Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:56:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Adolf Hitler Chân dung một trùm phát xít  (Đọc 48866 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #400 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2019, 11:07:53 pm »


        Chỉ đến tháng Ba, Goebbels mới nhận ra ý nghĩa thật sự của thuật ngữ Giải pháp Cuối cùng. Sau đó, Hitler thẳng thắn nói rằng bọn Do Thái phải bị quét sạch khỏi châu Âu, “nếu cần thiết áp dụng phương cách tàn nhẫn nhất”. Goebbels viết trong nhật ký về sự dứt khoát của Furher:

        ...Sự phán xét tàn nhân đã đổ ập lên dân Do Thái... Chúng ta không nên nhạy cảm trong vấn đề này. Nếu chúng ta không chiến đấu chống Do Thái, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Đó là một cuộc chiến sống còn giữa chủng tộc Aryan và bọn sâu bọ Do Thái. Không một chính phủ nào khác và không một chế độ nào khác có đủ sức mạnh đế giải quyết vấn đề này.

 
        Trước mùa xuân, sáu trung tâm giết người đã được thành lập ở Ba Lan. Bốn trại trong khu vực General gourvenement: Treblinka, Sobibor, Belzec và Lublin; hai trong những vùng chưa sáp nhập: Kulmhof và Auschwitz. Bốn trung tâm đầu tiên dùng động cơ phun khói thả hơi độc, nhưng Rodolf Hoss, chỉ huy khu phức hợp khổng lồ gần Auschwitz, nghĩ nó “không hiệu quả” nên sử dụng ở trung tâm của ông một loại khí gas chết người hơn, khí hydro xyanua, với tên thương mại là Zyklon B.

        Mùa xuân khiến Hitler hồi sinh. Sức khỏe cải thiện, tinh thần phấn chấn. Cuộc phản công mùa đông của Xô Viết đã dừng hẳn, mặt trận tạm lắng. Vào ngày 24 tháng Tư, ông gọi điện cho Goebbels nói rằng ông muốn phát biểu trước Quốc hội vào Chủ nhật tiếp theo. Ông lên án Chủ nghĩa Bolshevik là “nền chuyên chính Do Thái” và gắn cho dân Do Thái cái mác “ký sinh trùng”, phải đối xử không khoan hồng với chúng. Nhưng mục đích chính của bài nói chuyện là tái xác nhận bằng miệng những hy vọng mới về chiến thắng cuối cùng. Trong lúc đó, ông không che đậy việc quân đội đang tiến rất gần đến thảm họa. “Các nghị sĩ”, ông đột nhiên kêu lên, “chiến tranh thế giới sẽ được định đoạt trong mùa đông”. Ông so sánh mình với Napoleon. “Chúng ta phải phá vỡ định mệnh đã ập lên một con người 130 năm trước”, ông yêu cầu thông qua đạo luật ban cho ông quyền lực tuyệt đối. Theo đó mỗi người dân Đức buộc phải tuân theo mệnh lệnh của ông - nếu không sẽ bị trừng phạt thảm khốc. Giờ đây ông chính thức đứng cao hơn luật pháp với sức mạnh của sự sống và cái chết. Ông tự xem mình là người đại diện của Chúa, có thể làm theo luật của Thượng Đế: quét sạch lũ sâu bọ và xây dựng một chủng tộc siêu đẳng.

        Các thành viên của Quốc hội xúc động vì thái độ và lời nói của Hitler, đồng lòng chấp thuận một cách “hăng hái và nhiệt tình”. Đối với các quan sát viên quốc tế, có vẻ như đạo luật này không hợp lý. Hitler đã có quyền lực phi chính thức cao hơn Stalin hoặc Mussolini, thật ra, nhiều hơn cả quyền lực mà Caesar hoặc Napoleon từng có. Ông khẳng định ông làm thế để chấm dứt việc đầu cơ trục lợi và nạn “chợ đen” trong chiến tranh, loại bỏ nhân viên thừa trong khu vực hành chính để tăng thêm nhân lực cho mặt trận sản xuất. Ông phớt lờ nguyên nhân suy yếu của nền kinh tế Đức không chỉ do chủ nghĩa bảo thủ trong dịch vụ tư và bộ máy tư pháp, mà còn do sự tham ô trong nội bộ đảng. Những gã tham ô như Gõring, cùng với việc nhận hối lộ tràn lan, làm việc kém hiệu quả ở tất cả các cấp trong Đảng Quốc xã, đã rút cạn sức mạnh của Quốc xã gần trong một thập kỷ.

        Ba ngày sau, Furher gặp Mussolini tại Lâu đài Klessheim gần Salzburg. Người Italia, không giống các thính già mê muội tại Sportpalast, rất thất vọng trước bài diễn văn hùng hồn của Hitler. Hitler nói dông dài nhưng rất ít đề cập đến lợi ích, che đậy những bất hạnh tại chiến trường miền Đông. Ông tuyên bố Mỹ là một tay bịp lớn, và lại thản nhiên so sánh mình với Napoleon. Ông cũng trình bày về Ấn Độ, Nhật Bàn và từng quốc gia châu Âu với lời tuyên bố riêng cho mỗi quốc gia. Vào ngày thứ Hai, sau bữa trưa, mặc dù mọi thứ đã được trình bày, Hitler tiếp tục huyên thuyên thêm 1 giờ 40 phút nữa, trong khi Mussolini xem đồng hồ liên tục. Các chỉ huy của Hitler buồn chán. “Tướng Jodl”, Ciano nhớ lại, “cuối cùng ngủ gật trên trường kỳ.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #401 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2019, 09:49:30 pm »


3

        Nội bộ SD không xa lạ với việc Himmler không tin tưởng Heydrich, người giữ hồ sơ về từng người trong đảng, bao gồm cả Furher, và ngược lại, Heydrich cũng khinh miệt Himmler. (Heydrich cho thuộc hạ xem một bức ảnh của Himmler. Che một nửa khuôn mặt trên, ông nói, “Nửa mặt trên là một nhà giáo nhưng nửa dưới là một kẻ tàn bạo.”) Nhưng Hitler có một kế hoạch vĩ đại cho Heydrich. Thậm chí ông còn xem Heydrich là người kế vị nếu Goring ngã xuống sau khi thất vọng về sự thể hiện của Không quân Đức. Sau khi làn sóng khủng bố ở Tiệp Khắc đã nhanh chóng quét sạch phong trào kháng chiến, Heydrich đột lốt một người hảo tâm, đặc biệt đối với công nhân và nông dân. Ông nâng cấp khẩu phần ăn cho người lao động nhà máy, tăng cường an sinh xã hội và trưng thu các khách sạn sang trọng cho công nhân ở. “Ông chơi trò mèo vờn chuột với người Czech”, Gobbels nhận xét, “họ chấp nhận mọi thứ ông ta đặt xung quanh. Ông tiến hành một loạt biện pháp vô cùng hiệu quả, đặc biệt gần như đánh bại nạn chợ đen.”

        Những thành công của vị Nhiếp chính Quốc xã ở Tiệp Khắc buộc chính phủ lưu vong của Czech hành động. Có vẻ như dân chúng dần chấp nhận sự bảo hộ của Đệ tam Quốc xã dưới một chế độ chuyên quyền nhân đạo, họ lên kế hoạch ám sát Heydrich. Jan Kubis và Josef Gabcik, được đào tạo về phá hoại chính trị ở Scotland, nhảy dù từ một máy bay Anh vào khu vực bảo hộ.

        Sáng ngày 27 tháng Năm, những kẻ ám sát cùng với 2 người yêu nước, nấp tại một cung đường giữa biệt thự của Heydrich và Lâu đài Hradschin ở Prague. Khi chiếc xe mui trần màu xanh lam của viên Nhiếp chính đến gần, Gabcik nhảy ra đường và bóp cò khẩu tiểu liên Sten. Không chuyện gì xảy ra cả. Gabcik bóp cò. Súng lại kẹt. Sau lưng, Kubis ném lựu đạn vào chiếc xe, mọi việc dừng lại một chút. Heydrich hét lên, “Đâm hắn đi!” nhưng tên tài xế, đã bị đổi vào giờ chót, vẫn giữ chặt phanh. Lựu đạn phát nổ, phá tung một phần của chiếc xe. Heydrich nhảy ra đường, bề ngoài không có vẻ bị thương, cầm súng lục trên tay, vừa bản vừa la hét như thể ông là “nhân vật chính trong một bộ phim về miền Tây”. Kubis trốn thoát trên một chiếc xe đạp; Gabcik, không bị thương, đứng ngây người bắt động khi khẩu súng bị kẹt, sau đó tẩu thoát. Bất thình lình, Heydrich đánh rơi súng, nắm chặt hông phải và choáng váng. Những mảnh da vụn và kim loại từ chiếc Mercedes đã đâm xuyên qua sườn và dạ dày. Ông được đưa đến bệnh viện gần đó, nhưng vết thương của ông không có vẻ nghiêm trọng, ông từ chối đế bất kỳ bác sĩ nào chăm sóc trừ khi đó là người Đức. Cuối cũng cũng có một người, vị bác sĩ tuyên bố cần phải phẫu thuật vì mảnh vỡ lựu đạn bị kẹt giữa màng xương sườn và phổi cũng như lá lách.

        Himmler, đang ở tại tổng hành dinh tạm ở Hang Sói, than khóc khi biết rằng cánh tay phải của mình đang hấp hối, nhưng một số lính ss cho rằng đó là nước mắt cá sấu vì ông bực tức khi Hitler ưu ái Heydrich. Khi Heydrich hấp hối tại Prague, ông này đã cảnh báo thuộc cấp Syrup hãy cảnh giác với Himmler.

        Trong khi điều tra cái chết của Heydrich, Himmler nhận xét với Walter Schellenberg, chỉ huy Cục tình báo ss, “Đúng, như Furher đã nói tại tang lễ, ông ta thật sự là một người có tinh thần thép. Khi ông đạt đinh cao quyền lực thì định mệnh lại mang ông đi”. Giọng ông nức nở nhung Schellenberg không thể quên “đi kèm với những lời nói đó là cái gật đầu từ bi như Bụt, trong khi đôi mắt nhỏ lạnh lùng bên dưới cặp kính không gọng đột nhiên ánh lên cái nhìn của loài rắn.”

        Hai kẻ ám sát, cùng với 5 thành viên khác của lực lượng Kháng chiến Czech, cuối cùng bị ss bắt tại một nhà thờ Budapest và bị hành quyết. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho việc trả thù. Hơn 1.300 người dân Czech bị hành quyết ngay lập tức, gồm tất cả công dân nam ở Lidice, dựa trên cái cớ rằng ngôi làng này đã dung túng cho bọn ám sát. Làng Lidice bị thiêu rụi, những gì còn lại bị phá hủy hoàn toàn, mặt đất bị san bằng. Việc tiêu diệt ngôi làng vô danh này không chỉ dấy lên sự ghê tởm và lòng căm phẫn của thế giới phương Tây mà còn nhóm lại tinh thần kháng chiến của Tiệp Khắc1.

        Chính người Do Thái phải gánh chịu nặng nhất sau vụ ám sát. Trong ngày Heydrich chết, 152 người bị hành quyết ở Berlin. 3 nghìn người khác bị dời từ trại tập trung Theresienstadt và chở đến Ba Lan nơi các trung tâm giết chóc đã sẵn sàng đón nhận lượng nạn nhân ổn định.

        Có lẽ sáng kiến độc ác nhất của Giải pháp Cuối cùng là thành lập các Hội đồng Do Thái để quản lý việc trục xuất và tiêu diệt chính họ. Các tổ chức này, bao gồm những nhà lãnh đạo cộng đồng tin rằng hợp tác với người Đức là chính sách tốt nhất, không khuyến khích chống đối. “Tôi sẽ không ngại hy sinh 50 nghìn người trong cộng đồng”, một nhà lãnh đạo tiêu biểu, Moses Merin, lý giải, “để cứu 50 nghìn người khác”.

        Đầu mùa hè, các cuộc giết chóc bắt đầu dưới sự ủy quyền từ lệnh viết tay của Himmler. Eichman giải thích rằng Giải pháp Cuối cùng có nghĩa là tiêu diệt chủng tộc Do Thái về mặt sinh học. “Cầu xin Chúa ngăn cản,” Wisliceny kinh hoàng kêu lên, “kẻ thù sẽ làm điều tương tự với người dân Đức!”

----------------
        1. "Đó là ý tưởng mục đích chính khiến chúng tôi lao vào ám sát Heydrich tại Tiệp Khắc”, Paget thừa nhận sau chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #402 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:37:15 pm »


        “Đừng ủy mị!” Eichmann nói. “Đây là mệnh lệnh của Furher”. Sau đó Himmler gửi thêm một thư chứng thực cho Chi huy Văn phòng chính ss vào cuối tháng Bảy: “Bọn Do Thái sẽ bị quét sạch khỏi lãnh thổ châu Âu đang bị chiếm đóng. Thực hiện công việc này là một mệnh lệnh khó khăn do Furher đặt lên vai tôi. Không ai có thể tháo gỡ trách nhiệm này của tôi trong bất kỳ trường hợp nào. Do đó, tôi ngăn cấm mọi sự can thiệp.”

        Điều Kurt Gerstein biết được, ở vị trí Trưởng bộ phận Kỹ thuật Tẩy uế của Waffen ss, đã khiến ông lâm vào tuyệt vọng. “Ông quá kinh hoàng trước hành động dã man của Quốc xã”, một người bạn nhớ lại, “đến nỗi ông tin họ không thể giành được chiến thắng cuối cùng”. Trong chuyến đi đến 4 trại đồ sát ở Generalgouvernement vào mùa hè năm đó, Gerstein tận mắt trông thấy những gì ông đã đọc. Tại trại đầu tiên, ông và hai người bạn đồng hành - người phó của Eichmann và một giáo sư về vệ sinh tên là Pfannestiel - được thông báo rằng Hitler và Himmler vừa mới ra lệnh “đẩy nhanh mọi hành động”. Tại Belzec, hai ngày sau, Gerstein chứng kiến lệnh đó trở thành sự thật.

        “Những người đã và sẽ chứng kiến nhiều như ông sẽ thấy”, người phụ trách, ủy viên Christian Wirth nói “không có nổi 10 người còn sống”. Gerstein chứng kiến toàn bộ quá trình từ lúc 6 nghìn người Do Thái bị chở đến trên các xe như súc vật, 1.450 người đã chết. Khi những người còn sống bị quất roi đuổi ra khỏi xe, qua một loa phát thanh họ bị ra lệnh phải cởi bỏ toàn bộ quần áo, tay chân giả, kính, giao nộp những vật có giá trị và tiền bạc. Đàn bà và thiếu nữ phải cất tóc ngân. “Cái đó để làm quà đặc biệt cho thủy thủ tàu ngầm”, một người lính ss giải thích, “đan thành những đôi dép đẹp.”

        Gerstein ghê tởm nhìn họ đi đến các căn phòng chết chóc. Đàn ông, đàn bà, trẻ em - tất cả đều trần truồng - khiếp sợ, đi thành hàng, một lính ss vạm vỡ hứa với họ bằng một giọng to lớn hiền từ rằng không có gì kinh khủng sẽ xảy ra với họ. “Tất cả những gì mọi người cần làm là hít vào thật sâu. Nó sẽ tăng cường phổi. Hít thở là một trong những biện pháp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiêm. Đó là một cách tầy uế tốt”. Đối với những người sợ sệt hỏi số phận họ sẽ đi về đâu, người lính ss này bảo đảm: đàn ông sẽ đi xây đường sá và nhà cửa, đàn bà sẽ làm bếp và công việc nhà. Nhưng mùi từ các căn phòng chết đã lộ tẩy, những người đi đầu bị những người đi sau xô đẩy. Hầu hết đều im lặng, nhưng một người đàn bà, ánh mắt sáng rực, nguyền rủa bọn sát nhân. Bà bị Wirth, nguyên chỉ huy cảnh sát hình sự ở Stuttgart quất roi thúc đi. Một vài người cầu nguyện, số khác hỏi: “Ai cho chúng ta nước Thánh để rửa tội?” Gertstein cầu nguyện với họ.

        Lúc này, căn phòng đã chật kín người. Nhưng nhân viên không thể khởi động máy chiếc xe tải diesel thải khói độc tiêu diệt người Do Thái.

        Điên tiết vì sự chậm trễ, Wirth bắt đầu quất roi vào người tài xế. 2 giờ 49 phút sau, động cơ hoạt động. Sau 25 phút vô tận, Gerstein nhìn vào căn phòng. Hầu hết người trong đó đã chết. Sau 32 phút, không còn ai sống sót. Họ chết đứng, Gerstein nhớ lại, “như những cây cột đá, vì thậm chí không có nổi 2 cm khoảng trống để họ có thể tựa hoặc ngã xuống. Các gia đình nắm tay nhau, thậm chí trong cái chết”. Nỗi kinh hoàng tiếp tục khi một nhóm công nhân bắt đầu banh miệng các xác chết bằng móc sắt, trong khi số khác tìm nữ trang trong hậu môn và bộ phận sinh dục. Wirth đã tìm được công việc phù hợp. “Hãy tự nhìn đi”, hắn nói và chỉ vào một chiếc lọ đựng đầy răng. “Chi cần nhìn vào số vàng ở đó! Bọn tôi đã thu được nhiều hơn hôm qua và hôm kia. Ông không thể tướng tượng được mỗi ngày bọn tôi đều tìm được - đô-la, kim cương, vàng! Rồi ông sẽ thấy!”

        Gerstein tự ép mình xem quy trình cuối cùng. Xác chết bị quẳng vào các hố chôn, mỗi cái dài vài trăm thước Anh, thuận tiện nằm gần phòng gas. Người ta nói những xác chết sẽ căng phồng lên do khí gas trong vài ngày, tạo một khối cao từ 6 đến 10 feet. Khi xác chết xẹp xuống, chúng sẽ được rưới dầu diesel để hỏa thiêu.

        Ngày hôm sau, nhóm của Gerstein được chở đến Treblinka gần Warsaw nơi họ trông thấy một hệ thống tương tự nhưng với quy mô lớn hơn: “8 phòng khí gas và một núi quần áo và đồ lót cao 40 đến 45m”. Để chào mừng họ, một buổi tiệc được tổ chức cho nhân viên. “Khi ai đó nhìn thấy xác chết của người Do Thái”, giáo sư pfannenstiel nói với họ, “họ sẽ hiểu công việc vĩ đại mà các anh đang làm!” Sau bữa tối, những người khách được tặng bơ, thịt và rượu mang về. Gerstein dối rằng ông cũng có những thứ này ở trang trại, vì thế Pfannenstiel lấy luôn cả hai phần.

        Ngay khi đến Warsaw, Gerstein đi Berlin ngay lập tức, cố gắng kể về những cảnh tượng khủng khiếp mà ông đã chứng kiến. Ông bắt đầu truyền bá sự thật cho những đồng nghiệp hoài nghi. Câu chuyện của Gerstein như một viên đá ném xuống mặt hồ khiến sóng lan tỏa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #403 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:26:39 pm »


4

        Tình trạng quân đội Đức trong mùa xuân năm 1942 không có gì thay đổi. Mặt trận miền đông vẫn đình trệ, Rommel chưa sẵn sàng cho cuộc tấn công sa mạc mới. Không có gì vui vẻ để báo cáo trừ các chiến thắng liên tục của Nhật Bản, sự nhiệt tình của Hitler bị hụt hẫng khi người đồng minh lịch sự và bướng binh từ chối tiến hành chiến tranh theo ý ông. Ribbentrop thông qua Đại sứ Oshima kiên trì thúc ép Nhật chuyển hướng tấn công vào Ấn Độ, nhưng không đạt được gì cả. Cả Hitler cũng không thành công khi ông mời Oshima đến Wolfsschanze và lặp lại yêu cầu. Wehrmacht, ông nói, chuẩn bị xâm lược Cacacis và khi vùng đất dầu mò bị chiếm đóng, con đường đến Ba Tư sẽ được khai thông. Lúc đó, người Đức và người Nhật có thể tóm gọn quân đội Viễn Đông của Anh trong một chiến dịch gọng kìm khổng lồ. Lời đề nghị rất hấp dẫn nhưng người Nhật từ chối. Họ đã định đàm phán với phương Tây. Thủ tướng Tojo được Nhật hoàng triệu đến cung điện và chỉ thị “không bỏ qua cơ hội kết thúc chiến tranh nào”. Tojo triệu Đại sứ Đức, Tướng Eugen Ott, và đề nghị hai quốc gia sẽ bí mật tiếp cận Đồng Minh; ông sẽ bay đến Berlin như một đại diện cá nhân của Nhật hoàng nếu Hitler gửi một máy bay ném bom tầm xa. Hitler trả lời lịch sự nhưng hờ hững; ông không thể liều lĩnh để Tojo gặp tai nạn trên một chiếc máy bay Đức.

        Hitler quyết định đánh bại Nga dù không có hỗ trợ của Nhật, ông tiến hành kế hoạch tấn công vào Cacacus. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của khi vực đó bằng cảnh báo đối với các tư lệnh. Nếu họ không chiếm được khu vực dầu ở Maikop và Grozny, ông nói, “Ta buộc phải kết thúc chiến tranh.”

        Chiến dịch tham vọng, mật danh Blau, bị ngưng trệ trong vài tuần do những cơn mưa lớn mùa xuân và mãi đến 28 tháng Hai mới được Thống chế von Bock triển khai. 6 sư đoàn Hungary và 17 sư đoàn Đức tiến về Kursk. 48 giờ sau, Quân đoàn số 6 hùng mạnh, bao gồm 18 sư đoàn hướng thẳng về phía nam. Người Nga mắc sai lầm khi triển khai thiết giáp từng phần và trong vòng 48 giờ, 2 lực lượng Đức tập trung lại, bao vây một số lớn tù binh. Phía trước là Don và thành phố chiến lược Voronezh, nhưng Bock lại do dự tấn công. Cuối cùng ông cũng chiếm được thành phố vào ngày 6 tháng Bảy, nhưng lúc này Hitler quá phẫn nộ với cách chiến đấu lề mề nên cách chức Bock vĩnh viễn.

        Hitler dời tổng hành dinh vào sâu trong Ukraina, chiếm đóng một trại trong khu rừng cách Vinnitsa vài dặm về phía bắc. ông đặt tên nơi này là Werewolf (Ma sói), đó là một tập hợp nhà gỗ tạm không ngụy trang nằm trong khu vực ảm đạm. Nơi này không có đồi, không có cây, đơn thuần là một vùng không gian mênh mông hoang vu. Bên dưới bầu trời trong vắt tháng Bảy, cái nóng khắc nghiệt và sự giao mùa tác động đến Hitler, gây ra nhiều cuộc tranh cãi và giận dữ lên đến đỉnh điểm trong vài tuần tiếp theo.

        Có lẽ cái nóng cũng góp phần vào một sai lầm nghiêm trọng. Hitler ảo tưởng quyết định triển khai tấn công vào Stalingrad, một thành phố công nghiệp bên bờ sông Volga, trong khi tiếp tục cuộc chiến tại Cacacus. Halder, người duy nhất, thẳng thắn phàn nàn rằng không thể tấn công đồng thời Stalingrad và Cacasus, họ chỉ nên tập trung vào thành phố trước đó. Nhưng Hiter vẫn tin rằng Nga đã “tiêu đời.”

        Có một mối quan ngại sâu sằc trong nội bộ tư lệnh cấp cao Xô Viết, Stalin thay thế chỉ huy mặt trận Stalingrad và ra lệnh thành phố hãy sẵn sàng  cho một cuộc bao vây. Ở Moscow và Leningrad, hàng nghìn công nhân bắt đầu xây dựng phòng tuyến xung quanh thành phố.

        Cuộc tranh cãi ở Werewolf ngày càng dữ dội. Sau một buổi thảo luận kịch liệt, Hitler nói với trợ lý riêng, “Nếu ta nghe Halder lâu hơn, ta sẽ trở thành người theo chủ nghĩa hòa bình!” Ngày 30 tháng Bảy, trong buổi gặp hàng ngày với Furher, khi Jodl nghiêm túc chỉ ra số phận của Cacacus sẽ được định đoạt tại Stalingrad, và Quân đoàn thiết giáp 4, đã được chuyển đến Cacacus phải trở về Stalingrad. Hitler nổi giận - nhưng sau đó đồng ý. Nếu quân thiết giáp không bị điều đến miên nam, Stalingrad có lẽ đã rơi vào tay Đức, nhưng giờ đây Xô Viết đã tập hợp đủ sức mạnh ở mặt trận Volga để ngăn cản hoặc kềm chân cuộc tấn công mới. Nếu chiếm được Stalingrad trước trung tuần mùa hè, toàn bộ hệ thống phòng thủ của Xô Viết chắc chắn sẽ bị tan rã trước mùa đông. Thêm một ví dụ rõ ràng về quyết định nguy hiếm trong việc phân tán lực lượng của Hitler. Đầu tiên là quyết tâm tấn công đồng thời Leningrad và Ukraina trước khi tiến vào Moscow. Tất cả đều đi kèm với sự phân tán lực lượng vào mục tiêu tiêu diệt Do Thái. Tương tự, hiện tại cũng là tình trạng lưỡng nan - Stalingrad hay Cacacus? - Hitler vẫn nhất định muốn chiếm cả hai, chấp nhận rủi ro sẽ mất trắng. Người Hy Lạp cổ gọi đây tính ngạo mạn, bản chất tự phụ cuối cùng sẽ đánh bại tất cả những người chinh phục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #404 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2019, 10:57:28 pm »

          



        Một tuần sau, Hitler thận trọng bảo đảm với một vị khách Italia rằng Stalingrad và Cacacus sẽ đều bị đánh bại. Niềm lạc quan của Hitler dường như có cơ sở chắc chắn. Tình trạng quân đội đầy hứa hẹn, Rommel vừa giành một chiến thắng ngoài mong đợi ở Bắc Phi bằng cách đánh thắng Toburk, điểm quan trọng trong phòng thủ của Anh, sau đó tiến vào El Alamein, chỉ cách Alexandria 65 dặm. Sau đó, là một tuyên bố về chiến thắng vĩ đại hơn tại Midway. Hitler tin vào Nhật, bản thông cáo của họ chính xác hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng lần này, hóa ra chính người đồng minh này lại khoa trương quá mức; Nhật không chỉ mất 4 hàng không mẫu hạm và đội phi công hải quân tinh anh mà cục diện chiến đấu trên mặt trận Thái Bình Dương đã thay đổi. Tin thất trận được xác nhận khi Mỹ vừa đổ bộ vào Guadalcanal, hòn đảo chiến lược nằm sâu trong phòng tuyến Nhật.

        Các cuộc tranh luận tại Werewolf ngày càng căng thảng. Một cuộc cãi vã dữ dội diễn ra vào ngày 24 tháng Tám sau khi Halder yêu cầu Hitler cho phép một đơn vị đang bị Xô Viết tấn công mạnh mẽ rút quân. Hitler quát rằng các tư lệnh quân đội của ông luôn đến với cùng một đề xuất - rút quân! “Ta kỳ vọng các chỉ huy cũng phải can trường như binh sĩ chiến đấu.”

        Thông thường, Halder có thể kiềm chế sự tức giận nhưng hôm nay ông phản bác rằng hàng nghìn người Đức can đảm đã ngã xuống bởi vì chỉ huy của họ không được phép ra quyết định hợp lý. Hitler giật nảy mình. Ông nhìn chằm chằm Halder, sau đó cộc cằn nói, “Đại tướng Halder, sao ông dám dùng thứ ngôn ngữ đó trước mặt ta? Ông nghĩ có thể dạy ta những người lính tiên tuyến đang nghĩ gì sao? Ông thì biết gì về những chuyện đang xảy ra ở tiền tuyến? Ông đã ở đâu trong Thế Chiến I? Và ông cố ra vẻ ta không hiểu biết gì về mặt trận. Ta không thế chấp nhận điều đó! Thật là một sự si nhục”. Các chỉ huy khác lắng lặng rời phòng họp, cúi đầu. Rõ rằng thời gian Halder còn ở Văn phòng chính Furher đang ngắn dần.

        Cuối tháng Tám, chiến sự bắt đầu nổ ra ở ngoại ô phía bắc Stalingrad. Do vừa bị đánh bom nặng nề, thành phố tạm thời mất điện khiến mạng lưới liên lạc của Hồng quân bị gián đoạn. Nhưng chiến thắng ngoài mặt không đủ xoa dịu Hitler. Ông cảm thấy bị các tư lệnh ở chiến trường dối trá và bị những chỉ huy ở tổng hành dinh lừa gạt. Sự nghi ngờ với hai nhóm này ngày càng vô lý, ông hiếm khi lẳng nghe lời khuyên, không bao giờ nghe lời chỉ trích. Đặc biệt, ông nổi giận với người kế vị Bock, Thống chế List, và khi List rời khỏi phòng họp ngày 31 tháng Tám, Hitler bắt đầu nhục mạ và mắng nhiếc ông. Thời gian của List cũng sắp hết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #405 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2019, 08:41:46 pm »


5

        Vào cuối tháng Tám, Hitler khám phá ra một nhóm gián điệp, nhóm Rote Kapelle (Phong lan Đỏ), gồm nhiều danh sĩ Đức. Nhóm này đã thành công khi thông báo với Moscow về cuộc tấn công ở Maikop, tình hình nhiên liệu ở Đức, địa điểm của kho vũ khí hóa học của Quốc xã, và quyết tâm đánh chiếm Stalingrad của Hitler. Sau khi bị bắt giữ hàng loạt, 46 thành viên của nhóm bị hành quyết. Nhưng thông tin mật tiếp tục rò rỉ đến Moscow từ một điệp viên Đức khác, Rudolf Rossler, có người cung cấp thông tin ở Đức, gồm Tướng Fritz Thiele, người đứng thứ hai trong tổ chức OKW; ông có thể cung cấp lệnh chiến đấu hàng ngày của Đức cho Hồng quân.

        Hitler nghi ngờ có một gián điệp tại Văn phòng chính của Thủ tướng vì tất cả các đường đi nước bước của ông dường như điều bị nắm bắt. Nghi ngờ sinh ra cáu kinh, các tư lệnh quân đội phải hứng chịu điều này. Cuộc tranh luận ngày 7 tháng Chín là cuộc tranh luận dữ dội nhất. Sáng hôm ấy, Hitler cử Jodl, một trong số những người ông vẫn tin tưởng, đến Cacacus để tìm hiểu tại sao List lại quá chậm trễ tiến hành vượt qua núi tiến vào Hắc Hải. Sau một cuộc trò chuyện rất lâu với List và tư lệnh của quân đoàn Núi, Jodl kết luận rẳng tình hình là vô vọng. Ông bay trở về Vinnitsa và báo cáo rằng List vẫn đang bám chặt vào mệnh lệnh được giao phó.

        Hitler lập tức phản ứng. “Đó là lời nói dối!” ông hét lên và buộc tội Jodl thông đồng với List. Jodl chỉ có nhiệm vụ duy nhất là truyền đạt mệnh lệnh. Jodl chưa bao giờ thấy ai giận dữ như thế. Bị xúc phạm, ông này cũng phản ứng lại. Nếu chỉ cần một người giao liên bình thường, ông nói, thì tại sao Hitler không cử một trung úy trẻ đi? Bực tức vì bị Jodl xúc phạm trước mặt mọi người, Hitler hiên ngang bước ra khỏi phòng, ném cái nhìn dữ dội vào mọi người. Ông càng tin rằng mình là nạn nhân của sự lừa dối hơn bao giờ hết, Hitler lặng lẽ trở về boongke.

        Các cuộc họp giờ đây diễn ra ở trong lều của ông. Ông từ chối bắt tay với bất kỳ nhân viên nào. Không khí của buổi họp lạnh lùng, người tốc ký ghi lại từng chữ trong hướng dẫn của Furher. Ông quyết định sẽ không bao giờ có tranh luận về những mệnh lệnh của ông nữa. Sự thân thiết trong các bữa ăn cũng kết thúc. Từ giờ trở đi, Furher ăn một mình trong phòng, với chú chó Blondi làm bạn1.

        Cộng đồng quân sự tại Vinnitsa yên lặng chờ đợi trong căng thẳng. Ngày 9 tháng Chín, Hitler cách chức List và đích thân chỉ huy Quân đoàn A. Sau đó, có tin đồn rằng Haider, Jodl và Keitel đều nhanh chóng bị giáng chức. Keitel tìm Warlimont xin lời khuyên có thể làm gì để giữ chức vụ và giữ được lòng tự trọng? “Chi có ông mới trả lời được câu đó”, Warlimont trả lời dè dặt. Ông nhớ lại Keitel đã sừng sốt thế nào khi Hitler giận giữ ném tập hồ sơ lên bàn. Khi nó rơi xuống sàn, Tham mưu trưởng, quên mất chức vị cao quý của mình, chết trân như một binh nhì. Warlimont nghĩ đó là một trường hợp điển hình “khi một người được trao nhiệm vụ quá khả năng”. Keitel tội nghiệp đã gánh quá sức; thật là một bi kịch vì ông chưa bao giờ muốn công việc đó.

        Tại hội nghị, Hitler tiếp tục phô diễn tính tự tin thái quá. Khi Tướng von Weichs của Quân đoàn B và Tướng Friedrich Paulus, người chịu trách nhiệm chỉ huy tấn công Stalingrad, cảnh báo về phòng tuyến sông Don dài và mòng ở sườn phía bắc, Furher xem nhẹ lo ngại của họ. Ông báo đảm rằng Nga đang cạn kiệt nguồn lực và kháng chiến ở Stalingrad chỉ là “vấn đề nội bộ”. Vì Nga không đủ khả năng triển khai một cuộc phản công tổng lực, nên không có gì nguy hiếm ở bờ sông Don. Điều mấu chốt, ông nói, là “tập trung mọi người đánh chiếm toàn bộ Stalingrad càng sớm càng tốt và bờ sông Volga”. Đó là lý do ông đề nghị tăng cường thêm 3 sư đoàn vào Quân đoàn số 6 của Paulus.

        Lúc này niềm lạc quan của Hitler có một chút căn cứ. Tình trạng hỗn loạn đang lan tràn trong quân đội Xô Viết ở khu vực Stalingrad. Nhiều đơn vị giữ sông Don và Volga đã tan rã do sỹ quan và binh lính đào ngũ hoặc bỏ trốn về hậu phương. Rất đông dân tị nạn mang gia súc và nông cụ theo họ, náo loạn khắp miền Đông. Ngày 14 tháng Chín, thảm họa dường như sắp xảy ra. Máy bay của Không quân Đức đánh bom sông Volga đằng sau Stalingrad khi bộ binh Đức tiến vào trung tâm thành phố, chiếm đóng các ga tàu hỏa quan trọng và tiến đến gần bến cáng.

---------------------
        1. Heim không thế ghi nhận thông tin từ các cuộc thảo luận trong khi ăn, nhưng Koeppen, vẫn ghi chép đến tháng Một năm sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #406 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:02:48 am »


        Quân Xô Viết bất ngờ phòng thủ kiên cường. Quân chi viện, được chở qua sông bắt đầu thách thức Đức. Cuộc chiến trở nên uể oài và điều này tác động đến Hitler. “Sự tự tin của ông đã tan biến cùng với việc nhận ra Đức không thể đánh bại Xô Viết”; đó là lý do ông không thể chịu đựng các tướng lĩnh đã chứng kiến “sai phạm của ông, lỗi lầm của ông, ảo tưởng và mơ mộng của ông.”

        “Ông ấy không tin bất kỳ vị tướng nào”, Engel viết trong nhật ký; "... ông sẵn sàng sẽ thăng chức tướng cho một thiếu tá, và cho anh ta làm tham mưu trưởng, nếu ông biết có một người như thế. Có vẻ không gì làm hài lòng ông và ông nguyền rủa mình đã phát động chiến tranh với các tướng lĩnh yếu đuối”. Hitler quyết định sa thải Halder, người làm phiền ông nhiêu nhất như một điềm báo xấu, nhưng là người ông đã luôn dành cho sự kiên trì bao dung. “Tôi sẽ đi”, Halder nói ngắn gọn, và bước ra khỏi phòng một cách tự trọng. Ông tin rằng Hitler bị tính đàn bà chỉ phối. “Trực giác điều khiển ông thay vì là lý tính thuần túy”, sau này ông viết, “là một trong những bằng chứng cho sự thật này.”

        Hitler muốn người thay thế phải tương phản với Halder, và chọn Kurt Zeitzler. Kurt không có thâm niên và uy tín như Halder, có vẻ khó lòng tác động lên OKW và nhóm chỉ huy quân đội. Nhưng Hitler chú ý đến sự trẻ trung và thiếu kinh nghiệm của ông. Ông thăng vượt hai cấp cho Zeitzler lên Đại tướng.

        Ngoài mặt, Zeitzler không hợp với chức vụ. Nhưng trong buổi họp đầu tiên với Hitler và khoảng 20 sỹ quan, Zeitzler không hề xu nịnh. Zeitzler nói, “Thưa Furher, nếu ngài còn điều gì chống đối Bộ Tham mưu, xin ngài vui lòng nói riêng với tôi, đừng nói trước sự hiện diện của các sỹ quan khác. Nếu không, ngài phải tìm một tham mưu trưởng mới”. Ông chào và đi ra khỏi phòng. Những người khác đợi một cơn thịnh nộ nhưng trái lại Hitler rất ấn tượng.

        Những ai trông chờ vào tinh thần kháng cự mới ở Văn phòng chính của Furher nhanh chóng vỡ mộng. Trong diễn văn gửi các sỹ quan trong OKW, Zeitzler nói, “Tôi yêu cầu tất cả các sỹ quan phải thực hành điều sau: các anh phải tin vào Furher và cách thức chỉ huy của ngài. Các anh phải lan tỏa lòng tin này đến thuộc cấp và những người xung quanh trong mọi hoàn cảnh. Bất kỳ ai không thể đáp ứng yêu cầu này sẽ không được ở lại Bộ tham mưu.”

        Để bảo đảm đã tìm đúng tham mưu trường, Hitler đến Berlin để đọc thêm một bài diễn văn. Vào ngày cuối tháng Chín tại Sportpalast, nhóm thính giả được lựa chọn háo hức chờ đón Hitler dù không biết ông sẽ nói gì, đó là một bài diễn văn ngắn, không tạo cảm hứng, thiếu phong cách hùng hồn thường ngày. Những thính giả ngoại quốc bỏ qua hàm ý về nhận xét chống Do Thái đi kèm với lới hứa đánh chiếm Stalingrad của Hitler. Có lẽ bởi vì những từ của ông về người Do Thái đã bị lặp lại quá nhiều. Động lực của sự lặp lại này được những người liên quan đến Giải pháp Cuối cùng lờ mờ nhận ra. Mỗi lần đề cập là một thông cáo về chương trình tiêu diệt của ông; mỗi lần là một sự tái bảo đảm và trao quyền cho nhóm chịu trách nhiệm tàn sát hàng loạt. Bằng cách thay đổi ngày tấn công Ba Lan, khởi đầu của Đệ nhị Thế chiến, ông đã liên kết chương trình chủng tộc của mình với cuộc chiến. Ông chuẩn bị tinh thần để người dân đối mặt với sự thật cay đắng: sự tiêu diệt người Do Thái là một phần trong cuộc chiến từ những ngày đầu.

        Hitler cũng tuyên bố, một cách mập mờ, rằng chương trình kép -  Giải pháp Cuối cùng và Không gian sinh tồn - đang được tiến hành theo kế hoạch. Thính giả chỉ để góp vui cho cuộc họp, biếu diễn hợp xướng “Bài ca từ chiến dịch miền Đông”, giai điệu của nó thậm chí làm cho các thông tín viên quốc tế vô cùng cảm động:

        Chúng ta đứng lên vì nước Đức
        Canh gác đời đời
        Giờ đây, cuối cùng ánh dương đã ló ở miền Đông,
        Thúc giục triệu người chiến đấu.


        Otto Brautigan, một người Đức - người vừa sống 7 năm ở Liên Xô -  nói, được chào đón như những người giải phóng nhưng người dân vùng chiếm đóng nhanh chóng nhận ra khẩu hiệu “Thoát khỏi Bolshevik” chỉ là cái lốt cho sự nô dịch. Thay vi kêu gọi thêm đồng minh chống chủ nghĩa Cộng sản, người Đức lại tạo thêm kẻ thù quyết liệt. “Chính sách của chúng ta”, Brautigan cáo buộc, “đã đẩy cả bọn Bolshevik và nhân dân Nga chống lại chúng ta. Ngày nay, người Nga chiến đấu với năng lượng và tinh thần hy sinh mãnh liệt vì lòng tự trọng. Chỉ có một giải pháp duy nhất, Brautigan kết luận: “Chúng ta phải nói cụ thể về tương lai cho người Nga”. Nếu Hitler có đọc bản báo cáo này, ông sẽ không bao giờ nghe theo lời đề nghị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #407 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:03:55 am »


6

        Tháng Mười một là thời điểm tệ hại cho Đức khi kẻ thù giành được chiến thắng ở cả miền Đông và Tây. Rommel gọi điện xin chỉ thị rút quân. Vào chiều ngày 2 tháng Mười một, Furher gửi trả lời: Không được lùi dù chỉ “một bước”. Quân đội phái “chiến thắng hoặc chết”.

        Trước khi nhận được thông điệp này, Rommel đã báo cáo ông buộc phải rút quân; chính xác, việc rút quân đã thực hiện được 5 giờ. Thông tin này đến OKW lúc 3 giờ sáng, vì nhân viên điện báo không biết gì về thông điệp gốc của Hitler, ông không nghĩ nó quan trọng để chuyển cho Furher.

        Hitler nổi giận khi không ai đánh thức ông. Ông triệu Warlimont nhưng khi viên phó chỉ huy chiến dịch đang trên đường đến văn phòng Hitler, Keitel la to từ xa “Ông, Warlimont, đến đây! Hitler không bao giờ muốn thấy ông nữa!” Ông vừa được thông báo bị cách chức.

        Hitler không bận tậm đến cành báo của các chỉ huy quân đội. Ông rút ngắn cuộc họp hàng ngày và lên chuyến tàu hỏa đặc biệt của ông cùng với hầu hết các nhân vật cao cấp ở Wolfsschanze. Họ đến Munich; vào dịp kỷ niệm lần thứ 19 của Putsch. Trong khi Hitler nghi ngơi, các đơn vị đầu tiên của Mỹ và Anh đổ bộ xuống bãi biển Morocco và Algeria. Pháp đang đẩy lùi sự đổ bộ. Hitler ra lệnh quân chỉ viện đến Crete ở phía bên kia Địa Trung Hải. ít nhất, ngoài mặt, ông vẫn quan tâm hơn đến buổi diễn thuyết cho các cựu binh tại Lovvenbraukeller lúc 6 giờ tối. Đó là một diễn văn hùng hồn. “Tất cả kẻ thù của chúng ta có thế bảo đảm rằng trong khi nước Đức thời xưa buông hạ vũ khí lúc 12 giờ kém 15 phút, thì nguyên tắc của ta là không bao giờ kết thúc trước 12 giờ 5 phút”.

        Vào buổi tối, Hitler ra lệnh cho Ribbentrop triệu Mussolini đến một cuộc họp khẩn. Nhưng II Duce từ chối đi đến Bavaria. Khi thuộc cấp của ông, Ciano, đến Munich, Hitler đã đồng ý tầm quan trọng của việc đổ bộ lên châu Phi. Ông thấy rõ “chiến tranh của Chúa giờ đây đã chuyến từ Đức sang phe bên kia”. Trong lúc đó, ông cư xử thô bạo với đề nghị của Ribbentrop rằng có thể tiếp cận Stalin thông qua bà Kollontai, Đại sứ Xô Viết tại Stockholm. Ribbentrop đề nghị trao trả phần lãnh thổ chiếm đóng ở miền Đông, “nếu cần thiết”, khiến Hitler nổi đóa. “Tất cả những gì ta muốn thảo luận”, ông đáp một cách hung tợn khiến Ribbentrop khiếp sợ, “là châu Phi - không gì khác!”

        Ông cũng từ chối nỗ lực khác của Nhật Bản nhằm bảo vệ hòa bình với Nga, cũng như lời khẩn thiết kêu gọi Đức chuyển sang phòng thủ miền Đông và chuyển toàn bộ lực lượng sang miền Tây. Đó là một ý kiến hay, nhưng không thể thực hiện. Mọi sự thỏa hiệp với Stalin đều bất khả. Và nếu ông không thể đạt được chiến thắng ở miền Đông, Hitler sẽ giữ chân Hồng quân cho đến khi ông quét sạch Do Thái ở châu Âu.

        Xuất hiện nhiều lời đồn ở Berlin rằng Hitler đã hóa điên. Trong một cuộc họp mặt lớn, vợ của Bộ trưởng Funk nói với vợ của Bộ trưởng Frick, “ Furher đang dẫn chúng ta vào thảm họa”. “Vâng”, Frau Frick đáp, “ông ấy điên rồi”. Quan điểm này được bác sĩ Ferdinand Sauerbruch, một nhà phẫu thuật, lặp lại. Ông nói với bạn bè rằng trong một cuộc viếng thăm Furher mới đây, ông đã nghe một Hitler già cả tuyệt vọng lầm bầm điều gì đó như “Ta phải đến Ấn Độ”, hoặc “Một người Đức hy sinh thì 10 kẻ thù phải chết.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #408 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:04:33 am »


7

        Hitler gánh chịu thêm một thất bại ở Stalingrad. Trong nhiều tuần Quân đoàn số 6 của Paulus không tiến triển được nhiều. Gehlen báo cáo ngày 12 tháng Mười một, “với sự đe dọa tất cả lực lượng Đức, bắt buộc lực lượng của chúng ta ở Stalingrad phải rút lui.”

        Rạng sáng ngày 19 tháng Mười một, 40 sư đoàn quân Xô Viết tấn công vào Rumani. Quân phòng thủ chiến đấu khéo léo và can đảm nhưng vẫn thất bại do bị áp đảo về quân số. Tư lệnh Quân đoàn B phản ứng nhanh chóng. Trước tiên, ông ra lệnh Paulus ngừng tấn công Stalingrad và chuẩn bị đơn vị để chống lại sự đe dọa bên cánh trái; sau khi biết rõ Rumani sẽ thất thue, ông đề nghị Quân đoàn số 6 rút ngay lập tức.

        Hitler kiên quyết bác bỏ việc này. vi tin vào những bàn báo cáo trước rằng Xô Viết đang hấp hối và cuộc phản công này chỉ là cố gắng cuối cùng, Hitler ra lệnh cho quân sĩ ở Stalingrad giữ nguyên vị trí. Cứu binh đang trên đường đến. “Chính Furher cũng không chắc nên làm gì”. Ông không ngừng đi đi lại lại tại đại sảnh ở Berghof, kịch liệt chỉ trích các chỉ huy vì đã lặp lại sai lầm cũ.

        Thiết giáp do ông miễn cưỡng gửi đến chiến trường đã bị đẩy lùi và trước ngày 21 tháng Mười một ở Rumani, một sỹ quan Rumani vội vã nguệch ngoạc trong nhật ký: “Chúng ta hay tổ tiên đã gây ra tội lỗi gì? Tại sao chúng ta phải chịu đựng chuyện này?” Chỉ đến hôm đó Paulus và tham mưu trưởng của ông, Đại tướng Arthur Schimidt, mới nhận ra hiểm họa của họ. Họ nhận ra sự xuất hiện của xe tăng Hồng quân chỉ cách tổng hành dinh vài dặm. Sau khi vội vã dời tổng hành dinh, Paulus yêu cầu được rút quân. Cấp trên của ông chấp thuận và chuyển đến OKW. Trong cuộc họp tối tại Berghof, Jodl đề nghị một cuộc tổng sơ tán Quân đoàn 6, nhưng Furher lại không cho phép. “Dù chuyện gì xảy ra chúng ta cũng phải bám chặt khu vực xung quanh Stalingrad.”

        Sáng hôm sau, ngày 23, hai cánh quân Xô Viết trong chiến dịch cánh cung khổng lồ gặp nhau, bao vây toàn bộ Quân đoàn 6. Hơn 200 nghìn quân Đức tinh nhuệ nhất cùng với 100 xe tăng, 1,8 nghìn súng lớn và hơn 10 nghìn xe cộ bị bắt tại Kessel (vạc) khổng lồ . Tại hội thảo của Quân đoàn 6 sáng hôm đó, có người đề nghị họ chọc thủng vòng vây về hướng tây nam. “Không thể,” Tham mưu trưởng Schimidt nói, “bởi vì chúng ta không đủ nhiên liệu”. Quân đoàn 6, ông nói, sẽ phải bước vào thế phòng thủ. Trước buổi chiều, tình hình trở nên tồi tệ đến mức Schimidt bắt đầu tự hỏi về quan điếm của chính ông. Lúc này, Paulus nhận được mệnh lệnh mới: Giữ vững và đợi mệnh lệnh mới. “Chà”, Paulus quay sang Tham mưu trưởng nói, “bây giờ chúng ta sẽ có thời gian để nghĩ chúng ta nên làm gì”. Họ đã quyết định: phá vòng vây về phía tây nam.

        Hitler gửi một tin nhắn riêng cho Paulus. “Quân đoàn 6 phải biết ta đang làm mọi việc để giúp đỡ và cứu trợ. Ta sẽ ban hành lệnh khi thời cơ đến”. Paulus chấp nhận quyết định này nhưng một trong số chỉ huy quân đội của ông bắt đầu tự ý rút quân để buộc Paulus ra lệnh tổng rút quân. Paulus có quyền khai trừ hoặc bắt giam anh ta nhưng ông không làm gì cả, vì tình thế đã vô cùng cấp bách.

        Sự nghi ngờ của Hitler với Paulus là một trong những lý do khiến ông lờ đi thỉnh cầu phá vòng vây từ Tư lệnh Quân đoàn 6, đêm 23 tháng Mười một. Thay vào đó, ông chọn chấp nhận bảo đảm của Gõring rằng Không quân Đức có thế trợ giúp cho Quân đoàn 6 đang bị bao vây bằng đường không mặc cho những biểu hiện tệ hại của Thống chế Đế chế, và sáng hôm sau ông gửi một tín hiệu radio đến Paulus ra lệnh giữ vững “bằng mọi giá” vì viện trợ sẽ đến bằng đường hàng không. Hitler háo hức chộp lấy lời hứa liều của Goring và tuyên bố Stalingrad trở thành pháo đài cố thủ, từ đó gán chặt vào định mệnh của 250 nghìn quân Đức và Đồng minh.

        Mất niềm tin vào cấp trên của Paulus, Hitler chuyển hầu hết trách nhiệm của viên Tư lệnh sang Thống chế von Marstein, người có kế hoạch khéo léo tấn công phía Tây giống Hitler. Manstein sẽ chỉ huy một lực lượng mới, Quân đoàn sông Don, nhiệm vụ của ông là ngăn chặn quân Xô Viết tiến công về phía tây đế trút bò áp lực cho quân phòng thủ ở Stalingrad. Manstein gửi một thông điệp bảo đảm đến Paulus trưa hôm đó: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cứu ông ra khỏi tình cảnh hỗn loạn này”. Nhiệm vụ hiện tại của Paulus, ông nói, và “duy trì mặt trận Volga và mặt trận phía Bắc theo lệnh của Furher, chuẩn bị lực lượng mạnh để phá vòng vây về hậu phương”. Chấp nhận điều này có nghĩa là Quân đoàn 6 sẽ phải bám trụ trong khi Manstein mở một đường hành lang, Paulus và Schimidt bị cấm thực hiện kế hoạch phá vòng vây của họ nếu không được Hitler cho phép.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #409 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2019, 07:04:57 am »


        Hai mươi hai máy bay chở viện trợ đến Stalingrad bị bắn hạ trong ngày. Ngày 25, thêm 9 chiếc nữa bị phá hủy và chỉ có 75 tấn lương thực và quân trang đến được Paulus. Tại Wolfsschanze, ngày 26, Tham mưu trưởng Quân đội Zeitzler bất chấp sự tức giận của Hitler đề nghị rằng nên trao “toàn quyền hành động” cho Paulus; nghĩa là, nỗ lực phá vòng vây hoặc, thất thủ, tức là cho phép đầu hàng. Hitler bác bỏ đề nghị này ngay lập tức, chỉ đồng ý cho Manstein chi viện. Hitler viện vào sự bảo đảm cung cấp viện trợ bằng đường hàng không của Gõring để đáp trả mọi phản đối. “Sự lạc quan thật đáng sợ”, Engel viết trong nhật ký, “thậm chí các sỹ quan trong bộ tham mưu Không quân Đức cũng không dám đồng tình.”

        Hôm đó, Paulus gửi một thư tay cho Manstein, cám ơn về lời hứa giúp đỡ Quân đoàn 6. Ông nói yêu cầu được Hitler trao “toàn quyền hành động” nếu thật sự cần thiết. “Tôi muốn có quyền này”, ông giải thích, “để tránh khi ban hành mệnh lệnh đã quá trễ.”

        Paulus nhận được câu trả lời từ Hitler vào 5 phút trước nửa đêm. Một thông điệp cá nhân đến binh lính của Quân đoàn 6. Hitler ra lệnh họ hãy kiên trì bám trụ và cam đoan ông sẽ làm hết khả năng để giải thoát họ. Chiến dịch giải cứu, mang tên Bão Đông, rất yếu ớt, chỉ gồm một trận tấn công đơn lẻ của 2 sư đoàn thiết giáp. Theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào đầu tháng  Mười hai, nhưng có quá nhiêu sự trì hoãn trong việc tập hợp lực lượng nhỏ này nên đến sáng ngày 12 tháng Mười hai, nó mới được triển khai. Khi 230 xe tăng chạy từ phía Bắc về Stalingrad, cách khoảng 60 dặm, hầu như không có kháng cự. Ở vài nơi, không có bóng dáng quân Nga, và quân Đức rất hoang mang. Thậm chí chỉ đi 20 dặm, mặt đất đóng băng bắt đầu tan chảy dưới ánh mặt trời, các con dốc biến thành những cái bảy trượt.

        Trong 6 ngày, binh lính Quân đoàn 6 căng thắng chờ đợi sự xuất hiện của xe tăng chỉ viện nhưng tất cả những gì họ thấy chỉ là lớp lớp quân Nga lê bước về phía Tây đuổi theo Bão Đông. Mastein rất thất vọng, ngày 18 ông yêu cầu cho phép Paulus phá vòng vây để cứu quân đội. Zeitzler “vô cùng khẩn cấp” chấp thuận giải pháp, nhưng Hitler vẫn cứng nhắc vì Quân đoàn 8 của Italia đã bị đánh tan trong ngày hôm đó, mở ra một khoảng hở sườn trống khổng lồ ở phía bằc của quân giải cứu.

        Chiều hôm sau, Manstein một lần nữa xin Hitler cho phép chọc Quân đoàn 6 phá vòng vây. Lúc đâu, Hitler từ chối nhưng ông tỏ vẻ dịu đi trước sự hối thúc kiên trì của Zeitzler. Sự do dự của ông khuyến khích các sỹ quan khác hy vọng rằng Paulus, tự chịu trách nhiệm, sẽ nỏ lực phá vòng vây. Paulus sẽ làm thế nếu được phép. Ông đã chuẩn bị kháng lệnh Hitler, nhưng bây giờ gần 100 xe tăng đã đủ nhiên liệu, nhiêu nhất, cho 20 dặm đường đi. Hơn nữa, không đủ quân trang đế phòng thủ, làm sao có thể tấn công. Ông và Schmidt đành đặt toàn bộ hy vọng lên quân giải cứu.

Nhưng lực lượng thiết giáp giải cứu không thể tiến xa hơn về phía đông. Ngày 23 tháng Mười hai, Manstein buộc phải hoãn cuộc tấn công giải cứu vì một sư đoàn thiết giáp phải lấp vào khoảng trống do quân Italia để lại. Lúc 5 giờ 40 phút chiều, ông liên lạc với Paulus bằng máy điện báo và hỏi “liệu nếu tình hình rất tồi tệ”, ông có thể phá vòng vây được không? Paulus hỏi điều đó có phải là giờ ông đã được toàn quyền chỉ huy hành động? “Một khi đã ban hành,” ông nói, “lệnh không thể rút lại.”

        “Hôm nay tôi không thể trao toàn quyền cho ông”, Mastein nói. “Nhưng tôi hy vọng sẽ có quyết định trong ngày mai.”

        Tại tổng hành dinh, Hitler miễn cưỡng hành động, và trong đêm Giáng sinh, Manstein chỉ thốt nên những lời đau buồn và cầu chúc cho Quân đoàn 6. Quân đoàn 6 đã sụp đổ. Dù Paulus muốn phá vòng vây, nhưng ông biết đó chỉ là tự sát. Ông đồng ý với Manstein rằng mọi việc đã kết thúc. Nhưng liệu ông có nên giải thích tình hình với binh sĩ? Quân đội mất hy vọng sẽ không bao giờ chiến đấu.

        Geobbels cố gắng làm điều đó trong thông điệp Giáng Sinh. Trong một diễn văn đặc biệt dành cho binh sĩ tiền, tuyến, ông hứa rằng năm 1943 sẽ mang Quốc xã đến gần “chiến thắng cuối cùng” hơn, “chiến thắng khải hoàn”. “Vì từ lúc bắt đầu chiến tranh, công tác tuyên truyền của chúng ta đã phát triển sai lệch. Năm đầu tiên của chiến tranh: Chúng ta đang thắng. Năm thứ hai: Chúng ta sẽ thắng. Năm thứ ba: Chúng ta phải thắng. Năm thứ tư: Chúng ta không thể thất bại”. Một kiểu phát triển như thế, ông nói, là thảm họa. “Thay vào đó, quần chúng Đức phải nhận thức rằng chúng ta vẫn có thể thắng bởi vì điều kiện tiên quyết tồn tại ngay khi công việc và nỗ lực trong đất nước hoàn toàn phục vụ chiến tranh”. Đó là một bức tranh tàn nhẫn và báo trước bản án của Furher, hai tuần sau, ông ra lệnh tổng động viên nước Đức cho nỗ lực chiến tranh.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM