Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 07:48:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)  (Đọc 130022 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #150 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 09:58:51 am »

Chương bảy

VƯỢT KHÓ KHĂN, ÁC LIỆT SAU XUÂN MẬU THÂN,
RA SỨC KHÔI PHỤC THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
GIỮ THẾ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN, TẠO THẾ CHIẾN LƯỢC MỚI
CHUẨN BỊ ĐÓN THỜI CƠ TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC MỚI
(Từ ngày 19 tháng 6 năm 1968 đến ngày 27 tháng 1 năm 1973)

I. RA SỨC KHÔI PHỤC THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
DUY TRÌ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐÔ THỊ,
KHÔI PHỤC THẾ VÀ LỰC CHIẾN TRANH NHÂN DÂN Ở VÙNG VEN


Sau tổng tiến công đợt 2, theo tinh thần “tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một giai đoạn”, Hội nghị Trung ương Cục thứ 7 (tháng 6 năm 1968) vẫn xác định nhiệm vụ tiếp tục tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Hai tháng sau đó (tháng 8 năm 1968), Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược và nhiệm vụ trước mắt, vẫn xác định: “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình tiến công liên tục, trong đó nổi lên những đợt tấn công liên tiếp ngày càng mạnh” và “ta đang ở thế thắng, thế mạnh và có đủ lực lượng để thực hiện quyết tâm đánh thắng Mĩ trong bất kì tình huống nào”(1).

Vào Tết Mậu Thân 1968, được lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa, toàn quân, toàn dân ta đã xuống đường với “khí thế Mậu Thân” lịch sử, đã thực hiện nhiệm vụ Xuân 1968, với quyết tâm cao nhất, không chút ngại hi sinh và đã đạt thắng lợi trước nay chưa từng có (sau năm 1954).

Tuy nhiên, sau hai đợt dốc toàn lực, tổn thất lớn, mà chưa làm chủ được Sài Gòn, địch lại đang khôi phục và phản kích quyết liệt, có hiệu quả, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta khó tiếp thu sự đánh giá và xác định nhiệm vụ “tiếp tục tổng công kích - tổng khởi nghĩa” của Bộ Chính trị và Trung ương Cục. Nhưng toàn quân, toàn dân ta vẫn kiên quyết và nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết và hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng. Vấn đề bây giờ là tấn công như thế nào trong khi thế chiến trường đang diễn biến phức tạp, lực của ta rất hạn chế, khó khăn đã gay gắt, chẳng những không còn đủ sức tấn công vào Sài Gòn mà còn khó giữ được những địa bàn quan trọng mà ta đang đứng chân.

Việc Mĩ thay tướng giữa chừng ngay những ngày tổn công kích của ta (tháng 3 năm 1968) nói lên thất bại của chiến lược “ba giai đoạn”, “hai gọng kềm”, đồng thời nói lên sự chuyển hướng chiến lược kịp thời của Mĩ trước một tình thế khẩn cấp. Chiến lược “quét và giữ” mang tên Abrams (tên của tướng mới thay Westmoreland) nhằm đạt mấy yêu cầu:

- Giữ cho quân Mĩ khỏi bị tiêu diệt, tiêu hao nặng, có thể tiếp tục làm vai trò nòng cốt trong lực lượng quân sự Mĩ ngụy.

- Giữ cho ngụy quyền “khỏi bị sụp đổ”, đồng thời ra sức tăng cường quân ngụy với hi vọng chuyển dần gánh nặng của quân ngụy trên chiến trường.

- Giữ các thành thị các căn cứ quân sự, các đường giao thông huyết mạch, các vùng đồng bằng trọng điểm, đông dân, nhiều của.

Từ giữa năm 1968, một loạt biện pháp cấp cứu nhằm thực hiện kế hoạch “quét và giữ” được thực hiện: chi thêm 6 tỉ đôla cho chiến tranh xâm lược, tăng quân Mĩ lên 55 vạn, tăng trang bị cho quân ngụy, tổng động viên trên toàn miền Nam nhằm vực quân ngụy dậy, tập trung không quân đánh phá ác liệt từ Nghệ An vào Vĩnh Linh, củng cố bộ máy ngụy quyền các cấp.

Trên chiến trường khi ta chuẩn bị đợt ba, địch đã hình thành nhiều tuyến phòng ngự có chiều sâu xung quanh Sài Gòn: tuyến ngoài 14 đến 16 tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh phá hành lang và kho tàng của ta, tập trung trọng điểm phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn trên các hướng Tây Ninh - Bình Long và Phước Long, tuyến trung gian: 64 đến 66 tiểu đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là càn quét với mật độ cao phục vụ bình định, xúc tát dân, lập vành đai trắng, thực hiện cái gọi là “vành đai nút chặn”, tuyến ven đô và nội đô; hai mươi đến hai mốt tiểu đoàn, có nhiệm vụ thực hiện hành quân cảnh sát, bịt các mối đường vào Sài Gòn, đảm bảo an ninh nội đô.

Như vậy, địch đã tập trung xung quanh Sài Gòn 40% quân chiến đấu Mĩ và chư hầu cùng 37% quân chủ lực ngụy của toàn Miền bao gồm 38 tiểu đoàn Mĩ, 4 tiểu đoàn chư hầu và 61 tiểu đoàn ngụy, tổng cộng 103 tiểu đoàn thuộc 6 sư đoàn và 9 trung đoàn.

Xa lộ vành đai Sài Gòn đang được khẩn trương xây dựng để bảo vệ nội đô và cơ động lực lượng. Ngày 19 tháng 6 năm 1968, Thiệu kí sắc lệnh tổng động viên nhằm bắt 26 vạn lính mới.

Địch đã tập trung mọi cố gắng và thực tế đang thực hiện được ý định phá vỡ thế bị bao vây, uy hiếp và đẩy chiến tranh ra xa dần các đô thị, các sào huyệt quan trọng của chúng.

Về phía ta sau đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa do địch phản kích mạnh, lực lượng chủ lực trước đây tăng cường hoạt động trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, đang tạm lùi về phía sau để củng cố. Đối phó trực tiếp với địch ở vùng ven chỉ còn lại lực lượng vũ trang của thành phố, nhưng đang gặp khó khăn về quân số và chất lượng nòng cốt các thứ quân, về thế bố trí lực lượng, về các điều kiện bảo đảm hậu cần chiến đấu… Ta vừa phải củng cố về chính trị, tư tưởng, điều chỉnh lực lượng, bổ sung quân số, tăng cường vật chất bảo đảm, vừa phải thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tiến công. Các cơ quan chỉ đạo chỉ huy đang đứng trước đỏi hỏi nỗ lực lớn.

Căn cứ tình hình thực tế ở chiến trường, Trung ương Cục và Quân ủy Miền xin Bộ Chính trị đợt này không tấn công lớn bằng bộ binh vào thành phố, mà chuyển trọng tâm tấn công ra vòng ngoài. Nội dung, phương án đợt 3 mà bộ chỉ huy Miền vạch ra là: mở chiến dịch tấn công trên địa bàn Tây Ninh - Bình Long, hướng chủ yếu là Tây Ninh, hướng thứ yếu là Lộc Ninh, hướng phối hợp là các chiến trường khác trong đó có vùng ven và nội đô Sài Gòn. Lực lượng chủ yếu trên hướng chính và hướng thứ yếu là chủ lực Miền, trên các hướng phối hợp chỉ sử dụng lực lượng phân khu và tỉnh trở xuống. Mục tiêu của đợt này là làm tan rã một bộ phận quân ngụy, nhất là khối bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu; thu hút lực lượng địch và phi pháo địch ra phía ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quân sự, chính trị ở Sài Gòn và vùng xung quanh. Đây là chỉ tiêu rất cao so với thực lực hiện có.


(1) Trích Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8 năm 1968.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #151 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:00:07 am »

Lãnh đạo mặt trận Sài Gòn, trong khi chờ sự chỉ đạo chính thức của Trung ương và Trung ương Cục cũng đã chủ động đề nghị không tấn công vào Sài Gòn như 2 đợt trước, và báo cáo sự cần thiết phải chuyển hướng hoạt động để bảo tồn cơ sở, tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu tiếp sau. Tháng 7 năm 1968, Bộ chỉ huy Miền quyết định các phân khu giao địa bàn các quận nội thành lại cho Phân khu 6. Thành ủy được thành lập lại do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư. Nhược điểm của Phân khu 6 là không có vùng ven để đứng chân. Tháng 8 năm 1968, tại Ba Thu, hội nghị cán bộ Thành ủy lần thứ nhất ra các quyết định: một mặt phải tiếp tục khí thế tiến công, phát huy các hình thức bạo lực, làm nhiệm vụ tổng công kích - tổng khởi nghĩa, mặt khác phải khẩn trương trở về các hoạt động cơ sở, đi sâu vào công tác vận động quần chúng có tính chất lâu dài, vững chắc. Nghị quyết lần này (gọi là Nghị quyết Bình Giã 1) đã nhấn mạnh một số mặt công tác cơ bản như đẩy mạnh phong trào cứu trợ nạn nhân chiến tranh để thông qua đó mà nắm quần chúng, phát động quần chúng, xây dựng lại cơ sở, củng cố và mở rộng các khu vực quần chúng đã giành được thế làm chủ trong Mậu Thân, khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng trong các khu vực xóm lao động, xí nghiệp, chợ, trường học, mở mặt trận liên tiếp hành động với các tầng lớp trung gian và các tầng lớp bên trên.

Đi đôi với chủ trương trên ta cũng làm được một bước chuyển hướng mới về tổ chức. Hai hội nghị trên quyết định thành lập các liên phường, tăng cường cán bộ cho công tác công vận. Từ sau hội nghị này, một số quận nội thành (1, 2, 3, 4) và thị xã Gia Định (trước kia đã chia về cho phân khu này lần lượt sáp nhập lại Phân khu 6) hình thành một đảng bộ vừa có tổ chức cơ sở địa phương vừa có tổ chức ngành, giới, Đảng bộ đô thị có tính chất toàn diện hơn, không phải chỉ phụ trách ngành, giới như hồi Tết Mậu Thân.

Tuy nhiên sự chuyển hướng này chưa toàn diện và dứt khoát vì nghị quyết Bình Giã vẫn xác định khả năng “dứt điểm” do chủ quan trong đánh giá địch - ta.

Chủ trương đợt 3 tổng công kích - tổng khởi nghĩa không đánh vào Sài Gòn đã nẩy ra ngay yêu cầu trả lại các địa bàn, các phân khu cho các tỉnh. Ta chưa làm được việc này thì địch đã chuyển trước, phản kích cả trong và ngoài. Lực lượng ta bị chia cắt, các phân khu không có thời gian để củng cố, lâm vào thế bị động, buộc phải giạt ra xa.

Phân khu 6, Thành ủy mất bàn đạp vùng ven thành phố, chuyên lên Ba Thu (tháng 8 năm 1968), rồi chia hai (tháng 9 năm 1968), một bộ phận hậu cứ ở lại Ba Thu, một bộ phận về Cai Lậy để tổ chức nắm lại nội thành.

Phân khu 1 lên Dầu Tiếng, Núi Cậu. Phân khu 2 lên Campuchia. Phân khu 3 cũng lên Ba Thu. Riêng Phân khu 4 vẫn đứng được ở Bưng Sáu xã, nhưng có lúc chỉ liên lạc được với trên qua điện đài. Phân khu 5 lên chiến khu A.

Thế trận quanh Sài Gòn đã khác so với trước tổng công kích - tổng khởi nghĩa, ưu thế chiến tranh nhân dân của ta ở vùng ven đang mất dần.

Không khí tổng công kích - tổng khởi nghĩa vẫn còn, nhưng có kèm theo tâm lí cay cú ở một số đồng chí muốn lại tấn công vào Sài Gòn như 2 đợt trước. Do đó, vẫn cố xoay xở, thu vén, tập hợp, moi móc cán bộ, chiến sĩ cơ sở còn lại để tổ chức, xây dựng 2 cụm biệt động nội đô N10, và N12, 2 cụm biệt động nội đô N13 và N15, một đại đội pháo và một đại đội đặc công nước, ngoài ra còn được Miền tăng cường cho một tiểu đoàn bộ binh. Sau một thời gian huấn luyện, các đơn vị trên lần lượt xuống chiến trường, đứng chân ở ven đô để tìm cách len vào nội đô, nhưng nội đô đã khác trước, các đơn vị này lại phải trở về căn cứ.

Mặc dù chưa có chủ trương chuyển hướng toàn diện, dứt khoát, nhưng nhờ những chỉ đạo thực tế bước đầu về tổ chức và hoạt động trong điều kiện địch phản kích ác liệt, nhiều cơ sở trong nội thành đã bị rã trong Mậu Thân, đang được phục hồi. Một số cơ sở có phát triển. Hoạt động vũ trang giữ được mức độ nhất định. Đặc biệt công tác vận động các tầng lớp trên đã góp phần tích cực vào việc phát triển Mặt trận và mở rộng ra phạm vi toàn Miền: Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình được hình thành. Trong lúc này các huyện ngoại thành vẫn đang được trực thuộc các phân khu, không được sự chỉ đạo thống nhất theo phạm vi khu Sài Gòn - Gia Định như trước kia, các Tỉnh ủy chung quanh Sài Gòn cũng không chỉ đạo được được các huyện của mình đang nằm trong các phân khu.

Trong tấn công ở ngoại thành và vùng trung tuyến đợt 3 (từ ngày 17 tháng 8 đến ngày 29 tháng 9 năm 1968) Miền Đông đã loại 13 tiểu đoàn địch (chỉ tiêu là 8 đến 10 tiểu đoàn), 35 đại đội, tiêu hao nặng 7 tiểu đoàn khác. Như vậy ta đã vượt chỉ tiêu về số lượng diệt địch, song vẫn không làm thay đổi được thế trận đang diễn biến phức tạp không có lợi về phía ta. Địch bổ sung quân nhanh. Trên từng khu vực vùng ven, chiến tranh nhân dân còn duy trì nhịp độ khá, nhưng chưa theo kịp yêu cầu tương xứng với quả đấm chủ lực. Thí dụ như ở Phân khu 3, Mĩ tập trung 2 lữ đoàn (1 và 2) của sư đoàn 9 cùng lữ đoàn 196 Mĩ và 7 đến 8 tiểu đoàn biệt động quân ngụy đánh phá, trong lúc tỉnh Long An vẫn còn là 2 Phân khu, Nam Bắc quốc lộ 4 không phối hợp chặt chẽ, lực lượng tỉnh và các tiểu đoàn trên chi viện buộc phải phân tán nhỏ để hỗ trợ cho địa phương dần dần bị địa phương hóa, chia lẻ tăng cường củng cố huyện, gây nhiều vướng mắc trong cán bộ, chiến sĩ. Hiện tượng này nảy sinh do mấy mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải ở lại vùng ven để chuẩn bị đợt tổng công kích - tổng khởi nghĩa tiếp, với yêu cầu tác chiến để tồn tại, mâu thuẫn giữa tập trung (thì dễ bị phi pháo địch đánh) và phân tán (thì không đủ sức chống càn). Các tiểu đoàn Phân khu 3 không được rời bàn đạp tấn công vào Sài Gòn, nhưng nông thôn phía sau bàn đạp bị sơ hở, địch có khả năng chiếm được (và thực tế cuối năm 1968 chúng thực hiện được việc đó với kế hoạch “bình định cấp tốc”).

Trên một số địa bàn quan trọng như Củ Chi, Đức Hòa… lực lượng chiến tranh nhân dân duy trì được thế giằng co và đánh phản kích có hiệu quả.

Tháng 8 năm 1968, Phân khu 1 quyết định chia Củ Chi ra làm hai huyện Nam Chi và Bắc Chi cho phù hợp với tình hình và chỉ đạo được sát. Ngay sau đó, nhiều xã mở hội nghị quân sự để nghiên cứu cách đánh địch bằng lực lượng vũ trang thoát li. Kết hợp đánh địch bằng những tổ du kích mật vào tận hang ổ, sào huyệt của chúng. Ngày 27 tháng 10 năm 1968, đồng chí Chín Khánh - huyện đội phó quân báo chỉ huy một tổ du kích mật đánh chất nổ vào câu lạc bộ căn cứ Đồng Dù, làm chết và bị thương nhiều tên Mĩ, trong đó có 8 tên cấp tá. Trong tháng 10 năm 1968, du kích xã Phước Thạnh thực hiện hai trận phục kích trên lộ 22 và lộ 7, diệt 8 xe bọc thép và xe tăng địch. Tính trong tháng 11 năm 1968, du kích các xã Thái Mĩ, Phước Hiệp, Nhuận Đức, Trung Lập, An Nhơn Tây, Phú Mĩ Hưng đã đánh 23 trận, loại trên dưới 200 tên Mĩ, bắn cháy và làm hỏng 9 máy bay, 18 xe tăng… có trận chỉ có 2 du kích và 1 bác nông dân mà đánh diệt gọn 1 toán biệt kích Mĩ 13 tên (An Nhơn Tây ngày 5 tháng 1 năm 1969).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #152 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:00:55 am »

Tháng 12 năm 1968, một trung đoàn bộ binh Mĩ có xe tăng, pháo yểm trợ bao vây tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương Củ Chi ở khu vực Vườn Trầu xã Phước Thạnh. Sau hơn một ngày chiến đấu, tiểu đoàn 7 đã loại 2 đại đội Mĩ, mở đường thoát ra khỏi vòng vây, trong khi địch đổ trực thăng thêm 2 tiểu đoàn và viện thêm xe tăng. Từ đó tiểu đoàn 7 được gọi là tiểu đoàn lửa.

Tính cả năm 1968, quân dân Củ Chi loại 11.700 tên địch trong đó có nhiều Mĩ(1), bắt sống một số tù binh và diệt 532 xe cơ giới, hạ và làm bị thương 214 máy bay (chủ yếu là máy bay lên thẳng).

Trung đoàn Quyết Thắng sau khi rút ra khỏi thành phố, vượt sông Sài Gòn sang tác chiến trên khu vực lộ 14 (phía Đông sông Sài Gòn, phía Nam huyện Bến Cát), đánh các trận lớn ở dốc Lâm Vồ, Rạch Kiến, lộ Xi Măng, ngã ba Rạch Kiến. có một trận loại một tiểu đoàn Mĩ. Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1968, trung đoàn đánh hai trận, loại 450 tên Mĩ.

Trung đoàn 268 hoạt động trên địa bàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) chủ yếu đánh địch nống ra phản kích và tập kích khi chúng co cụm, đã đánh các trận ở rừng Cây, Lộc Khê, Mộc An, Bàu Mây, Trảng Tròn, Mít Nài, Cỏ Ống, Tầm Đinh, Đồng Lớn, An Tịnh, Trà Nguồn, Lộc Châu… đánh thiệt hại 10 tiểu đoàn địch, bắn cháy và hỏng 200 xe tăng, xe bọc thép.

Mặc dù quân số được bổ sung hết sức hạn chế, trung đoàn 286 đang ở thời kì sung sức nhất, đang đạt bước tiến khá về trình độ chỉ huy và tác chiến, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững vùng trung tuyến hướng Trảng Bàng - Củ Chi.

Trung đoàn 16 hoạt động chủ yếu ở phía Đông sông Sài Gòn, trên địa bàn hai huyện Bến Cát, Dầu Tiếng, đang ở vào thời kì đánh địch phản kích ác liệt nhất. Với khẩu hiệu: “dũng mãnh tiến công, kiên trì bám trụ, linh hoạt phản công, chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện”, trung đoàn thực hiện được nhiều trận sản xuất ở Đồng Cỏ Đỏ, Rạch Bắp, Bưng Còng, Đồng Ngỗng…

Ở Rừng Sác, ngày 21 và 22 tháng 8 năm 1968, Đoàn 10 đánh trận hiệp đồng lịch sử, trong khi Dinh Độc Lập bị pháo ĐKB, thì trên sông Lòng Tàu, 5 chiếc tàu hàng quân sự trên dưới 7 ngàn tấn bị đánh cháy, trong đó có một chiếc bị chìm tại cảng Cát Lái. Địch phải đổ một tiểu đoàn Mĩ, 1 tiểu đoàn biệt động quân ngụy xuống Rừng Sác để giải tỏa và đã bị giam chân 1 tháng ở đây.

Ngày 10 tháng 10 và ngày 4 tháng 12 năm 1968, tại cảng Nhà Bè, hai chiếc tàu trên vạn tấn tương đương 30 triệu lít vừa cập bến hãng Caltex bị đặc công Rừng Sác đánh bằng chất nổ, cả hai chiếc chìm tại chỗ.

Ở nội thành, tuy sau Xuân Mậu Thân ta gặp nhiều khó khăn, nhưng uy tín Mĩ và tay sai giảm sút. Ngay trong những ngày địch đánh phá ác liệt, tuy chủ trương kế tiếp của ta chưa được dứt khoát, nhiều tổ chức Đảng vẫn cử cán bộ, đảng viên về bám dân để khôi phục và phát triển cơ sở, xây dựng phong trào theo hướng “căn cơ” lâu dài. Một số thanh niên lao động được giác ngộ đã vào trong các chùa khoác áo nhà sư để hoạt động cách mạng. Một số nữ tín đồ Phật giáo được tổ chức vào Hội Phụ nữ Giải phóng. Nhiều chị em buôn bán nhỏ ở các chợ trở thành cơ sở tốt của ta. Ta còn xây dựng được nội tuyến trong một số trại lính ngụy như trại Triệu Đà, trại Tây Sơn…

Nhờ đó, với những khẩu hiệu phù hợp mà Nghị quyết Bình Giã I đã đề ra, những cuộc đấu tranh chính trị nhỏ lẻ dần tiến lên những cuộc đấu tranh có quy mô lớn, từ những khẩu hiệu hợp pháp tiến lên những khẩu hiệu chính trị, nội dung phong phú.

Xuất hiện sớm là phong trào nữ Phật từ cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh và tổ chức quyên góp cho những người bị cháy nhà, bị đói thiếu. Phong trào mang tính nhân đạo nên thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, kể cả tầng lớp trên, vợ con tướng tá và nhân viên của ngụy quyền. Từ quy mô nhỏ lúc đầu, ta đưa cán bộ phụ vận vào lãnh đạo, tổ chức mở rộng phong trào ra nhiều địa bàn, thành phố và cử nhiều đoàn hành hương đi các tỉnh để cầu nguyện và quyên góp. Ngoài khẩu hiệu “cứu trợ nạn nhân chiến cuộc”, ta còn đưa ra nhiều khẩu hiệu: “cầu nguyện cho hòa bình, chấm dứt chiến tranh”. Ngày 27 tháng 10 năm 1968, 500 đại biểu đại diện cho 20 đoàn thể, tôn giáo, họp tại chùa Ấn Quang đòi hòa bình, đòi lật đổ nội các chiến tranh của Thiệu - Kì - Hương. Cuối tháng 12 năm 1969, lại nổ ra cuộc đấu tranh của sinh viên Phật tử phản đối chính quyền Thiệu bắt giam hòa thượng Thích Thiện Minh và kết án 15 năm tù.

Để bù đắp lại những thiếu hụt do các thứ thuế và các chính sách của chính quyền ngụy gây ra, các chủ nhà máy, xí nghiệp tăng cường các biện pháp bóc lột công nhân và những người làm thuê. Nhiều người mất việc làm, nạn thất nghiệp tăng. Trong khi đó Mĩ - ngụy lại tăng cường các biện pháp kìm kẹp. Chúng cài bọn an ninh, mật vụ vào các xóm, phó, khu cư xá, xí nghiệp theo chỉ tiêu cứ 10 công nhân thì có một mật vụ theo dõi. Tình thế đó dẫn đến ở hầu hết các cơ sở công nghiệp liên tiếp nổ ra các cuộc bãi công đòi cải thiện đời sống, chống bắt lính, vạch mặt Mĩ - ngụy trong việc thực hiện các biện pháp kinh tế thực chất là vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ chiến tranh.

Tháng 11 năm 1968, đại hội các nghiệp đoàn ra tuyên bố phản đối thuế lương bổng đánh vào đồng lương của công nhân tư chức, những người vốn đã gặp khó khăn trong đời sống bởi nạn lạm phát, đắt đỏ. Tiếp đó (đầu năm 1969), là cuộc bãi công 7 ngày của công nhân, viên chức bệnh viện Đồn Đất để đòi tăng lương và cuộc đình công của công nhân hãng chỉ sợi Sicovina Khánh Hội để phản đối bọn chủ vô cớ sa thải công nhân.

Lực lượng học sinh, sinh viên, vẫn giữ vai trò ngồi pháo của lực lượng đô thị.

Sau sắc lệnh tổng động viên của Thiệu, nổi lên phong trào sinh viên, học sinh đòi “tự trị đại học”, chống “quân sự học đường”, chống bắt học sinh, sinh viên vào phòng vệ dân sự, tiến lên đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Khởi đầu từ Trường đại học Văn khoa, phong trào lan nhanh sang các trường khác. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1968, nhiều cuộc hội thảo diễn ra cùng các cuộc biểu tình đòi hòa bình chấm dứt chiến tranh, đỉnh cao là dịp mừng Chúa giáng sinh năm 1968, trên 1000 sinh viên học sinh, sinh viên tuần hành, rước đuốc hòa bình từ trung tâm thanh niên Thiên chúa giáo Hiền Vương đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế. Cảnh sát ngụy bắt nhiều học sinh, sinh viên tham gia cuộc biểu tình này, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển.

Trong khó khăn do địch phong tỏa gắt gao, lực lượng vũ trang các cánh Hoa vận, Thành đoàn, an ninh, biệt động được nhân dân tận tình đùm bọc, che chở và với tinh thần tích cực tiến công đã tổ chức đánh được một số trận. Tuy nhiên, từ sau đợt 2, do nhiều tổn thất, lực lượng vũ trang nội thành giảm hẳn so với trước. Đột xuất có những trận như trận tháng 11 năm 1968, một tổ vũ trang Hoa vận, với 105kg thuốc nổ đặt trên xe lam đánh vào Trường Sinh ngữ của không quân ngụy trên đường Đồng Khánh (quận 5), giết và làm bị thương hàng chục sĩ quan ngụy, hàng chục cố vấn Mĩ, Đại Hàn và Thái Lan. Đầu tháng 2 năm 1968, một tổ vũ trang an ninh dùng mìn và lựu đạn đánh đoàn xe của tên thiếu tướng Kiêm, Tư lệnh biệt bộ phủ Tổng thống, phụ tá tình báo cho Thiệu và được Thiệu quyết định thay tướng Linh Quang phụ trách đặc ủy tình báo. Kiêm bị gẫy chân và một số cận vệ bị thương.

Một loạt mục tiêu mà các lực lượng vũ trang nội thành chú ý là các trụ sở nhân dân tự vệ ở các khu vực Cây Thị, Da Bà Bàu, quận 4, Gia Định… nhưng nơi bắt lính trá hình, quy tụ một số không nhỏ thanh niên hư hỏng, được huấn luyện, đầu độc tâm hồn, được giao súng Mĩ để rồi trở thành những tên ác ôn. Có ngày như ngày 16 tháng 2 năm 1969, liên tiếp 4 trụ sở loại này bị tấn công.


(1) Theo sách Lịch sử Củ Chi: loại 8.500 tên Mĩ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #153 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:03:50 am »

Sau chủ trương “Phi Mĩ hóa chiến tranh” của Johnson (từ giữa năm 1968), ngày 7 tháng 4 năm 1968, Nixon (Tổng thống Mĩ tiếp sau Johnson) chính thức tuyên bố bắt đầu Việt Nam hóa chiến tranh theo kế hoạch 3 giai đoạn(1), trong đó quyết tâm của giai đoạn 3 là hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, củng cố thành quả đã đạt được, đối phương suy yếu và chiến tranh tàn lụi dần… Báo cáo trước ủy ban quân lực thượng nghị viện Mĩ, Melvin Laird, bộ trưởng bộ quốc phòng Mĩ tuyên bố: “Chính sách Việt Nam hóa có nghĩa vừa kết thức vừa mở đầu… kết thúc sự dính líu của Mĩ vào Việt Nam, mở đầu một chính sách mới của chúng ta về việc họ phải tự lực, tự dựa vào bản thân họ…”.

Địch coi giai đoạn 1 là giai đoạn quyết định của Việt Nam hóa chiến tranh. Nội dung của giai đoạn này gồm có ba bước:

- Bước 1 (đến ngày 30 tháng 6 năm 1970): bình định được nhiều vùng đông dân quan trọng, chủ lực và bộ đội của đối phương không hoạt động được đến cấp đại đội ở vùng ở vùng tranh chấp, hạ tầng cơ sở của đối phương ở các vùng Việt Nam Cộng hòa kiểm soát bị tê liệt, quân của Việt Nam Cộng hòa đủ sức đối phó với cấp tương đương của đối phương, rút được một bộ phận quân Mĩ.

- Bước 2 (đến ngày 30 tháng 6 năm 1971): bình định được tất cả các vùng đông dân quan trọng, chủ lực và bộ đội địa phương của đối phương không còn hoạt động được đến cấp đại đội ngay trong những vùng căn cứ, hậu phương, hậu cần của đối phương bị tê liệt, vùng Việt Nam Cộng hòa bành trướng, quân Sài Gòn đạt trình độ “tối tân hóa” cao, quân Mĩ rút hết lực lượng chiến đấu(2).

Từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969, địch “bình định cấp tốc”, tháng 1 năm 1969 bắt đầu “bình định xây dựng”.

Từ tháng 1 năm 1969 (trước cả tuyên bố của Nixon) đến tháng 2 năm 1972 là thời kì mà 3 vấn đề trung tâm trên được triển khai thực hiện.

Trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, ngoài 3 tuyến phòng thủ (tập trung 47% quân chiến đấu Mĩ, 37% quân chủ lực ngụy so với toàn Miền), đã hình thành từ giữa năm 1968, ở nội thành Sài Gòn, địch tổ chức 9 quận thành 11 đặc khu, bổ nhiệm sĩ quan cấp trung tá là đặc khu trưởng, tăng cường cho mỗi đặc khu một đại đội đặc vụ (công an đặc biệt), hai đại đội cảnh sát dã chiến và từ 1 đến 2 đại đội tuần cảnh. Để kiểm soát chặt chẽ nội thành hơn, các phường, khóm lại được chia nhỏ, nâng số phường từ 56 lên 72, số khóm từ 861 lên 1100. Địch lại bắt đầu đổi thẻ căn cước, phát thẻ liên gia, phân loại dân, lập danh sách gia đình có người tập kết, gia đình theo Việt cộng, chỉ cần có một người tố cáo là có thể bắt ngay không cần chứng cứ.

Sau các sắc lệnh tổng động viên, địch quân sự hóa học đường, quân sự hóa phường, liên gia, công tư sở, công tư chức, ra sắc lệnh cấm hội họp, biểu tình, đình công. Thực hiện tuyên bố: “Bắn bỏ ngay tức khắc bất cứ ai đòi hỏi hòa bình”.

Lực lượng nhân dân tự vệ được đặc biệt coi trọng phát triển không chỉ để đôn quân, bắt lính mà còn để mỗi người dân thành một người lính địch. Chúng thành lập ở mỗi phường một ban và mở mỗi khóm một tiểu ban quân sự.

Nhân dân tự vệ được trang bị súng, phải làm nhiệm vụ canh gác, lùng sục, gây không khí căng thẳng triền miên ở trong dân chúng. Chỉ riêng quận 7 đến cuối năm 1969, địch đã tổ chức trên 6000 nhân dân tự vệ thuộc lứa tuổi từ 14 đến 50, trang bị 2433 súng. Công an, cảnh sát, nhân dân tự vệ… kết hợp liên tục lùng sục, vây ráp trong nội thành gây cho ta rất nhiều khó khăn. Tại Sài Gòn năm 1969 có trên 7000 cuộc hành quân cảnh sát và có đêm như đêm 20 tháng 1 năm 1969 trên 9.700 người bị khám xét, bị bắt giam. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên, cán bộ bị bắt. Các căn cứ Rạch Bà Tàng, Hố Bần, Bến Đá, Cầu Sập, Phú Định, Hàng Thái, Chánh Hưng, Rạch Ông, Rạch Cát… bị đánh phá chà đi xát lại liên miên. Đời sống nhân dân lao động điêu đứng, đi lại, làm ăn khó khăn. Trong lúc đó phim ảnh, sách báo Mĩ, văn hóa đồi trụy, dâm dật, tràn ngập đang đầu độc tầng lớp thanh niên, học sinh, gieo rắc tâm lí hưởng thụ, sống gấp, không cần biết lí tưởng, không cần biết tương lai.

Ở ngoại thành, quân Mĩ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ lá chắn, đẩy lùi chủ lực ta ra xa hơn, đại bộ phận quân ngụy làm nhiệm vụ càn quét với mật độ lớn hơn các năm trước nhằm triệt phá các nhóm căn cứ, các bàn đạp, làm bật gốc các lực lượng ta ra khỏi ven đô.

Trên vòng cung phía Bắc Sài Gòn, chất độc, bom xăng, pháo đạn, xe tăng, xe ủi kết hợp tiếp tục thực hiện xóa trắng vùng đến mức “cây cối cháy rụi, khiến cho du kích không còn nơi ẩn nấp” (trong “Tường trình người lính” của Westmoreland).

Rừng Sác, khu rừng mà trước chiến tranh từng được coi là chưa được khai phá, cho đến cuối năm 1969, chỉ còn là bãi đầm lấy hoang tàn(3).

Ngoài lực lượng Mĩ - ngụy đã có từ trước, địch tăng thêm vào chiến trường này một lực lượng thuộc sư đoàn 18 (nhân dân ven quốc lộ 15 gọi là “bọn cánh dơi”), một tiểu đoàn biệt động quân khét tiếng hung ác, một đơn vị “Mãng xà vương”(4) Thái Lan và một đơn vị lính Úc. Mũi thứ nhất gồm các đơn vị Úc, Thái Lam đảm nhiệm ven quốc lộ 15 cùng với mũi thứ hai gồm quân Mĩ và ngụy ở Nhà Bè, Thủ Đức hình thành hai gọng kìm cùng với hệ thống chốt sông Lòng Tàu, cô lập, bao vây Đoàn 10 để tiêu diệt. Đoàn 10 đang đứng trước một thời kì gian khổ và ác liệt nhất từ trước đến giờ.

Cùng với kế hoạch bình định, một chương trình “Hắc ám” cũng là một thủ đoạn bình định lợi hại kết hợp tình báo, tâm lí chiến, chiêu hồi nhằm nhổ tận gốc hạ tầng cơ sở cách mạng ở nông thôn và thành thị, mang tên “chương trình Phượng Hoàng”. Lực lượng của nó gồm: tiểu đoàn, mật vụ, cảnh sát chìm, tâm lí chiến, an ninh, quân đội, “thiên nga”, chiêu hồi… chuyên hoạt động “hắc ám” man rợ: bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, tra tấn, tác động tâm lí… Tổ chức “Phụng hoàng” đã có từ trước, nhưng đến năm 1969 được triển khai hết sức rộng rãi từ các cấp ủy ban Phụng hoàng Trung ương đến tận xã ấp(5).

Hãng thông tấn Mĩ UPI nhận xét: “Các cuộc ám sát và tra tấn là cơm bữa để thực hiện các chương trình bình định “Phụng hoàng”. Theo Joseph Amter trong cuốn Phán quyết cuối cùng: chiến dịch Phụng hoàng bắt đầu từ tháng 3 năm 1968, đã giết ít nhất 20.000 người dân và rất có thể là 50.000 đến 100.000.


(1) - Giai đoạn 1: chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho ngụy, rút quân chiến đấu Mĩ về nước, làm suy yếu đối phương thông qua bình định nông thôn (dự kiến đến ngày 30 tháng 6 năm 1972). - Gia đoạn 2: chuyển giao nhiệm vụ trên không cho ngụy quân để ngụy giữ được miền Nam và Lào, Campuchia.
(2) Theo tài liệu Kế hoạch chiến lược mật của địch, tài liệu số 56/DT. Kho lưu trữ Phân viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng.
(3) Tài liệu Viện Hàm Lâm Khoa học Hoa Kì (1974) đã thú nhận: “Có gần 57% diện tích Rừng Sác bị phun thuốc diệt cỏ. Khi ngang qua Rừng Sác, người ta có cảm tưởng như một vùng rộng lớn đất trụi hay đồng lầy rải rác vài thân cây hoặc vài lụm cây”.
(4) Thuộc sư đoàn bộ binh Thái Lan Báo Đen đưa vào miền Đông Nam Bộ từ tháng 7 năm 1968, đến tháng 2 năm 1969 mới vào hết.
(5) Xuất xứ của tổ chức Phụng Hoàng là một tổ chức đơn thuần tình báo do Cục tình báo CIA của Mĩ ở Sài Gòn lập ra năm 1967 hoạt động dưới danh hiệu “Văn phòng phụ tá đặc biệt” (OSA) để hỗ trợ cho chương trình bình định. Tháng 7 năm 1968, Mĩ chuyển giao tổ chức này cho ngụy nhưng vẫn tiếp tục điều khiển thông qua 200 cố vấn đặc trách bình định ở các tỉnh, quận. Tổ chức này được chính Mĩ gọi là “Com chim của thần chết” do tính chất dã man, tàn bạo trong hoạt động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #154 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:07:05 am »

*
*   *

Từ sau đợt 2, nhất là sau đợt 3 tổng công kích - tổng khởi nghĩa, trong cán bộ, bộ đội, nhân dân đã phát sinh luồn tư tưởng phân vân “không biết có còn tổng công kích - tổng khởi nghĩa nữa không”, hoặc “đánh như thế nào là tổng công kích - tổng khởi nghĩa”. Những vướng mắc này không được giải đáp một cách rõ ràng mặc dù những phân vân đó có căn cứ thực tế của nó: tình thế của ta và địch sau đã khác đi nhiều so với đầu năm 1968 và sau đợt 1.

Trong khi đó tháng 3 năm 1969 và sau đó, tháng 7 năm 1969 Thành ủy ra nghị quyết Bình Giã II, Bình Giã III trong đó việc đánh giá tình hình đều còn nặng chủ quan(1).

Đánh giá về Mĩ (trong Nghị quyết Bình Giã III, tháng 7 năm 1969): “Thiệu thất bại có nghĩa là chính sách duy trì bọn tay sai ngoan cố của Mĩ bị thất bại, tức là màn đầu của chiến lược “phi Mĩ hóa” chưa vén lên mà đã có nguy cơ phải hạ xuống sớm, ít nhất về mặt chính trị”. Đánh giá về ta thì “Không xuất phát từ thực tế, thường đánh giá quá cao những biến động chính trị trong quần chúng, không nhìn rõ những mặt ta còn yếu, thậm chí lệch lạc”(2), “đánh giá địch thì lại thường nhấn mạnh quá mức những mặt thất bại, suy yếu mà thiếu nhìn thấy hết những cố gắng mới, chưa nhìn rõ những âm mưu mới của địch để kịp thời đối phó, nâng tầm cảnh giác của cán bộ, quần chúng lên”(3). Từ đó mà đề ra những mục tiêu chiến đấu quá cao. Cho tới Nghị quyết Bình Giã III (tháng 7 năm 1969) vẫn nêu ra yêu cầu “đẩy mạnh công tác chính trị quân sự, binh vận, tạo ra cho được một cao trào có tính chất quần chúng, đánh địch mỗi ngày một mạnh và cao hơn”, đặt ra mục tiêu cho mũi quân sự là phải tiêu hao nhiều sinh lực địch trong thành phố để “hợp đồng chặt chẽ với các mũi tiến công từ nông thôn đánh vào”, thực hiện các cuộc tiến công quy mô lớn và vừa”. Như vậy hình thành tiến công vẫn không khác đợt 1, đợt 2 năm 1968 trong lúc thực lực của ta hiện tại không đủ sức.

Trong thời gian giữa hai Nghị quyết trên, thường vụ Trung ương Cục ra Chỉ thị 71/TVTWC nêu nhiệm vụ cho Đảng bộ quân dân miền Nam: “Đẩy mạnh tổng công kích -tổng kinh nghiệm trên khắp 3 vùng, nhằm tiêu hao tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mĩ - ngụy, mở rộng vùng giải phóng nông thôn, giành quyền làm chủ một phần ở đô thị (chủ yếu ở cơ sở)… nhằm giành thắng lợi lớn, làm chuyển thế và lực, tiến lên giành thắng lợi quyết định”.

Tháng 4 năm 1969, Bộ chính trị họp hội nghị về tình hình nhiệm vụ mới. Hội nghị kiểm điểm những sai sót trong chỉ đạo và thực hiện. Nhận định những thất bại lớn của Mĩ, những mâu thuẫn không thể khắc phục được của chiến lượcViệt Nam hóa chiến tranh, Về hai khả năng tùy thuộc vào nỗ lực của ta và khó khăn về quân sự chính trị, tài chánh của Mí do cuộc chiến tranh ở Việt Nam tác động. Trên cơ sở nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn để thừa thắng tiến lên”, hội nghị xác định nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích - tổng khởi nghĩa”, “đánh cho Mĩ cút hết quân, đánh cho ngụy phải suy sụp và ta giành thắng lợi quyết định”.

Thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị trên, suốt năm 1969, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền liên tục mở 4 đợt hoạt động xuân, hè, thu, đông, với mục tiêu đánh phủ đầu âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mĩ, tích cực thực hiện đánh mạnh, đánh đau, đánh hiểm, đánh liên tục, dài hơi, “đợt sau đau hơn đợt trước”… Theo đó, ở Sài Gòn - Gia Định, ta đưa các lực lượng vũ trang tập trung xuống vùng ven để chuẩn bị tiếp tục đánh vào thành phố, nhưng bị thiệt hại nặng. Mặt khác, ta lại huy động một bộ phận trong lực lượng chính trị vào công tác vũ trang làm cho lực lượng này cũng bị tổn thất nặng… Đối với mũi binh vận thì ta yêu cầu phải tạo ra một “lực lượng đối lập trong quân đội ngụy”. Yêu cầu này cũng không thực hiện được.

Về phong trào chính trị ta cũng có một số chủ trương gượng ép mà không phù hợp tương quan lúc đó như việc đẩy một số tổ chức công khai của quần chúng vào phong trào đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu đòi Thiệu ra đi, đòi lập nội các hòa bình.

Thực tế qua các đợt hoạt động trên toàn Miền, chủ lực ta thực hiện được tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên chiến trường trung tuyến và biên giới, nhưng các địa phương hoạt động không đều và đạt hiệu suất thấp. Trên mặt trận đánh phá bình định, việc mở rộng quyền làm chủ ở nông thôn, củng cố vùng giải phóng, đưa phong trào chính trị, vũ trang ở đô thị liên một bước chưa thực hiện được, trong lúc đó địch vẫn đang ở xu thế lấn tới.

Sau tổ chức Bình Giã I, Thành ủy đã tổ chức các liên quận để gom đầu mối chỉ đạo trực tiếp.

Liên quận I (bí số G22) địa bàn là quận 1 và quận 3, tức gồm các tổ chức trước đây như liên phường 1, quận ủy 3A, 3B nhập lại.

Liên quận 2 (bí số G84) gồm 2 quận 2 và 4.

Liên quận 3 (bí số G138) gồm hai quận 5 và 6.

Liên quận 4 gồm địa bàn quận Gò Vấp cũ và Phú Nhuận(4). Các liên quận tổ chức bộ máy tương đối mạnh ở vùng căn cứ, có ban chuyên môn như tổ chức, tuyên huấn, quân sự, công vận, phụ vận, thanh vận, có hệ thống giao thông liên lạc, bàn đạp, trạm, nút ở nhiều hướng, phục vụ lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy liên quận đối với phong trào bên trong.


(1) Chẳng hạn như đánh giá về ta (trong Nghị quyết Bình Giã II, III năm 1969): “Ngày nay tính về số lượng, lực lượng cách mạng có tổ chức của Sài Gòn mạnh hơn bất kì thời kì nào trước đây và nó đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong những nhân tố trọng yếu định đoạt tình hình thành phố và tình hình chung”.
(2), (3) Trích Dự thảo kiểm điểm sự chỉ đạo của Thành ủy từ năm 1968 đến năm 1974.
(4) Đến năm 1970 do yêu cầu mở rộng diện chỉ đạo cho sát hợp với phong trào quần chúng cơ sở, Thành ủy lập thêm hai liên quận: liên quận 5 gồm 2 quận 7 và 8; liên quận 6 gồm các xã Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa và một phần Phú Nhuận.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #155 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:07:35 am »

Ngày 20 tháng 5 năm 1969, địch mở cuộc càn quét liên quận Mĩ - ngụy vào vùng căn cứ Thành ủy ở xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy tỉnh Mĩ Tho). Hầu hết cán bộ cơ quan cùng các lực lượng địa phương chiến đấu quyết liệt, nổi bật là gương chiến đấu gan góc, mưu trí của các chiến sĩ: Trần Văn Tám, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Bé và Măng Non. Ba chiến sĩ Tám, Chung, Bé anh dũng hi sinh, diệt 7 tên Mĩ, thu nhiều súng đạn.

Sau trận đánh càn này, Thành ủy và các cơ quan tham mưu dời căn cứ xuống Vũng Liêm - Càng Long (Trà Vinh) đứng chân ở đây một thời gian rồi chuyển tiếp lên Mỏ Cày (Bến Tre).

Trong khó khăn do phản ứng mạnh của địch, công tác phát triển thực lực cách mạng nội thành lúc này được xây dựng theo hệ thống từng chùm cơ sở theo địa bàn phường, khóm hay xí nghiệp, chú trọng nâng chất từ quần chúng tốt đưa lên thành nòng cốt, từ nòng cốt trở thành cơ sở cách mạng và từ cơ sở cách mạng chuyển lên thành đảng viên. Các ban, ngành căn cứ vào nhiệm vụ chiến lược, khả năng cụ thể của mình và phương hướng chỉ đạo của Thành ủy mà chủ động đẩy mạnh công tác phát triển thực lực cách mạng. Để luôn luôn chủ động nắm quần chúng công nhân lao động, Thành ủy chủ trương giành quyền làm chủ ở cơ sở khóm, phường, nhất là các khu lao động đông dân. Đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình), phó bí thư Thành ủy chỉ đạo phong trào này.

Tiếp sau phong trào chống lệnh động viên, quân sự hóa học đường, đòi hòa bình, tháng 4 năm 1969, đội vũ trang tuyên truyền học sinh đột nhập trường Huỳnh Khương Ninh, kêu gọi học sinh vùng lên lật đổ Thiệu Kì, gia nhập các lực lượng vũ trang cách mạng.

Vào dịp lễ Phật Đản năm 1969, “Ủy ban thanh niên học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ và hòa bình” được thành lập, phối hợp cùng các giới khác lên án Mĩ ngụy tiến hành chiến tranh hủy diệt, đòi vãn hồi hòa bình.

Nguyễn Văn Thiệu cấm tổ chức lễ Quốc tế Lao động ngày 1 tháng 5 năm 1969, nhưng hơn 500 đại biểu của 118 nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn bất tuân lệnh, cứ tổ chức ngày hội lớn của giai cấp công nhân, vạch mặt Thiệu và tay sai, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi hòa bình, lập lại quan hệ bình thường Nam - Bắc.

Tháng 5 năm 1969, Đại hội đại biểu các lực lượng thành phố bầu ra Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố do Giáo sư Nguyễn Văn Chi làm chủ tịch.

Sau đợt tiến công tháng 5 trên chiến trường, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam họp trong các ngày 6, 7, 8 tháng 6 năm 1969 quyết định thành lập chế độ cộng hòa, bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời. Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch và luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, làm Phó Chủ tịch. Đại hội ra lời hiệu triệu quân và dân miền Nam tăng cường đoàn kết, ra sức chiến đấu, dưa sự nghiệp chống Mi cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Vào lúc này ở Sài Gòn, Gia Định xuất hiện hai phong trào mới: phong trào các nghiệp đoàn nông dân, tá điền và phong trào lực lượng quốc gia tiến bộ. Các nghiệp đoàn nông dân và tá điền ở các tỉnh lân cận Sài Gòn, từ trước năm 1968, đã đấu tranh chống dự luật của Hạ nghị viện ngụy về nông dân, nay lại kéo về thành phố tiến hành đại hội.

Lực lượng quốc gia tiến bộ do luật sư Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch, với nội dung đấu tranh từ cứu giúp nạn nhân chiến cuộc, tiến lên đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh: tờ nội san Hòa Giải của lực lượng không chỉ phát hành nội bộ mà còn phát hành công khai, đòi hòa bình, lên án chiến tranh.

Tháng 7 năm 1969, công nhân ngành xe buýt đấu tranh chống chủ trương Mĩ - ngụy, giải tán việc công quản xe buýt để cho tư nhân tham gia đấu thầu, thực chất là chúng âm mưu sa thải những công nhân tích cực đấu tranh, chuyển việc quản lí xe buýt cho những tên tay chân ngụy quân, ngụy quyền để dễ bề nắm giữ, thao túng. Toàn thể công nhân xe buýt kiên quyết giữ vững vị trí, dũng cảm chống lại lực lượng cảnh sát dã chiến ngụy đến đàn áp, kiên trì giữ vững yêu sách đòi chính quyền phải hủy bỏ chính sách đấu thầu xe buýt. Cuộc đấu tranh kéo dài trong nhiều tháng, được đại biểu của 118 nghiệp đoàn ra tuyên bố ủng hộ. Công nhân các ngành dầu hỏa, bến cảng, hóa phẩm, các hãng ESSO, Silico, Mic, xưởng Caric, bệnh viện Đồn Đất, các hãng pin Quang Minh, Con Ó, cơ quan USAID… đồng tình hưởng ứng. Một số đồng bào ở các chợ mang cơm gạo, bánh mì, thực phẩm tiếp tế cho công nhân xe buýt.

Các lực lượng vũ trang nội thành đẩy mạnh hoạt động trừ gian, trừng trị nhiều tên tay sai quan trọng như Lê Minh Trứ, tổng trưởng văn hóa giáo dục và thanh niên (ngày 6 tháng 1 năm 1969), Lê Diệu Luận, phó chủ tịch nhân dân tự vệ khóm 24 phường Chợ Quán, Trưởng văn phòng đặc vụ Đài Loan (ngày 6 tháng 4 năm 1969) Văn Điền Quang, nghị viên độ thành (ngày 16 tháng 6 năm 1969), Hà Thành Tín phụ trách Phân cục cảnh sát quận 6 (tháng 7 năm 1969)… Biệt động đã tấn công Phân cục cảnh sát ngụy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Phân cục cảnh sát quận 5.

Các xe quân sự Mĩ liên tục bị tấn công, chúng buộc phải tổ chức yểm trợ các cuộc di chuyển quân sự trong thành phố. Một lực lượng đáng kể binh lính địch bị trói chân vào công việc canh gác ở đường phố.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #156 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:08:03 am »

Mùa hè, trên địa bàn vùng ven (đang trực thuộc các phân khu) địch tiếp tục phản kích quyết liệt. Một số đơn vị còn trụ lại, nhưng buộc phải xé lẻ, thụ động chống đỡ hơn là chủ động tìm địch để tấn công, bị tiêu hao vì phi pháo và biệt kích địch.

Tuy nhiên, vùng ven vẫn tồn tại những xã du kích mạnh, những đơn vị tốt.

Xã Phước Hiệp (Củ Chi) trong một tháng (tháng 6 năm 1969) đánh địch càn diệt 17 xe bọc thép, bắn hỏng 14 xe khác.

Trong tháng 7 năm 1969, du kích các xã Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ bốn lần đột nhập khu gom dân Trung Hòa, phát động quần chúng nổi dậy, phá kềm, giải tán phòng vệ dân sự, diệt 8 tên ác ôn thuộc các thành phần khác nhau.

Bám trụ để đánh địch là truyền thống của quân dân Củ Chi, cán bộ trong tình huống nào cũng quyết tâm bám trụ trong tư thế chiến đấu. Địa đạo vẫn là căn cứ bảo đảm vững chắc nhất của cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới. Hầu hết ấp chiến lược đều có hầm bí mật. Nổi bật như ở Phú Hòa Đông, Trung Hòa, địch biết ta ban ngày bám trụ, đêm bung ra, chúng liên tục bao vây 10 ngày, ngay trong đêm, nhân dân ở trong ấp chiến lược đào hầm sẵn, nuôi giấu trên 70 cán bộ. Số này thoát khỏi cuộc vây ráp của địch. Quần chúng tìm mọi cách chuyển lương thực thực phẩm cho du kích, bộ đội, cán bộ: độn cơm vào ngực, giấu gạo trong cán cuốc, ống trúm đặt lươn, giả cúng thần, cúng thánh để đem dầu heo, bánh trái ra căn cứ.

Nhân dân Củ Chi có câu “giết một thằng bình định bằng giết ba thằng Mĩ”, bọn tâm lí chiến được xếp vào hàng đầu trong số này. Du kích Tân Thạnh Tây, một lần đột nhập ấp chiến lược Tân Quy diệt một đội bình định 7 tên.

Vào khoảng tháng 8 năm 1969, trước tình thế khó khăn, huyện chủ trương cử một trung đội nữ du kích Củ Chi, về hoạt động bên trong các ấp chiến lược, vào các tổ du kích mật và bổ sung một số chị em cho biệt động thành. Lực lượng này thật sự trở thành lực lượng biệt động tại chỗ, tấn công địch bất kì nơi nào: quán nước, nhà ăn, trụ sở… Các khẩu cối 82 li phân tán cho du kích giấu dưới địa đạo, khi cần lấy lên sử dụng ngay.

Các công trường xã tiếp tục duy trì, phát triển, du kích nghĩ ra nhiều loại mìn gạc, mìn hóa học, “mìn chín nắm”, mìn nylon… chống được máy dò của địch. Những bãi mìn, trái lớn hình thành, có những bãi dài đến hàng nghìn mét như ở Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Thái Mĩ. Bãi ở An Nhơn Tây gài đến 900 trái các loại. Có nhiều người rất thành thạo trong sản xuất vũ khí như: Tô Văn Đực, Phạm Văn Cội, Nguyễn Văn An, Lê Văn Đạm…

Ở Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, lực lượng võ trang tập trung chia nhỏ ra thành từng phân đội cùng du kích bám địa bàn, đánh địch, đánh tiêu hao ở các khu vực Bình Trưng, Phước Long, Long Trường, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mĩ, An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân, Nhị Bình, Tân Thới Hiệp, Đông Thạnh…

Ở Rừng Sác, đại hội Đảng Đoàn 10 lần thứ ba cuối mùa xuân 1969, diễn ra trong tình thế hết sức căng thẳng: Rừng Sác đang bị bao vây, đội 5 vào sinh ra tử quân cảng Nhà Bè trung bình tấn công hơn chục trận mà chỉ hi sinh 1 chiến sĩ, nhưng sau một trận đánh càn số quân còn một nửa, đánh đi đánh lại chỉ còn 9 tay súng. Các đội khác (cấp đại đội) còn 15, hai ba chục tay súng được coi là sung sức. Các chiến sĩ dùi đường về chiến khu Đ lần lượt hi sinh. Hàng loạt DK75, B40, B41 hết đạn. Lần lượt từ đại đội 2 trên sông Ông Kèo, đến các đơn vị khác bắt đầu ăn cháo rau kềm, có nơi luộc trái sú, vẹt ăn thay cơm. Đảng ủy lúc này gồm các đồng chí Bảy Ước (chính ủy), Cao Thanh Tao và đồng chí Hải lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vượt thời kì khó khăn nhất.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra: lấy gì đánh, lấy gì ăn, đánh rồi lui về đâu, hay tạm lui hết về đất liền?

Trong tình thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III của Đoàn 10 nêu rõ: “bất cứ giá nào cũng phải đứng lại Rừng Sác”, bằng biện pháp và quyết tâm “Rừng Sác là nhà”. Nghị quyết nêu thành khẩu hiệu lịch sử:

Rừng Sác nà nhà.

Sông Lòng Tàu là trận địa.

Bến cảng, kho tàng, tàu địch là quyết chiến điểm.

Có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh thắng, đánh phải thắng.


Nghị quyết xuống các đơn vị kèm theo chỉ thị:

Bắt cá, mò cua.

Tại chỗ tùy cơ ứng biến - nghe xã luận đài mà đánh…


Chỉ huy Đoàn nhận được những lá thư quyết tử bám trụ từ phía Tây sông Lòng Tàu. Lá thư viết bằng máu của đội 6: “Chúng tôi một tấc không đi, một li không rời khi chưa có lệnh”; “còn người còn chiến đấu, còn người còn trận địa”. Có biết bao tấm gương về những chiến sĩ Rừng Sác chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng, về trận địa một người chống chọi hàng đại đội giặc. Trên một cù lao không tên, đồng chí Kiệt, một cán bộ đại đội là người còn lại cuối cùng, bị địch bắn gãy lìa một khúc chân, còn bò đi gom súng đạn của đồng đội hi sinh để lại, đánh gãy đợt xung phong tiếp của địch. Lịch sử Đoàn 10 đang trải qua những tháng năm gian khổ nhất gọi là thời kì “bắt cá - mò cua - mua gạo - cháo rau kềm”. Gần 200 cơ sở quần chúng gắn bó với Đoàn tập trung lo tiếp tế gạo, thực phẩm, thuốc men. Cán bộ chiến sĩ đội quân giới của Đoàn vào “chiến dịch” truy tìm bom pháo lép (tính đến năm 1971 lấy được 1275 kg thuốc nổ từ trái bom lép). Đội quân giới của đồng chí Tư Tiên và kĩ sư Mười Thiện đã sáng chế, cải tiến ra nhiều loại mìn trong đó có “bom bày” chế từ DKB đánh được tàu 10.000 tán, mìn ngòi phèn chua thay mìn hẹn giờ Liên Xô…

Ngày 18 tháng 5 năm 1969, quyết lập công mừng sinh nhật Bác, trong vòng 30 phút trên sông Lòng Tàu, chiến sĩ Đoàn 10 bắn cháy 2 tàu dầu của giặc, một chiếc 7.000 tấn và và một chiếc 12.000 tấn.

Thấy hiện tượng hoạt động của đặc công ta tăng lên, ngày 24 tháng 6 năm 1969, địch tổ chức trận càn Mĩ - ngụy hỗn hợp quy mô lớn do lữ đoàn 199 Mĩ chủ công, lữ trưởng David chỉ huy, đánh vào khu vực sông Ông Kèo, nơi mà chúng đinh ninh có cơ quan chỉ huy của Đoàn 10.

Qua cơ sở quân báo, ta nắm được ý định của địch nên đã bố trí trận địa đánh địch từ Vàm Ông Kèo vào gồm các chốt: B40, B41, ĐKZ, mìn của đội 1, đội 2, các trận địa bộ binh đại đội 1, đại đội 2.

Chiến sự ác liệt diễn ra từ sáng sớm đến 15 giờ, phía sông Ông Kèo, ta loại đoàn tàu 10 chiếc của Mĩ, nhưng phía sau tiểu đoàn ngụy tràn qua được, gây thiệt hại cho đại đội 2. Ta giết, làm bị thương 200 tên Mĩ - ngụy, bắn chìm cháy 10 tàu. Đặc biệt tại Vàm sông Ông Kèo, ta bắn rơi chiếc máy bay chỉ huy của tướng David lữ trưởng lữ 199, tên này bị thương.

Cũng tháng 6 năm 1969, đặc công Rừng Sác đã tổ chức vượt lên đất liền, liên tiếp pháo kích Bộ tư lệnh Hải quân ngụy và kho xăng Nhà Bè.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #157 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:09:29 am »

Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, đêm 3 tháng 9 năm 1969, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi một tin đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của dân tộc ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Không ai tưởng tượng một sự thật đau buồn như vậy có thể đến, dù đó là điều không thể tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người xây dựng nền Cộng hòa Dân chủ và Mặt trận thống nhất, là Bác Hồ, Người Cha thân yêu của dân tộc. Bác ra đi để lại cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta bản di chúc lịch sử. Người khẳng định: “Cuộc chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”.

Sài Gòn - Gia Định đang trong những ngày khó khăn gian khổ nhất. Quân dân Sài Gòn - Gia Định nén đau thương, anh dũng phấn đấu, quyết tâm vượt lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai để đánh thắng hoàn toàn giặc Mĩ xâm lược, giải phóng miền Nam.

Với lòng tiếc thương vô hạn, nhiều đồng bào thành phố bất chấp sự theo dõi của địch đã tổ chức truy điệu Bác bằng nhiều hình thức công khai hoặc bí mật.

Công nhân xe buýt giành cả ngày và đêm 9 tháng 9 làm lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch.

Trên 100 thanh niên, sinh viên thuộc đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài “Hồn tử sĩ”.

Tại nhà lao Chí Hòa, anh chị em tù chính trị để tang 7 ngày. Suốt tuần lễ tang, sáng nào 600 anh chị em tù chính trị cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Người.

Tại Ngã Bảy, anh chị em công nhân và các nghiệp đoàn quanh vùng đó chiếm trụ sở Tổng liên đoàn lao động để tổ chức mít tinh, làm lễ truy điệu Bác.

Tại vùng Hòa Trung 200 Phật tử, nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh tập trung về chùa Khánh Hưng. Đúng 2 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 1969, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau lễ tang truy điệu Bác Hồ ở quảng trưởng Ba Đình (Hà Nội), lễ truy điệu tại đây bắt đầu.

Thượng tọa Thích Pháp Lan đọc điếu văn ca ngợi công lao và đức độ Bác Hồ. Nhiều người không cầm được nước mắt. Bốn ngày sau, tổng nha cảnh sát gửi giấy mời thượng tọa Thích Pháp Lan đến thẩm vấn suốt từ 8 giờ đến 5 giờ chiều. Trước lí lẽ sắc bén của thượng tọa và khí thế đấu tranh của thành phố, địch buộc phải thả thượng tọa. Trong khi đó, đồng bào ở hẻm 258/5/21A phường Phan Thanh Gian quận 10 làm lễ truy điệu Bác và nghe đọc tiểu sử Bác dưới hình thức một đám giỗ tại nhà chị Biểu. Ở quận 8, chi bộ phường Hưng Phú, sau khi tổ chức canh phòng chu đáo, tập trung đồng bào tại xóm Đầm để truy điệu Bác. Cảnh sát ngụy biết, nhưng không dám xúc phạm để tình cảm của nhân dân.

Nhiều gia đình trong thành phố đốt nhang trên bàn thờ làm lễ tang Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên đài Hà Nội, Giải phóng. Quân dân ngoại thành làm lễ truy điệu Bác ở nhà, ngoài căn cứ, dưới địa đạo. Có nơi cán bộ làm lễ truy điệu Bác dưới hầm bí mật.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện di chúc Bác để lại: “… Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, các đội biệt động tổ chức thành 3 cụm, mỗi cụm có nhiều đội, khẩn trương vừa củng cố vừa xây dựng và hoạt động theo phương châm kết hợp chặt chẽ chính trị với vũ trang, thực hiện “3 mũi giáp công” ở cơ sở.

Các lực lượng vũ trang nội thành cũng đang đứng trước thời kì khó khăn nhất, nhưng không phải không hoạt động được. Địch thú nhận trong vòng 2 tháng cuối năm 1969, trong và xung quanh Sài Gòn (vùng chúng kềm kẹp) xảy ra đến 2.000 vụ nhân viên của chúng bị trừng trị, nhưng không có vụ nào phát hiện được người thực hiện. Những trận nổi bật như trận tấn công tòa báo Chính Luận, tờ báo phản động duy nhất ở miền Nam đã xúc phạm đến thân thế và sự nghiệp Bác Hồ, trụ sở ở đường Võ Tánh (ngày 16 tháng 12 năm 1969(1); trận tấn công tòa hành chánh quận 3 và làm sập 2 căn nhà, thiêu hủy nhiều hồ sơ địch (tháng 1 năm 1970); trận tấn công trung tâm quốc gia báo chí, nơi bọn phản động thường hội họp; trận tấn công cư xá Mĩ bên hông rạp Đại Nam (ngày 20 tháng 1 năm 1970); trận tấn công trụ sở ngụy quyền ở đường Cô Bắc diệt 12 tên (ngày 7 tháng 3 năm 1970); trận tấn công khách sạn Mĩ và sĩ quan ngụy ở gần rạp Eden loại nhiều tên (ngày 17 tháng 3 năm 1970)…

Trong thời kì khó khăn này, nổi lên 2 nữ biệt động xuất sắc là Đoàn Thị Ánh Tuyết và Trần Thị Mai.

Ngày 8 tháng 2 năm 1970, tức mồng 3 Tết âm lịch, Đoàn Thị Ánh Tuyết dùng nữ biệt động Sáu Hạnh thực hiện cuộc tiến công Trung tâm Quốc gia báo chí, loại một số cố vấn tình báo Mĩ và 28 tên mật vụ, cán bộ bình định và sĩ quan tình báo Sài Gòn.

Cũng vào những ngày này, ta đánh chất nổ trong Tổng nha cảnh sát ngụy, do một nữ chiến sĩ an ninh thực hiện, nhiều tên chết và bị thương, phần lớn là thẩm viên cảnh sát, làm cháy trên 100 xe gắn máy. Địch huy động đến máy bay lên thẳng để chữa cháy, đem xe GMC đến lấy xác và đưa số bị thương đi cứu chữa. Trận này làm cho địch nghi ngờ lẫn nhau.

Với ý thức đánh địch để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, cuối tháng 1 năm 1970, nữ chiến sĩ Tư Kiên thuộc lực lượng vũ trang Thành Đoàn, đang bụng mang dạ chửa tự nguyện xin “đi đánh trận nữa để cổ vũ phong trào rồi đi đẻ”. Ngày 30 tháng 4 chị đã cùng các chiến sĩ Lê Phi Hùng, Phạm Văn Triệu thực hiện cuộc tiến công táo bạo vào cư xá Thái Lan thuộc sư đoàn Báo Đen ở phường Phan Thanh Giản (nay là công trình bưu điện II ở phường 14 quận 10) gây thiệt hại cho địch không đáng kể nhưng có ảnh hưởng ngay đến khí thế tiến công chính trị của sinh viên đang diễn ra ở khu vực Bàn Cờ. Cũng chính nơi này địch phát hiện chỗ đặt cối 60 li của biệt động định bắn vào cơ quan MACV. Văn Văn Của đô trưởng Sài Gòn đích thân chỉ huy cuộc lùng sục. Đồng chí Thanh một mình chống chọi một đại đội địch từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, hi sinh tại trận.

Tại đường Nguyễn Văn Thoại, chị Tám A và nữ đồng chí Ngoạn hi sinh trong trận dùng thuốc nổ đánh nơi tập trung binh lính Đại Hàn.

Tháng 10 năm 1969, chính quyền Thiệu ban hành thuế kiệm ước, đánh vào trên 1.500 mặt hàng, gây xáo trộn đời sống của mọi tầng lớp nhân dân thành thị, trước hết là công nhân lao động. Báo chí Sài Gòn gọi thuế kiệm ước là “một quả bóng khủng khiếp nổ trên đầu dân nghèo”. “Một mụn ghẻ lở làm cho dân chúng nhức nhối thấu xương”. Do đó thuế kiệm ước cùng với các thứ thuế khác như: “thuế dịch vụ”, “thuế thông hành”, “thuế lương bổng”… đã gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân dân lao động và nhân dân thành phố.

Ngày 31 tháng 10 năm 1969, gần 100 đại biểu công nhân thuộc liên đoàn vận tải miền Nam mở cuộc hội thảo khẩn cấp tại Sài Gòn, đòi ngụy quyền bãi bỏ thuế kiệm ước.

Công nhân các hãng dầu Shell, Esso, Caltex và công nhân nghiệp đoàn ngân hàng liên tiếp trong các ngày 16, 17, 19 tháng 11 năm 1969 mở hội nghị lên án việc ngụy quyền tăng thuế.

Đầu tháng 12 năm 1969, bắt đầu từ ngày 3 lại nổ ra cuộc đình công của 3.000 công nhân hãng Hàng không Việt Nam đòi tăng lương 50% cùng nhiều yêu sách khác. Cuộc đình công làm cho Mĩ ngụy bị thiệt hại mỗi ngày đến 12 triệu đồng tiền Miền Nam. Lo sợ cuộc đấu tranh có thể bạo động, Tổng thống ngụy buộc phải chỉ thị cho phó của y là Trần Văn Hương trực tiếp tìm mọi cách giải quyết để “tránh bị xáo trộn nhất là trong giai đoạn này”.

Trong lúc đó, 5.000 công nhân bến cảng Sài Gòn bãi công phản đối địch vô cớ sa thải 105 công nhân. Cảng Sài Gòn một lần nữa tê liệt: hàng hóa quân sự Mĩ không được bố cỡ. Địch buộc phải bãi bỏ việc sa thải số công nhân nói trên.


(1) Trận này do hai chiến sĩ Phan Thanh và Nguyễn Văn Thành thực hiện, các chiến sĩ Mười Hưng và Ba Hoàng yểm trợ. Tòa báo Chính Luận bị đánh sập lúc 6 giờ 25 phút ngày 16 tháng 12 năm 1969.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #158 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:10:15 am »

Cho đến lúc này - cuối năm 1969 đầu năm 1970 - cuộc đấu tranh của công nhân ngành xe buýt chống việc đấu thầu vẫn đang tiếp diễn, làm cho hoạt động của nhiều cơ sở công nghiệp, thương nghiệp quan trọng của ngụy quyền như hãng dầu Esso, Caltex, sở hỏa xa, cơ quan viện trợ Mĩ USAID… bị đình trệ. Ngày 7 tháng 1 năm 1970, 38.000 công nhân thuộc 128 nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Chợ Lớn đình công để phản đối ngụy quyền, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân xe buýt. Qua đấu tranh kiên trì của công nhân, được lao động thành phố ủng hộ mạnh mẽ, ngụy quyền không những buộc phải chịu trả lương cho công nhân ngay trong những tháng đấu tranh, hứa giải quyết các yêu sách khác, mà còn phải ưu tiên nhận toàn bộ công nhân xe buýt vào làm việc. Như vậy, âm mưu địch định dùng đấu thầu để chia rẽ, phá hoại phong trào đấu tranh của công nhân xe buýt đã bị thất bại.

Tại Trường Đại học Văn khoa, cuối tháng 10 năm 1969, ngay sau khi Thiệu ban hành thuế kiệm ước, Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức cuộc hội thảo lên án chính sách thuế khóa của ngụy quyền.

Kết hợp đấu tranh chính trị, đội vũ trang sinh viên đã trừng trị Bùi Hồng Sĩ, một tên cầm đầu sừng sỏ của bọn phản động tại Trường Đại học Văn khoa.

Tháng 12 năm 1969, chính quyền Sài Gòn lại ra quyết định thu một phần học phí các trường công, tăng 100% giá giấy báo. Quyết định này gây phẫn nộ lớn trong giới học sinh, sinh viên và giới báo chí thành phố. Ngày 10 tháng 3 năm 1970, nhiều trường học tổng bãi khóa phối hợp với ngày tổng đình bản tất cả các báo Sài Gòn; Trường Trung học Cao Thắng bị cảnh sát đến bao vây. Lo sợ phong trào học sinh, sinh viên lại bùng dậy, Bộ Giáo dục ngụy buộc phải xoa dịu, công bố ngưng thi hành lệnh thu học phí các trường kĩ thuật. Nhưng ngày 11 tháng 3 năm 1970, địch lại bắt giam 41 học sinh, sinh viên Sài Gòn trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội sinh viên, dùng nhục hình tra tấn. Địch đã “đổ dầu vào lửa”. Từ ngày 23 tháng 3 năm 1970, sinh viên các Trường Đại học Dược, Y, Nông lâm súc, Khoa học kiến trúc, Sư phạm kĩ thuật Phú Thọ và học sinh các trường trung học Cao Thắng, Pétrus Kí, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Gia Long, Bồ Đề, Tân Văn… tổng bãi khóa, đòi Thiệu phải thả ngay số sinh viên bị bắt. Cuộc đấu tranh lan ra nhiều tỉnh khác ở miền Nam. Số học sinh, sinh viên tham gia đến ngày 5 tháng 4 năm 1970 lên 6 vạn ở Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, Đà Lạt.

Ngày 19 tháng 4 năm 1970, địch mở tòa án xét xử số học sinh sinh viên bị bắt. Hàng ngàn học sinh, sinh viên và nhân dân thành phố kéo tới bao vây tòa án, tràn vào trụ sở quốc hội ngụy, phản đối xét xử… Trước áp lực mạnh, địch buộc phải hoãn phiên tòa, trả tự do cho 10 học sinh, sinh viên. Không thỏa mãn với kết quả này, cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên tiếp diễn. Ngày 3 tháng 6 năm 1970, ngụy quyền buộc phải trả tự do cho một số học sinh, sinh viên nữa.

Trong lúc đang đấu tranh về vấn đề học phí, chống bắt bớ, ngày 21 tháng 4 năm 1970, học sinh, sinh viên lại phát động cuộc đấu tranh chống bọn phản động Lonnon tàn sát dã man Việt Kiều ở Campuchia. Đại biểu học sinh, sinh viên đến Trần Thiện Khiêm, thủ tướng ngụy lên án thái độ làm ngơ của chính quyền. Lễ truy điệu đồng bào bị giết hại ở Campuchia được tổ chức trọng thể tại Trường Đại học Khoa học. Sau lễ truy điệu, hàng ngàn học sinh, sinh viên, đầu quấn khăn tang tiến chiếm tòa Đại sứ Lonnon tại Sài Gòn. Cảnh sát ngụy kéo đến bao vây đàn áp. Sinh viên học sinh dùng gạch đá, gậy gộc, bàn ghế, chai xăng đánh trả. Cả vùng Bàn Cờ, Vườn Chuối náo động.

Nhân dân lao động xung quanh ủng hộ, tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. Phối hợp cuộc đấu tranh chiếm giữ tòa Đại sứ Lonnon, ngày 27 tháng 4 năm 1970, cuộc đấu tranh chiếm trường, bãi khóa nhiều ngày bắt đầu tại trên 20 trường trung học công và tư chức ở thành phố.

Nhìn lại từ sau Tổng tấn công Mậu Thân đến trước hè 1970, ở đô thị, địch đã tập trung mọi biện pháp diệt các lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng nhất là trong công nhân lao động tự coi là “thắng lợi”, chúng tỏ vẻ nới rộng dân chủ đối với tầng lớp trên như trí thức, sinh viên. Còn ta với mọi cố gắng, khôi phục, xây dựng cơ sở, các lực lượng vũ trang nội thành đã giữ được nhịp độ hoạt động nhất định (tuy không bằng trước) phong trào công nhân vẫn duy trì một mức độ liên tục; giới học sinh, sinh viên tỏ ra khá nhạy bén, giữ vững vị trí “ngòi pháo” đấu tranh. Nhưng từ đó có ý kiến đánh giá phong trào sinh viên cũng là “thân pháo”.

Điểm lại, lực lượng lãnh đạo nội thành vẫn đang tiếp tục bị tổn thất lớn sau Mậu Thân. Nhiều cán bộ của Thành ủy, Phân khu ủy, Quận ủy và các ban ngành đoàn thể đảng viên đã hi sinh, bị bắt. Trong thời gian hơn một năm, nhiều đồng chí trong các ban cán sự liên quận lần lượt bị bắt: Phạm Thị Tốt (Thành ủy viên, Bí thư quận 1), Phan Văn Vinh (Chín Kế, Bí thư liên chi quận 11 sau đồng chí Tốt), Nguyễn Hữu Phước (Chú Đấu, ủy viên ban cán sự liên quận 1), Phạm Xuân Ái (Nam Ái, ủy viên cán sự liên quận 1, Ba Bắc (thành ủy viên, Bí thư liên quận 3), Đặng Gia Lợi (Ba Bú, Bí thư liên quận 3 sau đồng chí Bắc)… Chỉ riêng quận 7 đến cuối năm 1969, quận ủy vừa hi sinh vừa bị bắt 11 đồng chí, cán bộ chủ chốt hi sinh trên 20 đồng chí. Quận 8 hi sinh và bị bắt 12 đồng chí trong đó có đồng chí Tư An, Bí thư quận ủy. Cơ sở Đảng bị đánh phá dữ dội. Căn cứ của các cơ quan lãnh đạo phải di chuyển liên tục.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong gian nan lòng dân thêm sáng rõ. Bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Rành (Tám Rành) ở Củ Chi có đến 8 người con liệt sĩ (2 hi sinh trong chống Pháp, 4 hi sinh trong chiến tranh cục bộ, 2 hi sinh trong những tháng năm quyết liệt của thời Việt Nam hóa chiến tranh). Cụ Nguyễn Văn Cầm (chồng của má), trước khi mất (1968) thường dạy các con: “Bổn phận làm trai khi đất nước còn có kẻ thù xâm lược là đánh giặc; thà đói ăn đất, khát uống nước ruộng, chứ không vì giàu sang mà cam tâm làm nô lệ!”.

Trong vòng một năm từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1969, hoạt động “Phụng hoàng” tại biệt khu thủ đô đã loại 602 hạ tầng cơ sở của ta (cả bị giết, bị bắt và chiêu hồi).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #159 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2012, 10:10:41 am »

Trên chiến trường chung, xuân hè 1969, quân Mĩ vẫn duy trì mức quân số cao (474.000). Một chiến thuật lợi hại nổi bật của địch lúc này là biệt kích, được chúng coi là chiến thuật “tràn ngập lãnh thổ”. Trên nhiều khu vực dân cư vùng giải phóng, địch đã gom hốt triệt để mức mà từ trước đến nay chúng chưa từng thực hiện được. Vùng giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát coi như không còn dân sau cuộc hành quân “cái nêm Atlas”. Trong năm 1969 ở Củ Chi, địch gom 4.000 nóc nhà vào các ấp chiến lược, còn 31.000 nóc gia khác bị khoanh tại chỗ. Các cơ quan Củ Chi bị thiệt hại nặng: văn phòng huyện ủy hi sinh 8 đồng chí, bị bắt 2 (còn lại bí thư, 2 bảo vệ và 1 thư kí); ban tuyên huấn hi sinh hơn phân nửa; 1 cơ quan an ninh bị lộ hầm bị địch diệt toàn bộ… Từng bộ phận các cơ quan Củ Chi phải phân tán, tự xoay xở, không liên lạc được với nhau; chị em ở căn cứ phải chuyển phần lớn ra hợp pháp ở ấp chiến lược.

Du kích Bắc Củ Chi trước tháng 10 năm 1969 có 533 người đến cuối năm 1969 còn 210, đến quý II năm 1970 còn 182 người; du kích Nam Củ Chi trước tháng 10 năm 1969 có 2000 người, đến cuối năm 1969 còn 112 người, đến quý II năm 1970 còn 106. Vĩnh Lộc (Bình Chánh) cả xã chỉ còn vài du kích. Có chi bộ hầu hết đảng viên bị hi sinh như các chi bộ xã Trung An, Tân An Hội, Phước Hiệp, Bình Mĩ, Vĩnh Lộc. Ở nhiều xã Rừng Sác như Đồng Hòa, Long Thạnh, Long Sơn nhiều lớp du kích thay nhau. Nhiều đơn vị vũ trang quân khu phải chuyển từ chủ lực xuống làm bộ đội địa phương và bộ đội xuống làm du kích xã… Trung đoàn 16 cơ động phân khu phải sang tận Campuchia tải gạo. Địch bám căn cứ Thành ủy rất gắt. Sau cuộc tấn công căn cứ ở Cẩm Sơn tháng 5 năm 1969, địch lại tấn công vào hội nghị Thành ủy mở rộng ở căn cứ Tân Phú (Bến Tre). Cuối năm 1969, chúng lại tấn công các căn cứ Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Đức Mĩ (Tiền Giang); tháng 10 năm 1970 bao vây căn cứ Mỏ Cày…

Một bộ phận nhân dân vùng giải phóng chưa bị gom cũng phải lánh về các vùng xa, sống nhờ người quen hoặc sống dã chiến lưu động trên những chiếc xe bò.

Tuy nhiên, trên thực tế, địch chưa xóa nổi nhiều lõm du kích ở vùng tranh chấp xen kẽ, sát nách chúng. Một trận càn đi qua, bình thường từ 15 giờ chiều hằng ngày, vùng du kích làm chủ lại trở lại nếp sống của nó: các cơ quan lại tiếp tục làm việc, bộ đội du kích củng cố trận địa, dân lại ra đồng, lấy đêm làm ngày.

Sự tồn tại của lõm du kích thật nhiều kiểu, xã Thái Mĩ (Củ Chi) là một kiểu độc đáo. Ở đây, mùa mưa, ruộng đồng nước trắng xóa, đầy tràn… lõm du kích tồn tại giữa đồng cỏ băng, đưng, năn trên những bờ dứa dại cao 3, 4 mét đầy gai. Du kích cắm cừ, đắp đầy làm hầm nổi, dưới đáy hầm lát ván, trên là mái nylon, kết lá dứa ngụy trang. Bộ binh địch không tới nổi, chúng cho máy bay lên thẳng đến tốc lá, tốc nylon phát hiện hầm, thò cả bàn tay sắt ra nhổ từng bụi dứa, nhưng không thanh toán nổi cả vùng cây dứa dại. Chiến sĩ ta cắm cọc chèo làm trụ vông và che nylon hoặc gác cây tầm vông lên nhánh dứa để nằm, xúc đất làm mô nấu cơm, ăn cơm đứng dưới nước, đi gặp nhau bằng xuồng, dùng xong dìm xuống nước,… nhưng điều đáng quý, không gì đánh đổi được là vị trí áp sát quân thù.

Trâu bò bị giết hàng chục, hàng trăm con qua một trận càn, cày bừa bị chặt gẫy, nhân dân thiếu nước và thiếu giống, thiếu phân, thiếu người… Trong tình thế như vậy, các đảng bộ địa phương đề ra nhiệm vụ cho cán bộ và dân quân du kích phải đi đầu và tích cực giúp đỡ nhân dân trong sản xuất, coi là khâu quyết định để giữ dân, bám trụ. Có nơi ban đêm cán bộ và du kích bỏ rơm vào mình, bò sát căn cứ Mĩ để cày giúp dân. Ban ngày, họ lấy bùn trát đầy mình, ra đồng cuốc đất, hầm trú ẩn đào sẵn quanh ruộng. Bà con làm theo cán bộ và du kích. Máy bay thấy có người trên ruộng là tấn công. Đã lộ phải chiến đấu ngay trên bờ ruộng. Trồng lúa xong còn phải ngụy trang… Nhưng xét về lâu dài, đây là một kiểu sản xuất không đảm bảo nuôi sống số người bám trụ, cần phải có biện pháp đảm bảo hơn là đấu tranh với địch để dân ấp chiến lược bung ra đất cũ sản xuất trên thế hợp pháp. Bung ra, cũng có nghĩa là quan hệ với tổ chức kháng chiến trong lúc địch luôn luôn cố thu hẹp vùng sản xuất hợp pháp, mở rộng vùng bắn phá, tự do hủy diệt.

Trên thế mới, việc Củ Chi chuyển hướng một bộ phận bán du kích công khai thành du kích bí mật, đặc biệt là du kích nữ là chủ trương thích hợp. Việc này làm cho địch mất ăn, mất ngủ và thấy không còn nơi nào an toàn, từ quán nước, trụ sở… đến ruột ấp chiến lược. Có trận du kích mật Củ Chi đã diệt một lúc 8 tên cảnh sát, làm bị thương 12 tên khác tại quán nước, loại 13 dân vệ ngay trong ấp chiến lược Cây Bài. Có trận tấn công địch trên đường cái, bắn chết những tên giặc ngồi trên xe lam: 1 đại úy, 1 ác ôn (tên Thăng), 1 trung sĩ, tập kích 1 trung đội biệt kích Mĩ, diệt 15 tên. Đội nữ du kích Củ Chi phát huy mạnh lối đánh hóa trang táo bạo, diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, trung đoàn 268, trung đoàn 16 bám các đoàn xe ủi phá địa hình của địch, tổ chức tập kích khi chúng cụm lại, diệt nhiều cụm xe ở Bời Lời Bảu Nổ, Thanh An, Suốt Cát…

Đoàn 89 pháo binh (do 2 tiểu đoàn 8 và 9 pháo binh hợp nhất) liên tục pháo kích vào căn cứ Chà Rầy, Trung Hòa, Lào Táo, Củ Chi, Đồng Dù…

Tiểu đoàn 4 Gia Định (đặc công) bám trụ vùng sâu, điều khiển đánh phá các đồn bót và kho tàng địch. Chiến sĩ đặc công Mai Dinh đánh kho bom Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) phá hủy 350.000 tấn bom, kho nổ suốt 2 ngày đêm (đầu năm 1970, Mai Dinh được tuyên dương anh hùng quân đội.

Tiểu đoàn 2 trung đoàn Quyết Thắng, trong 1 trận chống càn ở Nhị Bình (Gò Vấp - Hóc Môn), bắn rơi 15 máy bay trực thăng.

Cuối năm 1969, ở Rừng Sác, 3 lần đội 5 Đoàn 10 đột nhập quân cảng Nhà Bè, đánh chìm 3 tàu, đánh hỏng 1 tàu, tổng trọng tải 40.000 tấn (ngày 29 tháng 9, ngày 5 tháng 10, ngày 11 tháng 11 năm 1969).

Các chiến thuật của Mĩ: “Ong ruồi”, “xe”, “quạt” tiếng dùng của chiến sĩ ta chỉ cách đánh của trực thăng OH6, OH58 Mĩ, dùng sức gió cánh quạt thổi lòi cây cỏ, phát hiện nơi đóng quân của ta để dễ tiêu diệt) cũng bị bẻ gãy. Trực thăng vũ trang Mĩ OH6, OH58 làm mưa làm gió trên một chiến khu “nổi” như như Rừng Sác. Hè năm 1969, lần đầu tiên, một tổ hậu cần Đoàn 10 với AK 47 bắn rơi chiếc OH58 trên sông Thị Vải, bước đầu giải quyết được tư tưởng và chiến thuật đối với thứ vũ khí lợi hại này của Mĩ. Từ trận mở màn này, phong trào diệt OH6, OH58 Rừng Sác lan nhanh. Chiến sĩ Đoàn 10 không chỉ chủ động đánh trả mà còn lập trận địa thu hút OH6, OH58 đến để diệt, làm bẫy mìn trên cây…, có ngày 5, 6 OH6, OH58 bị hạ ở Rừng Sác. Đến cuối năm 1969 đã có 27 máy bay loại này bỏ xác trên khu rừng chỉ toàn là những cù lao lúc chìm lúc nổi này.

Đầu tháng 3 năm 1970, trong lúc địch đang càn Rừng Sác thì đội 21 lợi dụng thời cơ chúng sơ hở phía sau đưa một tổ đặc công do đồng chí Châu làm tổ trưởng, đột nhập quân cảng Nhà Bè, đánh chìm 1 tàu dầu 10.000 tấn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM