Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:05:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719  (Đọc 63645 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #80 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2014, 09:04:40 pm »


Tiên Sinh Quangcan:

Những gì tôi góp ý, chỉ liên quan đến liệt sỹ Nguyễn Văn Nhỡ (Liệt Sỹ Họ Tên: Nguyễn Văn Nhỡ - Sinh năm: 1949 Quê quán: Thôn Đồi Ngang, xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, Hà Nam Nhập ngũ: Tháng 8/1967 Đơn vị khi hy sinh: C9 D6 E24 F304 Chức vụ: Thượng sỹ, Trung đội phó Ngày hi sinh: 12/2/1971 Nơi hy sinh: Đồi Không Tên.).
Trường hợp của Liệt Sỹ Trương Công Luận, hy sinh ngày 15/3/1971, đơn vị khi hy sinh, c12, d6, 1450 ... thì lại ở mặt trận phía đông (đông Đường 16/92A; mặt trận của 308). Đơn vị 1450 là đơn vị nào?
Chúng ta biết, đến ngày 15 tháng 3, 1971 mặt trận đã dồn về phiá đông, về khoảng giữa của tuyến Alpha và Căn Cứ Bản Đông. Bản đồ bạn cung cấp có thấy địa danh Làng Sen và Sông Samu. Đây là vùng trách nhiệm của F308.
Trong một phút chán nản, tôi nghĩ chúng ta đang "mò kim đáy biển." Tôi chỉ có bấy nhiêu ý kiến, và xin được
ngưng về đề tài nầy ở đây. Nếu chúng ta không biết nhiệm vụ của c12, d6, 1450 làm gì trong thời gian
nói trên, thì khó tìm được vị trí hành quân/ đóng quân/ giao chiến của người liệt sỹ.
Tình Thân, NKP.
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2014, 08:17:47 am »

Chà, ngôn ngữ mạng là như vậy đấy,  Grin. Người viết sẽ luôn cảm thấy người đọc hiểu đúng ý mình nhưng không phải; tùy thuộc vào cách diễn đạt và cách hiểu trong tâm trạng tại thời điểm,  Grin.

Tôi phải xin lỗi rằng tôi diễn đạt chưa hết ý:
- một là, "Tý nữa bị lừa, sợ quá, ": là để chỉ cảm giác chủ quan của tôi khi nghe gia đình LS nói là nghĩa trang Làng Con, Làng Vei/ Làng Vây. Tôi cứ đinh ninh là gần Hướng Hóa trên đất Việt. Nếu không mở bản đồ 1/250K (trên) ra xem xét kỹ thì chắc chắc đã ngộ nhận và chỉ dẫn sai địa điểm. Như trên bản đồ 1/250K tiên sinh đã xem ở bài trước thì tồn tại một địa danh hành chính "Làng Con/ L. Con" (khoanh đỏ) khác - phía trên của Chakiphin về phía bắc - đông bắc. Tuy vậy, cụ thể chi tiết trên bản đồ 1/50K thì lại chưa thấy thể hiện và tôi đang cân nhắc xem nó nằm ở chính xác vị trí nào trên bản đồ này.

- hai là, đơn vị/ phiên hiệu 1450 là đơn vị nào? Nó chính là mật danh/ phiên hiệu/ bí số của F304/ sư đoàn 304 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào,  Grin.
Vậy C12 D6 1450 ở đây hiểu là đại đội 12 tiểu đoàn 6 trung đoàn 24 sư đoàn 304. Trong chiến dịch này, E24 để D4 xây dựng tuyến chốt đường 9, nôm na kiểu mũi lao thép vít chặt yết hầu giao thông, lấy cầu Chaki/ Chaky làm trung tâm xây dựng phòng tuyến phòng không đối chiến với chiến thuật trực thăng. Còn D5 và D6 là 2 tiểu đoàn cơ động, thoắt ẩn thoắt hiện bám đánh toàn diện, từ Bản Đông về Lao Bảo và sang tận Hướng Hóa. Theo sử F304 tôi thấy:
Trích dẫn
...Trên đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông, với các trận địa chốt liên hòa xây dựng vững chắc, cùng hai tiểu đoàn cơ động, kết họp với hỏa lực, trung đoàn 24 đã bắn rơi 30 máy bay trực thăng, phá hủy hàng trăm xe chở lính và xe thiết giáp của địch; cùng với các đơn vị bạn đánh thiệt hại 2 trung đoàn thiết giáp 17, 11 và lữ đoàn 1 quân dù, buộc địch phải dừng lại ở Bản Đông, Ka Ki. Ngày 28 tháng 2 năm 1971, địch phải đưa lữ 2 dù (lực lượng dự bị của sử dụng dù) và 2 trung đoàn thiết giáp 4 à 76 trước đây định đưa lên Sê Pôn, nay phải tung vào tăng cường cho cánh quân thứ nhất bảo vệ đường từ Lao Bảo đến Bản Đông.

Với một thế trận đã được xây dựng từ trước (kể cả việc làm đường cơ động trong những năm 1969, 1970), với địa hình quen thuộc và việc chuẩn bị nhiều phương án tác chiến, trung đoàn 24 đã liên tục đánh địch, diệt được nhiều đại đội địch. Đoạn đường 9 từ Lao Bản đến Bản Đông, trở thành “con đường máu lửa” đối với địch.... Từ ngày 3 tháng 3 đến 11 tháng 3 năm 1971, địch sử dụng lực lượng dự bị của cuộc hành quân vào chiến đấu, tiếp tục kế hoạch tiến công lên Sê Pôn và xuống phía nam với mục tiêu hạn chế. Nắm vững âm mưu địch, ta chuyển sang tiến công chiến dịch, một mặt kiên quyết giữ vững Phu Ta Băng và đề phòng địch chiếm Sê Pôn, Na Bo để bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược, mặt khác ta khẩn trương chuẩn bị điều kiện để tiêu diệt lực lượng dự bị của địch.

Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định:

Địch bất ngờ về sự xuất hiện của bộ đội chủ lực ta rất sớm trong một thế trận đã được chuẩn bị từ trước, bất ngờ về vai trò của quân ngụy tỏ ra bất lực, mặc dù qua hai năm được tăng cường củng cố, xây dựng, lại bị đánh đau, bị thiệt hại nặng, ngày càng bị động, hoang mang. Nhưng do ảo vọng chính trị và quân sự quá lớn, chúng buộc phải tung nốt lực lượng dự bị vào cuộc hành quân trong thế bất lợi, do đó địch lại bộc lộ sai lầm lớn.

Chủ trương của ta là: tiêu diệt lực lượng của sư đoàn bộ binh 1 ở các điểm cao nam đường 9 (là nơi địch sơ hở nhiều), không cho địch chiếm Sê Pôn, Na Bo, đồng thời ngăn chặn và diệt địch ở các điểm cao 550, 532, không cho chúng xuống Sa Di - Mường Noòng.

Để thực hiện chủ trương này, Bộ tư lệnh chiến dịch đã điều trung đoàn 64 lên phía tây để giữ Sê Pôn; nhích đội hình trung đoàn 66 lên phía tây, vừa làm dự bị cho sư đoàn 2 tiến công sư đoàn bộ binh 1 ngụy, vừa làm dự bị cho hướng Bản Đông; tập trung sư đoàn 324 (thiếu trung đoàn 2) tiêu diệt lữ 147. Các trung đoàn 2 sư đoàn 324, trung đoàn 102 sư đoàn 308, cùng với trung đoàn 24 sư đoàn 304 cắt đường 9 từ Lao Bảo lên Bản Đông và từ lao Bảo về Hương Hóa. Sư đoàn 308 chuẩn bị đánh địch ở Bản Đông.

Mỹ ngụy đã tung hết lực lượng dự bị vào cuộc hành quân, chúng vẫn không tiến được tới Sê Pôn, trước tình hình đó, tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu vội tung tin là quân của chúng đã chiếm Sê Pôn - cái đích cuối cùng của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, để đánh lừa dư luận và chuẩn bị rút quân. Bộ tư lệnh chiến dịch một mặt cho phát băng ghi âm tuyên bố của ông Văn Di, chủ tịch huyện Sê Pôn: “Tại thị trấn Sê Pôn chưa có một tên dịch nào đặt chân đến, nhân dân vẫn làm ăn bình thường và sẵn sàng chiến đấu”, để vạch trần luận điệu lừa bịp của địch; một mặt ra lệnh cho các đơn vị tổ chức tiến công địch trên toàn tuyến và đánh địch rút lui.

Ngày 16 tháng 3 năm 1971, sư đoàn 2 cùng một lực lượng của trung đoàn 48 diệt trung đoàn 1 sư đoàn 1 ngụy ở điểm cao 723. Cùng ngày, các trung đoàn 24 và 102 chặn đánh quyết liệt lực lượng thiết giáp địch trên đường 9, cắt đứt hoàn toàn giao thông của địch trên đường 9.

Ngày 20 tháng 3 năm 1971, ta tiêu diệt một phần lực lượng địch ở Bản Đông; sư đoàn 2 diệt phần lớn trung đoàn 2 sư đoàn 1 bộ binh ngụy ở điểm cao 660. Ngày 22 tháng 3, sư đoàn 324 đánh thiệt hại nặng lữ 147 ở điểm cao 550....
-
Logged

nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2014, 09:14:50 am »

Chà, ngôn ngữ mạng là như vậy đấy,  Grin. Người viết sẽ luôn cảm thấy người đọc hiểu đúng ý mình nhưng không phải; tùy thuộc vào cách diễn đạt và cách hiểu trong tâm trạng tại thời điểm,  Grin.
Tôi phải xin lỗi rằng tôi diễn đạt chưa hết ý:
- một là, "Tý nữa bị lừa, sợ quá, ": là để chỉ cảm giác chủ quan của tôi khi nghe gia đình LS nói là nghĩa trang Làng Con, Làng Vei/ Làng Vây. Tôi cứ đinh ninh là gần Hướng Hóa trên đất Việt. Nếu không mở bản đồ 1/250K (trên) ra xem xét kỹ thì chắc chắc đã ngộ nhận và chỉ dẫn sai địa điểm. Như trên bản đồ 1/250K tiên sinh đã xem ở bài trước thì tồn tại một địa danh hành chính "Làng Con/ L. Con" (khoanh đỏ) khác - phía trên của Chakiphin về phía bắc - đông bắc. Tuy vậy, cụ thể chi tiết trên bản đồ 1/50K thì lại chưa thấy thể hiện và tôi đang cân nhắc xem nó nằm ở chính xác vị trí nào trên bản đồ này.

Quangcan: Không, tôi hoàn toàn hiểu ý bạn nói. Tôi không nghĩ câu văn bạn viết có nghĩa là "suýt nữa bạn bị tôi lừa." Câu văn của bạn ý nói bạn xém bị lừa vì không không cẩn thận lúc coi bản đồ, địa danh hay, hay tin tức do thân nhân liệt sĩ cung cấp chưa rõ ràng...
Khi nói tôi xin ngừng ở đây, vì như bạn thấy, chúng ta đã cố gắng tra cứu, tìm kiếm, những gì có lien quan đến nơi hai người tử sĩ hy sinh. ...  Tôi phải ngưng vì đã bỏ ra hơn một ngày để tìm hiểu lại những chi tiết để viết. Hơn một ngày nhưng chưa đủ. Nếu phải tìm hiểu thêm cho câu tra lời về người liệt sĩ ở C12 D6 1450, thì lại thêm một, hai ngày (vì thế tôi dùng câu "mò kim đáy biển.").

Tôi hoàn toàn hiểu ý câu văn của tiên sinh. Nhưng phải bỏ thêm hai, ba ngày nữa để tìm tài liệu ... thì chính tôii sẽ trở thành "liệt sĩ!." SmileySmileySmiley
Tôi còn thiếu một chương cuối cùng của Hành Quân Lam Sơn 719 trên diễn đàn này. Tình Thân, NKP.
Logged
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #83 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2014, 06:47:52 am »

Chương Chín
Nhận Định về LS719


Tổng Kết Thiệt Hại
Vài tuần sau khi tuyên bố Hành Quân LS719 kết thúc, Bộ Tư Lệnh MACV và Bộ Tổng Tham Mưu VNCH đồng tuyên bố chung số thiệt hại của hai quân lực tham dự cuộc hành quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Theo bản tổng kết chánh thức, phía VNCH có 1.529 chết; 5.423 bị thương; và 651 mất tích — tương đương 21% thương vong trong tổng số quân tham chiến. Phía Hoa Kỳ có 174 chết; 1.027 bị thương; và 42 mất tích. Tài liệu ước lượng phía QĐND có 16.224 chết; 81 bị bắt; và bốn đầu hàng.[1]  Về vũ khí, VNCH mất 111 chiến xa M-41 và M-113; 90 đại bác; và hơn 70 quân xa đa dụng đủ lọai (trơng đó có 34 xe ủi đất). Phía QĐND mất (bị thịch thu hay phá hủy) 308 đại bác phòng không; 48 đại bác; 223 súng cối; 207 súng hỏa tiển 122 ly; 106 chiến xa; và 291 xe vận tải.

Trong khi những con số thương vong và thiệt hại về vũ khí có thể tranh cãi được, điều không thể tranh cãi là số thiệt hại của đôi bên trong trận chiến đã vượt xa những thiệt hại hai bên chịu từ trước đến thời điểm đó.

Trận Hạ Lào đem lại cho chiến thuật gia quân sự những thực nghiệm mà trước đây chỉ là lý thuyết: Trận Hạ Lào cho thấy khả năng — và giới hạn — của chiến thuật trực thăng vận; khả năng và giới hạn của hỏa lực của những đại đội trực thăng xung kích; và sự khả thi của căn cứ hỏa lực trong địa thế núi cao với rừng già bao phủ như ở Hạ Lào. Trong cuộc HQ LS719, các đơn vị phòng không của QĐND chịu thiệt nặng ở chiến trường. Nhưng ngược lại, Hoa Kỳ phải trả một giá thật cao để “mua” những thiệt hại đó. Phòng không của QĐND bắn rơi 108 trực thăng và bắn hư 618 chiếc khác. Theo ước lượng của Lục Quân Hoa Kỳ, 20% trong 618 trực thăng hư sẽ bị phế thảy. Như vậy, Lục Quân Mỹ bị rơi 213 chiếc (số thiệt hại này kể luôn bảy phi cơ phản lực của Không Quân Mỹ; và bốn trực thăng VNCH). Ngoài sự thiệt hại về vật chất, chủ thuyết trực thăng vận của Lục Quân Hoa Kỳ bị tổn thương khi áp dụng vào chiến trường LS719:[2]  525 ụ súng phòng không từ 12.7 ly đến 57 ly của QĐND đã chứng tỏ không lực Lục Quân (trực thăng) không thể hoạt động dưới áp lực của phòng không như đã xảy ra ở chiến trường Hạ Lào.[3]  Lại càng không được nếu chỉ dùng hỏa lực cơ hữu của trực thăng dọn bãi đổ bộ. Từ kết quả đã thấy về khả năng của trực thăng, nếu chiến thuật trực thăng vận không áp dụng được ở Hạ Lào, thì chiến lược căn cứ hỏa lực cũng không thể áp dụng. Tất cả các căn cứ hỏa lực của VNCH đều phải di tản khi trực thăng không còn tiếp tế được.
Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân với số lượng phi vụ yểm trợ lớn không thể tưởng. Hơn bảy trăm trực thăng của LĐ101KV và của các quân binh chủng khác (như trực thăng của Hải Quân, Không Quân, và TQLC) cung cấp 90.640 phi vụ đủ lọai riêng cho VNCH.[4]  Không Quân Hoa Kỳ chuyên chở 30.000 tấn quân nhu quân dụng và hành khách; yểm trợ 8.000 phi vụ chiến thuật; trong khi Không Quân Chiến Lược đánh 1.358 phi vụ B-52. Pháo binh Mỹ và Việt bắn tổng cộng 519.899 đạn đại bác từ 105 ly đến 175 ly.[5]  Với số trực thăng bị bắn rơi và trúng đạn hư hại rất cao, nhưng khi so với tổng số phi vụ và giờ bay, các cấp chỉ huy của Lữ Đoàn Không Vận và Lục Quân Hoa Kỳ cho đó là một thiệt hại tương đối, và có thể chịu đựng được.[6]  Nhưng thẩm quyền ở Bộ Quốc Phòng và Bộ Lục Quân muốn MACV trả lời tại sao trực thăng bị bắn rớt/ hư nhiều như vậy. 

Nhận Định và Quan Sát
Về kế hoạnh hành quân:  Kế hoạch HQ LS719 chẳng những được soạn thảo một cách bất ngờ, mà còn được sọan thảo trong sự nghi ngờ. Bất ngờ là thời gian soạn thảo một cuộc hành quân cấp hai quân đoàn — tương đương một lộ quân — mà chỉ soạn trong một tháng, qua năm bộ tư lệnh khác nhau: MACV; BTTM VNCH; QĐXXIV; QĐI; và Tòa Bạch Ốc! Cuộc hành quân được sọan ra trong sự nghi ngờ, vì bộ tư lệnh MACV sọan thảo kế hoạch nhưng chính họ không nghĩ kế hoạch sẽ thành công.

Tài liệu sau này cho thấy mặc dù hai Đại Tướng Abrams và Weyand cố gắng thuyết phục Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Cao văn Viên về sự khả thi của LS719, nhưng trong lòng họ không nghĩ cuộc hành quân sẽ dể dàng như họ đã thuyết phục. Theo hồi ký của Đại Tướng Bruce Palmer, vài năm sau cuộc hành quân tướng Weyand thổ lộ là ông hoài nghi về kế hoạch LS719. Riêng về phần tướng Abrams, cũng theo lời tướng Palmer thuật lạỉ, Abrams nghĩ QLVNCH chưa đủ “lớn” cho cuộc hành quân qua Lào … LS719 là một sự đỏ đen lớn. … Nhưng với B-52, với khả năng không vận trực thăng — và nếu có thêm may mắn — VNCH có thể thắng. Tướng Abrams nghĩ nhu vậy. Ý kiến những thẩm quyền có tham dự vào tiến trình sọan thảo LS719 cho rằng tướng Abrams thi hành kế hoạch rất miễn cưỡng — nếu không nói là bị bắt buột.[7] Tại vì nghi ngờ (đặt hết nổ lực vào một kế họach LS719 ở Hạ Lào) nên Tòa Bạch Ốc muốn soạn thảo thêm kế hoạch thứ hai ở mặt trận Cam Bốt. Và hai kế hoạch này phải được thực hiện song song. Ở đây ta không đổ tất cả trách nhiệm vào Tòa Bạch Ốc, nhưng chúng ta thấy Tòa Bạch Ốc không hiểu biết, hay có khả năng và kinh nghiệm gì về chiến truờng Á Châu, khi họ nghĩ trong thời điểm đó Quân Lực VNCH có thể hành quân ba quân đoàn ở ba mặt trận cùng lúc. Đáng trách ở đây là người sĩ quan chỉ huy có ý nghi ngờ về kế hoạch, nhưng không dám nói thẳng với thẩm quyền dân sự là đề nghị của họ không thể thành công được. Một vài sĩ quan cao cấp lên tiếng về kế họach LS719. Nhưng hoặc là họ lên tiếng quá trễ, hoặc là họ lên tiếng một cách không chánh thức. Ngày 24 tháng 2, sau khi hai căn cứ của BĐQ đã thất thủ và CC31 của Nhảy Dù đang nguy ngập, Đại Tướng William Westmoreland (tư lệnh Lục Quân) chủ tọa một buổi họp của BTMLQ, thay mặt cho Đô Đốc Thomas Moorer. Westmoreland nói ông không nghĩ chiến thuật căn cứ hỏa lực sẽ thành công, nếu chỉ dùng như một lá chắn bảo vệ trục tiến quân. Và nếu xử dụng quân Nhảy Dù để bảo vệ những căn cứ hỏa lực, “thì quân Dù sẽ chết rất dễ dàng.” Tướng Westmoreland thấy nên đổ bộ vào mục tiêu bằng trực thăng, tảo thanh xong, rút đi (tương tự như khái niệm hành quân của tướng Cao Văn Viên). Quân Đoàn I, hành quân với hai sư đoàn và hai lữ đoàn, Westmoreland không nghĩ VNCH đủ quân để đánh theo kiểu trực diện vào Tchepone. Một ngày trước, Westmoreland cũng nói ý kiến của ông với Henry Kissinger khi được hỏi (qua điện thoại). Nhận định của tướng Westmoreland rất đúng, nhưng nhận định của ông đến quá trễ và không được coi như chánh thức (Đô Đốc Moorer là người đại diện chánh thức cho BTMLQ ở Toà Bạch Ốc).[8]  Một trường hợp khác cho thấy sự ái ngại của sĩ quan tư lệnh Mỹ, khi họ thấy VNCH phải chiến đấu ở hai mặt trận Lào và Cam Bốt cùng lúc mà không được yểm trợ đầy đủ như hứa hẹn: Trung Tướng Michael Davison, tư lệnh Quân Đoàn II Dã Chiến (II Field Force, BTL cố vấn cho quân Đoàn III VNCH), nói riêng với tướng Abrams là, “Mình đem họ vào [vào chiến trường Cam Bốt] rồi rút tấm thảm dưới chân họ. … Tôi có nói với tướng Trí, “Tôi thấy [chơi như vậy] dơ quá.”[9]

Sự nghi ngờ về kế hoạch đưa đến sự nghi ngờ về khả năng chi huy và lãnh đạo của những tư lệnh hành quân. Kissinger chỉ trích tướng Abrams và Weyand không nhiệt tình theo dõi chiến trường; Weyand và Abrams thì khiển trách tướng Sutherland của QĐXXIV là không ước lượng được nhu cầu tiếp vận cho chiến trường. Tướng Alexander Haig nói tướng Sutherland chưa đủ khả năng chỉ huy cuộc hành quân. Về phía VNCH: tướng Lãm chỉ trích hai vị tư lệnh TQLC và Nhảy Dù; MACV cũng chỉ trích tướng Khang và Đống, nhưng đồng thời muốn Tổng Thống Thiệu thay đổi tướng Lãm bằng tướng Trí. Với tất cả những chỉ trích về khả năng của tướng Lãm, tham mưu trưởng BTMTLQ, Đô Đốc Moorer nghĩ đó là lỗi của MACV: “Hai ông đại tướng và bốn ông trung tướng Lục Quân đã không lên tiếng phản đối (về nhân sự cũng như về khái niệm hành quân) lúc kế hoạch hành quân đang sọan thảo. Nếu họ biết tướng Lãm không đủ khả năng chỉ huy cuộc hành thì họ không nên tiến hành kế hoạch hành quân này.”10]  Dĩ nhiên, Đô Đốc Moorer không quên chỉ trích hai tướng Abrams và Weyand đã cùng lúc rời nhiệm sở đi Hawaii và Thái Lan nghĩ dưỡng sức, trong giai đọan hành quân cần sự có mặt của một trong hai chỉ huy.
 

Về Soạn Thảo: HQ LS719 được soạn thảo bất ngờ và cấp bách. Từ lúc BTL MACV được lệnh soạn thảo ý niệm hành quân cho đến ngày hành quân chỉ có 30 ngày: Không hơn một tháng cho một kế hoạch hành quân có cấp số quân đoàn — hai quân đoàn thì đúng hơn. Khi nói HQ LS719 được sọan thảo trong 30 ngày, đó là ở cấp BTL MACV. Ở cấp quân đoàn, sư đoàn thì chỉ có 21 ngày, nếu không ít hơn. Ngày 15 tháng 1, BTTM mới cho Đại Tá Trần Đình Thọ, Phòng 3, ra thuyết trình cho tướng Lãm. Một tuần sau, 23 tháng 1, QĐI mới có lệnh hành quân chánh thức. Nhưng những đơn vị cơ hữu của quân đoàn thì chỉ có hơn một tuần đề chuẩn bị. Sư Đoàn Nhảy Dù đến ngày 3 tháng 2 mới chánh thức thuyết trình lệnh hành quân — thuyết trình ở Khe Sanh, trên đường ra mặt trận.

Quân Đoàn XXIV; Sư Đoàn 101 Nhảy Dù; và Liên Đoàn 101 Không Vận được thông báo về kế hoạch hành quân một cách tổng quát vào ngày 7 tháng 1. Nhưng để bảo mật, MACV chỉ thị chỉ có tư lệnh, tham mưu trưởng và trưởng phòng hành quân của sư đoàn được biết trong thời gian đầu. Ngay cả ở BTTM, chỉ huy trưởng Phòng 2 cũng không được biết kế họach hành quân cho đến ngày khai diễn.[11]  Nghĩa là nếu họ phải chuẩn bị cho cuộc hành quân, họ phải chuẩn bị trong bí mật. Nhưng làm sao chuẩn bị hành quân mà không cho cấp dưới biết. Hầu như tất cả các đơn vị thống thuộc Quân Đoàn XXIV đều phàn nàn là họ không đủ thì giờ chuẩn bị. Những trung tâm tiếp liệu hầu như không nhận đủ hàng vì chưa có lệnh hành quân để yêu cầu. Những khiếm khuyết đó đưa đến những thiếu sót căn bản: Theo Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, phần lớn các đơn vị tham dự chưa được huấn luyện đầy đủ (như xử dụng súng chống xe tăng M-72), và vì chưa rành về địa hình thời tiết ở Hạ Lào, nhiều đơn vị không đủ chăn mền và đồ ấm cho thời tiết ở ở Hạ Lào.[12]

Chú Thích
[1] BTTM VNCH công bố số thương vong ngày 11 tháng 4; Một bản tổng kết khác, ghi ngày 9 tháng 4 cho con số: 1.843 chết; 5.019 bị thương; và 609 mất tích. So sánh hai bản, chúng ta có thể suy luận số 5.423 quân bị thương sau đó chết từ những vết thương, làm thay đổi số tử thương ở hai bản. Ngày 5 tháng 4, BTL MACV công bố với báo chí thiệt hại như sau: VNCH, chết 1.146; thương 4.236; mất tích 246. Phía Hoa Kỳ có: chết 102; thương 215; mất tích 53. Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 128. Tuy nhiên, báo cáo hành quân của Quân Đoàn XXIV, số thương vong của Mỹ là, chết 219; bị thương, 948; mất tích 38. Số tử thương bên QĐND được ước lượng từ 13.000 đến 16.224. Lewis Sorley, sđd, tr. 635. Con số 16.224 đến từ tin tức tình báo khối Đông Âu.

[2] Số trực thăng thiệt hại được bàn thảo ngày 27 tháng 3 ở BTL MACV. Lewis Sorley, The Abrams Tapes, tr. 577; Đại Tướng Bruce Palmer, The 25-Year War, tr. 113. Chủ thuyết trực thăng vận bị tổn thương vì Bộ Quốc Phòng ra lệnh BTL Lục Quân Hoa Kỳ điều tra và trả lời tại sao trực thăng bị thiệt hại nhiều trong trận LS719. Tài liệu cho thấy Ngũ Giác Đài gọi MACV, yêu cầu cung cấp tài liệu về thiệt hại trực thăng với thái độ “khẩn trương.” Thông văn, ARV 1276, 100900Z APR 71. Thiếu Tướng Gettys (tham mưu truởng Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam) gởi Thiếu Tướng Tarpley (tư lệnh SĐ101ND).     

[3] Trong trận A Shau tháng 9-1968, Mỹ rớt khoảng 40 trực thăng, và đó là thiệt hại lớn nhất về trực thăng … cho đến khi có LS719.

[4] Theo Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 134. Trực thăng bay tất cả 164.442 phi vụ nếu tính thêm 73.802 phi vụ yểm trợ cho các đơn vị Mỹ. Số phi vụ trực thăng được tính từ ngày 30 tháng 1 đến 6 tháng 4-1971. Số phi vụ riêng cho mặt trận Hạ Lào là 45.828 phi vụ. Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, tr. 449. 

[5] Carl Berger, ed., The U.S.A.F. in Southeast Asia, 1961-1973, tr. 115; Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 139.

[6] Trung Tướng John J. Tolson, Airmobility in Vietnam: Helicopter Warfare in Southeast Asia, tr. 244-252.

[7] Tư lệnh và tư lệnh phó MACV, Đại Tướng Abrams và Weyand đều ái ngại, nghĩ kế hoạch khó thành công nếu không có quân tác chiến Mỹ (cố vấn) đi chung. Đọc Bruce Palmer trong The 25-Year War, tr. 108-110. Sử gia Sorley viết, tướng Abrams không thích nói đến HQ LS719, dù với người thân nhất. Sorley, sđd, tr. 442.     

[8] The Joints Chiefs of Staff and the War in Vietnam, tr. 9. Ngày Westmoreland nói chuyện với Kissinger nằm trong Henry A. Kissinger, White House Years, tr, 1004-1005.

[9] Lewis Sorley, The Abrams Tapes, tr. 565. Tướng Davison nói với Abrams ngày 20 tháng 3, 1971 ở BTL MACV.   

[10 The Joint Chiefs of Staff anh the War in Vietnam, tr. 17.
[11] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 157.
[12] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 157. Sách của Trương Duy Hy cũng có nói đến những co ro trong đêm lạnh ở Hạ Lào.


« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười, 2014, 06:53:39 am gửi bởi nkp » Logged
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #84 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2014, 07:45:14 am »

Về Chỉ Huy và Điều Khiển: Nói một cách vắn tắc, hệ thống chỉ huy và điều khiển trong HQ LS719 gần như không có cho đến đầu tháng 3 — hai mươi ngày sau LS719 và 28 ngày sau khi Dewey Canyon II bắt đầu. Từ ngày hành quân cho đến ngày bốn căn cứ 30, 31 của Nhảy Dù; Bắc và Nam của Biệt Động Quân bị thất thủ, qua lệnh của tướng Abrams, QĐI và QĐXXIV mới thiết lập một bộ chỉ huy chiến thuật hỗn hợp nằm chung với bộ chỉ huy tiền phương của QĐI ở Khe Sanh, để hệ thống chỉ huy và điều khiển được áp dụng nhanh chóng, và sát với chiến trường hơn. Nói một cách khác, đến ngày 1 tháng 3, bộ chỉ huy tiền phương ở Khe Sanh mới có sĩ quan cấp tướng hiện diện tại chổ.[13]  Trước đó, hệ thống chỉ huy và điều khiển đến từ sư đoàn thẳng xuống các đơn vị của họ — trường hợp này xảy ra với ba sư đoàn VNCH và SĐ101ND Mỹ.

Trong hơn ba tuần đầu hành quân, hệ thống chỉ huy và điều khiển HQ LS719 rời rạc và xa nhau trong nghĩa tâm lý và vật lý: BTL QĐXXIV đóng ở Đà Nẵng và có BTL tiền phương đóng ở Quảng Trị; BTL QĐI đóng ở Huế và có BTL tiền phương ở Đông Hà, và BCH chiến thuật tiền phương ở Khe Sanh (QĐI có hai BTL/ BCH tiền phương. Gọi là Bộ Chỉ Huy thay vì BTL, vì ở Khe Sanh không có sĩ quan cấp tướng đại diện cho QĐI.) tại Quảng Trị, đóng chung với BTL tiền phương của QĐI là BTL tiền phương của QĐXXIV. BTL tiền phương Mỹ-Việt ở Quảng Trị là nơi nhận và thỏa mãn nhu cầu của BCH tiền phương Khe Sanh. Có nghĩa là sĩ quan phụ trách yểm trợ ở Quảng Trị có quyền chọn lựa những yêu cầu đến từ Khe Sanh. Đó là về điều khiển. Về chỉ huy, thì hình như không ai chỉ huy ai: QĐXXIV chỉ có nhiệm vụ yểm trợ quân nhu quân dụng cho HQ LS719; yểm trợ pháo binh; trực thăng; và bảo vệ an ninh đọan đường từ Đông Hà về Lao Bảo; SĐ101ND, với Lữ Đoàn 1 Không Vận, có nhiệp vụ cung cấp trực thăng cho ba sư đoàn VNCH. Như vậy, mạnh ai nấy làm theo nhiệm vụ đã giao — và họ không quan tâm đến nhiệm vụ của BTL khác. Không Quân Chiến Thuật và Chiến Lược Hoa Kỳ có đại diện liên lạc thẳng với tướng Lãm, và chỉ thi hành qua yêu cầu của tướng Lãm.

Với hệ thống chỉ huy và điều khiển như trên, hệ thống điều khiển phải qua nhiều BTL tiền phương, đôi khi trùng thẩm quyền nhau, tốn nhiều sĩ quan, nhưng không có sĩ quan cấp tướng để có thể quyết định tại chổ. Yêu cầu của mặt trận đến Khe Sanh, rồi về Quảng Trị. Quảng Trị đưa yêu cầu về BTL ở Huế (QĐI) và Đà Nẵng (QĐXXIV). Từ hai BTL đó, yêu cầu (nếu không giải quyết được) lại phải về hai BTL MACV và USARV. Và những BTL đó nằm rất xa nhau về khoảng cách. Đến ngày 1 tháng 3, một BTL hỗn hợp tiền phương Hoa Kỳ thiết lập tại Khe Sanh. Có mặt tại Khe Sanh là những sĩ quan cấp tướng đại diện cho tư lệnh của họ về trực thăng, pháo binh, và không lực.[14]  Nhưng đến thời gian BTL hỗn hợp tiền phương cấp tướng được thành lập để quyết định chiến trường tại chổ, thì chiến trương đã nằm trong thế thua
       
Về Tình Báo (và Chiến Thuật Áp Dụng Theo Tình Báo): Tình báo cung cấp để soạn thảo về HQ LS719 trật hoàn toàn. Ước lượng sai lầm của tình báo làm đảo lộn kế hoạch về tiếp liệu và yểm trợ cho mặt trận. Và từ hậu quả dây chuyền đó, chiến thuật áp dụng vào mặt trận đưa đến thất bại.

Dựa vào không ảnh, tình báo cho biết Quốc Lộ 9 có thể vận chuyển được từ Lao Bảo về Bản Đông. Trên thực tế, xe vận tải không di chuyển được nếu không có công binh và hộ tống đi kèm. Đây là một trong những sai lầm căn bản của ban sọan thảo HQ LS719: Đường 9 phải được trinh sát bằng đường bộ để chắc chắn được khả năng di chuyển cơ giới. Đây là con đường huyết mạch ra mặt trận để tiếp xăng, nước và vũ khí nặng. Không thể tin vào không ảnh chụp một con đường bị dội bom và bỏ hoang hơn 10 năm. Gánh nặng tiếp liệu nước, xăng, và đạn nặng được trút vào trực thăng không vận. Phi vụ trực thăng tiếp tế cũng cần trực yểm trợ đi kèm. Và như vậy những phi vụ trực thăng gunship dùng vào công tác truy lùng, không kích, bảo vệ các căn cứ hỏa lực bị giảm đi. Ban sọan thảo cũng quên yếu tố thời tiết, một trở ngại không thể tiên đoán được, và đó là gánh nặng cho yểm trợ bằng không vận. đúng như tiên đoán của ban soạn thảo Hành Quân El Paso bốn năm trước. Mỗi ngày không lực và trực thăng yểm trợ bị giới hạn vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều để thực hiện phi vụ: 10 giờ sáng sương mù mới tan; và sương mù bao phủ trở lại trước khi mặt trời lặn. Nếu một ngày có mưa hay mây thấp, thì tất cả phi vụ sẽ đình trệ. Trong nhật ký hành quân LS719, chúng ta thấy nhiều rất ngày, tiếp liệu và tải thương không thực hiện được cũng vì thời tiết. Hơn nữa, đường tiếp liệu xa (có những món hàng phải chở từ Đà Nẵng, Đông Hà), và phải trải qua hai vùng thời tiết khác nhau của Đông và Tây Trường Sơn

Dựa vào tình báo của Không Quân Ha Kỳ, ban soạn thảo hành quân ước lượng đối phương có không hơn 275 súng phòng không ở khu vực hành quân. Nhưng chỉ đến nửa giai đọan của trận chiến, thực tế cho thấy địch có khoảng 525 đến 575 đại bác phòng không. Theo các phi công trực thăng tham dự trận LS719, trong nội địa Việt Nam, bình thường họ bay an toàn bay ở cao độ 1.500 bộ (500m). Nhưng ở chiến trường Hạ Lào, họ phải bay tối thiểu 6.000 bộ (3.000m) để cảm thấy an toàn. Trong 525 ổ phòng không ở Hạ Lào, có 419 là phòng không 23 đến 37 ly, có tầm hoạt động từ hai đến sáu cây số.[15]

Ước lượng về trận liệt QĐND của Mỹ rất xa thực tế: tình báo ước lượng địch cần một tháng để viện thêm quân mới. Trên thực tế, chỉ trong 14 ngày, lực lược tác chiến QĐND có mặt ở mặt trận đông hơn quân tác chiến VNCH. Vì ước lượng địch không có xe tăng và pháo tầm xa (130 ly), hệ thống phòng thủ lô cốt của các bộ chỉ huy rất sơ sài; mìn chống chiến xa chỉ được tiếp viện sau khi CC31ND bị xe tăng của QĐND đánh sập. Những khiếm khuyết phòng thủ này đến từ tin tình báo thiếu xót.

Thẩm định trật về khả năng vận chuyển trên Đường 9 từ Lao Bảo về Bản Đông đưa đến giả định về địa hình núi đồi ở vùng hành quân có thể cho phép xử dụng chiến xa. Hạ Lào, với địa hình rừng rậm, không phải là địa hình lý tưởng để xử dụng chiến xa và Thiết Kỵ. Vì Thiết Kỵ không di chuyển tự do theo hướng tác xạ như ý, lực lượng Thiết Kỵ đó trở thành gánh nặng cho các tiểu đoàn tác chiến bảo vệ họ. Vì không biết rõ địa hình, chiến xa/ thiết vận xa của VNCH bị phục kích thuờng xuyên trên đường di chuyển. QĐND dùng từng xe tăng nằm ngụy trang ở những điểm lợi thế, phục kích xe tăng và quân tùng thiết VNCH, rồi bỏ chạy sang nột vị trí khác, như đã xảy ra cho TĐ8ND và TĐ17KG trên đường đi cứu CC31 của TĐ3ND. Trang bị đại bác 100 ly, tăng T-54 có hỏa lực mạnh hơn tăng M-41, với súng 76 ly, của VNCH.

Ước lượng về trận liệt sai đưa đến sai lầm về ước lượng hỏa lực pháo binh/ súng cối của địch. Ngày 18 tháng 3, khi tất cả các đơn vị của SĐ1BB và Căn Cứ Bản Đông bắt đầu triệt thoái, Trung Tướng Sutherland báo cáo về MACV, “… Súng cối, đại bác và phòng không của địch gây trở ngại lớn cho việc yểm trợ VNCH. Khó khăn nhất là không tìm được vị trí của súng để phản pháo.”[16]  Cũng chính tướng Sutherland của QĐ XXIV là người ba tuần trưóc đó thông báo với MACV là BTL của ông không còn đủ trực thăng để yểm trợ cho chiến trường.
Ước lượng tình báo sai lầm về trận liệt, địa hình và về thời tiết đưa đến sự thất bại của Hành Quân LamSơn 719 ở Hạ Lào.

Chú Thích

[13] Combat After Action Report – Air Mobile Operation in Support of Operation Lam Son 719 (101st Airborne Div), Feb 1971- 6 April 1971, tr. I-25; John J. Tolson, Airmobility in Vietnam: helicopter warfare in Southeast Asia, tr. 240; Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 148.

[14] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 147-148;

[15] “Bản Nhận Định Tình Hình Hành Quân Lam Sơn 719 và Ảnh Hưởng Đối Với QĐND.” BTTM, Phòng Nhì, KBC 4002, 29 tháng 3, 1971.

[16] Điện tín 180944Z March 1971, Sutherland to Abrams. Top Secret QRT 0404, Eye Only.
Logged
nguyenanhminhxd
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #85 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2014, 03:20:29 am »

@Mod quangcan: Chào anh, em đang tìm những hồi ký bản ebook của các tướng lĩnh Việt Nam như Hoàng Đang, Nguyễn Hữu An, Hoàng Minh Thảo... nhưng do không ở Việt Nam nên không thể tìm được. Nhân đây nếu anh có những tài liệu trên, rất mong anh chia sẻ với những người ham mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh giải phóng của Việt Nam. Cảm ơn rất nhiều!
Logged
hocdan
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #86 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2016, 12:30:22 pm »

Bác Nguyễn Kỳ Phong viêt cuốn này hay quá, rất rõ ràng, chi tiết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM