Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:58:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức miền Đông  (Đọc 16461 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:14:00 pm »

Sau khi tham quan Ăngcovát, một hình ảnh gây ấn tượng mạnh đối với tôi và những người trong đoàn là nghệ sĩ Khơme đàn ca các bài hát dân tộc Việt Nam – Campuchia để phục vụ Đoàn. Đặc biệt các nghệ sĩ đã đàn ca bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và tất cả đều hòa nhịp cùng đồng thanh hát ca một cách nhiệt tình. Bạn cho biết, nhóm nghệ sĩ nghiệp dư này đều là thương binh, từng chiến đấu bên cạnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận 479, chống tàn quân Pônpốt.

Chiến tranh đã cướp mất của từng người trong họ đôi mắt, đôi chân, bàn tay và hôm nay họ ca hát để phục vụ chúng tôi bằng trái tim và những phần cơ thể còn lại của một người lính chân chính. Chúng tôi trao tặng bạn những chiếc huy hiệu lưu niệm, họ quý trọng như những tấm huân chương vinh dự, những người cùng chung chiến hào năm nào.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Quân khu 5 của Campuchia đón tiếp Đoàn tại Sở chỉ huy Quân khu 4, rất đông cán bộ, chiến sĩ của hai quân khu và tỉnh Xiêm Riệp đón Đoàn rất nồng nhiệt, như những người anh em, đồng đội cùng chiến hào lâu năm được gặp lại. Đêm liên hoan thân tình, các chiến sĩ, tướng tá của ta và bạn không muốn chia tay. Tư lệnh Quân khu 4 tặng đoàn chiếc khăn cà ma xinh xắn. Đoàn tặng cho bạn những chiếc huy hiệu Mặt trận 479 mà bạn rất trân trọng.

Tạm biệt thành phố Xiêm Riệp. Trên đường đi thủ đô Phnôm Pênh, đoàn ghé thăm lãnh đạo tỉnh Kông Pông Thom, nơi đặt Sở chỉ huy Sư đoàn 317 là đơn vị đầu tiên rút quân về nước từ năm 1983, sau ngót 5 năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Tỉnh trưởng Kông Pông Thom đón tiếp Đoàn với tình cảm rất thân tình Sau đó, Đoàn tiếp tục cuộc hành trình về thủ đô Phnôm Pênh, nghỉ tại khách sạn bốn sao Phnôm Pênh, là khách sạn lớn nhất ở thủ đô Phnôm Pênh lúc bấy giờ.

Thủ đô Phnôm Pênh là nơi đặt đại bản doanh của Bộ Tư lệnh 779, tổng chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia. Phnôm Pênh vốn là thành phố đẹp, đến nay trong điều kiện đổi mới lại càng đẹp hơn. Hạ tầng cơ sở được mở rộng, thành phố khang trang, nhiều nhà cao tầng mang đặc trưng dân tộc Campuchia mọc lên, nhiều nhà hàng sang trọng được mở cửa. So với thời chiến tranh, bộ mặt của Vương quốc Campuchia đã hoàn toàn thay đổi. Giữa thủ đô của Vương quốc Campuhia, Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam đứng uy nghi như một biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc mãi vững bền. Sau khi thăm một số thắng cảnh ở thủ đô như Hoàng cung, Chùa Vàng, Chùa Bạc… Đoàn vinh dự được Thủ tướng Hunxen dành cho một buổi tiếp kiến, là một cuộc gặp gỡ chủ yếu trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa của đoàn cán bộ đại diện hai Mặt trận 479 và 779. Thủ tướng Hunxen tiếp đoàn tại tư dinh.

Thủ tướng ra tận cửa xe chào đón, bắt tay và ôm hôn từng người hết sức thân tình, như đón những người anh em đi xa mới về nhà. Cuộc gặp gỡ hôm ấy chỉ có Thủ tướng và một vài tướng lĩnh thân cận trong không khí gia đình, vô cùng ấm cũng, đậm tình đồng đội, không lệ thuộc vào nghi thức ngoại giao như các cuộc giao tiếp ngoại giao thông thường. Không cần phiên dịch, Thủ tướng nói chuyện Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia chống bọn diệt chủng Pônpốt.

Thủ tướng Xămđéc Hunxen nói: Công lao của cán bộ chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia thật to lớn, không thể kể hết được. Có thể tóm lại là: Nếu không có ngày đó thì không có ngày hôm nay. Nếu không có sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam, Campuchia không thể lớn mạnh như bây giờ.

Thủ tướng nói thật lòng: Trước đây Liên Xô giúp và đưa quân sang Apghanixtan, nhưng không thành công, chỉ có Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia ba lần (đánh Pháp, đánh Mỹ và đánh Pônpốt), mà lần thứ ba là giành thắng lợi lớn nhất. Ngày nay, ở Vương quốc Campuchia có hai ngày đại lễ: ngày “Quốc khánh (ngày 9 tháng 11) và ngày “Thoát nạn diệt chủng Pônpốt” (ngày 7 tháng 1). Ngày 7 tháng 1 đã được Quốc hội và Chính phủ Vương quốc coi là ngày lịch sử lớn nhất của đất nước và trở thành ngày “Đại lễ hội vui vẻ nhất của toàn dân”.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng coi như quê hương thứ hai của mình và chúng tôi cũng đáp lại: Campuchia cũng là quê hương thứ hai của Quân tình nguyện Việt Nam. Chiến đấu hy sinh trên mảnh đất Angkor lịch sử, cũng như chiến đấu cho chính quê hương mình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:15:00 pm »

Nói chuyện với chúng tôi hơn một giờ mà Thủ tướng không muốn dứt. Sau bữa cơm thân mật, Thủ tướng cùng chúng tôi chụp ảnh lưu niệm tại tư dinh, với một tình cảm sâu đậm của những người bạn chiến đấu.



Cán bộ Mặt trận 479 và Mặt trận 779 chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Hun Sen
Trong ảnh từ trái qua phải thứ nhất Trương Văn Đàng

Đoàn rời thủ đô Phnôm Pênh đi thăm thành phố cảng Sihanuk Vin (Kông Pông Xom). Trước kia, địa bàn này Mặt trận 979 – Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Ngày nay nơi đây là thành phố cảng trù phú và là khu du lịch của Vương quốc Campuchia.

Đoàn tạm biệt thành phố Kông Pông Xom, theo quốc lộ 4 trở về Phnôm Pênh, đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia thăm Đại tướng Ke Kim Dan, Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Camuchia, dự chiêu đãi và liên hoan văn nghệ, cùng nhau múa hát các bài ca cách mạng của hai dân tộc một cách say sưa và thân tình, với tình cảm của những người anh em cùng một chiến tuyến.

Trên đường về Việt Nam, đoàn đến thăm tỉnh Svây Riêng, ông Hun Nên, Tỉnh trưởng (anh ruột Thủ tướng Hunxen) tiếp. Chiều về biên giới Bà Vét. Đại tướng Tổng chỉ huy Cảnh sát quốc gia Hốc Long tiễn Đoàn.

Thăm lại chiến trường xưa là một kỷ niệm sâu sắc của những người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia chúng tôi. Đây là một phần gia tài tinh thần để lại cho con cháu hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, làm cho tình bạn giữa hai nước láng giềng cùng nghe chung một tiếng gà gáy càng thêm gắn bó, sâu đậm. Đứng bao giờ quên quá khứ lịch sử hào hùng mà cha ông đã chiến đấu hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trở lại thăm Vương quốc Campuchia, thăm chiến trường xưa, được Thủ tướng Hunxen và các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Hoàng gia Campuchia cũng như tỉnh trưởng các tỉnh mà Đoàn đã đến thăm đón tiếp rất trọng thể, nhiệt tình, đầy ơn sâu nghĩa nặng, với tấm lòng anh em, đồng đội như thuở nào, của những năm khói lửa chiến tranh, cùng một chiến hào chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng gắn liền với nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thay mặt Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam của Mặt trận 479 và Mặt trận 779 nói riêng và Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nói chung, Đoàn tỏ lòng biết ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Hunxen và các địa phương mà đoàn đến thăm.

Chuyến trở lại Vương quốc Campuchia thăm lại chiến trường xưa của đoàn sĩ quan cao cấp của Quân khu 7, nguyên là lãnh đạo của Mặt trận 479 và Mặt trận 779 đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, nhiều dấu ấn mãi mãi không thể nào quên về những miền đất mà đoàn đã đi qua, về những con người mà đoàn đã gặp, nhớ mãi một đất nước Campuchia nặng tình là anh em, là láng giềng tốt của Việt Nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:16:12 pm »

THAY LỜI KẾT

Lâu nay, thực tâm tôi không có ý định viết hồi ký. Nhưng mấy năm gần đây vợ con, bạn bè, đồng đội nói với tôi nên có một cuốn sách ghi lại những chặng đường làm cách mạng, những trận chiến đấu trên đất miền Đông gian lao mà anh dũng của những năm đánh Mỹ để lại cho con cháu, bạn bè đồng đội, nên tôi đồng ý.

Nhớ lại nơi sinh ra tôi, miền quê sông nước xã Tân Hào Tây, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Gia đình nghèo túng lại đông anh em 6 trai, 5 gái, vì thế nên 7 tuổi tôi đã đi làm thuê, làm mướn với mẹ để kiếm sống. Anh chị em tôi lớn lên đều tham gia cách mạng. Trong 6 người con trai đi bộ đội thì 3 người hy sinh. Mẹ tôi là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ nhỏ tôi rất thương mẹ, luôn gần mẹ, được mẹ dạy bảo điều hay lẽ phải. Tháng 3 năm 1945, khi tôi vừa bước sang tuổi 17 đã tham gia cách mạng, tôi nhập ngũ vào Cộng hòa vệ binh, tham gia cướp chính quyền ở huyện Ô Môn rồi vào bộ đội chủ lực chiến đấu ở Long Châu Hà, trưởng thành lên cán bộ đại đội.

Năm 1954, tôi ra Bắc tập kết được học khóa 10 ở Trường Sĩ quan Lục quân rồi lấy vợ, sinh con. Năm 1961, tôi bí mật lên đường cùng Trung đoàn 2 vào miền Đông Nam Bộ chiến đấu. Cuộc chiến đấu trên đất miền Đông thật vô cùng ác liệt. Miền Đông là cửa ngõ Sài Gòn – một trung tâm điều hành bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy. Ở đây Mỹ - ngụy thí điểm mọi thủ đoạn của chiến tranh: “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận”, “Bủa lưới phóng lao”, rồi pháo bầy, máy bay B-52, chất độc hóa học ngày đêm không ngớt cày xới hủy hoại mảnh đất miền Đông. Ở đây cũng luôn diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Nhưng chúng ta đã giành thắng lợi ở Bình Giã, Đồng Xoài, Bông Trang, Nhà Đỏ, Bàu Bàng, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long, Bến Cát…

Có những trận đánh đẫm máu Tết Mậu Thân 1968, khi Trung đoàn 2 chúng tôi đánh vào Sài Gòn. Có tiểu đoàn xuất kích 500 con người mà khi lui quân chỉ còn vỏn vẹn 47 người. Lại có tiểu đoàn lúc đi 420 người, khi rút ra chỉ còn 32 người. Mất mát là vậy, hy sinh lớn lao là vậy, nhưng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 chúng tôi không lùi bước. 11 người tổ chức một chốt phòng ngự ở Ngã tư Bảy Hiền, các anh đã diệt đại tá cảnh sát ngụy Lưu Kim Cương, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, diệt gần 100 tên địch, để lại sự khâm phục trong lòng đồng bào Sài gòn trong những ngày rực lửa năm 1968.

Tôi còn nhớ vào đầu năm 1972, trước khi bước vào chiến dịch Nguyễn Huệ, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Sư đoàn C30B, đảm nhiệm hướng thứ yếu phía bắc tỉnh Tây Ninh, giao cho tôi làm Tư lệnh. Sư đoàn C30B, đã lập công xuất sắc tiêu diệt căn cứ Xa Mát – Thiện Ngôn, mở rộng vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh phối hợp với hướng chính.

Chiến tranh kết thúc, giang sơn thu về một mối, tưởng rằng từ đây nhân dân ta được sống trong hòa bình xây dựng đất nước, thì tập đoàn phản động Pônpốt lại gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi lại lên đường, chỉ huy Sư đoàn 5 chiến đấu góp phần quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi và đưa chiến tranh sang đất nước của chúng. Sau đó, tôi lại cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 sang giúp bạn giải phóng đất nước Campuchia và ngăn chặn không cho chúng quay trở lại. Chúng tôi đã giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, giúp nhân dân phục hồi sản xuất, ổn định đời sống…

Tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những chặng đường đã qua, biết bao người đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng tôi chiến đấu và trong công tác mà nay nhiều người không còn nữa và rất nhiều người còn khó khăn.

Năm 1992, tôi được nghỉ hưu. Khi trở về cuộc sống đời thường được anh em cựu chiến binh Sư đoàn 9 bầu làm trưởng ban liên lạc truyền thống của Sư đoàn. Tôi biết nhiều cựu chiến binh của Sư đoàn 9 còn nghèo khó cơ cực. Tôi đã động viên các anh trong ban liên lạc xắn quần cuốc bộ đến những vùng xa xôi, hẻo lánh có anh em đang lâm vào cảnh khó khăn đặc biệt về nhà ở. Có những chuyến đi bộ quá xa, băng rừng, lội nước, một vài thành viên trong ban liên lạc tuổi cao đuối sức, ngồi thở dốc, mồ hôi đầm đìa lưng áo tưởng chừng bỏ cuộc. Chúng tôi lại động viên nhau cố gắng, thế rồi cũng đến được những nơi phải đến. Khi chứng kiến cảnh đồng đội của mình sống trong túp lều xơ xác, chủ nhân của nó dang đôi cánh tay gầy guộc ôm chầm lấy chúng tôi, nước mắt giàn giụa, lúc ấy cảm thấy mệt mỏi bỗng dưng tan biết đi, chỉ còn lại tình đồng chí, đồng đội.

Tôi nói với anh em: “Có đến tận nơi mới thấy hết tụi nó sống cơ cực đến mức nào để mình cố gắng giúp nó tìm cách tháo gỡ”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:17:11 pm »

Tôi đã cùng các anh trong ban liên lạc đi vận động, thuyết phục các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để xây dựng nhà cho anh em. 17 năm tôi cùng anh em trong Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 9 vận động quyên góp kinh phí xây dựng được 87 căn nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Sư đoàn 9 là những người đã từng một thời xông phá trận mạc nay trở về đời thường với cuộc sống vất vả và nghèo khổ.

Cứ mỗi lần trao tặng nhà tình nghĩa, nhìn hình ảnh người cựu chiến binh già nước mắt lưng tròng đứng ngắm nhìn căn nhà vừa mới xây làm chúng tôi ai nấy đều xúc động. Lại có người khi được mời lên phát biểu trong buổi lễ trao tặng nhà ình nghĩa đã nghẹn ngào nín lặng không nói được, chỉ cắn chặt môi như cố kìm nén để nước mắt khỏi trào ra. Lúc ấy chúng tôi mới thấm thía trọn vẹn được ý nghĩa của đồng đội thiêng liêng như thế nào.

Chúng tôi đã xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Sư đoàn 9 đang sinh sống ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thanh Hóa, Thái Bình… Tôi vui nhẹ lòng khi được chứng kiến đồng đội của mình bớt đi nỗi nhọc nhằn cơ cực.



Bàn giao nhà tình nghĩa cho Cựu chiến binh Sư đoàn 9

Nay tuổi cao, sức yếu nhưng hàng tháng anh Nguyễn Cứ Phó Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 9 vẫn đến nhà thông báo cho tô hoạt động tình nghĩa của ban. Mỗi ngày có thêm một ngôi nhà tình nghĩa là bớt đi một đồng đội khó khăn, đó cũng là ước nguyện của tôi với những đồng đội.

Tôi và Tùng lấy nhau đến nay đã được 55 năm. Chúng tôi sinh được bốn người con; Trương Minh Hoàng và Trương Thị Tuyết Nga là thời kỳ tôi ở miền Bắc. Năm 1974, tôi được ra Bắc học tập, thời gian này, vợ chồng tôi sinh cháu Trương Thị Ngọc Thủy. Sau giải phóng miền Nam, năm 1976 vợ chồng tôi sinh cháu Trương Thị Ngọc Lan. Cả bốn người con của tôi đều học hành đến nơi đến chốn. Hoàng đi bộ đội quân hàm đại úy, đầu những năm 80 sang Đức học tập và làm việc 16 năm ở Đức. Sau đó Hoàng về công tác ở Phòng Hóa học Quân khu 7. Hoàng lấy vợ và sinh được 2 người con Trương Trần Hoàng Oanh và Trương Hoàng Phúc. Trương Thị Tuyết Nga bác sĩ, chồng là Vũ Văn Hải, hiện nay là giám đốc tài chính Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh. Vợ chồng Nga sinh được hai người con là Vũ Hải Anh và Vũ Hải Minh Anh. Trương Thị Ngọc Thủy tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Quản trị - Kinh doanh hiện nay công tác ở Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Chống Thủy Nguyễn Quốc Vinh là bác sĩ hiện nay công tác tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh. Vợ chồng Thủy sinh được cháu gái Nguyễn Ngọc Khải Linh. Trương Thị Ngọc Lan tốt nghiệp Đại học Luật và Đại học Kinh tế, hiện nay là Thẩm phán Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chồng Lan Nguyễn Văn Mai hiện nay làm thẩm phán huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng Lan sinh được hai người con Nguyễn Phước Thái Khang và Nguyễn Phước Khánh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:17:38 pm »

Tôi dành ít trang nói về cháu Tuyết Nga, hiện đang là Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh. Cháu sinh được 7 ngày tuổi đã phải xa bố. Nga sống trong tình thương của mẹ và bà ngoại. Kỷ niệm mà cháu giữ lại về tuổi thơ là những ngày cùng ba đi sơ tán máy bay Mỹ đánh phá thị xã Sơn Tây.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyết Nga học cấp 3 tại trường Nguyễn Trung Trực (Gò Vấp) – ngôi trường thân yêu với bao kỷ niệm ngọt ngào cùng thầy cô và bạn bè. Ước muốn được làm việc trong ngành y, được khám chữa bệnh cho bệnh nhân hình thành trong Nga lúc nào không biết. Vì vậy, tốt nghiệp cấp 3, Nga thi vào Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ra tường năm 1982, Nga được phân công về làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng II. Nga đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trau dồi kinh nghiệm, y đức và tay nghề. Học hỏi từ sách vở, từ những bậc thầy đi trước. Nga đến nhiều phòng, khoa làm việc để tích lũy kinh nghiệm… bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào có cơ hội là Nga dung nạp thêm kiến thức. Một tời gian sau, Nga được điều động về lại trường Đại học Y Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1998, Tuyết Nga đã thành lập Phòng khám Vũ Anh – tiền thân của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh sau này. Năm 2002, sau hơn 20 năm gắn bó với ngành y và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trong Nga trỗi dậy khao khát được làm một điều gì đó thật lớn lao và ý nghĩa đối với cộng đồng. Từ niềm đam mê thôi thúc, Nga bắt đầu công cuộc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh.

Năm 2007, Bệnh viện Vũ Anh chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đây là một bệnh viện – khách sạn đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói, Vũ Anh ra đời là sự kết tinh 20 năm từ một ý tưởng của Trương Thị Tuyết Nga. Chính ý tưởng độc đáo, mới lạ cùng nỗ lực không ngừng của Nga, Bệnh viện Vũ Anh đã dạt được nhiều thành công trong thời gian qua. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh không chỉ là một trong những bện viện hiện đại nhất Việt Nam mà còn có thể tự tin với nhiều bệnh viện lớn ở trong khu vực và trên thế giới.

20 năm hoạt động trong lĩnh vực y tế là từng đó thời gian bác sĩ Trương Thị Tuyết Nga nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân. Cũng chính vì thế, khi đầu tư xây dựng Bệnh viện Vũ Anh, Nga đặc biệt quan tâm đến việc “chữa bệnh tâm lý” cho người bệnh trước. Để làm được việc này, Nga đầu tư vào máy móc, thiết bị, thực hiện “hòa mình vào nền y học tiên tiến của thế giới”. Hệ thống hồi sức cấp cứu được áp dụng theo mô hình của Nhật Bản; hệ thống máy mổ nội soi OR1 và máy lọc máu nhân tạo nhập từ Đức; phòng xét nghiệm được trang bị máy móc tự động; máy C-ARM 3D Arcadis Orbic và máy siêu âm màu 4D… Ngoài ra, Bệnh viện Vũ Anh còn trang bị máy MSCT 64 lát cắt MRI 1,5T – các loại máy chỉ có tại những bệnh viện hàng đầu thế giới. Để đầu tư hệ thống máy này, bác sĩ Trương Thị Tuyết Nga phải đi nhiều nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Đức, Mỹ nghiên cứu, học tập thêm. Việc đầu tư cho hệ thống máy móc hiện đại không chỉ giúp việc chẩn đoán bệnh được nhanh chóng, kịp thời; mà mục đích xa hơn của Nga là giúp cho người bệnh tin tưởng hơn vào bệnh viện, giúp bệnh nhân thoải mái, yên tâm trong quá trình điều trị.

Cùng với công nghệ, máy móc tiên tiến, bác sĩ Nga còn chủ trương tạo sự khác biệt ở môi trường của bệnh viện. Nga nói: “Người bệnh rất sợ cảnh chen chúc, chờ đợi tại các bệnh viện. Không gian tại các bệnh viện truyền thống vô tình làm cho họ bệnh thêm. Ở Vũ Anh, con cố gắng tạo ra không gian thoải mái nhất khiến bệnh nhân có cảm giác như đang ở nhà mình vậy”. Và sự thực, Nga đã làm được điều đó.

Ở Bệnh viện Vũ Anh không gian rất thoáng mát. Các phòng bệnh không chỉ được trang bị các phương tiện hiện đại như đường truyền internet, wi-fi, truyền hình cáp, máy lạnh, ti vi, tủ lạnh, ô xy âm tường, hệ thống chuông gọi y tá tự động… mà còn được trang trí bằng các bức họa, những đồ nội thất độc đáo mà không kém phần gần gũi, thân quen. Mỗi khoa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh mang một phong cách, một dấu ấn riêng biệt cả về mặt chất lượng khám chữa bệnh cũng như về phương diện thẩm mỹ, kiến trúc.

Nga giải thích: “Không gian gần gũi, thân thiện sẽ giúp bệnh nhân tưởng rằng mình đang đi nghỉ ở đâu đó, hoặc đang ở nhà mình chứ không phải đi chữa bệnh. Như thế sẽ giúp tư tưởng của họ thoải mái và nhanh bình phục hơn”.

Chẳng thế mà Nga bỏ rất nhiều thời gian, công sức để tạo ra không gian cho bệnh viện. Tự mình chọn mua từng bình hoa, từng bức tranh nghệ thuật. Nga còn đưa cả quán cà phê vào bệnh viện của mình. Một quán cà phê vườn dưới cây xanh rợp mát, dưới âm nhạc du dương sẽ giúp người bệnh cũng như thân nhân của họ tạm quên lo lắng. ý tưởng mới mẻ, độc đáo của Nga thực sự mang lại hiệu quả. Nói đúng hơn Nga đã xóa đi cảm giác sợ vào bệnh viện của nhiều người. Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Vũ An đã nhận xét rằng: Họ cảm thấy như đang được thư giãn, nghỉ dưỡng chứ không phải trị bệnh.

Giờ đây Bệnh viện Vũ Anh đã trở thành bệnh viện có công nghệ máy móc hiện đại vào bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn 5 sao. Điều hạnh phúc hơn cả, với những công nghệ máy móc hiện đại vào bậc nhất, Bệnh viện Vũ Anh vinh dự được chọn làm nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của ngành y tế.

Trang thiết bị, vật dụng hiện đại và hoàn hảo khiến nhiều người nghĩ môi trường khám chữa bệnh tối tân, hiện đại cũng đồng nghĩa với việc giá cả sẽ cao, và bệnh viện như vậy chỉ phù hợp cho những bệnh nhân giàu có. Nhưng có lần Nga nói với tôi: “Việc xây dựng và phát triển Bệnh viện Vũ Anh theo mô hình bệnh viện – khách sạn, với máy móc, trang thiết bị và dịch vụ đạt chất lượng ao là ước mơ từ rất lâu của con. Con làm điều đó vì khát vọng của mình, vì muốn được phục vụ người bệnh, vì y đức của một bác sĩ chứ không phải vì lợi nhuận”. Cho nên, tuy có dịch vụ chất lượng cao nhưng chi phí điều trị ở Bệnh viện Vũ Anh cũng không quá cao so với nhiều bệnh viện khác. Người dân bình thường thường cũng có thể điều trị ở đây. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Năm 2008, Bệnh viện Vũ Anh đã khám và chữa bệnh cho gần 40.000 bệnh nhân tại phòng khám, điều trị nội trú cho gần 7.000 bệnh nhân và thực hiện 513 ca phẫu thuật. Có lẽ uy tín của Bệnh viện Vũ Anh không ngừng được nâng cao chính là lợi nhận lớn nhất mà bác sĩ Trương Thị Tuyết Nga thu được.

Mang nặng chữ “Tâm” của một bác sĩ, tưởng rằng Nga sẽ rất khó khăn trong việc dung hòa giữa hai con người là bác sĩ và doanh nhân. Bởi người làm kinh doanh rất cần sự tỉnh táo, rõ ràng. Nhưng Nga lại quan niệm khác.Nga đồng ý rằng làm kinh doanh cần phải táo bạo, rạch ròi, nhưng làm kinh doanh cũng cần phải có Tâm. “Dù kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có một tấm lòng. Có như vậy mới tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội. Doanh nhân cần cả Tâm và Tầm. Riêng người kinh doanh trong lĩnh vực y tế tâm càng phải sáng”. Nói theo cách của Nga, người kinh doanh trong lĩnh vực y tế, ngoài cái tâm của một nhà quản lý còn cần thêm tấm lòng của một thầy thuốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2019, 04:18:15 pm »

Nếu như trong kinh doanh Nga không coi trọng lợi nhuận thì trong cuộc sống Nga lại xem sự thành đạt là biết cách sẻ chia trách nhiệm với xã hội. Cho nên, Nga rất hăng hái trong các công tác từ thiện, xã hội. Nga cùng Bệnh viện Vũ Anh đã tham gia xây dựng nhà tình nghĩa cho nhiều gia đình nghèo trên toàn quốc; khám chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; khám chữa bệnh, thăm và tặng quà cho các cụ già neo đơn; khám chữa bệnh và tặng quà cho trẻ em khuyết tật; tham gia vào các chương trình mổ tim từ thiện, vòng tay nhân ái… với số tiền hàng tỷ đồng.

Bằng tất cả những gì đã làm, Nga được Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu “Hoa việc thiện”. Tuy nhiên, với Nga thì bằng đó vẫn chưa đủ. Nga nói rằng: “Những việc con làm được còn quá nhỏ nhoi. Bởi xã hội còn rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ”. Nga mong sẽ làm được nhiều hơn nữa và có nhiều người làm việc thiện hơn nữa. Bởi việc tuy nhỏ như hạt cát nhưng nhiều người làm nhiều lần số hạt cát sẽ tăng lên để đến lúc nào đó sẽ biến thành sa mạc. Như vậy cũng có nghĩa là xã hội sẽ bớt đi gánh nặng.

Trong năm 2009, bác sĩ Tuyết Nga hân hạnh được nhận các cúp vàng của cơ quan, bộ ngành trao tặng như: Doanh nhân vì cộng đồng; Lãnh đạo xuất sắc, Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam vàng; Doanh nhân xuất sắc toàn quốc; Doanh nhân tâm tài; Đạt danh hiệu “Quý bà thành đạt nhất”.

Ngày 28 tháng 7 năm 2009, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – bộ Y tế đã chính thức chấp thuận dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh II tại phường Bình Khánh, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh II với quy mô 1.000 giường là một trong những bệnh viện tư lớn nhất hiện nay.

Dự án này đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ góp phần to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển hệ thống bệnh viện y tế lớn hiện đang còn thiếu tại Quận 2 nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Với việc xây dựng và đưa vào hoạt động thêm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh II đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu phức hợp này sẽ đáp ứng các nhu cầu về khám chữa bệnh phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân, điều kiện sống thông qua đó là một mội trường sống lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Có chuyện này, tôi thấy cũng cần phải nói. Đó là ngày Mùng 4 Tết Nhâm Dần năm 2010, tôi đột ngột phát bệnh ung thư thanh quản. Khi tôi đổ bệnh gia đình thật sự biến động lớn về tinh thần, tình cả và cả vật chất. Các con hội ý tìm cách điều trị cho tôi. Cuối cùng Nga – Tổng giám đốc Bện viện đa khoa quốc tế Vũ Anh quyết định đưa tôi qua Singapore. Do có mối quan hệ từ trước với Bệnh viện Singapore General Hospital – một bệnh viện hàng đầu của nước bạn.

Cùng đi với tôi có Nga và cháu Trương Trần Hoàng Oanh các thủ tục nhập viện đều được thực hiện nhanh chóng bệnh viện rộng rãi Nga và cháu Oanh cùng các nhân viên bệnh viện đưa tôi đi hết phòng này đến phòng khác làm các xét nghiệm. Sau đó bệnh viện tiến hành phẫu thuật cho tôi. Hôm tôi phẫu thuật cả nhà có mặt nhà tôi, Hoàng, Nga, Thủy, Lan và cháu Hoàng Oanh. Ca mổ thành công, tôi nằm điều trị tại ICV 17 ngày đêm. Các con Nga, Thủy, Lan và cháu Oanh luôn ở bên tôi.

Cháu Trương Trần Hoàng Oanh là người lo cho tôi mọi mặt: đi chợ, nấu cháo, nấu cơm, giặt giũ tắm rửa cho tôi. Tôi nhớ có lần tôi không ăn được cơm được cháo cháu Oanh thương tôi đã khóc, rồi cháu điện về Việt Nam nói với bà nội và các cô Nga, Thủy, Lan. Từ Việt Nam, Nga điện cho Oanh chuyển máy cho tôi, Nga nhẹ nhàng động viên tôi cố ăn để lấy sức thuốc thang…

Suốt 7 tháng trời nằm ở viện Singapore General Hospital thi thoảng, Nga sang thăm tôi còn lại chỉ có hai ông cháu. Oanh cần mẫn chăm cho tôi, cháu luôn động viên tôi cố gắng ăn uống và mong tôi khỏi bệnh.

Sau khi ở Singapore về nước, Nga đưa tôi vào Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh do Nga làm Tổng giám đốc. Đây là bệnh viện khách sạn 5 sao nên có điều kiện, trang thiết bị rất hiện đại. Tôi nằm ở Bệnh viện Vũ Anh 1 năm 4 tháng, ở đây tôi được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hà giám đốc chuyên môn hết lòng khám chữa thuốc men. Các y sĩ, bác sĩ hội lý chăm sóc tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ, các cháu Hải Anh, Hoàng Oanh cũng luôn ở bên tôi. Sức khỏe của tôi dần dần hồi phục: ăn được, ngủ được đầu óc minh mẫn sản xuất. Tôi trở về cuộc sống đời thường hàng ngày tham gia những việc lặt vặt trong gia đình phụ giúp vợ con…

Tôi dành mấy dòng này để cám ơn vợ tôi, các con tôi Hoàng,Thủy, Lan, cháu Hải Anh, đặc biệt Nga, Thủy và cháu nội Trương Trần Hoàng Oanh đã không tiếc công sức tiền của làm tất cả những việc mà nếu không có tình phụ tử thì không thể làm được. Tất cả chỉ mong cho tôi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, cứu được mạng sống cho tôi còn được ở trên cỏi đời này, tôi vô cùng cảm động nó sẽ theo tôi trọn cuộc đời.

Cuốn sách nhỏ này, trước hết xin dâng lên cha mẹ kính yêu đã sinh thành dưỡng dục tôi nên người. Tôi cũng gửi tới đồng đội – những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ làm cách mạng tôi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quân kỳ quyết thắng, 4 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng nhì, 3 hạng ba). Được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người và lời Bác viết khen tặng: “Đánh giặc, chỉ huy giỏi”, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và nhiều bằng, giấy khen khác.

Cuộc đời với bao kỷ niệm buồn vui. Nhớ làm sao hết, ghi làm sao đầy đủ những sự kiện, những con người. Vì vậy, trong cuốn sách có sự kiện nào chưa đúng, có tên ai còn nhầm lẫn xin được lượng thứ.

Tôi chân thành cảm ơn Đại tá Lê Hải Triều đã giúp tôi thể hiện cuốn hồi ký này. Xin cảm ơn Nhà xuất bản Lao động đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách đúng vào dịp 30 tháng 4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Viết xong vào đầu tháng 4 năm 2012
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM