Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 07:41:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tiểu đoàn 307 (1948-1954)  (Đọc 16163 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:24:20 am »

I- NHỮNG TRẬN ĐÁNH PHỤC KÍCH VẬN ĐỘNG CẢ TIỂU ĐOÀN.

1- Mộc Hóa (Tân An).

2- La Bang (Trà Vinh).

3- Chùa Ô Môi (Đồng Tháp).

4- Phong Phú (Cầu Kè – Vĩnh Long).

5- Bắc Trang (Trà Vinh).

6- Đôn Châu – đánh viện (Trà Vinh).

7- Tân Hương (Bến Tre).

8- Long Sơn – đánh viện (Trà Vinh).

9- Chống càn Long Vĩnh (Trà Vinh).

10- Chống càn Mỹ Thành (Cao Lãnh – Đồng Tháp).

11- An Xuyên (Cà Mau).

12- Giao thông Bạc Liêu – Cà Mau).

13- Chống càn Bảy Háp (Bạc Liêu).

14- An Biên đánh viện lần 2 (Bạc Liêu).

15- Chong Say – Chong Rày (Long Châu Hà).

II- NHỮNG TRẬN DIỆT HOẶC ĐÁNH THIỆT HẠI NẶNG TIỂU ĐOÀN ĐỊCH.

1- Mộc Hóa (Tân An).

2- La Bang (Trà Vinh).

3- Chùa Ô Môi (Đồng Tháp).

4- Phong Phú (Cầu Kè – Vĩnh Long).

5- Tân Hương (Bến Tre).

6- Long Sơn (Trà Vinh).

7- An Xuyên (Cà Mau).

8- Chống càn Bảy Háp (Bạc Liêu).

9- An Biên đánh viện lần 2 (Bạc Liêu).

III- NHỮNG TRẬN DIỆT ĐỒN ĐỊCH CỠ ĐẠI ĐỘI, TRUNG ĐỘI.

1- Bảy Ngàn (Cần Thơ).

2- Hộ Phòng (Bạc Liêu).

3- Dinh quận An Biên (Bạc Liêu).

4- Bắc Sa Ma (Cầu Kè – Vĩnh Long).

5- Bù Hút (Trà Vinh).



Đ/C Nguyễn Thành Út
Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:27:45 am »

PHẦN BỐN

NGUYÊN NHÂN CHIẾN THẮNG CỦA TIỂU ĐOÀN 307

Tiểu đoàn 307 lập nên những chiến công oanh liệt, thành tích vẻ vang được nhân dân yêu mến, quân thù khiếp sợ, là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

I- SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN, SỰ CHĂM SÓC VỀ CÁC MẶT CỦA ĐẢNG ỦY BỘ CHỈ HUY KHU 8 BÀ ĐẢNG ỦY BỘ TƯ LỆNH PHÂN LIÊN KHU MIỀN TÂY, VAI TRÒ TIÊN PHÒNG GƯƠNG MẪU CỦA ĐẢNG BỘ TIỂU ĐOÀN.

1- Ngay từ khi thành lập, về mặt tổ chức cán bộ của tiểu đoàn, Đảng ủy và Bộ chỉ huy khu 8 hết sức coi trọng, đã cử đồng chí Nguyễn Chánh, Tham mưu trưởng khu trực tiếp chăm lo.

Ngoài cán bộ chiến sĩ rút từ các trung đoàn trong khu lên mà hầu hết đều trải qua chiến đấu, khu đã bổ sung thêm cho tiểu đoàn, cán bộ chiến sĩ của Trường quân chính khu 8. Tuy là tiểu đoàn, nhưng lại là tiểu đoàn liên quân lưu động, hoạt động khắp trên các địa bàn thuộc khu 8, trực thuộc Bộ chỉ huy khu, nên Tiểu đoàn 307 về tổ chức ngoài 3 đại đội chiến đấu lúc đầu, sau này được tổ chức thêm đại đội trợ chiến, đại đội bổ sung (tuyển quân tình nguyện huấn luyện để bổ sung cho các đại đội chiến đấu) và cơ quan tiểu đoàn bộ có văn phòng (gồm cả tài vụ, cơ yếu) ban tác chiến, ban chính trị, ban quản trị (gồm quân nhu, quân y) ban vô tuyến điện. Tiểu đoàn có trung đội trinh sát liên lạc trực thuộc, sau này trở thành đại đội trinh sát đặc công. Nhờ Bộ chỉ huy khu 8 cho tổ chức thích hợp như trên, nên tiểu đoàn đủ sức xây dựng bộ đội cách mạng trưởng thành độc lập hoạt động, quân số lúc nào cũng đầy đủ (đến khoảng 1.200 người) tạo nên sức mạnh chiến đấu, từng bước giành thế chủ động đánh địch trên chiến trường.

- Sau khi tiến hành tổ chức biên chế xong, Đảng ủy và Bộ chỉ huy khu 8 khẩn trương cho tiểu đoàn đến vùng căn cứ kháng chiến luyện tập trước khi chiến đấu. Theo gương đó, sau này hàng năm, tiểu đoàn cũng được dừng chân ở các vùng căn cứ kháng chiến để tổ chức huấn luyện từ 1 đến 2 tháng. Đây là những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo cấp trên. Chính nhờ có các đợt huấn luyện này mà cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn thống nhất được ý chí, tư tưởng, thống nhất về kỹ thuật, tư thế tác phong, thống nhất về cách đánh địch, nâng cao được sự giác ngộ chính trị và bảnh lĩnh quân sự quân đội nhân dân. Nhờ vậy, ngay sau khi xuất quân (5-7-1948) tiểu đoàn đã tạo nên chiến thắng Mộc Hóa La Bang vang dội khắp chiến trường Nam bộ, cũng như sau này năm nào Tiểu đoàn 307 cũng có những trận thắng vẻ vang.

- Về cán bộ tiểu đoàn, đại đội, Thường vụ Đảng ủy và Bộ chỉ huy khu 8 đã điều động về tiểu đoàn, những đồng chí có phẩm chất, có khả năng đã từng chiến đấu có kinh nghiêm. Riêng các đồng chí trong Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc mới thành lập coi như được nâng lên một bậc. Đồng chí Đỗ Huy Rừa nguyên là trung đoàn phó trung đoàn 109 thì về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307. Đồng chí Nguyễn Văn Sĩ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 305 thì về làm Tiểu đoàn phó. Đồng chí Hồng Long, nguyên là Chính trị viên tỉnh đội ở miền Bắc mới vào thì được bổ nhiệm làm chính trị viên tiểu đoàn. Cán bộ đại đội hầu hết đã chỉ huy các đại đội độc lập tác chiến ở các trung đoàn như các đồng chí Đỗ Giọng, Nguyễn Duy Hải, Đặng Văn Tỷ v.v...

Việc bổ sung cán bộ của Thường vụ Đảng ủy Bộ chỉ huy khu 8 của Thường vụ Đang ủy Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây cho tiểu đoàn, thường kịp thời và đầy đủ, ngoài việc đề bạt cán bộ trong tiểu đoàn lên.

- Trong chỉ đạo tác chiến, ngoài những hoạt động do tiểu đoàn chủ động tiến hành, Bộ chỉ huy khu 8 cũng như Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây còn tổ chức các chiến dịch, các đợt hoạt động lớn (như chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre, các đợt tác chiến kết hợp với địch ngụy vận v.v...) để tiểu đoàn có điều kiện phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, giành thế chủ động đánh địch gây cho địch nhiều tổn thất.

Trong các trận đánh lớn, các cuộc hành quân xa, Đảng ủy và chỉ huy cấp trên đều có sự lãnh đạo chỉ huy cụ thể, nhất là về mặt chính trị, tư tưởng đã giúp cho tiểu đoàn quán triệt nhiệm vụ và quyết tâm thực hiện.

Sau các trận đánh lớn như chống địch càn quét vào Đồng Tháp Mười, các chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre, chống địch càn quét vào căn cứ Bạc Liêu v.v... các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ chỉ huy khu 8, Đảng ủy Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây đều đến tiểu đoàn phân tích ưu khuyết điểm đề ra phương hướng khắc phục và động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội, nâng cao khí thế đánh giặc lập công của tiểu đoàn.

- Về mặt bảo đảm vật chất Đảng ủy và chỉ huy cấp trên luôn động viên tiểu đoàn phát huy tự lực tự cường, tìm địch mà đánh cướp súng đạn của địch để diệt địch, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự túc một phần lương thực. Ngoài ra khu, Phân liên khu cũng cung cấp tối đa trong khả năng có thể, những yêu cầu chính đáng của tiểu đoàn như thuyền xuồng, chăn màn, quần áo, lúa gạo v.v... cho nên đời sống của tiểu đoàn trong kháng chiến tuy gian khổ song không đến nỗi quá thiếu thốn.

2- Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ chỉ huy khu 8, về sau là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây (Nam bộ) Đảng bộ tiểu đoàn đứng đầu có Tiểu đoàn ủy, là một tập thể đảng viên kiên cường, tiên phong, gương mẫu, đã lãnh đạo tiểu đoàn tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Đảng bộ tiểu đoàn cũng là trung tâm đoàn kết toàn tiểu đoàn thành một khối thống nhất, dù trong gian khổ, lúc có tổn thất, hay khi thắng lợi vẻ vang, đều giữ vững ý chí, theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Thắng không kiêu, bại không nản”, một lòng một dạ hy sinh chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

- Lãnh đạo tiểu đoàn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đối với cán bộ chiến sĩ. Nhận thức được rõ ràng chỉ khi nào người chiến sĩ hiểu rõ vì sao mình chiến đấu? Chiến đấu cho ai?, để tự giác nhận nhiệm vụ dù khó khăn gian khổ, hy sinh, thì khi ấy mới có ý chí chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt kẻ thù, mới đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhân dân. Sự giác ngộ chính trị là cơ sở đầu tiên quan trọng để người quân nhân cách mạng thực hiện được 3 nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội cách mạng là chiến đấu, công tác và sản xuất... trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đảng bộ tiểu đoàn luôn coi công tác dân vận là yếu tố quết định sống còn của đơn vị, nên đã lãnh đạo tiểu đoàn thực hiện tốt sự đoàn kết quân dân, bằng những hành động cụ thể như trong mười lời thề của Vệ quốc đoàn: Kính trọng dân, bảo vệ dân, giúp đỡ dân...

- Lãnh đạo tiểu đoàn cũng hiểu rằng, có tinh thần chiến đấu chưa đủ, mà người chiến sĩ còn phải rèn luyện để có bản lĩnh chiến đấu giỏi phải thông thạo kỹ thuật chiến đấu, và phải có cách đánh tốt. Vì vậy bộ đội phải thường xuyên tập luyện, ngoài ra mỗi năm có 1 tháng đến 2 tháng được về khu căn cứ, tổ chức huấn luyện tập trung. Sau một trận đánh đều phải tổ chức rút kinh nghiệm nói lên mặt mạnh, để phát huy và mặt yếu kém để có cách khắc phục, cũng như không ngừng nghiên cứu thủ đoạn của kẻ thù để tìm ra cách đánh thích hợp, bất ngờ.

Yếu tố lãnh đạo của Đảng bộ Trung ương Cục miền Nam xuống khu 8, Phân liên khu miền Tây xuống đến Đảng bộ tiểu đoàn là yếu tố quan trọng và cơ bản nhất, nó tạo nên nhiều yếu tố khác quan hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau, mà tổng hợp lại làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Tiểu đoàn 307.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tiểu đoàn 307 liên tục chiến đấu và chiến thắng, lập nên những chiến công oanh liệt và xây dựng tiểu đoàn trưởng thành, mang đầy đủ bản chất của một đội quân cách mạng, của bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân mà chiến đấu, và được nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hết lòng thương yêu, đùm bọc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:29:36 am »

II- SỰ GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG, TẠO RA Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM KIÊN CƯỜNG, TÍNH KỶ LUẬT, SỰ ĐOÀN KẾT NỘI BỘ CỦA CÁN BỘ CHIẾN SĨ

1- Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307, đại đa số là con em nhân dân lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng, yêu nước, cho nên đã đứng lên cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và sự lãnh đạo của Đảng.

Thời kháng chiến chống Pháp, thanh niên vào bộ đội cách mạng chiến đấu là tình nguyện. Phần lớn anh em có ít nhiều hiểu biết về nỗi cơ cực của người dân nô lệ, mất nước, nên mới tình nguyện đi đánh đuổi quân xâm lược. Vào bộ đội cách mạng, được giáo dục thêm, anh em được giác ngộ về chính trị nên càng quyết tâm chịu đựng gian khổ, hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Một khi cán bộ, chiến sĩ đã hiểu rõ vì sao mình đi đánh giặc, đánh giặc đem lại lợi ích cho ai, đồng thời anh em tin tưởng vào cuộc kháng chiến do toàn dân tham gia chiến đấu, kháng chiến toàn diện trường kỳ, nhất định thặng lợi, thì ý chí chiến đấu của bộ đội càng cao. Lòng căm thù địch bóc lột, đàn áp nhân dân ta, gần một thế kỷ bắt nhân dân ta làm nô lệ. Việc bắn giết, đánh đập, đốt nhà, phá hoại ruộng vườn của đồng bào ta mỗi khi địch đi càn quét đã hun đúc ý chí diệt tù trong mỗi cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307. Vì vậy trong chiến đấu, một tiếng hô xung phong của người chỉ huy, hoặc khi nghe lệnh kèn xung trận, thì trăm người như một xông lên tiêu diệt kẻ thù. Không biết bao nhiêu chiến si bị thương, còn chiến đấu được là không chịu rời trận địa.

- Trong trận Mộc Hóa, khi truy kích địch, chiến sĩ Tạ Văn Bang bị thương dập nát cườm tay trái, bàn tay lủng lẳng, máu chảy dầm dề, anh gọi một đồng đội cắt giúp cho đỡ vướng. Thấy bạn ngần ngại vì sợ anh đau, anh rút phăng mã tấu trên lưng, kề tay xuống đường, tay phải chặt tay trái đứt phăng. Răng anh nghiến ken két không phải vì đau đớn mà vì căm thù địch. Anh tiếp tục xông lên với khẩu tiểu liên bắn bằng một tay, nổ liên tiếp vào quân địch.

- Trận La Bang, mặc cho địch nổ súng dữ dội về phía ta, đại đội trưởng Nguyễn Duy Hải dẫn đầu đại đội 932 xung phong tiêu diệt địch. Trận đánh thắng lợi hoàn toàn, thu hàng trăm súng nhưng Nguyễn Duy Hải đã ngã xuống để lại trong lòng đồng đội và đồng bào Miên – Việt Trà Vinh, lòng kính phục và tưởng nhớ không nguôi.

- “Tháp Mười vào dễ khó ra” đó là câu loan truyền của địch. Khi địch vào càn quét Đồng Tháp Mười, đến chùa Ô Môi, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa đã chỉ huy tiểu đoàn đánh địch tơi bời, không bám được vào kênh xáng. Khi địch rút ra, ở hướng kinh Sài Tư, anh đã nói cùng anh em chặn địch. “Tôi quyết cùng các đồng chí tử chiến với địch ven này”. Trận đánh xáp lá cà xảy ra vô cùng ác liệt. Với khẩu súng colt 12F anh đã cùng đồng đội hạ bao nhiêu địch! Trong 2 trận Ô Môi và Sài Tư, Tiểu đoàn 307 diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, song người tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 đã anh dũng hy sinh. Tinh thần chiến đấu kiên cường của anh sống mãi với tiểu đoàn

- Em trinh sát Nguyễn Văn Xe cầm cờ vượt rào, xung phong lên trước, máu em thắm đỏ lá cờ, thúc giục các chiến sĩ đại đội 931 xông lên hạ đồn Bắc Sa Ma, chiến công mở đầu thắng lợi cho Tiểu đoàn 307 trong chiến dịch Cầu Kè, nêu tấm gương tuổi nhỏ mà anh hùng.

- Trong trận đánh địch ở Cầu Ngang – Trà Vinh, địch cố thủ trong đồn Bù Hút. Tiểu đội trưởng Tống Văn công đại đội 931, dùng chày giã gạo phá cửa đồn. Địch ném lựu đạn ra bên này, anh nhảy sang góc bên kia, rồi lại tiếp tục bổ chày vào cửa. Lựu đạn ném ra liên tiếp, anh như con sóc, nhanh nhẹn, vừa nhảy tránh lựu đạn, vừa bổ chày vào cửa. Khói lửa mịt mù, người anh đem nám, loan lổ máu vì bị mảnh lựu đạn, nhưng cửa đồn bị anh phá tung, chiến sĩ xông vào, địch bị bắt gọn với toàn bộ vũ khí.

Những gương chiến đấu dũng cảm quên mình, ở tiểu đội nào cũng có. “Đánh giặc là phải gan dạ, mưu trí”, chiến sĩ nói như thế, vì anh em luôn nhớ:

“Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông”.


2- Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 thương yêu nhau như ruột thịt, sống chết có nhau, vui buồn chia sẻ. Cán bộ cùng ăn cùng ở, cùng lao động với chiến sĩ, gian khổ chung chịu. Sự đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể được quán triệt đến mọi người. Trong chiến đấu và công tác, nơi nào khó khăn, nguy hiểm, cán bộ gương mẫu dẫn đầu. Cán bộ hết lòng dạy bảo dìu dắt chiến sĩ về mọi mặt nhất là bản lĩnh hành quân, chiến đấu, ngược lại chiến sĩ luôn tin tưởng phục tùng cán bộ và không bao giờ tiếc thân mình để bảo vệ cán bộ thi hành mệnh lệnh cấp trên.

Các trung đội trong đại đội, hay các đại đội trong tiểu đoàn, thường nhận phần chiến đấu gian khổ về mình, dành phần nhẹ hơn cho đơn vị bạn. Có tình huống cần chi viện cho đơn vị bạn, bao giờ cũng sẵn sàng làm hết sức mình, bất chấp khó khăn. Vì thế sự hợp đồng tác chiến trong tiểu đoàn, không phải chỉ bằng kế hoạch, mệnh lệnh mà bằng cả ý chí chiến đấu và tình thương đồng đội.

3- Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 bao giờ cũng đề cao kỹ luật của quân đội cách mạng,,bởi vì mọi người đều nhận thức rõ “kỹ luật là sức mạnh của quân đội” mệnh lệnh đã ban ra thì mọi người đều phải chấp hành, nhất là kỹ luật chiến đấu và kỹ luật dân vận. Tinh thần tự phê bình và phê bình được thực hiện phổ biến trong sinh hoạt của bộ đội.

Một đồng chí cán bộ tham mưu khuyết điểm, thì chưa đợi cấp trên kiểm điểm, cán bộ đồng cấp đã phê bình rất thắng thắn, giúp cho em nhận rõ sai lầm.

Có lần 2 chiến sĩ tỉnh sát theo dõi địch vào càn quét kinh Năm Ngàn Đồng Tháp Mười, chỉ cách địch có 100m. Đồng bào đã tản cư đi hết. Quá xế trưa rồi mà chưa ăn uống gì, bụng đói 2 chiến sĩ thấy ổ gà của dân, bèn lấy trứng xuống ăn đỡ lòng với ý nghĩ là chút nữa thế nào địch cũng tràn vào cướp phá sạch. Việc lấy của dân ấy được báo lên đại đội, tiểu đoàn. Một cuộc họp cán bộ từ trung đội trở lên tiểu đoàn, để kiểm điểm về kỹ luật đối với dân, có mời nhân dân trong xóm đến dự. Hai chiến sĩ đã phạm lỗi đứng lên xin lỗi nhân dân. Đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn phân tích sâu sắc về khuyết điểm là cán bộ chưa giáo dục tốt chiến sĩ mới xảy ra việc bộ đội xâm phạm tài sản nhân dân. Đồng chí vừa khóc vừa xin lỗi nhân dân. Tất nhiên bà con sẵn lòng tha thứ, nhưng bài học đó, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 nhớ đời về lời thề và kỷ luật quân đội nhân dân “không lấy cây kim sợi chỉ của dân”.

- Đóng quân ở nhà dân, trước khi hành quân đi nơi khác bao giờ cán bộ tiểu đội cũng xin ý kiến chủ nhà và những và những người trong gia đình xem bộ đội và làm điều gì sai trái, làm cho gia đình không vừa lòng không! Nếu có, thì phải kiểm điểm trước gia đình, và giải quyết đến nơi đến chốn. Chính vì coi trọng kỷ luật dân vận, nên tiểu đoàn được nhân dân nơi đóng quân tôn trọng, tin cậy và mến yêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:32:19 am »

III- SỰ ĐÙM BỌC, GIÚP ĐỠ HẾT LÒNG CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ VÀ NHÂN DÂN CÁC ĐỊA PHƯƠNG.

- Tiểu đoàn 307 là bộ đội cách mạng, con em của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, bao giờ cũng kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, tôn trọng chính quyền, đoàn thể cách mạng. Đó là bản chất bộ đội Cụ Hồ, mà từ khi thành lập, cho đến sau này, Tiểu đoàn 307 luôn giữ vững và phát huy. Mặt khác tiểu đoàn đến hoạt động ở vùng nào, đều tạo nên chiến thắng, làm nức lòng dân, phong trào nhân dân chiến tranh địa phương tăng lên gây nỗi kinh hoàng cho địch. Vì thế Tiểu đoàn 307 được lòng dân: “Đi đôi dân nhớ, ở dân thương”.

- Đến địa phương nào hoạt động, tiểu đoàn đểu chủ động báo cáo với Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh và Tỉnh đội địa phương. Đóng quân ở huyện nào, xã nào đều cử cán bộ đến liên hệ với cơ quan chính quyền, đoàn thể để nắm tình hình địa phương, và luôn coi trọng ý kiến của địa phương.

- Có nơi lần đầu tiên tiểu đoàn đến trú quân, vì nhà dân chật hẹp, hoặc vì bà con chưa hiểu rõ bộ đội ta, nên chưa ưng cho ở trong nhà, thì tiểu đội ở ngoài vườn, ngoài sân, cho đến khi nào dân thương dân hiểu, dân cho ở thì mới vào nhà. Ở đâu cũng vậy, ngoài việc thường xuyên quét dọn nhà cửa, gánh nước đầy lu, cắt tóc tắm rửa cho trẻ em, dạy hát dạy chữ. Việc gì chủ nhà đang làm, bộ đội đều tận tình giúp đỡ như lớp nhà, vét mương, gieo mạ, gặt lúa. Công việc nhỏ trong xóm ấp, thì đại đội làm như sửa chữa lại cầu, đắp thêm đường. Nếu việc lớn hơn như cất trường học, đào kinh, dọn đất khai hoang, thì huy động cả tiểu đoàn cùng làm. Như vậy vừa giúp dân một cách thiết thực, vừa lưu lại trong lòng dân những kỷ niệm không quê. Vì thế mà ở nhiều nơi tiểu đoàn đóng quân, nhân dân trìu mến gọi “vườn chuối 307”, “cầu 307”, “trường học 307”. Trên cơ sở được nhân dân yêu thương tin cậy, mà bộ đội tuyên truyền chủ trương kháng chiến cứu nước với nhân dân.

- Đối với bộ đội địa phương và dân quân, tiểu đoàn, đại đội chủ động phối hợp hoạt động tác chiến, hết lòng huấn luyện dìu dắt dân quân chiến đấu nhất là khi tiểu đoàn phân tán hoạt động từng đại đội phát động du kích chiến tranh khi địch lấn chiếm Đồng Tháp Mười. Khi tiểu đoàn thắng trận thu được vũ khí đạn dược, thì ngoài kiện toàn trang bị của mình, đều dành một phần trao lại cho bộ đội địa phương và dân quân.

- Tình thương của nhân dân đối vơi Tiểu đoàn 307 mộc mạc, chân thành mà sâu sắc, tự nhiên nhưng rất thực tế: từ nắm trấu bà mẹ rắc lên chiếc cầu khi trơn trượt để bộ đội dễ đi qua, cho đến chiếc cáng thương binh trên đôi vai của chị em dân quân, dưới làn bom đạn, nỗi vui mừng của xóm làng khi bộ đội thắng trận trở về đông đủ, và mối lo âu của bà con khi thấy máy bay, pháo địch dội lửa xuống trận địa của bộ đội ta. Bà con nói: “Thương bộ đội, thì phải cho bộ đội ăn no để đánh mạnh”. Từ rổ khoai, nải chuối cho bộ đội ở ven đường, khi bộ đội hành quân khuya qua làng, cho đến những bữa ăn thịnh soạn của bà con nơi đóng quân, mời bộ đội trong những ngày Tết xa nhà, đều chứa một tình thương bao la của người dân đối với bộ đội cách mạng.

- Khi địch vào càn quét ở Đồng Tháp Mười hay ở Bạc Liêu, tiểu đoàn hành quân cấp tốc chặn địch, thì nhân dân theo sau, ghe xuồng rộng rã, tiếp tế cho bộ đội nào bánh tét, cơm gói, gà vịt... liên tiếp mấy ngày, cho đến khi:

“Sau thắng trận, đồng bào hể hả,
Niềm vui mừng kể xiết được đâu.
Quân dân nghĩa nặng tình sâu
Cùng nhau diệt giặc, công đầu các con”.


Một mẹ chiến sĩ hồi ấy đã cảm hứng thành thơ mà bây giờ anh em 307 hãy còn ghi nhớ.

- Cảm động biết bao và kỷ niệm không thể nào quên đối với cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307! Sau Hiệp định đình chiến Genevè 1954, một số ít đồng chí 307 được chọn ở lại bảo vệ Trung ương Cục miền Nam, còn hầu hết tiểu đoàn lên tàu Kinlinsky của Ba Lan, tại vàm sông Ông Đốc (Bạc Liêu) để tập kết ra miền Bắc, chuyến cuối cùng vào tháng 2-1955. Nhân dân các địa phương kể cả nhân dân thị xã Cà Mau, Bạc liêu đến thăm từ biệt tiểu đoàn rất đông, mang theo cho bộ đội đủ thứ quà bánh, lưu luyến tiễn đưa tiểu đoàn. Ai cũng không cầm được nước mắt. Bà con còn lên tàu nhỏ chạy ra tận ngoài khơi, nơi tàu lớn (Kinlinsky) đậu neo quay mũi ra khơi. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 vô cùng xúc động, tất cả đều lên boong tàu, mặt hướng về các tàu nhỏ chở nhân dân còn lênh đênh trên mặt biển, hướng về đất liền mù xa, vẫy tay tạm biệt đồng bào thân yêu, quê hương yêu dấu, mãi cho đến khi chỉ còn thấy có biển và trời.

Tình đoàn kết quân dân giữa Tiểu đoàn 307 và nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa là nguồn cổ vũ động viên người chiến sĩ xa nhà giết giặc cứu nước, vừa là nguồn khuyến khích nhân dân địa phương tích cực tham gia kháng chiến trường kỳ với lòng tin ở thắng lợi cuối cùng. Đó là tình cảm hết sức sâu đậm gắn bó giữa bộ đội và nhân dân mà trong đó tình thương và sự đùm bọc giúp đỡ thiết thực của nhân dân đối với bộ đội cách mạng thật vô bờ bến. Đúng như lời Hồ Chủ tịch đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là chân lý, là nguồn sức mạnh và bài học mà cán bộ chiến sĩ không bao giờ quên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:35:02 am »

IV. GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG ĐÁNH ĐỊCH, CÓ CÁCH ĐÁNH ĐÚNG ĐẮN, SÁNG TẠO, LINH HOẠT.

Bộ đội cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, thường lấy ít đánh đông hơn, lấy trang bị vũ khí yếu, đánh với địch có trang bị vũ khí mạnh hơn. Sở dĩ đánh thắng được địch là nhờ có sức mạnh tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó cách đánh là một trong những yếu tố quan trọng. Nhờ có cách đánh đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, mà biến được chỗ yếu của ta thành thế mạnh, và chỗ mạnh của địch thành thế yếu. Nói chung thì địch mạnh hơn ta, nhưng nếu ta biết tập trung lực lượng hành động bí mật, bất ngờ đánh vào chỗ yếu của địch, lúc địch sơ hở, thì ta hoàn toàn có thể tiêu diệt được địch, giành thắng lợi. Muốn vậy phải không ngừng điều tra, nắm chắc địch, từ đó có sự chuẩn bị thích hợp, chu đáo cho bộ đội ta, giành thế chủ động đánh địch trên chiến trường. Tránh chờ địch vào đánh ta, ta bị động đánh trả là thường bất lợi. Ngay khi địch vào tìm bộ đội ta để đánh, ta phải nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang thế chủ động đón đánh địch ở những nơi địch không ngờ nhất, thì cũng giành được thắng lợi.

- Tiểu đoàn 307 quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến nói trên của Đảng ủy Bộ chỉ huy khu 8 và Đảng ủy Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây, nên đã tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi, nhất là từ khi xuống Phân liên khu miền Tây, tiểu đoàn liên tục chủ động đánh địch và trận nào cũng thu được kết quả tốt. Có thể nói tiểu đoàn đang đánh địch chỗ này, thì đã có cán bộ đi điều tra nắm sơ hở địch để chuẩn bị đánh địch ở nơi khác. Trận này đánh xong, vừa rút kinh nghiệm, thì phải chuẩn bị chuyển sang đánh trận kế tiếp. Như đang nghi binh đánh địch ở Tân Lộc, An Xuyên thì đã tiến hành điều tra nắm tình hình địch ở cứ điểm Hộ Phòng (Cà Mau). Đánh thắng ở An Xuyên, thì kế tiếp hạ cứ điểm Hộ Phòng. Đang chuẩn bị hành quân lên đánh địch ở huyện An Biên (Bạc Liêu) thì đồng thời nắm sơ hở của địch ở đồn Nhà Thờ (Cà Mau) có thời cơ thì dùng kỳ tập bất ngờ hạ đồn và bắt sống toàn bộ địch, thu vũ khí, động viên khí thế tiểu đoàn đi vào chiến đấu công đồn đả viện và giải phóng hoàn toàn huyện lỵ An Biên (Bạc Liêu)...

- Trong việc chủ động đánh địch ở chiến trường, vai trò chỉ đạo của Bộ tham mưu khu (Phân liên khu) rất quan trọng vì Bộ tham mưu nắm được tình hình địch trên chiến trường khu (Phân liên khu) hướng dẫn cho tiểu đoàn, những nơi địch có sơ hở cần nghiên cứu. Mặt khác bản thân tiểu đoàn có đội trinh sát đặc công mạnh (lúc đầu là trung đội sau là đại đội). Ban tác chiến tiểu đoàn có đầy dủ cán bộ có năng lực. Nhờ vậy, trong cùng một thời gian, tiểu đoàn có thể nghiên cứu được địch ở 2 – 3 nơi để chuẩn bị chiến trận.

- Là đơn vị chủ lực của khu (Phân liên khu) nên Tiểu đoàn 307 chủ yếu là tác chiến tập trung toàn tiểu đoàn. Song khi cần thiết cũng có lúc hoạt động phân tán từng đại đội để phát động du kích chiến tranh địa phương như khi địch lấn chiếm sâu vào Đồng Tháp Mười, tiêu hao, tiêu diệt từng toán địch nhỏ, kết hợp với huấn luyện, hướng dẫn cho dân quân đánh du kích.

- Đánh tập trung, sở trường của Tiểu đoàn 307 là phục kích và phục kích vận động chiến. Lúc đầu phục kích bí mật bất ngờ bên đường hành quân của địch, rồi tấn công địch. Nhưng về sau địch rút kinh nghiệm, khi hành quân, đều cho trỉnh sát đi trước sục sạo sâu vào hai bên đường, có khi xa đến 200 – 300m, cho nên nếu phục kích gần đường thường bị địch phát hiện, yếu tố bí mật bất ngờ không còn, địch không lọt vào trận địa phục kích của ta, ta khó tiêu diệt địch, cho nên tiểu đoàn áp dụng cách đánh phục kích vận động chiến. Mai phục cách xa đường hành quân của địch, có khi đến 500m trở lên. Sau khi trinh sát của địch sục sạo không phát hiện được gì, chúng chủ quan lọt sâu vào trận địa của ta, ta bí mật bất ngờ vừa nhanh chóng vận động từ nơi phục kích ra, vừa dàn thành thế trận tấn công địch.

Đánh phục kích hay phục kích vận động chiến, tiểu đoàn thường dùng hình thức công đồn, đánh viện như các trận: Mộc Hóa (Tân An), La Bang (Trà Vinh), Phong Phú (Cầu Kè – Vĩnh Long), Long Sơn (Trà Vinh), An Biên (Bạc Liêu) v.v... hoặc đánh giao thông như các trận Sông Thuận (Mỹ Tho) trên đường Bạc Liêu – Cà Mau, hay đánh địch đi càn vào vùng căn cứ kháng chiến như ở Ô Môi, Sài Tư (Đồng Tháp Mười), Tân Hương (Bến Tre), An Xuyên (Cà Mau), ngã ba kinh Đội Cường và sông Bảy Háp (Bạc Liêu). Nhiều trận diệt tiểu đoàn địch, bắt tù binh thu vũ khí làm chủ chiến trận, nổi bật nhất là các trận Mộc Hóa (Tân An), La Bang (Trà Vinh), Phong Phú (chiến dịch Cầu Kè), An Biên (Bạc Liêu).

- Ngoài ra tiểu đoàn tiêu diệt các cứ điểm, đồn địch bằng cách kết hợp đặc công với xung kích. Đặc công bất ngờ luồn vào cứ điểm địch dùng bộc phá đánh sập một phần trọng yếu của cứ điểm, bộ đội xung kích vượt rào xông vào diệt địch còn lại như trận Bảy Ngàn (Cần Thơ), Hộ Phòng (Bạc Liêu), dinh quận An Biên (Bạc Liêu). Khi gặp địch sơ hở, canh gác không nghiêm để dân vào đồn, thì táo bạo giả thường dân, cất dấu vũ khí, thâm nhập vào đồn rồi bất ngờ nổ súng khống chế địch, cướp đồn, thu toàn bộ vũ khí như trận đánh đồn Nhà Thờ (Cà Mau).

- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 307 chưa được trang bị ĐKZ, hay B40, B41, nên việc cường tập hạ đồn địch thường áp dụng cách dùng hỏa lực trung đại liên khống chế hỏa lực địch ở các lỗ châu mai, điểu tựa, rồi lợi dụng hướng có địa hình dễ tiếp cận đồn địch xông vào, vượt rào, phá cửa, dùng lựu đạn ném vào đồn địch hoặc dùng hỏa công (bùi nhùi tẩm dầu ở đầu cây ngắn có thể ném được xa) để gây phát hỏa trong đồn địch. Như hạ đồn Bắc Sa Ma, đồn Bù Hút trong chiến dịch Cầu Kè.

Trong đánh địch, Tiểu đoàn 307 chú trọng việc nghi binh lừa địch, và táo bạo trong bố trí binh lực nhằm tạo thế bất ngờ diệt địch. Như ở trận An Xuyên (Cà Mau) địch thường vào càn quét vùng Tân Lộc, An Xuyên, cách thị trấn Cà Mau đến gần 20km, sâu trong vùng kháng chiến, nhằm bình định vùng này. Chúng có tai mắt ở địa phương nên khi Tiểu đoàn 307 về đóng quân ở Tân Lộc, An Xuyên thì chúng không vào, vì sự thật chúng cũng ngán đụng độ với Tiểu đoàn 307. Nhưng khi tiểu đoàn vừa rút đi chiều hôm trước, thì sáng hôm sau chúng lại vào, chửi bới, khủng bố, cướp của đồng bào và nói sao 307 giỏi không ở lại đánh với chúng. Tiểu đoàn tổ chức nghi binh kéo quân về An Xuyên, Tân Lộc đóng 2 ngày. Chiều ngày thứ hai chưa tối bộ đội đã từ giã đồng bào nơi trú quân rút đi nơi khác. Kỳ thực là tiểu đoàn ra nàm giữa cánh đồng An Xuyên – Thái Bình đến nửa đêm thì quay trở lại phục binh phía ngoài An Xuyên, Tân Lộc (phía gần Cà Mau). Địch ở Cà Mau được bọn chỉ điểm chiều trước báo tin Tiểu đoàn 307 đã rút quân đi khỏi Tân Lộc, nên sáng hôm sau chúng đã vào đến An Xuyên – Tân Lộc. Tiểu đoàn điều động các đại đội từ phía sau đánh tới, chặn hết đường về của địch. Địch dàn ra chống cự nhưng bị quân ta tiêu diệt phần lớn. Số còn lại lội qua rạch, rút chạy qua cánh đồng, bị bộ đội và nhân dân địa phương đuổi theo diệt gần hết. Từ đó đến khi đình chiến (1954) địch không bao giờ dám càn quét vùng An Xuyên Tân Lộc nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:36:56 am »

Trong đợt hoạt động tác chiến kết hợp với địch ngụy vận, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tiểu đoàn phân tán ra từng đại đội cùng dân quân bao vây tấn công các đồn bót địch xung quanh thị xã Rạch Giá. Thực tế thì mỗi nơi chỉ có 1 trung đội và dân quân bao vây địch, nhưng nghi binh bắt đàn trâu lội ruộng nước xa xa quanh đồn, đồng thời cho thân nhân lính ngụy kêu gọi địch ra hàng cách mạng, nếu không Tiểu đoàn 307 đang vây đồn sẽ tiêu diệt. Lính địch trong đồn lắng nghe tiếng trâu lội xa xa, ào ào, hoảng vía tưởng hàng ngàn quân của tiểu đoàn đang vây đánh, phần khiếp sợ uy danh của tiểu đoàn nên chịu ra hàng.

- Hoặc có lúc bộ đội ta tập trung súng trung liên bắn vào đồn sau khi bị bao vây, cho chúng thấy đạn phóng bom rồi kêu gọi, nếu không ra hàng sẽ bị Tiểu đoàn 307 tiêu diệt. Dùng bao vây nghi binh bắn tỉa uy hiếp kết hợp với dùng thân nhân lính ngụy kêu gọi, tiểu đoàn cùng dân quân địa phương đã bức hàng bức chạy hàng chục đồn bót trên đường giao thông vài thị xã Rạch Giá, khiến thị xã lâm vào tình trạng cô lập.

- Trong trận Phong Phú chiến dịch Cầu Kè (Vĩnh Long) chiều hôm trước địch từ Trà Vinh đi tiếp viện cho thị trấn Cầu Kè bị ta bao vây đã đến đồn Bắc Sa Ma vừa bị tiểu đoàn hạ. Chúng cho một trung đội đi do đường, đã đụng một bộ phận nhỏ của bộ đội ta tại đầu giồng Phong Phú. Chúng bị thương mấy tên rút chạy trở về Bắc Sa Ma. Biết là địch đã biết bộ đội ta có mặt ở giồng Phong Phú nhưng tiểu đoàn lợi dụng tâm lý thông thường của địch là hễ bộ đội ta đã đụng địch, thường di chuyển đi nơi khác, nên tiểu đoàn vẫn ở lại tổ chức phục kích vận động cùng với 1 đại đội Tiểu đoàn 308 đánh địch trên đoạn đường ở đầu giồng này. Lại còn táo bạo cho 1 trung đội đào hầm, chôn mình giữa ruộng lúa, chờ địch đi qua đụng độ bộ đội thì xông lên khóa đuôi, không cho địch quay trở lại, đồng thời cho một tiểu đội lợi dụng bờ rạch Phong Phú chảy ngang qua lộ (có cầu) chặn đầu địch không cho chúng có thể chạy thẳng về thị trấn Cầu Kè. Táo bạo hơn là cho một đại đội (932) của tiểu đoàn sang bên kia lộ ẩn núp, dọc theo rạch Phong Phú cây cối lưa thưa giữa đồng trống nhưng rất bất ngờ. Chờ khi địch bị ta từ đầu giồng Phong Phú vận động ra tấn công, nhất định địch sẽ núp bên này đường chống cự, thì đại đội 932 vận động ra đánh vào sau lưng địch. Địch lâm vào thế bị bao vây bốn phía, nên trận này tiểu đoàn 2 của trung đoàn bộ binh Marốc số 1 của địch hoàn toàn bị tiêu diệt và bị bắt sống với toàn bộ vũ khí.

- Từ khi Tiểu đoàn 307 về hoạt động ở Phân liên khu miền Tây là vùng sông rạch chằng chịt, hành quân bộ rất trở ngại, nên tiểu đoàn được trang bị xuồng để hanh quân theo đường sông rạch. Xuồng của tiểu đoàn được đóng chở đủ 1 tiểu đội. Có chèo lái, chèo mũi và ba dầm bơi mỗi bên. Có khoang để gạo muối thức ăn, có sạp cho anh em thay phiên ngồi (thậm chí nằm) nghỉ ngơi khi hành quân xa. Ban chỉ huy đại đội có 1 xuồng, Ban chỉ huy tiểu đoàn mỗi người một xuồng. Đại đội trinh sát trang bị xuồng ba lá nhỏ cứ ba người một xuồng hai chèo. Hành quân bằng xuồng tốc độ nhanh, người đi trên bờ không thể nào theo kịp, lại bí mật vì sông rạch quanh co hai bên bờ có cây cối, dừa nước bao che, ban đêm đi rất êm không ai hay biết. Chiến sĩ hành quân bằng xuồng khỏe hơn là hành quân bộ, nhất là đỡ các việc mang vác nồi, chảo, gạo, muối. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 ai cũng biết chèo bơi xuồng, không biết là phải học tập, ngay cán bộ tiểu đoàn vậy, bởi vì khi hành quân mọi người đều phải thay phiên nhau bơi chèo. Tiểu đoàn 307 hành quân bằng xuồng thành thạo và tổ chức chu đáo, kể cả vượt sông lớn an toàn như sông Tiền, sông Hậu, sông rạch chằng chịt vậy mà tiểu đoàn hành quân ban đêm, xuồng nối đuôi xuồng, không bao giờ lạc vì luôn có bố trí trinh sát chỉ đường bằng đèn tín hiệu. Gặp khi nước cạn thì đầy xuồng. Qua lộ có địch thì khiêng xuồng hoặc đẩy lăn trên thân cây chuối. Cũng có lúc bao vây uy hiếp đồn địch, cho đoàn xuồng theo rạch chui qua cầu mà vượt lộ. có lúc hành quân sát rào đồn mà địch không hay, cũng có khi dùng xuồng tiếp cận đồn địch, lên bộ đánh xong, xuống xuồng về nơi trú quân (như đánh dinh quận An Biên). Hành quân bằng xuồng cũng dễ nghi binh bảo mật, cho bộ đội nằm xuống dùng đệm phủ lên trên chỉ còn người chèo, ai nhìn thấy đều tưởng là xuồng chở hàng đi buôn (hành quân xuống đánh An Biên). Khi cần thì nhận chìm hết cả xuồng xuống sông rạch, để lên bộ hành quân chiến đấu, chiến đấu xong, lặn xuống nước vớt xuồng lên, lắc nước và tiếp tục hành quân bằng xuồng. Tiểu đoàn 307 hành quân bàng xuồng linh hoạt cơ động, khi ẩn, khi hiện, thoạt ở, thoạt đi, đánh được địch, giữ được mình cho nên bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long còn trìu mến gọi tiểu đoàn “bộ đội thủy quân lục chiến” của ta.

Những nguyên nhân chiến thắng của Tiểu đoàn 307 đồng thời cũng là những bài học truyền thống của tiểu đoàn. Trong kháng chiến chống xâm lược Pháp, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp trên và đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày một lớn hơn.

Bốn mươi lăm năm trôi qua, một số không ít cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 nằm xuống vùng đất phì nhiêu vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những người còn trong đội ngũ lúc ấy, một số được chọn ở lại miền Nam để bảo vệ Trung ương Cục, sau Hiệp định Genevè năm 1954, hầu hết tiểu đoàn tập kết ra miền Bắc chuyến cuối cùng tại vàm sông Ông Đốc (Bạc Liêu). Khi ra miền Bắc đơn vị không còn mang phiên hiệu 307 nữa, cán bộ chiến cũng được điều động thay đổi, xong bản chất cách mạng và truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” của Tiểu đoàn 307 vẫn được các cán bộ chiến sĩ trước đây của tiểu đoàn giữ vững và phát huy trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phần lớn các đồng chí tiếp tục ở trong quân ngũ, và trở về miền Nam chống Mỹ cứu nước với cương vị cao hơn cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng có đồng chí trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chống Mỹ: Nguyễn Văn Quảng (tức Tám Lê). Trong cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 hiện có ba đồng chí cấp tướng, nhiều đồng chí cấp tá, một số còn tại ngũ, một số về hưu. Nhiều đồng chí được chuyển ngành ra cơ quan, xí nghiệp, nông trường v.v…. của Nhà nước để trở thành công nhân lành nghề, kỹ sư, bác sĩ, hoặc làm cán bộ quản lý như tổng giám đốc, giám đốc xí nghiệp, bệnh viện, nông trường và cán bộ các ngành.

Đơn vị được kế tục truyền thống Tiểu đoàn 307 là tiểu đoàn 2, trung đoàn 1, sư đoàn 330, trở về miền Nam chống Mỹ, sau này tham dự chiến ranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam vá làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Kampuchia, cũng không ngừng phát huy những bài học truyền thống của Tiểu đoàn 307, giành được thắng lợi vẻ vang. Tiểu đoàn đã hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang”.

Truyền thống Tiểu đoàn 307 sẽ còn được phát huy mãi mãi cùng với non sông đất nước, bởi vì đó cũng là truyền thống của “bộ đội Cụ Hồ”, của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:40:11 am »

DANH SÁCH CÁN BỘ CỦA TIỂU ĐOÀN 307

I- CÁN BỘ TIỂU ĐOÀN:

1- Đỗ Huy Rừa Tiểu đoàn trường (1948-1949).
2- Nguyễn Văn Tiên Tiểu đoàn trưởng – chính trị viên (1949-1954).
3- Phạm Hồng Sơn Tiểu đoàn trưởng (1952-1954).
4- Hồng Long Chính trị viên (1948).
5- Nguyễn Văn Từ Chính trị viên (1949).
6- Trần Đình Cửu Chính trị viên (1951-1952).
7- Nguyễn Văn Sĩ Tiểu đoàn phó (1948).
8- Đỗ Văn Giọng Tiểu đoàn phó (1949-1951).
9- Vũ Đình Thông Tiểu đoàn phó (1951-1953).
10- Đoàn Văn Tám Tiểu đoàn phó (1951-1953).
11- La Duy Giọng Tiểu đoàn phó (1951).
12- Nguyễn Đắc Xuân Tiểu đoàn phó (1953-1954).
13- Đoàn Hiến Chính trị viên phó (1950).

II- CÁN BỘ ĐẠI ĐỘI:

1- Nguyễn Duy Hải Đại đội trưởng.
2- Đặng Văn Tỷ Đại đội trưởng.
3- Nguyễn Thanh Quang Đại đội trưởng.
4- Lê Minh Quang (Nơi) Đại đội trưởng.
5- Nguyễn Thành Hưng Đại đội trưởng.
6- Lê Đình Trọng Đại đội trưởng.
7- Nguyễn Công Khai Đại đội trưởng.
8- Trương Văn Chốn Đại đội trưởng.
9- Huỳnh thanh Chi Đại đội trưởng.
10- Nguyễn Tất Đắt Đại đội trưởng.
11- Dương Sử Liệu Đại đội trưởng.
12- Tạ Trung Ái Đại đội trưởng.
13- Phan Văn Mỹ Đại đội trưởng.

1- Nguyễn Đồng Sơn Chính trị viên.
2- Huỳnh Thiên Phương Chính trị viên.
3- Lê Chí Thành Chính trị viên.
4- Nguyễn Văn Ban Chính trị viên.
5- Võ Minh Quang (Thoàn) Chính trị viên.
6- Nguyễn Công Tâm Chính trị viên.
7- Nguyễn Quang Toản Chính trị viên.
8- Lê Quang Toản Chính trị viên.
9- Phan Lương Chính trị viên.
10- Đặng Hoài Ký Chính trị viên.
11- Quí Chính trị viên.

1- Phan Đại đội phó.
2- Tấn Đại đội phó.
3- Võ Thế Phong Đại đội phó.
4- Nguyễn Viết Xuân Đại đội phó.
5- Nguyễn Văn Đâu Đại đội phó.
6- Đỗ Thành Lai Đại đội phó.
7- Lê Văn Nhỏ Đại đội phó.
8- Võ Chí Viễn Đại đội phó.
9- Phạm Thư Đại đội phó.
10- Bùi Xuân Quang Đại đội phó.
11- Bùi Như Thụy Đại đội phó.
12- Nguyễn Văn Tươi Đại đội phó.
13- Hoàng Thành Đại đội phó.
14- Trương Văn Sắc Đại đội phó.
15- Đặng Văn Nhã Đại đội phó.
16- Phan Văn Trầm Đại đội phó.
17- Thủy Đại đội phó.

1- Trần Quốc Khánh Chính trị viên phó.
2- Vũ Khuê Chính trị viên phó.
3- Huỳnh Tú Chính trị viên phó.
4- Phạm Văn Nghĩa Chính trị viên phó.
5- Đỗ Văn Kỉnh Chính trị viên phó.
6- Dương Quốc Trợ Chính trị viên phó.

III- CÁN BỘ PHỤ TRÁCH CƠ QUAN TIỂU ĐOÀN BỘ:

1- Bùi Văn Cẩn (Quản trị).
2- Lê Thanh Trị (Văn phòng).
3- Trang Tử Long (Tác chiến).
4- Hà Tiến Tuân (Tác chiến).
5- Bùi Kim Sơn (Chính trị).
6- Dương Anh (Chính trị).
7- Hồ Dũng Sinh (Chính trị).
8- Nguyễn Văn Quang (Chính trị).
9- Huỳnh Hữu Lai (Quân y).
10- Huỳnh Văn Số (Quân y).
11- Trần Thừa Thính (Vô tuyến điện).
12- Lê Văn Ba (Cơ khí).
13- Cai (Cơ khí).
14- Nguyễn Thị Cương (Cơ yếu).

Có 2 chiến sĩ quốc tế:
1- Nguyễn Văn Kết – Trung đội phó (Rumani).
2- Nguyễn Văn Thành – Trung đội phó (Nga) tên Platon Alexndrovich.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2018, 08:46:28 am »



Cán bộ Tiểu đoàn 307 từ 1952 đến 1954
(Từ trái sang phải: Đoàn Hiến, Đoàn Văn Tám,
Nguyễn Văn Tiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Đình Cữu).






Hội họp của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 nhân ngày truyền thống của tiểu đoàn.



Đồng chí Thành (Nga) sau 40 năm sang Việt Nam
kỷ niệm ngày truyền thống Tiểu đoàn (5-7-1948 – 5-7-1988).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM