Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:04:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiểu đoàn Phủ Thông  (Đọc 9931 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 07:50:18 pm »

Tên sách: Tiểu đoàn Phủ Thông
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, vnmilitaryhistory


* Chỉ đạo nội dung:
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG TIỂU ĐOÀN PHỦ THÔNG

* Tổ chức thực hiện:
PHÒNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG QUÂN KHU 1

* Ban Biên soạn:
- Trung tướng TRẦN LINH       - Chủ biên
- Thiếu tướng ĐINH TÍCH QUÂN    - Uỷ viên
- Đại tá VŨ QUÊ          - Uỷ viên
- Đại tá HOÀNG KHIỂN       - Thư ký

* Hoàn chỉnh bản thảo:
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH KHIÊM


Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 07:51:21 pm »

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 1998

Thân gửi các đại biểu cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông

Các đồng chí!

Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm và có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên con đường đánh công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong cả 30 năm kháng chiến.

Trong buổi họp này, chúng ta vô cùng nhớ tiếc Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp của Đảng.

Chúng ta cũng tự hào là đã đào tạo cho quân đội nhiều cán bộ các cấp có đức độ và tài năng, trong đó có 7 tướng, nhiều cán bộ cấp tá, cấp vụ, nhiều anh hùng lực lượng vũ trang.

Mong rằng trong cương vị nào, các đồng chí cũng giữ vững phẩm chất và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, phấn đấu trở thành cựu chiến binh gương mẫu, giáo dục gia đình trở thành gia đình gương mẫu. Luôn tỏ lòng biết ơn nhân dân và tổ chức Đảng, đặc biệt là Hội phụ nữ đã hết lòng thương yêu đùm bọc đơn vị ta. Rất tiếc không đến dự buổi họp, xin gửi đến toàn thể các đồng chí và gia đình những tình cảm thân thiết nhất của tôi.

                                               Thân ái
                                               Đại tướng Võ Nguyên Giáp
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười, 2017, 07:59:37 pm gửi bởi vnmilitaryhistory » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:01:27 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


Tiểu đoàn Phủ Thông được thành lập ngày 14.4.1947, từ Chiến khu 3 lên Việt Bắc đảm nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy. Tiểu đoàn đã từng mang các phiên hiệu 150, 160, 36, 11, 1 và được mang danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông" sau trận cường tập đồn Phủ Thông ngày 25.7.1948, đến nay đã tròn 60 năm.

"Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm và có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên con đường đánh công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong cả 30 năm kháng chiến” (Trích thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đại biểu cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông ngàỵ 22.7.1998 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phủ Thông).

”Tiểu đoàn 11 đã được tặng danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông" Tiểu đoàn đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này”. (Trích "Chiến đấu trong vòng vây" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - NXBQĐND, 1995 trang 268).

Tuy vậy, đến nay chưa có một tài liệu nào viết một cách hệ thống và đầy đủ về lịch sử Tiểu đoàn, về sự ra đời và danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông"; về nguồn gốc của chiến thắng Phủ Thông và cả chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Tiểu đoàn. Đã có nhiều công; trình lịch sử nói đến những sự kiện liên quan đến Tiểu đoàn, đến trận Phủ Thông, đó đều là những tư liệu quý, nhưng còn tản mát, có chỗ khác nhau hoặc không thật đúng với các sự kiện đã diễn ra. Do đó, việc biên soạn lịch sử "Tiểu đoàn Phủ Thông" là cần thiết, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền giáo dục truyền thốn 2 cho đơn vị, cho các thế hệ kế tiếp của Tiểu đoàn và góp phần vào việc giáo dục truyền thống trong quân đội.

Lịch sử 60 năm của Tiểu đoàn là cả một chặng đường dài từ khi thành lập trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy, đến trực thuộc Đại đoàn 308; rồi về Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, Quân đoàn 1 Quyết thắng; cơ động chiến đấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia... Tiểu đoàn đã phát triển thành 3 tiểu đoàn, hoạt động trên cả ba chiến trường miền Bắc, Khu 5, Nam Bộ và đều hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.

Cuốn lịch sử này tập trung làm rõ những sự kiện từ khi thành lập Tiểu đoàn đến khi được mang danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông” để đáp ứng yêu cầu kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Tiểu đoàn (14.4.1947 - 14.4.2007). Đây cũng là thời kỳ có nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Tiểu đoàn, tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc, truyền thống tốt đẹp ban đầu, nguồn gốc của chiến thắng Phủ Thông và mọi chiến thắng sau này của Tiểu đoàn.

Những chặng đường tiếp theo, các thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục biên soạn, bổ sung, hoàn thiện phản ánh những sự kiện lịch sử, những chiến công vẻ vang tiếp nối truyền thống của Tiểu đoàn.

Với mục đích, phạm vi nêu trên, nội dung cuốn lịch sử gồm 3 phần và cũng là ba chủ đề chính:
- Sự kiện thành lập Tiểu đoàn.
- Trận cường tập cứ điểm Phủ Thông ngày 25.7.1948.
- Truyền thống Tiểu đoàn Phủ Thông.

Nội dung, được trình bày theo quá trình diễn biến lịch sử, tập trung phản ánh sâu về mặt truyền thống; chính trị, tinh thần, không đi nhiều vào diễn biến chiến đấu cụ thể, vào nghệ thuật quân sự, vào sự chỉ đạo chung, chủ trương chung của chiến dịch và các địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình hành động, chiến đấu của Tiểu đoàn. Những ý kiến còn khác nhau trong các tài liệu lịch sử, trong trí nhớ và hiểu biết của những nhân chứng lịch sử, chúng tôi đều trân trọng, nghiên cứu, khảo sát, tham vấn và đưa ra hội thảo nhiều lần để đi đến những kết luận hợp lý nhất, sát gần thực tế nhất và thống nhất những vấn đề cơ bản về lịch sử và truyền thống ban đầu của Tiểu đoàn để thể hiện trong cuốn sử này.
Ban Liên lạc rất hoan nghênh các nhân chứng lịch sử đã nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến biên soạn; ý kiến tham gia của cơ quan Văn hoá - Thông tin tỉnh Bắc Kạn, cơ quan khoa học của Quân khu 3 và Quân khu 1, đặc biệt là những góp ý quý báu của Thượng tướng Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo nguyên là Tư lệnh Chiến khu 3, người đã chỉ đạo tổ chức thành lập Tiểu đoàn, giao nhiệm vụ và tiễn đưa Tiểu đoàn lên Việt Bắc mở đầu cuộc trường chinh 60 năm đầy gian khổ nhưng rất vẻ vang của Tiểu đoàn.

Chân thành cảm ơn Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Ban Liên lạc hoàn chỉnh và xuất bản cuốn lịch sử này; xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, công ty và các nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp tài trợ cho quỹ quỹ Cựu chiến binh Phủ Thông, tạo điều kiện để Ban Liên lạc hoàn thành cuốn lịch sử của Tiểu đoàn và tổ chức các cuộc kỷ niệm 60 năm thành lập Tiểu đoàn và 60 năm chiến thắng Phủ Thông.

Trong quá trình biên soạn không tránh khỏi nhữns thiếu sót, rất mong được các nhân chứng lịch sử xa gần, các bạn đọc góp ý phê bình; Ban Liên lạc nhiệt liệt hoan nghênh, chân thành cảm ơn và tiếp thu bổ sung sửa chữa khi biên soạn các tập tiếp theo.

                     Hà Nội, tháng 12 năm 2006
                        BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG
                        TIỂU ĐOÀN PHỦ THÔNG
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:04:00 pm »

PHẦN I
THÀNH LẬP TIỂU ĐOÀN


Từ các đơn vị chiến đấu ở chiến trường Chiến khu 3 về thành lập Tiểu đoàn qua các phiên hiệu 150, 160, 36, 11 đến danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông (14.4.1947 đến 25.7.1948)

Cách mạng tháng Tám thành công mở ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta: đập tan sự thống trị của đế quốc Pháp - Nhật và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Chính quyền mới thành lập, lực lượng vũ trang còn non trẻ, nạn đói chưa chấm dứt, đất nước chưa ổn định thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, dùng vũ lực hòng buộc quân và dân ta phải đầu hàng, từ bỏ độc lập, trở lại làm nô lệ dưới ách thống trị của chúng.

Thực hiện lời thề độc lập và lời kêu gọi của Chủ tịch Hổ Chí Minh, một phong trào toàn dân đứng lên đánh giặc bảo vệ Tổ quốc từ Bắc chí Nam. Ở Chiến khu 3 - đầu cầu xâm nhập của quân đội Pháp ra ngoài Bắc, phong trào thanh niên tòng quân diễn ra sôi nổi. Các đơn vị Vệ quốc đoàn phát triển nhanh chóng, vừa xung phong Nam tiến, vừa tổ chức bảo vệ và sẵn sàng đánh địch khi chúng bước chân lên đất nước ta từ Móng Cái, Quảng Yên đến Hải Phòng - Kiến An.

Ngày 20.11.1946, Hải Phòng bước vào cuộc kháng chiến. Lực lượng vũ trang Chiến khu 3 đà kiên cường đánh địch trong thành phố, bao vây, ngăn chặn địch tiến ra ngoài thành phố hòng mở đường theo Đường số 5 tiến về Hà Nội. Các đơn vị Vệ quốc đoàn đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường, trung dũng, bất khuất, lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng.

Năm 1947, cả nước bước vào cuộc kháng chiến thần thánh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh mẽ, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa tích cực đưa vận động chiến từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn chuẩn bị cho những bước phát triển sau này. Quân đội được tổ chức theo phương châm: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nghĩa là phân tán một bộ phận chủ lực thành những đại đội độc lập đi sâu vào hậu địch để phát động chiến tranh du kích, đồng thời tổ chức xây dựng các tiểu đoàn mạnh, tác chiến tập trung ở quy mô tiểu đoàn. Bộ Tổng chỉ huy tổ chức một số tiểu đoàn chủ lực trực thuộc Bộ, với trang bị đầy đủ, được huấn luyện tốt để đảm nhiệm nhiệm vụ tác chiến trên từng địa bàn hoặc trên một hướng như những “binh đoàn tác chiến nhỏ”. Tác chiến quy mô tiểu đoàn tập trung cũng là quy mô tác chiến lớn nhất lúc bấy giờ của quân đội ta. Các tiểu đoàn là những đơn vị trực tiếp tiến hành các chiến dịch phản công, tiến công và là nòng cốt xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực sau nàv.

Với các tiểu đoàn chủ lực Bộ đã mở các chiến dịch, các trận đánh then chốt như chiến dịch Yên Bình Xã, chiến dịch Đường số 3, chiến dịch Sông Thao và các trận đánh lớn trên Đường số 4; sau này tập trung về xây dựng thành các trung đoàn, đại đoàn chủ lực.

Tháng 3.1947, Chiến khu 3 được Bộ Tổng chỉ huy giao nhiệm vụ tổ chức một tiểu đoàn theo hướng đáp ứng những yễu cầu đã nêu trên và điều về trực thuộc Bộ. Bộ chỉ huy Chiến khu đã điều động những đơn vị chiến đấu xuất sắc trên các mặt trận của Chiến khu 3 và những vũ khí mạnh nhất lấy được của địch, bổ sung thêm cán bộ và giao cho Trung đoàn 44 tổ chức.

Quân số của tiểu đoàn khoảng 1.200 người, tổ chức thành 3 đại đội bộ binh, 3 trung đội hoả lực, cơ quan tiểu đoàn và các đơn vị trực thuộc tương đối hoàn chỉnh.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm:
- Ông Nguyễn Nhân Đại (nguyên là quản khố xanh đi theo cách mạng) làm Tiểu đoàn trưởng.
- Đồng chí Nguyễn Đăng Quỳnh (nguyên Đại đội trưởng ở Mặt trận C) về làm Tiểu đoàn phó.
- Đồng chí Tạ Đình Hiểu (nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 44) xuống trực tiếp làm Chính trị viên Tiểu đoàn, về Đảng là Bí thư Liên chi bộ.

Các đại đội có:

Đại đội 120: là đơn vị mới được tổ chức, gồm các đơn vị Vệ quốc đoàn thuộc Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 42, một bộ phận tự vệ Hải Phòng, một trung đội quyết tử quân Kiến An và các đơn vị Vệ quốc đoàn thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 44. Các đơn vị này chiến đấu trong nội thành Hải Phòng và nội thị thị xã Hải Dương, đã cùng các đơn vị bạn kiên cường chiến đấu ngăn chặn bước tiến của địch, giành giật từng mục tiêu, gây cho địch nhiều thiệt hại khồng đánh chiếm nhanh được thành phố, thị xã của ta ngay từ ngày đầu gây hấn.

Đại đội 120 do đồng chí Thung làm Đại đội trưởng, đồng chí Bùi Thịnh làm Chính trị viên, đồng chí Hoà làm Đại đội phó. Anh em đa số là người Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.

Đại đội 122: nguyên là Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 42, sau chuyển thuộc Mặt trận C (liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An) được bổ sung thêm trung đội bảo vệ pháo đài Đồ Sơn. Đại đội 5 chiến đấu ở Sở Dầu, Cam Lộ, Quán Toan, Rế, Hà Liên, Ngọ Dương... đã kiên cường mưu trí chặn đánh quyết liệt quân địch có xe tăng, pháo binh yểm trợ đánh ra vùng An Hải, mở Đường 5 lên Hải Dương. Sau khi kiện toàn tổ chức, Đại đội đã tham dự trận tập kích của 3.000 quân vào nội thành Hải Phòng (Thành Tô). Sau đó được tăng cường cho Mặt trận Hải Dương rồi được chuyển về thành lập Tiểu đoàn.

Đại đội 122 do đồng chí Chương làm Đại đội trưởng, đồng chí Vũ Tế Tửu làm Chính trị viên, đồng chí Thọ làm Đại đội phó. Anh em đa số là người quê ở Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình và có một tiểu đội, cán bộ, chiến sĩ là người quê ở Trà Cổ (Móng Cái).

Đại đội 124: nguyên là Đại đội 13 Tiểu đoàn 5, sau đổi thành Tiểu đoàn 77 Trung đoàn 44, chiến đấu ở khu vực cầu Phú Lương, cầu Lai Vu (Hải Dương). Các đơn vị nàv đã cùng đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh địch, đốt phá cầu Lai Vu, tập kích tiêu diệt trung đội lính Pháp giữ cầu Phú Lương. Đại đội được bổ sung thêm các đơn vị địa phương Hưng Yên chiến đấu trên Đường 5 về thành lập Tiểu đoàn.

Đại đội 124 đo đồng chí Kiên làm Đại đội trưởng, đồng chí Minh Bắc làm Chính trị viên, đồng chí Nghiệp làm Đại đội phó. Anh em đa số là người Hải Dương, Hưng Yên.

Các đại đội đều được biên chế mỗi đại đội 3 trung đội bộ binh, 1 tiểu đội súng cối 60 ly (2 khẩu). Mỗi trung đội có 3 tiểu đội, được trang bị hai tiểu liên cho cán bộ trung đội và 1 súng máy FM. Một số trung đội có thêm 1 súng phóng lựu đạn lấy được của Pháp. Súng trường được trang bị cho một nửa quân số, gồm đủ loại súng của Pháp, Nga, Nhật, Tưởng sản xuất.

Về hoả lực của Tiểu đoàn: Có 3 trung đội gồm: 1 trung đội pháo 3 khẩu (1 khẩu 37 ly 5 nòng lấy ở tàu chiến CRAYSSAC; 1 khẩu 37 ly, 1 khẩu 20 ly liên thanh tháo ở máy bay); 1 trung đội súng máy có 1 khẩu 12 ly 7 và 2 khẩu đại liên HOTKITS; 1 trung đội súng cối 81 (3 khẩu).

Trung đoàn 44 đã điều chỉnh cơ quan trung đoàn cùng với cán bộ của Chiến khu và các Tỉnh đội bộ dân quân Hải Dương, Hưng Yên tăng cường để tổ chức cơ quan tiểu đoàn bộ mạnh, có đầy đủ các bộ phận.
Cơ quan tiểu đoàn gồm: Ban Tác chiến, Ban Chính trị, Ban Kiểm tra, Ban Quản trị hành chính hậu cần, Ban Nhân chính...

Các đơn vị trực thuộc gồm: các trung đội công binh, thông tin, quân báo, đội vận tải, và trạm xá quân y. Tiểu đoàn còn được tổ chức đội tuyên truyền vũ trang làm cả công tác dân vận và địch vận. Một số em thiếu nhi đi theo Tiểu đoàn sau này được tổ chức thành Đội Thiếu sinh quân.

Về cán bộ, Chiến khu bổ sung thêm cán bộ đã được đào tạo ở các trường võ bị và điều chỉnh sắp xếp lực lượng đảng viên để các đại đội đều có chi bộ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:04:56 pm »

Có thể nói rằng, Chiến khu đã tập trung về đây những đơn vị đã chiến đấu xuất sắc cùng với những trang bị mạnh nhất và những cán bộ, đảng viên có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của một tiểu đoàn chủ lực trực thuộc Bộ theo yêu cầu của Bộ giao.

Những đơn vị được điều về thành lập Tiểu đoàn đều mang theo mình những chiến công xuất sắc, những truyền thống hào hùng phong phú, đa dạng của các chiến trường trong Chiến khu 3. Nổi bật là ý chí quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược; tinh thần kiên cường bất khuất, dũng cảm mưu trí, đoàn kết chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhân dân...

Với những truyền thống đó, cùng với việc tổ chức chu đáo chặt chẽ ngay từ đầu của Chiến khu đã tạo cho Tiểu đoàn một sức mạnh tinh thần: Lòng tin tưởng, tự hào và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 14.4.1947, toàn Tiểu đoàn tập trung ở sân vận động xã An Khánh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên làm lễ thành lập Tiểu đoàn, đồng thời cũng là lễ xuất quân lên Việt Bắc làm nhiệm vụ tiểu đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ.

Trước đội ngũ chỉnh tề của toàn Tiểu đoàn, đồng chí Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh Chiến khu 3 công bố quyết định thành lập Tiểu đoàn với phiên hiệu Tiểu đoàn 150, giao nhiệm vụ và tiễn đưa Tiểu đoàn từ Chiến khu 3 lên Việt Bắc. Trong lời dặn, đồng chí Tư lệnh Chiến khu đã biểu dương thành tích của các đơn vị trong những ngày đầu kháng chiến, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm mới của Tiểu đoàn với toàn quân, với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và tỏ lòng tin tưởng vào tiểu đoàn; đồng chí khẳng định: “Tiểu đoàn này còn, quân đội ta còn, cuộc kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi. Khu sẽ theo dối từng chiến công, từng bước trưởng thành của Tiểu đoàn...”

Nhận thức được vinh dự và trách nhiệm to lớn trước nhiệm vụ được giao, toàn Tiểu đoàn hứa hẹn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống của Chiến khu và lời dặn dò của đồng chí Tư lệnh.

Đêm hôm sau, tạm biệt người thân, quê hương, toàn Tiểu đoàn hành quân lên Việt Bắc. Từ Ân Thi vượt Đường số 5 ở quãng làng Mao Điền (Cẩm Giàng) lên Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ (Bắc Ninh), rồi lên Hiệp Hoà (Bắc Giang), Phú Bình (Thái Nguyên). Đây là cuộc “trường chinh” đầu tiên có ý nghĩa lịch sử của Tiểu đoàn. Với khí thế hào hùng, mặc dù hành quân xa, mang vác nặng nhưng vẫn bảo đảm quân số, các đồng chí ốm mệt cũng cố gắng bám theo đơn vị không ai rớt lại. Lúc này Đường số 5 đã bị địch khống chế, gần sáng vẫn còn lại một bộ phận chưa qua hết phải bố trí nằm lại ở làng Bối Tượng (Cẩm Giàng) ven Đường 5 trong sự bảo vệ bí mật, an toàn của nhân dân.

Dừng chân ở Phú Bình để củng cố sau một chặng hành quân dài, Tiểu đoàn nhận được chỉ thị của Bộ hành quân tiếp về Đại Từ (Thái Nguyên). Để động viên, cổ vũ thêm lòng tin của nhân dân “Thủ đô kháng chiến”, khi đi qua thị xã Thái Nguyên, Tiểu đoàn diễu binh công khai ban ngày với đầy đủ quân số và trang bị vũ khí. Những vũ khí nặng được đặt trên xe kéo, cùng bộ đội hùng dũng, hồ hởi diễu qua thị xã trong sự đón mừng đầy tin tưởng, phấn khởi của đông đảo nhân dân các dân tộc với bộ đội của mình.

Máy bay địch kéo đến quần lộn định bắn phá, nhưng đã bị súng máy phòng không của Tiểu đoàn kịp thời bắn trả quyết liệt nên buộc phải rút; nhân dân càng thêm tin tưởng ở lực lượng ta, ở tiền đồ của cuộc kháng chiến.

Về đến nơi đóng quân ở huyện Đại Từ, Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ hành quân bí mật, an toàn, bảo đảm quân số vũ khí và quyết tâm chờ đón nhiệm vụ. Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã đến thăm, kiểm tra tình hình Tiểu đoàn về mọi mặt, giao nhiệm vụ và giải quyết các yêu cầu mới đặt ra.
Tiểu đoàn được đặt trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy với phiên hiệu: Tiểu đoàn 160. Tiếu đoàn được bố trí dọc theo dãy Tam Đảo từ Quân Chu đến Đèo Khế ra tới Phú Minh, Cù Vân, làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài phía Nam của an toàn khu Định Hoá; nhiệm vụ trước mắt là tập trung vào củng cố tổ chức, giáo dục chính trị tư tướng và huấn luyện.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:07:52 pm »

Trong thời gian này, Đại đội trợ chiến 126 được thành lập từ các đơn vị hoả lực của Tiểu đoàn (Bộ điều chuyển trung đội pháo 3 khẩu).

Bộ bổ sung thêm cho Tiểu đoàn một số cán bộ đã được đào tạo ở Trường Võ bị, đồng thời điều chỉnh sắp xếp lại cán bộ đại đội, kiện toàn chỉ huy các trung đội:

- Đồng chí Trịnh Thuần được điều về làm Đại đội trưởng đại đội 120 thay đồng chí Thung. Đồng chí Kênh về Đại đội phó đại đội 120 thay đồng chí Hoà.

- Đồng chí Kiên - Đại đội trưởng Đại đội 124 chuyển về làm Đại đội trưởng Đại đội 122 thay đồng chí Chương được Bộ điều đi nơi khác. Đồng chí Hoà - Đại đội phó Đại đội 122 thay đồng chí Thọ được điều về tác chiến Tiểu đoàn.

- Đồng chí Thái Xuân Mai về làm Đại đội trưởng Đại đội 124.

- Đồng chí Thung về làm Đại đội trưởng Đại đội 126 mới thành lập, đồng chí Ru làm Đại đội phó.

Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh (2.9.1947), lần đầu tiên được tổ chức ở vùng tự do Cù Vân, Đại Từ, Thái Nguyên, Tiểu đoàn được vinh dự được đại diện cho Quân đội dự lễ và diễu binh.

Trong dịp Bác Hồ đến thăm lớp học chính trị của các nhân sỹ trí thức cao cấp do Mặt trận Liên Việt mở ở Phú Minh, Đại Từ, Tiểu đoàn được cử một trung đội làm nhiệm vụ bảo vệ lớp học.

Trong thời gian đóng quân ở hai huyện Phú Bình và Đại Từ, tuy mới ở đồng bằng lên miền núi, nhưng Tiểu đoàn đã nhanh chóng thích nghi, hoà mình với nhân dân các dân tộc, gắn bó với địa phương, giúp dân lao động, làm vệ sinh làng bản, tổ chức văn nghệ, thể thao với thanh thanh thiếu niên, giữ nghiêm kỷ luật dân vận nên được nhân dân và thanh thiếu niên rất qúy mến.


Ngày 7.10.1947, thực dân Pháp mở cuộc hành binh chiến lược, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc, ném quân dù đánh chiếm thị xã Bắc Kạn và thị trấn chợ Mới, Chợ Đồn... thọc sâu vào Định Hoá - Đại Từ tìm diệt cơ quan lãnh đạo của ta. Quân dân ta đã chặn đánh quyết liệt, địch bị thiệt hại nặng nề, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản, buộc phải chuyển sang chiếm đóng và bình định...

Trong đợt hoạt động này, Tiểu đoàn đã không quản ngày đêm, khó khăn gian khổ, hành quân bám sát địch từ Chợ Mới, Chợ Chu, Phú Minh, Đại Từ, Cù Vân... Do chỉ huy của Tiểu đoàn thiếu tích cực chủ động, Tiểu đoàn trưởng vừa thiếu năng lực, vừa thiếu dũng cảm nên Tiểu đoàn chỉ đuổi theo quân địch, không đánh được trận nào đáng kể. Trong chiến thắng chung, Tiếu đoàn không lập được công. Đây là một hẫng hụt lớn vé tinh thần, khí thế quyết tâm của Tiểu đoàn khi nhận nhiệm vụ lên Việt Bắc, là một “món nợ” về danh dự và truyền thống của mỗi cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn. Tuy nhiên, Tiểu đoàn đã tích cực tham gia khắc phục hậu quả tàn phá của địch, giúp dân dựng lại nhà cửa, dựng lại trường học, khôi phục lại đời sống dân sinh, củng cố tinh thần kháng chiến của nhân dân.

Sau Thu - Đông 1947, Tiểu đoàn được củng cố về tư tưởng và tổ chức chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo:

- Tiểu đoàn trưởng bị cách chức điều đi đơn vị khác. Bộ điều đồng chí Tạ Đình Hiếu - Chính trị viên tiểu đoàn về Ban Cán bộ Cục Chính trị - Bộ Tổng chỉ huy. Đồng chí Vũ Yên được điều về làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Mai Nhân được điều về làm Chính trị viên tiểu đoàn. Đồng chí Phan Thúc Giáp về làm Trưởng ban kiểm tra.


Thiếu tướng Vũ Yên, Nguyên Tư lệnh Quân khu 3, Nguyên tiểu đoàn trưởng khi đánh trận Phủ Thông ngày 25.7.1948



Đại tá Mai Nhân, Nguyên Cục trưởng-Tổng cục Hậu cần, Nguyên chính trị viên tiểu đoàn khi đánh trận Phủ Thông ngày 25.7.1948

- Đồng chí Đào Đình Luyện được đề bạt Chính trị viên Đại đội 120 thay đồng chí Bùi Thịnh được điều đi đơn vị khác. Sau đó đồng chí Luyện được điều động sang làm Chính trị viên Đại đội 126. Đồng chí Nguyễn Viên về làm Chính trị viên Đại đội 120.

Toàn Tiểu đoàn đã tiến hành một cuộc kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc từ trong Đảng đến cán bộ và chiến sỹ toàn Tiểu đoàn. Mỗi người tự kiểm điểm khuyết điểm và rút ra những kinh nghiệm bổ ích để sửa chữa khắc phục vươn lên.

Tiểu đoàn phát động một cuộc vận động thi đua luyện quân lập công, cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn đã hưởng ứng với tinh thần và ý chí quyết rèn luyện để lập công xuất sắc rửa mối hận trong chiến dịch Thu - Đống 47. Mọi người ra sức luyện tập, các môn đều đạt loại khá giỏi, được cờ thướng của Bộ.

Bị thất bại nặng nề trong Thu - Đông 1947, địch chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang chiếm đóng và bình định. Với chiến lược này, các cứ điểm địch mọc lên rất nhanh, từ cứ điểm nhỏ đến cứ điểm lớn; binh lực địch cũng tăng từ trung đội đến đại đội tăng cường... Yêu cầu tác chiến của quân đội ta là phải tiến lên đánh công kiên, diệt cứ điểm. Đầu năm 1948, một số trận đánh cứ điểm không thành công; các tiểu đoàn chủ lực trực thuộc Bộ được giao nhiệm vụ nghiên cứu huấn luyện cách đánh cứ điểm có công sự kiên cố.

Thời gian này, Tiểu đoàn chuyển thuộc Trung đoàn 17 với phiên hiệu là Tiểu đoàn 36 nhưng vẫn do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp điều động, chỉ huy. Khi Trung đoàn 17 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 308, Tiểu đoàn được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 11.

Với truyền thống chiến đấu sẵn có và kết quả luyện quân lập công đợt đầu, Tiểu đoàn được giao là đơn vị điểm để nghiên cứu huấn luyện thực hành đánh cứ điểm. Đây là một vinh dự, tự hào lớn đến với Tiểu đoàn, cán bộ, chiến sĩ phấn khởi bước vào chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Theo sáng kiến của Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên được Bộ chấp nhận. Tiếu đoàn chuyển quân về xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên, chọn một điểm cao để xây dựng “cứ điểm” có lô cốt, ụ súng và hàng rào kiểu lông nhím bao quanh, sát gần với thực tế để làm thao trường nghiên cứu và tập luyện cách đánh. Suốt hai tháng ròng rã, lăn lộn ngoài thao trường, không kể nắng, mưa, ngày đêm, bộ đội hăng say luyện tập, vừa tập vừa phát huy dân chủ quân sự, tìm tòi cách khắc phục khó khăn, vận dụng kỹ, chiến thuật, phát huy sáng kiến, như làm thang phên vượt tường rào, làm dao tông thay lưỡi lê để đánh giáp lá cà trong tung thâm... Vừa tập vừa rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh và tập đi tập lại đến khi thành thạo, do vậy nên mọi người càng nâng cao quyết tâm tin tưởng.

Toàn Tiểu đoàn bừng bừng khí thế lập công, cùng một ý chí “phải đánh thắng” và sẵn sàng đợi lệnh cấp trên.

Cũng trong thời gian này. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận đỡ đầu và gọi Tiểu đoàn là "Tiểu đoàn em nuôi của Hội". Chị Lê Thị Xuyến - Chủ tịch Hội dẫn đầu đoàn đại biểu đến dự lễ đỡ đầu trang nghiêm và thân thiết. Đoàn đại biểu đã nói lên tấm lòng của những người mẹ, người chị, chia sẻ những khó khăn gian khổ hy sinh với con em của mình xa gia đình, xa người thân, chiến đấu cho đọc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Mọi người đều xúc động, cảm nhận sâu sắc hơn trách nhiệm của mình. Đồng chí Minh Bắc - Chính trị viên Đại đội 124 đã đọc một bài thơ mộc mạc, đầy cảm xúc chân tình:

Chúng em nhớ mãi
Mà quên sao cái phút êm đềm
Buổi ban đầu gặp gỡ
Chị thân yêu đến nhận mặt đàn em...
Giọng chị êm êm
Cất lời khuyến khích
Những lời thân thiết
Đầy vẻ chân tình
Như mẹ hiền, như chị cả thân tình
... ... ...
Rồi mai đây
Lên đường rửa hận
Diệt đồn thủ, lập công đầu chiến trận
Không ngại gì gian khổ hy sinh
Chúng em vẫn nhớ:
Chiến công xin hứa quyết tâm gửi người....

Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:08:34 pm »

Tháng 7.1948, Tiểu đoàn được tham dự chiến dịch Đường số 3. Lễ xuất quân đi chiến dịch đồng thời là lễ buộc chỉ cổ tay theo phong tục đồng bào dân tộc Tày để hứa với Bộ Tổng chỉ huy, với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hứa với các mẹ, các chị và nhân dân xã Nhã Lộng, Phú Bình “nhất định chiến thắng”.

Cuộc hành quân đi chiến dịch qua Định Hoá (Thái Nguyên); Chợ Đồn. Chợ Rã, tới Bạch Thông (Bắc Kạn) vô cùng gian khổ, vượt đèo cao, suối sâu, mưa tầm tã, đường trơn lầy lội, mang vác nặng, suất ăn hạn chế...; nhưng toàn Tiểu đoàn vẫn tràn đầy khí thế như đi trẩy hội. Nhất là khi vượt hồ Ba Bể vào ban ngày, chỉ có một số ít thuyền độc mộc, anh em phải lấy tre nứa, cây chuối đóng thêm bè mảng. Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên đã tổ chức những anh em biết bơi và xung phong dẫn đầu tiếu đoàn bơi qua hồ cùng với thuyền và mảng. Toàn Tiểu đoàn nhanh chóng vượt hồ an toàn, bí mật và quân số đầy đủ.
Ngày 25.7.1948, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đánh đồn Phủ Thông - một cứ điểm có công sự vững chắc, do lính lê dương đóng giữ. Đây là trận đánh mở màn chiến dịch đồng thời thực nghiệm chiến thuật dùng cường tập đánh cứ điểm có công sự vũng chắc cho toàn quân.

Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, nhưng với truyền thống vẻ vang; với kết quả hằng tháng trời lăn lộn trên thao trường ở hậu phương, với quyết tâm “rửa hận Thu - Đông 1947” và được sự phối hợp với nhân dân địa phương cùng đơn vị bạn, được sự chăm sóc của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ và nhân dân địa phương... sức mạnh tổng hợp của Tiểu đoàn được phát huy cao độ. Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, chiến thắng vẻ vang, tạo được niềm tin mới cho quân đội, cung cấp được kinh nghiệm cho bước tiến lên đánh công kiên của quân đội ta.


Sau chiến thắng, Tiểu đoàn đã được Bộ Tổng chỉ huy tạng danh hiệu: Tiểu đoàn Phủ Thông.

Như vậy, từ ngày thành lập 14.4.1947, đến trận chiến thắng Phủ Thông 25.7.1948 là 1 năm 3 tháng 11 ngày.

Trong hơn một năm đó đã diễn ra nhiều sự kiện không thể nào phai mờ của Tiểu đoàn.

- Tiểu đoàn 150 đã tiến hành một cuộc hành quân dài ngày (cuộc trường chinh đầu tiên) từ Ân Thi lên Việt Bắc đúng thời gian, an toàn, bí mật bảo đảm được quân số để nhận nhiệm vụ ngay.

- Với phiên hiệu Tiểu đoàn 160, trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy.,Tiểu đoàn đã tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Tuy không lập công trong tác chiến nhưng toàn Tiểu đoàn đã khắc phục khó khăn gian khổ, hành quân liên tục bám sát địch, bảo vệ an toàn khu và giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả tàn phá của địch.

- Khi về trực thuộc Trung đoàn 17, với phiên hiệu Tiểu đoàn 36 đã tiến hành cuộc luyện quân lập công đầu tiên với tinh thần khổ luyện rất cao, với thành tích được cờ thưởng của Bộ, phát huy được nhiều sáng kiến trong huấn luyện đặc biệt là sáng kiến “dựng mô hình cứ điểm” để bộ đội luyện tập sát thực tế chiến đấu. Sáng kiến này được vận dụng phố biến trong bộ đội ta.

- Với phiên hiệu Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 308 trong chiến dịch Đường số 3, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ mở màn chiến dịch, thí điểm chiến thuật đánh công sự vững chắc cho toàn quân và đã chiến thắng vẻ vang trong trận cường tập cứ điểm Phủ Thông. Tiểu đoàn đã được tặng danh hiệu: Tiểu đoàn Phủ Thông.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:12:45 pm »

PHẦN II
TRẬN CƯỜNG TẬP CỨ ĐIỂM PHỦ THÔNG
(25.7.1948)


1. Nhiệm vụ đánh cứ điểm Phủ Thông

Sau thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. giặc Pháp vẫn cố bám giữ lấy Bắc Kạn (trục Đường số 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng) nằm sâu vào căn cứ địa kháng chiến của ta. Chúng ra sức củng cố tuyến giao thông Đường số 3 Bắc Kạn - Cao Bằng, đặc biệt là xây dựng đồn Phủ Thông thành một cứ điểm vững chắc, kiên cố để bảo vệ thị xã Bắc Kạn, kiểm soát được Đường số 3, đồng thời làm chỗ dựa cho lực lượng quân phỉ ở Chợ Rã, củng cố chính quyền tay sai ở khu vực này, gây khó khăn trở ngại cho quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cãn cứ địa kháng chiến.


Ngay từ khi Pháp mới chiếm đóng đồn Phủ Thông, trong những năm 1947 - 1948, quân và dân Bắc Kạn đã liên tiếp có những trận đánh vào đồn Phủ Thông, nên thực dân Pháp không ngừng tăng cường đối phó.


Đêm 30.11.1947, ngay khi địch mới đóng đồn Phủ Thông, lực lượng vũ trang Bắc Kạn nắm vững thời cơ tổ chức tập kích vào đồn. Lực lượng tham gia gồm 2 trung đội của Đại đội 395 thuộc Trung đoàn 72 Bắc Kạn; trung đội du kích thị xã Bắc Kạn; tiểu đội du kích xã Vi Hương (Bạch Thông) phục vụ chiến đấu. Bộ đội ta đã bí mật vào sát đồn, bất ngờ dũng mãnh xung phong đánh chiếm khu lều bạt, tiêu diệt nhiều địch, thu vũ khí. Địch hoang mang bỏ chạy toán loan. Trận đánh nàv có ý nghĩa rất quan trọng, là trận đầu tiên đánh vào hệ thống đồn địch trên Đường số 3 bảo vệ thị xã Bắc Kạn. Trận đánh đã thể hiện ý chí quyết tâm của quân dân Bắc Kạn, tính tích cực, chủ động và khả năng của lực lượng vũ trang địa phương trong tập kích, tiến công địch chiếm đóng, cổ vũ tinh thần chiến đấu, nâng cao lòng tin, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân và các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Sau trận này, đồn Phủ Thông được địch tập trung củng cố tăng cường.


Bước sang năm 1948, ta mở chiến dịch Xuân Hè. Phát huy khí thế và thắng lợi của chiến dịch, được tăng cường thêm một số đơn vị chủ lực, đêm 12.3.1948, quân và dân Bắc Kạn tiếp tục tập kích đồn Phủ Thông. Tuy không vào được đồn, nhưng bằng hoả lực, ta đã phá sập nhiều công sự trong cứ điểm làm nhiều tên địch bị thương vong. Bọn địch ở thị xã đến ứng cứu bị phục kích, phải rút chạy về Bắc Kạn.


Sau trận đánh này, địch lại càng tăng cường phòng thủ cho đồn Phủ Thông về mọi mặt: công sự kiên cố, hoả lực mạnh và tăng cường thêm quân tinh nhuệ.


Vì vậy, trong năm 1948, diệt cứ điểm Phú Thông là một yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa nhiều mặt.
Tháng 7.1948, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Đường số 3 nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn của địch, uy hiếp mạnh tuyến phòng thủ Đường số 3, buộc địch phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Tiểu đoàn 11 được vinh dự nhận nhiệm vụ đánh đồn Phủ Thông, vừa thực hiện mục đích của chiến dịch vừa thực nghiệm chiến thuật đánh cứ điểm có công sự vững chắc, qua đó rút ra được những kinh nghiệm bổ ích hoàn chỉnh nghệ thuật công kiên cho toàn quân.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:15:34 pm »

2. Cứ điểm Phủ Thông

Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, cách thị xã Bắc Kạn 19 kilômét về phía Bắc - Đông Bắc, nằm cạnh Đường số 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng và trục đường 128 từ Phủ Thông đi Chợ Rã.


Toàn bộ khu vực này là núi đất, có độ cao từ 300 đến 400 mét, xen kẽ giữa đồi núi là ruộng nước. Đồn Phủ Thông được xây dựng trên mỏm đồi nhô ra của núi Nà Cót với độ cao 198 mét, cách ngã ba Phủ Thông - Bắc Kạn - Chợ Rã 300m trên Đường số 3 về phía Bắc - Tây Bắc. Phía Bắc đồn là 4 mỏm của núi Nà Cót A - B - C - D (sơ đồ), 4 mỏm này đều cao hơn trung tâm đồn, sườn dốc thoai thoải, cây cối rậm rạp thuận lợi cho việc cơ động và triển khai lực lượng của ta. Phía Đông đồn là suối Nà Giang rộng khoảng 7-8 mét, chảy sát hàng rào chân đồi, vách suối dựng đứng; cách suối 200 mét là Đường số 3. Phía Nam, cách đồn 100 mét là đường đi Chợ Rã. Đối diện với cổng đồn là chợ Phủ Thông và khu phố Hoa kiều có một số hộ sinh sống làm các công việc dịch vụ, mua bán lương thực, thực phẩm cho binh lính Pháp. Phía Tây Nam, cách đồn 400 - 500 mét là chân điểm cao 398 núi Nà Phái, trong đó có 2 ngọn H, I, pháo binh ta có thể bố trí ngắm bắn trực tiếp vào đồn. Phía Tây, cách đồn 250 mét có một khe suối rộng từ 3 - 4 mét. Từ đồn đến khe suối là đồi thấp và ruộng bỏ hoang, cây cối lúp xúp, rậm rạp. Thời tiết tháng 7 giữa mùa hè nên nắng nóng, thường có các cơn mưa rào; những cơn mưa lớn có thể gây lũ ớ các lòng suối kéo dài 2 - 3 giờ liền, gây khó khăn cho việc di chuvển của bộ đội ta.


Đồn Phủ Thông do 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội trợ chiến thuộc trung đoàn 3 lê dương Pháp (3e-REI), quân số khoảng 150 tên, do 1 đại uý, 1 trung uý và 1 thiếu uý chỉ huy. Vũ khí có 1 khẩu 12,7 ly, 1 cối 81 ly, 2 cối 60 ly, 1 đại liên HOTKITS, 10 trung liên cùng nhiêu tiểu liên, súng trường và lựu đạn.


Đồn có hình chữ nhật dài 100 mét, rộng 50 mét, cổng phía Nam trông thẳng ra chợ. Tường bao quanh đồn được đắp bằng đất nện dày 1 mét, cao 2 mét, trong và ngoài tường có ghép gỗ và cọc tre già, có nhiều lỗ châu mai bắn ra các phía; 4 góc đồn có 4 lô cốt xây bằng gạch, đá. Góc Tây Bắc đồn Phủ Thông, địch bố trí 1 khẩu 12.7 ly và cối 60 ly; góc Đông Bắc đồn, địch bố trí 1 trung liên; góc phía Đông Nam có 2 súng trung liên bắn cánh sẻ; góc Tây Nam địch bố trí 1 đại liên. Ban đêm, 2 đài quan sát ở 2 góc Tây Nam và Đông Bắc địch dùng đèn pha chiếu xung quanh đồn. Nhà chỉ huy bằng gạch ở chính giữa đồn, xung quanh là các nhà lính, nhà kho, nhà ăn xây bằng gạch có đắp đất hoặc bao cát che chắn bên ngoài, có những lỗ châu mai nhỏ có thể bắn hoặc ném lựu đạn ra bên ngoài hình thành các ổ đề kháng như những lô cốt nhỏ có thể cầm cự với ta trong tung thâm. Ngoài tường bao quanh đồn còn có 3 lớp hàng rào tre nứa, mỗi lớp cách nhau 3 đến 4 mét, lớp trong cùng cách tườne 10 mét, riêng phía Nam có 1 hàng rào dây thép gai.


Địch tổ chức việc tuần tra canh phòng rất nghiêm ngặt, mỗi ngày chúng thường phái 2 - 3 tổ tuần tra dọc theo Đường số 3 và đường đi Chợ Rã - Ba Bể. Ban đêm địch tổ chức canh gác ở 4 lô cốt, cổng ra vào có trạm gác và đài quan sát. Hằng ngày, địch thường phái khoảng 1 trung đội đi sục sạo các vùng lân cận ở Vi Hương, Phiêng Thôn...


Tại thị xã Bắc Kạn, địch có sở chỉ huy tiểu đoàn và 2 đại đội. Nếu ta đánh vào ban đêm, địch ít có khả năng tăng viện ngay.


Như vậy, với điều kiện và tình hình lúc bấy giờ, Phủ Thông là một cứ điểm mạnh của địch, có lực lượng tinh nhuệ, hoả lực khá mạnh, có công sự kiên cố, địa thế cao quan sát được rộng rãi. phát huy được thế mạnh của hoả lực. Đây là một cứ điểm mạnh hơn so với các cứ điểm mà bộ đội ta đã đánh như Tu Vũ (3.1948), Phố Chủng (6.1948).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2017, 08:18:05 pm »

3. Ý định tác chiến và diễn biến chiến đấu

Lực lượng của Tiểu đoàn 11 trực tiếp tham gia chiến đấu có các đại đội xung kích 120, 122, 124 và Đại đội 126 trợ chiến và các phân đội trực thuộc của Tiểu đoàn. Ngoài trang bị theo biên chế còn được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75 ly với 2 khẩu của Tiểu đoàn pháo 410 và du kích địa phương phối hợp. Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên, Chính trị viên Mai Nhân và Tiểu đoàn phó Nguvễn Đăng Quỳnh trực tiếp chỉ huy.
Lực lượng phối hợp còn có Tiểu đoàn 55 thuộc Trung đoàn 72 và Đại đội địa phương Chợ Rã đảm nhiệm chặn địch tiếp viện từ Ngân Sơn, Nà Phặc xuống, trực tiếp hỗ trợ cho Tiểu đoàn 11 tiêu diệt cứ điểm. Tiểu đoàn 54 thuộc Trung đoàn 308 phục kích đánh địch từ Bắc Kạn lên.


a. Ý định tác chiến của Tiểu đoàn:

"Bí mật triển khai ém quân sát vị trí địch, dùng pháo binh bắn tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, phá công sự, vật cản làm rối loạn phòng ngự của địch; lợi dụng thời cơ pháo bắn, bộ binh từ 2 hướng Tây - Tây Nam và hướng Đông Bắc, đồng loạt xung phong mãnh liệt, dùng thang phên nhanh chóng vượt tường rào, phát triển vào trong tung thâm đồn địch, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu trong đồn, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ cứ điểm Phủ Thông".

Nhiệm vụ cụ thể:

- Đại đội 122 do Đại đội trưởng Đặng Văn Kiên, Chính trị viên Vũ Tế Tửu chỉ huy, bố trí ở đồi Đ tiến công theo hướng Tây - Tây Nam, tiêu diệt địch, đánh chiếm 1 phần 2 phía Nam đồn.

- Đại đội 124 do Đại đội trưởng Thái Xuân Mai, Chính trị viên Trần Minh Bắc chỉ huy, tiến công theo hướng Bắc và Đông Bắc, tiêu diệu địch, đánh chiếm nửa phía Bắc đồn.

- Đại đội 120 do Đại đội trưởng Trịnh Thuần, Chính trị viên Nguyễn Viên chỉ huy, dùng 2 trung đội bảo vệ 2 khẩu sơn pháo, 1 trung đội bố trí ở phía Nam đồn, kiểm soát khu phố Hoa kiều, ngăn chặn địch rút chạy hoặc tăng viện và làm dự bị cho tiểu đoàn.

- Đại đội 126 trợ chiến do Đại đội trưởng Thung và Chính trị viên Đào Đình Luyện chỉ huy, bố trí ở đồi A cách đồn 350 mét, dùng súng cối bắn chế áp đồn địch, cùng với pháo binh, súng máy bắn kiềm chế các lô cốt địch, các hoả điểm yểm hộ bội đội xung phong.

- Đại đội pháo: 1 khẩu bố trí ở đồi H cách đồn 550 mét, 1 khẩu ở đồi I cách đồn 450 mét, mở đầu trận đánh có nhiệm vụ bắn tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá một số đoạn tường, tạo cửa mở cho bộ đội xung phong vào đồn.

Giờ G vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 25.7.1948, lúc đó trời còn sáng để pháo binh có thể quan sát hiệu chỉnh phần tử bắn. Giờ G nổ súng vào lúc này cũng là thời điểm địch tập hợp chuẩn bị làm lễ chào cờ cuối ngày, địch dễ bị bất ngờ sẽ tổn thất nhiều và rối loạn.


b. Diễn biến chiến đấu

Tiểu đoàn từ Phú Bình (Thái Nguyên), hành quân qua Đại Từ, Định Hoá, Chợ Chu theo đường mòn đến Bản Ty, qua hồ Ba Bể, Chợ Rã đến tập kết ở bản Áng xã Chu Hương cách đồn Phủ Thông 7 kilômét làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng, các đại đội trưởng, cán bộ tác chiến, trinh sát đã đi trước chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch chiến đấu. Đến vị trí tập kết. Liên chi uỷ nghe báo cáo thảo luận và thông qua kế hoạch, sau đó mở hội nghị từ cán bộ trung đội trở lên thực hiện dân chủ quân sự, thảo luận quán triệt nhiệm vụ, quyết tâm chiến đấu của Tiểu đoàn. Sau đó các cán bộ đại đội triển khai nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến đến chiến sỹ.

17 giờ ngày 24.7.1948, bộ phận chỉ huy tiểu đoàn, các đại đội xung kích 122, 124 xuất kích, bí mật hành quân chiếm lĩnh vị trí theo kế hoạch, 4 giờ ngày 25.7.1948 triển khai đội hình xong, đào công sự ẩn nấp, sẵn sàng chờ lệnh.

12 giờ ngàv 25.7.1948, bộ phận pháo binh, trợ chiến xuất phát vào chiếm lĩnh trận địa, đến 16 giờ cùng ngày triển khai xong đội hình và chuẩn bị các phần tử bắn.

Suốt ngày hôm đó trời mưa tầm tã, nhưng việc triển khai đội hình chiếm lĩnh trận địa giữ được bí mật an toàn cho đến giờ nổ súng.

17 giờ 30 ngày 25.7.1948, trận đánh bắt đầu, pháo binh, súng cối của ta bắn dồn dập vào đồn, diệt một số địch, phá vỡ một số đoạn tường. Địch bị bất ngờ, hoang mang rối loạn, không kịp đối phó. Lợi dụng thời cơ, các đại đội 122, 124 rời vị trí ẩn nấp tiếp cận xuống sát hàng rào. Khi pháo binh chuyển làn, theo hiệu lệnh kèn xung phong của Tiểu đoàn trưởng, các đơn vị vùng lên xốc tới, cán bộ chỉ huy dẫn đầu vừa tiến vừa hô khẩu hiệu động viên quyết tâm. Trung đội trưởng đi đầu dùng thang phên vượt qua hàng rào vào sát chân tường, lợi dụng đoạn tường vỡ và dùng thang ào ạt nhảy vào trong, đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Trung đội sau vào tiếp phát triển sâu vào trong diệt các ổ đề kháng, lần lượt đánh chiếm các nhà trong đồn.

Sau ít phút đầu hoang mang, địch phục hồi lại thế phòng ngự, chống trả quyết liệt, tập trung hoả lực súng máy, súng cối ngăn chặn các đơn vị vào sau, có một số đồng chí hy sinh, bị thương. Sát chân tường, địch dùng lựu đạn, tiểu liên từ các lô cốt, từ các lỗ trong tường bắn ra làm bộ đội ta thương vong nhiều ở đây; nhưng người trước ngã, người sau xông lên, kiên quyết tiến công. Ta chiếm được lô cốt đầu cầu, bọn địch bị thương vong bỏ chạy lùi vào trong. Các trung đội vào sau phát triển vào tung thâm. Các nhà của lính địch đều có công sự bên trong, hình thành các ổ đề kháng có thể yểm hộ hoả lực cho nhau, nên chúng đã dựa vào đó dùng lựu đạn, tiểu liên đánh trả các mũi tiến công của ta.

Bộ đội ta từng tổ 3 người, dùng lựu đạn, lưỡi lê xung phong diệt địch, vật lộn với chúng; đơn vị sau tiếp sức đơn vị trước giành giật từng ổ đề kháng, đánh chiếm từng nhà. Cả địch và ta đều bị thương vong nặng nề.

Mũi tiến công của Đại đội 122, Trung đội 4 vượt rào thuận lợi, nhưng khi vượt qua tường đánh chiếm lô cốt Tây Nam bị thương vong nhiều, Trung đội trưởng Nguyễn Đình Trạm bị thương nặng; Đại đội trưởng Đặng Văn Kiên bị hy sinh, Chính trị viên Vũ Tế Tửu cũng hy sinh khi xung phong vào đồn. Trung đội 5 vào đánh chiếm được lô cốt Đông Nam và các nhà lính 5, 6, 7, song cũng bị thương vong nhiều, Trung đội trưởng Nông Quốc Hoa bị thương. Trung đội 6 vào tiếp, đánh tới nhà chỉ huy. Anh em xông vào nhà quần lộn với địch, sở chỉ huy địch bị tiêu diệt, anh em ta hầu hết cũng bị thương vong. Trung đội trưởng Phan Văn Phẩm hy sinh, Chính trị viên Trần Linh bị thương nặng. Lúc đó địch còn 1 hoả điểm ở cuối đồn bắn dữ dội về phía nhà chỉ huy; nhưng ta không còn lực lượng để tổ chức tiến công tiếp được.

Mũi tiến công của Đại đội 124, Trung đội 7 sau khi vượt qua rào, dùng thang vượt tường đánh chiếm được lô cốt Đông Bắc, song bị thương vong nặng, Đại đội trưởng Thái Xuân Mai, Trung đội trưởng Trần Văn Thuyên, Trung đội phó Nguyễn Văn Cừu đều hy sinh, đồng chí Tiểu đoàn phó Quỳnh bị thương. Trung đội 9 vào tiếp, đánh chiếm được nhà số 4, phát triển sang nhà số 5 và lô cốt Tây Bắc, bị địch bắn chặn quyết liệt. Do địa hình mặt đồn bằng phẳng, ta lại không có vũ khí, phương tiện đánh lô cốt nên bị thương vong nhiều, không tiến được. Trung đội trưởng Phạm Gia Biền và Trung đội phó hy sinh. Trung đội 8 được lệnh vào tiếp cũng bị thương vong không phát triển được, không tiêu diệt được điểm cố thú cuối cùng của địch ở cuối đồn.



Diễn biến chiến đấu trận cường tập Phủ Thông ngày 25.7.1948 của tiểu đoàn 11

Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên ra lệnh cho Đại đội 120 đưa Trung đội dự bị ở phía Nam đồn vào chiến đấu, nhưng không liên lạc được. Đại đội 126 tổ chức một số anh em mang vác đạn thành một đơn vị tiếp chiến, nhưng không liên lạc được với chỉ huy, không nắm được nhiệm vụ, nằm chờ ở ngoài hàng rào đến khi có lệnh rút.

Địch còn một điểm cố thủ, do không còn lực lượng, đến 23 giờ Tiểu đoàn trưởng ra lệnh rút quân.
Đồn Phủ thông bị cô lập suốt 3 ngày và bị dân quân du kích tập kích liên tiếp 2 đêm sau. Mãi đến chiều 28.7.1948, lực lượng địch từ Cao Bằng mới mở đường tới ứng cứu1 (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND, H.1995, tr.267).
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM