng tôi dừng lại. Trung đoàn bộ binh 18 hành quân thẳng vào Tây Nguyên. Sau này, tồi mới biết Trung đoàn 18 hành quân vào Tây Nguyên và xuống thẳng Khánh Hòa hoạt động. Trung đoàn này, xã tôi có 3 người là cậu Chinh, anh Trinh, anh Nhật. Cả ba đã hi sinh dịp Tết Mậu Thân 1968 tại thị xã Khánh Hòa.

        Khu vực T45 thuộc vùng biên giới Việt - Lào giáp với tinh Thừa Thiên Huế, toàn là những đồi thông chỉ hai bên bờ khe suối là có các loại cây khác. Ở Lào dịp này là mùa khô nên thòi tiết rất thuận lợi. Đất rừng khô ráo không có sên, vắt, lại gần sông lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2017, 12:28:12 am »


GIẢI PHÓNG A SẦU, A LƯỚI

        Nghỉ mấy ngày, đơn vị phổ biến nhiệm vụ hoạt động ở vùng Thừa Thiên Huế. Trước mắt, đánh căn cứ A sầu để mở rộng địa bàn rộng lớn và liên kết về phía đông. Đơn vị nghỉ chân làm công tác chuẩn bị.

        Tôi được đơn vị cử cùng với một số cán bộ của nhiều đơn vị trong Sư đoàn đi trước chuẩn bị chiến trường. Đại đội tôi có 6 người, Trung đội trưởng Đạm trực tiếp chỉ huy. Đoàn đi được một ngày thì dừng lại phổ biến và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Sau đó, các đơn vị tự đi điều nghiên.

        Căn cứ A Sầu là một trại huấn luyện biệt kích của địch, quân sổ hơn một tiểu đoàn, có hầm hào kiên cố, có sân bay dã chiến. Đây là căn cứ bàn đạp địch tung quân hoạt động thăm dò, phát hiện kho tàng, các hành lang di chuyển của ta để phục kích đánh phá và gọi máy bay đến oanh tạc. Căn cứ này, anh em trinh sát Sư đoàn và Trung đoàn 95 đã tổ chức trinh sát nhiều ngày mà địch không hề hay biết.

        Đường hành quân cùa bộ đội từ T45 vào tới căn cứ A Sầu phải đi khoảng 7 ngày. Địa hình hết sức phức tạp, rừng rậm, dốc cao, phải đi qua dốc 2.800 mét rồi 1.800 mét.

        Nhiệm vụ của chúng tôi là phải soi đường để cho bộ đội hành quân vào vị trí tập kết và soi đường để rải dây từ Sở chỉ huy Sư đoàn tới Sở Chỉ huy Trung đoàn 95 (Đơn vị đảm nhiệm đánh căn cứ A sầu) và từ Sở chỉ huy Sư đoàn tới Sở chỉ huy Trung đoàn 88, đánh phục kích, đánh đổ bộ đường không ở bản A Lưới.

        Theo tính toán của các đồng chí cán bộ, chúng tôi vào tới A Lưới, bắt đầu soi đường từ A Lưới vào tới Sở Chỉ huy Sư đoàn và tiếp từ Sở chỉ huy Sư đoàn tới Sở chỉ huy Trung đoàn 95. Từ A Lưới vào tới Sở chỉ huy Sư đoàn dự kiến 40 km. Từ Sở chỉ huy Sư đoàn xuống Trung đoàn 95 khoảng 5 km.

        Chúng tôi được giao nhiệm vụ trên bản đồ. Một ông già người dân tộc dẫn đường. Đồng bào ở đây không biết nói tiếng Kinh, không biết xem bản đồ nhưng chỉ nói đi từ đồi nọ sang đồi kia, tìm con đường ngắn nhất, dễ đi nhất là họ hiểu và họ làm được.

        Ông già người dán tộc có dáng người cao, gầy, da đen, có lẽ đã ngoài 50 tuổi, mình trần, chân đất chỉ có một cái khố, tay cầm một cái rựa ngóe, sắc ngọt, ông già tài thật, rừng núi rậm rạp, qua nhiều núi cao, khe suối mà chỉ có 2 ngày ông đã đưa chúng tôi đi tới địa điểm quy định.

        Thời gian này, ở Lào là mùa khô, nhưng sang đất ta đây là mùa xuân, gió mùa Đông Bắc, tron se lạnh, mưa xuân lất phất. Ông già dẫn đường đi trước tay cầm dao, phát cây sơ sơ, chúng tôi đi phía sau phát thêm cho đường rộng hơn và rẽ ra để cho bộ đội hành quân và cũng là đường để chúng tôi rải dây.

        Rừng rậm, đất ẩm ướt nên sên, vắt nhiều vô kể. Ông già chân đất, nên cứ được vài chục bước, ông lại dừng lại dùng lưỡi dao gạt bớt vắt rồi lại tiếp tục đi. Chúng tôi bị vắt bám vào quần chui vào chân cắn, máu chảy đỏ cả chân, chảy vào giày đi cứ loét nhoét như có nhựa. Có khi vắt chui cả vào bụng, vào nách cắn no rớt khi nào không biết. Loài vắt giống như loài đỉa nó cắn no rồi rớt đi nhưng máu thì cử chảy mãi hàng tiếng đồng hồ không đông. Nếu không có tí lá nón khô hoặc tí bông dán vào thì nó cứ chảy mãi.

        Lần đầu ra trận, chúng tôi là lính thông tin Sư đoàn, không biết căn cứ A sầu ở đâu nên cứ bâng khuâng, hồi hộp chờ đến giờ nổ súng và cũng chưa hình dung được sự hi sinh ác liệt là thế nào.

        Tôi nhớ hồi huấn luyện ở Hương Khê, Hà Tĩnh cũng vất vả lắm rồi. Cũng giống như thực tế có nhiều giả định giống như thật. Vậy mà thực tế này còn vất vả hơn hàng trăm lần. Trời mưa, đường dốc, mang vác nặng, cắt đường mà đi, đói, rét, sên, vắt may là chưa có bom đạn ác liệt. Là lính thông tin Sư đoàn, nên thời gian hành quân của bộ đội, giờ nổ súng chúng tôi đều được biết trước.

        Sư đoàn chỉ thị 18 giờ, ngày 7 tháng 3 năm 1966, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cả hữu tuyến và vô tuyến từ Sư đoàn tới các trung đoàn và các đơn vị trực thuộc phải được thông suốt. Do địa hình phức tạp và cự li quá xa đơn vị chúng tôi đã phải triển khai rải dây trước 2 ngày. 15 giờ ngày 7 tháng 3, đường dây hữu tuyến từ Sở chỉ huy đến các đơn vị đã thông suốt.

        Tôi và anh Dũng, Tiểu đội phó được giao nhiệm vụ đặt trạm giữa từ Sở Chỉ huy Sư đoàn tới Sở chỉ huy Trung đoàn 95, có nhiệm vụ sửa chữa hư hỏng đường dây đi về cả 2 phía trước và sau. Chúng tôi đào hầm mắc võng, mắc máy vào ngồi chờ đợi. Ngày 8 tháng 3 là ngày N (ngày nổ súng).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2017, 12:28:59 am »


        Một điều bất ngờ, vô cùng nguy hiểm cũng là nguyên nhân dẫn đến trận đánh thương vong nhiều. Đêm ngày mồng 6 rạng 7 tháng 3 (trước ngày N, 2 ngày), hai chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 95 đã chiêu hồi. Lúc này công tác chuẩn bị đã hoàn tất, các đơn vị đã vào chiếm lĩnh trận địa.

        Ngay sau khi hai chiến sĩ chiêu hồi, địch dùng máy bay OV10 bay quần lượn khắp cả vùng Sư đoàn ém quân, dùng loa tuyên truyền kích động, kêu gọi quân giải phóng chiêu hồi sẽ được hưởng lượng khoan hồng. Tệ hại hơn nó còn thu âm giọng nói của hai người lính trinh sát vừa chiêu hồi phóng thật to kêu gọi anh em chiêu hồi.

        Tin này không cần ai phổ biến nhưng chiến sĩ cả Sư đoàn ai cũng biết và ai cũng rất căm phẫn trước hành động hèn nhát, phản quốc của hai người lính. Mới bước đầu đã đánh đấm gì đâu, đã biết cái ác liệt, hi sinh là gì mà đã chiêu hồi địch và đã nhanh chỏng trở thành cái loa tuyên truyền cho chúng.

        Tuy tình hình diễn ra phức tạp như vậy nhưng Sư đoàn vẫn thực hiện theo quyết tâm và các phương án tác chiến đã được thông qua. Chúng tôi mắc máy vào nghe Sư đoàn chỉ đạo xuống các đơn vị và các đơn vị báo cáo lên. Mọi công tác tiền nhập, tiếp cận mục tiêu và việc triển khai trận địa của các đơn vị hỏa lực đều diễn ra thuận lợi theo đúng ý định và phương án đã được hội nghị quân chính thông qua.

        Đúng giờ G (4 giờ sáng ngày 8 tháng 3 năm 1966), Sư đoàn đồng loạt nổ súng vào căn cứ A sầu. Trạm giữa của chúng tôi nghe rõ tiếng pháo dồn dập bắn vào căn cứ A Sầu, nào là sơn pháo 75, cối 120, ĐKZ 75, cối 82.

        Pháo của ta bắn từ nhiều hướng, tiếng nổ vang và liên tục như lò sấy ngô. Chúng tôi nghe Trung đoàn 95 báo cáo lên, pháo 75 bắn không đúng mục tiêu, đạn toàn vọt sang đồi bên kia vì căn cứ A Sầu nằm giữa một thung lũng bằng. Sơn pháo 75 là loại pháo bẳn thẳng, trận địa pháo chuẩn bị không tốt nên đạn đã bay qua căn cứ, không đúng mục tiêu.

        Sơn pháo 75 của ta là vua chiến trường miền Nam, lần đầu tiên ta đưa vào chiến trường và đây cũng là trận đánh đầu tiên. Ở miền Bắc sơn pháo 75 có xe kéo chủ yếu để bảo vệ bờ biển và bắn các mục tiêu lộ trên đất. Đưa vào đây anh em pháo binh phải tháo ra nhiều bộ phận, có bộ phận 4 người khiêng rồi 2 người khiêng. Đại đội hơn 100 người chỉ có một khẩu pháo.

        Đưa pháo vào được đây anh em pháo binh đã phải chịu muôn vàn khó khăn gian khổ thế mà tham gia chiến đấu trận đầu coi như không phát huy tác dụng vì địa hình rừng núi, cây cối rậm rạp, che khuất tầm ngắm. Sư đoàn lệnh cho pháo binh phải tìm trận địa thích hợp, tiếp tục bắn chỉ viện cho Trung đoàn 95 mở cửa.

        Theo phương án, sau khi các loại pháo chuyển làn và ngừng bắn các Tiểu đoàn bộ binh nhanh chóng dùng hỏa lực đi cùng bắn kìm chế để tổ mở cửa dùng bộc phá đánh phá hàng rào các loại, bộ binh tấn công vào căn cứ.

        Chỗ chúng tôi không nghe được tiếng súng bộ binh mà chỉ nghe được tiếng nổ của bộc phá và các loại hỏa lực của ta và địch. Gần sáng, tôi nghe Trung đoàn 95 báo cáo về Sư đoàn, Tiểu đoàn 2 đã đánh chiếm được một số lô cốt của địch và vấp phải hàng rào bùng nhùng anh em không thể tiến được nữa vì trời đã sáng. Địch co cụm chổng trả quyết liệt.

        Hướng Tiểu đoàn 1 đánh từ sân bay vào, địa hình bằng phăng, địch dùng hỏa lực mạnh phản kích, quân ta không thể tiến vào được. Sư đoàn chỉ thị Trung đoàn 95, cho bộ đội lợi dụng chiến hào của địch đào công sự đánh địch phản kích, chờ lệnh của Sư đoàn.

        Hướng thứ yếu đánh do Tiểu đoàn 1 đảm nhiệm. Trong quá trình điều nghiên anh em cho rằng hướng này địch phòng thủ sơ sài. Nhưng thực tế địch đã bố trí một hệ thống hầm hào kiên cố. Xung quanh sân bay có một hệ thống hỏa lực liên hoàn như: Đại liên, trung liên, cối 61, M79 nên khi bộ đội ta vào tới đầu sân bay đã bị hỏa lực địch chặn lại. Địa hình bằng phẳng, trống trải gây cho ta nhiều thương vong. Bộ đội phải lùi lại đào công sự để chốt tại đây.

        Tính chất cùa trận đánh này là công đồn diệt viện. Trung đoàn 95 và một số đơn vị hỏa lực tập trung đánh tiêu diệt căn cứ A Sầu. Khi bị tấn công A Sầu, địch nhất định sẽ đổ quân tiếp viện. Lực lượng đánh quân tiếp viện của ta có Trung đoàn 88, các đơn vị hỏa lực, bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế và tinh Quảng Trị tham gia. Các trận địa phục kích đánh quân đổ bộ chủ yếu ở bản A Lưới, bản Con Ngan, sẵn sàng cơ động đánh địch ở các khu vực đã được dự kiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2017, 12:29:59 am »


        Cả ngày 8 tháng 3, địch cho máy bay các loại phản kích quyết liệt. Chúng chủ yếu dùng L19, OV10 trinh sát, phát hiện rồi gọi AD6 đến ném bom tập trung xung quanh Trung đoàn 95. Tiểu đoàn 12,7 đã nổ súng nhiều lần bắn rơi 2 máy bay, còn lực lượng bộ binh thì cả ta và địch đều nằm tại chỗ bám trụ chờ trời tối.

        Đêm mồng 8, rạng ngày mồng 9 tháng 3 năm 1966, quân ta tập trung khắc phục hậu quả, bổ sung súng đạn, đào hầm vây lấn chọc cho địch phải đổ quân tiếp viện ứng cứu. Một điều kỳ lạ ngày 9 tháng 3, địch phản ứng dè dặt chủ yếu dùng máy bay trinh sát, máy bay trực thăng vòng lượn bắn phá xung quanh A Sầu, dùng máy bay OV10 kêu gọi quân giải phóng chiêu hồi về với Việt Nam cộng hòa và rải truyền đơn, giấy thông hành khắp rừng.

        Căn cứ A Sầu là một căn cứ độc lập nằm sâu về phía tây tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế, không có một loại pháo nào của địch bắn tới đây được nên anh em ta cũng đỡ thương vong vì pháo. Qua hai ngày địch vẫn không đổ bộ bằng bộ binh. Các đơn vị phục kích của ta vẫn đảm bảo bí mật tuyệt đối, có lẽ do hai kẻ chiêu hồi khai báo kế hoạch tác chiến của ta.

        Rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1966, lệnh của Sư đoàn cho Trung đoàn 95 nổ súng tấn công tiêu diệt căn cứ A Sầu. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch kéo dài từ mờ sáng tới 5 giờ chiều mới kết thúc. Ta và địch giành giật từng lô cốt, từng đoạn chiến hào, máy bay trực thăng bắn phá xối xả vào trận địa của ta. Cả bộ binh và pháo 12,7 đã bắn rơi 3 chiếc mà nó vẫn không chịu lơi ra.

        Khoảng 4 giờ chiều, cả ta và địch đều mỏi mệt. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 95 bị thương vong quá lớn, Trung đoàn tăng cường hỏa lực và tung 2 Đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 3 (lực lượng dự bị) vào, mở một đợt tấn công đánh thẳng vào trung tâm. Địch bị tấn công bất ngờ, co cụm đối phó. Thừa thắng quân ta ở các mũi đều đồng loạt tấn công, hàng trăm tên địch kéo cờ trắng xin hàng.

        Hơn 5 giờ chiều, quân ta làm chủ trận địa. Ta đã tiêu diệt được 150 tên địch, bắt sống hơn 300 tên, thu nhiều quân trang, quân dụng, vũ khí. Kể từ đó, mảnh đất này trở thành vùng giải phóng hoàn toàn của quân ta.

        Trận đánh này, Trung đoàn 95 bị tổn thất khá nặng nề. Một số đồng chí cán bộ cho biết ta hi sinh gần 300 chiến sĩ, bị thương hàng trăm đồng chí, có Đại đội bộ binh chỉ còn lại vài chục người. Khi hành quân ra tới rừng thông, Sư đoàn phải giải tán Tiểu đoàn vận tải. Tiểu đoàn sơn pháo 75 để bổ sung cho Trung đoàn 95.

        Trận đánh kết thúc, các Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 95 không đủ người để vào giải quyết hậu quả chôn cất từ sỹ. Sư đoàn và Trung đoàn phải điều động cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị trực thuộc vào giải quyết giúp.

        Tiểu đoàn 16 điều hơn 20 người vào chôn cất tử sỹ. Tôi cũng được Đại đội cử trong số đó. Khi vào tới căn cứ A Sầu tôi mới thấy sự khủng khiếp, trận đánh quá ác liệt. Tinh thần chiến đấu hi sinh của bộ đội ta không thề tưởng tượng được tất cả vì chiến thắng.

        Các hướng tấn công, các điểm cửa mở, bộ đội chết chồng lên nhau, súng đạn, xẻng cuốc, cơm nắm, lựu đạn còn quấn đầy thắt lưng. Mỗi người chết một tư thế khác nhau, người nằm ngửa, người nằm nghiêng, người nằm sấp đất, bụi, khói, bom đạn lấm đầy mặt, quần áo. Có người chết từ bữa đầu, nay đã sình to nên chẳng nhận ra ai với ai. Địch cũng chết đầy hầm, đầy hào. Việc phân biệt lính ta và địch chỉ nhìn vào thắt lưng mà thôi.

        Chúng tôi vội vàng đào hố rồi khiêng anh em vào chôn thành từng dãy, chẳng cỏ túi ni lông đâu mà đùm gói, miễn là chôn cất thật nhanh để ra vì còn sợ máy bay Mỹ đến đánh phá hủy diệt. Có người trên thắt lưng còn treo cả lựu đạn, súng ngắn cũng chẳng ai tháo ra. Các đồng chí cán bộ thì liên tục hô khẩn trương, khẩn trương.

        Sau khi tìm kiếm, chôn cất hết các tử sĩ, chúng tôi trở về đơn vị. Tôi được Trung đội trưởng Đạm phân công đi lấy gạo. Đại đội có 10 người, theo quản lí đến kho để nhận gạo. Đại đội gần một trăm người chỉ có chưa đầy một tạ gạo.

        Đồng chí quản lí nói: “Số lương thực này ăn trong mười ngày, mỗi ngày mỗi người chỉ có một lạng, các đồng chí về báo với Trung đội chìa ra mà ăn dè cho đủ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2017, 04:36:21 am »


        Anh Hương, Chính trị viên Đại đội phổ biến nhiệm vụ và động viên anh em: “Chúng ta hành quân ra T45, đường nhiều đèo dốc, khe suối, lại mang vác nặng. Khi vào ta mang vác nặng nhưng nay lại còn nặng hơn vì qua chiến đấu có một sổ anh em bị ốm đau bệnh tật, ta phải thay nhau khiêng cáng anh em đi cùng. Thời gian hành quân nếu đi nhanh phải mất 6 đến 7 ngày. Anh em đói khát đã mấy ngày rồi, nay lại phải đói hơn vì mỗi người mỗi ngày chỉ có một lạng gạo. Gạo ít các đồng chí cán bộ, đảng viên phải trực tiếp mang và chia cho anh em ăn hàng ngày, không để anh em nấu ăn tùy tiện, hết gạo sẽ bị chết đói”.

        Đường hành quân từ A sầu ra đồi thông, bộ đội đi đông như kiến. Khi vào, mỗi đơn vị đi một đường. Nay ra, đơn vị nào cũng tìm con đường ngắn nhất, dễ đi nhất để hành quân nên tất cả các đơn vị cùng đổ dồn vào một con đường.

        Anh em Trung đoàn 95 dùng số tù binh đề khiêng cáng thương binh. Tất cả đều phải mang vác rất nặng. Ngoài ba lô cá nhân, tôi phải mang theo 2 cuộn dây điện 14kg và một chiếc máy điện thoại 4kg nữa. Đường hành quân hết sức vất vả phải đi qua nhiều dốc cao và dài. Có ngày, chúng tôi đi từ sáng đến chiều mới tới đỉnh dốc.

        Ngày nào cũng vậy, 7 giờ sáng hành quân, 4 giờ chiều là cho bộ đội nghỉ để tìm rau môn thục về nấu ăn. Rừng ở đây là rừng già cây to. Hai bên bò suối và lưng chừng thung lũng cây môn thục mọc dày đặc.

        Cây môn thục là loại cây họ môn. Cả thân và lá đều nhỏ hơn cây môn của ta, nó chỉ cao khoảng 30 phân. Có nơi thì gọi là cây môn chóc vì lá nó chóc lên. Cây này ăn được cả lá và cây. Nhưng cây thì ăn ngon hơn, khi nào thiếu, ít thì mới ăn cả lá.

        Bộ đội ta lấy môn thục về cắt lá rửa sạch thái ra nấu như nấu cám lợn. Cứ một nồi 20 quân dụng Tiểu đội đổ vào cho một bát gạo vì mỗi ngày một lạng gạo phải chia ra làm ba bữa. Để chống đói, cả Tiểu đội tập trung lấy rau về một đống to như cồn mả. Nấu nước sôi, thay nhau bỏ rau vào, bỏ mãi khi nào đặc quánh sôi lệt sệt như cám lợn thì thôi.

        Bữa tối và bữa sáng anh em ăn no thoải mái. Bữa trưa nấu cháo rau nhừ đóng mỗi người một bi đông mang theo. Dọc đường ai khát nước thì uống nước suối vì ở đây rất nhiều khe suối. Hành quân từ sáng tới khoảng 11 giờ trưa, đơn vị nghỉ chân để ăn trưa. Mỗi người một bi đông, có người đổ ra bát, có người tu như Tây uống rượu nhưng có anh đói quá đã chén gần hết.

        Một hôm, đang hành quân nghe rộ lên bên trong có sắn. Tôi nói với anh Dũng Tiểu đội phó giữ đồ cho tôi, tôi theo anh em vào tìm sắn.

        Lần theo dấu đường mòn của các đơn vị trước đi khoảng 600 mét thì thấy một rẫy sắn của dân bị máy bay

        Mỹ rải chất độc hóa học rụng hết lá, thân sắn trơ trụi như những cái que chọc lên trời, lại được anh em các đơn vị đến trước đào phá vứt ngổn ngang giống như một bãi củi. Anh em họ đào phá hết cả rẫy, không có một gốc nào sót.

        Chúng tôi dùng dao chặt mót lại những mẫu cuống tràm sót lại, toàn xương xẩu, chỉ to bằng ngón tay, ngón chân, nhanh chóng dùng dao gọt loa qua cho sạch đất rồi bỏ mồm nhai ngấu nghiến, nuốt lấy nước, còn chặt thêm được một mớ đem về cho anh em. Nấu mãi cũng chỉ nhai lấy nước vì toàn cuống trăm, nếu củ nào có ruột thì lật sật như nhai tàu lá chuối, chẳng có mùi vị gì.

        Nghe nói sắn bị máy bay rải chất độc hóa học chỉ bị rụng lá, cây không chết nhưng lớp lá cũ sỗ bị thối. Sau đó, sán ra lớp lá mới nhưng phải sau một năm, nếu địch không rải tiếp chất độc hóa học thì mới có ăn. Cũng từ đây vùng này là căn cứ địa của ta, địch liên tục rải chất độc hóa học cho tới những năm 1969 - 1970. Rừng cây cũng trơ trụi không có một lá xanh.

        Ở những rừng cây bị Mỹ rải chất độc hóa học, bộ đội ta trú quân có nhiều cái chết thương tâm do cây khô mục nát, đổ sập. Có người bị cây đổ đàn qua người anh em phải dùng cưa, búa bừa hàng tiếng đồng hồ mới lấy được xác ra.

        Hành quân 6 ngày thì ra tới rừng thông, nếu kéo dài nữa chắc sẽ có người chết đói vì anh em đã kiệt sức.

        Có một số đơn vị thì anh nào khỏe cho vượt nhanh ra tới T45, rồi bỏ đồ đoàn tại đó, mang lương thực vào cứu số anh em ốm đau tụt tạt phía sau. Dọc đường gặp rất nhiều người lê lết, kiệt sức nhờ anh em quay lại mang cháo, gạo tiếp sức không thì sẽ chết dọc đường mà không ai biết.

        Qua những ngày chiến đấu và hành quân vất vả, đơn vị ra tới T45 thì dừng lại mấy ngày để củng cố ổn định tổ chức, rút kinh nghiệm về trận chiến đấu và việc tổ chức hành quân ra.

        Đơn vị tôi được Sư đoàn đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đồng chí được biểu dương, khen thưởng. Trong hội nghị rút kinh nghiệm trận chiến đấu giải phóng A Sầu không ai nói ra nhưng ngoài họp, các đồng chí cán bộ kháo với nhau nhiều: Trận đánh phải trả giá quá đắt, thương vong nhiều quá. Đã có hai chiến sỹ của ta đầu hàng làm lộ ý đồ tác chiến mà Sư đoàn vẫn giữ nguyên phương án tác chiến cũ, dẫn đến thương vong cao...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2017, 04:37:17 am »

        
LÊN TÂY NGUYÊN

        Bộ đội chưa kịp lẩy lại sức thì đơn vị phổ biến nhiệm vụ. Sư đoàn không hoạt động vùng này mà đi B dài với kí hiệu B45 đi Bác Danh. Thế là cuộc hành quân đi B dài lại tiếp tục. Chúng tôi hành quân theo đường giao liên do Đoàn 559 hướng dẫn.

        Mỗi ngày chỉ 4 lạng gạo đói vô cùng và không có một thứ gì ăn thêm, thực phẩm bổ sung chỉ có muối mỏ, mắm kem và 2 lạng mì chính mang từ Bắc vào nay cũng đã cạn dần phải ăn dè xẻn.

        Rừng Lào mùa khô không thể tìm ra một loại rau gì, cứ mỗi lần dến trạm anh em nhanh chóng chạy vào rừng tìm cây bứa lấy lá về nấu canh chua. Nói là canh chua nhưng thực ra chỉ có lá bứa nấu với nước lã, cho muối và một chút mì chính. Đó là những bữa ăn lí tưởng. Những hôm gặp con suối cạn anh em lật đá tìm cua, cá. Bắt được con nào thì về nấu canh dành cho người sốt rét, ốm yếu.

        Nhiều đồng chí đã bị sốt rét, đon vị phải khiêng cáng đi vì không biết gửi vào đâu. Mỗi buổi sáng, trước lúc hành quân, đơn vị lại quán triệt phải đảm bảo quân số vào tới chiến trường 100% và chiến đấu được ngay. Cà một Sư đoàn thực binh đến gần vạn người cùng hành quân. Tuy đã có lịch trình cho từng đơn vị nhưng số anh em ốm yếu, sốt rét tụt tạt thì rải rác nên chẳng ra đội hình nào cả. Thinh thoảng lại thấy có vài anh trùm khăn lút cả đầu, vừa đi vừa rên.

        Cuối tháng 4 năm 1966, đơn vị hành quân tới Kon Tum, rồi rẽ về phía Đông cách đường giao liên khoảng một ngày đường thì dừng lại. Chúng tôi đinh ninh đây là địa bàn hoạt động của đơn vị. Các đơn vị cho anh em đào hầm, chặt cây làm lán trại.

        Đây là một khu rừng già xen lẫn các lùm cây lồ ô, đơn vị tôi đóng quân sát một con suối, rộng khoảng bảy, tám mét. Nước suối trong vắt chảy lờ đờ, hai bên bờ suối toàn cây dâu da, có nhiều cây đã có quả nhỏ bằng quả táo.

        Cây lô ô ở miền Bắc không có. Nó giống như cây tre, không có gai và mỏng hơn cây tre nhưng lại lại dày thịt hơn cây nứa. Cây cao to bằng cẳng chân, thẳng táp, bộ đội chặt làm lán trại rất thuận lợi. Lấy thân cây lồ ô làm khung lợp tăng và đập dập làm sạp để nằm.

        Lồ ô ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ rất nhiều. Đến mùa măng thì đi lấy măng lồ ô là thích nhất vì măng to, gốc không có gai, măng ngon, không đắng, chỉ cần thái nhỏ, luộc chín là ăn được.

        Tôi vào loại khỏe trong Đại đội. Trên đường hành quân tôi thường đến trạm trước, sau đó quay về để đón anh em, mang dùm ba lô, bao gạo hoặc dây máy để anh em cố về trạm kẻo tối.

        Đến vị trí tập kết, làm xong lán trại thì tôi bắt đầu bị sốt rét. Đầu đau, chóng mặt, lên cơn sốt cao, ăn vào là nôn mửa. Khi lên cơn, hai hàm răng cứ đánh vào nhau liên hồi, miệng rên không thành tiếng. Anh em dùng hai ba cái chăn quấn chặt vẫn cứ thấy lạnh. Lạnh từ trong ruột lạnh ra. Y tá, y sỹ Tiểu đoàn đến thăm hỏi thường xuyên nhưng cũng chỉ có mấy viên thuốc Nivaquyn và mấy viên B1.

        Ba bốn ngày liền tôi không ăn được một tí gì, cứ ăn vào là nôn ọe. Những ngày này Trường thường sang thăm hỏi tôi. Tôi nói đắng miệng lắm không ăn uống được cái gì cả. Trường đi dọc bờ suối tìm được mấy chùm quả dâu da mang về, quả non nên chua, tôi ăn vào thấy đã vô cùng. Nhưng đồng chí y sỹ Tiểu đoàn lại nói không nên ăn vì ăn quả này vào hay bị sốt rét nên tôi đành để dành và ăn vụng, sợ hết mất không ai đi hái cho.

        Sang ngày thứ tư thì tôi không thể đứng và đi được nữa. Lúc nào tôi cũng thấy ười đất quay cuồng, không dám mở mắt. Đi tiểu cũng phải nhờ anh em giữ và dựa vào cây không thì ngã. Trong Đại đội có ba bốn đồng chí cũng bị sốt rét nhưng họ không nôn, không chóng mặt, nên trường hợp của tôi cũng hơi khác. Do vậy các cán bộ trung đội trưởng, chính trị viên, quân y sỹ liên tục đến kiểm tra, thăm hỏi tôi.

        Tôi không hiểu vì sao đơn vị không cử người khiêng tôi và Trung đội phó Thuận vào viện mà là 8 người của Tiểu đoàn vận tải Sư đoàn xuống làm các thủ tục rồi đưa chúng tôi đi. Sau này tôi mới biết đơn vị cũng đang chuẩn bị hành quân vào Gia Lai.

        Nằm trên võng, tôi được cáng đi, chẳng biết đi hướng nào và đi bao nhiêu ngày thì tới bệnh viện. Những người khiêng cáng, tôi chưa hề quen biết mà anh em thật chu đáo. Có lẽ sợ tôi chết trên võng mà không biết, nên cứ mỗi khi nghỉ 10 phút, anh em lại mở chăn kiểm tra. Đến chỗ nghỉ, anh em tranh thủ nấu cơm và nấu cho tôi một ăng gô cháo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2017, 04:38:21 am »


        Ở đơn vị đã hơn bốn ngày tôi không ăn một tý cơm, cháo nào vào bụng. Cứ nhìn thấy cháo là nôn ra nước xanh, nước vàng. Thế mà bây giờ, anh em vận tải đưa cháo giục tôi ăn, tôi cố nuốt được nửa bát cháo mà không thấy nôn ọe. Tối hôm đó tôi đã ngủ được đôi hồi. Anh em thay nhau canh gác. Mỗi lần thay gác, họ lại tốc màn lên kiểm tra, sờ trán, sờ mũi tôi.

        Sáng ra, anh em nấu cơm và một ít cháo nấu cho tôi vừa ăn sáng, vừa mang theo. Tuy miệng đẳng như ngậm thuốc ký ninh nhưng tôi cố nuốt được mấy thìa cháo nên thấy trong người đỡ hơn, không chóng mặt nữa. Anh Thuận thì đã ăn được cơm và tự chống gậy đi được. Đường rừng toàn là dốc cao, hết lên, lại xuống. Trời mưa, đường trơn, nằm trên võng tôi cảm nhận được anh em khiêng mình quá vất vả.

        Tôi nghe thấy mọi người nhắc nhau cẩn thận ngã là chết đấy. Quá trưa, nghỉ ăn cơm, anh em hâm lại gô cháo cho nóng rồi múc ra một bát, giục tôi cố gắng mà ăn. Tôi nhờ anh em dìu xuống võng, ngồi tựa gốc cây, tự tay xúc ăn. Tôi ăn đã ngon miệng và ăn hết bát cháo.

        Ân xong, tôi tự đi lại chuyện trò với anh em. Tôi đề nghị cho tôi tự đi, nhưng anh em không đồng ý: “Cậu còn yếu! Đường dốc và trơn nếu té ngã thì rất nguy hiểm. Hơn nữa cậu đi chậm tối không tới được trạm đâu”.

        Tối hôm đó anh em nấu cháo cho tôi và cho tôi một mẩu sắn nướng. Tôi ăn ngon miệng và đêm đó đã ngủ ngon giấc. Sáng ra, tôi thấy trong người đã tỉnh táo và đã ăn được cơm. Tôi nói: Bây giờ tôi có thể tự đi được, các anh chỉ cần mang ba lô cho tôi. Tôi đã tự chống gậy đi từ sáng cho tới chiều.

        Cũng chiều đó, chúng tôi đến bệnh viện. Nhập viện xong, anh Thuận nói với tôi: "Ở nhà thì nằm la lết, vào tới bệnh viện thì thấy khỏe rồi".

        Đây là bệnh viện dã chiến, không biết của Bộ Tư lệnh B3 hay của Đoàn 559. Bệnh viện mới được chuyển đến đây. Một khu rừng già, xen lẫn các bãi cây lô ô. Lán trại được làm bằng cây lô ô, trên lợp tăng, liếp cũng bằng cây lô ô đập dập. Lán nằm cạnh một con suối cạn. Mỗi lán có thể có bảy tám người.

        Anh em đến đây điều trị khá đông, có cả thương binh nhưng chủ yếu là lính sốt rét. Nhân viên y tá, hộ lý hầu hết là các cô gái khu năm. Có lẽ nhân viên bệnh viện ít người nên số anh em bệnh binh khỏe hơn được bệnh viện cắt cừ xuống làm giúp bệnh viện như đi lấy măng, lấy củi, nấu ăn, làm lán...

        Anh em nằm viện đều trông cho nhanh chóng khỏe là ra thôi. Ở đây khổ lắm, thuốc thang cũng chẳng có gì ngoài mấy ống ký ninh và mấy ống Bl. Nếu ai lên cơn ác tính thì cũng chết thôi. Nếu ai khỏe rồi thì viện còn giữ thêm mấy ngày để làm lán, đi lấy củi, lấy măng... Một đồng chí cho biết: “Sáng nay tôi đi lấy măng thấy bãi nghĩa trang có hàng chục ngôi mộ mới chôn. Có mộ đã bị kỳ đà đào tung tóe, đất ùn lên từng đống to như cái thúng” - “Kỳ đà đào làm gì vậy?” - “Đào lên để ăn xác chứ gì nữa”. Nghe nói vậy, tôi thấy phát khiếp.

        Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, khi có người qua đời, trạm xá chỉ quấn ni lông rồi đem chôn. Chôn nông, kỳ đà thấy mùi và đất lạ nên đào bới, tìm mồi. Sau này, để khắc phục kỳ đà đào bới, khi có người qua đời, anh em dùng cây lồ ô chẻ thanh to bằng ba ngón tay, kết lại quấn chặt người, mới đem chôn và chôn sâu hơn. Kỳ đà không thể đào được nữa.

        Tôi và anh Thuận vào điều trị được năm ngày thì bệnh tình thuyên giảm hẳn, ăn uống được và đã giúp nhà bếp chẻ củi, thái măng... Khi ấy, một chiến sỹ của đơn vị nhập viện. Anh này cho biết đơn vị đang hành quân vào phía trong.

        Anh Thuận gặp tôi nói: "Như vậy đơn vị chuyển địa bàn hoạt động, ngày mai bọn mình xin ra viện để đuổi kịp. Đơn vị mới hành quân ba bốn ngày, mang vác nặng có lẽ chưa đi được xa. Hơn nữa cả Sư đoàn hành quân dọc đường thiếu gì lính. Mình cứ bám theo họ mà đi".

        Nghe anh Thuận bàn, tôi nhất trí ngay. Sáng hôm sau hai anh em gặp chỉ huy trạm xin ra viện. Tôi xuống nhà bếp để lấy gạo, lấy muối đi đường nấu ăn. Gặp đồng chí quản lý, tôi trình bày: “Hai anh em chúng tôi vào đây mới được 5 ngày, nay đã khỏe. Đơn vị đang hành quân vào phía trong, đi được ba, bốn ngày rồi. Chúng tôi ra viện để đuổi kịp đơn vị. Chúng tôi chẳng có gì để nấu ăn, anh cho chúng tôi xin mấy cân gạo và một cái nồi để dùng trên đường”.

        Nghe vậy đồng chí quản lí thương tình cho chúng tôi mỗi người ba cân gạo và một cái nồi nhỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2017, 04:38:57 am »


        Tôi lấy được một con dao tông chè củi của nhà bếp. Hai anh em không có súng, mỗi người chỉ có hai quả lựu đạn. Anh Thuận có con dao găm còn tôi có dao tông. Ra viện, hai anh em quyết tâm bám theo đơn vị.

        Hơn một giờ đi bộ, chúng tôi ra được đường giao liên. Tất cả các đơn vị của Sư đoàn đều hành quân trên một tuyến. Tuy đã có lịch hành quân cho từng đơn vị để khỏi ùn tắc và dễ quản lý, nhưng do hành quân mang vác nặng, bộ đội bị ốm đau nhiều nên số tụt tạt lại phía sau khá lớn, đơn vị nào cũng có. Thỉnh thoảng lại thấy vài ba người mắc võng nằm cạnh suối.

        Tôi và anh Thuận hòa chung vào đoàn người, chẳng ai biết chúng tôi ở đơn vị nào. Cứ sáng đi chiều gần đến trạm giao liên là nghỉ. Đến điểm nghỉ, người thì đi kiếm củi, người thì đi kiếm rau, kiếm sắn, lấy măng.

        Trước đó mấy năm, bộ đội Tây Nguyên ngoài đánh giặc ra mỗi người một năm phải trồng được 500 gốc sắn. Dân bản mỗi năm, mỗi bản phải trồng ba bốn hec ta sắn, nên sắn được trồng khắp nơi. Có rẫy sắn được trồng ba, bốn năm, cây to bằng cẳng chân có thể mắc võng được. Nhất là dọc hai bên sông Xê Sụ những củ sắn nặng tới ba cân, có ba, bốn lớp ròng, vì sắn cứ mỗi năm ra một lớp ròng.

        Gạo ít chúng tôi phải ăn dè, bữa nào cũng lấy sắn về xắt mỏng, nấu đặc như cháo để ăn cho no. Thức ăn chi có muối trắng và một tý mì chính. Chỉ có một cái nồi hai chúng tôi phải nấu rất nhiều lần: nấu nước sôi đổ bi đông, nấu com đổ ra ni lông, sau đó mới nấu canh, nấu sắn. Mùa mưa nấu được bữa ăn cũng khá vất vả, phải lấy những cây củi to dùng dao đẽo nhỏ như phoi bào nó mới cháy và mới nhen được lửa.

        Được mấy ngày thì gạo muối cũng hết. Tôi phải đánh liều vào trạm giao liên trình bày và xin họ. Nhưng họ cùng có dư dật gì đâu. Mỗi lần xin họ chi cho chúng tôi l kg gạo và một nhón muối. Họ nói chúng tôi chỉ nhận gạo ăn tháng một, đây là bớt khẩu phần anh em cho các đồng chí thôi và cũng cỏ nhiều anh em vào xin lắm, mong các đồng chí thông cảm.

        Cuộc truy đuổi đơn vị kéo dài cả chục ngày. Tuy vất vả nhưng thú vị vì thoải mái, chúng tôi đi tự do, mang vác lại nhẹ.

        Vượt sông Pô cô đi mấy ngày thì sang đất Căm Pu Chia, địa hình bằng phẳng. Có ngày chúng tôi đi hai trạm mong sao sớm đuổi kịp đơn vị. Vùng biên giới Việt Nam -  Căm Pu Chia, cây thấp, rừng thưa, không có núi cao. Thỉnh thoảng, gặp biên phòng Căm Pu Chia đi tuần.

        Bộ đội đến đây được phổ biến nếu bị lính Căm Pu Chia bắt thì khai là lính của ông Phương, ông Phương chuyên mua lúa gạo, thực phẩm để cung cấp cho bộ đội Tây Nguyên. Anh em giao liên chọn chỗ vượt qua đường 19 (đường Việt Nam sang Căm Pu Chia), theo một con suối cạn rồi chui cống qua đường. Bộ đội hành quân đông mà không để lại một tý dấu vết nào.

        Vào tới đây, chúng tôi gặp lính cùa Đoàn 559 thồ gạo, thực phẩm. Có những kho gạo, thực phẩm hàng trăm tấn cất giấu trong rừng. Thực phẩm chủ yếu là khô, muối, mắm tôm, cá khô mua từ Biển Hồ chuyển về, có con cá lóc được chẻ banh ra nhiều mảnh to như cái quạt, nặng tới 2kg. Muối mỏ, hạt to như ngón tay, như viên bi, viên sỏi, bỏ vào nước ngâm hàng mấy chục phút mới tan hết.

        Trước năm 1970, Căm Pu Chia là thánh địa của quân giải phóng. Kho tàng, hậu cần, Sở Chỉ huy, Bộ Tư lệnh B3, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ đều ở trên đất Căm Pu Chia. Những năm này, Mỹ vẫn còn tôn trọng chủ quyền của Căm Pu Chia nên nơi đây không bị bom pháo.

        Một lần trên đường hành quân, chúng tôi gặp một đoàn xe thồ Đoàn 559 chở cá khô, đi ngược chiều. Biết đoàn chúng tôi là lính Nghệ An mới vào, nên dù phải còng lưng đẩy xe thồ nặng nhưng họ cứ liên tục hỏi có anh nào dân Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên không? Các anh này vào Nam từ đầu năm 1964 nên rất muốn biết tình hình quê nhà.

        Nghe: “Có anh nào dân Hưng Nguyên không?”, tôi chạy tới thì gặp anh Minh ở xóm 12. Anh em gặp nhau mừng quá. Tôi thông báo: “Có anh Tiến em ruột anh đang hành quân phía sau”. Anh Minh rút ra cho chúng tôi mỗi người một con cá khô rồi vội đi cho kịp đoàn và mong chóng gặp được em mình.

        Đơn vị hành quân đến làng Tung thì dừng lại nghỉ mấy ngày nên chúng tôi gặp đơn vị tại đây. Gặp lại, ai cũng mừng vì sợ chúng tôi đi viện sẽ bị cắt quân số chuyển sang đơn vị khác.

        Làng Tung tương đối lớn, có tới hàng trăm nhà sàn đồng bào dân tộc Căm Pu Chia. Đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố giống như dân tộc Ba Na, Ê Đê của ta, nói tiếng cũng giống nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2017, 04:39:29 am »


        Đơn vị tôi dừng ờ đây mấy ngày để cán bộ đi địa hình tìm chỗ đứng chân. Khu vực này rừng bằng, cỏ le cao lút đầu người. Cách vài chục mét lại có những cây khộp cao to, có cây đường kính từ 1 đến 1,5 mét thẳng như cây đũa dựng ngược, lá to như lá đa. Hai bên suối toàn là rừng le, những bụi le mọc sát nhau. Phía trên cành, ngọn lá đan khít vào nhau như một tấm lợp dày, cả ngày không có một tý ánh nắng rọi vào.

        Bộ đội ta làm lán, mắc võng dưới rừng le thật là lí tường. Nhất là mùa khô mát cả ngày. Cây le họ nhà tre nhưng thân nó chi bằng cán dao, cán cuốc, ruột hầu như đặc. Le chi cao khoảng ba bốn mét, nhiều cành, nhiều lá chằng chịt với nhau, mọc thành từng bụi. Măng le dễ lấy và là loại măng ngon, nhưng nhỏ và ít.

        Đơn vị tổ chức đi lấy gạo, thực phẩm để chuẩn bị hành quân. Gạo, thực phẩm được anh em hậu cần chuẩn bị từ lâu, hầu hết gạo được đóng trong bì sọc xanh đã mất chất, đổ dầu, có nhiều bì đã mốc xanh, nấu cơm toàn nghe mùi bì.

        Thực phẩm chủ yếu là muối mỏ, mắm tôm và một ít cá khô. Tất cả đều do anh em hậu cần mua ở Căm Pu Chia chuyển về. Chúng tôi hành quân về phía Đông, đứng chân trên đất Việt Nam và xác định đây là địa bàn hoạt động của đơn vị. Vị trí đóng quân là một khu rừng già, cây cối xum xuê, ba tầng.

        Trong khi bộ đội làm lán trại, một số cán bộ đi địa hình chuẩn bị chiến trường. Sau trận A Sầu, lại hành quân dài ngày, vất vả, quân số đã bị thiếu hụt, chủ yếu bị sốt rét. Quân số đông, nhưng sức chiến đấu thì yếu. Sư đoàn chúng tôi lúc này chỉ có hai Trung đoàn bộ binh. Trung đoàn 95 và Trung đoàn 88.

        Trung đoàn 95 qua trận chiến đấu A sầu, quân số bị thương vong nhưng sức dẻo dai, chịu đựng tốt, ít bị sốt rét. Trung đoàn 88 anh em quê Hà Nội chưa đánh đấm gì, chỉ có hành quân vào mà đã mất sức chiến đấu. Cả đơn vị hầu như bị sốt rét.

        Đơn vị tôi hơn một trăm người khỏe mạnh hành quân bị rơi rớt rất ít. Tới đây nghỉ mấy ngày đã có tới gần 50% bị sốt rét.

        Khi hành quân thì đói như vậy, nay nấu cơm lên, nhiều người chẳng muốn xuống lấy. Cơm thừa đổ hàng rá, có người ngửi thấy mùi cơm, mùi mắm tôm là nôn mật xanh, mật vàng. Tôi bị sốt rét trước, nay được xếp vào loại khỏe của Đại đội nên mọi việc nặng nhọc như đào hầm, chặt cây, làm lán, đi lấy gạo chúng tôi đều phải cáng đáng.

        Ổn định xong nơi ăn ở, tôi và một số đồng chí nữa được đi theo đoàn cán bộ nghiên cứu trận địa. Đoàn cán bộ đi nghiên cứu trận địa rất đông, trong đó có ông Trân, Sư đoàn đoàn phó, cán bộ tham mưu tác chiến của Sư đoàn, Trung đoàn 95 và một số đơn vị trực thuộc như pháo binh, trinh sát thông tin.

        Tiểu đoàn tôi có đồng chí Sáu đại đội trưởng chỉ huy. Trung đội trưởng Đạm, hai chiến sỹ đó là tôi và anh Âu. Chúng tôi được phổ biến về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch.

        Vùng này, địch từ căn cứ Đức Cơ, Đức Vinh thường ra lùng sục, phát hiện, đánh sâu vào hậu phương ta, nhằm bảo vệ căn cứ của chúng từ xa. Chúng thường dùng các tiểu đoàn bộ binh Mỹ, được pháo binh và phi cơ hộ tống, bảo vệ, khi tấn công. Mỗi đợt hoạt động của chúng thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Địch thường dùng các bãi trống, địa hình có lợi để trú quân dã ngoại phòng bị tấn công, có thể gọi pháo và máy bay hỗ trợ.

        Nhiệm vụ cùa Sư đoàn là nghiên cứu các bãi đổ bộ, các đồi có địa hình thuận lợi dự kiến địch sẽ dừng chân để tổ chức một trận tập kích hoặc vận động phục kích những đường chúng có thể đi qua.

        Chúng tôi theo đoàn cán bộ đi trinh sát hai ba ngày toàn bộ khu vực này. Đây là một vùng rừng bằng, cỏ le cao ngang mặt người xen lẫn cây khộp, lác đác có nhiều bụi le. Có nhiều bãi trống, cỏ thấp là tà rộng như sân bóng đá. Địch thường xuyên dã ngoại ở đây nên chỗ nào cũng có vỏ đồ hộp của Mỹ vứt bừa bãi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2017, 06:32:42 am »


TRẬN ĐÁNH BÃI ĐI NA MÔ

        Qua nghiên cứu các thủ trường xác định trận địa chính là bãi Đi na mô vì mỗi khi địch đi lùng sục, càn quét mấy ngày thường về đây nghỉ tạm, gọi máy bay trực thăng chở về căn cứ.

        Bãi Đi na mô rộng như một cái sân bóng đá, còn chiều dài thì có hàng trăm mét, nó cao hẳn so với mặt bằng ở đây. Xung quanh bãi trống là rừng thưa và cây thấp. Phía phải có một con suối cạn rộng chừng 10 mét, nước sâu khoảng 60 phân, dưới đáy suối toàn sỏi đá, nước ừong vắt, bờ thoải, dễ lên xuống. Hai bên bờ suối, cây le mọc kế tiếp nhau kín đáo dễ tiếp cận mục tiêu. Cái tên bãi Đi na mô được anh em đặt, không có trong bản đồ.

        Anh em trinh sát thấy một cái Đi na mô xe đạp ai vứt ở đây từ bao giờ, nên đặt tên bãi này là bãi Đi na mô. Bãi Trung thu là bãi bộ đội hành quân qua đúng Tết Trung thu. Đồi Im Lặng vì có một đơn vị trú quân gần địch quá, yêu cầu phải giữ bí mật, im lặng cả ngày, anh nào muốn ho cũng phải xuống hầm mà ho nên sau đó anh em gọi là đồi Im Lặng.

        Từ những sự việc như vậy, rất nhiều địa danh được các đơn vị đặt tên và cũng từ đó những tên này được các dơn vị đưa vào mật danh liên lạc, điểm hẹn đi và đến trên các sóng thông tin 15W, 2W. Dù địch bắt được sóng cũng không biết đâu mà lần.

        Sau khi đi nghiên cứu địa hình, xác định mục tiêu, chúng tôi quay về đơn vị chờ lệnh. Anh em trinh sát của Sư đoàn và Trung đoàn 95 ở lại bám địch. Các đơn vị bộ binh của Trung đoàn 95 dịch đội hình lên phía trên, cách bãi Đi na mô khoảng 4 giờ đi bộ, đào hầm bí mật, chờ lệnh. Khi nào trinh sát báo về có địch là hành quân chiếm lĩnh trận địa và chiến đấu ngay. Chúng tôi là lính thông tin nên mọi diễn biến hằng ngày của trinh sát báo về đều được biết khá đầy đủ.

        Sáng 16 tháng 6 năm 1966, trinh sát Sư đoàn báo về, có một Tiểu đoàn lính Mỹ vừa về đóng quân sát bãi Đi na mô. Một lực lượng nhỏ ở ngoài bãi trống còn phần lớn ở trong bìa rừng dọc theo bờ suối. Lệnh của Sư đoàn cho các đơn vị chuẩn bị hành quân chiếm lĩnh.

        Gần tối, trinh sát lại báo về địch đã di chuyển, chưa nắm được chúng đi đường nào. Sư đoàn lại lệnh các đơn vị quay về vị trí cũ chờ lệnh. Sáng 18 tháng 6 năm 1966, trinh sát lại báo về địch quay lại vị trí giống như ngày 16 tháng 6.

        Căn cứ vào tình hình nắm địch của trinh sát và âm mưu thủ đoạn hoạt động của địch, Sư đoàn quyết định cho Trung đoàn 95 và các đơn vị của Sư đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa vào đêm 19 tháng 6. Sở Chỉ huy tiền phương cùa Sư đoàn dịch lên cách Sở Chỉ huy Trung đoàn 95 khoảng 5 km. Sư đoàn dự định và giao nhiệm vụ cho các đơn vị phải chiếm lĩnh trận địa xong trước 12 giờ đêm ngày 19 tháng 6.

        Chúng tôi rải dây từ Sở Chi huy Sư đoàn bám theo đường hành quân của Trung đoàn 95, xuống tận Sở Chi huy Trung đoàn. Tất cả các đơn vị của Sư đoàn đã vào chiếm lĩnh trận địa xong trước giờ quy định.

        Tôi và anh Tịnh quê ở xã Hưng Trung, Hưng Nguyên được Trung đội phân công đặt trạm giữa trên tuyến đường từ Sư đoàn xuống Trung đoàn 95. Trạm giữa của chúng tôi được đặt ngay cạnh trận địa 12,7 ly của Sư đoàn.

        Trạm chi cách Sở Chi huy Trung đoàn 95 khoảng hơn 1 km, về phía sau, có nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt cho Sư đoàn chỉ huy Trung đoàn 95, trong mọi tình huống. Trận địa 12,7 đặt ở một cánh rừng khộp, cây thưa, nhiều cây cao. Anh em đào đắp trận địa giao thông hào liên hoàn, hầm trú ẩn, ngụy trang kín đáo trước lúc trời sáng.

        Tôi và anh Tịnh không có thời gian đào hầm nên chúng tôi kéo dây máy, nằm vào một con suối cạn, hai bên vực rất cao, có nhiều chỗ hõm vào rất thuận tiện cho việc phòng tránh pháo. Tôi thường xuyên cầm ống nghe, để nghe các chỉ thị của Sư đoàn và các báo cáo của các đơn vị lên, đặc biệt là Trung đoàn 95.

        Gần 3 giờ sáng, tôi nghe Trung đoàn 95 báo cáo lên Sư đoàn, bộ đội đã tiền nhập đúng địa điểm nhưng không thấy địch đâu cả. Địch đã di chuyển, có dấu vết xe tăng vượt qua suối, có nhiều vết loang dầu trên mặt nước. Tôi nghe Sư đoàn chi thị, cho trinh sát bám địch, nếu phát hiện tổ chức tấn công ngay trước lúc trời sáng và có phương án đánh xe tăng. Xe tăng ở đây chỉ có M113 thôi. Động viên bộ đội bình tĩnh dùng hỏa lực B40 diệt ngay từng chiếc một. Các đơn vị tuyệt đối giữ bí mật.

        Bình minh hừng sáng, trời trong xanh, không khí hết sức yên tĩnh. Đường dây thông tin từ Sư đoàn xuống các đơn vị thông suốt. Trung đoàn 95 vẫn không thấy địch. Anh Tịnh ngồi trực máy, tôi lên đơn vị 12,7 ly thăm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM