Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:34:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn cờ của cha  (Đọc 26289 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:00:33 pm »

     
        Gạt qua những lúc khốn khó, thập kỳ 1930 là thời kỳ đẹp đẽ cho các thiếu niên Mỹ, dù là trên vùng đồi núi của Bang Kentucky hay sân thể thao ở miền nam Bang Texas hoặc trong lễ hội ở một thị trấn nhỏ của Bang Wisconsin. Thời niên thiếu lúc bây giờ tự nó là một vũ trụ của những điều khả dĩ và những hy vọng.

        Đời sống một thiếu niên Mỹ trong thập kỷ 1930 - dù làm việc hay vui chơi - đều có mối liên hệ với cộng đồng mà ngày nay người ta khó mường tượng ra. Đấy là đời sống của những ước mơ - những ước mơ sinh động và lạc quan về tương lai. Vì thế, những ước mơ này tạo nên động lực mạnh mẽ cho lòng quả cảm và trung kiên khi những chàng trai khoác áo lính - những chàng trai rất giống với sáu người trong bức ảnh.

        Sáu chàng trai có lai lịch rất khác nhau: chàng cao bồi Texas trên lưng ngựa trắng, anh Da đỏ trong khu bảo tồn Bang

        Arizona, anh chàng quê kệch Bang Kentucky thích tắm truồng ở Sông Licking, anh học sinh nghiêm túc thường đi cùng cô bạn học dưới những tán cây ở một thị trấn nhỏ của Bang Wisconsin, anh chàng đẹp trai ăn nói dẻo quẹo thích soi bóng mình trên khung cửa kính một hiệu thuốc ở Bang New Hampshire, anh chàng lực lưỡng di cư từ Tiệp Khắc thích chơi kèn ở một thị trấn với những nhà máy thép sôi sục ở Bang Pennsylvania. Tất cả đều ấp ủ những giấc mơ cho tương lai nhưng không thành hiện thực.

        Nhưng họ có nhiều điểm tương đồng.

        Cả sáu người đều khá nghèo. Cơn Đại Suy thoái ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và cũng ảnh hưởng đến bóng đá Mỹ, đức tin tôn giáo, và các bà mẹ cứng cỏi. Còn ảnh hưởng đến các anh chị em của họ, và trách nhiệm của họ là phải đùm bọc lẫn nhau.

        Hầu như cả sáu người luôn được mô tả là những chàng trai trầm lặng, rụt rè, nhưng đấy là những chàng trai được mọi người quan tâm đến.

        Tuy hầu như tất cả hồi ức về các anh chị em và các cô bạn gái đều được kết tinh vào cuối thế kỷ, người ta có cảm tưởng các sự kiện giống như là trong khoảnh khắc vừa mới xảy ra.

        Và tất cả sáu người cùng chiếu rọi nhũng gì diệu kỳ và trong sáng ở một nước Mỹ mà chẳng bao lâu họ sẽ mãi mãi bỏ lại tuổi niên thiếu của mình.

        John Bradley: Appleton, Wisconsin

        Những hình ảnh quen thuộc thời trẻ của cha tôi là những quả tim phơi trần: Quả tim Thiêng liêng của Jesus, Quà tim Thiêng liêng của Đức Mẹ Maria. Những quả tim vừa con người vừa thần thánh, nhuốm màu đỏ của máu, được phơi bày quá khổ trong lồng ngực trên những bức hoạ tôn giáo treo trong nhà gia tộc Bradley. Những hình ảnh biểu tượng, trong số những hình ảnh dễ được nhận ra nhất của lịch sử nhân loại. Máu và sự cứu rỗi. Chịu đau đớn rồi được chữa lành. Cuộc sống trong cái chết, và cái chết trong cuộc sống. Chịu hy sinh và được cứu rỗi qua đức tin.

        Cầu xin Đức Mẹ Linh hiển cứu giúp chúng ta là câu kinh cầu thường được cất lên trong nhà của cha tôi; còn câu Quà tim Thiêng liêng của Jesus, tôi đặt niềm tin vào Người thường được thể hiện trên các bức họa.

        Những hình ảnh có màu sắc ấm cúng và cử chỉ sống động ấy hẳn đã tạo ấn tượng tốt đối với cha tôi. Những gương mặt hiền hòa, dễ mến, làm ấm lòng người và kiên định. Bức họa Jesus vẫn còn sót lại trong thời thơ ấu của tôi ở Antigo. Những biểu tượng của đức tin Công giáo - đức tin Công giáo cổ xưa từ Châu Âu - bây giờ thấm nhuần trên những đồng cỏ tắm nắng chói chang ở Bang Wisconsin vào cuối thập kỷ 1920.

        Cha tôi sinh năm 1923 tại Antigo, một thị trấn nhỏ, nơi ông sau này trở về để gây dựng gia đình và gửi nắm xương tàn. Ông theo học tại Trường Công giáo St. John, nơi sau này cả tám đứa con của ông cũng theo học. Nhưng khi ông lên 7 tuổi, ông nội James J. Bradley của tôi dẫn cả nhà dời đến Appleton, một thành phố nhỏ có 16.000 cư dân nằm trên Sông Fox. Jesus, Đức Mẹ Maria và những quà tim thiêng liêng cũng cùng di chuyển với gia đình.

        Bà nội Kathryn của tôi là người gốc Đức, tính hay lo lắng, đã mang theo những biểu tượng tôn giáo để treo ở phòng khách. Trong gia đình bà là người hay lo lắng về mặt tôn giáo; đúng hơn thì bà lo lắng về mọi thứ. Bà lo lắng về tương lai của con cái trong đức tin, bà lo lẳng về chuyện tiền bạc, bà lo lắng: Liệu hàng xóm sẽ nghĩ gì? Và cũng giống như những người hay lo khác, bà lo lắng về mọi chuyện ngoại trừ: cuối cùng thì chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra?

        Ông nội tôi, James J. Bradley, thì ít khi lo lắng. Là cựu chiến binh trở về từ những giao thông hào trong Thế chiến I, ông làm lụng siêng năng qua những nghề công nhân đường sắt, công nhân cảng than và nhân viên pha rượu. Là người gốc Ái Nhĩ Lan thích vui thú, ông là mẫu người bạn có thể gọi đến giữa quán bar để giúp tính toán tiền cược về kết quả của trận đấu bóng bầu dục hoặc đại loại như thế, và ông sẽ cho bạn ngay thông tin mà ông nhớ trong đầu.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:11:32 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:01:23 pm »


        Một người tốt về nhiều mặt, nhưng bị khốn khó trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ở Antigo, ông nội tôi đã hãnh diện mang trên người bộ đồng phục công nhân đường sắt và làm nhiêu việc khác nhau trên những đoàn tàu chở hàng chạy ngang dọc khắp bang, Cuộc Đại Suy thoái ảnh hưởng nặng nề đến ngành đường sắt, nhiều công nhân bị sa thải - kể cả ông nội tôi và nhiều đồng nghiệp của ông. Chính vào lúc đó, ông dời cả gia đình đến sống ở Appleton vì ở đây có điều kiện thoải mái hơn.

        Nơi đây ông tìm được việc làm, và cũng có một sự cố trong nghề nghiệp. Trong một chuyến lái tàu hàng, ông lái đoàn tàu hỏa qua một khúc rẽ với vận tốc quá nhanh khiến cho một toa tàu chất đầy bắp cải chệch đường ray và bằp cải đổ hết xuống đường. Bạn nhậu của ông ở quán bar biến vụ này thành một truyền thuyết trào phúng, và tặng cho ông cái biệt hiệu “Cabbage” (Bắp cải).

        Ông nội tôi nỗ lực làm việc để gây dựng cho gia đình có được cuộc sống của giới trung lưu, lúc nào cũng tỏ ra lạc quan. Ông có năm người con, cha tôi “Jack” là con thứ hai. Là người thực dụng, ông muốn mỗi đứa con - đặc biệt là con trai - phải giúp tạo thu nhập gia đình. Cha tôi và bác cả James Jr. của tôi nhận giao báo khắp vùng chung quanh nhà. Sau khi nhận tiền lương hàng tuần, hai người đặt món tiền trên bệ bàn thờ. Khoản tiền ấy, có lẽ cùng với Đức Mẹ, giúp gia đình có thêm miếng ăn.

        Giống như tất cả mọi chú nhóc vào thời đó, cha tôi luôn mặc quần áo thừa - quần áo lịch sự và sạch sẽ nhưng là loại mặc thừa - của bác tôi. Ông là đúa trẻ thân thiện, lúc nào cũng tươi cười nhưng ít nói. Nói nhiều thì gây chú ý, nhưng ông không muốn được chú ý. Sau này da ông nổi nhiều mụn khiến cho ông càng không muốn ai chú ý đến mình.

        Ông ẩn mình trong ngôi nhà thờ Công giáo cùng với bà nội mộ đạo của tôi. Chính nơi đây, từ vị trí là thiếu niên phụ lễ, thầm thì những bài kinh cầu bằng tiếng Latin, ông để ý đến một số người toát ra vẻ thành đạt và sung túc trong thời buổi khốn khó ấy. Một trong những người này là ông bác họ tôi, Carl Shutter, người thường mặc những bộ vét và cà vạt sang trọng, làm việc cho công ty có tiếng tăm Northwesterm Mutual Life để bán dịch vụ bảo hiểm. Chàng trai trẻ Jack bắt đầu tìm cách làm quen với những người như Carl Shutter, hỏi ý kiến họ về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ông nhận thấy những doanh nhân thành đạt này - luật sư, thương nhân và nhân viên ngân hàng đều mến thích ông vì thái độ chú tâm ây. Nhờ đó, ông càng thêm tự tin tạo hướng đi riêng cho mình.

        Một nhóm doanh nhân đặc biệt làm cho ông để ý đến: những chủ nhân dịch vụ mai táng ở Appleton. Cha tôi nghĩ những người này có tư thái đặc biệt khi đi trong giáo đường giữa không khí nồng mùi hương của buổi kinh cầu hoặc khi cử hành dịch vụ mai táng: tự tin, trầm tĩnh nhưng dễ gần gũi. Trông họ rất dễ chịu, rất thân thiện; có vẻ như mọi người đều quen biết và trọng vọng họ. Cha tôi nhanh chóng tìm ra lý do: đấy là dịch vụ. Những chủ nhân dịch vụ mai táng không phải chi lo bán một loại hình dịch vụ. Ngoài cha xứ, họ là những người thân cận nhất với dân cư thị trấn trong những ngày tang tóc.

        Cha tôi hiểu ra cung cách của dịch vụ. Đấy giống như thiếu niên phụ lễ trong nhà thờ, một “người phụng sự.” Ông đã nắm bất được những mô hình dịch vụ để áp dụng khi lớn lên. Khi gần đến tuổi thành niên, cha tôi làm việc bán thời gian cho một công ty dịch vụ mai táng ở Appleton. Từ đấy, ông sẽ trở thành một người được trọng vọng, có phẩm cách giống như họ.

        Trong thời gian này, có vẻ như cuộc sống ở Appleton, Bang Wisconsin, vượt lên thách thức với cơn Đại Suy thoái hoặc bất kỳ sự xâm lấn nào. Cư dân đều cảm thấy khó khăn nhưng tất cả nỗ lực vượt qua nhờ tiềm năng kinh tế và sự hòa hợp. Thị trấn vẫn còn sống trong những tia sáng le lói của thời hoàng kim lúc trước chứ không hắn là cơn Đại Suy thoái. Thời hoàng kim ấy đang tàn lụi nhanh chóng trên nước Mỹ, nhưng ở Appleton có vẻ như không ai để ý đến điều này.

        Trong những năm giữa hai cuộc đại chiến, Appleton thể hiện tất cả những gì đã khiến cho nước Mỹ trân trọng để chiến đấu và hy sinh. Cái tên của thị trấn nói lên khung trời chín mọng, niềm mê say không bị xóa nhòa1.

------------------
        1. Tác giả ví von, vì tên thị trấn Appleton có chữ “Apple” nghĩa là quả táo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:01:48 pm »


        Đất đai tạo nên sự trù phú: những sườn đồi thấp, thoai thoải với đất màu mỡ phù hợp cho việc trồng lúa mì, chung quanh là những khoảnh rừng cây gỗ, đặc biệt là loại thông trắng cho gỗ để làm nội thất và chế tạo giấy. Con Sông Fox chứa đầy cá đã thu hút nhiêu thế hệ người Da đỏ, và sau đấy là di dân gốc Hà Lan và Đức.

        Thị trấn Appleton chính thức được thành lập năm 1853 với số dân 1.200. Vẻ huy hoàng trầm lặng độc đáo của nó chưa bao giờ lịm tắt qua một thế kỷ rưỡi tiếp theo. Yêu cầu sản xuất của các nhà máy giấy ở đây tăng vọt khi một nhà phát minh tại Thành phố Milwaukee nằm về phía nam bắt đầu sản xuất máy đánh chữ vào năm 1873.

        Di dân siêng năng từ Trung Âu mang theo mình những giá trị đến thị trấn và vùng quê chung quanh. Họ biến nơi này thành một vùng đất của bia, phó mát, xúc xích và những tháp chuông nhà thờ; nơi mà nền giáo dục được tôn vinh, sự tiến bộ được đề cao, chính quyền trong sạch, nhà cửa ngăn nắp, con trẻ biết vâng lời người lớn, không khí gia đình ấm cúng, cùng những ngôi giáo đường vững chãi và gây ấn tượng.

        Appleton là nơi đầu tiên trong toàn Bang Wistonsin được đặt điện thoại, và cũng là nơi đầu tiên trong vùng bờ biển phía đông được thấp sáng bằng đèn bóng. Năm 1911, Tổng thống Taft làm cho thị trấn nổi tiếng khi cắn vào miếng pho mát cao 1,2 m mà thành phố Appleton mang đến tham dự trong kỳ đấu xảo sản phẩm sữa quốc gia ở Chicago.

        Một cô gái bé nhỏ có tên là Betty Van Gorp - sau này trở thành mẹ tôi - còn nhớ đến thành phố Appleton vào thập kỷ 1930 theo những hoài niệm chân tình và tha thiết hơn.

        Bà bảo với tôi rằng, đấy là một thị trấn với những thảm cỏ được cắt xén gọn ghẽ và những con đường sạch không hề có rác rưởi. Một thị trấn nơi mà phụ nữ thích quét tước vỉa hè trước cửa nhà họ, và nếu đóng mạnh một cánh cửa thì người cách vài khu phố có thể nghe tiếng. Đấy là nơi mà người ta thích ngồi trên xích đu hoặc trên những bậc trước cửa thềm nhà dưới tán cây trong buổi chiều mùa hè, nghe tiếng dế kêu từ đám cỏ, ngắm nhìn từng đoàn đom đóm lấp lánh đầu tiên xuất hiện vào lúc chiều tà, và chào hỏi những người láng giềng đi qua.

        Vào mùa đông, các bà mẹ chuẩn bị bữa ăn nóng cho con cái: bánh nướng hoặc trứng dùng với bánh mì nướng, luôn luôn có ca cao nóng. Phần đông đều theo Công giáo, nên không dùng thịt những ngày thứ Sáu. Bữa ăn tối ngày thứ Sáu gồm có súp khoai tây, cá ngừ dùng với bánh mỳ nướng, trứng luộc cùng khoai tán, đậu nghiền.

        Khi xe goòng chở sữa hoặc nước đá chạy dọc theo những con đường phủ lá khô ở Appleton, mẹ tôi có thể nghe tiếng vó ngựa lọc cọc. Khi chiếc tàu điện dừng lại để đón hành khách, bà có thể nghe tiếng rít ken két. Một chuyến đi đến trung tâm thị trấn chi mất 5 cent. Vào những buổi chiều mùa hè, bà thường nghe tiếng kẽo kẹt phát ra từ chiếc ghế của ai đấy. Tiếng kẽo kẹt của ghế xích đu vẫn sống với bà suốt nhiều thập kỷ sau đó.

        Khi Betty Van Gorp đang học lớp ba, bà có một bạn học mới thường hộ tống bà từ Trường Công giáo St. Mary đi bộ về nhà dọc theo những con đường rộng đây bóng mát. Một cậu bé mới đến ở thị trấn, một cậu bé nghiêm túc và trầm lặng có tên là Jack Bradley. Bà mến cha tôi mặc dù không rõ ông mến mình vì muốn đền công hay vì lý do tự nhiên: đôi lúc trong lớp học bà được ông nhờ chuyển tờ giấy nhắn tin đến cô bạn học Janet Jones phiền phức. Tuy vậy, khi học lớp bốn bà thu đủ can đảm đế gửi ông một tấm thiệp Valentine tự mình làm lấy với dòng chữ “Đoán là ai?” Bà mến cha tôi ở chỗ ông không bao giờ chửi rủa, thậm chí khi trời lạnh người ta muốn chửi rủa thời tiết.

        Những đứa trẻ Appleton khác cũng bị cha tôi thu hút. Bob Connelly cùng với cha tôi gia nhập đội Hướng đạo sinh và cùng đi cắm trại với ông. Phần lớn gia đình không đủ tiền mua nguyên bộ đồng phục Hướng đạo sinh cho bọn trẻ. Bob nhớ lại cha tôi chỉ mang chiếc khăn quàng.

        Bóng chày trong mùa hè. Rồi giải khát từ một trong những vòi nước đặt ở mỗi góc đường trong trung tâm thị trấn. Vào mùa đông họ luyện tập cướp bóng đôì thủ trong môn bóng đá Mỹ. Bọn trẻ chỉ đủ tiền mua giày, không thể mua đồng phục bóng đá. Bơi lội ở Công viên Hồ. Đi nhờ đến đấy bằng cách nhảy lên toa tàu chở súc vật chạy dọc theo khe núi. Hội chợ mỗi mùa hè; vị ngọt của kẹo đường và mùi thơm của bắp rang bơ.

        Đấy có vẻ như cuộc sống lý tưởng trong một thị trấn lý tưởng. Nhưng ngay cả trong những thị trấn lý tưởng cũng có hiểm nguy và những thương tiếc, nhắc cho họ nhớ con tim nhân loại là dễ vỡ biết bao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:03:42 pm »

   
        Năm cha tôi 10 tuổi, một tai họa ập đến mà bà nội dù hay lo lắng vẫn không thể lường trước. Vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh, cô tôi Mary Ellen mới lên 5 tuổi đang chơi đùa gần lò sưởi điện đặt trong nhà bếp. Khi cô nghiêng người qua cuộn dây lò xo của lò sưởi, những núm tua trên chiếc áo ngủ của cô quệt vào và bắt lửa. Cha tôi đang đứng gần vội chạy đến với một chậu nước giội vào cứu em gái. Bà nội đang xúc than vào lò ở tầng hâm vội chạy lên - Cầu xin Đức Mẹ Linh hiển cứu giúp chúng ta! - lấy tấm thảm bọc lấy cô con gái đang la khóc.

        Một bác sĩ được gọi đến. Sau khi khám, ông kết luận vết bỏng không trầm trọng nên không cần phải đưa cô vào bệnh viện. Ông nói chi cần cho cô tĩnh dưỡng trên giường là đủ. Gia đình đặt cô nằm trên chiếc ghế bành.

        Vị bác sĩ đến thăm bệnh mỗi ngày. Nhưng cô càng ngày càng yếu, và trong vòng một tuần gia đình phải chôn cất cô. Cha tôi cảm thấy mình có trách nhiệm về cái chết của cô tôi. Suốt cả đời, ông ân hận về việc này rằng mình đã không làm tốt hơn để cứu em gái.

        Chỉ đến khi trưởng thành và được đào tạo về quân y, cha tôi mới nhận ra rằng cái chết không phải do bỏng, mà có lẽ do viêm phổi, bị trầm trọng thêm vì cô nằm bất động nhiều ngày trên sô pha.

        Cả gia đình phải vượt qua nỗi khổ để sống tồn. Vào thời này ở nước Mỹ, cái chết của con trẻ không phải là hiếm. Nhưng dù sao gia tộc không chấp nhận một cách dễ dàng. Sau biến cố này, người trong gia tộc nhận thấy bà nội tôi mất đi một phần nét sinh động.

        Trong nỗi đau đớn, bà gần gũi với cha tôi hơn. Bà trở thành người cố vấn cho cha tôi, và ông là người bảo hộ cho bà. ông lớn lên thành một người mộ đạo, có trách nhiệm, sốt sắng muốn phục vụ.

        Khi lên 19 tuổi, biết mình sẽ phải phục vụ trong quân ngũ nên cha tôi xin gia nhập Hải quân và tránh tác chiến trên bộ. Với phương án này, ông tin rằng vẫn phục vụ quân đội nhưng tránh xa những làn đạn. Ông không hề biết rằng việc này sẽ đưa mình đến một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử.

        Franklin Sousley: Hilltop, Kentucky

        Ở miền Đông Bang Kentucky, những ngọn núi đều cao và dốc, bị ngắt quãng bởi những vực sông sâu. Đây là khu vực hùng vĩ nhưng cô đơn của nước Mỹ. Chi ít người muốn đến đây để định cư, tạo nên những cộng đồng nhỏ sống rải rác, biệt lập với nhau như thể những hòn đảo trên mặt đại dương. Cư dân ở đây mang những tên và họ của người Anh thời Shakespeare, và kể cả những tên trong Kinh Thánh.

        Và Sousley. Franklin Runyon Sousley.

        Tôi yêu cái tên này; tôi yêu âm điệu của nó. Cái tên gợi cho bạn nhớ lại rằng cư dân miền núi ở Kentucky vẫn còn mang trong nền văn hóa của họ những âm điệu và giọng nói của Anh ngữ cổ xưa, được mang đến vùng núi rừng hoang dã này xuyên qua Đại Tây Dương.

        Gia tộc Sousley có nguồn gốc lâu đời ở Kentucky. Ông tổ tên Franklin Sousley đâu tiên1 sinh năm 1809, cũng là năm mà một cư dân Kentucky khác với cái tên Lincoln2 chào đời. Vào tháng Mười năm 1829, gia đình Franklin sinh ra một người con trai tên George, người sau này mua một quyển Kinh Thánh hiện còn lưu truyền trong gia tộc, với những cái tên Anh ngữ được ghi vào. Trong nhiêu thế hệ, họ là những nông dân trồng bắp, lúa mì, thuốc lá, lưu truyền như thế cho đến Duke. Vào tháng Mười một năm 1922, ông này cưới Goldie Mitchell, một cô gái xinh xắn có mái tóc gợn sóng màu đỏ hoe. Hai người khởi nghiệp nhọc nhằn bằng cách trồng thuốc lá bên ngoài ngôi làng Hilltop. Họ khai phá vùng đất hoang, gây dựng nên một gia đình và mong được sung túc.

        Đúa con trai đầu lòng Malcolm chào đời 10 tháng sau, kế tiếp cậu bé tóc đỏ Franklin ra đời ngày 19/9/1925. Họ sống trong một căn nhà gỗ có bốn phòng nhỏ, được giữ ấm bằng lò sưởi thô sơ. Không có điện, còn nhà vệ sinh thì tách biệt khỏi ngôi nhà.

        Gia đình nông dân Sousley luôn làm lụng vất vả. Họ chủ yếu trồng thuốc lá và cũng phải cắt cỏ khô nuôi bò đế lây sữa cho con cái dùng. Ngoài ra, bà vợ trồng rau trong khu vườn gần nhà.

        Khi Franklin mới lên ba, nỗi đau đớn đâu tiên ập đến gia đình. Bé Malcolm lên năm tuổi chết trong vòng tay của bà mẹ vì chứng viêm ruột thừa.

        Bây giờ Franklin là đúa con duy nhất mà bà mẹ tìm nguồn an ủi trong cơn đau khổ. Bà thường dắt đứa con tham gia thú vui mà bà thích - đi câu cá ở Sông Licking. Với cá tính sôi nổi và nụ cười luôn nở trên môi, đứa con là nguồn an ủi cho nỗi phiền muộn của bà mẹ.

--------------------
       1. Nhiều người phương Tây đặt tên con cái theo tên cha mẹ, ông bà..., xem đấy là để vinh danh tổ tiên, trong khi người Việt thì cấm kỵ.

        2. Tống thống Abraham Lincoln (1809-1865).

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:14:21 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:04:53 pm »


        Và có nhiều việc phải làm. Cha Duke và mẹ Goldie phải làm việc quần quật để nuôi sống gia đình nhỏ.

        Khi đến tuổi đi học, Franklin theo học tại một ngôi trường gồm có hai lớp ở gần Elizaville. Vào tháng 5/1933, khi Franklin được gần 8 tuổi, đứa em trai Julian chào đời. Nhưng chỉ một năm sau, người cha không làm việc được nữa. Chảng bao lâu, ông qua đời vì bệnh tiếu đường ở tuổi 39. Bây giờ Franklin, vừa mới lên 9, trở thành người đàn ông trong gia đình với một bà mẹ cần an ủi và một đứa em nhỏ cần phụ giúp chăm sóc.

        Mối quan hệ giữa hai mẹ con càng thêm thân thiết nhưng không chìm trong ảm đạm. Bà mẹ hơn 30 tuổi đã mất một người con và người chồng, nhưng không nản chí. Trong những tháng ngày u ám và buồn khổ, bà vẫn kiên trì giữ lạc quan và ý chí để sống nốt quãng đời còn lại, và truyền ý chí này qua Franklin. Bà giải thích vận rủi của bà là do Thượng đế sắp đặt, nói rằng: “Một ngày nào đấy, Người sẽ nói với mẹ tại sao mẹ bị mất hai người thân.”

        Bà mẹ không muốn đứa con chịu buồn khổ lây, nên khuyến khích ông theo đuổi những thú vui trong cuộc sống. Và người con thấm nhuần bài học này một cách sâu sắc.

        Đấy là những gì người ta còn nhớ nhất về Franklin. Tiếng cười của ông, sắc thái vui vẻ của ông, khả năng của ông khiến cho mọi người chung quanh đều cười theo. Trong một cuộc sống tất bật, dậy sớm để đi học và ngủ muộn buổi tối sau khi đã làm xong các công việc, có vẻ như ông không có thời giờ để chơi đùa, nhưng ông vẫn chơi đùa mỗi khi có cơ hội.

        Điểm ông đạt ở trường là toàn vẹn - một chuỗi toàn vẹn những điểm C1. Nhiều năm sau, Winifred Burden kể lại: “Anh ấy là một học sinh trung bình và đúng là mẫu người của đồng quê. Sau giờ học anh ấy không thể ở lại để chơi thể thao vì phải về nhà lo làm việc trong nông trại. Thật tình mà nói, bọn nhóc thành thị chúng tôi xem bọn nhóc đồng quê là những người khác biệt và không muốn chơi với họ. Nhưng Franklin thì khác. Anh ấy tốt bụng với tất cà mọi người qua nụ cười tươi tằn lúc nào cũng nở trên môi. Mọi người đều yêu mến Franklin.”

        Nhưng ngay khi tan trường là phải trở về làm việc trong nông trại. Emogene Bailey ngụ cùng đường với Franklin, và hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn nhớ rõ về ông. Bà kể: “Khi tôi nghĩ về anh ấy, tôi còn nhớ anh ấy làm đủ việc trong trang trại, cỏ khô và bắp và thuốc lá, vườn rau, tia xén thảm cỏ, lúc nào cũng bận rộn.”

        Franklin là đứa con biết vâng lời, làm đủ mọi việc phụ giúp bà mẹ, kể cả những việc nặng nhọc. Lúc học trung học, ông cao 1,77 m, nặng gần 70 kg. Ông làm việc rất chăm chi, đóng cỏ khô thành từng kiện hoặc gói những lá thuốc bằng hai bàn tay vạm vỡ mà một lính TQLC trong đơn vị của ông sau này kể lại: “Tôi chưa từng thấy ai có hai bàn tay lớn như thế.”

        Với cuộc sống tất bật và phải làm lụng nhiều, ấn tượng rõ nét nhất mà ông để lại với bạn bè của mình trong Hạt Fleming là một thiếu niên vui vẻ, thích chơi đùa.

        Aaron Flora có cùng cảm nghĩ. Ông nói: “Franklin có thời niên thiếu tươi đẹp. Đi câu cá, đi bơi, tắm truồng dưới sông suối, đi rình bắn chim nước, khi đó chúng bạn lôi kéo một anh chàng khờ khạo tội nghiệp nào đó ra khỏi nhà trong đêm tối, bắt anh ta cầm một cái bao để họ lùa chim chạy về phía anh ta. Mỗi khi rảnh rỗi anh ấy đều tham gia vào cái trò này.”

        Franklin vừa can trường vừa ngốc nghếch. Khi bị thách thức, ông sẵn sàng chiến đấu với guồng quay của nhà máy cưa gỗ hoặc nhảy xuống một dòng suối giá lạnh.

        Người bạn thân J. B. Shannon còn nhớ ông là “anh chàng to cao với khuôn mặt nhiều tàn nhang và mái tóc hoe đỏ. Một người cứng cỏi, không sợ sệt ai cả.”

        Chính vào một đêm Halloween phủ sương mù, ông và J. B. lùa vài con bò đến hành lang Trung tâm Bách hóa Hilltop, cột vài sợi dây để các con bò này không thể chạy nhảy, rồi cho chúng uống thuốc nhuận tràng. Nhiêu thập kỷ sau, J. B. còn nhớ lại: “Mấy con bò đó đi tướt suốt đêm.”

        Không chi bọn con trai mà cả bọn con gái cũng mến Franklin. Marion Hamm còn nhớ: “Franklin rất là nhộn, một anh chàng khác thường. Tôi chưa từng thấy anh làm việc gì xấu. Chúng tôi luôn cười bò mỗi khi anh ấy kể chuyện hài.”

        Nhiêu người bạn đều nhớ đến tiếng cười không dứt của ông. Và vì ông thích khiêu vũ, ông dễ làm quen với các cô.

        Marion cố tìm từ ngữ thích hợp để mô tả Franklin Sousley và rồi lắc đâu: “Anh không thể hình dung nổi cậu ấy nhộn đến mức nào đâu.” Và rồi bà nhắc lại một kỷ niệm: “Vui nhất là khi tuyết rơi ngày Giáng sinh. Franklin dùng con ngựa và xe goòng của gia đình anh ấy, gắn thêm miếng gỗ trượt tuyết rồi chúng tôi cùng đi ra khỏi trang trại, cắt những cây thông Giáng sinh và hát những ca khúc Giáng sinh, rồi đánh xe đi vòng quanh phân phát những cây Giáng sinh ấy cho mỗi nhà.”

-----------------
        1. “Toàn vẹn” là cách tác giả nói trái khoáy: toàn là điếm e. Theo hệ thống thang điếm các trường ở Mỹ, điểm e (2/4) là điểm vừa đủ đạt cho một môn học, so với điểm cao nhất là A (4/4).

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:15:52 pm »


        Khi Franklin đến tuổi thành niên, sự giao tiếp giữa ông và các cô gái vẫn trong sáng. J. B. Shannon nhớ lại: “Franklin mến các cô gái và chúng tôi đều theo đuổi họ. Nhưng chúng tôi có đi quá xa không hở? À, chúng tôi là những đứa con trai ngây thơ và nghĩ rằng có thể là có. ít nhất chúng tôi đã huênh hoang về chuyện đó; cậu này thích nói dối với cậu kia.”

        Thế chiến II bùng nổ lúc Franklin ở tuổi thiếu niên. Trong khi ông vui đùa, học tập và phụ giúp mẹ Goldie vật lộn với cuộc sống trong trang trại, họ vẫn nghe tin về những trận đánh lớn và nghe những lời truyền miệng về số phận của những người lính người vùng này. Không có gì cho thấy Frank để ý đến nhiều. Khi Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu ông mới lên 6; khi Hitler đánh qua Châu Âu ông 13 tuổi. Vào lúc ông tốt nghiệp trung học tháng 6/1943, có lý do để hy vọng về chiến thắng ở hai chiến trường ấy. Qua máy thu thanh rè rè những khi mẹ Goldie không theo dõi tường thuật trận đấu của đội Cincinnati Reds trong mùa hè - bà rất mê bóng chày - hai mẹ con nghe tin loan báo chiến thẳng ở cà Châu Âu lẫn vùng Thái Bình Dương.

        Trong trận đánh trên bộ đâu tiên vào tháng 2/1943, TQLC Mỹ chiếm được Guadalcanal, còn quân Đức đầu hàng ở Stalingrad. Vào tháng Ba, Đại đoàn thứ Tám quân Anh dưới quyền Montgomery đánh qua chiến tuyến Mareth ở Tunisia; vài tháng sau lính Đức và Ý đâu hàng ở đây. Quân Đồng minh đang tiến đến Đảo Sicily vào thời gian lớp học nhỏ bé của Franklin nhận bằng tốt nghiệp, và từ Thái Bình Dương, phát ngôn viên của đài phát thanh gửi về tin tức làm nức lòng người về những chiến thẳng của Hải quân và TQLC Mỹ, gán liền với những địa danh như Midway và Tarawa.

        Tất cả cư dân ở những vùng đôi núi và thung lũng ở miền đông Kentucky đều hài lòng với những tin tức này. Vào năm cuối ở trung học, Franklin bắt đầu những cuộc hẹn hò, dẫn Frances Jolly hoặc Marion Hamm dự lễ nhà thờ, đi xem chiếu bóng hoặc chỉ đi dạo trong rừng.

        Nhưng sau khi xong trung học, Franklin Sousley quan tâm đến việc tìm cách kiếm tiền cho mẹ hơn là hẹn hò với các cô gái hoặc chiến đấu cho xứ sở của mình. Bà mẹ được ưu tiên, nên ông xin việc tại một nhà máy cơ khí của hãng Frigidaire ở Dayton, nơi giáp giới với Bang Ohio về phía bắc. Ông sống trong một căn hộ nhỏ. Trong lúc đang đều đặn gửi tiền về cho mẹ thì tháng 1/1944, ông nhận được một bức điện của chính phủ. Thay vì chấp nhận số phận mình là người lính Lục quân, Franklin Sousley - chàng thanh niên miền núi dám chiến đấu với guồng quay của nhà máy cưa gỗ - quyết định làm lính TQLC Hoa Kỳ.

        Khi đứa con trai rời khỏi nhà để nhận việc làm ở Dayton, còn cách xa hơn quãng đường bà từng ra khỏi nhà, mẹ Goldie đã cảm thấy choáng váng. Bây giờ khi nhận được tin con trai gia nhập TQLC Mỹ, bà chỉ biết hy vọng điều tốt lành và cầu nguyện với Thượng đế.

        Bây giờ, chàng trai Franklin 18 tuổi, người luôn nở nụ cười trong quãng đời niên thiếu đây khó khăn, sẽ đi đến một thế giới khác. Ông nói đến “nghĩa vụ của một người đàn ông,” nhưng người bạn J. B. Shannon nhớ vê ông “chi là một chàng trai dân dã cao lớn, không sợ hãi điều gì.”

        Harlon Block: Thung lũng Rio Grande, Texas

        Trong bức ảnh, Harlon Block là người quay lưng về phía ống kính. Ông đang cố giúp chống cây cột cờ lên, mặt không được nhìn rõ. Ông là tín đồ của giáo phái Cơ đốc Phục lâm với lời răn dạy “Con không được giết người.” Trong gần 2 năm, cả nước Mỹ không biết đấy là Harlon trong bức ảnh, nhưng mẹ Belle của ông thi biết. Mẹ Belle, người đã van nài ông không nên tham gia cuộc chiến. Bà biết ông đã từ chối lời van nài của bà không phải vì muốn chiến đấu, nhưng khi ông trải qua sự chém giết trên vùng Thái Bình Dương, ông nhớ lại những lời răn dạy của bà.

        Nhung lúc này đã là quá muộn. Ông đã tham gia cuộc chiến.

        Ông sinh trưởng ở nơi được gọi một cách đơn giản là “Thung lũng.” Đấy là Thung lũng Rio Grande ở phần đáy của Bang Texas, vùng xa về miền đông. Harlon Block được sinh ra trong một trang trại ở đây, gần nơi Sông Rio Grande đổ vào Vịnh Mexico.

        Thung lũng có khí hậu nóng, nhưng không phải cái nóng khô ở phần lớn Texas. Khí hậu ở đây nóng ẩm, thuộc thời tiết bán nhiệt đới, với nhiều cây cọ mọc khắp nơi.

        Trang trại là kết quả dung hòa giữa người cha Ed Block và bà mẹ có nhũ danh Ada Belle Brantley. Đặc biệt là sự nhượng bộ của mẹ Belle. Cha Ed và mẹ Belle cưới nhau ở San Antonio vào năm 1917. Ngay sau đó, cha Ed ra đi chiến đấu ở Pháp trong Thế chiến I. Cũng ngay sau đó, ông phải nằm liệt vì cả hai bệnh sởi và quai bị. Sau khi bình phục ở Anh quốc, ông được điều làm tài xế xe cứu thương, và từ lúc này cho đến khi kết thúc cuộc chiến ông nhận nhiệm vụ chở thương binh từ những bến cảng đến những bệnh viện ở London.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:16:15 pm »


        Trong khi ông xa nhà, mẹ Belle sống một cách dè sẻn và cố để dành khoản tiền ông gửi về cho bà đi học và trở thành y tá. Khi cha Ed trở về, mẹ Belle chi một khoản tiền dành dụm để đóng học phí cho ông theo học một khóa về kinh doanh. Mẹ Belle yêu thích thành phố họ đang sống và xem mình là vợ của một nhà kinh doanh thành đạt ở đây.

        Sau khi kết thúc khóa học, cha Ed làm nghề trung gian mua bán bất động sản và tương đối thành đạt. Nhưng ông vẫn mơ đến việc thành lập trang trại, là tình yêu đâu đời của ông. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một tờ bướm trình bày Thung lũng Rio Grande. Nhờ sự phát triển của hệ thống thủy lợi, đất nông nghiệp ở vùng này đang bộc phát: những vườn chanh và những cánh đồng bông vải sẽ thay thế đâm rây lau sậy. Cha Ed quyết định mua một mảnh đất rộng khoảng 16 ha mà ông chưa hề trông thấy, rồi tháo ra chiếc cà vạt và không bao giờ mang lên nữa. Mẹ Belle cảm thấy thất vọng, bà không thích làm việc trên trang trại nhưng cha Ed vẫn hồ hởi vẽ ra một hình ảnh tươi đẹp. Ông là người thực tế, trù hoạch một cuộc sống mới dựa trên mảnh đất vừa mua. Belle là cô gái cứng cỏi nhưng cũng duy tâm, ít nhiều mơ mộng, và bị ông chồng có cá tính mạnh thuyết phục. Bà gạt qua những nỗi nghi ngại và đồng ý đi theo ông. Đây là thái độ nhượng bộ dung hòa đâu tiên của mẹ Belle.

        Thung lũng là một dải đất dài hơn 100 km được tạo ra bởi Sông Rio Grande, nằm giữa Mission về hướng tây và Brownsville về hướng đông của Bang Texas. Đây là vùng tách biệt khỏi Texas, có khí hậu khác biệt, có lối sống khác biệt.

        Nếu lái xe dọc Quốc lộ 83 trong thập kỷ 1930, người ta sẽ nhìn thấy đất đai bằng phẳng, phì nhiêu với chủ yếu là những trang trại nhỏ và đồn điền lớn, rải rác những thị trấn từ 1.000 đến 2.000 dân. Thung lũng không có nhà máy công nghiệp nào; mọi người đều là nông dân lao động trên mảnh đất của họ. Loại cây trồng tùy thuộc vào mùa hè và mùa đông.

        Mùa hè ở Thung lũng kéo dài từ tháng Ba đến tháng Mười. Thời tiết nóng và ẩm đến từ hướng đông-bắc mang theo gió thổi từ Vịnh Mexico. Vào mùa hè, cây trồng ở Thung lũng chủ yếu là bồng vải, mọc rất tốt dù lượng mưa không cao. Đàn ông thường hái bông vải bằng tay vào những ngày nhiệt độ lên đến 37 độ C và độ ẩm 90%.

        Từ Lễ Tạ ơn đến tháng Ba, gió từ miền bắc mang đến khí hậu mát mẻ, độ ẩm giảm đi. Cư dân của Thung lũng gọi đây là “mùa đông” và than phiền bị “lạnh” nếu nhiệt độ hạ xuống dưới 10 độ c.

        Vào mùa đông, cư dân trồng chanh và “hoa màu trên liếp”; Thung lũng trở thành một mảnh vườn bát ngát trồng bưởi, quýt, chanh, cà rốt, đậu, bông cải xanh và bấp cải.

        Không giống như phần còn lại của Bang Texas, ngành nuôi bò và khai thác đâu mò chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế của Thung lũng. Không có những đồng cỏ rộng; người ta nuôi bò trong chuồng khoanh. Có một ít dầu được tìm thấy ở vùng phía tây của Thung lũng, nhưng các giếng dầu đều ở khoảng cách xa.

        Những nông dân của Thung lũng ít bị ảnh hưởng của cơn Đại Suy thoái. Người Mỹ vẫn phải ăn để sống, nên cư dân ở đây lúc nào cũng có công ăn việc làm để sản xuất lương thực.

        Phía bờ bên kia của Sông Rio Grande là nước Mexico, vì thế ảnh hưởng của người Mexico thể hiện khắp Thung lũng. Nhũng tòa nhà kiểu Tây Ban Nha quét vôi trắng với mái ngói màu đỏ là hình ảnh quen thuộc. Các loại thức ăn cay của Mexico được tiêu thụ cùng với bánh mì kẹp thịt và xúc xích thuần Mỹ. Dân số gồm 20% người Mexico sống trong những khu biệt lập Công giáo nhưng cũng hòa hợp dễ dàng với người gốc Anh theo Tin Lành.

        Đời sống xã hội hằng ngày diễn ra xung quanh nông trại, trường học và nhà thờ. Những lễ hội hàng năm là nhằm đấu xảo những sản phẩm: củ cải đường hoặc cà rốt hoặc lợn. Những xe hoa được trang trí với đề tài sản xuất nông nghiệp diễu hành theo sau ban nhạc của trường trung học qua các đường phố chính của thị trấn. Cuộc “Biểu diễn Trang phục” gồm những phụ nữ trình diễn các kiểu thời trang làm bằng sản phẩm địa phương - cà rốt và củ cải đường cùng với cà tím và quả chà là. Một cô gái may mắn sẽ được đổi đời khi nhận danh hiệu “Nữ hoàng Chanh.”

        Thung lũng là một phần nhỏ của Bang Texas với những trang trại nhỏ và những thị trấn nhò. Một lớp học có thể chỉ có 8 học sinh. Một khóa tốt nghiệp trung học có thể chỉ gồm 45 học sinh. Đấy là nơi mà người ta không những quen thân với tất cả láng giềng, mà còn quý cả những con chó của láng giềng nữa.

        Gia đình Block khởi đầu một cách chật vật. Ngôi nhà mới xây không được bao lâu bị cháy rụi. Cha Ed phải nhận làm công cho một trang trại khác và thuê một ngôi nhà nhỏ để ở mà gây dựng lại. Mẹ Belle có một ý kiến giúp kiếm tiền. Bà đề nghị cha Ed dành tiền lương để cứ hai tháng mua một con bò. Chẳng bao lâu, họ lập được một trại nuôi bò sữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2018, 08:30:45 pm »


        Chảng bao lâu, gia đình đông thêm. Ed Jr. ra đời năm 1920, hai năm sau là Maurine, Harlon ra đời năm 1924. Sau đó còn có thêm ba em trai Larry, Corky, và Melford.

        Vì là con giữa trong một gia đình đông đúc, với người anh lớn hơn 4 tuổi và người chị lớn hơn 2 tuổi, Harlon không cần phải nêu gương; ông chỉ cần đi theo bước chân của anh chị mình.

        Harlon bắt đầu phụ giúp những công việc nhẹ nhàng. Ông được giao nhiệm vụ mở cánh cổng khi anh Ed Jr. dắt bò vào để vắt sữa. Khi Harlon lớn hơn, cha mẹ và ba anh em đầu mỗi người phụ trách vắt sũa 15 con bò hằng ngày, bắt đầu từ 3 giờ sáng. Chị Maurine và mẹ Belle cùng rửa chai và rót sữa vào. Rồi anh Ed Jr. đi giao sữa với giá khoảng 5 cent một lít. Vào cuối thế kỷ, Maurine kể lại: “Đấy là cách chúng tôi vượt qua cơn Đại Suy thoái.”

        Harlon là người phụ giúp đắc lực, luôn hoàn thành các công việc mà không phàn nàn gì cả.

        Mẹ Belle luôn cố gắng làm tốt cho gia đình và cố tìm nguồn vui trên trang trại. Nhưng bà cảm thấy khó khăn. Bà nhớ đời sống ở thành thị, nhưng vì thương chồng và các con mà bà cố thích ứng. Bà được nuôi nấng theo cuộc sống ở thành thị. Khí hậu nóng ẩm ở Thung lũng khiến mắt bà bị đỏ và chảy nước mũi vì bệnh suyễn và dị ứng với cỏ khô, và công việc vắt sữa khiến bà bị đau lưng. Maurine nhớ lại mẹ mình bắt đầu suy sụp như thế nào: Vào những buổi chiều tối bà bước ra ngoài, nhìn mông lung vào khoảng không gian trong nửa giờ đồng hồ, nói thì thầm với chính mình, rồi trở vào nhà.

        Có lẽ vì ước ao một cuộc sống khác, bà gia nhập Giáo hội Cơ đốc Phục lâm. Lúc vừa chuyển đến Thung lũng, mẹ Belle là tín đồ thuần thành của nhánh Tin Lành này, tin tưởng vào sự khai sáng địa cầu vào ngày thứ Bảy, sự xung đột giữa Chúa Jesus và Quỷ Satan, và việc Chúa trở lại sau một thiên niên kỷ, lúc đó người chết sẽ sống lại, quỷ dữ sẽ biến mất, và thời gian sẽ chấm dứt. Mẹ Belle cũng chấp nhận những điều răn dạy cấm rượu, ma túy và thực phẩm dơ bẩn; cấm chửi thề và dâm ô; cấm vi phạm Mười Giáo lệnh - kể cả điều Giáo lệnh dạy “Con không được giết người.”

        Tất cả tín đồ Cơ đốc đều vào nơi Giáo lệnh này, nhưng tín đồ Cơ đốc Phục lâm lại tin vào mãnh liệt hơn. Nhà sáng lập William Miller là một sĩ quan quân đội tham gia cuộc chiến năm 1812, nhưng sau khi chứng kiến cảnh giết chóc ông đâm ra nghi ngờ hành động của mình. Trẻ con các gia đình tín đồ này được dạy bảo không bao giờ được mang súng hoặc dao bởi vì Đức Chúa trời sẽ bảo vệ cho chúng. Những tín đồ Cơ đốc Phục lâm thường từ chối chiến đấu trong thời gian chiến tranh. Họ luôn luôn ủng hộ đất nước của mình, nhưng thường gia nhập ngành quân y để lương tâm được thanh thản.

        Nhưng nghĩa vụ của tín đồ Cơ đốc Phục lâm không phải chỉ tuân theo những điều cấm, mà còn phải tích cực giúp đỡ đồng đạo. Nhiều người trong số họ trở thành y tá, điều dưỡng, bác sĩ, và thầy cô giáo.

        Mẹ Belle là một y tá, bỏ ra nhiều thời giờ để chăm sóc những người bệnh nan y tại nhà của họ trong những ngày cuối cùng của đời họ. Bà dùng một phần tiền đã vất vả kiếm được để trả học phí cho các con theo học trường dòng Cơ đốc Phục lâm tại địa phương. Biết rằng con mình sẽ được giáo dục dưới sự che chở của giáo hội, bà nghĩ những hy sinh của mình là xứng đáng.

        Ông chồng cũng theo bước vợ mà gia nhập Cơ đốc Phục lâm, tham dự những buổi lẽ vào ngày thứ Bảy. Giống như nhiều đàn ông khác, ông noi gương bà vợ trong cuộc sống theo tôn giáo ở gia đình. Nhưng bà vợ là người tin tưởng và thực hành theo Kinh Thánh. Bà luôn tỏ ra sốt sắng giúp đỡ và nhiều người nhận biết được điều đó. Một đám trẻ khi muốn thay đổi cuộc sống đã đến ở với gia đình bà trong nhiều năm. Chúng tìm đến bà xin tá túc, ăn uống và bắt đầu một cuộc sống mới. Một cô gái nhỏ sống trong vùng, sau khi bị hiếp dâm, đi bộ một quãng đường hơn 6 km trong đêm tối để tìm đến nhà bà xin giúp đỡ.

        Harlon là người con chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ Belle và đức tin của bà. Ông lớn lên trong sự tin tưởng chắc chắn đâu là đúng và đâu là sai. ông tin Kinh Thánh là lời dạy của Chúa; Mười Giáo lệnh là khuôn vàng thước ngọc. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào quan điểm của thế giới trật tự ấy. Ông là một học trò thông minh - học bỏ qua lớp hai - và có tinh thần phóng khoáng. Khi làm xong công việc được giao phó, ông thích cưỡi ngựa không thắng yên để chạy đua cùng người bạn Mexico tên Ben Sepeda. Ben kể lại với tôi: “Harlon cưỡi một con ngựa trắng, một con ngựa tráng khỏe mạnh. Anh ấy là người can đảm và cả quyết. Chúng tôi cùng cưỡi ngựa về nhà tôi, rồi mẹ tôi đãi anh những món ăn Mexico. Anh ta thường mang theo một cái lọ để xin một ít mứt mang về nhà.”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 04:12:18 am »


        Harlon tỏ ra tự tin về bản thân mình và về tôn giáo của mình. Ông thấy mình không phải chứng tỏ gì cả. Không ai dọa nạt ông được. Bạn ông, Russell Youngberg, còn nhớ lúc người nào đấy phá phách một cái thang gấp dùng trong trường dòng Cơ đốc Phục lâm. Harlon cùng người bạn thân Russell ở trong số ba kẻ tình nghi. Ông hiệu trưởng gọi cà ba người vào văn phòng, bảo họ phải sửa lại cái thang rồi mới được ra sân chơi. Russell Youngberg vẫn giữ im lặng nhưng Harlon lên tiếng, ông nói cộc lốc, đi thẳng vào vấn đề: “Chúng tôi không làm việc đó, chúng tôi sẽ không sửa nó, ông không thể bât buộc chúng tôi, như thế là không công bằng.”

        Ông hiệu trưởng khất khe mặt đỏ nhừ nhưng không nói lời nào. Việc học tập của Harlon tại trường dòng Cơ đốc Phục lâm đã đi đến phần đầu của hồi kết.

        Thêm một vụ phá phách bí ẩn nữa xảy ra, lần này thủ phạm viết chữ tục tĩu trên bức tường nhà vệ sinh kế bên lớp học. Dĩ nhiên là vị hiệu trưởng mở cuộc điều tra. Khi ông hỏi đến Harlon, cậu học trò điềm tĩnh trả lời rằng mình biết ai đã làm việc ấy nhưng không muốn khai ra. Vì lý do này, vị hiệu trưởng đuổi Harlon ra khỏi trường.

        Harlon - và có vẻ như cả gia đình - sẵn sàng cho một cuộc thay đổi. Họ dời đến thị trấn kế cận có tên Weslaco, nằm trên một vùng bằng phẳng nhìn xuống Thung lũng. Tên của thị trấn là từ rút gọn của tên công ty lập lên thị trấn này: w. E. Steward Land Company (Công ty Địa ốc w. E. Steward).

        Mẹ Belle cương quyết bắt các con tiếp tục học trở lại trường dòng Cơ đốc Phục lâm. Nhưng Harlon không muốn quay về trường. Ông nghĩ mình đã học đủ những gì họ có thể dạy ông. Điều quan trọng hơn, ông thích chơi thể thao nhưng trường dòng không có chương trình giáo dục thể thao. Ông muốn tham gia môn bóng đá Mỹ lúc ấy đang thu hút cư dân ở thị trấn và thật ra trong toàn Bang Texas.

        Mẹ Belle không thích nói về việc này. Bà nghĩ đứa con nên cố gắng trở lại trường dòng. Và lại còn bóng đá! Bóng đá Mỹ là môn thể thao bạo lực và thường chơi vào tối thứ Sáu, là thời gian bắt đâu lễ Sa-bát hàng tuần. Thế nên bà không chấp nhận cho con chơi bóng đá.

        Mẹ Belle trình bày dứt khoát quan điểm của mình, còn đứa con chi so vai không nói không rằng, giống như mọi đứa trẻ khác ở lứa tuổi này khi bị cấm đoán. Mẹ Belle kêu gọi cha Ed ra kỷ luật với đứa con để bắt nó trở lại với trường dòng mà quên đi bóng đá. Cha Ed thì nghĩ Giáo hội Cơ đốc Phục lâm dạy điều tốt nhưng ông không cuồng tín như vợ, thế nên ông nghĩ không có gì tệ hại khi đứa con theo học trường công. Và ông lấy làm phấn khởi với ý nghĩ đúa con là cầu thủ bóng đá Mỹ.

        Mẹ Belle cảm thấy kinh hoàng. Hai vợ chồng tranh luận nhau, nhưng ông chồng vạch ra rằng họ không cần phải quyết định ngay: vì lẽ hai trường có thời khóa biểu khác nhau, cậu con trai còn thời gian trì hoãn bảy tháng trước khi vào Trường Trung học Weslaco. Thế là người cha có thời gian lần lữa và bảo bà vợ ông sẽ nói chuyện phải quấy với đứa con trai khi hai cha con cùng nhau lái xe tải chở dầu.

        Vài năm trước, khi cuộc Đại Suy thoái lên đến đinh điểm, giá sữa sụt giảm. Mỏ dầu được phát hiện cách McAllen 60 km về hướng tây, và cha Ed nảy một ý nghĩ kiếm ra tiền. Ông mua một chiếc xe tải chở dầu, thêm một chiếc, rồi thêm hai chiếc nữa, để vận chuyến dầu thô đến nhà máy lọc dầu Rado ở McAllen. Công việc khá nhọc nhằn, nhưng người cha nỗ lực làm việc để nuôi sống gia đình.

        Khi các cậu con trai đến tuổi trưởng thành, cha Ed giao cho chúng nhiệm vụ chở dầu thô. Thế là, khi Harlon có thời giờ rảnh rỗi và đủ trưởng thành - nhưng mẹ Belle nghĩ cậu vẫn còn quá nhỏ - người cha tuyển dụng Harlon làm một trong những tài xế cho ông. Đây là một công việc khổ nhọc: mỗi tuần vài chuyến lái xe trên quãng đường dài, thậm chí vào những ngày cuối tuần.

        Harlon xin nghỉ học trước khi năm học cuối cùng kết thúc để lái xe chở dầu cho cha. Mẹ Belle lo lằng, nhưng đứa con lại thích được độc lập và có cơ hội làm công việc của người đàn ông. Hai cha con trở nên thân thiết với nhau trong công việc. Harlon thực sự là nhân vật số hai, sẵn sàng thế chỗ cha khi công việc đòi hỏi. Cha Ed rất thích có cậu con trai làm việc với mình, và ông cảm thấy lo lắng khi thời gian hai cha con làm việc với nhau đến hồi chấm dứt. Nhưng ông nóng lòng mong đợi đến ngày được cổ vũ đứa con trai chơi bóng đá Mỹ.

        Mẹ Belle cảm thấy mình đang đánh mất đứa con trai - là đứa con duy nhất trong gia đình rời khỏi trường dòng Cơ đốc Phục lâm, thế nên bà cố đưa ông vào hoạt động trong những công tác xã hội kéo dài cả ngày Chủ Nhật. Nhưng lúc này đứa con đã là một thanh niên đẹp trai, thích tụ tập với bạn bè, thu hút nhiều cô gái trẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2018, 04:12:37 am »

 
        Mẹ Belle lo lằng khi thây đứa con có phần phóng túng. Rồi bà kinh hoàng khi cậu con trai mang về nhà một khẩu súng trường. Một khẩu súng trong mái ấm gia đình của mẹ Belle! Bạn bè của cậu con trai đều có súng để bẳn thỏ rừng, và Harlon cũng muốn tham gia trò vui. Một hôm, bà mẹ bước vào nhà thấy cậu con trai hồn nhiên chỉ dẫn mấy đứa em trai cách sử dụng khẩu súng. Mẹ Belle bảo cha Ed phải kỷ luật cậu con. Hai cha con trao đổi với nhau, nhưng ông không cương quyết lằm. Một thanh niên Texas mang một khẩu súng nhỏ thì có gì là sai trái? Thế là những lý tưởng của bà mẹ phải chịu dung hòa một lần nữa.

        Và rồi có nhiều lần bà mẹ bị giấu giếm về những hành động phá phách của cậu con trai. Em Mel nhớ lại khi anh Harlon và vài người bạn tập nấu rượu bằng cách trộn men và nước quả bưởi trong những cái vại rồi giấu trong nhà kho. Mel kể lại: “Trong hai tuần, các vại này đều nổ tung, nước chảy lênh láng khấp nhà kho. Cha chúng tôi thấy buồn cười, nhưng bà mẹ không hề biết.”

        Khi chuyển đến học tại trường Trung học Weslaco, cơ bắp đang phát triển của Harlon khiến ông nhanh chóng được nhận vào đội bóng đá Mỹ trường này, rồi nhanh chóng trở thành một ngôi sao tuy vẫn còn ngây thơ về những trò ma mãnh trong cuộc chơi.

        Harlon là cầu thủ kiên cường và giỏi chịu đựng. Trong một trận đấu, bằng cách nào đó đối thủ sừng sỏ ở Trường Trung học Donna biết được ông bị những ung nhọt đau đớn ở lưng và vai. Các chàng trai Donna tìm cách chạm vào vết thương nhưng ông không hề nao núng, mà còn ghi điểm cho đội nhà.

        Đúng hơn, Harlon giúp Weslaco kết thúc mùa bóng mà không thua trận nào. Ông hòa hợp tốt trong đội bóng. Với nhiệm vụ chính của ông là bắt lấy bóng rồi chuyền tiếp và ngăn chặn đối thủ, và với chiến thuật khô khan, lạnh lùng, đội bóng Panthers (Những con báo) của ông lần lượt chiến thắng hết đối thủ này đến đối thủ khác. Nhưng khi đội Panthers cần tấn công - một cú chuyên bóng quyết định - hai bàn tay to khỏe thường vác những thùng sữa lúc trước bây giờ tỏ ra đắc lực để bắt bóng.

        Harlon - đứa con giữa - yêu thích vai trò của mình trong đội bóng, sống hòa hợp với đông đội. Ông là người đóng góp vào chiến thằng, nhưng không phải là thủ quân hoặc cầu thủ phát động tấn công. Chức năng chính của ông là ngăn chặn đối thủ để đồng đội được rảnh tay chuyền bóng và ghi điểm.

        Ông chơi khá đến nỗi tờ báo sinh viên Weslaco Hi-Life viết bài ngợi khen. “Đá bóng mạnh, bắt bóng giỏi, nặng 75 kg, cao 1,8 m - đấy là những gì mô tả Harlon Block, hậu vệ phải của đội Panthers. Dù rằng đây là năm đầu tiên của anh ở Trường Trung học Weslaco và cũng là năm đầu tiên anh chơi bóng, có lẽ anh là một trong những cầu thủ có thiên bẩm nhất ở Thung lũng.”.

        Cho đến cuối mùa bóng 1942, đội bóng không thua trận nào. Halon cùng với Leo Ryan và B.R. Guess được tôn vinh là những cầu thủ hàng đầu Nam Texas. Leo luôn nghĩ rằng đội bóng có thể thẳng trong trận play-off toàn Bang Texas nếu không vì Đại Suy thoái khiến khan hiếm xăng dầu, xe buýt của đội bóng chỉ chạy quanh quẩn trong vùng Thung lũng. Dù sao, đấy là đội bóng khiến nhiều người nhớ mãi. Hình ảnh của họ xuất hiện trên khắp các tờ báo địa phương.

        Nhưng mẹ Belle không nhìn ra đứa con mình là ngôi sao bóng đá Mỹ. Bà vẫn thiết tha mong gia đình tuần thủ lễ Sa-bát của Cơ đốc Phục lâm từ chiều thứ Sáu đến chiều thứ Bảy. Trong khi Harlon chơi bóng tối thứ Sáu, bà vẫn ngồi nhà, trầm lặng lo lắng cho linh hồn đứa con trai. Người phụ nữ tín đồ Cơ đốc hãnh diện này không bao giờ chấp nhận cách thức đúa con trai xông ra đời như là một thanh niên trưởng thành. Bà lo sợ cho tâm linh của Harlon, nghĩ là mình đã mất mát đúa con trai. Harlon quá phóng túng, thường xa cách gia đình. Mẹ Belle than phiền với cha Ed.

        Harlon là đúa ngỗ nghịch dưới mắt của mẹ, nhưng xét theo cách sống của đa số thanh niên thì ông khá ngoan ngoãn. Trong đám đông, Harlon tỏ ra e lệ và đỏ mặt khi nghe kể chuyện tiếu lâm. Leo Ryan nói Harlon lo lắng về bề ngoài của mình và không bao giờ nghĩ có người con gái nào thích mình. Ông thường nói với bạn bè: “Các cậu cứ đi mà không cần chờ tôi; tôi không thể hẹn hò với ai đế đi chung.”

        Nhưng các cô gái cảm thấy có điều gì đặc biệt nơi Harlon. Anh Ed Jr. kể lại rằng có nhiều cô gái vây quanh em trai mình. Trong nhiều bức ảnh đen trắng của Harlon có một cô gái trẻ ra vẻ hạnh phúc đứng sát bên.

        Nhưng các cuộc giao tiếp đều trong sáng theo cách thức của những chú nhóc. Cô gái lúc ấy mà Harlon mến, mà nhiều người nghĩ ông sẽ kết hôn khi chiến tranh kết thúc, là Catherine Pierce. Bà kể lại với tôi: “Hai chúng tôi cùng đi xem phim với nhau, và cùng dự lễ nhà thờ. Chúng tôi mến nhau, chúng tôi hẹn hò nhung không bao giờ đến mức nắm tay nhau.”

        Chằng bao lâu, Harlon ra đi tham dự cuộc chiến. Chẳng bao lâu, Harlon là biểu tượng cho lòng dũng cảm đối với cả thế giới. Nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi của ông, có lẽ Harlon chưa từng hôn cô gái nào.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM