Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:03:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đường không trên bầu trời Miền Bắc  (Đọc 343488 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #90 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:36:38 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091222180853.aspx
 
Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 2: Người hùng lái MIG 21

22/12/2009 18:08
Phi công Nguyễn Hồng Nhị... và ông Nhị ngày nay
Trong trang trại nhỏ của gia đình ở Sóc Sơn (Hà Nội), ông Nguyễn Hồng Nhị - phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam lái MIG 21 bắn rơi máy bay Mỹ - kể lại trận đánh lịch sử đó.

Công kích ở độ cao 18 km

Cuối năm 1965, Không quân Việt Nam được trang bị thêm máy bay đánh chặn MIG 21. Đây là loại máy bay hiện đại lúc bấy giờ. Ngoài súng 23 ly, trên máy bay còn được trang bị tên lửa không đối không. So với các loại máy bay mà Mỹ dùng để đánh phá miền Bắc, MIG 21 được xem là ngang sức ngang tài.

Ông Nhị kể, vào thời điểm này, máy bay trinh sát điện tử không người lái hoạt động ở miền Bắc rất nhiều để chụp ảnh các trận địa của ta và các mục tiêu chúng định ném bom. Do hoạt động ở độ cao trên 20 km nên cho đến thời điểm này, pháo phòng không và máy bay MIG 17 chưa thể bắn hạ được các máy bay trinh sát.

Sáng 4.4.1966, máy bay trinh sát Mỹ lại hoạt động ở tuyến quốc lộ từ Hà Nội đi Cao Bằng. Được lệnh cất cánh, phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ quyết tâm đã xuất kích là phải tiêu diệt máy bay địch để tạo khí thế cho đơn vị. Hơn nữa ông lại là người đầu tiên sử dụng MIG 21 chiến đấu. Được Sở chỉ huy mặt đất dẫn đường, ông rất hồi hộp và tự đặt ra hàng loạt câu hỏi: Làm thế nào để phát hiện mục tiêu? Bắn ở cự ly nào cho hiệu quả?...
Từ một phi công chiến đấu, ông Nhị lần lượt qua các chức vụ Trung đoàn trưởng 927, sau đó là Sư đoàn phó 371. Năm 1975 ông về làm Sư đoàn trưởng 372. Năm 1985 được phong Thiếu tướng, Sư trưởng 370. Năm 1987 làm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Không quân. Năm 1989 sang làm Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng. Ông về nghỉ hưu năm 1988.

Bay đến độ cao hơn 16 km, ông dùng mắt thường quan sát vì ra-đa của máy bay do bị gây nhiễu dày đặc hầu như bị tê liệt. Đến độ cao 18 km, ông phát hiện mục tiêu và xin lệnh công kích. Được cho phép, ông cho MIG 21 của mình bám đuôi và dùng ra-đa trên máy bay để đo cự ly. Khi máy bay địch đã ở trong vòng ngắm, ông liền phóng một quả tên lửa, chiếc máy bay bốc cháy. Để chắc ăn, ông phóng thêm một quả tên lửa nữa, chiếc máy bay của Mỹ tan tành. Từ khi cất cánh đến khi trở về là hơn 20 phút.

Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi rất vui sướng, muốn hét lên thật to vì đây là trận đánh rất quan trọng. Lần đầu tiên MIG 21 của ta bắn rơi máy bay địch”.

Đánh nhanh và “trốn” nhanh

Ông Nhị bảo cuộc đời của ông gặp nhiều may mắn. Ông là người chỉ huy thử nghiệm cách đánh biên đội 3 người đầu tiên của máy bay MIG 21. Đó là lần biên đội gồm ông bay số 1, các số 2 và 3 là phi công Vũ Ngọc Đĩnh, Nguyễn Đăng Kính. MIG 21 trước đó thường đi đánh theo biên đội 2 và 4 chiếc. Ông đã thử nghiệm biên đội 3 chiếc để đối phó với đội hình máy bay dài lê thê của địch. Nếu 4 chiếc thì nhiều quá, còn 2 chiếc thì thiếu một người quan sát phía sau. Với cách đánh mới biên đội 3 chiếc, số 1 là chủ công, số 2 bảo vệ cánh trái, số 3 bảo vệ cánh phải. Được lệnh cất cánh, ông cho biên đội bay vút lên lấy độ cao. Sở chỉ huy mặt đất cho ông biết, máy bay Mỹ đang vào phía bắc Hà Nội. Từ trên cao ông phát hiện 7 tốp máy bay địch, mỗi tốp 4 chiếc, toàn loại F105 mang bom, phía sau còn mấy tốp F4 nữa. Lúc đó, ông nghĩ trong đầu phải phá đội hình máy bay F4 làm cho chúng rối loạn để tập trung tiêu diệt bọn mang bom. Nghĩ thế, ông phóng 1 quả tên lửa vào các máy bay F4. Phát hiện có MIG 21, F4 liền vòng lại. Chỉ chờ có thế, ông lệnh cho toàn biên đội bay vượt lên để đánh F105. Đến nơi, ông hạ lệnh công kích. Bằng 1 quả tên lửa, chiếc F105 nổ tung. Lần lượt số 2 và số 3 bắn rơi thêm 2 chiếc nữa rồi nhanh chóng thoát ly quay về tránh sự truy đuổi của F4. Sau trận thắng này, cấp trên nhận định là cách đánh mới, đánh nhanh thọc sâu vào đội hình địch và nhanh chóng thoát ly trở về an toàn.

Bắn rơi 8 máy bay của địch, ông Nhị cũng đã nhiều lần dính tên lửa của phi công Mỹ. Tại vùng trời Cao Bằng, trong một trận đánh, ông đã bị tên lửa của máy bay Mỹ bắn trúng và kịp bung dù. Vì nói giọng miền Nam, ông bị dân quân nghi là phi công của quân đội Sài Gòn và bị bắt giữ. Mãi đến tối, sau khi có điện thoại của quân chủng, ông mới được minh oan và trở về trong vòng tay đồng đội.

Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #91 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:41:11 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091223163824.aspx
 
Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 3: Đánh gần!

23/12/2009 16:38
Chiếc máy bay số hiệu 5020 từng bị ông Nguyễn Tiến Sâm nhuộm đen trên bầu trời - Ảnh: ngọc thắng
Trước khi cất cánh, chiếc MIG 21 số hiệu 5020 còn nguyên màu trắng bạc. Thế nhưng khi trở về căn cứ, toàn thân nó đã được “sơn” lại bằng một màu đen của thuốc súng...

Người làm được điều đó là anh hùng phi công Nguyễn Tiến Sâm. Ông sinh năm 1946, là một phi công dạn dày trận mạc của Không quân VN. Gặp ông ở nhà riêng tại Hà Nội, tôi ngạc nhiên: “Cứ tưởng chú to cao và phải khỏe lắm?”. Ông cười đôn hậu: “Xưa nay tôi vẫn vậy, lúc nào cũng chỉ 55 cân thôi. Trông thấp bé nhẹ cân thế mà khỏe lắm...” .

Bay vào vùng nổ

Ông hào hứng kể, năm 1968, khi mới về nước bay 3 chuyến, ông được cấp trên xem xét cho vào trực chiến ngay. Những năm 1969, 1970, ông thường trực chiến ở Thanh Hóa, Nghệ An bảo vệ đường huyết mạch chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1972, ông cùng với phi công Nguyễn Đức Soát được chuyển qua Trung đoàn 927. Tưởng rằng sang đó sẽ làm công tác huấn luyện nhưng chiến tranh quá ác liệt nên ông lại tiếp tục cùng đồng đội lao vào chiến đấu.

“Là cán bộ chỉ huy, trong lúc anh em cấp dưới có người đã bắn rơi vài chiếc máy bay nhưng tôi chưa bắn rơi được chiếc nào, nóng ruột lắm. Thế rồi ngày ấy đã đến. Sáng 5.2.1972, tôi được lệnh xuất kích từ sân bay Nội Bài. Tôi bay số 1. Anh Hà Vĩnh Thành bay số 2. Mới bay qua Gia Lâm, tôi nhận được lệnh của mặt đất: Vứt thùng dầu phụ. Tăng độ cao từ 2.000 đến 6.000 mét. Lúc đó tôi cũng chưa nhìn thấy địch nhưng chỉ sau ít phút, số 2 báo đã phát hiện được địch, xin công kích và đã bắn hạ được một chiếc F4. Đến lúc đó, tôi mới nhìn thấy rõ một tốp 2 chiếc F4, lập tức tôi ép vào đến cự ly cho phép nổ súng rồi ấn nút phóng tên lửa. Nhưng máy bay địch bỗng vòng trái, sau đó lại vòng phải và tên lửa đã bay trượt mục tiêu. Điên tiết, tôi ép sát hơn vào máy bay địch và nhấn nút quả tên lửa còn lại”, ông kể.

Ông bảo theo lý thuyết, cự ly bắn tên lửa phải trên 5 km “để còn thoát ly máy bay cho an toàn”, nhưng lúc ấy ông chỉ còn cách máy bay Mỹ khoảng chừng trên 500 mét thôi. Nhìn phía trước ông thấy máy bay địch bùng cháy thành một quả cầu lửa to, quá gần không kịp tránh nên ông đành cho máy bay chui tọt vào vùng nổ. “Lúc ấy, nếu có tránh cũng không thể tránh được”, ông nói.

Ông kể lúc cho máy bay “chui vào vùng nổ”, ông đang tăng lực, tốc độ máy bay rất nhanh. Thế mà khi ra khỏi vùng nổ, máy bay im re, động cơ không còn hoạt động trong khi bầu trời thì tối sẫm lại, ông chẳng nhìn thấy gì. Ngay sau đó, ông bình tĩnh thực hiện đầy đủ quy trình mở máy lại trên không. Trong tích tắc, động cơ máy bay đã làm việc trở lại. Nhìn qua cửa buồng lái, ông chỉ thấy một màu mờ mờ nên vội vã bật ra đa, trở về sân bay và xin phép hạ cánh. Lúc đó phía mặt đất hỏi ngược lên: “Anh là ai?”, “Anh từ đâu đến?”, “Anh số hiệu bao nhiêu?”. Ông chỉ trả lời: “Cứ cho tôi hạ cánh!”. Mặt đất hỏi: “Trên máy bay có ai không?”. Ông đáp: “Không”.

Đang là sinh viên Bách khoa, năm 1965, Nguyễn Tiến Sâm tình nguyện nhập ngũ rồi được chọn qua Liên Xô học lái máy bay MIG 21. Năm 1968, ông trở về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 921 và tham gia chiến đấu. Ông từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927 rồi Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 371, ông được phong anh hùng tháng 1.1973 với thành tích bắn rơi 5 máy bay F4 của Mỹ.

Khi ông đã hạ cánh an toàn, anh em thợ máy tiếp cận vẫn chưa biết máy bay của ai. Đến lúc ông mở cửa bước ra, mọi người cười lăn quay. Do chui vào vùng nổ nên từ đầu đến đuôi máy bay đã được “sơn” lại bằng màu đen của khói và thuốc súng. Thợ máy sau đó đã kiểm tra và cho biết, máy bay không thể sử dụng được nữa, đành đưa vào xưởng đại tu toàn bộ.

Sau trận đánh ấy, ông bị phê bình vì chỉ huy cho rằng đánh gần như thế rất nguy hiểm đến tính mạng, việc ông thoát chết trận ấy là điều tưởng như không thể. Nhưng cũng chính do trận thắng ấy, ông được cấp trên đánh giá là một phi công trẻ dũng cảm.

Năm ấy ông chỉ mới 26 tuổi.

Phải diệt một chiếc  mới về

Sau lần “sơn” máy bay đó, ông Sâm còn bắn rơi thêm 2 chiếc F4 nữa vào các ngày 14 và 22.7.1972. Cấp trên thấy ông đánh hăng quá nên “cất” không cho đánh nữa vì lo “tham quá sẽ có sai lầm nhất định”. Ông nói: “Kiểu như đá bóng ấy, nếu anh tỉnh táo thì chuyền bóng tốt, làm bàn tốt. Còn nếu anh cay cú ăn thua nhất định sẽ phạm lỗi và nhận thẻ đỏ”. Sau đó, do ông “đòi” quá nên lại được phân công trực chiến. Thế là vào tháng 9 và 10.1972, mỗi tháng ông lại bắn rơi thêm một chiếc F4 nữa.


 Phi công Nguyễn Tiến Sâm chuẩn bị xuất kích - Ảnh: Tư liệu

Ông nhớ lại, tháng 10.1972, ông xuất kích gặp 8 chiếc F4 của Mỹ ở vùng Lục Ngạn. Phát hiện ra MIG 21 của ta, chúng bỏ chạy tán loạn, ông được lệnh quay về. Đang chuẩn bị hạ cánh xuống Nội Bài thì được lệnh của mặt đất kéo lên bay về Yên Bái hạ cánh nạp nhiên liệu rồi đi tiếp. Mới lên được vài trăm mét, ông lại được lệnh phải vứt thùng dầu phụ, kéo lên 6.000 mét và vòng phải. Lúc đó nhìn xuống độ cao chừng 4.000 mét, ông thấy một dãy máy bay Mỹ gồm 24 chiếc. Khi đó ông bay số 2, một phi công khác là đại đội trưởng bay số 1.

“Số 1 cũng chưa phát hiện địch thì tôi thông báo: Anh sang phải đi. Nhẹ nhàng hạ độ cao, thấy chưa? Số 1 đáp: Thấy rồi. Đang bay với tốc độ nhanh nên số 1 bay xuyên suốt từ đuôi đến đầu đoàn máy bay và nổ súng diệt gọn chiếc đi đầu. Thấy máy bay địch bốc cháy, số 1 ra lệnh: Cháy rồi, về thôi. Lúc ấy tôi nghĩ, phải diệt một chiếc mới về. Tôi ép vào, nhưng nghe mặt đất báo: Chú ý! Bên phải anh còn 4 chiếc nữa. Tôi hỏi: Ở độ cao bao nhiêu? Mặt đất thông báo: Hơn 6.000 mét. Nghe thế, tôi đang ở độ cao 4.000 mét phải rón rén, bay ngược lên, bám sát vào đuôi bọn chúng, cự ly lúc ấy khoảng 3 km, có thể nổ súng được nhưng tôi nghĩ còn xa quá, vào gần nữa, đến lúc cự ly chỉ còn 1,5 km, tôi nhấn tên lửa, cách nhau vài giây, 2 quả tên lửa được phóng đi. Sau khi quả thứ nhất chạm máy bay địch, nó nổ tung và khựng lại, ngay lúc đấy quả thứ 2 cũng lao vào và nổ tung như pháo hoa. Chiếc đó tôi bắn trên bầu trời Tuyên Quang. Trên đường về, tôi sướng quá cứ reo hò mãi”, ông hồn nhiên nhớ lại.

Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #92 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:44:21 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091224163256.aspx
Oai hùng Không quân Việt Nam - Kỳ 4: Tướng Soát kể chuyện không kích 

24/12/2009 16:32
4 phi công trong trận đánh ngày 27.6.1972. Từ trái sang: Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Phạm Phú Thái và Bùi Thanh Liêm - Ảnh: Tư liệu
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, trung tướng - anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát nói nhỏ nhẹ: “Tôi là thế hệ phi công thuộc lớp thứ 3, tức năm 1965, tôi mới đi học lái máy bay ở Liên Xô, đến năm 1968 mới về. Lúc đó, các anh phi công lớp trước lái MIG 17, MIG 21 đã bắn rơi rất nhiều máy bay”. 

Rồi ông kể tiếp: MIG 17 khi đó so với máy bay của Mỹ thì chúng ta kém hơn. Về sau này có MIG 21 thì tính năng không chênh nhau bao nhiêu. Còn về số lượng, địch có rất nhiều máy bay, ta thì ít hơn hẳn.

Năm 1972, khi bước vào cuộc đọ sức giai đoạn này, ta có 4 trung đoàn không quân chiến đấu. Có 2 trung đoàn trang bị MIG 21 (Trung đoàn 921 và Trung đoàn 927). Trung đoàn 923 trang bị MIG 17 và Trung đoàn 925 trang bị MIG 19. Tổng số máy bay chúng ta có lúc bấy giờ là khoảng hơn 150 chiếc. Trong khi đó, phía Mỹ có 3 tàu sân bay, cao điểm có lúc đến 4 tàu sân bay được bố trí ở vịnh Bắc Bộ và biển Đông với mỗi tàu sân bay có từ 80 đến 90 chiếc máy bay. Phương châm tác chiếc của ta lúc bấy giờ chỉ có 7 chữ: “Bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng”. Lúc ấy, ông mới 26 tuổi và là Đại đội trưởng đại đội 3 - Trung đoàn 927, còn ông Nguyễn Tiến Sâm là Đại đội phó. Trước đó vào năm 1969, ông đã bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái và chỉ trong năm 1972,  ông bắn rơi được 5 chiếc nữa.

Trận đánh đáng nhớ


Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Ảnh: Tư liệu
“Với tôi, có rất nhiều trận đánh đáng nhớ. Phải nói nghiêm chỉnh rằng, không quân ta đánh rất tốt, tất nhiên chúng ta cũng có tổn thất. Tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 27.6.1972. Tôi bay số 1, Ngô Duy Thư bay số 2. Sáng ngày hôm ấy, 1 biên đội do anh Bùi Đức Nhu chỉ huy đã bắn rơi 1 chiếc F4 tại Suối Rút, tỉnh Hòa Bình khiến phi công Mỹ nhảy dù và Mỹ phải tìm cách cứu phi công của mình.

Sau khi nhận được tín hiệu của phi công bị bắn rơi, các tốp tiêm kích của địch bắt đầu bay vào bắn phá khu vực đó để đưa trực thăng vào cứu. Tôi và anh Ngô Duy Thư thuộc Trung đoàn 927 đang trực ở sân bay Nội Bài. Biên đội của Trung đoàn 921 do anh Phạm Phú Thái số 1 và anh Bùi Thanh Liêm số 2 trực ở sân bay Yên Bái. Sở chỉ huy quyết định cho 2 biên đội chúng tôi cất cánh. Khi biên đội chúng tôi phát hiện máy bay địch ở tốp đầu tiên thì chúng cũng phát hiện ra chúng tôi. Theo đánh giá của tôi, về mặt kỹ thuật, phi công Mỹ bay rất giỏi, họ có nhiều giờ bay và nền tảng kỹ thuật, kinh nghiệm từ thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai rồi chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên phi công Mỹ đánh rất bài bản, tức là nếu như 1 tốp máy bay 4 chiếc nếu bị tấn công thì ngay lập tức, họ sẽ tách làm đôi, 2 chiếc bay về bên trái, 2 chiếc còn lại bay về bên phải”, trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại.

Trở lại trận đánh hôm đó, ông cho biết thêm: Khi biên đội của ông vào công kích, tốp tiêm kích của địch theo bài bản cũng tách làm đôi. Ông biết chắc rằng sau khi tách tốp, 2 chiếc bay sau của địch sẽ vòng lại bám theo tốp thứ nhất. Ngay lập tức, ông quyết định không bám tốp thứ nhất nữa mà bám theo tốp thứ hai và thông báo cho số 2 của ông rằng: “Tôi sẽ tấn công tốp thứ hai, anh tấn công tốp thứ nhất luôn đi”. Ngay khi ông tiếp cận và bắn rơi chiếc số 1 của tốp hai bên phe địch, chiếc thứ 2 hoảng quá tháo chạy.

Lập công giữa vòng vây địch

Năm 2005, trung tướng Nguyễn Đức Soát - lúc đó là Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii theo lời mời của tướng 4 sao William J.Fallon - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Tại đó, một viên tướng 3 sao, vốn là phi công, lúc đó là Phó tư lệnh mời trung tướng Nguyễn Đức Soát đến phòng riêng và nói rằng: “Ngày 12.10.1972, ngài đã bắn rơi 1 máy bay của phi đội tôi, 1 đại úy và 1 trung tá phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Đây là một phi đội nổi tiếng từ Thế chiến 2. Chúng tôi rất nể trọng phi công Việt Nam, rất nể trọng ngài”.
Tiếp sau đó là trận đánh ngày 12.10.1972, lúc ấy ông đang là Đại đội trưởng, ông Nguyễn Tiến Sâm làm Đại đội phó Đại đội 3 Trung đoàn không quân 927. Ông thuật lại: “Ở sân bay lúc ấy trực 4 chiếc. Nhưng do thời tiết bấy giờ rất xấu nên quân chủng quyết định chỉ cho 2 chúng tôi xuất kích. Tôi bay số 1, anh Sâm bay số 2.

Khi chúng tôi bay lên thì được sở chỉ huy thông báo có 12 chiếc máy bay Mỹ đang ở dưới chúng tôi. Sau đó tôi phát hiện 1 tốp 4 chiếc đang ở trước mắt và xin công kích. Sở chỉ huy nhắc nhở: Có 12 chiếc, vì sợ tôi chui vào giữa đội hình địch. Sau khi được phép công kích, tôi bảo anh Sâm: “Anh đừng xuống công kích mà chỉ đứng ở trên quan sát và yểm hộ”. Tôi vừa nhào xuống thì anh Sâm nói: “Băng ra ngay, dưới bụng số 1 rất nhiều máy bay”. Nghe thế tôi nghiêng cánh nhìn xuống thì thấy rất nhiều máy bay Mỹ vì chúng tôi bay trên mây đè lên chúng.

Ngay sau đó, 4 chiếc đầu tiên tôi định tấn công bỗng vòng trở lại, tôi bám 4 chiếc đầu tiên trong tốp 8 chiếc, 4 chiếc còn lại chúng bám sau lưng mình. Phi công Mỹ lại theo chiến thuật quen thuộc, 4 chiếc tôi đang bám vội tách làm đôi bay vòng rất gấp theo 2 hướng trái và phải. Vừa vòng theo địch, tôi vừa đưa chúng vào vòng ngắm và nhấn tên lửa, ngay lập tức tôi thoát ly vọt lên cao thì 4 chiếc sau cũng vừa bắn. Tất nhiên là chúng bắn trượt. Qua bộ đàm, tôi nghe tiếng anh Sâm hô: “Cháy rồi! 2 thằng nhảy dù rồi”.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát được tuyên dương anh hùng vào tháng 1.1973. Năm 1997, ông là Tư lệnh Không quân. Năm 1999 là Tư lệnh Phòng không Không quân. Năm 2002 ông là Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #93 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:47:15 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091225180552.aspx
Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 5: Kịch chiến trong đêm

25/12/2009 18:05
Phi công Lâm Văn Lích (bên trái) trong một ca trực chiến - Ảnh: tư liệu
Từ 2 cuộc Thế chiến, tới chiến tranh Triều Tiên, cho đến thời điểm 1966, chưa một phi công nào làm được chuyện tương tự như anh hùng Lâm Văn Lích: bay đêm trên máy bay MIG 17, trong 1 phút bắn rơi 2 máy bay đối phương.

Chúng tôi đến gặp đại tá anh hùng Lâm Văn Lích - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 923, nguyên Hiệu trưởng trường Không quân 910, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung cao Không quân - tại nhà riêng ở Q.5, TP.HCM. Đã bước vào tuổi 78, trông ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, chỉ hơi bị nặng tai. Kể cho chúng tôi nghe chuyện chiến đấu ngày xưa, ông như trẻ lại, sôi nổi hẳn lên.

Ông kể, từ ngày thành lập đến lúc đó, không quân tiêm kích của ta chưa có lực lượng bay đêm. Đánh ban đêm là khó nhất. Ác cái là ở thời điểm đó, máy bay Mỹ đánh cả ngày lẫn đêm. Ban ngày thì không quân ta xuất kích ngăn chặn, ban đêm thì chỉ có lưới lửa phòng không. Trước tình hình đó, lúc ấy ông đang là Chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921 đứng ra tự huấn luyện. Cả Trung đoàn 921 lúc bấy giờ, cũng chỉ có 2 người có thể đảm đương nhiệm vụ trực chiến ban đêm là ông và phi công Cao Thanh Tịnh.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Đó là đêm 3.2.1966. Cũng như bao đêm khác, tôi và anh Tịnh trực chiến. Tôi chính thức, anh Tịnh dự bị. Lạ lắm, hồi đó chúng tôi giành nhau đi chiến đấu. Đêm hôm đó, tôi đã ngồi trực trên máy bay 2 giờ đồng hồ. Anh Tịnh sợ tôi mệt nên đòi lên trực thay tôi. Tôi cự lại, thay trực thì phải do chỉ huy quyết định chứ. Thế mà ảnh cự nự, cằn nhằn tôi.

Khi cất cánh lên trời rồi, tôi thấy vô cùng yên tĩnh. Để đảm bảo bí mật nên tạm ngưng liên lạc với mặt đất, ra-đa trên máy bay cũng tắt nên rất thèm nghe một tiếng nói. Trước đây đánh ban ngày, tôi đã bắn rơi được 2 máy bay F4. Bây giờ là lần đầu tiên đánh đêm. Tôi biết rằng, anh em ở mặt đất đang theo dõi tôi, hy vọng vào tôi rất nhiều.

Đang bay, bỗng tôi nghe tiếng nói từ mặt đất: “Chú ý. Phía trước 8 km có địch”. Bật ra-đa lên thì quả thật có máy bay địch ở phía trước. Tôi tăng hết tốc lực đuổi theo, khi chỉ còn 2.000 mét, tôi chuyển từ ra-đa nhìn vòng sang ra-đa bám sát. Để bắn trúng mục tiêu, tôi quyết định tiếp cận gần hơn nên từ 800 mét, tôi đến chỉ còn 400 mét và chuẩn bị bóp cò... Đột nhiên ngay lúc ấy, máy bay của tôi đảo vòng, không thể bắn được và mục tiêu trên ra-đa cũng biến mất. Tôi không thể lý giải được.

Đang bối rối thì tín hiệu trên máy bay của tôi cảnh báo sắp có va chạm với máy bay trên không. Rất nhanh tôi tăng tốc và nghĩ sẽ tiêu diệt máy bay địch bằng cách đâm thẳng vào.

Đã sẵn sàng hy sinh, nhưng lao mãi mà vẫn không thấy trúng mục tiêu, tôi vội nhìn ra bên ngoài thì phát hiện máy bay địch đang lù lù bay phía dưới cánh tôi khoảng 8 mét. Ban đầu, tôi định cho máy bay đâm vào cánh máy bay địch và nhảy dù nhưng sau đó tôi quyết định giảm tốc độ để dùng súng tiêu diệt. Nghĩ là làm, tôi cho máy bay lùi xuống ngang tầm và giữ khoảng cách với máy bay địch chỉ hơn 10m vì sợ mất mục tiêu như lần trước.

Vợ chồng ông Lâm Văn Lích tại nhà riêng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi đưa tay vào cò súng thì đột nhiên máy bay mất điều khiển, chao đảo lật nhào và rơi xuống. Tưởng bị bắn rơi nhưng không phải, do bám quá gần, máy bay tôi bị luồng khí phản lực của máy bay địch thổi chính diện nên chao đảo. Khi rơi xuống ở độ cao 4.000 mét, bất chợt tôi lại điều khiển máy bay được. Kiên quyết truy đuổi địch, tôi lấy độ cao và đi tìm chiếc máy bay lúc nãy. Nhìn màn hình ra-đa, tôi thấy không phải tín hiệu của 1 máy bay địch mà lại là 2. Khi đến gần, tôi như reo lên vì sung sướng khi thấy 2 chiếc máy bay địch mở tín hiệu đèn nhấp nháy, có lẽ chúng sợ sẽ va chạm vào nhau. Lần này khoảng cách chỉ còn 600 mét, tôi chọn chiếc đang bay bên trái và nhấn cò súng. Tôi thấy rõ luồng đạn đỏ rực từ máy bay mình xé màn đêm cắm vào thân máy bay địch, nó chao đảo và bùng cháy. Ngay lúc đó, chiếc máy bay còn lại mở hết tốc lực để chạy. Không chần chừ, vừa tăng tốc, tôi vừa đưa mục tiêu vào vòng ngắm và siết cò súng một lần nữa, chiếc thứ 2 cháy bùng lên. Cả 2 chiếc tôi bắn hạ chỉ trong 1 phút...”.

Tôi hỏi: “Cảm giác của ông lúc đó thế nào?”. Ông nói: “Tôi sướng lắm. Ngay lúc đó, chỉ huy mặt đất thông báo cho tôi có máy bay địch đang đuổi theo, thế mà tôi cố bay 1 vòng nữa để ngắm cho thỏa cảnh 2 chiếc máy bay như 2 bó đuốc sáng rực đang lả tả rơi xuống...”.

Ông kể tiếp, mãi đến khi mặt đất báo lại lần thứ 2 là có địch đang bám theo, yêu cầu bay về phía trận địa tên lửa phòng không của ta để được hỗ trợ, bảo vệ thì ông mới tăng tốc thoát ly bay về. “Tôi vừa bay qua trận địa, từng loạt đạn phòng không bắn chặn máy bay địch lao vút lên bầu trời. Tôi trở lại căn cứ trong niềm hân hoan của đồng đội. Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân lúc ấy là đại tá Đặng Tính đã ôm chầm tôi chúc mừng. Trước đó ít phút, đài quan sát của ta ở Hòa Bình báo về đã có 2 chiếc máy bay A1 của Mỹ vừa rơi...”.

Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #94 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 02:49:38 pm »

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200952/20091226224445.aspx
 
Oai hùng Không quân Việt Nam - Bài 6: “Nhử mồi” trong không chiến

26/12/2009 22:44
Anh hùng Lê Hải với chiếc MiG-17 mà ngày trước ông sử dụng ra trận
Trong thế chiến  thứ 2, các phi công Liên Xô đã nhiều lần áp dụng chiến thuật “nhử mồi” trong không chiến. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng với loại máy bay dùng súng bắn thẳng. Còn ở Việt Nam, có một phi công áp dụng chiến thuật “nhử mồi” đối phó với loại máy bay hiện đại cùng tên lửa tự dẫn, đó là anh hùng phi công Lê Hải.

Những tháng cuối năm 1967, TP Hải Phòng liên tục bị địch đánh phá, phong tỏa cảng. Hàng mấy chục chiếc tàu thủy vào cảng nằm chết dí ở đó không rời bến được do thủy lôi của địch rải đầy.

Ngồi kể lại với chúng tôi về câu chuyện “nhử mồi” không kích cách đây hơn 40 năm, đại tá Lê Hải sôi nổi:

“Sáng ngày 19.11.1967, biên đội chúng tôi gồm Hồ Văn Quỳ (số 1), Lê Hải (số 2) Nguyễn Đình Phúc (số 3) và Nguyễn Phi Hùng (số 4) được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến sân bay Kiến An, bay ở độ cao 500 mét, bí mật không dùng vô tuyến điện. Đến nơi, biên đội kéo dài cự ly, từng chiếc hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An.

Đúng 10 giờ 40 phút, chúng tôi được lệnh xuất kích. Sau khi biên đội cất cánh, máy bay số 1 của anh Quỳ bị hỏng vô tuyến điện. Sở chỉ huy gọi mấy lần mà vẫn không nghe anh Quỳ trả lời. Địch từ ngoài biển đang bay vào rất đông. Sở chỉ huy thông báo quyết định tôi lên làm số 1 dẫn đội. Tôi lắc cánh báo cho anh Quỳ biết và tăng ga bay vọt lên trước dẫn cả biên đội. Tôi vừa cải hướng vừa lấy tiếp độ cao lên 2.500 mét. Bầu trời Hải Phòng có độ 3-4 phần mây, tầm nhìn rất tốt.

Sở chỉ huy tiếp tục thông báo địch bay theo đội hình kéo dài, có 6 chiếc F-4 đi đầu, phía sau F-4 có 20 chiếc A-4 mang bom.

Tôi dẫn biên đội lấy thêm độ cao lên 3.000 mét. Triển khai đội hình chiến đấu và bay về hướng bầu trời Đồ Sơn. Tôi thông báo đã phát hiện địch, xin phép sở chỉ huy cho đánh. Sau khi nhận được lệnh đánh, tôi lệnh cho số 3 và số 4 chặn đánh tốp địch bay sau cùng, tôi và anh Quỳ đánh tốp bay đầu tiên.

Biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng lực. Lúc này máy bay của tôi đã đạt tốc độ 850 km/giờ, độ cao gần bằng độ cao máy bay địch. Vừa nhìn thấy máy bay MiG, biên đội F-4 của địch vòng bay ra biển. Lợi dụng lúc chiếc  F-4 ép độ nghiêng, tôi nghĩ, nếu cứ cắt bán kính, vòng ngay vào bên trong để rút ngắn cự ly công kích, như cách đánh thông thường, địch sẽ phát hiện ta sớm và cơ động mất. Tôi quyết định tấn công tốp F-4 đi đầu. Tôi tiếp cận đến cự ly nổ súng bằng cách chúi dưới bụng máy bay địch. Bị cánh chiếc F-4 che khuất tầm quan sát, nên tên địch không nhìn thấy tôi. Tôi thấy chiếc F-4 giảm độ nghiêng, lật trái, lật phải quan sát, ý chừng nó vừa thấy chiếc MiG -17 đây, lại đâu mất rồi!

Đến cự ly độ 400 mét, tôi nhìn rất rõ chiếc F-4, thấy luồng khói tăng lực đen sì phun ra từ đuôi nó. Tôi nhẩm trong miệng: Cự ly bắn được rồi. Tay lái khẽ nhích đầu máy bay ngóc lên đạt điểm ngắm lên giữa chiếc F-4 và bắn liền một loạt ngắn, đạn vạch đường thẳng băng, nhưng rất tiếc là đạn rơi sau đuôi chiếc F-4. Tôi liền kéo cần lái nâng lượng đón và bắn một loạt dài. Trúng rồi! Đạn vạch đường chùm lên lưng chiếc F-4. Nó xì khói đen trên lưng; tôi bắn thêm một loạt ngắn nữa, tất cả đạn trùm lên thân, lên cánh nó. Tôi thấy chiếc F-4 như dừng lại, có lẽ động cơ bị hỏng rồi. Trúng 2 loạt đạn, nhưng nó vẫn chưa bùng cháy. Máy bay tôi tiếp cận đến chiếc F-4 còn khoảng 150 mét nữa là hai máy bay có thể đâm vào nhau, nó vẫn còn bay.  Tôi bắn loạt cuối ở cự ly chỉ độ 30-40 mét. Tất cả đạn đều xuyên vào chiếc F-4.

Quá gần rồi, tôi chỉ còn kịp đẩy cần lái về trước chui qua bụng chiếc F-4, khói phủ đen buồng lái máy bay tôi. Chiếc F-4 giống như một cột khói đen ngòm, hai bánh lái đuôi của nó giống như hai tấm phản vút qua đầu tôi.

Tôi quay lại nhìn sau đuôi máy bay mình, thấy một chiếc F-4 đang bám theo, nhưng còn xa ngoài tầm của tên lửa “rắn đuôi kêu”. Đồng thời có một chiếc MiG-17 màu xám đang bám theo chiếc F-4 đó, nhưng cự ly còn xa, chưa thể xạ kích được. Đó là số 4 (Nguyễn Phi Hùng) bay chiếc MiG-17 sơn màu xám. Thế trận trở nên gây go. Ta và địch bám xen kẽ rất lợi hại. Thua, thắng nhau chỉ trong chớp mắt. Nếu tôi cơ động mạnh, thì chiếc F-4 kia sẽ không bám được tôi nhưng Hùng khó bề bắn được nó. Tôi liền nghĩ ra một kế mạo hiểm.

Tôi hô: “Hùng! Tao nhử mồi” và Hùng báo “rõ” ngay! Tôi liền giảm độ nghiêng, giảm bớt lượng kéo cần lái nhử cho tên địch thấy “dễ xơi” sẽ mê mải đuổi theo để bắn, chắc mẩm sẽ hạ  được chiếc MiG này. Tôi luôn luôn nhìn phía sau, vì với loại tên lửa “rắn đuôi kêu” có tốc độ nhanh gấp 3 lần tiếng động, ở cự ly khoảng 2.000 mét, chỉ chậm chân tay trong chớp mắt, tôi sẽ bị tan xác ngay với nó. Tên địch đang giảm độ nghiêng để ngắm bắn. Tôi cứ để yên cho nó bắn. Khi tôi thấy dưới cánh F-4 xì khói đen ra, nghĩa là tên lửa vừa khởi động động cơ chưa rời bệ phóng. Tôi lập tức tăng độ nghiêng, kéo mạnh cần lái, hai quả tên lửa địch vừa phóng ra, lập tức bay qua sau đuôi máy bay tôi.

Lại cái trò bay lơ lửng trước rủi ro, tôi tiếp tục làm động tác nhử mồi. Lần thứ 2, nó lại bắn, tôi cũng tránh được. Đến lần thứ 3, tên địch vừa chuẩn bị bắn, thì máy bay số 4 (Nguyễn Phi Hùng) cũng đã áp sát chiếc F-4, ở cự ly xạ kích tốt. Một loạt đạn ngắn, chỉ có 11 viên đạn của Phi Hùng trùm lên chiếc F-4 và nó bốc cháy bùng bùng.

Trận không chiến chỉ diễn ra trong 3 phút, biên đội chúng tôi đã hạ được 3 chiếc F-4 của không quân Mỹ. Đập tan đợt đánh phá của địch vào thành phố cảng, buộc các máy bay F-4 mang bom phải vứt bừa bãi ngoài mục tiêu, tháo chạy ra biển”.

Đại tá Lê Hải đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, gồm 4 chiếc F4, 1 chiếc F105 và 1 chiếc F8. Năm 1970 ông được phong tặng danh hiệu anh hùng. Ông nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 937 rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân tiêm kích 372. Ông là phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay chiến đấu SU 22.

Tấn Tú
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #95 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:07:36 am »

[attachment=1]
Chắc bác Bảy đang mời Ritchie :
Ngày mai mời giáo sư về Lai Vung đi cày, ăn nem, và uống rượu với tôi. 
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #96 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 11:19:19 pm »

Trong ảnh trên, người đứng giữa là bác Nguyễn Hồng Mỹ, người bên trái là Stephen Ritchie
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #97 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 10:37:41 am »

Bác Mỹ bắn rơi 01 F4 ngày 19-1-1972, hai phi công đối phương nhảy dù thành công.
Dan Cherry bắn rơi bác Mỹ ngày 16-4-1972. Bác Mỹ cũng nhảy dù thành công nhưng rồi phải từ giã bầu trời.
Năm 2008 trung tướng không quân đã hồi hưu Dan Cherry gặp cựu phi công KQNDVN Nguyễn Hồng Mỹ trong chương trình " Như chưa hề có cuộc chia ly ", hình như là số thứ 5. Thắng thua là sự thường của binh gia, phải nói là bác Mỹ xử sự rất đàng hoàng và lịch sự, phía bên kia cũng vậy. Trong phóng sự đó bác Mỹ có đọc một đoạn thơ rất hay,thể hiện tâm sự của những phi công Việt nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ vùng trời Tổ Quốc, một cuộc chiến không hề cân sức nhưng vô cùng quả cảm của binh chủng KQNDVN.
Sau đó, năm 2009 bác Mỹ sang Hoa Kỳ theo lời mời của Dan Cherry, bác ấy đã gặp lại được viên hoa tiêu F4 bị bác ấy bắn rơi ngày 19-1-1972, người phi công số 1 thì đã mất sau chiến tranh.
http://www.tampabay.com/news/military/war/article993130.ece (bản dịch tiếng Việt rất tốt,nhưng do đăng trên DCVOnline nên tôi không tiện đưa lên).


Tuy nhiên, theo hồi ký của bác Lưu Huy Chao, hiện đăng tải từng phần trên báo Nhân dân (ngày 4-1-2010) thì ngược lại như sau :
Ngày 19-1-1972 bác Mỹ đã bắn rơi chính chiếc F4 mà Dan Cherry lái. Do quá khâm phục bác Mỹ mà Dan Cherry đã sang Việt nam tìm bác ấy. Và cũng một phần vì không gặp được bác Mỹ trong giai đoạn bác ấy ở Hoa Kỳ, Stephen Ritchie (trung tướng KQ Hoa Kỳ hồi hưu, Ace đầu tiên của KQ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt nam và kể từ chiến tranh Triều Tiên) đã sang Việt nam tìm và tình cờ gặp được bác ấy và các cựu phi công anh hùng của chúng ta tại bảo tàng KQ nhân lễ ra mắt hồi ký của bác Chao.

Vậy thì sự thật là thế nào nhỉ ? Các Sĩ quan QDNDVN đang tại ngũ ở trên diễn đàn này, có điều kiện tiếp cận tư liệu chính xác (không nhạy cảm nhé), các cao thủ võ lâm lên tiếng giải thích được không ạ. Xin cảm ơn trước.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #98 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 10:50:37 am »

Theo tài liệu của Mỹ thì họ không mất máy bay nào vào ngày 19/1/72. Ngày 20 thì mất 1 RF-4 ở bắc Lào (không thấy nói nguyên nhân) và 1 F-4E ở Khe Sanh (bị cao xạ 23mm), không biết có phải bác Mỹ hạ chú RF-4 không?

Dan Cherry (chuẩn tướng chứ không phải trung tướng) không thấy ở đâu nói là từng bị bắn rơi: http://www.aviationheritagepark.com/cherry.html
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #99 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 12:12:41 pm »

Tôi đã ngồi uống bia cùng bác Mỹ trước ngày bác ấy đi Mỹ theo lời mời của vị tướng không quân Mỹ. Bác ấy có nói bắn rơi chiếc RF là máy bay trinh sát. Tiếc là bây giờ chưa tìm thấy ảnh chụp bác ấy bằng máy điện thoại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM